Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục quyển II. tr 232 có chép chuyện vua Lê Thánh Tông và Trường Lạc Hoàng Hậu, một chuyện tình tuyệt đẹp, giữa vị vua anh minh tài năng xuất chúng hàng đầu lịch sử Việt Nam, và cũng là vua thơ Nôm. Trường Lạc Hoàng Hậu là con gái Nguyễn Trãi. Hai cuộc đời gian nan thời thơ ấu và gặp nhau trong một tình huống lạ lùng. Thuở nhỏ mẹ con vua Lê Thánh Tông, bà Ngô Thị Ngọc Dao bị hoàng phi Nguyễn Ngọc Anh ghen ghét vu hãm buộc tội đòi cho voi dày, được Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bênh vực che chỡ. Về sau Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị vu cáo là giết vua bị tru di tam tộc, con trai 49 người bị chém, con gái bị sung vào làm nô tì. Nguyễn Thị Lộ, 52 tuổi, quan Lễ Nghi Học Sĩ thầy dạy của Thái từ Nguyên Long ( vua Lê Thái Tôn) từ năm 7 tuổi, đã dạy dỗ một cậu bé ngỗ nghịch, các quan khác không ai dạy được, thành vị vua anh minh sáng suốt như vua Thuấn (theo sử gia Vũ Quỳnh)thế mà bị vu cáo nhơ bẩn ngủ với học trò mình mới mười tám tuổi, nên vua bị « thượng mã phong », bà bị trấn nước dìm cũi xuống sông và « hóa thành con rắn ». Có người con gái của Nguyễn Trãi, con một thứ thiếp, mới lên ba, tên Nguyễn thị Hằng, được một vị quan nuôi dưỡng, bị sung vào đội nữ nhạc, tư sắc tuyệt đẹp tuổi 17, 18 mà không biết nói. Khi vua Lê Thánh Tông lên làm vua, nên chỉ ngồi gõ phách. Khi vào tiệc yến hầu, vị tân vương vừa bước lên ngự toạ. Người con gái bỗng cầm phách hát. Vua liền hỏi chuyện, thu nạp vào hậu cung, sách lập làm Trường Lạc Hoàng Hậu.
Một chuyện tình tuyệt đẹp, đáng viết thành truyện phim, thành kịch bản sân khấu, thành tiểu thuyết. Danh dự của Nguyễn thị Lộ, và Nguyễn Trãi đã được vua Lê Thánh Tông thanh minh, rửa sạch từ lâu, thế mà nước ta người đời cứ lãi nhãi những chuyện vu cáo độc ác, những chuyệnvô căn cứ ?
Chuyện Vua Lê Thánh Tông, Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục, chép như sau :
« Đức Quang Thục Hoàng Thái Hậu Tiền triều (Ngô Thị Ngọc Dao) thuở còn hàn vi, ngụ tại phía tây nam nhà Quốc Tử Giám. Nơi đây, nước hồ bao bọc chung quanh nhà, các thầy tướng số đều cho là có vượng khí của Thiên Tử. Vì có họ hàng với các phi tần trong cung, bà thường đi lại chơi trong cung điện. Vua Thái Tông (1434 – 1442) trông thấy yêu thương, khi về có mang. Đến kỳ năm giường cữ, bà sinh được một con trai (Tư Thành), thiên tư tuyệt lạ. Thuở nhỏ, theo mẹ ở lẩn quẩn trong đám thường dân, nhưng được nổi tiếng về văn học. Vua Thái Tông nghe tin liền với đến, phong cho tước vương.
Sau nhân khi Lạng Sơn Lệ Đức Hầu (Nghi Dân) bị phế, các đại thần liền đón rước vị vương này, lập nên làm vua tức là vua Thánh Tông (1460-1497). Vua thường đến thăm chỗ ngôi nhà cũ của Thái hậu, rồi cho xây điện Hy Văn, và dựng xây ngôi chùa Dục Khánh ở bên cạnh.
Khi trước Thái Hậu có mang, chiêm bao đến chỗ Thượng Đế, thấy Thượng Đế sai một vị Tiên Đồng giáng lâm vào làm vua nước Nam, và cho một người Ngọc Nữ theo xuống để sánh đôi. Tiên Đồng do dự, không vâng chỉ ngay. Thượng đế giận, ném viên ngọc khuê làm sây sát ở trán. Tiên Đồng dập đầu lạy tạ, và xin ban cho một người giúp việc. Thượng Đế trỏ một viên trong các quan, cho đi theo giúp việc. Viên ấy cúi đầu lạy xin cố từ. Ngài đập vai không cho. Lúc tỉnh giấc thì sinh ra vua Thánh Tông, vết ngọc khuê trên trán hãy còn rõ rệt.
Khi đã lên ngôi đại bảo, vua tôn bà mẹ lên làm Hoàng Thái Hậu và thường cho dò tìm người trong chiêm bao. Chưa gặp, lòng vẫn không vui.
Khoảng đầu niên hiệu Thái Hoà (1443 -1453) (Triều vua Lê Nhân Tôn). Tế Văn Hầu Nguyễn Trãi phải tội, có người con gái bị bắt vào quan, sung vào hàng nữ nhạc. Người con gái ấy tư sắc tuyệt đẹp, tuổi đã 17, 18 mà không biết nói. Đến nay theo đồng bạn vào cung hầu yến, vì câm nên chỉ ngồi gõ phách. Khi vua bước lên Ngự tọa, Người con gái bỗng cầm phách hát :
« Hẹn nhau từ thuở thiên đình,
Lòng nào nỡ phụ tâm tình thế ru. »
Tiếng hát du dương, dư âm dường quấn quanh trên rường, như khúc hát Quân Thiên, điệu hát trên Đế Đình. Vua lấy làm lạ hỏi, thì người con gái nói năng giống hệt người Ngọc Nữ trên chỗ Thượng Đế. Vua liền thu nạp vào hậu cung, sách lập làm Trường Lạc Hoàng Hậu.
Khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận (1463) thứ tư ngày truyền lô thi Đình. Trạng Nguyên Lương Thế Vinh bái yết, hai vai hơi lệch không được ngay ngắn. Vua kinh dị sai vào bái yết Hoàng Thái Hậu. Thái Hậu nhìn ra hình mạo Lương đúng người trong mộng trên Đế Đình khi trước. Hai Cung Thái Hậu và Vua đều rất vui vẻ. Vua bèn trao cho Lương chức Hàn Lâm thị Độc, dự vào hàng 28 ngôi sao trên Tao Đàn. Những thơ văn xướng họa có ghi chép trong các Thiên Nam dư hạ và bức đồ Bình Nam Chỉ Chưởng.
Chùa Dục Khánh sau lầm là chùa Hoa Văn. Điện ở phía tả thờ Thần Khâm đức Quang Thục Hoàng Thái Hậu. Khoảng năm Dương Đức, đời Trung Hưng (1672 -1673). Tây cung Hoàng Thái Hậu chữa lại chùa Khán Sơn, phía hữu chính điện thờ ngự dung đức Thần Tông Uyên Hoàng Đế. Từ hồi thay đồi triều vua trở về sau, chùa Khán Sơn đổ nát, Ngự dung thiên đến chùa Dục Khánh, nay ở gian hữu tiền đường. »
Theo Tự Điển Danh nhân Việt Nam của Nguyễn Q Thắng : Vua Lê Thánh Tông (1442-1797), là vị vua thứ tư nhà Hậu Lê, tên Lê Tư Thành, còn có tên húy khác là Hạo. Con vua Lê Thái Tông và bà Ngô thị Ngọc Dao. Lúc trước được phong Bình Nguyên Vương, sau đổi là Gia Vương. Đến khi Lê Nghi Dân bị truất phế (1458) ông được Nguyễn Xí cùng các đại thần đưa lên ngôi năm 1460 lúc 18 tuổi.
Là vị vua thông minh sáng suốt, thông hiểu nhiều môn học thuật. Triều đại thịnh vượng, hoàn thành những cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa. Bộ Luật Hồng Đức, chiến thắng Chiêm Thành là những thành tựu sáng chói và hiển hách trong lịch sử. Về văn học nhà vua lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, gồm 28 vị Đại Thần đứng đầu, mà ngài là Tao Đàn Nguyên Soái.. Nhà Vua còn ký tên là Thiên Nam Động Chủ hay Đạo Am chủ nhân trong nhiều tác phẩm khắc trên bia đá khắp nước.
Nhà vua làm thơ khá nhiều, cùng bạn tao đàn xướng họa và lưu lại nhiều tác phẩm : Thiên Nam Dư hạ tập –Lê Thánh Tông thi tập - Hồng Đức Quốc Âm thi tập -Xuân Vân thi tập -Cổ tân bách vịnh -Quỳnh Uyển cửu ca –Minh lương cẩm tú –Văn minh cổ súy –Châu cơ thăng thương –Sĩ hoạn châm qui -Hồng Đức thiện chính thư. Là những tác phẩm sáng giá trong kho tàng văn học dân tộc.
Thời đại Vua Lê Thánh Tông là một thời đại thịnh trị, một vị vua văn võ song toàn.
Vua Lê Thánh Tông, là Vua thơ Nôm, địa vị ấy không ai có thể tranh cải được. Vua trên thực tế, và vua trong thành tựu sáng tác văn học, nhưng từ đầu thế kỷ 20, nhiều tác phẩm của nhà vua được gán cho Hồ Xuân Hương, có tác phẩm bị sửa đổi một vài chữ. Hồ Xuân Hương đã được Lê Tâm, Xuân Diệu gán cho cái tên Bà Chúa thơ Nôm. Ngày nay sách vở bia đá rõ ràng làm bằng cớ, của vua Lê Thánh Tôn phải trả lại cho nhà vua và nhất là phải trả lại cho nhà vua cái danh « Ông Vua thơ Nôm ».
Hồ Xuân Hương không là vua, chúa của ai cả, nếu tác phẩm vua Lê Thánh Tông lẫn lộn trong di cảo do con cháu Tử Minh sưu tập tại làng Nghi Tàm, chỉ vì đó là những bài thơ Hồ Xuân Hương yêu thích. Hồ Xuân Hương chỉ là học trò học làm thơ với thơ vua Lê. Những điều lâu nay ta vinh danh cho Hồ Xuân Hương, nay phải vinh danh vua Lê Thánh Tông, Hồ Xuân Hương không hề đạo văn, và chỉ có đời sau gán ghép sai lầm.
Bài thơ CHỢ TRỜI được khắc vào đá núi Thầy, Sài Sơn dưới có ghi rõ : « Đề năm Hồng Đức thứ bảy »(1476) tác giả là Thiên Nam Động Chủ, tức Vua Lê Thánh Tông.
CHỢ TRỜI
Bầu trời thú lạ cũng nhiều nơi,
Chẳng thú đâu hơn thú Chợ Trời.
Sáng sớm mưa tan, trưa nắng đứng,
Chiều hôm mây họp, tối trăng chơi.
Hàng bày hoa quả tư mùa sẳn,
Chợ góp giang sơn một thú vui.
Bán lợi mua danh nào những kẻ,
Lại đây mặc cả một đôi lời.
Bài thơ đã tạc vào đá, không thể nhầm lẫn, không thể sửa chữa vài chữ, rồi bảo đó là thơ Hồ Xuân Hương hay hơn thơ vua Lê Thánh Tông, lý luận đó của Xuân Diệu trong bài Bà Chúa Thơ Nôm trong Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, nxb Văn Học Hà Nội 1982, không thể chấp nhận được. Việc đạo văn đó không có cơ sở, và chỉ làm rối loạn thêm các tác phẩm văn học.
Trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập có bài Đánh Đu
ĐÁNH ĐU
Bốn cột lang nha ngắm để trồng,
Ả thì đánh cái ả còn ngong.
Tế hậu thổ lom khom cật,
Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tất xuân dường ấy,
Nhổ cọc đem về, để lỗ không.
Bài Thích Câu chép trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập. Bài này có 4 câu được lập lại trong bài Đền Khán Xuân gán cho Hồ Xuân Hương.
THÍCH CÂU
Đến đây mến cảnh mến thầy,
Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người.
Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười,
Tuy vui đạo Phật chửa khuây người.
Chầy kình mấy khắc tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Bể thảm muôn tầm mong tát cạn,
Sông ân nghìn trượng dễ khơi vơi.
Nào là cực lạc nào đâu tá.
Cực lạc là đây hẳn tỏ mười.
Ngoài ra hai bài thơ nổi tiếng của vua Lê Thánh Tông: bài Thằng Bù nhìn, và Vịnh kẻ ăn mày cũng đã được gán cho Hồ Xuân Hương trong các văn bản in năm 1908. Hai bài thơ này có văn bản trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập cũng phải trả về cho vua Lê Thánh Tông.
Trên vách đá núi Truyền Đăng còn gọi là núi Bài Thơ Vịnh Hạ Long có khắc bài thơ Vua Lê Thánh Tông. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong bài Hồ Xuân Hương và Vịnh Hạ Long viết: Lời dẫn và lời thơ như sau:
“Mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468) tháng 2, ta thân đem đại quân ra duyệt trên sông Bạch Đằng. Ngày ấy gió đều cảnh đẹp; bể không nổi sóng. Ta bèn dong thuyền qua bể Hoàng Hải, đi tuần An Bang. Dừng chân dưới núi Truyền Đăng. Mài đá khắc một thơ Đường luật. Thơ rằng: Trăm sông chầu về đầm lớn và bể rộng; Núi bày ngan ngác như con cờ trên mặt biển biếc liền với chân trời. Lòng hăng hái mới cảm muốn thân hành tuần du; Sai tay thân tín ban lệnh truyền uy quyền đến phương xa. Nay quân hùng hổ bọc quanh như các sao vầy quanh Bắc cực (sao Bắc Đẩu). Xứ Hải Đông này được lửa binh dừng tắt và khói lang bặt dấu (khói bằng phân chồn bốc cao thẳng đứng để báo tín hiệu khi chiến tranh). Núi sông trường cửu của trời Nam sờ sờ đó, Nầy là năm nên tu chính việc văn và thu xếp việc vũ. Thiên Nam Động Chủ đề (Dịch theo Hán văn trong tập Thiên tải Nhàm đàm của Đàm Nghĩa Am 1810).
Trăm sông chầu xuống bể đầm Đông,
Ngan ngác đảo xanh trời bể lồng.
Hăng hái tuần du lòng cảm thú,
Để trao biên trấn lệnh quyền công.
Quân hổ, lính chầu quanh Bắc Đẩu,
Binh lửa, khói lang tắt Hải Đông.
Còn mãi trời Nam sông núi đó,
Năm chỉnh việc văn, duyệt võ công.
Nhất Uyên dịch thơ.
Trong Lịch Triều Hiến chương mục Đư địa chí của Phan Huy Chú có chép bài An Bang phong thổ:
“Đất Yên Quảng thì bể và núi nhiều, ruộng nương ít.Nghề buôn bán kiếm lời thì đua nhau, nghề cày cấy nuôi tằm thì lơ thơ. Thuế má đối với các trấn khác thì không đồng đều. Vua Lê Thánh Tông cò bài thơ Phong Thổ An Bang như sau: Trên bể những núi cao như cây ngọc dựng lên, Bày ngan ngác như sao, như con cờ, những ngọn màu xanh lởm chởm. Cá và muối là vật thường như đất, dân đua làm nghề trục lợi. Về lúa thóc thì không ruộng, thuế ma thu được ít. Sóng xông vào vách núi bắn tung lên, Thuyền len theo vách đá theo kẽ hở mà đi qua. Dân biên thùy bấy lâu vui hưởng thái bình và văn hóa. Hơn bốn mươi năm nay không biết việc binh đao.
PHONG THỔ AN BANG
Trên bể núi non như ngọc xanh,
Như cờ, sao giữa nước mênh mông.
Vật thường cá muối, dân tranh lợi,
Ít ruộng ít đồng, thuế thóckhông.
Chân núi sóng xô tung bọt trắng.
Thuyền qua vách núi lách xuyên dòng.
Biên thùy dân hưởng thời bình thái.
Hơn bốn mươi năm chẳng việc binh.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
PHONG THỔ AN BANG
Hải thượng cao phong quần ngọc lập,
Tinh la kỳ bố thùy tranh vanh.
Ngư diêm như thổ dân xa lợi,
Hòa đạo vô điền thuế bạc chinh.
Ba hướng sơn bình đê xứ dũng,
Chu xuyên thạch bích kích trung hành.
Biên manh cửu lạc thừa bình hóa;
Tứ thập dư niên bất thức binh.
SÔNG BẠCH ĐẰNG
Lẻo đẻo duềnh xanh nước tựa dầu,
Trăm ngòi nghìn lạch chảy về chầu.
Rửa không thảy thảy thằng Ngô rái.
Dã mọi lâng lâng khách Việt hầu.
Nọ đỉnh Yên Kỳ dành rạch đó,
Nào hồn Ô Mã lạc loài đâu ?
Bốn phương phẳng lặng kình bằng thốc ;
Thong thả dầu ta bỏ lưới câu.
Chú thích : Bài thơ có nhiều từ cổ
Duềnh : mặt nước chảy, thường trỏ sông. Không : hết nhẳn. Rái : là sợ thành ngữ xưa : khôn cho người ta rái.Hầu : ý là phục. Yên kỳ : Núi Yên Tử tục truyền đời Hán có Yên Kỳ Sinh đến đó tu tiên đắc đạo. Ô Mã : Ô Ma Nhi (Omar), danh tướng có đạo Hồi của nhà Nguyên Mông bị quân Trần bắt rồi tha, nhưng khi đưa về đục đắm thuyền ở sông Bạch Đằng.Kình bằng thốc : tăm cá kình im bặt, không giặc giả. Dàu ta : mặc ta, tha hồ ta.
Trong Thiên Tải Nhàm đàm. Vua Lê Thánh Tông có bài: tả cánh núi Vịnh Hạ Long, hình như một vị tăng ngồi tham thiền.
VỊNH NÚI THẦY TIÊU
Truyền rằng Cửa Lục có Thầy Tiêu,
Ngồi tựa Câu loan nghe mối kêu.
Chuông kệch phó cho thằng nộm đóng,
Đèn tàn để mặc cái Dơi khêu.
Phẳng da trời sương lạt móc,
Dò dốn bể sóng in rêu.
Dù ai mà hỏi bao nhiêu tuổi,
Non nước bao nhiêu tuổi bấy nhiêu.
Chú thích: Câu loan:lan can. Mối: rắn mối, thứ tắc kè đây trỏ núi Đầu Mối. Chuông Kệch: chuông rất lớn chỉ Đảo Chuông. Thằng Nộm hình nhân giả người tên đảo Đóng. Đèn: trỏ núi Truyền Đăng. Khêu: đầy bấc lên cho ngọn đèn tỏ trở lại.
Hồng Đức Quốc Âm thi tập có chép bài
NÚI CHIẾC ĐŨA
Cắm chặt Nam minh nẻo thủa xưa,
Đời Nghiêu nước cả ngập hay chưa.
Triều lên rửa sạch tanh tao hết,
Nguồn xuống điều hòa mặn ngọt ưa.
Xóc xương kình tăm chẳng động,
Dò lòng bể sóng khôn lừa.
Trời còn dành để An Nam mượn,
Vạch chước Bình Ngô mãi mới vừa.
Chú thích: Bài thơ có những từ liên quan đến chiếc đũa, đến sự ăn: cắm, tanh tao, mặn ngọt, xóc xương, dò lòng, vạch.
Vua Lê Thánh Tông qua động Hồ Công ở núi Xuân Đài, xã Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Động phía trước hướng về sông Mã, trong động có hai tượng đá, tục truyền xưa kia có một ông già và một tiểu đồng đi hái thuốc ngồi nghỉ ở đó rồi tự nhiên biến mất. Người ta cho là hậu thân Hồ Công và Phí Tràng Phòng người đời Tây Hán, nên tạc tượng thờ. Vua Lê Thánh Tông cho động ấy là động thứ nhất trong 36 động nước Nam.
ĐỀ ĐỘNG HỒ CÔNG
Thần bào quỷ tạc núi muôn trùng;
Cửa động thênh thang vũ trụ thông.
Cuộc thế công danh như ảo mộng;
Bầu tiên nhật nguyệt thú vui cùng.
Hạt châu rơi hóa rồng đen lượn;
Giọt ngọc tuôn trời suối nước trong.
Muốn cỡi gió lồng lên đỉnh núi;
Trông vời mây nước vút tầng không.
Nhất Uyên dịch
Nguyên tác phiên âm Hán Việt
HỒ CÔNG ĐỘNG CẢM ĐỀ
Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san,
Hư thất cao song vũ trụ khoan.
Thế thượng công danh đô thị mộng,
Hồ trung nhật nguyệt bất thăng nhàn.
Hoa dương long hóa huyền châu trụy,
Bích lạc tuyền lưu bạch ngọc hàn.
Ngã dục thặng phong lăng tuyệt lĩnh,
Vọng cùng vân hải hữu vô gian.
Paris 23-3-2015
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V.
Tài Liệu Tham khào:
Dương Quảng Hàm Việt Nam văn học sử yếu. Sống Mới . HK 1979.
Phạm Đình Hổ, Nguyễn Kính. Tang Thương Ngẫu lục. BQGGD. Sài Gon 1970.
Hoàng Xuân Hãn. Hồ Xuân Hương và Vịnh Hạ Long. Tạp chí Khoa Học Xã Hội số 2-1983. Paris.
Nguyễn Q Thắng Tự Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam.
Lã Nhâm Thìn. Thơ Nôm Đường luật nxb Giáo Dục. Hànội 1998.
Hồng Đức Quốc Âm thi tập có chép bài thơ nôm Sông Bạch Đằng của Vua Lê Thánh Tông :