(Tác giả: Đỗ Ngọc Thạch)
Lý Bạch(*) là nhà thơ lớn thời Đường, là một ngôi sao sáng chói trên thi đàn Trung Quốc từ thời nhà Đường đến nay. Người ta thường gọi ông là Thi Tiên (Trích Tiên Lý Bạch).
Học giả Lý Dương Băng trong "Thảo Đường Tập Tự" đã có câu nói bất hủ về thiên tài Lý Bạch “Thiên tải độc bộ, duy công nhất nhân” (Hàng ngàn năm chỉ có một mình ông mà thôi). Hơn một ngàn bài thơ của Lý Bạch còn để lại có một ảnh hưởng rất sâu rộng trong lịch sử văn học Trung Quốc và được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. Ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, nhiều học giả đã dày công nghiên cứu thi ca Lý Bạch và luôn tìm thấy những vẻ đẹp mới của thơ Lý Bạch. Thơ của Lý Bạch rất giản dị tự nhiên, không cầu kỳ chải chuốt, gọt dũa mà ý thơ sâu sắc, có sức truyền cảm mạnh mẽ và sức quyến rũ một cách lạ lùng. Người ta gọi Lý Bạch là “Người Trung Hoa kim cổ kỳ nhân” chính vì vậy.
Lý Bạch là thiên tài của những bài thơ Tuyệt Cú (4 câu 5 chữ), ngắn gọn, nhưng cô đọng, hàm súc, là những tuyệt tác bất hủ được lưu truyền trong nhân gian từ đời này qua đời khác. Bài thơ Tĩnh Dạ Tư (cảm nghĩ đêm vắng) của Lý Bạch là một kiệt tác tuyệt vời trong thế giới Đường Thi trùng điệp …. Hình thức cô đọng thâm thúy của bài thơ ngũ tuyệt 20 chữ này đã làm cho thể thơ Ngũ Tuyệt này có vẻ đẹp kỳ ảo như một viên kim cương tinh xảo, nhìn phái nào cũng lung linh sáng, nhất là khi “Thi trung hữu nguyệt” – trong thơ có trăng:
Phiên âm Hán-Việt:
Tĩnh dạ tư
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Ðê đầu tư cố hương !
Dịch Nghĩa:
Đầu giường, ánh trăng rọi sáng,
Tưởng là sương trên mặt đất
Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê cũ
Dịch Thơ :
Cảm nghĩ đêm yên tĩnh
Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Tương Như dịch.
Về bài thơ này, có rất nhiều dị bản. Trước hết là nhan đề bài thơ: có hai cách gọi tên bài thơ, đều rất nhiều người dùng, là Tĩnh dạ tứ và Tĩnh dạ tư và dịch là Cảm nghĩ đêm thanh tĩnh, hoặc Xúc cảm đêm trăng. Còn ở trong các câu thơ, có hai dị bản là: câu 1 : Sàng tiền khán nguyệt quang và câu 3: Cử đầu vọng sơn nguyệt.
Tĩnh Dạ Tứ
Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thương sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
Trần Trọng San dịch:
Ý Nghĩ Trong Đêm Vắng
Trước giường ngắm ánh trăng sa,
Trắng phơi mặt đất, ngỡ là ánh sương
Ngẩng đầu trông ngắm vầng trăng;
Cúi đầu lại nhớ xóm làng ngày xưa.
Còn tại sao lại viết là “Cử đầu vọng sơn nguyệt” thì học giả Vương Vận Hy phân tích: "Nhìn nhận cho kỹ trong thơ Lý Bạch, "Sơn nguyệt" và "Cố hương" hình như có liên hệ đặc biệt trên con đường lữ hành rời đất Thục, Lý Bạch đã viết bài tuyệt cú "Nga mi sơn nguyệt ca" … Ông yêu cố hương Yên sơn và nguyệt núi Nga Mi (**). Thuở nhỏ ông thường lên đỉnh núi Nga Mi (Tứ Xuyên) ở quê cha đất tổ để ngắm trăng, và sau khi đi ngao du sơn thủy, nỗi nhớ quê hương của ông thường dâng trào mãnh liệt … Do đó khi ở quê hương khác trong đêm yên tĩnh nhìn trăng sáng vượt qua đầu núi chiếu vào giường, ông nghĩ đến núi và trăng ở Nga mi, nghĩ đến chuyện quê hương là chuyện tất nhiên”.
Và chữ Sàng ở đầu bài thơ, theo Lương Bạch Tuyền, giám đốc viện bảo tàng Nam Kinh thì “sàng” chỉ vật chắn che trên mặt giếng nước trong sân nhà, chứ không phải là giường ngủ trong nhà. Cho nên sàng dịch thành giường là không ổn! Có thể nhà thơ đang đứng ngoài sân, cạnh nơi giếng nước chứ không phải đang nằm trên giường!
Lý Bạch đã làm khoảng hơn 20.000 bài thơ, nhưng làm bài nào vứt bài đó, nên được biết tới là nhờ dân gian thuộc rồi ghi chép lại. Sau loạn An Lộc Sơn thì mất rất nhiều. Đến khi ông mất năm 762 thì người anh họ Lý Dương Lân thu thập lại, thấy chỉ còn không tới 1/10 so với người ta truyền tụng. Sang năm 1080, Sung Minh Chiu người Hàn Quốc mới gom góp lại tập thơ Lý Bạch, gồm 1800 bài. Ðến nay thì thơ Lý Bạch còn trên dưới 1000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, vì thế một bài có nhiều dị bản là chuyện thường tình!
Một bài thơ khác của Lý Bạch cũng viết trong đêm trăng và cũng rất cảm động:
Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ
Ngưu chử Tây Giang dạ
Thanh thiên vô phiến vân
Đăng chu vọng thu nguyệt
Không ức Tạ tướng quân
Dư diệc năng cao vịnh
Tư nhân bất khả văn
Minh triều quải phàm khứ
Phong diệp lạc phân phân...
Dịch thơ:
Bến Ngưu đêm sông Tây,
Trời xanh không gợn mây.
Trăng thu lên thuyền ngắm,
Nhớ Tạ tướng dâng đầy.
Ngâm thơ thừa giọng tốt,
Người xưa cũng chẳng hay.
Buổi mai dong thuyền sớm,
Xao xác lá phong bay.
Ngô Văn Phú dịch.
Lý Bạch là người phóng túng, hay đi đây đó, làm thân lữ khách nơi quán trọ tha phương, xa nhà, xa quê, xa gia đình bạn bè … Làm ẩn sĩ trên núi được 2 năm, ông lại hạ sơn, bắt đầu làm hiệp sĩ, đi lùng hết các thắng cảnh ở Hà Bắc, Giang Tây, Tràng An... Đến năm 20 tuổi, Lý Bạch đã đi khắp nước Thục, ông lại về Tứ Xuyên với gia đình, chuẩn bị tiền đi đường và tiền mua rượu cho cuộc hành trình sắp tới. Ông đến làm dưới trướng của thứ sử Ích Châu là Tô Dĩnh, được ông này khen là thiên tài, "có thể sánh với Tư Mã Tương Như”(1).
Năm 723, Lý Bạch mặc áo trắng, đeo một bầu rượu lớn, tay kiếm tay bút lên đường ngao du sơn thủy. Khoảng ba năm, ông đã tới hầu hết danh lam thắng cảnh nổi tiếng Trung Hoa, như hồ Động Đình, sông Tương, Kim Lăng, Dương Châu, Ngô Việt, Giang Hạ...Đến năm 726, ông đến Vân Mộng kết duyên cùng cháu gái của Hứa tướng công. Thời gian này tài năng thơ nở rộ. Đến 30 tuổi thì tiếng tăm đã vang đến triều đình. Được mời làm quan, nhưng ông không nhận.
Năm Khai Nguyên thứ 23 (735), ông đi chơi ở Thái Nguyên, gặp Quách Tử Nghi (2) đang ở tù, ông xin giúp, Quách liền được thả. Ông lại dẫn vợ rong chơi qua nước Tề, Lỗ, rồi định cư ở Nhiệm Thành. Đến đây Lý Bạch lại được Khổng Sào Phủ (***), Hàn Chuẩn, Bùi Chính, Đào Cái, Trương Thúc Minh - những ẩn sĩ đương thời - rủ lên núi Tồ Lai thưởng ngoạn, rồi say sưa ở Trúc Khê. Nhóm này được người ta gọi là "Trúc Khê lục dật".
Năm đầu niên hiệu Thiên Bảo (742) Lý Bạch đi chơi Cối Kê, cùng với đạo sĩ Ngô Quân ngụ tại Viễm Trung (tỉnh Chiết Giang). Khi Ngô Quân được triệu về Trường An, bèn đem Lý Bạch đi theo. Tại kinh đô Lý Bạch gặp Hạ Tri Chương (3), lúc này đang làm chức Thái Tử tân khách. Thoạt trông thấy ông, Hạ Tri Chương nói rằng: " Đây là một trích tiên giáng trần". Lý Bạch và Hạ Tri Chương trở nên đôi bạn rượu thơ . Nhờ sự tiến cử của Hạ Tri Chương, Lý Bạch được Đường Huyền Tông triệu vào bệ kiến tại điện Kim Loan, bàn về thế vụ đương thời, nhân dịp nào ông thảo tờ " Đáp Phiên thư ", và dâng thiên " Tuyên Đường hồng do ", được vua khen ngợi. Vua cho ngồi trên giường thất bảo , lại thân đưa canh cho ăn. Rồi hạ chiếu nói rằng :" Khanh là kẻ áo vải, được trẫm biết tiếng ; nếu không phải là vốn đã chất chứa đạo nghĩa, thì làm sao được như vậy !" ; và phong Lý Bạch làm học sĩ cung phụng tại Hàn Lâm, chuyên trách về mệnh lệnh mật. Thời kì này là thời kì vinh hiển nhất trong đời Lý Bạch.
Tại Trường An, Lý Bạch kết bạn với Hạ Tri Chương, Thôi Tông Chi, Vương Tiến, Tô Tấn, Trương Húc (4), Tiêu Toại, Lý Thích Chi, hiệu là " Tửu Trung Bát Tiên " (tám vị tiên trong rượu). Bài " Ẩm trung bát tiên ca " của Đỗ Phủ (5), nói về Lý Bạch có câu :
Lý Bạch nhất đẩu thi bách thiên,
Trường An thị thượng tửu gia miên;
Thiên tử hô lai bắt thướng thuyền,
Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
(Lý Bạch một đấu, thơ trăm thiên
Ngủ trong quán rượu tại Trường An;
Thiên tử kêu tới chẳng lên thuyền,
Tự xưng thần là tiên trong rượu).
Lý Bạch là người rất có tài nhưng lận đận, và ngán ngẩm với cuộc đời long đong, bất đắc chí, mà ông đã bỏ mặc đời, phiêu du đi tìm sự quên lãng với bầu rượu, trăng thơ, giữa cảnh thiên nhiên gợi tình, gợi cảm. Trong cảnh thiên nhiên đó, Lý Bạch đã cảm thấy cô độc vô cùng và tìm đến người bạn tình chung thủy đó là vầng trăng sáng soi giữa trời đêm bất tận, như Trịnh Cốc khi đọc thơ Lý Bạch đã viết : "Khi say khướt ngâm dài ba ngàn khúc, gửi lại cho nhân gian chỉ một vầng trăng sáng" ( Cao ngâm đại túy tam thiên thủ, lưu trước nhân gian bạn nguyệt minh).
Bài thơ Nguyệt hạ độc chước (Một mình uống rượu dưới trăng) là một bài thơ độc đáo mà Lý Bạch đã gửi lại cho nhân gian lung linh ánh trăng:
Nguyệt hạ độc chước
Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân
Cử bôi du minh nguyệt
Đối ảnh thành tam thân
Nguyệt tức bất giải ẩm
Ảnh tùng tùy ngã thân
Tạm bạn nguyệt tương ảnh
Hành lạc tu cập xuân
Ngã ca nguyệt bồi hồi
Ngã vũ ảnh linh loạn
Tỉnh thời đồng giao hoan
Túy hậu các phân tán
Vịnh kết vô tình du
Tương kỳ mạc vân hán.
Một mình uống rượu dưới Trăng
Vườn hoa với bầu rượu
Không bạn, uống mình ta
Mời trăng cùng nâng chén
Với bóng nữa thành ba
Trăng nào đâu biết uống
Bóng theo ta mặn mà
Cùng trăng bên cạnh bóng
Vui xuân thật thiết tha
Trăng mơ nhìn ta hát
Ta múa, bóng nghiêng qua
Cùng vui khi tỉnh rượu
Hết say người chia xa
Kết thân tình thắm thiết
Hò hẹn bến Ngân qua.
Lý Bạch và Trăng như hình với bóng, trong thơ Lý Bạch tràn đầy ánh trăng và nhìn vào Trăng, người ta thấy thơ Lý Bạch và như thấy hình bóng ông lúc ẩn lúc hiện. Có lẽ vì thế mà trong dân gian còn lưu truyền một chuyện rất đẹp về cái chết của ông: Lý Bạch chơi thuyền trên sông Thái Thạch (khúc sông Dương Tử ở chỗ có hòn Thái Bạch), trong khi say rượu thấy bóng trăng ở lòng sông ông nhảy choàng xuống để bắt lấy mà cùng với trăng vĩnh viễn an giấc ngàn thu!... Người đời sau dựng một cái đài ở đấy gọi là “Tróc nguyệt đài” (Đài bắt trăng)… Có những họa sĩ Trung Quốc đã vẽ những bức tranh "Lý Bạch bắt trăng" , Chu Tử Chi có câu thơ :
Tróc đắc giang tâm ba để nguyệt
Khước qui thiên hạ ngọc kinh tiên.
(Bắt được mặt trăng giữa lòng sông dưới đáy
Được thiên hạ gọi tiên Ngọc kinh )
Từ “nguyệt’ (trăng) trong thơ Lý Bạch xuất hiện với tần số cao (khoảng một phần ba số bài thơ có sự hiện diện của ánh trăng). Có khi từ “nguyệt” xuất hiện ngay trong nhan đề các bài thơ đó là những bài mang chủ đề về trăng như: “Nguyệt hạ độc chước” (Một mình uống rượu dưới trăng), “Nga Mi sơn nguyệt ca” (Bài hát trăng núi Nga Mi), “Quan sơn nguyệt” (Trăng nơi quan ải), “Bá tửu vấn nguyệt” (Nâng chén hỏi trăng)… Có những bài từ “nguyệt” không xuất hiện trong nhan đề bài thơ nhưng trăng đột ngột xuất hiện ở giữa bài thơ trong một câu thơ. Những bài như vậy rất nhiều: “Ngọc giai oán” (Oán hận trên thềm ngọc), “Tử Dạ Ngô ca” (Khúc ca Tử Dạ điệu nước Ngô), “Vương Chiêu Quân”, “Trường tương tư” (Nhớ nhau mãi), “Tái hạ khúc” (Khúc hát dưới ải), “Xuân nhật tửu khởi ngôn chí” (Ngày xuân say rượu tỉnh dậy nói chí mình), “Đảo y thiên” (Bài ca đập áo), “Ngọc giai oán” (Oán hận trên thềm ngọc) “Tống Dương Sơn Nhân quy Tung sơn” (Tiễn Sơn Nhân họ Dương về núi Tung), “Văn Vương Xương Linh tả thiên Long Tiêu dao hữu thử ký” (Từ nơi xa gửi tới Vương Xương Linh (6) khi nghe bị giáng chức đổi đi Long Tiêu)…
Trong bài Quan san nguyệt, vầng trăng của Lý Bạch lại tái hiện giữa một không gian mênh mông cùng với nước, gió, mây ngàn:
Quan san nguyệt
Minh nguyệt xuất Thiên San,
Thương mang vân hải gian.
Trường phong kỷ vạn lý,
Xuy độ Ngọc Môn quan.
Hán hạ Bạch Đăng đạo,
Hồ khuy Thanh Hải loan.
Do lai chinh chiến địa,
Bất kiến hữu nhân hoàn.
Thú khách vọng biên sắc,
Tư quy đa khổ nhan.
Cao lâu đương thử dạ,
Thán tức vị ưng nhàn.
Dịch nghĩa:
Trăng nơi quan ải
Vầng trăng nhô lên khỏi núi Thiên San,
Giữa khoảng trời mây nước biển mênh mang.
Gió thổi lan xa mấy vạn dặm,
Qua cửa ải Ngọc Môn.
Quân Hán kéo xuống con đường dẫn tới thành Bạch Đăng.
Rợ Hồ dòm ngó vịnh Thanh Hải.
Xưa nay từ nơi chiến địa,
Không thấy có người về.
Người lính thú ngắm nhìn cảnh sắc nơi biên giới,
Lòng nhớ nhà vì nghĩa đến ngày về nên vẻ mặt có nhiều nét đau khổ.
Đêm nay trên lầu cao (có người),
Hẳn cũng than thở hoài không thôi.
Trăng quan san
Vừng trăng ra núi Thiên San,
Mênh mang nước bể mây ngàn sáng soi.
Gió đâu muôn dặm chạy dài,
Thổi đưa trăng sáng ra ngoài Ngọc Môn.
Bạch Đăng quân Hán đóng đồn,
Vịnh kia Thanh Hải dòm luôn mắt Hồ.
Từ xưa bao kẻ chinh phu,
Đã ra đất chiến, về ru mấy người?
Buồn trông cảnh sắc bên trời,
Giục lòng khách thú nhớ nơi quê nhà.
Lầu cao, đêm vắng, ai mà,
Đêm nay than thở ắt là chưa nguôi.
Bản dịch Tản Đà
*
Hình ảnh Trăng cũng thấy trong nhiều bài thơ Đường nổi tiếng. Mặc dầu khai thác cùng một ý tứ, một chủ đề, nhưng mỗi nhà thơ có tài hoa sáng tạo khác nhau, để tạo nên những sắc thái tình cảm riêng biệt độc đáo, phù hợp với mỗi tâm tư hoàn cảnh khác nhau.
Bài thơ Sương Nguyệt của Lý Thương Ẩn (8) là một bức tranh Thiên nhiên với trăng, sương, hoa, cỏ, khói, nước…, là sự hài hòa tinh tế của cuộc đời vô thường và sự thanh tao của vũ trụ, muôn vật :
Sơ văn chinh nhạn dĩ vô thiền
Bách xích lâu đài thủy tiếp thiên
Thanh nữ Tố Nga câu nại lãnh *
Nguyệt trung sương lý đấu thuyền quyên.
(Sương Nguyệt- Lý Thương Ẩn)
(* Thanh nữ - vị Thần coi việc sương, tuyết
Tố Nga - Hằng Nga ở cung trăng )
Nhạn về ve bỗng bặt im hơi
Trăm thước lầu cao nước nối trời
Thanh nữ, Tố Nga đâu cảm lạnh
Đua nhau trăng sáng lộng sương ngờ.
Trăng Lý Thương Ẩn là trăng Hằng nga hay Thường nga:
Thường nga ưng hối thâu linh dược,
Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.
(Thường nga)
Thường nga hối hận trót lấy trộm thuốc tiên,
Để tấm lòng đêm đêm giữa bể biếc trời xanh
(Thường nga)
Trăng của Vương Duy (9) là sự cô đơn nhưng tạo cảm giác ung dung tự tại của một ẩn sĩ đang tu Tiên::
Thâm lâm nhân bất tri,
Minh nguyệt lai tương chiếu.
(Trúc lý quán)
Ở trong rừng sâu không ai biết,
Chỉ có vừng trăng đến soi sáng nhau
(Quán Trúc lý)
Không có trăng nào đẹp bằng trăng thu, chẳng có trăng nào nào sáng hơn trăng quê như trong bài thơ Nguyệt dạ ức xá đệ của Đỗ Phủ:
Thu biên nhất nhạn thanh
Lộ tùng kim dạ bạch
Nguyệt thị cố hương minh
Hữu đệ giai phân tán
Vô gia vấn tử sinh
Ký thư trường bất đạt
Huống nãi vị hưu binh
Dịch thơ:
Trống trận dồn mau cản bước người
Vào thu biên ải nhạn than trời
Tha phương đêm phủ màn sương trắng
Cố quận trăng soi ánh tỏ ngời
Em đấy, thân thương mà cách biệt
Nhà đâu, sống chết biết nơi nào ?
Gửi thư thăm hỏi hoài không đến
Binh lửa lan tràn rực khắp nơi
(Nhớ Em Đêm Trăng - Hải Đà)
Trăng của Đỗ Mục (10) bàng bạc, mênh mang như con thuyền trên sông nước:
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
(Bạc Tần hoài)
Khói lồng nước lạnh, trăng lồng bãi cát,
Đêm đậu thuyền ở bến Tần hoài gần tiệm rượu
(Đậu thuyền ở bến Tần hoài)
Trăng của Lý Hạ (11) chập chờn hồn ma, bóng quỷ - vì thế mà người đời gọi ông là Thi Quỷ:
Lão thố hàn thiền khấp thiên sắc,
Vân lâu bán khai bích tà bạch.
(Mộng thiên)
Thỏ già cóc lạnh khóc ướt trời,
Lầu mây hé mở, vách nghiêng trắng
(Mơ trời)
Dường như thơ về trăng của cả thời Sơ Đường dồn tụ cả vào bài Xuân giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư (12). Chịu ảnh hưởng của thi phong Lục triều, đã vượt lên trên thi phong phù hoa diễm lệ của Sơ Đường. Với ngòi bút tươi tắn, thanh nhã và ngôn ngữ ít đẽo gọt chạm trổ, tác giả miêu tả cảnh đẹp của đêm trăng trên sông xuân, và nói lên nỗi lòng triền miên, xa xôi do cảnh đẹp tự nhiên khêu gợi. Về mặt nghệ thuật, bài thơ có những chỗ hay, ngôn ngữ trong trẻo lưu loát, âm điệu uyển chuyển trở đi trở lại. Cảnh thơ rộng lớn, sâu thẳm, mà tình nồng đượm, ý xa xôi, dễ đưa con người vào thế giới vắng lặng, xa xăm; và dễ gợi lên nỗi buồn về cuộc đời mong manh cùng thế sự vô thường…Chính tứ thơ của Xuân giang hoa nguyệt dạ đã gợi ý cho bài Minh nguyệt dẫn (Khúc hát trăng sáng) của Lư Chiếu Tân và bài Thái liên khúc (Khúc hái sen) của Vương Bột (13). Thi phẩm này được người sau xếp vào hàng những tuyệt tác trong thơ Đường, và chính nó đã làm cho Trương Nhược Hư bất tử:
Xuân giang hoa nguyệt dạ
Xuân giang triều thủy liên hải bình,
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý,
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,
Nguyệt chiếu hoa lâm giai như tiển.
Không lý lưu sương bất giác phi,
Giang thượng bạch sa khan bất kiến.
Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
Hạo hạo không trung cô nguyệt luân.
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân?
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên vọng tương tự.
Bất tri giang nguyệt chiếu hà nhân,
Đãn kiến trường giang tống lưu thủy.
Bạch vân nhất phiến khứ du du,
Thanh phong giang thượng bất thăng sầu.
Thùy gia kim dạ biên chu tử,
Hà xứ tương tư minh nguyệt lâu?
Khả liên lâu thượng nguyệt bồi hồi,
Ưng chiếu ly nhân trang kính đài.
Ngọc hộ liêm trung quyển bất khứ,
Đảo y châm thượng phất hoàn lai.
Thử thời tương vọng bất tương văn,
Nguyệt trục nguyệt hoa lưu chiếu quân.
Hồng nhạn trường phi quang bất độ,
Ngư long tiềm dược thủy thành văn.
Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa,
Khả liên xuân bán bất hoàn gia.
Giang thủy lưu xuân khứ dục tận,
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà.
Tà nguyệt trầm trầm tàng hải vụ,
Kiệt Thạch, Tiêu Tương vô hạn lộ.
Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân qui,
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.
Đêm trăng hoa trên sông xuân
Sông xuân sáng nước liền ngang bể,
Vầng trăng trong mặt bể lên cao.
Ánh trăng theo sóng đẹp sao!
Sông xuân muôn dặm chỗ nào không trăng?
Dòng sông chảy quanh rừng hoa ngát,
Trăng soi hoa như tán trập trùng.
Sương bay chẳng biết trong không
Trên soi cát trắng nhìn không thấy gì.
Trời in nước một ly không bụi.
Mảnh trăng trong ròi rọi giữa trời.
Thấy trăng thoạt mới là ai?
Trăng sông thoạt mới soi người năm nao?
Người sinh mãi, kiếp nào cho biết,
Nhìn trăng sông năm hệt không sai.
Trăng sông chẳng biết soi ai,
Dưới trăng chỉ thấy sông dài nước trôi.
Đám mây trắng ngùi ngùi đi mãi,
Rặng phong xanh một dải sông sầu.
Đêm nay ai đó, ai đâu?
Chiếc thuyền để nhớ trên lầu trăng soi.
Trăng thờ thẫn nơi người xa ngóng,
Chốn đài gương tựa bóng thương ai.
Trong rèm cuốn chẳng đi thôi,
Trên bàn đập áo quét rồi lại ngay.
Cùng nghe ngóng lúc nay chẳng thấy,
Muốn theo trăng trôi chảy đến chàng.
Hồng bay, ánh sáng không màng,
Nước sâu cá quẫy chỉ càng vẩn tăm.
Đêm nọ giấc trong đầm hoa rữa,
Ai xa nhà xuân nửa còn chi!
Nước sông trôi mãi xuân đi,
Trăng tà lặn xuống bên kia cánh đầm.
Vầng trăng lặn êm chìm khói bể,
Đường bao xa non kệ sông Tương.
Về trăng mấy kẻ thừa lương,
Trăng chìm lay bóng đầy hàng cây sông.
Bản dịch của Tản Đà.
-----****-----
Chú thích:
(*) Lý Bạch (701- 762): là nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn là Thi Tiên. Nhà thơ Bì Nhật Hưu thời vãn Đường nói rằng: "Từ khi nhà Đường dựng nghiệp đến giờ, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỷ thần, đọc xong thì thần ruổi tám cực, lường rồi thì lòng ôm bốn bể, lỗi lạc dị thường, không phải lời của thế gian, thì có thơ Lý Bạch".
(**) Núi Nga Mi: Nga Mi sơn hay núi Nga Mi hay Đại Quang Minh sơn là một ngọn núi nằm ở phía trung nam tỉnh Tứ Xuyên thuộc miền tây Trung Quốc, trên khu vực quá độ của lòng chảo Tứ Xuyên theo hướng cao nguyên Thanh -Tạng. Nga Mi sơn là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn. Vị Bồ Tát bảo trợ của Nga Mi sơn là Samantabhadra, trong tiếng Việt còn được gọi là Phổ Hiền bồ tát.
Đỉnh cao nhất của Nga Mi sơn là đỉnh Vạn Phật của ngọn núi chính Kim Đỉnh, với độ cao 3.099 m. Với địa thế cao chót vót, phong cảnh đẹp nên người ta nói tới Nga Mi sơn như là "Nga Mi thiên hạ tú". Là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn, tại Nga Mi sơn có khoảng 26 ngôi chùa; miếu, trong đó có 8 ngôi chùa; miếu lớn là cơ bản nhất. Người ta cho rằng Nga Mi sơn chính là đạo tràng của Phổ Hiền bồ tát. Nga Mi sơn cùng bức tượng đại Phật Lạc sơn, bức tượng Phật tạc trên vách đá lớn nhất thế giới ở núi Thê Loan, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới ngày 6 tháng 12 năm 1996.
(***) Khổng Sào Phủ và “Trúc khê lục dật”: Những ẩn sĩ của “Trúc khê lục dật” tôn sùng Sào Phủ… Sào Phủ , Hứa Do đều là những bậc đại hiền ở ẩn thời Nghiêu Thuấn (thời Tam Hoàng Ngũ Đế). Một hôm Sào Phủ dắt trâu ra ruộng uống nước thấy Hứa Do đang ngồi vốc nước rửa tai liền hỏi tại sao? Hứa Do đáp: “Vua Nghiêu biết tôi là người hiền nên liền mời tôi ra để truyền ngôi. Lời Danh Lợi làm rườm tai nên tôi rửa cho sạch!”. Nghe xong Sào Phủ liền dẫn trâu đi. Hứa Do hỏi tại sao? Sào Phủ nói: “Nước này anh rửa tai , tôi sợ trâu tôi uống nhằm!”. Sào Phủ lại thủng thẳng hỏi: “Mà anh làm chuyện gì để vua Nghiêu biết anh là người hiền vậy? Đấy là do bụng anh vẫn còn nghĩ tới danh lợi mà thôi!”.
(1) Tư Mã Tương Như tự Tràng Khanh (179 TCN-117 TCN), người ở Thành Đô đời nhà Hán. Người rất đa tài, văn hay, đàn giỏi, nổi tiếng với khúc Phượng cầu hoàng mà lấy được người đẹp Trác Văn Quân
(2) Quách Tử Nghi (697-781), tên tự cũng là Tử Nghi, là danh tướng nhà Đường. Ông phục vụ dưới 4 đời vua Đường là Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông, và Đức Tông và có công dẹp loạn An Sử.
(3) Hạ Tri Chương (659 - 744), tự Quý Chân, là nhà thơ đời Đường, người Cối Kê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đời Đường Trung Tông, Hạ Tri Chương đỗ tiến sĩ vào năm 684, được bổ làm Thái thường bác sĩ. Trong thời Khai nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, ông làm Lễ bộ thị lang kiêm Tập hiền viện học sĩ, đổi làm Thái tử tân khách, rồi Bí thư giám. Đầu đời Thiên Bảo, ông xin từ quan về làm đạo sĩ. Ông cùng với Trương Húc, Trương Nhược Hư, Bao Dung được người đương thời gọi là Ngô trung tứ sĩ (Bốn danh sĩ đất Ngô). Ông là bạn vong niên với Lý Bạch, từng gọi Lý Bạch là "trích tiên" (tiên bị đày). Khi từ quan về làng tự xưng là Cuồng khách. Hạ Tri Chương thích uống rượu, tính tình hào phóng. Ông còn để lại 20 bài thơ, trong đó bài Hồi hương ngẫu thư là nổi tiếng nhất.
(4) Trương Húc (khoảng 658 - 747), tên chữ Bá Cao, người Tô Châu, tỉnh Giang Tô; là nhà thơ và là nhà thư pháp nổi tiếng thời nhà Đường, TQ. Trong thời Khai Nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, Trương Húc làm quan đến Thường thục úy, về sau thăng đến Hữu suất phủ trưởng Sử, nên còn được gọi là Trương trưởng sử. Ông cùng với Hạ Tri Chương, Trương Nhược Hư và Bao Dung được người đương thời liệt vào "Ngô trung tứ sĩ" (Bốn danh sĩ đất Ngô). Ngoài tài thơ, hay rượu, Trương Húc còn là một nhà thư pháp nổi tiếng. Đặc biệt ông giỏi “cuồng thảo”, là hình thức viết chữ độc đáo trong nghệ thuật thư pháp. Do vậy, ông và Hoài Tố người cùng thời, được người đời xưng tụng là “cuồng thảo nhị tuyệt” ( hai bậc tuyệt đỉnh về cuồng thảo), là “Điên Trương túy Tố” ( Trương Húc điên, Hoài Tố say). Tương truyền, ông đã lấy cảm hứng từ những màn múa kiếm của Công Tôn Ðại Nương rồi đưa vào phong cách viết đặc biệt của mình.
Thi phẩm tiêu biểu là Đào hoa khê :
Phiên âm Hán-Việt:
Ẩn ẩn phi kiều cách dã yên,
Thạch ky tây bạn, vấn ngư thuyền.
Đào hoa tận nhật tùy lưu thủy,
Động tại thanh khê hà xứ biên ?
Nghĩa là:
Suối hoa đào
Cầu bay cách khói mờ mờ,
Hỏi thăm thuyền cá đậu bờ đá kia.
Suốt ngày nước chảy hoa đi,
Chẳng hay trong suối, động kề mé nao?
(5) Đỗ Phủ (712 - 770): là một nhà thơ nổi bật thời nhà Đường. Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc. Tham vọng lớn nhất của ông là có được một chức quan để giúp đất nước, nhưng ông đã không thể thực hiện được điều này. Cuộc đời ông, giống như cả đất nước, bị điêu đứng vì Loạn An Lộc Sơn năm 755, và 15 năm cuối đời ông là khoảng thời gian hầu như không ngừng biến động. Mặc dù không nổi tiếng từ đầu, những tác phẩm của ông gây ảnh hưởng nhiều đến cả văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản. Ông từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi sử và Thi thánh. Đối với độc giả phương Tây, tầm vóc các tác phẩm của ông sánh ngang với Virgil, Horace, Ovid, Shakespeare, Milton, Burns, Wordsworth, Béranger, Hugo hay Baudelaire.
(6) Vương Xương Linh (694 - 756): tự Thiếu Bá, người ở Vạn Niên, phủ Kinh Triệu (nay thuộc thành phố Tây An, TQ), đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 15 (727), giữ chức "Hiệu Thư Lang"; 7 năm sau lại đỗ Khoa Bác học Hoằng từ, nhậm chức "Giang Ninh Thừa". Năm Thiên Bảo thứ 7 (748) bị biếm làm "Long Tiêu úy" trong loạn An Sử, ông bị tên Thứ sử Hào châu là Lư Khâu Hiểu sát hại. Vương Xương Linh sở trường về thơ thất ngôn tuyệt cú, nội dung chủ yếu là tả sinh hoạt nơi biên tái và cung oán, khuê tình, phong cách thanh tân dịu dàng trong sáng. Nay còn một quyển thơ.
(8) Lý Thương Ẩn (831-858): Tự là Nghĩa Sơn, hiệu là Ngọc Khê sinh. Người huyện Hà Nội (tỉnh Hà Nam). Nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường. Lý Thương Ẩn nổi tiếng ngang với Ôn Ðình Quân (8*) và Ðỗ Mục, nên người người đương thời gọi là Ôn Lý và Lý Ðỗ. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lư Phi Loan và Khinh Phượng. Những bài thơ Vô đề của ông đều được làm ra cốt để tả những mối tình bí ẩn này. Lý Thương Ẩn có ảnh hưởng rất lớn đối với thi đàn đời Tống. Vương An Thạch (8**) khen thơ Lý Thương ẩn có cái vẻ tài tình giống thơ Ðỗ Phủ. Các nhà thơ thuộc phái Tây Côn chủ trương mô phỏng thơ ông khi sáng tác.
Vô Đề
Tương kiến thời nan biệt diệt nan,
Ðông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ti phương tận,
Lạp chúc thành hôi lệ thủy can.
Hiểu kính đản sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
Bồng lai thử khứ vô đa lộ,
Thanh điểu ân cần vị thám khan.
Dịch nghĩa :
Không đề
Lúc gặp gỡ nhau đã khó , mà chia tay nhau cũng khó .
Gió đông không có sức , trăm hoa héo tàn .
Con tằm xuân đến lúc chết , thì tơ mới hết ;
ngọn nến khi thành tro , thì nước mắt mới khô .
Soi gương buổi sáng , chỉ buồn là tóc mây thay đổi .
Ban đêm ngâm thơ , chắc hẳn biết ánh trăng lạnh lẽo .
Từ đây đi đến núi Bồng Lai (a) , không có nhiều con đường ;
chim xanh (b) vì mình ân cần đi trước thăm dò .
chú thích:
(a) Bồng Lai : tên của một trong ba ngọn núi tiên ở Bột Hải .
(b) Thanh điểu : chim xanh báo tin Tây Vương Mẫu đến .
Dịch thơ :
Vô Đề
Xa nhau khó tựa gặp nhau,
Gió đông không sức, hoa ràu xác xơ.
Thác rồi, tằm mới hết tơ ;
Tàn rồi, nến mới cạn khô lệ sầu .
Soi gương, buồn tóc đổi màu ;
Ngâm đêm, mới biết trăng thâu lạnh lùng.
Có xa xôi mấy non Bồng,
Dò đường hỏi lối, cây cùng chim xanh.
(8*) Ôn Đình Quân (812-870): vốn tên Kỳ, tự Phi Khanh, người Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường. Thoạt đầu làm chức tần quan cho Từ Thương , trấn thủ Tương Dương. Đời Đường Tuyên Tông , thi đậu tiến sĩ ; được bổ làm chức úy tại Phương thành, rồi đổi sang huyện Tùy. Năm 866 (đời Đường Ý Tông ), được cử làm chủ thí. Cuối cùng làm đến chức Quốc tử trợ giáo .
Ôn Đình Quân tinh thông âm luật , giỏi đàn sáo , là đại từ gia của đời Đường. Nổi tiếng ngang với Lý Thương Ẩn , người đương thời gọi là Ôn Lý.
Dao sắt oán
Băng điệm ngân sàng mộng bất thành
Bích thiên như thủy, dạ vân khinh
Nhạn thanh viễn quá Tiêu Tương khứ
Thập nhị lâu trung nguyệt tự minh.
Tiếng đàn ai oán
Mộng hờ giường bạc chăn băng
Mây đêm nhẹ hẫng nước xanh màu trời
Tiêu Tương tiếng nhạn xa vời
Mười hai cung Quảng trăng soi một mình.
Quỳnh Chi phóng dịch
(8**) Vương An Thạch (1021-1086), tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn Lão Nhân, người ở Phủ Châu - Lâm Xuyên (nay là huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây), là một nhà văn nổi tiếng thời nhà Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong bát đại gia về văn xuôi và thơ phú từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13 ở Trung Quốc, gồm có: Hàn Dũ Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tằng Củng và ông. Giữa Vương An Thạch và Tô Thức (8**1) có một giai thoại: Tô Đông Pha đọc thơ của Vương An Thạch, thấy có hai câu: Minh nguyệt sơn đầu khiếu / Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.
Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được? Nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu, sửa chữ tâm thành chữ âm, thành ra: Minh nguyệt sơn đầu chiếu / Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Trăng sáng soi đầu núi / Chó vàng nằm dưới hoa). Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đó, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là: Con chim Minh nguyệt hót ở đầu núi / Con sâu Hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa. Lúc ấy Đông Pha mới biết kiến thức của mình còn kém họ Vương nhiều.
(8**1) Tô Thức (1037-1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.
Thủy Điệu Ca
Minh nguyệt kỉ thời hữu?
Bả tửu vấn thanh thiên:
"Bất tri thiên thượng cung khuyết,
Kim tịch thị hà niên?"
Ngã dục thừa phong qui khứ,
Hựu củng huỳnh lâu ngọc vũ,
Cao xứ bất thăng hàn.
Khởi vũ lộng thanh ảnh,
Hà tự tại nhân gian!
Chuyển chu các,
Ðê ỷ hộ,
Chiếu vô miên,
Bất ưng hữu hận,
Hà sự trường hướng biệt thời viên?
Nhân hữu bi hoan li hợp,
Nguyệt hữu âm tình viên khuyết,
Thử sự cổ nan toàn.
Ðãn nguyện nhân trường cửu,
Thiên lý cộng thiền quyên.
Bản dịch
Mấy lúc có trăng thanh?
Cất chén hỏi trời xanh:
"Cung khuyết trên chính từng,
Ðêm nay là đêm nào?"
Ta muốn cưỡi gió bay lên vút,
Lại sợ lầu quỳnh cửa ngọc,
Trên cao kia lạnh buốt.
Ðứng dậy múa giỡn bóng,
Cách biệt với nhân gian!
Trăng quanh gác tía,
Cuối xuống cửa son,
Dòm kẻ thao thức,
Chẳng nên ân hận,
Sao cứ biệt li thì trăng tròn?(a)
Ðời người vui buồn li hợp,
Trăng cũng đầy vơi mờ tỏ,
Xưa nay đâu có vạn toàn.
Chỉ nguyện đời ta trường cửu,
Bay ngàn dặm cùng với thuyền quyên (b).
Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
Chú thích: (a) Nhớ người em là Tử Do. (b) Tiếng thuyền quyên này nghĩa gốc trỏ mọi người đẹp, không riêng đàn bà, ở đây trỏ Tử Do. Chính là thiền, ta quen đọc là thuyền.
(8**2) Hàn Dũ (768 - 824) tự Thoái Chi, sinh tại đất Hà Dương, Hà Nam, Trung Quốc (nay thuộc Mạnh Châu, tỉnh Hà Nam); làm quan về đời vua Đường Hiến Tông (806 - 820) tới Binh bộ thị lang, Lại bộ thị lang.
(8**3) Liễu Tông Nguyên (773-819), tự Tử Hậu, là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời trung Đường, Trung Quốc. Dịch Quân Tả, một học giả người Trung Quốc, giới thiệu:
Thơ Liễu Tông Nguyên: siêu việt, trần tục, thanh dật, nhàn đạm, rất gần với Đào Tiềm. Hai bài hay nhất của ông còn truyền là Giang Tuyết và bài Ngư ông.
Phiên âm Hán-Việt:
Giang tuyết
Thiên sơn điểu phi tuyệt,
Vạn kính nhân tung diệt,
Cô chu thôi lạp ông,
Độc điếu hàn giang tuyết
Dịch nghĩa:
Tuyết trên sông
Giữa ngàn non, chim bay bổng tuyệt mù trời.
Trên vạn nẻo đường tắt, dấu vết người vắng hẳn.
Thuyền lẻ loi có ông già mang nón lá áo tơi,
Một mình ngồi câu trên dòng sông đầy tuyết lạnh.
(8**4) Âu Dương Tu (1007 - 1072) có tên tự là Vĩnh Thúc hiệu "Túy Ông" là nhà thơ thời Tống ở Trung Quốc. Quê Âu Dương Tu ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Năm Thiên Thánh thứ 7(1030) đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông làm Binh bộ Thượng Thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung.
Âu Dương Tu là một nhà văn nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm Từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại "thi thoại"(bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân,...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Túy Ông đình kí, Mai Thánh Du thi tập tự , Thu thanh phú, Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với 6 cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).
(9) Vương Duy (701-761): tự Ma Cật, người huyện Kỳ, Tấn Trung, Sơn Tây, Trung Quốc. Ông là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông còn được người đời gọi là Thi Phật. Cùng với Lý Bạch (Thi Tiên) và Đỗ Phủ (Thi Thánh) là ba người nổi tiếng về tài thơ ca thời Đường. Ngày nay còn giữ được khoảng 400 bài thơ của ông, với phong cách tinh tế, trang nhã. Vương Duy còn là một nhạc sĩ, một nhà thư pháp, đặc biệt là một họa sĩ nổi tiếng. Ông cũng là người tinh thông về Phật học và theo trường phái Thiền tông. Trong Phật giáo có Duy Ma Cật kinh, là kinh sách do Duy-ma-cật dùng để giảng dạy cho môn sinh. Vương Duy là người kính trọng Duy-ma-cật do ông có tên là Duy, tự là Ma Cật.
Năm Khai Nguyên thứ 9 (721) thời Đường Huyền Tông, Vương Duy đỗ tiến sĩ, nhận chức quan đại nhạc thừa, sau phạm điều cấm, bị khiển trách và phải đến Tế Châu làm tham quân. Năm Khai Nguyên thứ 14 (726), ông từ bỏ quan chức, nhưng sau đó lại nhận chức hữu thập di, thăng tới giám sát ngự sử. Năm 40 tuổi, được thăng lên điện trung truyền ngự sử. Năm Thiên Bảo thứ 14 (755), An Lộc Sơn chiếm Trường An. Vương Duy bị An Lộc Sơn bức bách ra làm quan, nhưng sau không được như ý, ông đã lui về ở tại biệt thự Lam Điền, sáng tác thơ ca để biểu đạt lòng mình. Tô Đông Pha đời Tống khi viết về Vương Duy có câu: “vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi”, dịch nghĩa: Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có họa đồ; ngắm họa đồ của Ma Cật, trong họa đồ có thơ.
(10) Đỗ Mục tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An tỉnh Thiểm Tây), sinh vào cuối đời Đường Đức Tông (742-805). Ông nội Đỗ Hựu vừa là một tể tướng giỏi về lý tài, vừa là một sử gia biên soạn sách Thông điển. Anh ông là Đỗ Sùng, phò mã, làm đến tiết độ sứ, rồi tể tướng.
Năm 828, 26 tuổi, ông đỗ tiến sĩ, lại đỗ luôn khoa chế sách Hiền lương phương chính, được bổ chức hiệu thư lang ở Sùng văn quán, rồi ra làm đoàn luyện tuần phủ tại Giang Tây, sau đó đến Hoài Nam làm thơ ký cho tiết độ sứ Ngưu Tăng Nhụ, lại đổi về làm giám sát ngự sử tại Lạc Dương. Năm 835, ông đi chơi Hồ Châu, rồi cứ bị đổi làm thứ sử hết nơi này đến nơi khác (Hoàng Châu, Từ Châu, Mục Châu). Năm 849, ông nhờ một người bạn làm tướng quốc xin cho về thái thú Hồ Châu, sau đổi khảo công lang trung tri chế cáo, và cuối cùng làm Trung thư xá nhân.
(11) Lý Hạ (tự là Trường Cát; 790-816)là một nhà thơ từ Xương Cốc, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cùng với Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Tiên Lý Bạch, Thi Phật Vương Duy, Lý Hạ được mệnh danh là Thi Quỷ mà thiên cơ khéo sắp đặt cho bốn thiên tài Phật Tiên Thánh Quỷ cùng hội tụ trong một thời đại cực thịnh của thi ca Trung Hoa - Đường thi.
(12) Trương Nhược Hư (sinh khoảng 660 - mất khoảng 720): ở Dương Châu (nay là huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô) là một nhà thơ thời nhà Đường, Trung Quốc. Bản tính ông vốn không thích danh lợi, thường ngao du khắp thiên hạ để tìm bạn thơ; ông cùng với Hạ Tri Chương, Trương Húc, Bao Dung được người đương thời gọi là "Ngô trung tứ sĩ" (Bốn danh sĩ đất Ngô).
Từ điển văn học (bộ mới) nhận xét: Phong cách thơ Trương Nhược Hư trong sáng hoa lệ, giàu chất trữ tình, có vị trí quan trọng trong sự chuyển biến thơ ca từ thời sơ Đường đến thịnh Đường. Sáng tác của ông thất lạc gần hết, trong Toàn Đường thi chỉ ghi lại được 2 bài thơ của ông là Đại đáp khuê mộng hoàn (Đáp thay Khuê Mộng Hoàn) và Xuân giang hoa nguyệt dạ (Đêm hoa trăng trên sông xuân).
(13) Vương Bột: (647-675), tự Tử An, người Giáng Châu, Long Môn (ngày nay là Hòa Tân, Sơn Tây) thời nhà Đường. Vương Bột được xem là một trong "Sơ Đường tứ kiệt" (bốn nhà thơ kiệt xuất giai đoạn đầu của nhà Đường), 3 nhà thơ còn lại là: Dương Quýnh , Lư Chiếu Lân và Lạc Tân Vương . Tác phẩm nổi tiếng của ông là Đằng Vương Các Tự. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Vương Bột có: Hán Thư Chỉ Hà (10 quyển) ; Chu Dịch Phát Huy (5 quyển) ; Thứ Luận Ngữ (10 quyển) ; Chu Trung Toản Tự (5 quyển) ; Thiên Tuế Lịch.Tất cả các tác phẩm trên đều bị thất bản.
Đằng Vương các là tên gọi của ba nhà lầu có gác do Đằng Vương Lý Nguyên Anh thời nhà Đường cho xây dựng tại các tỉnh Giang Tây, Tứ Xuyên và Sơn Đông. Trong số này, nổi tiếng nhất là Đằng Vương các ở Giang Tây, do nó gắn liền với bài thơ Đằng Vương các tự của Vương Bột. Đằng Vương các ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây là một trong ba đại danh lầu của vùng Giang Nam, cùng với Nhạc Dương lâu ở Hồ Nam, Hoàng Hạc lâu ở Hồ Bắc.
Sài Gòn, tháng 9-2010
(Nguồn: vannghechunhat.net)