Sapa thuộc tỉnh Lào Cai là một tỉnh vùng cao Tây Bắc. Nằm ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, khí hậu ở Sapa quanh năm mát mẻ, sương mù bao phủ mờ mịt trên những ngọn đồi, đỉnh núi. Đặc biệt, vào những buổi sáng sớm mùa đông, ra đường bạn có thể đưa tay ra là có thể chạm vào sương mù, cảm giác từng làn sương mỏng mảnh luồn qua tay thật thú vị.
1. CHINH PHỤC NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG - ĐỈNH FANSIPAN
Điểm đến đầu tiên vô cùng hấp dẫn cho những du khách đam mê chinh phục những thử thách nguy hiểm đó là đỉnh Fansipan - được gọi là nóc nhà Đông Dương. Nằm ở dãy Hoàng Liên Sơn, với độ cao 3.143 m Fansipan xứng đáng là ngọn núi cao nhất nước ta và là nóc nhà của Đông Dương (cao nhất ba nước: Việt Nam, Lào, Campuchia.)
Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143 mét - Ảnh: Mytour.vn
Mặc dù chỉ cách Sapa 9 km nhưng để chinh phục Fansipan, tận hưởng trọn vẹn cảm giác vinh quang của chiến thắng thì bạn phải mất từ 6-7 ngày để leo núi. Khó khăn là thế, gian lao là thế nhưng Fansipan vẫn quyến rũ mãnh liệt đối với những nhà leo núi chuyên nghiệp và cả nghiệp dư.
Vẻ đẹp hùng vĩ của Sapa khi đứng từ đỉnh Fansipan phóng tầm mắt xuống - Ảnh: Mytour.vn
Ở Fansipan mưa suốt nhiều tháng liền nhưng quanh năm ở vùng núi cheo leo này lại ngập tràn sắc hoa, rực rỡ tỏa hương thơm ngát. Tại đây có hệ thực vật và động vật phong phú, đa dạng, một số loài động vật quý hiếm được đưa vào sách đỏ.
2. NGẮM ĐÈO Ô QUY HỒ HÙNG VỸ TỪ CỔNG TRỜI TRẠM TÔN
Bạn có thể tận hưởng không khí của Fansipan từ cổng trời Trạm Tôn - Ảnh: biletomsk.ru
Muốn chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan thì bạn phải đi qua cổng trời Trạm Tôn. Cách Sapa khoảng 18 km, con đường Trạm Tôn dẫn đến cổng trời là một con đường uốn lượn quanh co khắp triền núi. Đến với cổng trời bạn mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của Sapa không chỉ qua những thửa ruộng bậc thang vàng óng trứ danh, những làn sương mù bao phủ quanh năm mà còn đẹp bởi vẻ hoang sơ, yên bình, và trong lành bởi không khí của vùng rẻo cao miền núi.
Vẻ đẹp của nơi đây là cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học kinh điển - Ảnh: hoang tuan anh
Từ cổng trời, bạn có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của con đèo Ô Quy Hồ đầy nguy hiểm đến thót tim. Con đèo này đã từng được đi vào văn học qua những câu văn sống động trong tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” của tác giả Nguyễn Thành Long.
Đèo Ô Quy Hồ là một con đèo hiểm trở vào bậc nhất nước ta nhưng cảnh đẹp thì không bút nào tả xiết - Ảnh: fxhfh Eyrndj
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Lào Cai
http://mytour.vn/c20/khach-san-tai-lao-cai.html
3. KHÁM PHÁ BÃI ĐÁ CỔ
Bãi đá cổ Sapa là một danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan mỗi khi đến Sapa. Bãi đá được phát hiện vào năm 1925 bởi một nhà khoa học người Pháp gốc Nga. Bãi đá rộng hơn 8 km2 với hơn 200 phiến đá có hình dạng và kích thước độc đáo. Bãi đá cổ được cho là dấu tích lịch sử của người Việt Cổ với những hình vẽ trên các phiến đá là hoa văn trang trí
Bãi đá cổ ở Sapa là một danh thắng thu hút khách du lịch - Ảnh: Internet
Nhiều nhà khoa học để giải thích ý nghĩa của bãi đá cổ đã cho rằng đây có thể là một cuốn sách ghi lại các hoạt động sống hằng ngày hoặc bản đồ của người Mông Cổ, cũng có giả thiết cho rằng đó là một cuốn sách ghi lại các sách lược của các trận đánh. Nhưng giả thiết vẫn là giả thiết, bãi đá cổ vẫn nằm đó thách thức với thời gian và là một bí ẩn chưa có lời giải đáp chính thức cho các nhà khoa học.
Những kí tự đặc biệt hiện vẫn còn là thách thức đối với các nhà khoa học - Ảnh: ferienvietnam.com
4. VẺ ĐẸP CỔ KÍNH VỚI NÉT KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO CỦA NHÀ THỜ ĐÁ
Nhà thờ đá Sapa là một biểu tượng không thể thiếu khi nhắc đến Sapa. Tọa lạc tại trung tâm của thị trấn Sapa, phía trước có một khoảng trống rộng, là nơi mà mỗi sáng bà con dân tộc tụ tập buôn bán các nhu yếu phẩm hàng ngày. Đây cũng là nơi mà mỗi thứ 7 hàng tuần lại vang lên tiếng khèn réo rắt, những điệu múa duyên dáng mang âm hưởng núi rừng của những cô gái chàng trai bản trong phiên chợ tình.
Vẻ đẹp trường tồn với thời gian của kiến trúc Gothic - Ảnh: Sưu tầm
Nhà thờ đá mang phong cách gothic La Mã ấn tượng đặc trưng bởi mái nhà, tháp chuông và vòm cuốn, được xây dựng vào giữa thế kỷ XX, nhà thờ đá là một công trình kiến trúc được kiến trúc sư tài ba người Pháp đặt rất nhiều tâm huyết vào đó, lựa chọn rất kĩ từng nguyên vật liệu để hình thành. Tuy chịu nhiều tác động khắc nghiệt của thời gian nhưng nhà thờ đá Sapa vẫn đứng vững thách thức sự tàn phá của thiên nhiên và là niềm tự hào của người dân Sapa.
Nhà thờ đá Sapa lung linh trong ánh đèn vàng một tối mùa thu - Ảnh: Internet
5. DẠO CHƠI Ở THUNG LŨNG MƯỜNG HOA
Thung lũng Mường Hoa luôn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi đến Sapa. Đây là một thung lũng non nước hữu tình, có phong cảnh tuyệt đẹp, lãng mạn và còn là nơi sinh sống của nhiều người dân tộc vùng cao. Bãi đá cổ cũng nằm ở đây nên Mường Hoa luôn là điểm đến hấp dẫn cho những du khách yêu thích du lịch.
Khung cảnh lãng mạn của thung lũng Mường Hoa nhìn từ trên cao xuống - Ảnh: Mytour.vn
Nằm cách thị trấn Sapa khoảng 8 km về phía Đông Nam, thung lũng Mường Hoa được đánh giá là một trong những thung lũng đẹp và rộng lớn nhất Việt Nam. Dưới chân thung lũng có con suối Mường Hoa uốn lượn duyên dáng chảy qua. Vào mùa lúa chín, những con suối này mang nguồn nước dồi dào đi khắp các thửa ruộng bậc thang. Màu lúa chín vàng soi bóng xuống con suối làm nên một phong cảnh thơ mộng, đắm say biết bao du khách.
Mường Hoa nổi tiếng với những bậc thang lên thiên đường - Ảnh: truyenhinhanvien.vn
6. HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ BÍ ẨN Ở ĐỘNG TẢ PHÌN
Hang động Tả Phìn nằm cách thị trấn Sapa khoảng 20 km, đây là nơi sinh sống của hai dân tộc Dao và H’Mông. Ngoài khám phá du lịch, người ta còn đến động Tả Phìn vì nó mang giá trị khảo cổ và nghiên cứu lịch sử tiến hóa của loài người nữa.
Lối vào động Tà Phìn - Ảnh: vietnamdiscoveries.com
Trẻ em bản là những tay dẫn đường cừ khôi - Ảnh: tannhat56
Động Tà Phìn nằm dưới chân của một trái núi nhỏ thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Dưới chân núi là một cửa hang có cửa rộng khoảng 5 m. Đi sâu vào cửa hang ta sẽ gặp một hang rộng đâm xuyên sâu xuống lòng đất. Càng đi sâu xuống thì lối đi càng nhỏ và càng gặp nhiều nhánh nhỏ, đan xen lẫn lộn. Nếu không cẩn thận, những nhánh này sẽ dẫn bạn quay trở lại cửa hang chính. Đi sâu vào nữa ta sẽ bắt gặp nhiều tảng đá với tạo hình độc đáo, lạ và còn là bí ẩn cần được khám phá.
7. CHIÊM NGƯỠNG CẢNH TIÊN NƠI TRẦN THẾ TỪ NÚI HÀM RỒNG
Núi Hàm Rồng là dãy núi có hình 3 con rồng đang há miệng hùng dũng. Núi nằm gần với thị trấn Sapa chỉ cách khoảng 3 km, nên sau khi dạo chơi ở Sapa bạn có thể đi bộ tới núi Hàm Rồng để chiêm ngưỡng cánh tiên nơi trần thế.
Phong cảnh hữu tình nhìn từ trên núi Hàm Rồng - Ảnh: photobucket.com
Đến với núi Hàm Rồng, toàn cảnh thị trấn Sapa, thung lũng Mường Hoa, bãi đá cổ… đều nằm trọn trong tầm mắt bạn. Được sự tu tạo và chăm sóc chu đáo của con người, núi Hàm Rồng là một vườn tiên sặc sỡ hoa lá, mây núi lững lỡ bay khiến du khách đắm chìm trong không gian thơ mộng quên cả lối về.
Lối đi tham quan vườn đào trên núi Hàm Rồng - Ảnh: photobucket.com
8. TÌM HIỂU CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN VÙNG RẺO CAO Ở BẢN CÁT CÁT
Tiếng khèn se cho chàng trai cô gái duyên thêm thắm, tình thêm đậm - Ảnh: Internet
Nằm ở trung tâm thị trấn Sapa nên bản Cát Cát thu hút đông đảo khách tham quan cả trong và ngoài nước. Đây là một bản làng có từ lâu đời với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nếu bạn muốn khám phá bản sắc văn hóa và cuộc sống của người Tây Bắc thì bản Cát Cát là một điểm đến lý tưởng.
Cuộc sống đời thường của người dân bản Cát Cát - Ảnh: Internet
Trẻ em trên vùng rẻo cao - Ảnh: hoanghasapahotel.com
Bản Cát Cát được hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XX theo phương thức quây quần với nhau thành từng làng nhỏ, mỗi ngôi nhà chỉ cách nhau khoảng tầm chục m. Cuộc sống của người dân bản Cát Cát chủ yếu là trồng lúa trên các thửa ruộng bậc thang, chăn nuôi hay trồng bông dệt vải. Hiện nay, đời sống của người dân bản đã khá hơn nhiều nhờ kinh doanh buôn bán các đồ thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng thổ cẩm, khèn sáo cho những khách du lịch.
Những nóc nhà tranh khiêm tốn nép mình bên những vách núi sừng sững - Ảnh: 500px.com
Trồng lúa ruộng bậc thang là một hình thức canh tác chủ yếu của người dân bản - Ảnh: vietmediatravel.com
9. NGỠ NGÀNG VỚI NHỮNG DẢI LỤA TRẮNG Ở THÁC BẠC
Nằm cách thị trấn Sapa chừng khoảng 15 km, đường đi khá khó khăn nhưng thác Bạc được đánh giá là một trong những thác nước hùng vỹ và đẹp nhất Việt Nam.
Từ độ cao trên 200 m, dòng thác hùng vỹ đổ ầm ầm xuống dưới con suối dưới thung lũng Ô Qui Hồ, nhìn từ xa giống như một một dải lụa trắng khổng lồ uốn lượn trên nền xanh thăm thẳm. Khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ, lãng mạn như một bức tranh thủy mặc.
Vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa thơ mộng của thác Bạc - Ảnh: SQ Mah
Từng thác nước tuôn trào như mái tóc màu bạch kim của nàng tiên nữ - Ảnh: Khoi Tran Duc
Vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ của thác Bạc - Ảnh: blogspot.com
10. CHỢ TÌNH SAPA
Chợ tình Sapa là một nét văn hóa đặc sắc có truyền thống lâu đời của người dân tộc H’Mông, Dao. Đây là nơi hò hẹn, chứng nhân cho những tình yêu đôi lứa.
Chợ tình Sapa - nơi đôi lứa giao lưu và se duyên - Ảnh: mrlinhdpb
Chợ phiên ở đây thường họp vào sáng sớm ngày chủ nhật. Cho nên, đối với những người dân ở xa thì họ phải đến đây từ tối thứ 7 và qua đêm ở đây, chờ trời sáng. Do đó, đêm hôm ấy các đôi nam thanh nữ tú có thể gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu và vui chơi với nhau. Nếu họ thấy phù hợp thì những phiên chợ sau có thể tiếp tục hò hẹn nhau. Chính vì thế mà nhiều đôi uyên ương đã nên duyên từ đấy.
Phiên chợ thường họp vào sáng sớm - Ảnh: Facebook.com
Sapa mùa nước đổ - Ảnh: tuoitre.vn
Sapa xinh đẹp quanh năm, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng không lẫn vào đâu được. Do đó, nếu muốn chọn Sapa là điểm đến cho chuyến du lịch của mình bạn đừng ngần ngại về mặt thời gian nhé vì bạn có thể đến Sapa vào bất kỳ thời điểm nào. Khí hậu Sapa khá lạnh nên nhớ trang bị cho mình một chiếc áo ấm nhé. Chúc bạn có một hành trình khám phá Sapa thú vị và bổ ích!
Trích nguồn: mytour.vn