Tâm Thanh
Tâm Thanh & Khánh Hà
Na Uy
MT Xuân Đỗ - NHỚ TÂM THANH, NHÂN NGÀY GIỖ ĐẦU 9 THÁNG TƯ 2016 ĐỌC LẠI “LỆNH TRIỆU BAN RỒI” của TÂM THANH
Nhà văn Tâm Thanh mất ngày 9 tháng Tư Đau Buồn năm 2015 tại Oslo Na Uy, nơi anh nhận làm quê hương thứ hai, sau ngày Việt Nam Công Hòa bị bức tử, rơi vào tay Cộng Sản.
Để tưởng nhớ đến người bạn tài hoa, hiền hòa và chí tình trong ngày giỗ đầu của anh, tôi đọc lại tác phẩm cuối cùng, “Lệnh Triệu Ban Rồi. Một trường hợp ung thư” (không xuất bản và chỉ phổ biến hạn chế trong bạn bè thân thuộc, viết lách).
Trong Lời Ngỏ, TT viết: “Bác sĩ Yacub từ bệnh viện Rikshospitalet điện thoại báo tin bạn bị ung thư tuyến tụy. Đang lúc nói chuyện, bạn không thấy buồn bã chi cả, có lẽ thần kinh trơ ra chăng. Sau khi buông điện thoại xuống bạn mới bắt đầu thẫn thờ. Nhưng không phải là cảm giác sụp đổ, có thể vì bạn đã chuẩn bị tinh thần trong tám tuần lễ chờ kết quả thử nghiệm... nhưng chính yếu là vì bạn nghĩ mình đã 74 tuổi, ra đi cũng là vừa...Như những người Á Đông lớn tuổi khác, bạn thường suy niệm về sinh lão bệnh tử, nhưng chưa bao giờ cảm thấy những điều này gần gũi, thiết thân với bạn như bây giờ.Vì vậy bạn càng cảm thấy rằng ra đi lúc nào không quan trọng bằng cách nào - cách nào giúp bạn sống những ngày còn lại một cách phong phú và hạnh phúc. Đôi lúc do cơ thể suy nhược, tinh thần xuống theo. Nhưng vợ con, bằng hữu, chị em và Đấng Thương Xót đỡ bạn dậy.Kết quả là mỗi giai đoạn của bệnh tật - từ triệu chứng đến chẩn đoán, điều trị và chăm sóc, từng giờ, từng phút - là mỗi bước mon men tới bình an chân thực....”Từ đấy, trong hai năm (2013-2015) TT nhìn lại chính mình, từ thời thơ ấu bên cạnh gia đình, ba mẹ, anh chị em, bạn bè, đến người yêu, người vợ, con cái, thời cuộc, đất nước và phần đời tha hương nơi quê người, Na Uy....Nhìn lại cuộc đời trong bảy mươi lăm năm anh trải qua, thật “bình an chân thực” như những dòng hồi ức nhẹ nhàng và rõ ràng nhất dù anh không dự trù viết hồi ký.Anh lập gia đình với người bạn gái xứ Mỹ Tho, sau năm năm thư từ qua lại... như một giấc mơ và nhờ bệnh tật mà giấc mơ đó thành sự thật. TT viết “Tình yêu đến với bạn như giấc mơ, như phép lạ. Nước cam lồ rót vào bạn qua cái phễu bất hạnh, đau đớn, bệnh tật.”Đó là, thời đó, anh sinh viên tự lập thân, nghèo, thông minh, quyết tâm học hành, thức khuya, dậy sớm, ăn uống thiếu thốn, nên khi đậu xong tú tài II, đang hãnh diện bước vào ngưỡng cửa trường Đại học Văn khoa, làm hồ sơ nhập học, đi chụp hình phổi, mới khám phá ra, mình bị bệnh nám phổi. Anh xin vào bệnh viện Thánh Tâm, Hố Nai, do các tu sĩ dòng Thánh Gioan Thiên Chúa thiết lập và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo không phân biệt tôn giáo. Anh nằm điều trị được ba tháng, bệnh tình thuyên giảm. Khi nghe tin bệnh viện Hồng Bàng, Sài Gòn vừa mở một khu Bệnh Phổi, dành riêng cho sinh viên, với nhiều phương tiện, máy móc, thuốc men đầy đủ hơn, anh xin được chuyển về và nằm bệnh viện Hồng Bàng trong sáu tháng. Bệnh phổi của anh được chữa trị hoàn toàn.May mắn đến tiếp với anh. TT đậu vào Đại Học Sư Phạm Ban Triết, được lên học ở Viện Đại Học Đà Lạt trong ba năm và khi tốt nghiệp, được bổ nhiệm về dạy học tại trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa.Năm 1966, TT đậu vào Cao Học Hành Chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và năm sau 1967, người yêu và người vợ cũng đậu vào Cao Học Kinh Tế, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, sau anh một khóa.Từ đấy anh có một gia đình nho nhỏ, đầm ấm, tràn đầy hạnh phúc. Ra trường, anh trở thành Giảng viên tại Viện Tu Nghiệp Quốc Gia vừa mới thành lập và được học bổng đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Chị Khánh Hà, người vợ, sau một cuộc tình năm năm, thật đẹp như “hồn bướm mơ tiên”, về làm việc tại Bộ Tài Chánh.Hạnh phúc bên vợ con, anh vẫn không quên một thuở hàn vi và nhiều bất hạnh, sau những năm chiến tranh 1945 tại quê nhà ngoài Bắc.Năm 1950, vừa 11 tuổi, mẹ mất trong khi Bố bị Việt Minh (tiền thân của Cộng Sản Việt Nam) bắt bỏ tù vì tình nghi làm Việt Gian. Anh được bố gởi cho người em, một Linh Mục, vào học trường Dòng và nhờ vậy năm 1954, theo trường di cư vào Nam, trong lúc Bố kẹt lại và sau đó bị đưa ra đấu tố cho đến chết.Đầu năm 1975, tình hình chiến sự Việt Nam trở nên sôi động. Cộng Sản Việt Nam biết rằng, sau khi ký kết hiệp định Paris ngày 27 tháng giêng năm 1973 về chiến cuộc Việt Nam, nước Mỹ quá mỏi mệt, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, nên bắt đầu tấn công tỉnh Phước Long như một thăm dò sự can thiệp của Hoa Kỳ. Khi thấy Hoa Kỳ chỉ đe dọa suông, Việt Cộng tấn công Ban Mê Thuộc, các tỉnh Cao Nguyên, vùng II chiến thuật.Như những con cờ domino, các tỉnh vùng Cao Nguyên, vùng I và các tỉnh địa đầu vùng III, rơi vào tay Cộng Sản Sài Gòn bị bao vây và sắp rơi vào vũng máu của sự tàn sát.Từ Mỹ, TT theo dõi tình hình Việt Nam qua báo chí, truyền thanh, truyền hình và biết rằng số phận Việt Nam Cộng Hòa sắp rơi vào tay Cộng Sản, anh quyết định về nước mặc dù thời gian học còn nhiều và bạn bè cả Mỹ lẫn Việt đều can ngăn anh, nhưng anh không thể bỏ vợ con, nên anh đã trở về Sài Gòn trong những ngày sôi động của tháng Tư Đau Buồn, trong lúc ở Sài Gòn người ta xôn xao, tìm mọi phương tiện để ra đi.Ngày 30 tháng Tư Đau Buồn sập xuống, Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử. Anh ôm vợ con cùng khóc cho thân phận mình, cho vận nước và cho dân tộc Việt Nam bước vào một trang sử đen tối.Anh và vợ, chị Khánh Hà tránh khỏi việc đi tù học tập cải tạo vì là những chuyên viên không giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền Miền Nam thời đó, và lối xóm, biết anh chị như những nhà giáo, ngày ngày đi dạy học.Để sinh sống, TT bung ra như mọi người, kiếm việc lao động để sống còn và để không bị đưa đi vùng kinh tế mới. Ngày ngày anh cũng thuê một chiếc xe xích lô, đẩy qua lại trước khu xóm anh cư ngụ, nhưng không đạp nổi để chở hành khách, kiếm tiền.Có người quen rủ đi làm nghề đánh cá ngoài biển, vùng Cần Giờ Vũng Tàu. Anh nghĩ đây là một cơ hội học nghề đi biển, để có việc làm ăn, kiếm tiền sinh nhai và nhất là, có thể chuẩn bị cho một cuộc vượt biên mơ ước, khi thuận tiện và thời cơ đến.Cơ hội đó năm năm sau, năm 1980, mới ló dạng khi bạn bè chung nhau mua ghe, chuẩn bị cho một cuộc ra đi vào “cửa tử để tìm cửa sinh”.Như các vụ vượt biên bằng ghe nhỏ trên biển khơi khác, chiếc ghe của nhóm anh chỉ khoảng 12 thước bề dài, 3 thước bề ngang. Dụng cụ vượt biển chỉ là một chiếc la bàn nho nhỏ và thức ăn, nước uống cho hơn năm mươi người, gồm cả đàn bà, trẻ em, chỉ sơ sài vài ba thùng nước và những gói mì khô ăn liền.Lênh đênh trên biển khơi ba hôm đầy sóng lớn, nắng nhiệt đới thiêu đốt và liên tục kêu cứu các tàu buôn quốc tế đi ngang qua lại, có đến 29 chiếc tàu, giả ngơ, giả đui, giả điếc lướt qua. Một cơn bão sắp đổ đến, mọi người lâm râm cầu nguyện Chúa, Phật, Ông Bà Tổ Tiên cứu nạn. Một chiếc tàu buôn đến gần, chiếc tàu có tên Sea Speed Dima do một vị thuyền trường người xứ Na Uy, Bắc Âu, bất chấp lệnh của hãng tàu, không được cứu người tỵ nạn, đã cập đến bên cạnh tàu, cứu mọi người lên tàu, chở vào cảng Singapore.Từ đó TT, cùng vợ, hai con và bạn bè trên chiếc tàu vượt biên, bắt đầu một cuộc hành trình mới, đến một nơi tận Bắc Âu, một xứ lạnh nhưng có tình người đầm ấm, để bắt đầu một cuộc đời mới của kẻ tha hương.Anh lại bắt đầu làm lại cuộc đời ở tuổi trung niên từ con số không, nhưng lần bắt đầu lại này, anh tìm thấy hứng khởi, hạnh phúc và niềm tin yêu bên vợ con, bên bạn bè và xứ sở Na Uy, quê hương thứ hai sau Việt Nam đang quằn quại trong gông cùm Cộng Sản.Trong ba mươi lăm năm (1980 – 2015) anh chị đã học được và thông thạo một ngôn ngữ mới, tiếng Na Uy, một ngôn ngữ mới đối với người Việt Nam vì trong nền giáo dục Việt Nam từ trước, chỉ có hai ngoại ngữ được giảng dạy là tiếng Pháp và tiếng Anh.Anh chị trở thành chuyên viên trong ngành Bưu Điện. TT còn tiến xa hơn, trở thành Thông Dịch Viên Hữu Thệ trong hai ngôn ngữ Việt - Na Uy và chuyển qua làm việc trong ngành truyền thông, đài truyền hình Quốc Gia Na Uy NRK, một thông tín viên.Khi cuộc sống ổn định, con cái vào trường học, TT và Khánh Hà ngoài cái thú du lịch đó đây trên khắp các nơi trên thế giới, còn hăng say viết lách, làm thơ. TT viết và in năm cuốn sách: Thiên Nga giữa cõi người, Gỗ thức trên rừng, Thiên Hương về Trời, Nụ cười xã hội chủ nghĩa, truyện dài Ngọn hải đăng bỏ hoang (không in).TT đi vào nền văn học Na Uy, tìm đọc các trước tác của các tác giả từ cổ điển qua hiện đại, và tâm đắc với vở kịch thơ Peer Gynt của đại thi hào Henrik Ibsen, một tác phẩm kịch thơ cổ điển giá trị của Na Uy. TT cùng vợ, chị Khánh Hà chuyển ngữ qua tiếng Việt, một việc làm được ông cựu Bộ Trưởng Văn Hóa và cũng là Chủ Tịch Ủy Ban Ibsen Na Uy, Lars Roar Langslet, nhiệt liệt thán phục và khen ngợi.Chị Khánh Hà cũng in ba tập thơ: Cõi Thơ, Ở Đây và Cuối Đường, đóng góp vào nền văn học Việt hải ngoại.Trong thời gian bệnh ung thư tụy tạng tái phát và đi vào giai đoạn nguy kịch, TT nằm trị bệnh tại nhà, bên vợ con săn sóc. Lệnh Triệu Ban Rồi được TT thai nghén và viết ra, như những câu thơ chị KH:Sống thêm được một ngàyHay bao nhiêu ngày nữaRồi cũng ra đi thôiKhi lệnh triệu ban rồi...(Chung Cuộc)Trong đau đớn của thân xác, tinh thần, trí nhớ và suy tưởng của anh sáng suốt vô cùng. Anh nhớ từng người, từng cử chỉ, lời nói, từng tiếng cười, ánh mắt trong những ngày tháng giao tiếp.Khi đến Na Uy, quê hương mới của người mất quê hương, thành phố Skedsmokorset hiện ra trong thanh tịnh, e ấp. Anh chị và hai con rụt rè, lo ngại trong hồi hộp, căng thẳng. Trong âm thầm, những món quà của những hàng xóm, láng giềng mới đưa đến trước cửa nhà. Một tuần, hai tuần trôi qua trong dò dẫm, thăm dò nhau, rồi một biến cố nhỏ, cậu con trai làm bể tấm cửa gương trước cửa nhà, gió lạnh và tuyết bay, đổ ập vào nhà. Ông láng giềng Na Uy vội vàng mang tấm gỗ ép, búa đinh, sang đóng lại tấm cửa cho anh chị. Và từ đó tình bạn chòm xóm, láng giềng bền chặt trong bao nhiêu năm và lan tràn ra cả khu phố. Người bạn Na Uy đầu tiên đó là Arne Moller và dần dần trong giao tiếp có thêm các bạn Na Uy mới khác như vợ chồng Hirsti và Sunvald, Nilsen v.v...Trong viết lách anh chị gặp thêm những nhà văn, nhà thơ khắp nơi trên thế giới như anh Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài), chị Trần Mộng Tú; anh Đào Anh Dũng ở Minnesota, chưa lần nào gặp nhau nhưng qua thư từ và các bài viết, xem nhau như những người bạn cố tri, ở Mỹ.Các anh Phạm Tín An Ninh, Nguyễn Văn Thực/Thà, Cung Vĩnh Viễn, chị Song Chi, chị Kim Anh ở Na Uy vv...những bạn văn thơ gặp nhau, ở Oslo, bên ly cà phê, bên bàn bài “binh xập xám”, bên các cuộc họp mặt thân mật, các bạn bè đồng hương, đều được TT nhắc đến bằng những gợi nhớ các kỷ niệm thật đẹp một thời.Anh nhớ lại từng khuôn mặt các đàn anh và bạn bè đồng môn, tốt nghiệp từ Học Viện Quốc Gia Hành Chánh mà anh và chị Khánh Hà đã theo học Ban Cao Học và trong hơn bảy năm và sau khi tốt nghiệp, ra trường về làm việc tại các Phủ, Bộ và Viện Tu Nghiệp Quốc Gia tại Sài Gòn.Các đàn anh đồng môn như Nguyễn Bá Cẩn, Cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện và Thủ Tướng Chính Phủ, anh Châu Kim Nhân, Cựu Bộ Trường Tài Chánh, anh chị Nguyễn Duy Vinh & Hồ Ngọc Dung, bạn thân của chị Khánh Hà từ trường tiểu học, trung học và đại học nay hẹn gặp nhau ở Paris sau khi chạy từ Hòa Lan gặp nhau.TT cũng nhắc đến người đàn anh Nguyễn Đắc Điều, đồng môn và là bạn thân của người anh ruột, anh Ngô Dức Lưu, cũng tốt nghiệp từ Quốc Gia Hành Chánh khóa 6 Ban Đốc Sự, anh Ngô Đức Lưu mất sớm, để lại trong anh nỗi nhớ về gia đình, bố mẹ, chị em.Trước khi thảnh thơi ra đi, anh đã rũ bỏ tất cả hệ lụy thế gian trong bao năm của cuộc sống. Anh chỉ mong mang theo hành trang cuối đời những hình ảnh đẹp, cao cả và tích cực, tuy cuộc sống của anh từ thơ ấu rất hiền lành, không nghịch ngợm, phá phách, ngỗ nhịch như các đứa trẻ khác. Vào đời anh gặp người yêu và cũng là kẻ đưa bàn tay ra cùng anh tìm được hạnh phúc, cùng bước vào đời, bước qua bao khó khăn do thời cuộc xô đẩy đến. Đến cuối cuộc đời, khi Đấng Thương Xót trao lệnh triệu về dưới chân Thiên Chúa, anh ngoan ngoãn ra đi.Trong viết lách, suy tưởng, các điều anh viết ra chứa đựng tất cả tính cao cả của quan niệm nhân sinh, anh yêu tha thiết cuộc đời này, nhưng vẫn hướng về một nơi vĩnh cửu ngoài cuộc đời, một Nước Chúa, một Cõi Phật.... Ba tập truyện ngắn của anh mang tư tưởng siêu thực đó Thiên Nga Giữa Cõi Người, Thiên Hương Về Trới, Gỗ Thức Trên Rừng và tản mát trong các truyện ngắn và truyện dài Ngọn Hải Đăng Bỏ Hoang.TT ra đi được một năm. Hương linh anh chắc đã về nơi miên viễn, ngoài Cõi Người, về cõi Thiên Hương và Gỗ trên rừng đưa tiễn anh.Quận Cam California ngày Giỗ Đầu Tâm Thanh Mồng Tám tháng Tư năm 2016.