|
Bài giới thiệuTâm Sự Ngày Xuân NGUỒN INTERNET * đăng lúc 03:33:48 AM, Feb 17, 2015 * Số lần xem: 1648
Lá Thư Úc Châu
Trang Thơ Nhạc mừng Xuân Ất Mùi 2015
Chúc mừng năm mới
Hoài An: Tâm sự ngày Xuân
Tiếng hát: Như Quỳnh
Click vào đây để nghe: https://www.youtube.com/watch?v=S6kmGvVKi-o&feature=youtu.be
Tình thân,
Kính
NNS
.............................. .............................. .............................. ...........
(1) Mặc Lâm (RFA): Những cung bậc mùa Xuân
Có Những bài thơ xuân trong đó chất chứa không những niềm vui mà còn không ít nỗi buồn của mùa xuân, những mùa xuân xa xứ. Mùa xuân và Tết đang cận kề Mặc Lâm xin giới thiệu một vài bài thơ Xuân:
Đây cả mùa xuân đã đến rồi
Từng nhà mở cửa đón vui tươi
Từng cô em bé so màu áo
Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười.
Và tựa hoa tươi cánh nở dần
Từng hàng thục nữ dậy thì xuân
Đường hương thao thức lòng quân tử
Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân.
Từng gã thư sinh biếng chải đầu
Một mình mơ ước chuyện mai sau
Lên kinh thi đỗ làm quan Trạng
Công chúa cài trâm thả tú cầu.
Có những ông già tóc bạc phơ
Rượu đào đôi chén bút đề thơ
Những bà tóc bạc hiền như phật
Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.
Pháo nổ đâu đây khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tựu dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét chẳng phai.
Nguyễn Bính đáng gọi là nhà thơ mới có nhiều bài thơ viết về mùa xuân, về tết nhất trong văn học Việt Nam. Đa số trong các bài thơ ấy là những cái tết ly hương mà nhà thơ trải nghiệm có lẽ bài Thơ Xuân mà chúng ta vừa nghe là bài thơ nguyên vẹn sắc màu mùa xuân vĩnh cửu nhất của nhà thơ.
Không thật thà dịu dàng như Nguyễn Bính, Bùi Giáng có cái chạm khẽ vào Xuân nhưng lại bật ra sự sửng sốt cho người đọc ông. Bùi Giáng vốn nổi tiếng là làm thơ như lão ngoan đồng, chạm vào chữ như người điên nhưng kết quả là chữ của ông làm cho người ta say sóng. Với mùa Xuân cũng thế, Bùi Giáng đứng xa mà quan sát để rồi bất thình lình xô người đọc vào vùng xoáy của thực và mộng, của hư vô và hiện sinh. Bùi Giáng cũng chào và hỏi như thói quen chào hỏi của người Việt trong dịp xuân về, nhưng cái chào hỏi của ông hàm chứa sự biệt ly không tránh được của kiếp người, từ đó nảy sinh câu hỏi: Khi nào thì trùng ngộ?
Bùi Giáng: Chào Nguyên Xuân
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng: những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
(Mưa xuân, Hà Nội)
Sự trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân mà Bùi Giáng đặt để hình như không xảy ra như nhà thơ dự đoán. Từ mùa xuân năm 1975, mùa xuân định mệnh biến đổi một nửa đất nước và hàng triệu người bỗng đánh mất mùa xuân trên bước đường lưu lạc. Từ thành phố Seatlle của tiếu bang Washington, nhà thơ Thanh Nam thở dài não lòng với bài “Thơ xuân nơi đất khách”. Giọng thơ quay trở lại thời của Nguyễn Bính khi vào Nam nhớ về những mùa xuân đất Bắc. Với Thanh Nam không còn may mắn như Nguyễn Bính còn có nẻo mà về vì ông ở quá xa, xa như từ cõi nào khác không còn có mùa xuân thứ hai trở lại.
Tờ lịch đầu năm rớt hững hờ / Mới hay năm tháng đã thay mùa
Ra đi từ thuở làm ly khách / Sầu xứ hai xuân chẳng đợi chờ
Trôi giạt từ đông sang cõi bắc / Hành trình trơ một gánh ưu tư
Quê người nghĩ xót thân lưu lạc / Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
Thức ngủ một mình trong tủi nhục / Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận / Nằm giữ sa trường nát gió mưa
Khép mắt cố quên đời chiến sĩ / Làm thân cây cỏ gục ven bờ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích / Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa.
Ơi hỡi quê hương, bè bạn cũ / Những ai còn mất giữa sa mù
Mất nhau từ buổi tàn xuân đó / Không một tin nhà, một cánh thư
Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi / Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
Một năm người có mười hai tháng / Ta trọn năm dài Một Tháng Tư!
Chấp nhận hai đời trong một kiếp / Đành cho giông bão phũ phàng đưa
Đầu thai lần nữa trên trần thế / Kéo nốt trăm năm kiếp sống nhờ
Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt / Học làm con trẻ nói ngu ngơ
Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi / Thân phận không bằng đứa mãng phu
Canh bạc chưa chơi mà hết vốn / Cờ còn nước đánh phải đành thua
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng / Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do!
Bằng hữu qua đây dăm bẩy kẻ / Đứa nuôi cừu hận, đứa phong ba
Đứa nằm yên phận vui êm ấm / Đứa nhục nhằn lê kiếp sống thừa .
Mây nước có phen còn hội ngộ / Thâm tình viễn xứ lại như xa
Xuân này đón tuổi gần năm chục / Đối bóng mình ta say với ta.
Cách Seattle không xa là Portland, Oregon nhà thơ Hoàng Phố trong một chiểu cuối năm đi ngang sở thú Tiểu bang, anh bắt gặp hình dáng một con vượn bạc má ngồi ủ rủ trong chấn song khi đất trời thay đổi. Nỗi cảm hoài đã làm nhà thơ tự hỏi không biết giữa mình và con vượn bạc má ấy ai trong, ai ngoài cái chắn song kia, chắn song mà anh gọi là chắn song cách biệt giữa rừng và phố, giữa Mỹ và quê nhà xa lắc xa lơ: Chiều ba mươi trong sở thú với con bạc má.
chớm xuân không đủ cho lòng ấm / khóc lời hỗn mang mù đất trời
ngươi, con bạc má hú tiếng nhớ / chắc gì ta chẳng buồn hơn ngươi?
chấn song cách biệt rừng và phố / ngươi ngồi chồm hổm mắt lạc loài
nhìn ngươi ta thốt lời nghẹn ứa / trời cao biển rộng biết đâu về?
ta lục mỏi mòn trong trí nhớ / bao lâu? không biết, ở nơi này
chỉ chắc một điều không bàn cãi / nhớ quê như lửa dụi vào tay
nếu ta hú được như ngươi vậy / rồi ngươi sẽ ngẩn mặt ra nhìn
ngoài ngươi trái đất còn ta nữa / buồn quê đầy ứ đến vô cùng
ta đi một đỗi còn quay lại / ngươi vẫn bên trong ta bên ngoài
ngoài, trong nỗi nhớ không ngơi nghỉ / ngươi nhớ bầy đàn ta nhớ ai?
Rồi như chợt nhớ ra bây giờ đang là những ngày chuẩn bị đón Tết, nhà thơ lại bâng khuâng với khúc phim cũ từ cuộc đời Việt Nam, nơi anh đã rời xa, hút mắt: Canh cánh.
pháo có còn thơm sân áo mới / xuân có còn tươi nụ hôn đời
em có còn xinh đôi gót mỏng / ngõ vẫn buồn hiu vàng lá rơi?
ta nhớ miệt mài con đường đất / thoáng dăm đứa bé dắt nhau đi
ai vấp vào lòng ai tội nghiệp / ba mươi năm tim vẫn thầm thì
lại nhớ dăm căn chòi hiu quạnh / tựa vào nhau xiêu đổ vào nhau
người họp rồi tan bao nhiêu bận / có ai nán lại giữa chợ chiều?
tiếng xe mì gõ đêm mù mịt / cuối xóm mờ câm lạc ánh đèn
ai đứng chờ ai lòng quên mỏi / ầu ơ tiếng mẹ nghe rất quen
nỗi nhớ quẩn quanh không nơi thoát / tụ lại trong tim đầy chỗ nằm
vói tay vặn thử thời gian nguội / vô ích như trò chơi trăm năm
Hoàng Phố buồn và dĩ nhiên trong nỗi buồn mang chữ Việt Nam ấy vẫn là bóng dáng người mẹ cho bất cứ ai còn mẹ ở lại trong nước. Anh nhờ người bạn ghé nhà thăm bà. Có lẽ anh sợ những giọt nước mắt, những lời trách thân yêu mà anh lâu lắm chưa một lần nghe qua: Thư gửi bạn.
mày có đi làm ghé chơi thăm má / mua một tô mì cho má giùm tao
nhớ thêm bột nêm vào trong hoành thánh / tánh má từ xưa vẫn thích ngọt ngào
nếu má hỏi mày làm ăn có khá / cũng ráng mà cười nói “được” nghe chưa
tánh má hay buồn nghe ai thất bại / bốn chục năm rồi má vẫn như xưa
khi mày ra về cũng nên hẹn lại / sẽ đến thăm khi rảnh rỗi việc nhà
má như trẻ thơ thích ngồi nói mãi / những chuyện ngày xưa hồi còn có ba
ừ mà tao quên, mày đốt cho ba / một nén nhang thơm cho má mát lòng
bởi tao đi rồi là hai hình bóng / nay đã mất tăm vừa con vừa chồng
Mẹ của Hoàng Phố có lẽ may mắn hơn mẹ của Trần Trung Đạo, vì bà được bạn của tác giả ghé nhà thăm hỏi trong khi Trần Trung Đạo lại cứ dối quanh ngày về của mình. Sự cách biệt mẹ con vì chiếc cầu về nước đã bị chặt gãy, đại dương mênh mông đối với nhiều người đã được san bằng chỉ còn lại một con lạch cỏn con, nhưng với Trần Trung Đạo thì đại dương ấy vẫn lạnh lùng, bao la, và tàn nhẫn: Mỗi mùa xuân thêm một lần dối mẹ.
Nhớ năm ngoái mẹ có lần đã hỏi
Về chưa con sao vẫn thấy chưa về
Con lại phải thêm một lần nói dối
Chờ sang năm con hứa sẽ về quê
Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới
Chắc là con không biết có Xuân sang
Ðời nước Mỹ tháng ngày trôi qua chóng
Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn
Bỗng sực nhớ đến lời ai đã nhắc
Lại lo tìm câu nói dối cho xong
Mười một mùa xuân miệt mài đất khách
Con dối đi dối lại biết bao lần
Căn nhà cũ chắc năm nay mục nát
Tiền gởi về không đủ mẹ nuôi thân
Con gái lớn theo chồng đi nơi khác
Con trai đầu biền biệt chốn xa xăm
Cây mai nhỏ ba đã trồng năm trước
Mấy xuân rồi có nở nụ nào không
Hay đã chết theo ba từ dạo ấy
Ðể mùa Xuân hoa trắng nở trong lòng
Năm mới đến mẹ già thêm một tuổi
Tóc bạc hơn nhiều, má hóp răng long
Sao giấc ngủ chập chờn con thấy mẹ
Người đàn bà đẹp nhất ở trần gian
Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai
Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
Núi sông đây sao giữ được vuông tròn.
Qua một mùa xuân là một lần con người thay đổi mặc dù đất trời chẳng khi nào đổi thay. Những bài thơ cũng từ đó mà lột da, có thể buồn hơn hay ngậm ngùi hơn trong từng mùa xuân riêng lẻ. Chỉ có mùa xuân quê hương, mùa xuân dân tộc là luôn luôn diễm lệ và tưng bừng để từ đó đất nước hít thở sinh khí mới và chia sẻ cho sinh linh niềm hy vọng mà người tha hương chắc chắn sẽ tiếp nhận trong một ngày về…
(2) Davis Thiên Ngọc, Trần Thiên Đức: Xuân tha hương
Cứ mỗi độ những đóa Mai vàng, những cành Đào xuất hiện trong khung trời xứ xa ngàn dặm… pha lẫn những cánh hoa Tuyết lung linh dưới ánh đèn từ những cây thông tỏa ra là báo hiệu cho một mùa mà những cõi lòng chứa chan bao niềm thương nỗi nhớ lại tràn về bao hình ảnh của một mùa xuân nơi đất Mẹ. Nói đến đất Mẹ là Quê Hương là bãi mía luống cày là bờ tre ao cá… là xóm làng, là thịt da từ sỏi đá vươn lên, là những suối nguồn tuôn ra từ rừng xanh lòng Mẹ, là sóng bạc đầu nhòa màu tóc của Cha… là tất cả từ phố phường đến lúa mạ xanh xanh… là hoa bưởi hoa chanh, là chùm khế ngọt… "…Nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người.” (Đỗ trung Quân).
Nhớ xưa bên kia bờ thương nhớ… Cứ mỗi độ Chúa Xuân đu đưa mỉm cười trong gió… ngấp nghé trên cành liễu trước nhà là mây trời như la đà thấp xuống cho đất trời gần nhau, cho những cánh én chao liệng tung mình không mỏi cánh mang tín hiệu… thông điệp của tình yêu là mầm sống mạnh mẽ trỗi lên cho mọi nhà, mọi chốn. Mùa Xuân là khởi đầu cho một năm, tuổi xuân là khởi đầu cho đời người là biểu tượng cho hoa bướm sắc hương… là niềm tin và hy vọng cho ngày mai với con đường thênh thang… bạt ngàn hoa thơm cỏ lạ.
Nơi đất khách quê người với nỗi lòng người xa xứ bên bếp lửa hồng “đêm 30 trừ tịch” một nồi bánh chưng với những chiếc bánh hình vuông mang hình hài của đất (Mẹ) được bảo bọc bởi những chiếc lá xanh màu da thịt của Rồng-Tiên cũng được bắc lên dưới ánh lửa bập bùng từ những khúc gỗ thông, gỗ phong (Firewood) khơi lại và dựng lên một bếp lửa quê hương mang hình thái cổ truyền dân tộc. Những câu chuyện cổ tích cũng được tràn về… những tâm hồn trẻ thơ được dịp quây quần quanh bếp lửa… những cặp mắt ngây thơ ra chừng xa lạ, đăm chiêu… với những câu chuyện thần tiên từ cõi thiên đường nào xa lơ xa lắc… tuy nhiên những câu hỏi thắc mắc thật hồn nhiên cũng rôm rả cất lên và bên ngoài những tiếng pháo đì đùng pha lẫn trong tiếng xì xẹt như sao băng của những chùm Fireworks… nhìn ra ngoài trời thấp thoáng những đóm sáng xanh nhấp nháy, lập lòe… lòng bỗng chùng xuống như một khúc nhạc trầm buồn và khe khẽ thốt lên… "trời ơi… đom đóm !" Đom đóm của ngày xưa… của ngày mùa lúa chín đã gặt xong, lũ trẻ chúng tôi được nô đùa trên cánh đồng đầy gốc rạ dưới ánh trăng huyền ảo… đám con trai thì đá banh, chia phe đánh trận. Còn cánh con gái thì chơi các trò của nữ nhi và có một tốp trong tay mỗi người cầm một chiếc ve thủy tinh cùng nhau đi bắt đóm đóm bỏ vào đó làm thành những chiếc đèn thiên nhiên huyền ảo… rồi chụm đầu vào nhau, lung linh những ánh mắt trên những khuôn mặt rạng ngời… lẫn trong đám "tóc đuôi gà" có một "thằng tôi" cũng hòa theo bắt đom đóm nhưng không để làm đèn mà đem về kết thành chuỗi hoa đăng, làm quà trao cho ai đó… đã đôi lần xuất hiện trong những giấc mơ rất thơ còn nhuốm mùi hoa cỏ… rồi choàng tỉnh dậy nhìn ra bầu trời đầy tinh tú… có một vì sao đang lấp lánh như mỉm cười ở cuối thiên hà… giống như tự ngàn xưa con trai của thần mặt trời Venus bay lên "hái các vì sao" về kết thành chuỗi hoa đăng dâng cho Nữ Thần Tình Yêu Aphrodite làm lễ vật cầu hôn.
Đêm 30… tuy bầu trời sương tuyết lạnh nhưng trái tim và cõi lòng đau đáu nỗi hoài Hương đa phần ai cũng bước ra khỏi nhà để "Xuất hành" và "hái lộc đầu năm" như thời trước ở quê nhà. Khu người Việt tha hương như khởi sắc dưới ánh đèn màu… bạt ngàn hoa cúc hoa mai hoa đào với bao hình tượng ngày xuân của đất trời, của quê hương được dàn dựng thật sinh động lung linh cũng làm ấm lên những tâm hồn xa xứ và cứ ngỡ rằng những bước chân đang đi trên nền đất Tổ quê Cha. Lòng bỗng nhớ câu thơ của Giang Nam "…Mưa đầy trời mà lòng tôi ấm mãi…" Người người rạng rỡ mở lòng đón xuân sang các cụ già trên tay bó hương nghi ngút khói quyện lên cao… như nhắn gởi điều gì đến cõi thần tiên trên chín tầng mây…, các thiện nam tín nữ cầm những cành đào, cành mai, tiếng cười nói xôn xao hòa trong tiếng ngân dài của chuông chùa cuối phố như mang đến cho mọi người sự an lành từ cõi từ bi vô biên của nước Phật. Hoàn toàn một đất nước VN tái hiện ở trời Tây. VN ơi sao mà thương mà nhớ!
Việt Nam ơi sao thương quá đỗi!
Từ Toronto nghẹn lời trên đầu lưỡi. / Từ Paris nhớ về Hà nội. / Nắng Cali như đi giữa Sài Gòn…
Sóng Sydney mà ngỡ gió Trường Sơn…/ Trong tuyết lạnh Mai Đào đang khoe sắc.
Nhớ Việt Nam, Nhớ về em mà lòng như dao cắt. / Những giọt máu đào đang trở về tim. / Như Anh đang vạch lối ngõ tìm…
Về cố Quốc… về với em đêm 30 từ tịch.
Hàng hàng người lũ lượt ngược xuôi, kẻ cười người nói… gặp người quen đều chúc phúc cho nhau cũng không quên câu "Mua may bán đắt, kim ngọc mãn đường, đa tài đa lộc đa phú quí…" của giới trung niên mà cái văn hóa Việt cho dù trôi nổi những nơi đâu cũng không hề thay đổi. Hai bên đường, ngập vỉa hè là xác pháo và hoa… (Hoa lạc mãn giai) cái hiện tượng mà nền văn hóa Tây phương chẳng mấy mặn mà khi lá hoa, xác pháo vung vãi ngập tràn trên đường phố… nhưng họ vẫn hiểu cái tập quán, nét văn hóa đặc thù Á Đông trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc mà hình như cũng chia sẻ nỗi niềm… mà cảm thông cho những tâm hồn xa xứ!
Qua giờ giao thừa và kết thúc cuộc “xuất hành hái lộc đầu năm” trở về với mái ấm… với mâm cúng đất trời, với bàn thờ Tiên Tổ nghi ngút khói hương, với nồi bánh chưng đang độ sôi bùng… ánh lửa đêm 30 như muốn thu hẹp đôi bờ đại dương, nối năm Châu về một mối để thành đêm hạnh ngộ sáng trời mây… đem ánh lửa ấy mà sưởi ấm muôn phương cho mọi miền nước Việt. Bỗng lời ca văng vẳng… "…Ta đốt lửa cho rừng khuya sáng mai… để người lên tìm lại dấu chân xưa..." nghe buồn vời vợi và nao lòng… nghe mằn mặn ở bờ môi, đôi mắt như nhòa sương khói.
Mây trời đêm nay bỗng dưng xuống thấp. / Cho đất trời được gần nhau, / Nước từ đâu?-Trong thẳm sâu đáy mắt thấy cay xè!
Dập dìu xuôi ngược ngựa xe... / Trời Tây đau đáu nhớ về phương Đông. / Tôi xin gói vạn trái tim nồng. / Gởi về quê hương trong từng hơi thở. / Việt Nam ơi! Sao mà thương mà nhớ... / Lời nguyện cầu cho mùa xuân chín… mãi ngàn hoa./ Hòa bình, độc lập, tự do cho toàn dân Việt. (Hải Ngoại, những ngày đầu Xuân Ất Mùi-2015)
(3) Ts Đặng Huy Văn: Xuân đang về thêm lớn ước mơ tôi
Đã sắp đến ngày 17/2, ngày mà cách đây tròn 36 năm, bọn cộng sản Trung Quốc đã dùng tới gần 60 vạn quân các loại ào ạt tràn qua sáu tỉnh Biên Giới Phía Băc để xâm lược nước ta. Ngay sáng sớm ngày 17/2/1979 đó, nhiều bộ đội biên phòng của ta đã bị giặc bắn hạ trong khi đang giành nhau với giặc từng tấc đất, trong đó có một người anh họ của tôi. Anh ấy là con trai một của bác tôi, chưa có gia đình. Bà bác tôi lúc đang sống cũng đã vài lần lên viếng mộ con trai nhưng do hoàn cảnh nên chưa đưa hài cốt của anh ấy về được. Ngày 17/2 năm ngoái, tôi đã cùng vài người bạn đồng hương lên tận Cao Bằng để thắp hương cho anh ấy. Năm nay do tuổi già sức yếu không thể lên được, đành phải ngồi nhà bái vọng. Ngày 17/2 này lại rơi vào ngày 29 Tết Ất Mùi. Một ngày Tết không khói hương, thương quá!
Ngồi bái vọng các Liệt Sĩ chống Tàu nơi Biên Giới, tôi bỗng trào dâng trong lòng một ước mơ cháy bỏng. Tôi ao ước nhân dân ta sẽ tìm ra được một vị lãnh tụ có đủ tài năng và lòng yêu nước để có thể đánh đuổi được giặc Tàu ra khỏi Hoàng Sa, Trường Sa cùng nhiều vùng đất rừng, bờ biển…trên Tổ Quốc Việt Nam mến yêu.
Nhân kỷ niệm ngày 17/2 lần thứ 36, hãy cho phép tôi dâng lên hương hồn các anh một nén hương lòng để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống giặc Tàu xâm lược.
Xuân đang về thêm lớn ước mơ tôi
(Bái vọng hương hồn các Liệt Sĩ chống Tàu, 1979)
Tôi mơ ước một Việt Nam độc lập
Khỏi như thời Bắc thuộc cả ngàn năm
Ôi! Tìm đâu một Ngô Quyền thời đại
Để giữ yên mãnh đất các anh nằm?
Tôi mơ ước một Việt Nam dũng cảm
Như thời Trần ba lần thắng quân Nguyên
Nhằm đuổi sạch bọn giặc Tàu cộng sản
Khỏi Biển Đông và khắp cả ba miền
Tôi mơ ước Giang Văn Minh trở lại(*)
Để khuyến khích ba đại tướng sang Tàu
Mắng vào mặt Tập Cận Bình láo xược
“Chú liệu hồn cút khỏi Biển Đông mau!”
Tôi mơ ước một mùa xuân Kỷ Dậu
Vua Quang Trung vĩ đại cưỡi voi về
Dìm cộng sản Tàu Ô trong biển máu
Để Việt gian hết chức nọ, quyền kia
Tôi mơ ước Cụ Nguyễn Du sống lại
Đuổi bọn người làm thơ nịnh về quê
Thà trợ giúp vợ chăn gà nuôi lợn
Có ích hơn là ngợi mướn, ca thuê
Tôi mơ ước mọi người đừng vô cảm
Trước lầm than, oan trái của lương dân
Chùa chiền sẽ mọc lên thay nhà ngục
Cho dân đen thôi kiếp sống cơ hàn
Tôi mơ ước xuân Ất Mùi đang đến
Vĩnh biệt thời quá lệ thuộc cộng Tàu
Để bè bạn khắp năm Châu, bốn Biển
Giúp Việt Nam độc lập đến dài lâu
Tôi mơ ước một Màu Cờ đổi mới
Sẽ không còn màu máu đỏ chiến chinh
Màu Hoàng Sa giữa Biển Đông rực rỡ
Sẽ tung bay trên đất nước thanh bình
Tôi mơ ước một Việt Nam xán lạn
Các em thơ thênh thản bước tới trường
Ba má chúng không còn ai ngáng chặn
Có tự do, có quyền sống, yêu thương
Tôi mơ ước một Ất Mùi thay đổi
Xuân đang về thêm lớn ước mơ tôi
Khao khát lắm một mùa xuân chói lọi
Giúp non sông xoay chuyển cả đất trời
Tôi mơ ước ngày mai trên Biên Giới
Hàng triệu người sẽ viếng mộ các anh
Đã ngã xuống chống giặc Tàu xâm lược
Cho giang sơn mãi mãi được yên lành
Tôi mơ ước Hoàng-Trường Sa biển đảo
Ngày mai đây quay trở lại quê hương
Mặc Việt gian đã trao dâng cho giặc
Để giữ yên chiếc ghế đỏ ngai vàng
Ôi Năm Mới chúc nhà nhà hạnh phúc!
Sớm nhận chân người tráng sĩ anh hùng
Cứu dân tộc thoát khỏi vòng Bắc thuộc
Cùng cháu con làm rạng rỡ núi sông. (Ts ĐHV, Hà Nội, 12/2/2015)
(*). Giang Văn Minh (chữ Hán: 江文明, 1573 - 1638) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông được mệnh danh là vị sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Hoa và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi. Thi hài của ông được đem về an táng tại quê hương, làng Mía, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Còn ba đại tướng được TBT Nguyễn Phú Trọng cử sang xin yết kiến TBT Tập Cận Bình của đảng cộng sản Trung Quốc từ tháng 8/2014 đến tháng 12/2014 lần lượt là đại tướng Lê Hồng Anh, đại tướng Trần Đại Quang và đại tướng Phùng Quang Thanh.
(4) Tưởng Năng Tiến: Quà Xuân
(Mưa phùn ướt áo tứ thân / Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu! - Tố Hữu)
Cuối năm 2014, báo Tuổi Trẻ vui vẻ đi tin: “Theo kế hoạch chăm lo dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới của Thành đoàn Tp. HCM, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân khó khăn, con em chiến sĩ hải quân, bộ đội công tác tại biên giới, hải đảo sẽ là các đối tượng thuộc diện ưu tiên. Ngoài ra sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường đào tạo nghề có hoàn cảnh khó khăn, các bạn công nhân xa quê không có điều kiện về quê đón tết, thanh niên khuyết tật, cán bộ Đoàn, Hội có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách của Thành đoàn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, gia đình chính sách, mẹ VN anh hùng, gia đình khó khăn, người già neo đơn cũng thuộc đối tượng được chăm lo dịp cuối năm... Dự kiến sẽ vận động ít nhất 7.500 phần quà (500.000 đồng/phần) để gửi tặng các đối tượng trên.”
Trời đất qủi thần ơi, sao có 7.500 phần quà mà “chăm lo” cho nhiều “đối tượng” quá vậy nè? Đã vậy, còn toàn là “thuộc diện ưu tiên” không nữa chớ. Như vậy, biết ai được nhận ai không - mấy cha? Tôi đề nghị dành hết 7.500 phần quà (500.000 đồng/phần) cho “diện” mẹ “VN Anh Hùng” đi. Các “thành phần chính sách” khác thì để qua năm, hoặc năm tới nữa, chắc cũng chưa sao đâu. Chớ mấy mẹ thì sống nay chết mai, để lâu e không... kịp!
Cứ theo Wikipedia thì từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý "Mẹ V.N.anh hùng" cho 44.253 người: miền Bắc:15.033 người, miền Nam 29.220 người. Riêng miền Trung thì không biết bao nhiêu. Chắc (bị) đông quá nên “phong tặng và truy tặng” không xuể.
Thôi thì có bi nhiêu tính bấy nhiêu. Mang 7.500 phần quà tặng cho 44.253 mẹ thì tính gọn ra là cứ sáu người sẽ được lãnh năm trăm ngàn đồng, theo Mỹ Kim bản vị là 25 đô la. Nói cách khác là mỗi người được 4 đô và gần 20 xu tiền Mỹ. Số tiền này để mua một cái Big Mac ở McDonalds thì dư nhưng nếu má nào muốn thử thêm một ly Coca Cola hay Pepsi Cola chắc thiếu, thiếu chắc! Thiếu thì dẹp. Cần gì. Mấy má uống nước trà đá hay nước lạnh cũng được rồi.
Chỉ ngại là không biết cái vụ tặng quà này có (thiệt) hay không thôi? Nhiều chuyện ai cũng tưởng vậy nhưng không phải vậy đâu. Đây là kinh nghiệm (hơi buồn) theo như lời kể của nhà văn Võ Đắc Danh: "Mẹ tôi vốn nổi tiếng hiền lành, phúc hậu, ăn nói nhẹ nhàng, từ tốn, chưa bao giờ biết lớn tiếng hay nặng lời dù là với đàn gia súc gia cầm mất nết. Nhưng nay, tuổi 85, bỗng dưng bà chửi thề vì cảm thấy mình bị xúc phạm. Số là, gần Tết, bà nhận được thông báo ngày mai lãnh đạo tới thăm Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Sáng, bà lui cui chuẩn bị trà nước để đón khách. Lại được thông báo: Lãnh đạo bận việc nên dời lại chiều mai, cho lãnh đạo xin lỗi. Ừ, lỗi phải gì, các con cuối năm tất bật mà, mẹ chẳng trách đâu. Hôm sau lãnh đạo tới, lễ phép kính thưa, thăm hỏi và trân trọng tặng Mẹ năm trăm ngàn xài Tết. Chuyện cũng bình thường như cái lẽ tất nhiên của lãnh đạo đối với bà trong mấy chục cái Tết đã qua, từ khi bà còn ở Cà Mau cho đến khi lên Sài Gòn. Nhưng cái khác thường của năm nay là khi bà đi lãnh tiền trợ cấp BMVNAH thì bị trừ năm trăm ngàn vì "lãnh đạo đã trao trực tiếp tận nhà rồi". Bà chửi thề một câu rồi nói: "Thì ra nó lấy tiền của tao để tặng tao".
Như vậy thì kể như huề chớ thân mẫu của nhà văn Võ Đắc Danh có mất mát gì đâu mà bả nói tùm lum, tùm la, vậy cà? Nhiều Mẹ Việt Nam Anh Hùng khác bị thiệt thòi hơn nhiều (và thiệt thòi thấy rõ) mà đâu có ai chửi thề um xùm như vậy. Họ vẫn ăn nói ôn tồn và nhã nhặn như thường. Hổng tin, thử coi lời kết trong đơn khiếu kiện của một bà mẹ Việt Nam Anh Hùng (khác) coi:
Kính mong ông Thủ tướng hãy xem xét và trả lời cho tôi, xin ông hãy trả lời thẳng thắn xin đừng đùn đẩy lòng vòng. Tôi đã quá mệt mỏi, hao tổn sức khoẻ và tiền bạc vì đi lại để xin được nhận lại mảnh đất của mình. Xin kính chúc ông sức khoẻ làm được nhiều việc tốt cho đời.
Tôi xin cảm ơn.
An Khánh, ngày 01 tháng 01 năm 2007
Người làm đơn: Trần Thị Thơi
Đó là chuyện gần mười năm trước (lận) nên đơn xin khiếu kiện, cùng hình ảnh của bà Trần Thị Thơi, còn được nhiều người biết đến. Từ đó đến nay có thêm vô số đơn khiếu kiện của các bà mẹ VNAH khác nữa đã đi vô... thùng rác, và hoàn toàn không được công luận quan tâm vì vấn đề đã trở thành nhàm chán.
Các má kể trên, nói nào ngay, vẫn còn thuộc thành phần may mắn. May là còn có tiền trợ cấp để “tụi nó lấy tiền tao tặng tao,” còn có đất để mất, và còn được xếp vào diện ưu tiên để (có thể) được tặng quà Xuân. Không ít những bà má khác đất đai không có, mèo chó cũng không, không có đồng xu cắc bạc trợ cấp nào (đã đành) mà cái danh hiệu MVNAH cũng khỏi cho luôn chỉ vì không đủ “kiên trinh” nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa - theo tường trình của phóng viên Tuổi Trẻ Online: “Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên. Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)…“Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.
Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới. “Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” - bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã… tái giá.”
Phải chi cái hồi giao “công tác cách mạng” cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở LĐ -TB&XH Tp.HCM và đã được cứu xét (rồi) từ chối!
Chớ còn ở những nơi khác như vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng thì không có mấy cái vụ (lộn xộn) như quà xuân, quà tết hay danh hiệu này nọ... như ở thành thị đâu. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế. Nơi mà ngay tới giấy báo tử Nhà Nước cũng bỏ lơ luôn, cho nó đỡ phiền: “Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn... Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang...”. “Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.”. “Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày. Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời”. “Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về dấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi: - Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đưa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu.” (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Ðèo Bá Thở.” Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ: 2001. 75-77).
Phải chi mà hồi đó mấy mẹ “được quyền” bớt anh hùng và bớt quyết tâm (đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào) chút xíu thì giờ đây chắc mọi người đều đỡ khổ hơn. Mỗi mẹ (hy vọng) vẫn còn sót được một hay hai đứa để để nương tựa vào lúc tuổi già, và ai cũng đều có thể mua được một cái Big Mac (cùng với Coca Cola, bất cứ lúc nào) mà khỏi phải chờ cho đến món quà mùa Xuân của Đảng.
(5) Thơ từ Bạn bè gửi:
(i) Nguyễn Đông Giang
Mùa xuân uống rượu một mình
1. mùa xuân có phải là em ?
nên chi anh bướm chịu mềm với hoa
mùa xuân có phải là ta ?
sao không trẻ lại đêm qua giao thừa
mùa xuân cái tên rất xưa
cũ như trái đất mới vừa hồi sinh
xuân nào cũng rượu một mình
từ ngày lạc bước nhục vinh xứ người
2. xuân xưa em nâng cốc mời
xuân nầy độc ẩm bên trời lưu vong
xuân quê hạ bút nhẹ dòng
xuân người mực thấm mà lòng lại khô
thơ xuân cạn ý – thảo nào !
Mùa Xuân từ cõi đoạn trường
1. Mùa xuân , hằng hữu trong tim
Em ơi ! ta lại đi tìm đâu đâu
Mùa xuân , trong nụ tình sầu
Trong mai năm cũ , vàng màu cố hương
2. Mùa xuân , từ cõi đoạn trường
Thúy Kiều gặp lại, người thương cuối đời
Mùa xuân, ở khắp nơi nơi
Trong tâm vô lượng, trong đời vô chung
3. Việt Nam , khốn khổ vô cùng
Mà xuân vẫn đến , chịu chung nỗi buồn
Xuân về, nước mắt còn tuông
Sau cơn tang hải , sau tuồng bể dâu
4. Mùa xuân, chờ xem…nhiệm màu
Cho ai mất nước, khổ đau hiện còn
Bên nầy, nhắn với nước non
Xuân nào dân tộc, hết còn phân ly ?
5. Tha hương , chẳng biết nói gì
Vài dòng thơ thẩn , ích chi buổi nầy !
(ii) Huy Uyên
Hà Nội Xuân đang về
Cơn gió hanh lạnh se đường phố
Hình như Hà-Nội mùa xuân đang về
gánh cốm, hàng trầu cau cuối chợ
đôi chim bay, tà áo phất phơ .
Người ơi xin ở đừng về
chuông gióng dã phía nhà thờ lớn
nước hồ Gươm biếc xanh, tím lòng tái tê
sáng chiều em đi lể sớm .
Giấc mơ thánh thần Hà-Nội ngàn năm
chim oanh xưa ở mãi vườn hồng
giọng ca Saint Joseph cất lên thánh thót
trên tầng cao thập-tự đá đợi mong .
bốn mùa xanh, bốn mùa nắng
thu vàng theo đông về cho rụng lá
bổng nhớ nhà-thờ Đức-Bà Paris ngập sáng
Val-de-Grace sông Sein lặng buồn .
(Ngân nga chiều lên đầu hai tháp
Hà-Nội giờ này hương sấu sắc xanh) .
Quỳnh hương đức mẹ Maria
suối nguồn xuân ngất ngây tinh khiết
buốt lạnh đêm ánh đèn sương pha
yêu người trọn đời mà người nào biết .
Gởi em những chiều đông nhung nhớ
con đường xưa thôi em về thôi
nét hằn khuôn mặt ai xa lạ
vệt khói bay lên tận trời .
hoa dạ-lý-hương tối nép mình
bóng ai sót trên sân ga hiu-quạnh
nước mắt đỏ màu chao nghiêng
hơi thở bơ vơ cùng lời-buồn-thánh .
Hà nội cập kê tuổi mùa xuân đến
đốt trên môi khói thuốc cay se
mùa đông hãm vây nổi buồn dấu kín
trần thế đêm nay Chúa bỏ không về .
Căn nhà vắng treo lòng ai ngũ mê
em không còn ngồi bên cửa sổ
nắng tàn rồi thôi lặng lẻ đi về
dưới kia sông chảy hoài nổi nhớ .
"Đình tiền hạc dạ nhất chi mai (*)
xuân và nụ hoa vàng đời, tình chưa tỏ
em bên tôi những tiếng thở dài
đêm xuân Hà-Nội đầy sương và gió .
(*) Ngoài sân vẫn nguyên vẹn một cành mai. (Thiền-sư Mãn-Giác)
(iii) Hồ Chí Bửu
Thẹn
Có bầy chim nhỏ xôn xao
Đại bàng gãy cánh làm sao vẫy vùng?
Cúi đầu- thẹn với mông lung
Kiếp sau tương ngộ - Trùng phùng với em..
Ngộ
Về may áo trắng vô chùa
Đem con phượng gáy vào khua sân đình
Bỗng dưng cờ phất chuông nghinh
Thấy bên lá phướn- bóng mình thoáng bay.
Hỏi
Hỏi em - rằng tuổi ba mươi
Hỏi ta - rằng tuổi của người mộng du
Hỏi em - Hồn chốn mịt mù
Hỏi ta - Hồn chốn ngục tù tình yêu
Vui
Em cười chúm chím một mình
Bảo ta làm mãi thơ tình cho em
Thời nầy thơ chẳng ai xem
Ta làm thơ để riêng em - gối đầu. (Tây Ninh, 7.2.15)
(iv) Trần Vấn Lệ
Em Ơi Thơ Tết
Em ơi, anh nói, ngước đầu, nghe:
“Năm mới, mùa Xuân mới, nữa, về
Đừng thấy ở đây trời đất đẹp
Mà quên em nhé những bờ tre!”
Những bờ tre dẫu từng xơ xác
Càng nhớ thương về thuở xác xơ
Chịu khổ chịu đau nhiều cái chịu
Quê Hương mình mãi Một Bài Thơ!
Bài thơ, em thấy: con cò trắng
Bay luợn trên đồng lúa mạ xanh!
Em ạ nhiều khi con bướm đỏ
Bên em cũng động tấm lòng anh…
Thời đỏ, thời đen, mình đã vượt
Bờ tre, bụi chuối…không mang theo
Mỗi mùa Xuân ngó ra đầu ngõ
Tưởng tượng như là có ngọn nêu!
Em ngước đầu lên, hãy ngước đầu
Anh hôn em nhé, thật là sâu
Hôn hai hồ mắt em sông biển
Hôn mái tóc còn nét biển dâu…
Thương chớ tóc thề em, tóc thề…
Che vầng trăng mộng những đêm khuya
Bây chừ dù chẳng còn ngang mặt
Anh thấy em còn mắt đỏ hoe!
Thương chớ người yêu trong chiến tranh
Bao nhiêu mơ ước lúc thanh bình
Dẫu chưa có đuợc như mình muốn
Cảm tạ Xuân còn biếc lộc xanh!
Em nhé mình đi đi ra vườn
Anh dìu em buớc giữa đường hương
Đường hoa đường mộng đuờng nhân ái
Đường mấy muôn trùng vẫn Nước Non!
.....................................................................................................
Kính,
NNS
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|