Nov 21, 2024

Thơ xướng họa

Những Mùa Xuân Qua - Xướng Hoàng Ngọc liên & họa Hà Thượng Nhân
Hoàng Ngọc Liên * đăng lúc 02:58:28 PM, Aug 18, 2008 * Số lần xem: 1855
Những Mùa Xuân Qua - Xướng Họa
Tác giả: hoàng ngọc liên, hà thượng nhân

Thể lọai: bài hành / bài ca
*

1. Bài Hành - Những Mùa Xuân Qua

Hoàng Ngọc Liên

Tết năm Bính Thìn (1976) đầu đã bạc
Thân nặng nề trên những bước chân.
Kiếng mắt lại nhòa thêm nửa độ,
Làm thơ thiếu hứng chẳng ra vần.
Mà nghe nao nức mùa Xuân tới .....
Còn có gì đâu để đón Xuân
Thì cũng nhớ ta thêm một tuổi,
Là thêm cay đắng vị phong trần.
Nửa đêm thao thức không hương nến,
Khói thuốc mông lung ngỡ khói trầm.
Như thấy hiện trong màn ảo ảnh,
Bao nhiêu ngương mặt của người thân.
Nam nay Mẹ thắp hương thờ Tổ,
Rưng lệ thương con, Mẹ khóc thầm.
Lũ cháu nghẹn ngào không thấy bố
Về mừng tuổi nội buổi đầu năm.
Biết đâu bố vẫn còn thao thức,
Ðã trắng đêm rồi chẳng thấy Xuân.
Chỉ tiếng sương gieo từng hạt nặng,
Trên căn nhà trống lạnh căm căm.
Giang sơn còn đó ngoài khung cửa,
Chẳng đóa hoa nào nở trước sân.
Ánh sáng giáo đường xa diệu vợi,
Mông lung hồn gửi tiếng chuông ngân,
Nương theo cảnh sắc trong mơ ảo,
Một thoáng phiêu du cõi mộng Xuân.
Về lại làng quê trên đất Bắc,
Chào đón giao thừa pháo nổ ran.
Rực sáng bàn thờ dâng của lễ,
Kính thờ Thượng Ðế, tưởng nhớ tiền nhân.
Năm Mới ơn Trời cho đoàn tụ,
Yêu thương làm sức mạnh tinh thần.
Khấn xin cho được nhiều ơn phước,
Với những niềm hy vọng chứa chan.
Mở toang cửa đón mừng Nguyên Ðán,
Khung trời tràn ngập một màu Xuân.
Cây nêu rủ xuống cung vôi trắng,
Mủi tên xua đuổi quỷ Sa Tan.
Rung rinh hội trống chèo thôn Bắc
Rộn rã hồi chuông lễ xóm Nam.
Hương khói Chùa Trên "A Di Ðà Phật"
Nguyện cầu cho quốc thái, dân an.
Sực nghe tiếng kẻng năm giờ sáng,
Lại trở về đây, cảnh lạc đàn.
Gió sớm sương khuya còn thấm lạnh,
Len vào nỗi nhớ lạnh tâm can.
Trắng tay mộng vỡ đâu còn mộng,
Ðã hợp sao rồi lại cách ngăn?
Sông núi nào đây? Sông núi cũ,
Mà trong hội tụ có ly tan.
Ý thơ lạc lõng không còn ý,
Nhạc dạo cung thương lạc phím đàn.
Xúc cảm đâu đây nghe vọng lại,
Khúc buồn Dương Tử Long Giao Ngâm.
Bức tranh vân cẩu ngày buông súng,
Hằn lại trong tim nỗi nhục nhằn.
Ðã không tự xử, không gan dạ
Làm Mạc Ly Châu, Nguyễn Khoa Nam...
Thì chấp nhận theo dòng lịch sử
Ðể xem bại, thắng cuộc cờ tàn.
Trả giá đương nhiên cho mệnh số,
Ðã đành khi nước mất, nhà tan.
Sau tháng Tư Ðen, vào thử thách
Giữa cuộc chơi này tạm ghé chân.
Chỉ mới bắt đầu, mùi tục lụy
Nào đâu vị đắng, nỗi gian truân.
Cung đàn Thục Vũ quên cay đắng,
Thấm thía lời thơ Hà Thượng Nhân.
Trót đa mang chút tình văn nghệ
Xin gọi là... khúc mưỡu đầu năm:
Long Giao - Suối Máu
Tiếng sáo, đàn ai tấu nhạc vào thơ.
Hà chưởng môn gieo vận "Ly Cơ
Khúc thi nhạc giao hòa duyên ThụcVũ
Trong ý nhạc, lời thơ tâm sự,
Ðường thế trần cho nếm đủ chua cay.
Khói thuốc, hương trà như ướp men say,
Thì cứ sống những ngày diễm ý.
Câu tri túc cảm thông tình tri kỷ,
Mải mê thơ, thú vị một cung đàn
Quên chuyện bên ngoài, hội tụ với ly tan!

Từ bữa chen chân vào hỏa ngục,
Mới đó, đây mà đã hai năm.
Con tàu chạy ngược về phương Bắc,
Bỏ lại sau lưng những lỗi lầm.
Trong những nguyên do làm mất nước,
Ắt hẳn là ta đã góp phần.
Giữa năm Bảy Sáu qua quê cũ,
Ðến tận Sơn La, đồi hoa Ban.
Lòng đất gửi thịt xương Thục Vũ,
Nóng cháy da và lạnh thấu gan.
Ðói cơm, thiếu thuốc bao nhiêu kẻ
Chưa muốn ra đi cũng thát trần.
Những giọt máu tù rơi thánh thót,
Với mồ hôi chảy quyện bàn chân
Rừng trải triền cao, mây vướng núi,
Suối trắng đèo tranh, nước đổ ngàn.
Bóng tù thấp thoáng màn tre nứa,
Ðem niềm tin chống trả thời gian.
Gai góc, rắn, sâu, bò cạp, vắt,
Ðủ cho gia vị đọa đầy thân.
Nhưng vẫn sáng ngời lên ánh mắt,
Vẫn tự hào chánh đạo, nghĩa, nhân.

Bảy Tám chuyển đời qua Yên Hạ,
Bắt đầu trả món nợ công an.
Mới hay trong đám người thua trận,
Khá nhiều đồng tuyến chẳng đồng tâm.
Nỗi đau của kẻ vừa buông súng.
Chưa thấy mờ đi những vết hằn.
Ðã thấy bạn tù vừa trở mặt,
Cúi đầu theo đóm để ăn tàn.
Lúc vừa nghe mất Lê Văn Thuận,
Phạm Văn Sơn và Nguyễn Văn Năm.
Cũng vào giữa năm Bảy Mươi Chín,
Nguyễn Mạnh Côn mất ở trong Nam.

Tám Mươi lại chuyển đi Thanh Hóa,
Ðến trại Thanh Phong, huyện Như Xuân.
Ðất Lào vừa vặn đường dao ném,
Rừng Lim hun hút, đất khô cằn.
"Cách Mạng" đốt rừng làm phân bón,
Nước nguồn đổ xuống đầu tháng năm.
Lụt cuốn gọn đi bao "thu hoạch",
Trôi phăng mất tích Cao Quản Chơn!
Lũ trẻ trại bên tù hình sự,
Mấy ngày đêm không có gì ăn!
Chỉ thấy toàn xương da xám ngắt,
Chỉ thấy đầu dính với tay chân!
Thanh Phong, ướp gió Lào nung nấu,
Lại gặp anh em Biệt Kích Quân.
Từ buổi chia tay rời đơn vị,
Thế mà đã sắp hai mươi năm!
Ðâu phải ra đi là vĩnh biệt,
Nắm chặt bàn tay, trao đổi ân cần.
Cuối năm nghe nỗi nhà tang tóc,
Ðau lòng vĩnh biệt những người thân:
Mẹ đã lên trời không gặp mặt,
Vợ vừa về đất chẳng đưa chân.
Con trai câm điếc từ thơ ấu,
Cũng vội đi giữa tuổi thanh xuân.
Bức thư báo tử 3 nngười mất,
Ðến trại tù vừa đúng nửa năm!

Tám Hai di chuyển ra Thanh Hóa,
Xe lửa Thống Nhất trả về Nam.
Buổi sáng đợi tránh tàu ga Huế,
Có em bé gái tuổi mười lăm.
Quẳng vội lên toa vài gói thuốc
Túi vải thô đầy những đồ ăn.
Rồi chạy vội đi, không kịp nói,
Bên đường thấp thoáng bóng công an.
Nước mắt lưng tròng, người bạn già tức tưởi,
Không khóc đời tù mà khóc mối tình thâm!
Chập tối hôm sau qua Ðà Nẵng,
Ðuốc sáng trải dài tới Hội An.
Một thanh niên quơ lửa lên, mừng tủi:
- Các bác về Nam! Các bác về Nam!
Và: "Các bác ráng giữ gìn sức khoẻ!"
" Cho gửi Sài Gòn lời thăm! Lời thăm!"
Lại có tiếng gào theo gió cuốn,
Mấy cô thôn nữ ga Tua Chàm: (1)
-" Các bác sống rồi, xin hãy đợi,
Có một ngày, chúng cháu sẽ vô thăm!"
Hai chín tháng tư ra Thuận Hải,
Ở khu nhà "Ðỏ" trại Hàm Tân.
Tại đây gặp Lê Huy Linh Vũ,
Anh Hoa, Tô Thùy Yên, Ðặng Trần Huân....

Tháng tám Tám Tư vừa vĩnh biệt
Người bạn ngày xưa: Ðoàn Bội Trân!

Tám Lăm chuyển trại qua Thủ Ðức (2)
Ở tù thấm thoát mà... mười năm!
Món nợ không vay mà phải trả,
Xem chừng chưa xứng đáng đồng cân.

Nghĩa trang tù thêm nhiều mộ mới,
"Nợ máu" đòi thêm kẻ trả dần.

Tám Tám có trong tay tấm Giấy
Ra Trại rồi, từ giã Hàm Tân!
Nhớ Bạn Tù, bao nhiêu người nằm xuống,
Nợ Núi Sông đem trả xác thân.
Nhớ Bạn Tù, bao nhiêu người ở lại,
Tiếp tục khổ sai sau mười ba năm.
Nhớ bạn tù, bao nhiêu người tàn phế,
Bị bạo hành trong Ngục Ðỏ trần gian.
Chuyến xe hàng chạy về thành phố cũ,
Không lấy tiền người thất thế, sa chân.
Sao những nẻo đường xưa xa lạ quá
Sông núi còn, nước mất, ôi Việt Nam!
Xe đến Sài Gòn, như một thành phố khác,
Ôi ba mươi tháng tư năm Bảy Mươi Lăm!

Hòang Ngọc Liên
1976-1988

1) Ga Tour Cham. (Phan Rang)
(2) Tức trại Z30D thuộc tỉnh Phan Thiết.
*

Phỏng Bao Lăm?
Hà Thượng Nhân Họa

Nhìn nhau hai kẻ đầu phơ bạc
Ðường vẫn dài sao vội mỏi chân?
Ta gặp nhau trong tù "cải tạo"
Ðâu ngờ sự thể lại xoay vần
Lại cùng rủ nhau sang nước Mỹ
Nắm tay cười lớn còn mùa Xuân
Tờ lịch rơi thêm, thêm một tuổi
Liệu còn thêm mấy lớp phong trần?
Mà không người ạ! Thơ ta đó
Ta đón mời nhau một đỉnh trầm

Ta hỏi, nghe rằng tri kỷ hiếm
Hiếm chăng khi giải nghĩa tương thân?
Người về miền ấy đầy sương tuyết
Ca Li đêm vắng gió mưa thầm
Ta quên rằng dẫu thân lưu lạc
Quên cả tù đày biết mấy năm!
Chỉ nhớ thơ ta là có thực
Chung quanh người Việt rộn ràng Xuân
Ta gặp Việt Nam trên nước Mỹ
Việt Nam Xuân cũng lạnh căm căm
Ta không trông thấy cây nêu cũ
Vẫn thấy hoa đào nở trước sân
Người bảo đường xa rằng diệu vợi
Tiếng chuông chùa cổ lại vang ngân
Có phải tiếng chuông chùa Trấn Quốc?
Tiếng chuông khơi dậy những ngày Xuân?
Có phải tiếng chuông đêm lạnh lẽo
Giao thừa cùng với pháo râm ran
Ai xưa trên bến Phong Kiều ấy

Tưởng mới vừa đây đã cố nhân
Người mới ngày nào vào Mũ Ðỏ
Tưởng nghe gió thổi cánh thiên thần

Ta nhớ những ngày nằm Suối Máu
Mưa chứa chan trên núi Chứa Chan
Ta nhớ những ngày trên đất Bắc

Thuốc lào say mãi giấc tân Xuân
Ta nhớ nhà ngươi ôm bụng đói
Nụ cười sao vẫn cứ dòn tan
Ta bỏ quê hương từ đất Bắc
Tưởng nằm yên phận góc miền Nam
Nhưng sao Nam Bắc trời đôi ngả
Tưởng đã bình an vẫn biết an
Có phải thơ ta giờ lỗi vận
Ðời ta cũng lỡ những cung đàn?
Người về náo nức chăng, người cũ
Hồ Trường còn mãi nát tâm can
Chao ôi! Thơ đẹp như là Tết
Sao núi sông này vẫn cách ngăn?
Sao chẳng cười rung trời lữ thứ
Ném bất bình nghe cốc rượu tan.
Hỡi người mũ đỏ đầu phơ bạc
Trừng mắt khi nghe tiếng gọi đàn
Người vẫn đau lòng khi đọc lại
Chút tình Dương Tử Long Giao ngâm?
A! Ngày buông súng chưa xa nhỉ
Như vẫn còn đây nỗi nhục nhằn.
Như vẫn sáng ngời gương tuẫn tiết
Sáng ngời lịch sử một phương Nam
Ta thua một trận chưa thua hẳn
Cuộc chiến tàn theo cốt nhục tàn
Cuộc chiến tàn chúng mình ngơ ngác

Một tấm lòng son vẫn chẳng tan
Tre già lại có mầm măng mọc
Ta có năm châu triệu bước chân
Hớn hở quay đầu về Tổ Quốc
Ta thắng vì hơn một chữ Nhân
Ta thắng vì ta bầu với bí
Mời nhau chén rượu buổi đầu năm:

Long Giao - Suối Máu
Thân ở tù vẫn tấu nhạc vào thơ
Vũ Ðức Nghiêm còn câu chuyện Ly Cơ
Ðồi hoang vắng ngậm ngùi chưa Thục Vũ

Gửi hậu thế gọi là lời tâm sự
Chấp phong trần còn ngọt vị chua
Không cần phải rượu vẫn say
Tình thân thiết, thơ này thêm ý
Ðã tri bỉ lại phải cần tri kỷ
Biết hay chăng ý vị những cung đàn
Cuộc đời khi tụ, khi tan.

Một buổi dồn chung vào địa ngục
Mới đó đã tưởng mấy mươi năm
Chuyến tầu tưởng chở ra biên ải
Ðau thắt lòng nhau những lỗi lầm
Những lỗi lầm, ta và bạn nữa

Có ta có bạn gánh chung phần

Kẻ ra Vĩnh Phú, người Yên Bái
Bao giờ thăm lại những Ðồi Ban?
Thục Vũ! Sâm ơi! Thục Vũ!

Bỗng thấy căm thù ứa ruột gan
Người đi đâu ngỡ người đi thật
Mãi mãi từ nay giữa cõi trần
Chỉ có bài ca anh để lại
Bạn bè anh sau đó sẽ thay chân
Bạn bè anh se quay đầu súng
Sẽ trở về chân đạp núi ngàn
Sẽ về dựng lại giang sơn cũ
Tiếng hát anh còn giữa thế gian
Tiếng hát nhắc rằng ta vẫn đó
Tương lân vì lẽ vốn tương thân
Vũ ơi! Nằm giữa Ðồi Ban trắng
Tạo hóa Người xem có bất nhân?

Mà thôi sống chết là quy luật
Vũ nằm ngủ nhé, giấc bình an
Chúng tôi tản mát thân muôn ngả
Vẫn nhớ về anh một chữ tâm
Vẫn lấy yêu thương làm khí giới

Vẫn coi khinh những vết roi hằn
Cộng Sản Ðông Âu tan nát cả
Nga Sô hang ổ cũng điêu tàn

Ta thua mà hóa ra ta thắng
Lịch sử đâu cần mấy chục năm?
Tất cả đều tin vào chính nghĩa
Ngọn cờ dân chủ Bắc và Nam

Ngọn cờ vẫy gọi con dân lại
Chỉ có tình yêu chỉ có xuân
Ta đắp đường đi xe máy chạy
Ðào mương, tưới mảnh đất khô cằn
Con ta chúng lớn như Phù Ðổng
Như cả ngàn năm cả vạn năm
Chúng góp tinh hoa Âu Á lại
Chữ Mỹ không rời được chữ Chơn
Tiếng Thiện giúp ta trên đất Mẹ
Ngô khoai chia sẻ để cùng ăn
Cùng đi xây lại nền nhân đức
Cho vững bàn tay vững bước chân

Ðã hết Thanh Phong cơn gió lửa

Ngọn cờ chính nghĩa giục ba quân
Những ai còn mất trong ngoài nước
Yêu nước không hề kể tháng năm
Bao giờ sông núi bình an lại
Mời nhau chén rượu thật ân cần
Bao giờ tiếng pháo đầu Xuân mới
Ta gặp nhau về ríu tít thân
Tóc bạc cười rằng: người vẫn thế

Lưng còn thẳng đấy, vững bàn chân
Không răng thì có răng nha sĩ
Cũng vẫn vui như mở hội Xuân
Ta gặp người đây ta muốn nhắn

Chúng mình còn sống mấy ngàn năm!

Sống trong thơ nhạc, trong con cháu
Trong giọng khoan hò, tiếng Việt Nam
Cam tâm làm giống dân cư ngụ
Gian lao thật sự có bao lăm?
Nhân loại tiến lên như vũ bão
Còn lo manh áo, miếng cơm ăn!

Còn lo trói bút, lo gian dối
Lo giết dân bằng lối trị an.
Ồ, cổ lai hy, nay đã khác
Tình già thêm thiết, nghĩa thêm thâm
Người còn có như tên Chu Tử
Không từng giây phút chịu cầu an
Có nhớ bài thơ ba vạn bạc
Có thứ nào ngông hơn Việt Nam
Người đi ta chúc người vui vẻ
Gặp bạn tù xưa cứ hỏi thăm
Cứ bảo chúng đầy ta đến chết
Ðói rét coi như một vết chàm

Ta vẫn còn nhau trên mặt đất
Vẫn ly rượu cụng, vẫn lời thăm
Người về mai mốt đi Trung Quốc
Rồi quên những xó xỉnh Hàm Tân
Ðứng giữa Trường Thành hây hây gió
Mà nghe như đã bóng tà huân
Ta đứng bên mồ xưa Lý Bạch
Sang sảng giọng ngâm Ðoàn Bội Trân!

Người nhớ ngày xưa trong Thủ Ðức
Thoát mà thấy đã mấy mươi năm
Mấy mươi năm đó bao vinh nhục
Bắc lại đồng cân cũng vẫn cân

Bắc lại đồng cân ta vẫn lãi
Câu thơ "cải tạo" giở xem dần
Câu thơ cải tạo sao chưa xóa?
Xuân cựu hay là Xuân vẫn tân?
Hãy đổ rượu lên trên cỏ úa
Trên sông trên biển trên toàn thân
Trên cái vô cùng còn có mặt
Tính gì ngày tháng, tính gì năm?
Người còn mắt sáng như sao sáng

Ta vẫn thơ đùa giữa thế gian
Có khác gì đâu anh bạn cũ
Nhắc gì lỡ bước với sa chân
Bài Hành người viết ta xin họa
Ðể thấy mình yêu nước Việt Nam
Hoàng Ngọc Liên ơi! Dân mũ đỏ
Thăng trầm ngoảnh lại phỏng bao lăm?

Hà Thượng Nhân
San Jose ngày 12 tháng 11 năm 2000

***
*

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.