Nhà thơ Đoàn Văn Cừ - Giải thưởng Nhà nước về VHNT - vừa ra đi ngày 27.6, hưởng đại thọ ở tuổi 92. Nói về mình về thơ ca, Ðoàn Văn Cừ tâm sự: "Ngót 60 năm cầm bút, tôi chỉ có một ước mơ khiêm tốn: Trong thơ góp một đường cày/ Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa
***
Thứ Ba, 29/06/2004, 16:37 (GMT+7)
Thương tiếc nhà thơ Ðoàn Văn Cừ - một hồn quê thắm thiết
Nhà thơ Ðoàn Văn Cừ |
Có một sự trùng hợp chăng, khi tác giả thứ hai của Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Chân (Nguyễn Đức Phiên) - em ruột nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh - cũng đã chia tay cuộc đời trước Đoàn Văn Cừ có 3 ngày. Đọc lại những lời viết về Đoàn Văn Cừ hôm nay lại thấy mình cũng có tâm trạng như Hoài Thanh (tháng 10.1941): "Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bỗng bâng khuâng".
Bâng khuâng không chỉ vì chúng ta phải vĩnh biệt Đoàn Văn Cừ mà giống như dòng mở đầu của Hoài Thanh khi bình thơ ông: "Những hình ảnh cuộc đời VN xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gấp ghi chép thì rồi chẳng còn biết tìm kiếm vào đâu"; cách đây hơn 60 năm mà Hoài Thanh còn đã tiên định như thế thì nay còn đáng lo đến đâu khi những "ghi chép" hiếm hoi như Đoàn Văn Cừ lần lượt rời bỏ chúng ta?
Trong dòng thơ đồng quê VN, Hoài Thanh đã chọn Đoàn Văn Cừ 4 bài, bằng với Anh Thơ và hơn Bàng Bá Lân 2 bài với lời nhận xét tinh tế và chính xác: "Nhưng đời sống ở đồng quê có một nhịp nhàng riêng, thể văn tiểu thuyết không diễn ra được. Phải có thơ. Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ...".
Không chỉ là người yêu quê hương một cách mênh mông chung chung, Đoàn Văn Cừ có những khát vọng khác hẳn thế hệ "ông đồ già" (thơ Vũ Đình Liên), ông tâm niệm: "Trước cách mạng, tôi làm thơ nhằm mục đích tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống người nông dân lao động thời Pháp thuộc còn mang đậm dấu vết sinh hoạt người Việt cổ. Sau cách mạng, có hoài bão xây dựng trên trang thơ mô hình một làng quê VN kiểu mới, văn minh, giàu đẹp hiện đại".
Tất nhiên cái khát vọng thứ hai của Đoàn Văn Cừ chưa thành cũng là điều dễ hiểu, bởi ước mơ ấy còn là của dân tộc, phải phấn đấu gian khó và rất dài lâu. Một đời thơ được như ông cũng quá là thành công và có vị thế riêng không chỉ trong thơ ca VN.
Nói như Hoài Thanh - một người có tiếng là nghiêm khắc và công bằng - "Đoàn Văn Cừ trước sau chỉ có sáu bảy bài thơ. Bài nào cũng hay", bởi lúc đó Đoàn Văn Cừ chưa xuất bản "Thôn ca I" (1944) và sau này ông có nhiều tập thơ, diễn ca nữa, nhưng quả thật "Thôn ca I" với những bài được con mắt xanh của Hoài Thanh để ý vẫn là những viên ngọc trong sáng tác của Đoàn Văn Cừ.
Đoàn Văn Cừ từng dạy học, tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định, rồi tòng quân, làm công tác biên tập Nhà xuất bản... một đảng viên có gần 50 năm tuổi Đảng nhưng suốt đời ông vẫn là người gắn bó máu thịt với nông thôn, vẫn là một nhà thơ "chân đất", xứng đáng với điều nguyện ước của mình là một "Kẻ sĩ thời đại Bác Hồ". Trở về công tác tại quê hương Nam Định từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông "ở ẩn", trước mọi thứ bon chen danh lợi và suốt đời sống và làm việc với ước mơ khiêm tốn: "Trong thơ góp một đường cày/Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa".
Hoài Thanh bảo "nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết...". Hỡi ôi, Tết bây giờ đã khác và sẽ khác dù cũng như Hoài Thanh, "ta đành chờ mùa xuân khác", nhưng mãi mãi không bao giờ còn có những bài thơ níu giữ những mùa xuân của làng quê Bắc Việt hay như thế của Đoàn Văn Cừ. Những mùa xuân ấy đã xa xưa và Đoàn Văn Cừ cũng đã vào cõi xa xưa...
Theo LĐ - ND