* Bút Xuân Trần Đình Ngọc
Vẫn nắng đẹp nhưng là nắng yếu trên những cánh đồng chỉ còn trơ rạ nhưng đa phần là rạ đã được cắt, đánh đống ngay trên bờ ruộng, chờ chở về nhà. Gió heo may hun hút từ miền Bắc thổi xuống khiến người và vật đều lạnh cóng. Đó đây vài con trâu với bác nông phu đang cày vỡ, chuẩn bị cho mùa lúa chiêm sang năm. Những hòn đất này nay mai sẽ qua tay các cô thợ xếp ải để làm cho đất tơi mục ra nhờ nắng và gió, lấy lại sinh lực để nuôi những cụm lúa mau tốt. Đó là một mùa Đông ở Bắc Việt khoảng giữa thập niên 30 (nền chính trị vẫn trong chế độ đô hộ của người Pháp).
Quay đi quay lại thế mà đã hai mươi tháng chạp. Năm nay được mùa có nghĩa là sau khi trả hết phần lúa cấy rẽ cho chủ ruộng và trả công người làm, bác Ước còn lại tàm tạm đủ số thóc ăn cho đến khi gặt lúa chiêm. Vì vậy, hai vợ chồng bác bàn với nhau mua sắm chút đỉnh cho con cái ăn một cái tết khá hơn mọi năm.
Từ gần một tháng trước, bác Uớc gái đã muối một vại dưa hành và một vại dưa cải bẹ. Hành được nén bằng một cái cối đá, củ hành sẽ dẹp xuống và dòn. Dưa cải thì nén nguyên cây, lúc ăn mới cắt ra, vàng và thơm, có thể ăn đến vụ lúa chiêm mới hết.
Bác Ước trai và Hướng đã lau quét bàn thờ rất kỹ lưỡng. Công việc này hầu như một năm mới làm một lần nên hai bố con bác đã bỏ ra gần cả ngày cho việc lau chùi và trang hoàng. Trước hết là cái độc bình men sứ khá lớn mà bác coi như của gia bảo bởi lẽ nó đã được chuyền tay từ đời ông đến đời bố bác và đến bác. Những người biết chữ Nho đọc trên đó thì nói chiếc bình có từ đời vua Càn Long bên Tàu, mặc dù miệng bình bị vỡ một miếng phải hàn lại và bịt bằng đồng.
Hai bố con bác Ước ra vườn trước chặt một cành đào đẹp đầy những nụ hồng mơn mởn đem vào bếp hơ gốc cho cháy sơ rồi đem cắm vào độc bình đã có sẵn nước. Hinh Đức Phật Như Lai trong khung gỗ đánh vẹc-ni và bài vị ông bà tổ tiên được lau chùi cẩn thận rồi đặt lên ngay ngắn. Bác Ước bảo Hướng đưa cái đỉnh trầm bằng đồng ra cầu ao lấy cát đánh cho sáng lên còn bác thì lau đi lau lại mấy cái đĩa đựng hoa quả và bát hương. Tấm màn đỏ che trước ban thờ cũng được tháo ra đem giặt cho sạch sẽ. Còn bức hoành phi và đôi câu đối thì bác chỉ lấy chổi gỡ mạng nhện, dùng vải mềm lau đi lau lại. Cuốn gia phả họ Lê đặc nghẹt chữ Nho mà bác chỉ đọc được lõm bõm cũng được lau chùi cho phần bìa bằng giấy bồi nhựa cậy sáng lên và sạch sẽ.
Dọn xong bàn thờ thì cũng gần chuông ngọ. Hai cha con bác Ước vui vẻ đứng xoa tay nhìn bàn thờ lấy làm hài lòng. Khoảng sau ngày ông Táo chầu trời ắt sẽ có vàng, hương, nến, ngũ quả và bánh trái để lên, khói hương nghi ngút, ắt là đẹp đẽ, báo trước một năm mới thịnh vượng, may mắn.
Xế trưa, bác Ước gái và Hương từ chợ huyện về. Hai mẹ con đội đi hai thúng gạo bán được cả thảy bốn quan tiền nên sắm sửa đủ thứ cho ngày Tết. Trước nhất là một "ông mũ" phất bằng giấy trang kim tô điểm bằng những mặt gương tròn nhỏ sáng lấp lánh. Kế đó là mấy trăm vàng, xấp tiền giấy, một thẻ hương và một nải chuối ngự còn xanh ngắt. Vàng mũ để cúng thổ công, còn tiền để đốt xuống cho ông bà tiêu dưới đó, hương hoa quả trái cúng Phật. Hương thấy những quả chanh yên và phật thủ thì có ý thích nên bác Ước mặc cả mua hai trái để hai bên bàn thờ, lại thêm mấy trái cam sành, mấy trái bòng (bưởi), chục quýt, trái nào trái ấy da vàng tươi, đặt lên ban thờ rất là nổi.
Đi qua hàng hoa giấy, hai vợ chồng người bán mời chào ríu rít làm bác Ước không nỡ bỏ đi. Hai mẹ con lựa được vài cành để cắm vào cái ống tre luồng cắt vát đầu. Bác Ước gái và Hương không ghé hàng thịt vì bác trai có đánh đụng một góc lợn với cụ xã Nhẫn, bác Ru và chú Vinh. Khoảng hăm lăm, hăm sáu, người ta sẽ mổ lợn và bác sẽ có thịt để gói bánh chưng, nấu đông, hoặc làm nem, làm giò. Hôm nay bác cần mua lá giong, gạo nếp, tiêu đen và thảo quả vì bánh chưng không có thảo quả ở trong nhân thì không ra bánh chưng.
Xẹt qua hàng tôm cá, bác Ước mua lưng rổ cá diếc đang giẫy, tươi rói. Cá mới bắt dưới sông lên do đám cất vó ban đêm hoặc đắp be chận lại ở những khúc sông nhỏ. Ở Bắc Việt về tháng chạp, thường nước sông cạn nên đánh cá dễ hơn là mùa hè nước lớn. Hôm bán hai con lợn thịt, bác đã đi sắm cho Hương một cái áo tứ thân vải mỏng mầu nâu non, nửa trên lợt, nửa dưới đậm, một cái thắt lưng lụa mầu thiên lý, một cái váy sồi đen rức và cái yếm lụa mỡ gà. Nguyện, Mầu còn bé vả quần áo còn mặc được nên bác chỉ sắm cho mỗi đứa thêm một bộ cánh mới. Ba thằng con trai thì phải để đợt bán lợn sau. Riêng bác Ước trai, cái áo lương (the) đã quá cũ không còn mặc được nữa nên vợ chồng bác bàn với nhau đến bà xã Tý hàng tấm mua mấy thước the đen để may cho bác một cái áo mới đi đâu có mà mặc với người ta. Cái áo này cũng ngốn hết hơn chục thùng thóc của bác vì vậy bác Ước gái không dám sắm cho mình một tí gì. Đi đâu bác vẫn có cái áo dài và cái áo bông cộc mặc ngoài. Thôi vậy cũng được chán.
Sáng hôm sau, khoảng giờ Thìn (10 giờ) một hồi mõ từ điếm canh xóm Nam vang lên. Tiếng đàn ông, con trai gọi nhau ơi ới. Hôm nay là ngày làm vệ sinh chung cho cả xóm. Người cầm mai cầm cuốc, kẻ cầm xẻng cầm dao, tất cả ra tập họp ở ba gian điếm canh (trụ sở xóm) để ông Trưởng Xóm là cụ xã Nhẫn cắt đặt công việc. Cả thảy gần ba chục người nên cụ xã chia làm bốn toán. Toán 1 do bác Ước chỉ huy với 5 anh thanh niên lo dọn dẹp điếm canh và sân điếm. Binh khí như dao, mác, gậy gộc... được lau chùi, tu bổ. Giường, chõng, mái nhà được quét tước, lấy hết mạng nhện. Hàng rào râm bụt ở phía trước được tỉa cắt cho đẹp. Ở sân điếm, dân xóm có trồng một cây đào, lúc này đang sắp đơm hoa, nụ đào hồng hồng đầy trên các nhánh. Cụ xã Nhẫn cấm không cho ai được đụng đến bất cứ cành to cành nhỏ nào của cây đào, ngoại trừ vài cành cụ tự tay cắt để cắm độc bình trong điếm cúng tối Giao thừa. Nước sông gần, cây đào được dân xóm chia phiên tưới đều nên cứ tơ và mạnh. Hoa nó lớn, đẹp và về mùa hè, quả cũng ngọt ngon.
Toán 2 có ông Ru đứng đầu và 6 người gồm cả hai anh em Cung, Cách. Họ kê lại những hòn đá tảng ở Bến Đá nếu có hòn nào bị trượt đi, bị lún, rung rinh không chắc hoặc thay thế những hòn đá nhẵn quá dễ trượt. Những hòn đá lúc mới đưa từ núi đá về làm bến thì khu khi, sần sùi vì kỹ thuật đục đẽo chưa có, chỉ dùng toàn dao rựa, đục sắt và búa nhưng kê ở đó nhiều năm, người lớn, trẻ con đi lại, đứng ngồi đến nỗi mặt đá mòn đi, có hòn nhẵn thín. Lại có những người đưa mai, cuốc hoặc dao ra mài trên những hòn đá khiến chúng càng dễ nhẵn. Nhẵn quá gặp nước thì trơn trượt. Đã có những đứa trẻ trong xóm đánh bể hết cả rổ bát đĩa vì trượt chân. Những hòn đá ngâm dưới nước bị mọc rêu, lại càng dễ trượt hơn nữa. Vỡ cả rổ bát còn là may. Con bé Cải con ông Ru hôm trước bị trượt ở hòn đá ngay giữa bến ngã ngửa người, đập đầu vào đá bất tỉnh nhân sự sau khi mất đà quăng rổ bát xuống sông. May chỉ bị thương xoàng.
Sắp lại những hòn đá xong nghĩa là đặt những hòn sần sùi vào giữa bến và đưa những hòn nhẵn ra hai bên, nơi ít người bước tới, mấy anh thanh niên toán này bắt đầu vét bùn ở dưới lòng sông ngay chỗ Bến Đá đi xuống để lấy bớt số lượng bùn dễ làm đục dòng nước mỗi khi có bàn chân người khỏa xuống. Thường dân xóm lấy gạch ngói vụn đổ dầy lên trên lớp bùn, gạch ngói làm giẽ lòng sông và người ta có thể đứng tắm mà chân không bị lún bùn. Phần bờ sông trước mặt điếm canh là thuộc tài sản dân trong xóm nên toán 2 này cũng phải lấy bùn sông đắp bồi vào phần đất dùng để cấy rau muống, rau cần hoặc khoai ngứa (môn). Những thứ này trồng quanh năm, hái đem ra chợ bán, tiền thu được xung vào quỹ chung của xóm để chi tiêu khi cần. Chỉ có chút chút vậy mà quỹ xóm cũng đã được vài chục thùng thóc. Ai cũng muốn cho nó tăng nhiều lên sau mỗi năm.
Ông phó Công dẫn toán thứ 3 dùng vôi trộn cát vá lại những mảng đường bị trâu bò dẵm bấy. Từ nay tới qua tết, mục đồng không được dắt trâu qua lối trước của xóm mà phải đưa chúng ra cổng đồng phía sau. Mục đồng không tuân, chủ trâu bò hoặc cha mẹ sẽ phải đóng tiền phạt để xung vào quỹ xóm.
Toán cuối cùng có nhiệm vụ khơi hai bên rãnh chạy dọc theo con đường lớn và những đường ngang của xóm để nước mưa chảy dễ dàng đồng thời phải phát tre, giẫy cỏ hai bên cho quang quẻ sạch sẽ.
Đến vàng vàng mặt trời, công việc vệ sinh chung của xóm Nam mới xong. Mọi người xoa tay đứng nhìn bộ mặt mới của xóm. Nó sạch sẽ, vén khéo như một xóm mới tân lập hay như một người mới cắt tóc. Những bờ tre dầy được phát quang ngay ngắn, thấp và bằng phẳng. Cổng ngõ mỗi nhà, ngay cả những cổng tre, cổng nứa cũng được sửa sang, tu bổ đâu đó rất mát mắt. Ông xã Nhẫn bảo mọi người:
"Làm xong vệ sinh chung của xóm, tôi mới yên chí. Sợ cuối năm trăm công nghìn việc, ai cũng lấy cớ nhà mình bận để việc chung cho người khác làm thì khổ cho tôi. Tối mai, khi nghe tiếng mõ báo, các ông trưởng gia và tất cả thanh niên xóm ra điếm canh tập họp để chúng ta cắt phiên canh gác. Tháng củ mật hay có trộm cướp lắm. Không đề phòng là có khi mệt với chúng đó."
Ai về nhà nấy. Bác Ước trở ra Bến Đá rửa tay chân xong mới về nhà. Ngọn đèn dầu lạc cho một vùng ánh sáng vàng vọt thật nhỏ ở dưới bếp, nơi gia đình bác ăn bữa cơm tối. Cả nhà ngồi chung quanh cái mâm gỗ long sơn trên để một bát rau muống lẫn với rau rút luộc, một đĩa cá diếc kho và một bát dưa nén. Nồi năm cơm gạo trắng không nhỏ thế mà đơm hai lượt chẳng còn bao nhiêu. Có lẽ hôm nay có món cá diếc kho với hành ủ trấu thật lâu, đầu xương cá mềm nhừ nên sáu đứa trẻ ăn ngon miệng hơn mọi ngày. Được cái rau dưa thì ăn tha hồ nên cơm ít, có thể ăn thêm rau cho no. Rau muống, rau rút mới hái ở ao, luộc sơ lên chấm nước cá kho có tí mỡ hành, thằng Hoạt bé nhất nhà cũng nói:
"Cơm ngon quá, mẹ. Nó cứ trôi vào cổ tuồn tuột."
Con Mầu lườm em:
"Chuyện! Cơm không thì sao mà không trôi tuồn tuột?"
Đúng, Mầu nói đúng. Gần tết nên bác Ước gái bàn với bác trai cho các con ăn cơm không độn khoai, độn ngô, độn ráy vào, một đặc ân của ngày tết cổ truyền. Chẳng vậy thằng Vọng vẫn bảo thà ăn ít một tí mà ăn cơm không rồi uống nước nó sẽ no lên còn hơn là ăn độn mà ăn nhiều. Cái miệng phải nhai nhiều, nhất là cơm độn bắp đá, thứ bắp để già rắn hơn đá, phải ngâm một đêm và nấu với vôi may ra mới nhừ. Ấy là hai vợ chồng bác Ước thường ngày bảo nhau mỗi người bớt đi một bát cơm để dành cơm cho ba đứa nhỏ nhất: Nguyện, Mầu và Hoạt. Thành thử bác Ước trai bao giờ cũng là người ăn xong trước nhất. Xong phần cơm của bác, bác đứng lên đi kiếm điếu hút thuốc và làm vài bát nước chè tươi nóng hổi là no cành bụng ngay.
Con Vện chống hai chân trước ngồi nhìn gia đình chủ ăn cơm. Nó rất sáng mắt khi thấy cô chủ hoặc cậu chủ nhỏ vứt cho nó cái đầu cá kho thơm phức. Ngay đầu bữa, Hương đã hớt mặt cơm ở miệng nồi khoảng chừng hơn một bát để chia cho nó và hai mẹ con con Mướp. Phần cơm của Vện, lắm khi Hương không dám trộn đầu tôm đầu cá vì sợ ngon quá nó ăn chừng nào cũng không đủ. Chỉ cơm không, thế mà nó xốc ba cái là nhẵn. Ăn đói vậy mà hai con mắt của nó vẫn sáng như hai vì sao, chạy ra chạy vào nhanh như cắt, đêm ngày coi trộm coi đạo rất yên tâm.
Hai mẹ con Mướp, Mun thì dù có đói cũng ăn nhỏ nhẻ như thiếu nữ con nhà giàu. Hai con hai bát ăn riêng, phải để lên nóc chạn chứ để dưới đất thì quay đi quay lại Vện làm sạch, cái bát đựng bóng loáng như lau, như chùi. Vện kiếm không ra món ăn phụ chứ Mướp và Mun, nào có khó. Chuột nhắt đó, quơ tay cũng có. Chuột trong nhà sợ chạy ra bờ tre thì Mướp và Mun có thể thả bộ ra đó rình mò. Nhưng, như đã nói, Mướp Mun không bao giờ thầu món hàng này. Chúng chỉ cắn chết bỏ đó. Món ăn phụ của Mướp và Mun là những con sẻ, con sáo có khi cả chào mào đỏ đít đỏ đuôi. Thịt chim bao giờ cũng thơm và ngon hơn thịt chuột. Vậy mà tại sao các cụ lại đồng hóa chim, chuột với nhau: "Anh chị chim chuột nhau đấy." Anh chị đây không phải chim chuột mà là người.
Ngày mong đợi của lũ trẻ đã đến. Đó là ngày 27 tết. Những ngày này mới lại vui hơn ngày tết, nhất là năm nay tháng chạp thiếu, 29 lấy làm 30.
Bác Ước và Hướng đã khiêng từ nhà cụ xã Nhẫn về một rổ sề thịt lợn. Cái gì cũng chia làm 4 hết. Lợn chia 4 đùi, đúi sau to hơn thì cắt ngắn hơn. Cân kẹo không có, bà xã Nhẫn cứ để miếng thịt lên tay rồi rung rung bàn tay để ước lượng sức nặng của miếng thịt, bàn tay ghi nhớ lấy rồi lại để miếng khác lên để so sánh xem miếng nào nặng, miếng nào nhẹ. Bà cắt chỗ này một tí để bù qua chỗ kia cho thật công bằng. Tim, gan, phối, lòng ruột thì dễ vì cứ chia tư. Ruột dễ nhất. Bác Ru gái đứng ngoài bình phẩm, bác vốn nhiều lời và hay sợ bị thiệt. "Phần kia coi bộ nhiều hơn phần này đấy, miếng cật ở phần này mỏng hơn phần kia." Cắt cắt, xẻo xẻo, bù qua đắp lại rồi những miếng thịt thành ra vụn dần. "Không sao," ông xã Nhẫn nói, "ếch nào cũng là thịt. Thịt vụn, thịt nguyên gì cũng đến vào mồm thôi! Càng đỡ phải thái lại."
Quả vậy, chẳng ai phàn nàn về chuyện đó. Một năm mới đánh đụng một lần, cân kẹo đâu mà cân cho thỏa ý. Cứ bàn tay áng chừng cũng công bằng chán. Chẳng vậy đã có một năm, khi bà xã Nhẫn chia đều 4 phần xong thì lại gặp ngay chị Vẹn vào chơi. Chị Vẹn bán thịt ở chợ và vừa từ chợ về. Thế là bác Ru gái và bác Ước gái nhờ chị Vẹn cân lại hộ xem 4 phần có đều nhau không. Chị Vẹn đặt lên bàn cân. Ấy vậy mà khá đều mới hay chứ. Chỉ có một phần hơi non một tí, chị Vẹn tiện tay xẻo 3 phần kia mỗi phần một miếng nhỏ để bù vào phần non. Vui vẻ cả làng. Bà xã Nhẫn được thể, nói: "Mấy người xem cái "cân tay" của tôi có linh không? Cứ gọi là hàng thịt chia cũng không hơn." Ai nấy hể hả trả tiền ra về. Chỉ mất một năm, lúc chia thì không nói gì nhưng hôm sau bác Ru gái phàn nàn với bác Ước:
"Đều thì đều thật nhưng phần của tôi ít mỡ quá. Toàn thịt không, lấy mỡ đâu mà rán để dành xào rau? Thịt không ăn tốn lắm, mà gói bánh chưng không ngon. Lần sau tôi cứ bắt chia đều mỡ ra trước mới được."
Bữa cơm tối 27 có lẽ là bữa cơm ngon và vui nhất của sáu đứa con bác Ước. Thịt chưa có nhiều để ăn cũng như bánh chưng chưa nấu nhưng mấy thứ không để dành được thì đành phải ăn ngay.
Thớt băm rổn rảng. Chẳng mình nhà bác Ước mà hầu hết mọi nhà trong xóm vì ai cũng cố đánh đụng miếng thịt ăn tết. Họ đang băm nhân tiết canh. Bác Ước đã luộc một miếng thịt thủ, cái cổ họng và ít phổi, ít ruột. Bác trai thái nhỏ rồi băm, xong lấy nước luộc lợn để nguội pha với tiết. Bác dội vào ba bát chiết yêu đã để sẵn nhân, dùng đũa trộn đều. Sau ba phút, bác thổi nhẹ trên mặt cho chóng khô và thử nghiêng cái bát. Tiết canh đã đông, bát nghiêng mà tiết không nghiêng. "Đánh khỏi tay là đông" bác lẩm bẩm trong miệng lấy làm hài lòng và để ba bát tiết canh vào trong chạn. Lạnh như cắt thế này gì cũng phải đông. Lát nữa, Hương rang lạc xong sẽ giã nhỏ ra để bác rắc lên mỗi bát một ít. Ngò gai, húng quế thì Mầu đang hái. Tối nay bác phải uống hơn mọi tối cho đã vì hôm nay đã 27 tết. Nguyên chai rượu đậu bác gái mua hôm bán thóc còn để cạnh bàn thờ nhưng bác luôn luôn bảo bác trai đừng uống nhiều, say sưa không tốt.
Những đứa trẻ cũng được ăn tiết canh. Đây là lần đầu tiên với Hoạt, mồm nó đỏ lòm những máu là máu. Nó khen ngon. Nhưng tiết canh không phải là thứ ăn nhiều và ăn với cơm. Nó chỉ được khoảng một miếng lớn của người lớn. "Ăn cho biết mùi," bác Ước gái bảo nó, "lớn sẽ ăn nhiều." Để ăn cơm, nó và các anh chị nó có thịt luộc, thịt kho mặn, rau cần xào với thịt bò. Sang quá! Mắt mấy đứa trẻ sáng trưng lên. Và đặc biệt là cơm không, cơm gạo tám thơm lúc chín bốc mùi hương ngát ngát, ngọt ngọt khắp năm căn nhà. Con Vện và hai con Mun, Mướp hôm nay cũng đại tiệc. Vện được mấy cái xương lợn nằm sấp nhai khau kháu rất hạnh phúc sau khi đã xốc hai bát cơm trộn với chút mỡ và nước luộc lòng lợn. Cứ ngày nào cũng ăn thế này thì chắc nó phải to như con bê bác Ước mới nuôi rẽ bà tổng Tê. Mướp với Mun rất thích mỡ. Ngoài cơm trộn, hai mẹ con nó được Hương lấy lén mẹ vài miếng mỡ khổ đem cho. Ôi chao, hạnh phúc! Đã lâu thiếu chất thịt, hai con mèo gần như nuốt trửng mấy miếng mỡ sống. Ăn xong, hai mẹ con còn ngồi liếm mép đi liếm mép lại như vẫn còn thèm.
Bác Ước gái ninh một nồi thịt đông to tướng. Bác bảo đàn con, cứ thịt đông với dưa chua, dưa hành ăn suốt đời cũng được. Mà nào có mà ăn suốt đời. Ra tết lại dưa, cà, mắm mặn ngay.
Tối 28, cả nhà bác Ước phải thức để canh nồi bánh chưng. Thực ra, một mình bác thì chỉ mười lăm cái là đủ. Một cái nồi hai mươi là xong. Nhưng bác, ông xã Nhẫn, ông Ru và ông Tế đã có giao ước với nhau. Mỗi nhà phải gầy nồi bánh nấu một năm cho cả bốn nhà. Nhà nào cũng gói đều 15 cái bánh, vị chi sáu chục. Như vậy nấu một năm được nghỉ ba năm nhưng vẫn có bánh ăn tết. Năm nay đến "lân" bác Ước vì vậy từ trong năm, bác đã hì hục cưa mấy cành sung, cành vối khô để dành nấu bánh. Bánh luộc chung nhưng không sợ lộn vì đã có dấu lạt. Vả lại, tuy cùng hình vuông nhưng mỗi nhà kiểu gói mỗi khác, có trộn cũng không lẫn.
Từ chập tối, cả nhà bác Ước ngồi canh nồi bánh. Những đứa trẻ vui vẻ chuyện như pháo ran. Bác Ước gái giục chúng đi ngủ chúng cũng không đi. Nhưng đến canh hai mấy đứa trẻ ngủ gục hết. Chúng không quen thức khuya. Tối lên giường là ngủ liền, đêm nào cũng vậy, đã thành quen. Chỉ còn mình bác Ước trai ngồi bó gối canh nồi bánh. Không canh, trộm viếng, có khi chúng khuân cả nồi, lấy gì cho con ăn Tết. Vả lại còn bánh của ba nhà kia nữa.
Hướng được chia phiên ngủ sớm. Khoảng quá canh ba bác Ước gọi nó dạy canh thay cho bác. Bác vừa động vào vai, nó nhỏm dậy ngay, hai tay ủ vào hai túi áo cánh đưa sát lại nhau ở trước bụng cho ấm. Nó vừa xuýt xoa vừa đi xuống bếp, miệng thở ra những làn khói trắng như vừa hút thuốc lào. Nó sà xuống cái ghế đẩu cạnh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, hơi ấm bốc ra thật dễ chịu từ những cục than hồng và mấy thanh củi tạ đang tí tách cháy cho ánh sáng lung linh cả gian bếp.
"Rét quá hả bố!"
"Ừ, năm nay rét quá."
"Thôi, bố đi ngủ đi để con coi cho."
Bác Ước hút thêm một điếu thuốc lào và uống một bát nước chè tươi nóng rồi lần vào ổ rơm. Vợ con bác đang ngủ la liệt ở đó, cái ổ rơm bác đã dùng toàn rơm mới, sạch và có ván chắn hai đầu cho rơm khỏi tụt ra. Bác ngồi xuống xoa hai chân vào nhau cho bớt bụi rồi chui vào trong chiếu, quàng tay ôm lấy bác gái đang ngủ ngon. Mấy đứa trẻ ngủ không biết gì.
"Bố thằng Hướng đấy hở?"
"Ừ, đêm mai phải kiêng kẻo giông cả năm đấy!"
Cả hai tiếng nói đều thì thầm, chỉ đủ nghe. Bác Ước nằm nghiêng, từ tốn, cảm thấy hết cái sảng khoái của cái ổ rơm mềm ấm và da thịt vợ bác. Một chân bác gác lên đùi bác gái, hai tay ôm chặt cứng. Bác để mũi vào má bác gái hít rất sâu, rất âu yếm rồi một tay luồn xuống gáy gối đầu cho vợ, tay kia vun mãi đôi vú căng tròn, đầy đặn và mềm mại lên cao. Bác gái đưa hai tay xuống kéo mép váy rộng thùng thình lên cho vừa đủ lộ ra cặp đùi thon dài rồi nằm yên chờ. Cái quần lá tọa của bác Ước còn y chỉ di dời xuống bên dưới một tí. Ba bốn cái chiếu đậu đắp bên trên xê đi dịch lại và quần áo của hai người khá vướng víu, nhưng không hề gì. Cái ổ rơm bập bềnh nhè nhẹ làm phát ra những tiếng sột soạt như người ta đang sắp chỗ nằm.
"Khẽ chứ kẻo trẻ nó thức!"
Đàn bà ai chẳng cẩn thận, nhưng bác trai trấn an ngay:
"Chúng nó ngủ như chết đấy mà."
Quả vậy, năm đứa trẻ ngủ rất say mặc dù lúc chập tối chúng bảo nhau sẽ cùng ngồi canh nồi bánh đến sáng. Vả lại, bác Ước gái đã sắp cho những đứa lớn nằm ở đầu kia cái ổ rơm, chỉ có hai đứa nhỏ là Hoạt và Mầu là nằm kế mẹ chúng. Bác trai ở sát đầu đàng này, một sự sắp đặt rất khéo.
Chỉ loáng cái, những tiếng sột soạt mạnh lên như cơn gió rồi từ từ im dần... im dần... thay thế bằng tiếng thở đều đều của bác Ước. Nhà bác năm mới sẽ may mắn vì mọi việc đã được sắp xếp đâu vào đó và vợ chồng con cái bác sẽ có những ngày Tết Nguyên Đán thật vui với bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành và câu đối đỏ. Bác cho đó là những điềm lành.
(Trích Tập Truyện:” Những Con Dốc Đứng - Đông A Xuất Bản 1999)
* Bút Xuân Trần Đình Ngọc