Biên khảo
Có Nên Nghĩ Về Một Mùa Thơ Mới ?
Xuân về, làng văn – báo của chúng ta đã tống cựu nghinh “xuân” bằng hàng loạt tưng bừng những bài thơ đón xuân in long trọng trên các mặt báo. Và trong không gian đất trời đang nhú dậy những mầm xuân mới, thiết nghĩ tâm trí của chúng ta không khỏi không đơm mầm những ý tưởng mới cho vườn thơ mùa xuân. Ý tưởng về thơ, nghĩ về thơ, hiển nhiên không phải là công việc làm thơ, mà là một cách suy tư về lối thưởng thức thơ, chiêm nghiệm thơ, sống thơ và sinh hoạt thơ . Đó là một đời sống thơ mang ý nghĩa toàn thể, chứ không phải đời sống thơ co hẹp ý nghĩa bằng cách: cứ chúi đầu làm thơ, chúi mũi làm thơ, đến khi gặp người nào thẩm định thơ mình liền bảo “thơ là thơ, hay là hay, không hay là không hay, lý luận không làm ra thơ, ý thích mỗi người mỗi khác. Vậy thì cứ thưởng thức thơ đi!” Nhưng tiếc thay chính những nhà thơ nói như vậy, chẳng được bao lâu lại nói: “Thơ tôi hay chỗ này chỗ kia; còn thơ người thì dở cả chỗ này lẫn chỗ kia”.
Đây là thực tiễn đời sống sinh hoạt thơ của chúng ta, một đời sống thơ mà hầu như mọi lúc, chúng ta mới chỉ sinh hoạt thưởng thức thơ theo lối kẻ ngâm người vịnh, chứ chưa sinh hoạt trí tuệ thơ. Và điều này hiển nhiên dẫn đến một cuộc khủng hoảng về lý luận phê bình thơ; người ta khen chê nhau tuỳ ý, tiện thì khen, tiện thì chê.
Hẳn nhiên dù ý kiến của chúng ta có thế này thế khác, thì chúng ta cũng khó cưỡng nổi một sự thật rằng: cho đến khi nào chúng ta vẫn lảng tránh đời sống sinh hoạt trí tuệ thơ, thì có nghĩa là trong tâm trí của chúng ta vẫn gợn lên một mặc cảm yếu ớt, mặc cảm sợ bị người chê, và mặc cảm sợ phải đối mặt trước ánh sáng thẩm giá. Hiện nay chỉ nhìn lướt qua báo chí văn thơ trong nước và nước ngoài, chúng ta nhận ra ngay một khác biệt rất lớn. Báo chí văn thơ nước ngoài giành hầu trọn các trang vào cuộc sinh hoạt trí tuệ của thi ca (chỉ giới thiệu một vài trang sáng tác), nhằm mục đích cuốn hút đời sống văn thơ vào dòng xoáy đào luyện của trí tuệ và tư tưởng, mong đốt bùng lên trong lòng các tác giả một sức bật sáng tác mới. Đây là một nguyên lý rất chính đáng. Chúng ta hãy xem một huấn luyện viên giỏi có huấn luyện cầu thủ bằng cách từ sáng đến chiều cứ cho thi đấu liên tục không? Hay người ta giành hầu trọn thì giờ cho việc huấn luyện thể lực, kỹ thuật? Một giáo sư âm nhạc cũng vậy, ông ta không đào tạo một nhạc sĩ tương lai bằng cách mở đầu đã cho tiếp xúc ngay với tác phẩm, mà ông ta bắt học sinh của mình phải làm quen với các bài tập về kỹ thuật, cách nghĩ, cách cảm... Trái lại nền thơ của chúng ta lại làm khác, chỗ nào cũng thấy làm thơ và làm thơ, sáng tác và sáng tác, giới thiệu và giới thiệu về các sáng tác... trong khi quá hiếm các bài phê bình đánh giá các sáng tác. Nếu dùng ngôn ngữ thị trường thì thơ ta CUNG nhiều hơn CẦU. Điều đó lý giải tại sao hầu hết các tác giả thơ hiện nay lại phải tự bỏ tiền ra in thơ mình, rồi tự phát hành lấy.
Để đi vào cuộc sinh hoạt trí tuệ thơ, có lẽ không thừa để chúng ta ôn lại kinh nghiệm của nền thơ Nga. Nước Nga lại một đại cường quốc về chính trị, văn hoá, nghệ thuật, vậy mà họ rất thành khẩn khi thừa nhận rằng: cho đến đầu thế kỷ XIX , nền thơ Nga mới thực sự chào đời với sự hiện diện của Puskin. Và để chuẩn bị cho sự ra đời của một nhà thơ Nga mang tầm cỡ vĩ đại bậc nhất thế giới của mình, cuối thế kỷ XVIII, Mikhail Lomonsov nhà ngữ pháp học, đã lớn tiếng chỉ trích cái nền thơ bản địa bám váy nền thi ca Pháp của nước Nga. Bởi chính sự cảnh tỉnh của ông, HÀI NHI Puskin đã bứt khỏi váy bảo mẫu thi ca Pháp để tạo dựng một nền thơ xứng giá độc tôn cho nước Nga . Đây cũng chính là bài học của nền thi ca Pháp, để tạo dựng nền thi ca riêng rẽ của mình trong suốt nhiều thế kỷ họ đã phải trăn trở để bứt khỏi bảo mẫu Latin. Sử thi Ấn Độ có câu: “Một hạt giống cứ nằm luôn dưới gốc cây mẹ sẽ bị cằn cỗi cho đến khi nó được đem trồng ở nơi khác”. Về điểm này, nền thơ Việt Nam đã được chứng kiến một thời Thơ Mới (1932 – 1945) đột biến chói lọi khi bứt gốc khỏi các niêm luật thơ Đường và lối thơ cũ. Thơ mới không chỉ là cuộc canh tân, mà còn là cuộc tự kiểm thảo lối thơ u mê khoa cử, nặng nề niêm luật, sáo rỗng chất thù tạc, cũ rích trong nội dung cũng như hình thức của dòng thơ ta lúc bấy giờ còn mang nặng “cuống nhau” Bắc Thuộc. Và các đàn anh như Phan Khôi, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư... đã không chỉ vận hết tài hoa để thiết lập nền móng cho thơ Việt nam, mà còn dám gánh vác trên vai “mặc cảm tự sỉ nhục” để mong canh tiến nền thơ lúc đó đã quá lỗi thời. Chẳng hạn như các cuộc phản tỉnh của Hoài Thanh:
- Về ảnh hưởng của thơ Đường: “Thanh thế thơ Đường ở nước ta xưa nay bao giờ cũng lớn. Nhưng vì cái học khoa cử, những bài thơ kiệt tác ngâm đi giảng lại hoài đã gần thành vô nghĩa. Nó chỉ là cái máy để đúc ra hàng vạn thí sinh cùng hành vạn bài thơ dở.”
- Về thơ cũ: “Nói tóm lại thơ cũ hoặc là tinh hoa của mấy ngàn năm văn học hoặc là cặn bã một lối thơ đến lúc tàn”.
- Về dòng thơ mới: “Không thể xem phong trào thơ mới là một chuyện lập dị do một bọn dốt nát bày ra để kiếm chỗ ngồi trong làng thơ”.
- Về sự đua đòi làm thơ: “Không một nhà thơ nào nổi tiếng mà không có một bọn xúm lại bắt chước. Bắt chước rồi tìm ra vẻ đẹp riêng thì còn nói làm gì. Đằng này bọn họ như những con thiêu thân chỉ nhảy vào lửa để mà chết” (theo Thi Nhân Việt Nam).
Nền thơ của chúng ta hiện nay ra sao? Nhìn vào nền lý luận phê bình yếu kém, chúng ta sẽ có được ngay câu trả lời: đời sống trí tuệ thơ đang rất còi cọc, thiếu sinh khí. Nhưng sự yếu kém của phê bình phản ánh hai thực tại:
1- Đội ngũ phê bình còn yếu kém cả trình độ lẫn lòng can đảm.
2- Đời sống thi ca của chúng ta chưa sẵn lòng chấp nhận các cuộc thẩm giá của trí tuệ , bởi thế nền lý luận phê bình thiếu CẦU để nuôi CUNG nên đành teo rút gầy còm mãi. Đây là một thực tại khá trân trối, bởi vì chỉ cần nhìn lướt qua các giải thưởng văn học gần đây thì thấy: không thấy bóng dáng các nhà phê bình lý luận tham gia chấm giải. Toàn các tác giả bầu chọn các tác giả, nhà thơ bầu chọn nhà văn. Kết quả có nhiều thủ khoa do không bấu víu được bất kỳ chuẩn mực xác tín nào của giải nên đành dần chìm nghỉm.
Người ta bảo: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng nghiệp thì tương kỵ”. Vậy liệu khi các tác giả chấm cho nhau thì có đảm bảo được rằng mình đã tự vắt kiệt những định kiến cảm tính hay đố kỵ? Và người ta cũng bảo rằng: phải có văn hoá cao mới vượt qua được tính đố kỵ “văn mình vợ người”.
Theo triết học, thì sự phản tỉnh là một nhận thức, vì: nó tách dời cái tôi khỏi cái tôi, nhắm ý thức về cái tôi để tái chiếm lại cái tôi. Và trong cuộc đuổi bắt diễn ra giữa cái tôi với cái tôi, con người làm nên sự tiến bộ về nhận thức của mình. Phản tỉnh, kỳ thực không phải phát hiện gì quá mới mẻ, trong đời sống từ lâu chúng ta đã áp dụng nguyên tắc “phê và tự phê, trong đó lấy tự phê bình làm chính”. Vậy mà đời sống thi ca nói riêng, nghệ thuật nói chung của chúng ta hiện giờ ra sao? Về mặt chính thức thì lấy “ nguyên tắc”: khen và tự khen, tung hô và tung hô, hoặc vui cùng vui làm chính; về mặt “sau lưng” thì lấy “chê người khen mình” làm chính. Đây là sự thật đang nổi lên rất nghiêm túc trong lòng đời sống thi ca của chúng ta, nghiêm túc đến mức, tất cả những ngôi sao đang nổi hay những thủ khoa đã lĩnh giải vẫn chỉ đang còn là “những dấu hỏi nhấp nháy về giá trị”. Chẳng hạn có một nhà phê bình rất có tiếng (tôi xin miễn nêu tên), trong suốt mấy chục năm làm công tác phê bình, vì sợ các tác giả đến “cà khịa” nên ông chỉ viết toàn những lời khen, và cách làm đó đã kéo theo các hậu viên mắc chứng “khen một chiều”. Có người hỏi ông: “Tại sao lại viết như vậy? Viết phê bình mà chỉ khen chứ không chê phải chăng là phản phê bình” Thì ông đã bình thản trả lời: “Cái gì tôi khen đó là ưu điểm của tác giả và tác phẩm, cái gì tôi không khen thì tức là khuyết tật của họ”.
Nghĩ về thơ thì không thể nghĩ vẩn vơ, không mục đích, mà phải có cái mà nghĩ. Vậy một cách “thiện trí”, tôi xin nhắc lại câu hỏi vẫn treo lơ lửng trên đầu nền thơ của chúng ta. Sở dĩ tôi phải đưa vào ngoặc hai chữ thiện chí, bởi lẽ đây là câu hỏi chính thức nổi lên giữa lòng đời sống thi ca của chúng ta, chứ không phải câu hỏi thị phi “gắp lửa bỏ bàn tay” từ ngoài rơi vào, đó là:
Văn thơ đương đại nổi lên là phong trào nhiều hơn là tác giả?
Chúng ta đã tranh luận nhiều, người thì bảo “không đúng!” người thì bảo “có đúng!” Chẳng hạn có người phản bác còn đưa ra luận điểm rằng: “Quí hồ tinh bất quí hồ đa”. Nói như vậy là sai tuốt từ cổ chí kim. Người Trung Hoa có câu: “Vật nhờ tâm mà thông, tâm nhờ vật mà hiện”, có nghĩa là vạn sự ở đời, cái tâm bên trong phải tương xứng với cái vật bên ngoài và ngược lại. Một đại dương không thể đựng nước của nó trong một cái chén. Còn phương pháp duy vật của Karl Marx đã xác thực: “Lượng đổi chất đổi”. Lượng không đủ lớn làm sao có thể tạo ra cuộc nhảy vọt về chất. Và phương pháp thẩm định Bốn thành tố của Kant bao gồm: lượng tính, phẩm tính, tương quan , và hình thái, thì cũng lấy lượng tính là yếu tố đầu tiên.
Vậy câu trả lời của chúng ta là không hay có? Khi ta hỏi nàng Thơ có yêu ta không, thì liệu nàng có dứt khoát trả lời là Không hay Có chăng? Không, nàng sẽ ậm ừ, chưa ra yêu cũng chưa ra từ chối, đó là cách trả lời Nếu (theo lối của người Pháp, giữa cách trả lời Không – non, và Có – oui, thì có cách trả lời nước đôi là Si - nếu).
Vậy theo tôi câu trả lời của chúng ta là chữ Nếu. Nhưng đây không phải là cách trả lời tiêu cực, mà chữ Nếu này đưa chúng ta vào giữa lòng cuộc phân thân, phản tỉnh của nền thi ca mong tiến hành một cuộc vận động tinh thần nhằm tái thiết và sản sinh giá trị lớn hơn.
Trở lại những trang thơ tết của chúng ta. Tôi xin được nêu ra cảm nhận của mình. Ngoại trừ một ít bài hay về ý tưởng và ngôn ngữ ra, còn lại nói chung thấy nổi lên một không khí ĐIỀU ĐỘ: cả về độ dài, sức đột phá cao trào của tư tưởng, và cả cuộc dày vò ngôn ngữ. Hay hặc đẹp ở nhiều bài thơ chưa cần xét đến, mà ngay tức thì chúng đập vào tâm trí người đọc: một khát vọng cầm chừng, một sức sống dè sẻn, một nhãn quan thiếu chân trời, và một vốn liếng ngôn từ đang cháy túi (tôi xin miễn nêu dẫn chứng).
Bài viết đã dài, trong khi tôi còn ấp ủ nhiều điều để đối thoại. Mọi điều tôi viết đều cố gắng bám sát hai thực tại: thứ nhất là thực tại nền thơ, thứ hai là thực tại tiền ý thức được khích dậy trong khát vọng của tâm hồn nhằm đưa chúng ta sớm bước vào cuộc hành trình của phản tỉnh, đối thoại, và tự thẩm giá. Đây là một thực tại mang bổn phận, theo cách người Việt vẫn nói, đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Vậy tôi xin chia sẻ ý kiến của mình mong được đối thoại với các tác giả khác về những ý tưởng và thực tế cụ thể, ngõ hầu giúp ích cho nền văn học của nước nhà.
Rất cám ơn!
N.H.Đ
1997
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.