Nov 23, 2024

Truyện ngắn

Gái Việt Trên Đất Tàu
Hoàng Ngọc Liên * đăng lúc 08:11:57 AM, Aug 18, 2008 * Số lần xem: 2269
Chị về đất nước Nam ta.
Ghé thăm Vân Độ, hỏi nhà bà Duyên
Nhắn giùm với mẹ già em
Rằng: Mai đã chết ở trên đất Tàu!

(Trích đoạn mở đầu tờ chương trình tuồng cải lương: Gái Việt
Trên Đất Tàu của đoàn Kim Chung Hà Nội, trước năm1954) ...

Tôi đã thấy thiếu phụ có dáng dấp một người đàn bà Việt Nam ấy, ngay từ khi đến bãi Tiểu Thổ Chu này. Thiếu phụ hình như cũng nhận ra tôi tương tự và đã mỉm cười với tôi.
Tôi đi theo đoàn Công Thương Kỹ Nghệ Gia Hồng Kông trong chương trình tham quan miền Nam Phúc Kiến. Khu vực này là trạm chót, trước khi chúng tôi trở lại Hồng Kông và buổi chiều hôm ấy mọi người trong phái đoàn được tự do ngoạn cảnh, dĩ nhiên trong địa hạt do công an sở tại giới hạn.
Tôi men theo con đường mòn dẫn tới một bờ suối, định bụng ngồi bên suối để ngắm cảnh nước chảy về xuôi. Nhưng trước mắt tôi là một thiếu phụ đang giặt khá nhiều quần áo. Trong chiếc “mủng” đặt trên ghềnh đá, đã có chăn mền giặt xong. Với khung cảnh và công việc trước mắt chứng tỏ tình trạng nghèo nàn của đương sự. Khi tôi đến gần, người đàn bà mừng rỡ, nhưng tôi thất vọng vì bà ta hỏi tôi bằng tiếng Quảng Đông?
- Nỵ hảo ma?
Chỉ một giây thoáng qua, tôi chợt hiểu rằng hẳn nhiên bà ta phải dùng ngôn từ đó để nói chuyện. Tôi vui vẻ gật đầu, nhưng tự nhiên lại nói tiếng Việt:
- Tôi hy vọng chị là người Việt Nam!
Thiếu phụ mừng rỡ:
- Trời đất! Rất hoan hỉ được gặp bà!
Tôi xua tay:
- Cứ xưng hô như chị em! Đồng bào mà. Chị ở gần đây?
Nét mặt người đàn bà vụt biến đổi. Tôi nhận ngay ra dáng u buồn như đã tích tụ tự lâu ngày:
- Dạ.
Tôi ngần ngại:
- Tôi không làm phiền chị chứ?
- Thưa không, tôi còn cả buổi chiều với công việc này.
Vui vẻ đến bên người đàn bà, tôi tự giới thiệu:
- Tôi là Miêng, từ Hồng Kông qua.
Thiếu phụ vui vẻ:
- Tôi tên Ngân, hai năm trước còn ở Lạng Sơn!
rồi chỉ chiếc ghế mây bên cạnh:
- Chị ngồi tạm, tiếc rằng không có trà...
Tôi lắc đầu:
- Không cần đâu. Tôi là biên tập viên một tuần báo. Do thói quen nghề nghiệp, lại bất ngờ gặp chị cũng là người Việt trên miền đất này, tôi muốn tìm hiểu đôi điều về sinh hoạt địa phương này, nếu chị vui lòng...
Ngân thở dài:
- Tôi không thể giúp chị, vì thật ra, tôi không biết một chút nào về địa phương này!
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Ngân dịu dàng:
- Cùng là phụ nữ, tôi chẳng ngại tiết lộ với chị về hoàn cảnh của tôi: Tôi tự bán mình qua đây! Hai năm nay, tôi không đi quá căn nhà ven biển trên kia trong chu vi chưa tới một cây số. Tôi chỉ biết vài tiếng Quảng chào hỏi thông thường. Ngoài lão Lâm và hai người đàn bà - tôi đoán chừng cũng là vợ của lão -, tôi không được tiếp xúc với bất cứ ai qua lại ở đây!
- Chị có thể cho tôi biết, vì sao chị lại có mặt trên miền đất này?
Thoáng thấy Ngân ngần ngại, tôi nói tiếp:
- Nếu không tiện, xin bỏ qua.
Ngân lắc đầu:
- Chẳng có gì không tiện. Tôi còn muốn trút hết nỗi lòng với chị. Có điều câu chuyện dài dòng, tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
- Chị cứ thủng thẳng nói.
Bằng một giọng nghẹn ngào, Ngân kể:
- Chúng tôi - hầu hết phụ nữ Miền Bắc Việt Nam sau chiến tranh đều lâm vào cảnh góa bụa hoặc ở vậy, vì không còn nam giới.
Tôi ngắt lời chị:
- Chị nói sao? Không còn nam giới? Lẽ nào?
- Đúng ra, là không còn người đàn ông nào chưa có vợ ở địa phương! Thanh niên thì sau những năm vượt Trường Sơn Đánh Mỹ, hoặc đi dân công phục vụ chiến trường, hay đi ... tù, chẳng thấy ai trở lại. Bản tôi chỉ còn một thanh niên duy nhất, nhưng anh này đã có bốn bà vợ, đâu còn hy vọng gì...
Thấy tôi tỏ vẻ chưa hiểu, Ngân tiếp lời:
- Cô đơn về già là một thảm cảnh mà chúng tôi muốn tránh. Do vậy mà ai nấy đều tìm mọi cách để có được một đứa con, dù phải ăn nằm với một tên vô lại. Nhưng cả những gã không ra gì cũng chẳng tìm ra. Có những chị, sau “giải phóng” phải lần mò vô Miền Nam hay Cao Nguyên Miền Trung để hy vọng có một đứa con, bất chấp mọi điều cay đắng! Mấy năm trước đây, tôi đã có ý định theo gót các chị ấy, nhưng bố tôi bị một tai nạn! Cần phải có số tiền lớn để ông thoát cảnh tập trung cải tạo mà người dân Miền Bắc hiểu rất rõ đó là cái án chung thân, nếu không có “thuốc”. Chẳng cần phạm pháp, chỉ làm mếch lòng một “ông lớn” trong “chính quyền cách mạng, thậm chí bị một bà “uỷ ban” không ưa, là có thể bị gửi vào một trại “cải tạo” không có ngày về.
Tôi xen vào:
- Cải tạo hay đi tù thì cũng phải có thởi hạn chớ?
Ngân lắc đầu:
- Chị không ở Miền Bắc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, làm sao chị biết là dân chúng bị kềm kẹp như thế nào! Tôi nói không có ngày về, là dù cho có đi tù hết một “lệnh” là 3 năm, dù có được “xét tha” ra khỏi “Trại”, nhưng nếu chính quyền địa phương từ chối, không chịu nhận cho đương sự về sinh sống tại địa phương thì vẫn không được tha ra khỏi trại. Bởi trong xã hội “ưu việt”, con người chịu sự quản lý của .... Nhà Nước!
Tôi ngẩn người:
- Như vậy là tù chung thân sao?
- Chắc chắn là như vậy đó.
Ngân bùi ngùi tiếp lời:
- Vì muốn cứu bố, đồng thời muốn có đứa con để nương tựa khi già yếu, tôi bằng lòng bán mình cho lão Lâm! Do mối lái qua lại hai bên cửa “hữu nghị”, tôi nhận đủ số tiền cho bố tôi thoát nạn, trước khi nhắm mắt đi theo bọn buôn người!
Vào một đêm tối trời, bọn chúng đã thành công trong chuyến “hàng” chở 10 phụ nữ Việt Nam xâm nhập Miền Nam Trung Quốc và an toàn cập bến Tiểu Thổ Chu này. Tôi thuộc quyền sở hữu của lão Lâm, 9 người kia được “mối” đem đi đâu không rõ.
Ngay đêm đầu tiên, lão Lâm đã hành xử với tôi như một kẻ nô lệ dục vọng của lão. Tôi không hiểu lão nói gì. Chỉ phải làm theo những dấu hiệu lão phác ra mà tôi hiểu được. Ban ngày, tôi phải làm tất cả những công việc của một người đầy tớ. Ban đêm, lão hành hạ tôi đủ điều. Tôi chịu đựng tất cả với hy vọng sẽ có một đứa con. Chỉ cần cảm nhận triệu chứng mang thai, tôi sẽ tìm cách vượt thoát về Việt Nam, dù lão không cho phép tôi bước chân ra ngoài khu vực ấn định.
Nhưng điều khốn nạn nhất trong những bất hạnh của đời tôi, là lão Lâm không cho tôi cơ hội mang thai. Đầu năm nay, khi tôi chưa nhận ra triệu chứng mang thai, thì lão Lâm đã biết trước. Cùng với hai người đàn bà Tầu, lão trói tay chân tôi, ép tôi phải uống thuốc phá thai. Chừng nghe lượng thuốc đủ công dụng, một người đàn bà lấy khăn bịt miệng tôi, không cho tôi nôn ra.
Sau tai nạn đó, tôi phải tiếp tục cuộc sống tôi mọi cho đến ngày hôm nay. Nếu không có một cơ may, tôi sẽ phải chết già trên đất Tầu này. Hy vọng vượt thoát sẽ rất mong manh. Nhưng tôi vẫn ngày đêm khẩn cầu Trời Phật ban cho tôi một cơ may.
Khi bằng lòng bán mình, mặc nhiên tôi đã chấp nhận mọi hậu quả, để đạt hai nguyện vọng: cứu bố tôi và có một đứa con. Đến nay thì việc có con hầu như vô vọng. Còn cứu bố? Tôi đã nộp đủ yêu cầu cho “cách mạng”. Ủy ban hứa là trong đợt ân xá tới, thế nào họ cũng nhận cho bố tôi trở lại sống ở địa phương. Tôi đi rồi, chẳng hiểu là bố tôi đã được tha chưa? Nếu bọn họ nuốt lời, tôi chết sẽ không được nhắm mắt!....
Tôi cầm tay người đàn bà bất hạnh. Ngoài những lời an ủi, tôi đâu còn cách gì giúp được chị? Lúc tôi bùi ngùi từ giã chị, tôi thấy hai dòng nước mắt chị trào ra. Tôi nghẹn ngào, vội vã quay trở ra xe. Hồng Kông bữa nay đang sửa soạn đổi chủ. Dĩ nhiên tôi sẽ đi Anh Quốc. Còn người đàn bà bất hạnh mà tôi đã gặp, sẽ còn phải chịu thêm bao nhiêu cay đắng của cuộc đời một con người không bao giờ được sống xứng đáng với quyền sống của con người?

Hoàng Ngọc Liên
(Trích Viên Đạn Cuối Cùng)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.