Vương Duy 王維 (699–759), tự là Ma Cật 摩詰, người huyện Kỳ (thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Cha mất sớm, mẹ là một tín đồ thờ Phật suốt ba mươi năm. Do đó, Vương Duy chịu ảnh hưởng tư tưởng của đạo Phật. Vương Duy tài hoa từ nhỏ, đàn hay, vẽ giỏi, chữ đẹp, văn chương xuất chúng. Năm 19 tuổi, Vương Duy đến Trường An, được Kỳ Vương Lý Phạm mến tài; đỗ đầu kỳ thi của phủ Kinh Triệu. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm Ðại Nhạc thừa rồi bị giáng làm tham quân ở Tế Châu. Sau nhân Trương Cửu Linh làm Trung Thư lệnh, ông được mời về làm Hữu Thập di, Giám sát ngự sử, rồi thăng làm Lại bộ lang trung. Trong thời gian này, thanh danh của ông và em là Vương Tấn vang dậy Trường An. Sau đó đến lượt Trương Cửu Linh lại bị biếm, Vương Duy đi sứ ngoài biên ải và ở Lương Châu một thời gian. Khi An Lộc Sơn chiếm kinh thành, Vương Duy bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau khi bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Một hôm An Lộc Sơn mở đại yến tại ao Ngưng Bích, có các nhạc công của Lê viên tấu nhạc, khiến mọi người cảm xúc rơi lệ. Vương Duy nghe bài ấy cảm thương làm bài thơ sau:
Ngưng Bích trì
Vạn hộ thương tâm dã sinh yên
Bách quan hà nhật tái triều thiên.
Thu hòe hoa lạc không cung lý,
Ngưng Bích trì đầu tấu quản huyền.
Ao Ngưng Bích
Muôn hộ đau thương khói tỏa mờ,
Bao giờ quan lại được chầu vua ?
Hoa hòe rơi rụng cung thu vắng,
Ngưng Bích rền vang tiếng trúc tơ.
Sau khi loạn yên, Vương Duy được tha tội và phục chức, chính nhờ bài thơ này, và nhờ có Vương Tấn, đang làm hình bộ thượng lang, xin giải chức chuộc tội cho anh. Về sau, Vương Duy làm đến chức Thượng thư hữu thừa.
Ông giỏi văn nghệ, ưa tiêu dao, nên tuy làm việc với triều đình nhưng vẫn thích nơi có cảnh quan yên tĩnh. Ông được gần vua, các cận thần và được quý trọng vì am hiểu văn chương nghệ thuật. Song trong lòng đã sẵn hướng về thiên nhiên nên thơ ông tả nhiều thú điền viên sơn thủy. Ông có một trang viên riêng cho mình, ở đó ông gảy đàn, thổi sáo và làm thi phú.
Ông để lại khoảng 400 bài thơ, trong đó có những bài thơ thời trẻ, bộc lộ tâm trạng của lớp tri thức có tài có chí không được dùng, sống trong cảnh hàn vi, còn bọn công tử quý tộc dốt nát lại giàu có, rong chơi xa hoa, trụy lạc.
Những tháng năm ở biên cương, thơ ông có tình điệu khẳng khái, hiên ngang, đề cao lòng yêu nước, tinh thần hăng hái của những người lính canh giữ biên cương, sẵn lòng vì một triều đại đang mở mang, hướng tới thịnh vượng (Sứ chí tại thượng, Lũng đầu ngâm, Lão tướng hành,...)
Thơ Vương Duy có một phần nổi bật quan trọng đó là thơ thiên nhiên. Do thú ưa thích một lối sống thanh tao, phong nhã, tâm hồn ông hoà nhập với cảnh sống thanh bình của làng quê yên ấm. Thơ ông miêu tả núi sông hùng vĩ, cảnh làm ruộng, gặt hái, lấy sự chất phác đôn hậu của đời sống dân chúng cần mẫn trên đồng ruộng làm nền. Thơ ông còn đắm trong tư tưởng hỷ xả từ bi của đạo Phật.
Thơ Vương Duy có phong cách riêng, có chất hùng tráng và thâm trầm. Tài thơ của ông giàu có ở cách thể hiện những đề tài khác nhau, việc miêu tả thiên nhiên tinh tế và đầy sống động. Ngôn ngữ thơ cô đọng và điêu luyện, phù hợp với những ý tứ sâu sắc, truyền cảm.
Ngoài tài thơ ra, Vương Duy còn sành âm nhạc, giỏi thư pháp và hội họa. Tranh sơn thủy của ông mở đầu cho lối họa Nam Tông. Người ta thường khen ông là: "Trong thơ có họa, trong họa có thơ" (Thi trung hữu họa, Họa trung hữu thi).
Ðối với Phật giáo đương thời, Vương Duy có địa vị cao trong Nam phái thiền tông. Người đời sau gọi ông là Thi Phật.
1. Đề hữu nhân vân mẫu trướng tử 23. Lộc trại 45. Tống biệt (III)
2. Đào Nguyên hành 24. Lâm hồ đình 46. Tống Kỳ Vô Tiềm lạc đệ hoàn hương
3. Đáp Bùi Địch 25. Lưu biệt Thôi Hưng Tôn 47. Tống Trầm Tử Phúc chi Giang Đông
4. Đăng Biện Giác tự 26. Liễu lãng 48. Tức phu nhân
5. Điểu minh giản 27. Mạnh Thành ao 49. Tây Thi vịnh
6. Ca Hồ 28. Mộc Lan sài 50. Tích vũ Võng Xuyên trang tác
7. Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ 29. Nam mang 51. Tương tư
8. Câu Trúc lĩnh 30. Ngẫu nhiên tác kỳ 6 52. Thanh khê
9. Chước tửu dữ Bùi Địch 31. Ngưng Bích trì 53. Thù Trương Thiếu Phủ
10. Chung Nam biệt nghiệp 32. Phụng ký Vi thái thủ bộ 54. Thù Tri phiến
11. Dữ Lô viên ngoại Tượng quá Thôi xử sĩ Hưng Tôn lâm đình 33. Quá Hương Tích tự 55. Thiếu niên hành
12. Du Lâm ca 34. Quy Tung Sơn tác 56. Thu dạ độc toạ
13. Du Lý sơn nhân sở cư nhân đề ốc bích 35. Quy Võng Xuyên tác 57. Thu dạ khúc
14. Hạ nhật quá Thanh Long tự yết Thao thiền sư 36. Sơn cư thu minh 58. Trúc Lý quán
15. Hồng mẫu đơn 37. Sơn thù du 59. Vị Thành khúc
16. Hỷ đề bàn thạch 38. Sơn trung 60. Vị Xuyên điền gia
17. Hàn thực ti thượng tác 39. Sơn trung ký chư đệ muội 61. Võng Xuyên nhàn cư
18. Hoa Tử cương 40. Tạp thi 62. Võng Xuyên nhàn cư tặng Bùi tú tài Địch
19. Kỳ thượng biệt Triệu Tiên Chu 41. Tảo thu sơn trung tác 63. Văn Mai quán
20. Ký Sùng Phạm tăng 42. Tặng vi mục thập bát 64. Xuân dạ Trúc Đình tặng Tiền thiếu phủ quy Lam Điền
21. Khốc Mạnh Hạo Nhiên 43. Tống biệt (I) 65. Y Châu ca
22. Lạc Dương nữ nhi hành 44. Tống biệt (II) 66. Yên Chi hành