Jan 10, 2025

Biên khảo

Ngựa Kỳ Ngựa Ký / Tài xem tướng ngựa của Bá Nhạc
Webmaster * đăng lúc 05:08:02 PM, Feb 28, 2015 * Số lần xem: 3151
Hình ảnh
#1

                   Ngựa Ký Kéo Xe Muối (ký phục diêm xa)


      Trong các loài ngựa, có ngựa kỳ và ngựa ký được gọi là thiên lý mã, vì mỗi ngày chúng có thể chạy được hàng nghìn dặm. Có một người họ Tôn tên Dương, tự là Bá Nhạc, sống dưới đời Tần Mục công, rất có tài xem tướng ngựa. Một hôm ông đi qua vùng Ngu bản, gặp một con ngựa ký già bị người ta bắt kéo một xe muối lên núi Thái hàng. Móng nó duỗi ra, đầu gối nó khuỵu lại, mồ hôi rỏ xuống đầm đìa. Giữa dốc nó thụt lùi, ráng đội càng xe lên nhưng không lên được nữa. Bá Nhạc trông thấy, xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cởi áo mà phủ cho nó. Nó cúi đầu xuống mà phì hơi, ngưỡng cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời như tiếng kim tiếng thạch. Vì sao nó phản ứng như vậy? Vì nó biết Bá Nhạc là ngươi thông cảm cho tình cảnh của nó.

     Đời nhà Đường, văn hào Hàn Dũ có bài Thiên lý mã, đại ý như sau: Đời có Bá Nhạc rồi sau mới có thiên lý mã. Thiên lý mã thường có mà Bá Nhạc chẳng thường có. (Vì không có Bá Nhạc) cho nên dù là danh mã thì cũng chỉ bị nhục nơi tay kẻ tôi tớ, chết nơi xó chuồng máng cỏ mà thôi, chẳng bao giờ được nổi danh thiên lý. Ngựa mà đi được hàng nghìn dặm, mỗi lần ăn thường hết một thạch thóc. Người nuôi nó không biết cái hay thiên lý của nó nên không cho nó ăn đầy đủ, do đó tài nghề giỏi dắn không xuất hiện ra được, dẫu muốn cùng ngựa thường so sánh còn chẳng được thay, làm sao cầu cái hay nghìn dặm cuả nó? Quất nó chẳng đúng phép, nuôi nó chẳng hợp với tài cuả nó, bắt nó hí mà không hiểu được ý cuả nó rồi than phiền rằng: “Thiên hạ không có ngựa” (Thiên hạ vô mã dã). Than ôi! Kỳ thật không có ngựa ư? Kỳ thật là không biết ngựa vậy!(Ô hô! Kỳ chân vô mã da? Kỳ chân bất tri mã dã!). Đời sau có thành ngử “Ký phục diêm xa” (Ngựa Ký kéo xe muối), ám chỉ những ngươi có tài năng mà không được ai biết tới hoặc không được dùng đúng chỗ.

                                                               ****************************************


Tài xem tướng ngựa của Bá Nhạc thật nổi tiếng. Đương thời người ta đã biết vận dụng "thương hiệu" Bá Nhạc để kiếm tiền. 

Nói đến ngựa, người ta hay nhắc đến Bá Nhạc là người rất biết xem tướng ngựa, chăm nuôi ngựa và còn cả một quyển Mã kinh (Kinh điển về ngựa) còn truyền ở đời. Bá Nhạc họ Tôn tên Dương, sống vào thời Xuân Thu bên nước Tàu.

Chuyện kể rằng sau khi có được quyển Mã kinh của cha, con trai Bá Nhạc ngày ngày nghiền ngẫm, cũng thuộc được ít nhiều, tâm đắc nhất câu “Một con ngựa tốt thật sự nhất định phải có trán nhô cao, mắt rất lớn, móng chân to và ngay ngắn”. Một hôm ra đường thấy một con cóc, con trai Bá Nhạc ngẫm đến câu trong Mã kinh, liền bắt con cóc về nhà khoe với cha: "Có con ngựa hay, con bắt được về cha xem. Chỉ có mỗi điều là chân nó không được to mà thôi". Bá Nhạc thấy vậy thì thật dở khóc dở cười, đành nói với con trai: "Con ngựa này cũng tốt đấy, nhưng nó hay nhảy quá, không ai cưỡi được nó đâu!".


Tranh cưỡi ngựa của Triệu Mạnh Phủ. Nguồn: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn


Tài xem tướng ngựa của Bá Nhạc thật nổi tiếng. Đương thời người ta đã biết vận dụng "thương hiệu" Bá Nhạc để kiếm tiền. 

Có một người nuôi ngựa, dắt ngựa ra chợ bán. Anh ta đứng đã 3 ngày rồi mà không có người đến hỏi mua ngựa, bèn đi đến nhờ Bá Nhạc: "Mời ngài đi một vòng đến chỗ ngựa tôi đứng. Lúc đến thì nhìn nhìn tôi, rồi đi qua, sau đó lại quay đầu ngó ngó tôi. Chắc chắn tôi sẽ tạ ơn ngài rất hậu". 

Rồi Bá Nhạc nhận lời đến. Ông đi đến bên con ngựa, lim dim con mắt nhìn một hồi, lúc đi qua, lại quay mình lại đưa tay vẽ từ trên xuống trên mình ngựa một hồi, rồi mới bỏ đi. 

Bá Nhạc vừa đi khỏi thì có rất nhiều khách chen nhau đến, vây quanh bên chủ nhân của con ngựa, coi ngựa hỏi giá. Lập tức, giá của con ngựa tăng cao gấp mười, bán vèo một cái xong ngay.

Trong các loài ngựa, có ngựa kỳ và ngựa ký được gọi là thiên lý mã, vì mỗi ngày chúng có thể chạy được hàng nghìn dặm. Một hôm Bá Nhạc đi gặp một con ngựa ký già bị người ta bắt kéo một xe muối lên núi Thái Hàng. Móng nó duỗi ra, đầu gối nó khuỵu lại, mồ hôi rỏ xuống đầm đìa. Giữa dốc nó thụt lùi, ráng đội càng xe lên nhưng không lên được nữa. Bá Nhạc trông thấy, xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cởi áo mà phủ cho nó. Nó cúi đầu xuống mà phì hơi, vươn cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời như tiếng kim tiếng thạch. Vì sao thế? Ấy bởi nó đã gặp được Bá Nhạc là người hiểu nó mà cảm kích vậy.


Tranh ngựa của Từ Bi Hồng (1895-1953). Nguồn: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn


Về sau này đến đời Đường có văn sĩ nổi tiếng Hàn Dũ viết một bài thuyết về thiên lý mã và Bá Nhạc như sau:

"Đời có Bá Nhạc rồi sau mới có ngựa thiên lý. Ngựa thiên lý thường có mà Bá Nhạc không thường có. 

Cho nên tuy có ngựa hay cũng chỉ chịu nhục trong tay kẻ nô lệ rồi cùng chết ở trong chuồng, bên máng, không được khen là ngựa thiên lý. 

Ngựa vào hạng thiên lý, mỗi lần ăn có thể đến một thạch thóc. Người nuôi ngựa không biết là ngựa thiên lý mà nuôi, thành thử ngựa tuy có tài thiên lý mà ăn không được no, sức không được đủ, tài không hiện ra ngoài, dù muốn bằng sức ngựa thường cũng còn chẳng được, mong gì đi được ngàn dặm? Cầm cương nó không phải phép, nuôi nó không cho ăn đủ, nó hí mà không hiểu ý nó; rồi lại giơ roi chỉ nó bảo rằng: "Trong thiên hạ không có ngựa hay!". 

Than ôi! Có thực là không có ngựa chăng? Chính là không biết được ngựa đấy!"

Thế nhưng sách Trang Tử lại chép chuyện Bá Nhạc chăm ngựa thế này. 

"Ngựa có móng để dẫm lên sương tuyết, có lông để chống gió lạnh. Chúng ăn cỏ, uống nước, co giò nhảy nhót. Đó là chân tính của chúng. Chúng có cần gì đến đài cao, chuồng rộng đâu. 

Một hôm Bá Nhạc bảo: “Tôi khéo nuôi ngựa”, rồi đốt, hớt lông chúng, gọt và đánh dấu móng chúng, làm chuồng có sàn gỗ cho chúng ở. Mười con có hai ba con chết. 

Ông bắt chúng chịu đói chịu khát, phải chạy nước kiệu, phải phi, dùng cái ách bắt chúng đứng yên thành hàng, dùng hàm thiếc khớp mõm chúng, dùng roi quất vào mông chúng, và ngựa chết già nửa."

Khi Bá Nhạc đã già, vua Tần Mục Công hỏi tiến cử người biết tìm ngựa. Bá Nhạc nói: "Ngựa thường thì có thể quan sát hình dáng, gân cốt, nhưng ngựa thiên lý thì không có tiêu chuẩn nào, khó mà nắm vững được. Nó chạy nhanh như tên bay, không tung bụi, không thấy vết chân. Con cháu tôi đều là những người kém tài, có thể dạy chúng chọn ngựa tốt bình thường, chứ không thể dạy chúng chọn được ngựa thiên lý. Tôi có người bạn thân là Cửu Phương Cao. Ông ta có tài xem tướng ngựa chẳng kém gì tôi, xin vua cho mời ông ấy”.

Tần Mục Công cho gọi Cửu Phương Cao, và sai ông ta đi tìm ngựa thiên lý. Sau ba tháng, trở về, Cửu tâu rằng: "Đã tìm thấy ở Sa Khâu”. Mục Công nói: "Con ngựa ra sao?”. Cửu Phương Cao đáp: "Con ngựa cái lông vàng”. 

Mục Công sai người đến Sa Khâu lấy ngựa, thì là con ngựa đực lông đen. Mục Công không vui, gọi Bá Nhạc đến bảo: "Dở quá, ông tiến cử người chọn ngựa mà màu sắc, đực cái cũng không phân biệt được, thì làm sao mà chọn được ngựa thiên lý?”. Bá Nhạc thở dài nói: "Tài hiểu biết về ngựa của ông ấy cao siêu lắm. Giỏi hơn tôi gấp nghìn vạn lần! Cái mà ông ta quan sát là thực chất tinh thần: nắm cái bản chất, bỏ qua biểu hiện thô thiển nông cạn; quan sát nội dung mà bỏ qua hình thức, ông ta chỉ nhìn cái cần nhìn, không nhìn cái không cần nhìn, ông ta chỉ quan sát cái nên quan sát, mà bỏ đi cái không nên quan sát. Cách quan sát sự vật của Cửu Phương Cao có ý nghĩa to lớn hơn cách xem tướng ngựa bình thường”. Đem ngựa về, quả nhiên là ngựa thiên lý nổi tiếng trong thiên hạ.

ThS. BS. Nguyễn Quốc Thái

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.