Tiểu luận - Tạp bút
Vô Tri Bất Mộ. - Không biết chẳng thích
Võ Doãn Nhẫn *
đăng lúc 12:34:56 AM, Oct 16, 2008 *
Số lần xem: 4950 Vô tri bất mộ.
Không biết chẳng thích(tiểu luận)
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.
( Cung oán Ngâm khúc)
Hồn ma chó thất thểu lần tới thiên đình nơi Ngọc Hoàng Thượng Ðế đương trị vì kêu cứu dân oan khiếu kiện, à không kêu cứu hồn oan khiếu kiện. Thấy hồn ma chó cứ thập thò trước cổng nhà trời không dám đường đột bước vô, thấy chạnh lòng Ngọc Hoàng cho hồn ma chó vào. Ngọc Hoàng phán hỏi:
Mày hãy xưng họ tên, lên tới Thiên đình làm gì?
Bẩm, con không có họ, chủ nhà chỉ kêu tên con là Mực.
Mày lên Thiên đình làm gì, mày có biết hay không là cổng Thiên đình không phải bạ ai người nào muốn vô là cứ xồng xộc thoải mái đi vô không ai cấm cản? Ngày trước, khi tên nào muốn vào Thiên đình, tên “ bảo vệ” bao giờ cũng cảnh giác phòng gian bảo mật, nên có viết sẵn một bảng gỗ vàng những dòng chữ chân phương sau đây:
Xuống xe, tắt máy, xuất trình giấy tờ.
Mày có giấy tờ gì để xuất trình làm bằng không?
Hồn ma lo sợ :
Bẩm, con làm gì có giấy tờ, một đồng một chữ con cũng không có. Con không giấy khai sanh, không chứng minh nhân dân, chỉ có mạng trành, được chủ nhà đặt tên cho con là Mực, may mà con không có tên, vô danh tiểu tốt, à không không, con chỉ muốn nói vô danh tiểu cẩu. Bẩm Ngọc Hoàng Thượng đế, được tới cõi Trời, con xin cúi lạy đèn Trời soi xét khấu đầu hồn oan khiếu kiện.
Tại sao mày phải đến Thiên đình để xin khiếu kiện? Mày phải khai báo thành khẩn rõ ràng để bản tòa phán xét.
Bẩm Ngọc Hoàng, con không nguyên cớ mà bị thác oan.
Bị thác oan? Mày hãy tường thuật đầy đủ chứng cớ chi tiết.
Bẩm, trong lúc có người lạ mặt xông vô nhà con, bộ tịch rất đáng khả nghi, hễ giữ nhà thì lẽ đương nhiên chó phải sủa. Không ai thừa cơm nuôi chó trừ chó nhà giàu. Thế là con xông vào, tới gần kẻ lạ mặt, nhe răng sủa nom rất dữ tợn, nào ngờ kẻ lạ mặt rút từ trong người một thanh gậy gỗ vung tay đập một cái vào đầu mạnh như trời giáng, con chỉ biết kêu lên một tiếng “ẳng”bi thảm, rồi con gục xuống đất không biết gì nữa. Kẻ sát cẩu cho con vào một bao bố nhỏ, điềm nhiên xách “chiến lợi phẩm” còn nóng hổi về nhà, ý chừng gia chủ đã đồng ý cho kẻ sát nhân làm thịt con. Về tới nhà tên sát nhân nấu một thùng nước sôi, lấy chiếc lon thiếc đổ nước ướt như chuột lột vào người con, rồi cho người cạo sạch lông, da con lúc này trắng hếu, rồi cho người đốt lửa con đem thui, lúc này da con trở nên vàng lườm chảy mỡ béo ngậy thơm điếc mũi. Cả bọn người nhà dùng dao bén xúm nhau mổ bụng con. Bọn chúng cắt tất cả bộ lòng riêng biệt, tim gan phèo phổi lục phủ ngũ tạng( Con nghĩ riêng người chết có lẽ cũng vậy. Trước khi mai táng hay hỏa táng, đem chôn hay đem hỏa thiêu, người chết được cắt bỏ dọn dẹp sạch sẽ toàn bộ những bộ phận cốt khỏi bốc mùi xú uế). Rồi bọn họ chế biến những món nhậu như dồi, lòng, nhựa mận, thăn,... Làm xong, mùi thơm tỏa ngát không chịu được khiến con hít lấy hít để. từ trước con chỉ biết ăn cơm, nhai xương. Con nghe dư luận đồn rằng hồi còn mồ ma ông Vũ Bằng nức tiếng với tác phẩm của ông “ Miếng ngon bà Nội”.
Thôi, im đi, mày đừng nói nữa, bản tòa tao thèm quá!
Một người gắp một đũa bún luộc chín bỏ vào bát, múc muỗng nước mắm giầm ớt xiêm vào cũng đổ vào bát, nước dãi ứa bên dưới lưỡi., người ấy nuốt nước dãi đánh “ực”. Một đứa trẻ một tuổi nhìn thấy người mẹ làm những động tác chuẩn bị bữa ăn, nhưng không cảm thấy muốn ăn, chảy nước dãi bên dưới lưỡi. Người mẹ chảy nước dãi là một phản xạ, đứa trẻ không có phản ứng gì, không phải phản xạ, riêng người mẹ là một phản xạ có điều kiện, một phản xạ có kinh nghiệm, có kích thích do một hay nhiều phản ứng. Người mẹ thấy đói khi dạ dày cồn cào tiết dịch vị chua là phản xạ có điều kiện; chó nhà bác học Pavlov chảy nước dãi khi nghe tiếng chuông rung là phản xạ có điều kiện; nó nhớ những bữa ăn đồng thời tiếng chuông một cách vô thức.
Năm đầu tiên ban sư phạm môn Triết, tôi được thụ giáo qua bộ môn tâm lý học do giáo sư linh mục Bửu Dưỡng phụ trách. Vào những giờ học đầu tiên, giáo sư Bửu Dưỡng nói về “Xu hướng”hay “Khuynh hướng”.tài liệu này cũng đề cập nhiều trong sách giáo khoa Tâm lý học của giáo sư Cuvilier.Theo linh mục Bửu Dưỡng, xu hướng là những động lực tiềm ẩn khiến các động vật hành động theo một mục đích nào đó: xu hướng bảo tồn kiên trì( xu hướng ăn, uống), xu hướng bảo tồn bành trướng(dục tính). Linh mục Bửu Dưỡng nhấn mạnh: xu hướng có đặc tính vô thức không ý thức nhưng một khi trở thành thôi thúc đòi hỏi, xu hướng thành một nhu cầu, đòi hỏi, ý thức. Ví dụ: xu hướng dục tính là một xu hướng ở trạng thái bình thường là vô ý thức, không thôi thúc, đòi hỏi mặc dù xu hướng dục tính vẫn hiện hữu, vẫn tồn tại( những vị chơn tu nam nữ sống một cuộc sống... khổ hạnh, vẫn có xu hướng dục tính vô ý thức tiềm tàng). Lịch sử khoa nhân chủng học(anthropologie) xác minh sự hiển nhiên: một số nhà tu ( Phật giáo, Thiên chúa giáo) vẫn bị “xé rào, phạm giới”. Theo tôi biết một tu sĩ chùa Nghĩa Phương( Tịnh độ tông) đã quan hệ tình dục bất chính với một nữ phật tử khiến phật tử ấy phải mang thai; một số linh mục dòng tu Công giáo đã xâm phạm tình dục tại một tiểu bang miền đông Hoa kỳ. Xu hướng dục tính giống con vật bị ngủ yên, quả đúng một nhà tâm sinh lý học đã nhận định: vô tri bất mộ. không biết( dục tính), chẳng ham thích ( giao hợp). Giả thử được thiến mất bộ phận sinh dục, cắt bỏ tinh hoàn, con vật sẽ vẫn “ trinh nguyên”không khác một xử nữ. Ðiển hình là con Lucky, một chó cái lông trắng trông thật dễ thương, hiền lành, chỉ mỗi một khuyết tật bẩm sinh là hai chân sau của Lucky đi đứng không bình thường , bước đi khập khiễng. Khi lớn, các chó đực tỏ ra lạnh nhạt, ngửi ngửi hít hít sau đuôi rồi bỏ đi, không tạo cảm hứng.Lucky cũng rơi vào trường hợp tương tự. Phải chăng sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên vì đã trót bênh vực danh tướng Lý Lăng khiến vua Hán ra lệnh cắt đứt của quý của sử gia, khiến sử gia tuyệt hậu? Các nhà viết sử không tiên liệu: lúc tuổi còn thanh xuân, Tư Mã Thiên đã có hay chưa có quan hệ tình dục? Nếu đã có, Tư Mã Thiên sẽ rất đau khổ, sẽ rất bức xúc một khi nhu cầu dục tính nổi lên. Nếu chưa có, Tư Mã Thiên sẽ là một xử nữ trinh nguyên, một tờ giấy trắng không tì vết!
Người viết xin nhắc lại một chủ đề: vô tri bất mộ. Không biết thì chẳng thích. Nhưng một khi đã biết, lại thích. Giả dụ một nữ nhân vật, nói cho đúng một nạn nhân trong tiểu thuyết xã hội của nhà văn quá cố Vũ Trọng Phụng: thị Mịch trong tiểu thuyết xã hội Giông Tố. Thị Mịch là một thiếu nữ nhà quê, thất học, quanh năm suốt tháng quanh quẩn làm việc đồng áng ruộng nương. Có một thanh niên làm một thư ký tại một hãng tư tên là Long muốn lấy Mịch làm vợ, trên nguyên tắc gia đình đồng ý, chờ ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn cho đôi trẻ. Một hôm, vào lúc chiều tối, thị Mịch đi gánh rơm về nhà cho trâu bò ăn. Ðồng hành gánh rơm gánh mạ có một số bạn. Không may trên đường cái quan có một chiếc xe hơi hỏng máy, tài xế đang loay hoay hì hục sửa chữa. Ngồi trên xe hòm có nghị viên Hách, một tay khét tiếng vừa giàu có vừa quyền thế quyền uy hống hách, nén bạc đâm toạc tờ giấy kim ngân phá luật lệ. Thấy gái quê ngây thơ chất phác, nghị Hách cho đòi lại gần nơi sửa chữa để... mua rơm khô. Tuy chẳng biết mua rơm với dụng ý gì, Mịch điềm nhiên trả giá rơm khô với nghị Hách. Việc sẽ đến, phải đến. Nghị Hách gạ gẫm Mịch, sau cùng đè ngửa Mịch trên băng ghế nệm xe hơi dở màn cưỡng hiếp. Ban đầu, Mịch vẫn ngây thơ hồn nhiên không biết Mịch bị cưỡng hiếp. Ít lâu sau, thị Mịch có chửa. Hồi tưởng lại màn cảnh chung chạ vùi hoa dập liễu một kẻ đàn ông, Mịch rung cảm một thứ khoái lạc nào đó, một khoái cảm ban đầu do dục tình khơi động. Lần đầu tiên trong đời con gái, Mịch biết thế nào là dục tình, Mịch bắt đầu biết ham thích nhục dục. Chính thế mà “ đêm hôm ấy, bất chấp cái thai trong bụng, Mịch cho Long ái tình”(sic). Xin nhắc: Long là vị hôn phu của Mịch. Khi biết Mịch có chửa, gia đình Mịch khởi đơn kiện “con quỷ râu xanh”. Ai cũng thừa biết thời buổi này “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, đơn kiện được xếp chìm xuồng và cô gái nhà quê chửa hoang chỉ còn biết chờ ngày khai hoa nở nhụy, không dám phá thai.
Trí tri, nhi bất mộ. Biết rồi, mà chẳng thích. Trẻ con biết thế nào ăn cay ăn mặn ăn chua nuốt đắng, sau cùng trẻ chẳng thích vị cay vị mặn nếm chua nuốt đắng. Giới phụ nữ quần thoa có kinh nghiệm khá sống động dồi dào vấn đề tình dục, việc thỏa mãn trở nên nhàm chán khó chịu trong việc nhục dục gối chăn. Như nhà thơ nữ T. T.KH. Như người thiếu phụ chịu cảnh làm lẻ với ông chồng không đủ sức phục vụ chu toàn đến nơi đến chốn:
“ Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người”.
“Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười họa nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không.”
Trong sinh hoạt tri thức, các nhà tâm lý học phân biệt rõ rang hai chương mục cách biệt: cảm giác và tri giác. Cảm giác khác tri giác. Cảm giác chỉ là một mớ cảm quan lộn xộn, không phân biệt được nhận thức với tri giác. Các nhà tâm lý học hiện đại nhận xét rằng trong thực tế không có cảm giác thực sự thuần túy, vì trong cảm giác đã có tri giác ít nhiều rồi. Người viết chia sẻ ý kiến nhận định ấy.
Trở lại chủ đề: vô tri, bất mộ. Không biết, chẳng thích. Biết đây là biết thuộc phạm vi thuộc lĩnh vực tai nghe, mắt thấy. Ði xa hơn, sâu hơn, biết đây còn là biết thuộc phạm vi tri thức, tinh thần trừu tượng, thuộc lĩnh vực phán đoán, suy luận. Người cung phi được Ôn như Hầu Nguyễn gia Thiều tán dương ca ngợi hết mực sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhưng”văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”:
“Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng”.
Sách Ðại-Học trong bộ Tứ Thư viết “như hiếu hảo sắc, như ố ác xú”. Dịch giả Ðoàn Trung Còn dịch là “như thích sắc đẹp, như ghét mùi hôi”. Biết sắc đẹp thì thích, biết mùi hôi thì ghét, chúng ta đã đi sâu đi xa lĩnh vực của phạm trù”vô tri, bất mộ” vậy. Chúng ta biết mùi thơm thì thích, thích ngửi, như mỗi khi ta thích ngửi mùi thơm hương hoa cau, mùi thơm lúa chín trong vụ ngày mùa, mùi thơm cốm vòng mùa lễ cưới nhưng ta sẽ khó chịu khi ngửi mùi tanh hôi của cá ươn, cóc chết, của xác chuột cống chết nhất là mùi hôi thối của mấy ngàn đồng bào bị giết tập thể trong vụ Mậu Thân. Người học trò nghỉ hè về quê ngửi thấy mùi hương thơm của đám cỏ trên bờ ruộng lúa:
“ Hơi cỏ hai bên vệ đường bốc lên đưa thoảng nhẹ vào mũi một mùi quen quen dễ chịu, cái mùi quê nhà, chỉ khi nào ở tỉnh lâu ngày được nghỉ hè về mới ngửi thấy( Lan Khai- Tắt lửa Lòng).”
Sáng sớm trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng ra chợ bán. “ Mùi thơm của quê hương và của đất màu khiến Tâm thấy dễ chịu và thêm can đảm”(Thạch Lam- Cô hàng xén).Cô hàng xén cảm nhận được khứu giác,mùi thơm của quê hương và của đất màu. Một anh chàng phải hớt trọc mái tóc ngày trước vì chấy rận cắn ngứa không chịu nổi:
“Nào hết dăng tin thơm điếc mũi,
Lại gôm sặc sụa tổn nhiều xu”.
( Vĩnh biệt cái đầu bóng)
Dăng tin thơm điếc mũi, gôm sặc sụa là kinh nghiệm của cảm giác khứu giác.
Theo tài liệu lịch sử Dực Tông có một cung phi được rất mực sủng ái tên gọi Bằng Phi. Bằng Phi không may chết sớm khiến Dực Tông thương tiếc khôn nguôi, bèn làm một bài thơ thất ngôn bát cú khóc thương kẻ “hồng nhan bạc mệnh”:
“Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi”.
Xiêm y người quá cố Dực Tông cho người xếp giữ lại để tìm lại hơi hướng người đã khuất. Lòng đây tưởng đó mất như còn! Quả thực là một thứ “fétiche!” Ai dám cả quyết “tàn y” chỉ là xiêm y ngày trước mà không là... quần lót, áo lót, áo nịt vú, khăn tay, son phấn, gương soi, trâm cài lược dắt, là hương phấn cũ đượm mùi chung chạ chăn gối năm xưa?( Khóc Bằng Phi). Lúc sinh thời, nhà văn Mai Thảo đã hoàn thành một tác phẩm tương tự ngụ ý: Ðể Tưởng Nhớ Mùi Hương. Tưởng nhớ mùi hương là cảm giác khứu giác gần gụi thân thương. Nhà văn quá cố Marcel Proust đã viết một tác phẩm đồ sộ: A La Recherche Du Temps Perdu, “Tìm lại Thời Gian Ðã Mất”trong hương vị chiếc bánh madeleine những ngày thơ ấu.
“ Ta nghe em yêu thơ
( Nào biết tự bao giờ)
Chờ em trong mơ,
Ngọt ngào thơm hơi thở,
Ướp gió trăng mùa thiên cổ
Hương hoa rừng hớn hở với đêm sao.
Buồn nghe ký ức dạt dào
Tìm lại thời gian đã mất
Của Proust
Hương trà vị bánh phù du”.
(Chén trà)
Vô tri, bất mộ. Không biết, chẳng thích. Ðó là chân lý đã có từ mấy thiên niên không còn bàn cãi tranh luận. Ngày nay nhiều ngườI lớn, nhiều trẻ con có khuyết tật bẩm sinh, câu khẳng định vô tri bất mộ, không biết, chẳng thích vẫn tồn tại. Như người mù từ lúc mới sinh không biết ánh sáng, không nhìn được màu sắc, làm sao người mù bẩm sinh ấy lại có thể thích ánh sáng, chuộng yêu màu sắc? Không biết ánh sáng, không thích ánh sáng, không biết màu sắc, không chuộng màu sắc, lẽ đương nhiên.
Những lúc gần đây bản thân tôi thường xuyên nghẹt mũi, khó thở. Hít vào thở ra khí quản khò khè khó chịu những lúc tỉnh giấc, không thấy một cảm giác khứu giác gì mùi gì, thơm hoặc thúi, tôi bị mắc chứng điếc mũi.Bí quá, tôi bế khí quản, há miệng thở, một việc không bình thường khiến tôi khó chịu nhưng bất khả kháng. Tôi nhớ bài Vệ Sinh lớp Ðồng Ấu khuyên trẻ con nguyên văn” thở bằng mũi, đừng thở bằng mồm”. Ðược một vài phút, cảm thấy chịu không kham, tôi ngậm miệng thở nhẹ nhẹ bằng mũi lại, cảm thấy dễ chịu hơn, thông thoáng hơn, khứu giác hồi sinh, mùi thức ăn chiên xào mùi hương của hoa, mùi nhang khói bốc tỏa tôi đều cảm nhận. Cách nay non thế kỷ, Ludwig Beethoven mặc dù hoàn toàn điếc có thể nghe được bằng thanh âm qua tưởng tượng, “Tiếng dương cầm” của người thiếu phụ câm trẻ tuổi vẫn nghe được hiểu được sự dìu dặt của hòa âm trên phím đàn. Triết gia hiện sinh Kierkegaard nhắc đi nhắc lại “ có một lối liên lạc bằng im lặng”.
“ Ðông thuyền tây phảng tiểu vô ngôn,
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch.”
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
(Chỉ thấy)một vầng trăng trong vắt lòng sông. Tư Mã Giang Châu chỉ nhìn thấy một vầng trăng trong vắt, nhưng vẫn nghe những thanh âm bằng sự yên lặng. Triết gia sau Descartes Leibniz khẳng định vũ trụ được an bài xếp đặt trước bằng một “điều-hòa tiền định”(harmonie pré-établie).
Trong Ðạo Ðức kinh khi nói về phần chương hình nhi hạ, Lý Nhĩ nói về thuyết vô vi, nghĩa là”không làm”, nhưng Lão Ðam sợ chủ trương tiên sinh bị ngộ nhận đã nói ngay” không làm mà chẳng không làm”, vô vi nhi bất vô vi, ý nghĩa của chủ trương do tiên sinh đề xướng thiết tưởng không cần dài dòng giải thích.
“Vô tri, nhi vô bất mộ”.Không biết, mà không chẳng thích. Trong một câu phán đoán, hai phủ định sẽ thành xác định.Không biết, nhưng thích. Nghe nói, thật tình không biết, nhưng tình ý đã thích rồi. Ðó chính là bệnh dại gái của Tề Tuyên vương:
“ Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng”.
Tuy chưa biết, chưa nghe, chưa nhìn, chưa sờ mó( một trăm lần biết không bằng lần nghe, một trăm lần nghe không bằng lần nhìn, một trăm lần nhìn không bằng lần sờ), tôi nghe ngườI đời thiên hạ đề cập nói nhiều đến những nàng tiên xinh đẹp, những tiên đồng, tiên nữ, tiên ông, tiên bà, tiên chúa, bằng trí tưởng tượng sáng tạo những chốn những nơi những cảnh đào nguyên Thiên Thai đẹp đẽ với những rừng thông rừng tùng xanh tươi bất tận, những tiên nữ trần truồng khỏa thân tắm mát đùa nghịch bên nguồn, để tà dương” nhìn mình cây nhuộm nắng, và chiều trong chìm lắng”( Thế Lữ-Tiếng sáo Thiên Thai); tôi ước mơ được trở thành Lưu Thần Nguyễn Triệu lặn lội đi hái thuốc trường sinh bất lão( hay bất tử?) được diễm phúc tới chốn Thiên Thai hoặc Ðào Nguyên và kết duyên cùng hai tiên nữ không bao giờ biết thấy mồi da bạc tóc.
Lúc nhỏ tôi cũng đã say mê rồi ra sẽ được sống trên thượng giới, trong một xã hội không chiến tranh, không giành giựt, chém giết huynh đệ tương tàn. Chưa thấy bao giờ, chỉ nghe sách vở sấm kinh truyền lại trên một bia đá nghìn cân. Ngần ấy tuổi giờ đây đã vỡ mộng. không thấy thiên đường, chẳng thấy lạc phúc tròn đầy viên mãn. Lưu Nguyễn trở lại trần gian ôm mặt khóc là chí lý, thực tại phũ phàng. Câu chuyện huyền thoại A đam và E và đã ngây thơ ăn vào trái cấm, vô tình ăn vào bánh vẽ. Vô tri vẫn ngỡ biết mình đã biết ./.
Võ Doãn Nhẫn
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.