HẬU TỪ
Vài lời ghi chú cuối cùng của người dịch vào tháng 4-1995
(1)
Về bối cảnh quyển sách
Tác giả quyển sách này bắt đầu các cuộc phỏng vấn từ mùa Xuân 1985. Nguyên tác Anh ngữ xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt ngữ xúc tiến từ tháng 2/1993, nhằm xuất bản vào tháng Tư 1995: Đúng 20 năm sau biến cố miền Nam sụp đổ. Trong thời gian qua, thế giới đã đứng trước một bối cảnh hoàn toàn khác biệt.
Các nước Cộng sản Đông Âu sụp đổ. Liên bang Sô Viết tan rã. Một số nước hậu Cộng sản lâm vòng rối loạn, phân ly. Tại Trung quốc, đảng Cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo, nhưng cơ cấu kinh tế biến đổi, lại đang tiếp tục hưởng quy chế nâng đỡ mậu dịch của Hoa Kỳ.
Riêng trường hợp Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản đưa ra các biện pháp đổi mới, manh nha từ 1986, rõ nét hơn vào năm 1987, đến nay vẫn đang tiếp tục dồn cố gắng trong việc phục hồi kinh tế. Mặt khác, Hoa Kỳ tháo bỏ cấm vận từ tháng 2/1994 sau mười chín năm phong tỏa. Trong tháng Giêng 1995, hai văn phòng liên lạc ngoại giao vừa được thiết lập tại Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn. Các nước Tây phương, Úc Đại Lợi, kể cả Hoa Kỳ, nhưng nhiều nhất là Đài Loan, Tân Gia Ba, Nam Hàn, Nhật đang tiếp tục đầu tư vào Việt nam. Đó là một số sự kiện tính đến khi bản dịch Việt ngữ này chuẩn bị ra đời.
Sau một cuộc chiến dài, hai miền đất nước đã bị tiêu hủy về nhiều mặt. Việc thi hành chế độ kinh tế theo mô thức Cộng sản sau gần bốn thập niên tại miền Bắc, hai thập niên tại miền Nam, cộng mười chín năm phong tỏa kinh tế, làm cho Việt Nam lâm phải tình trạng đói nghèo.
Mức nghèo đói ấy dường như có phần giảm thiểu trong các điều kiện sinh hoạt mới.
Tuy vậy, nhiều vấn đề khác đang được đặt ra: Sự xác định chỗ đứng của Việt Nam trên thế giới, trong khung cảnh chính trị địa lý vùng, giữa các khối, các nước lân bang. Dự phóng về đối giá phải trả cho đầu tư ngoại quốc. Thể chế và cơ cấu chính quyền Việt Nam thay đổi gì trước các đòi hỏi Dân chủ Tự do hiện nay và tương lai. Có thể nào có một phương thức dung hóa giữa nền kinh tế thị trường và tổ chức guồng máy chính quyền theo tư tưởng Mác xít-Lê Nin Nít? Nhu cầu cấp thời phục hồi kinh tế mâu thuẫn với nhu cầu công bằng xã hội? Chế độ bao cấp, hệ thống phân phối kiểu Cộng sản đang được bãi bỏ, nhưng một hệ thống an sinh xã hội kiểu Tây phương chưa thành hình. Sự phát triển kinh tế thị trường đang tạo ra những cách biệt lớn lao giữa các tầng lớp dân chúng, tại các khu vực khác nhau. Và trên hết, là sự tha hóa con người.
Một cuộc chiến đã chấm dứt, nhưng các cuộc thảo luận mới đang mở ra.
(2)
Về quyển sách này
Sử liệu khẩu vấn “Nước Mắt Trước Cơn Mưa” gồm 71 câu chuyện do 65 người kể. Có sáu người trình bày hai đoạn chuyện, trong đó gồm năm người cuối của chương hai mươi, chương kết thúc. Những người phát biểu trong sách đã được tác giả phỏng vấn rồi ghi ra. Trong phần cảm tạ đáng lưu ý, tác giả liệt kê một danh sách những người đã được phỏng vấn, cho biết trên 300 người.
Xem danh sách ấy, người ta thấy một số khá đông các yếu nhân đã được phỏng vấn, nhưng ý kiến phát biểu hoặc bài viết của các nhân vật này không xuất hiện trong cuốn sách. Có thể tạm kể: Các tướng lãnh Mỹ như William Westmoreland, Richard Baughn, Charles Timmes… Các tướng lãnh Nam Việt Nam như Cao Văn Viên, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Cao Kỳ, Ngô Quang Trưởng… Chưa kể nhiều yếu nhân Mỹ Việt trong những lãnh vực khác, như học giả về Đông Nam Á Douglas Pike, dân biểu Tom Hayden, các ông nguyên Tổng trưởng Nguyễn Xuân Oánh, đại sứ Bùi Diễm, đại sứ Trần Kim Phượng v…v… Họ đều được phỏng vấn, chuyện kể của họ được góp nhặt nhưng không sử dụng trong cuốn sách với lý do tác giả cho biết vì “giới hạn của kích thước cuốn sách”.
Độc giả có thể hỏi: Nhưng trong giới hạn ấy, tại sao tác giả lại loại bỏ những người này, mà không phải là những người khác trong tổng số hơn 300 người đã được phỏng vấn? Vì nhu cầu bố cục? Vì tính lý thú của các câu chuyện? Vì quan điểm người được phỏng vấn? Vì quan điểm tác giả?
Phương pháp khẩu vấn có thể khách quan, nhưng việc lựa chọn là chủ quan hay khách quan? Nếu có vấn đề quan điểm tác giả – quan điểm nào? Tả? Hữu? Quan điểm người Hoa Kỳ? Quan điểm Sử học? Quan điểm của nhà văn nhìn đời sống theo chiều rộng, nhìn lịch sử theo chiều dài? Quan điểm như lời trích dẫn Abraham Lincoln, Graham Greene, những câu thơ Walt Whitman ghi ở đầu chương thứ nhất?
Mỗi độc giả Việt Nam nếu cần kết luận, đều đã tự có một kết luận sau khi theo dõi cả ba phần, từ Lời Mở Đầu đến Lời Cảm Tạ.
Tôi tin độc giả Việt Nam là những độc giả tinh tế.
Tôi tin độc giả Việt Nam thường phân tích từng lời từng chữ khi đọc sách, đặt câu hỏi, thói quen của những người đã trải qua một cuộc chiến tàn khốc với một khối lượng đồ sộ của đủ thứ sách báo với luận điểm tùy từng phía, chưa kể các loại văn chương tuyên truyền.
Sự nhạy cảm ấy càng bén nhọn hơn đối với bất cứ cuốn sách nào của người ngoại quốc viết về những vấn đề liên hệ đến Việt Nam.
(3)
Ý nghĩ của cá nhân người dịch
Trong lúc người Việt không đủ phương tiện thực hiện một quyển sách với phương pháp tương tự, cá nhân chúng tôi thiển nghĩ: Quyển sách này dù có được sắp xếp, lựa chọn, trình bày cách nào – cũng vẫn đưa ra một kích thước tương đối phong phú, với nhiều cảm nhận và cách diễn tả khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau.
Dù người ta có thể cho là bất cân xứng hoặc hãy còn thiếu sót, nhưng cá nhân người dịch và mọi độc giả khác đều không bị đặt trong vị thế thụ động. Người đọc có thể lượng giá cuốn sách, lượng giá từng lời phát biểu của mỗi người được phỏng vấn trong góc độ chủ quan của họ. Và ngoài ra, câu hỏi cuối cùng là nếu toàn bộ quyển sách có tạo ấn tượng gì về một quan điểm nào thì điều ấy vẫn đáp ứng vào nhu cầu thảo luận, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay: Chúng ta tin ở tinh thần thảo luận. Một cuộc thảo luận tốt là một cuộc thảo luận ôn hòa, với nhiều quan điểm trái ngược để chuẩn bị cho việc tìm kiếm ý chí chung, góp phần vào lời giải cho bài toán Việt Nam. Cũng góp phần vào lời giải bài toán con người trong thế giới mới mẻ ngày nay.
Riêng cá nhân chúng tôi khi làm công việc phiên dịch cũng đã có dịp suy nghĩ ít nhiều về những gì chứa đựng trong cuốn sách. Tôi không chăm chú tìm kiếm bí mật lịch sử. Tôi nhìn vào những nỗi đau thương.
Quyển sách bắt đầu mở ra ngay từ chương thứ nhất với một nỗi đau thương lớn, nỗi đau thương của những người lính thất trận trong cơn hoảng hốt, cay đắng, đã mất lý trí khi bỏ lại gia đình, bắn loạn cả vào chính đồng bào, chiến hữu mình.
Khi chăm chú nhìn, có lẽ tôi cũng chăm chú tìm hiểu lời giải.
Có lẽ, tôi đã tình cờ nghe được một lời bình phẩm hữu ích khi làm công tác xã hội vào năm 1987 tại trại tỵ nạn Pulau Bidong: Nơi ấy, bấy giờ hơn mười ngàn con người sống lây lất chen chúc trong những điều kiện căng thẳng, thiếu thốn. Trên hòn đảo, họ đã đâm chém, trộm cắp, hãm hiếp nhau. Những người đến trước cướp cả những thuyền của những người đến sau. Khi tôi tỏ ra áy náy với một công tác viên xã hội khác đã chứng kiến những việc ấy, bạn tôi, một bác sĩ Phần Lan giản dị nói: “Nếu nhốt mười ngàn người Phần Lan hay mười ngàn người Mỹ vào chính hòn đảo này trong những điều kiện tương tự, họ sẽ tệ hại hơn. Họ sẽ giết nhau và đốt hết ngôi trại này trong vòng ba ngày”
Lời bình phẩm ấy có thể là một lời an ủi. Nhưng mặt khác, nó vẫn nêu ra vấn đề điều kiện. Phải chăng trong những điều kiện khắc nghiệt của hoàn cảnh, nếu hoán đổi vị trí, nhiều người đều có thể phản ứng giống nhau hoặc tương tự với hình thức này hay hình thức khác?
Sự tương tàn của những người lính miền Nam khi bắn cả vào đồng bào, vào chiến hữu mình trong cơn hoảng hốt… Phải chăng cũng chẳng khác gì cuộc tương tàn của quân đội hai miền cùng một dân tộc khi đối mặt trên chiến trường? Phải chăng đều do hoàn cảnh, do điều kiện khắc nghiệt của đất nước Việt Nam?
Đêm qua khi viết đến đây, tôi đã thức một đêm trắng để kể các bi kịch thảm khốc trong cuộc chiến của chính gia đình tôi: Một nửạ ngoài Bắc. Một nửa trong Nam. Chú tôi chết trong trại cải tạo Cộng sản. Em họ tôi chết dưới bom Mỹ trong Nam. Chuyện người em họ ở Hà Nội chết vì nhiễm độc chì khi làm công nhân xuất khẩu bên Nga. Chuyện đứa em họ và con trai chết trong cuộc vượt biên, sau khi cha vừa chết trong trại cải tạo ngoài Bắc. Chuyện cô chú tôi tự tử vì bị truy bức sau vài năm Việt Minh tiếp thu Hà Nội. Và người con gái mồ côi của cặp vợ chồng bất hạnh này đã quyết tâm lìa bỏ thế giới Cộng sản bằng cách vượt qua bức tường Đông Bá Linh sang Tây Đức, để rồi sắp bị Thế giới Tự do trả về… Ở Hồng Kông, người ta đang trói tay những người tỵ nạn để đưa lên máy bay như những con vật… Kể sao hết?
(…….)
-Hôm nay tôi xé bỏ 20 trang giấy đã viết. Có lẽ tôi không nhất thiết phải bám chặt những cảm xúc ấy để bắt đầu một quyển sách mới sau khi vừa bỏ ra chín tháng để chuyển dịch và ấn hành quyển sách này.
Mỗi gia đình người Việt ở bất cứ đâu đều đã chạm mặt với quá nhiều đau thương trong cuộc chiến vừa qua.
Và như thế đối với tôi, giá trị quyển sách này không nhất thiết chỉ là những gì đã nói đến. Đã nói thế nào. Mà còn là những gì gợi ra. Những câu chuyện không kể hết.
Tôi tin vào sự hữu dụng của quyển sách. Tôi tin khả năng đóng góp của nó.
Về phần cá nhân tôi, vào ngày 30 tháng Tư 1975 tôi đang ở Hoa Kỳ: Quyển sách giúp cho tôi hiểu được những gì gia đình tôi, bạn hữu tôi và đồng bào tôi đã trải qua. Quyển sách giúp tôi hiểu thêm các tâm trạng khác nhau của những người Mỹ liên hệ vào cuộc chiến, sự lúng túng của kẻ thắng, nỗi đau đớn của người bại. Đôi lúc tôi không ngăn được xúc động khi dịch thuật lời kể của nhiều người Việt trong quyển sách này.
Sau hết, một vài người phát biểu trong sách là những người tôi quen biết. So sánh việc biết họ ngoài đời, cùng với những lời kể được thuật lại trong cuốn sách này: Tôi hiểu tác giả đã biểu lộ một tinh thần khá khách quan trong việc viết một cách tương đối trung thực các câu chuyên của họ.
(4)
Cảm ơn
-Tôi xin cảm ơn nhà văn Giao Chỉ, tác giả “Chân Trời Dâu Biển”, “Cõi Tự Do”, tức ông Vũ Văn Lộc, nguyên Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hiện là Giám Đốc Hội Quán Việt Nam, người chủ trương cơ sở Tin Biển tại San Jose. Ông rất thích quyển sách này, đã nhiệt tình trong việc xuất bản và giới thiệu với cảm xúc, suy nghĩ riêng tư của ông. Cảm ơn ông đã tín nhiệm khả năng Anh ngữ và Việt ngữ của tôi. Trong gần hai mươi năm qua ở San Jose, chúng ta không nhất thiết phải đồng ý với nhau về tất cả mọi vấn đề, nhưng rút cục chúng ta vẫn làm việc rất gần nhau.
-Tôi xin cảm ơn chị Đặng thị Hòa đã kiên nhẫn giúp chúng tôi đánh máy, sửa chữa bản dịch trong gần ba tháng cực nhọc. Xin thành thật cảm ơn chị.
-Cảm ơn Phạm Việt Cường đã đọc qua bản thảo, đã dịch hộ mấy câu trích dẫn của Graham Greene, Abraham Lincoln, những câu thơ Walt Whitman mà Larry chọn ghi đầu cuốn sách.
-Cảm ơn bạn mới của tôi, anh Văn Thanh (Lý Kiệt Luân), một nhà văn đến từ miền Bắc, đã nhiệt tình góp ý, sửa chữa bản thảo, đặc biệt những ý kiến của anh trong việc chuyển dịch cho chuẩn xác hơn những ngôn từ của phần phát biểu thuộc chương 18 “Những Người chiến thắng”.
-Cảm ơn người bạn từ thuở nhỏ của tôi, nhà văn Phan Nhật Nam, đã đọc kỹ từng trang sách, đã sửa chữa bản thảo, đặc biệt phần từ ngữ quân đội. Là một sĩ quan miền Nam, trải qua một trận chiến dài, đã trực tiếp đối mặt các thảm kịch của đất nước và của chính gia đình anh, rồi ngay sau khi đất nước Việt Nam vừa ngưng tiếng súng, lại phải chịu thêm gần mười bốn năm trong cảnh tù đày tại các trại cải tạo do chính quyền Cộng sản Việt Nam thiết lập: Trại Long Giao (miền Nam); Trại 12,10, 8 (Đoàn 776 Hoàng Liên Sơn); Trại Lam Sơn (trại 5); Thanh Cẩm (Thanh Hóa); Ba Sao (Hà Nam Ninh) và cuối cùng, Z30D (Hàm Tân, Bình Tuy). Anh đã chịu hai đợt kiên giam, lần thứ nhất (từ tháng 2, 1979 đến tháng 8, 1980); lần thứ hai (từ tháng 9, 1981 đến tháng 5, 1988) với 24 hầm cấm cố, tử hình, ở các trại nói trên. Việc giúp tôi đọc lại bản thảo tác phẩm dịch thuật này chắc chắn gợi nhiều đau thương mà anh đã trải qua. Mong anh sẽ có một cuộc sống tốt đẹp tại đây, nơi chúng ta có dịp nhìn thế giới một cách toàn bộ hơn để cùng chia sẻ ước mơ: Quê hương chúng ta sẽ không còn ai gánh chịu những đau thương như Nam đã trải qua.
-Cuối cùng, xin cảm ơn gia đình tôi, đặc biệt vợ tôi Elina Marjatta Nguyễn đã hy sinh, trong lúc tôi dành thì giờ vào việc viết sách. Là người dạy học các trẻ em Việt tỵ nạn tại Phần Lan, người dạy nhạc cho một số trẻ em Việt tại San Jose, California… Gần gũi cuộc sống của nhiều gia đình Việt Nam trên các đất nước khác nhau, vợ tôi hiểu tâm tình của người Việt đối với quê hương đất nước Việt Nam – cũng như người Phần Lan đã yêu đất nước mình, một đất nước nhỏ bé cùng một diện tích với Việt Nam, đã chiến đấu một cách dũng cảm và khôn ngoan để sinh tồn trong suốt lịch sử đầy khó khăn của Phần Lan, giữa Đông và Tây, giữa một bên Thụy Điển, một bên Nga, và sau này, một bên Cộng sản, một bên Tư bản. “Elina, Minâ rakastan sinua. Kiitos”.
(5)
Về một lời đề tặng
Quyển sách này khởi dịch vào tháng 2,1993. Trước khi bắt tay vào việc dịch thuật, tôi đã có lần viết một lời nói đầu. Nay in thành sách, tôi vẫn xin giữ nguyên những lời đã viết ấy để ghi vào phần cuối cùng này.
“Năm nay, 1993, một trăm bốn mươi sáu năm kể từ khi các chiến thuyền Pháp bắn vào Đà Nẵng, một trăm lẻ chín năm sau khi hoà ước Patenotre thiết lập chế độ bảo hộ ở Việt Nam. Một trăm năm đúng kể từ Phan Đình Phùng khởi sự kháng Pháp ở Hà Tĩnh. Lịch sử cận đại của Việt Nam trong một thế kỷ rưỡi nay là một chuỗi những biến cố đau thương đã dẫn dắt từ cố gắng giành độc lập tự chủ đưa đến cuộc tranh chấp Quốc Cộng, đưa đến việc: “Chỉ còn thuần túy là người Việt Nam giết người Việt Nam – với một bên là Mỹ, bên kia là các nước thuộc khối Cộng sản cung cấp các phương tiện cần thiết để đánh nhau và chết” (Larry Engelmann, Lời mở đầu Nước Mắt Trước Cơn Mưa).
Việc phiên dịch cuốn sách này là một đóng góp nhỏ bé của chúng tôi trong việc cùng nhau nhìn lại những đau thương đã qua với hy vọng rằng ý chí vận chuyển đất nước Việt Nam trong thời gian tới đây phải được hướng dẫn bởi trí tuệ và lương tâm con người.”
Tôi xin kính tặng bản dịch Việt ngữ này cho tất cả người Việt, người Mỹ, tất cả những người của mọi phía đã bỏ mình trong cuộc chiến Việt Nam.
Nguyễn Bá Trạc
(San Jose, 21 tháng Tư, 1995)