Mai Thảo
Mai Thảo sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927 tại chợ Cồn, thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong gia đình giàu có nhờ buôn bán và làm ruộng. Tuy nhiên, nguyên quán của ông thì ở làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh), nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Thuở nhỏ, Mai Thảo học tiểu học ở trường làng, học trung học ở Nam Định rồi lên Hà Nội tiếp tục học ở trường Đỗ Hữu Vị (sau đổi tên là trường Chu Văn An).
Năm 1945, ông theo nhà trường sơ tán lên Hưng Yên. Khi chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ năm 1946, ông theo gia đình từ Hà Nội tản cư về quê là chợ Cồn (Nam Định). Sau đó, ông rời nhà vào Thanh Hóa tham gia kháng chiến. Ông viết báo, rồi theo các đoàn văn nghệ đi khắp nơi từ Liên khu III, Liên khu IV đến chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn chương ông.
Năm 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến về thành đi buôn. Năm 1954, ông di cư vào Nam, gia nhập làng báo. Ông viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt... Trước kia, Mai Thảo làm nhiều bài thơ (có cả kịch thơ) từ năm 16, 17 tuổi, khi vào đây ông chuyên viết văn, không còn làm thơ nữa.[1]
Năm 1956, ông chủ trương báo Sáng tạo, gây được tiếng vang. Năm 1956, ông chủ trương báo Nghệ thuật, và từ 1974, ông trông nom tạp chí Văn. Ngoài ra, ông còn tham gia chương trình văn học nghệ thuật của Đài phát thanh Sài Gòn từ 1960 đến 1975.
Ngày 4 tháng 12 năm 1977, Mai Thảo vượt biển. Sau nhiều ngày đêm trên biển, thuyền tới Pulau Besar, Mã Lai.
Đầu năm 1978, được người em bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Ít lâu sau, ông cộng tác với tờ Đất Mới của Thanh Nam và một số báo khác tại hải ngoại.
Tháng 7 năm 1982, ông tái bản tạp chí Văn, làm Chủ biên đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.
Nhà văn Mai Thảo mất tại Santa Ana, California (Hoa Kỳ) ngày 10 tháng 1 năm 1998.
☆☆☆☆☆
Mai Thảo (Nguyễn Đăng Quý): Làm báo, viết văn. Sinh ngày: 8-6-1927 tại Nam Định (Bắc Việt)
Tác phẩm: Đêm giã từ Hà Nội 1956, Tháng giêng cỏ non 1957, Mái tóc dĩ vãng 1963, Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời 1964,Khi mùa mưa tới 1964, Căn nhà vùng nước mặn 1966, Sau khi bão tới 1967, Đêm lạc đường 1967, Bầy thỏ ngày sinh nhật 1968, Tới một tuổi nào 1968, Dòng sông rực rỡ 1968, Cũng đủ lãng quên đời 1968, Người thầy cũ 1968, Mười đêm ngà ngọc 1968, Chuyến tàu trên sông Hồng 1969
Mai Thảo
Và giông gió cuộc đời
Kể từ ngày dòng sông Bến Hải mang cái nhục chia đôi toàn quốc, dòng nước nhỏ nhoi kia được cả thế giới biết đến và được coi như biên thuỳ mới cho hai chế độ trong một quốc gia. Dòng sông tự nó có hay biết gì đâu, vẫn chảy êm đềm, bình dị qua những bến bờ quen thuộc trước khi đổ xuôi rồi hoà mình vào đại dương. Và nhịp cầu bắc ngang để nối liền Quốc lộ 1 cũng được sơn hai màu xanh, đỏ để phân định hai nếp sống của một dân tộc.
Từng chuyến phi cơ cất cánh từ trường bay Gia Lâm bên kia dòng Hồng Hà, trong những sớm sương mù trùm phủ xóm làng, đồng ruộng, làm mờ vóc dáng thương yêu của bờ tre, khóm chuối, của những khuôn cửa hè phố Hà Nội cổ kính. Rồi từng chuyến tàu rời bến Hải Phòng bỏ lại những nhà máy, ống khói, bỏ lại cửa biển với vịnh Hạ Long, những con người ra đi về phương Nam.
Từ ngày đó đến nay đã trên 15 năm. Thời gian đi những bước nhè nhẹ trong nhịp luân hành của vũ trụ nhưng vô cùng nhanh rộng đối với chu kỳ của một kiếp người hay những con người chưa nguôi ngoai tình quê hương.
Giữa cái nhịp sống hoang mang và bỡ ngỡ trên mảnh đất mới, Mai Thảo đột nhiên xuất hiện trên vòm trời văn nghệ như một vì sao lạ với Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp và một nhóm sinh viên di cư hiện diện trong khuôn khổ tờ Người Việt.
Nói đến Mai Thảo, tức là nói về sự bứt thoát giữa hiện tại và quá khứ, là nói đến một khoảng không gian tinh khôi, ở đây, những suy tư mới được phác lên với bao niềm tin yêu nồng cháy. Mai Thảo, nhà văn có lập trường rõ rệt. Những điều cần phải viết ra, đều được viết một cách dứt khoát, nhất là về vấn đề chống cộng trong lãnh vực văn nghệ. Bị cuộc sống đẩy vào con lộ “một chiều” giữa khung cảnh Hà Nội năm 1954, Mai Thảo đành phải lên đường, chẳng những bỏ lại thành phố Hưng Yên với căn nhà vùng nước mặn, bỏ lại quê hương mà còn đau nhất là cuộc biệt ly giữa tuổi tình yêu đọng tên hai mái tóc ngắn, dài. Cái tâm trạng u sầu đó, Mai Thảo biến thành căm thù rồi đem căm thù căng giữa lòng giấy trắng, dùng chiều sâu của suy tư để đưa nó vào một khung cảnh, một trạng huống vừa khích động vừa lôi cuốn người đọc vào ý muốn của mình.
Mai Thảo khởi hành từ Đêm giã từ Hà Nội là tác phẩm đầu tay làm quen với độc giả bằng những truyện ngắn – ở đấy – Mai Thảo ký thác rất nhiều tâm sự, thứ tâm sự chua chát của kẻ vừa đánh mất gia tài. Do đó, ngoài sự cảm thông phần nội dung của toàn tập truyện, người đọc nhận ra sự hứa hẹn về bút pháp trong tương lai của một nhà văn di cư gần ba mươi tuổi. Thực ra, Đêm giã từ Hà Nội không phải sự hiện diện thứ nhất để ghi nhận một tài năng, mà Mai Thảo đã viết từ ngày còn đi kháng chiến. Đêm giã từ Hà Nội chỉ là kết quả đầu tiên của những năm luyện tập âm thầm trong bóng tối. Cánh cửa vào đời văn chương mở ra để đón nhận Mai Thảo với nhiều bao dung ở giữa một xã hội tạm ổn định về chính trị cũng như quân sự.
Tác phẩm thứ hai của Mai Thảo, Tháng giêng cỏ non ra đời vào năm 1956, Sáng Tạo xuất bản. Tác phẩm này gồm 10 truyện ngắn đã đăng tải ở tạp chí Sáng Tạo do Mai Thảo làm chủ nhiệm. Tháng Giêng cỏ non là nhan đề truyện đầu của tập truyện. Bút pháp của Mai Thảo ở tập truyện này đã sắc, nhưng nội dung vẫn chỉ chuyên chở nội tâm với ít nhiều quá khứ trộn lẫn hiện tại.
Nói cho đúng, giai đoạn này, Mai Thảo chỉ là nhà văn tình cảm. Chính vì tình cảm chan chứa ở trong lòng nên cái được viết ra, được nói lên hoàn toàn nằm trong lãnh vực “chủ thể” với tất cả cái “tính bản thiện” hiện rõ ràng trong cách “thu xếp”, “dàn trải” cốt truyện và nhân vật. Không có sự quá độ trong văn chương cũng như ý nghĩ ở Mai Thảo. Nó chung chung. Nó không đau cái đau xé ruột mà cũng không vui cái vui hồn nhiên. Nó thoang thoảng như mùi hương thiên lý về khuya. Nó lãng đãng như phiến mây trong vòm trời bát ngát. Nó là cái cay đắng vừa phải, cái chua chát chịu được. Nó là bản chất đôn hậu trong một người có ý-thức.
Tháng Giêng cỏ non nói về một người nông dân tên Sạng bỏ vợ con vào Nam vì bị nghi làm chỉ điểm cho “Tây đoan” bắt rượu lậu trong nhà người anh em chú bác. Anh Sạng đối với tác giả có nhiều kỷ niệm. Lúc vào Nam, tác giả gặp lại Sạng thì biết anh đã có thêm một người vợ người Nam. Nay vợ con Sạng ở Bắc cũng di cư vào, sự tình trở nên rắc rối. Nhưng rồi Sạng thu xếp cho Nam Bắc một nhà, vui vẻ cả. Đây, cái lối dựng truyện của Mai Thảo cách đây hơn 10 năm nó như thế với những đoạn văn thật đẹp:
Thời gian nghiêng đi. Từ ngày gặp anh Sạng, đến nay đã được sáu tháng. Trong thành phố rộng lớn, cuộc sống tiến tới là sự kết thành của những lớp đổi thay mãnh liệt. Mỗi ngày một hình thức mới. Mỗi ngày một màu sắc mới, một tâm tình mới.
… Vậy mà mùa Xuân đã về rồi. Mùa Xuân của những ngả đường cỏ non, của những ngày khởi đầu nhung lụa, của những đợt khói hương thơm ngát trong đêm Giao Thừa, của buổi gặp lại, của ngày trở về. Mùa Xuân tự do thứ nhất ở đây vẫn chứa đựng cái hình ảnh muôn đời đôn hậu của Đoàn Viên…