Nhiều Tác Giả * đăng lúc 07:07:13 AM, Sep 01, 2014 * Số lần xem: 12252
Hình ảnh
#1
Món thịt heo muối này tương đối dễ làm, rất ngon, lạ miệng...
Thịt heo:
Chọn thịt mông hoặc thịt đùi; da mỏng, lớp mỡ không dày quá; miếng thịt tươi ngon là ba phần da, mỡ và thịt dính chắc, liền lạc với nhau. Tùy ý cắt thành miếng dài ngắn nhưng dày chừng 3 – 4 phân là vừa. Dùng chỉ ràng chắc quanh miếng thịt nhiều vòng cách quãng đều nhau, rồi mới luộc chín. Thịt heo luộc nhanh chín hơn thịt bò. Nhờ có ràng chỉ, thịt sau khi ngâm nước mắm cắt ra sẽ đẹp mắt hơn.
Chọn thịt mông hoặc thịt đùi; da mỏng, lớp mỡ không dày quá; miếng thịt tươi ngon là ba phần da, mỡ và thịt dính chắc, liền lạc với nhau. Tùy ý cắt thành miếng dài ngắn nhưng dày chừng 3 – 4 phân là vừa. Dùng chỉ ràng chắc quanh miếng thịt nhiều vòng cách quãng đều nhau, rồi mới luộc chín. Thịt heo luộc nhanh chín hơn thịt bò. Nhờ có ràng chỉ, thịt sau khi ngâm nước mắm cắt ra sẽ đẹp mắt hơn.
2. Nấu nước mắm:
- Sử dụng phân lượng một nước mắm + một đường, tính theo khối lượng. Ví dụ: 1 chén nước mắm + 1 chén đường.
- Tùy chọn đường cát trắng, đường thẻ (đường tán, đường miếng màu vàng hay đen) băm nhuyễn. Mỗi loại đường có độ ngọt và vị khác nhau. Nếu dùng đường trắng thì hỗn hợp ít ngọt hơn nhưng mùi vị nước mắm không mất nhiều. Nếu dùng đường thốt nốt chẳng hạn, vị ngọt sẽ rất gắt.
- Cho đường, nước mắm vào một cái nồi vừa đủ. Để thời gian nấu ngắn lại và dễ nấu hơn, người ta thường ngâm đường với nước mắm khoảng 2 hay 3 giờ đồng hồ cho đường tan bớt. Bắc lên bếp, nhỏ lửa kẻo nước mắm rất dễ sôi trào, dùng đũa kim loại hay đũa tre, gỗ... khuấy đều tay, liên tục cho đến khi đường tan hoàn toàn vì hỗn hợp rất đặc cho nên dễ cháy sít nồi. Sau khi đường tan hết, để sôi nhẹ qua một hai phút nữa là được. Để nguội nước mắm đường, lược lại qua một cái rây.
- Tùy kinh nghiệm chọn nước mắm, sau khi nấu sôi nước mắm và đường, tùy khẩu vị riêng để nêm nếm bằng cách thêm chút ít đường hay nước mắm rồi nấu sôi lại. Nếu muốn để thịt thật lâu hãy tăng lượng đường để hỗn hợp ngọt nhiều hơn khi ăn, vị thịt sẽ không quá mặn.
3. Ngâm thịt:
- Cho thịt vào hũ – không ngâm chung thịt heo và thịt bò vào một hũ – châm nước mắm đường vào ngập thịt, để qua 1 đến 2 giờ, thấy mực nước mắm hạ thấp xuống thì phải châm thêm cho mực nước mắm cao hơn mặt thịt ít nhất 3 - 4 phân. Đậy kín nắp hũ.
- Tùy yêu cầu sử dụng, sau khi ngâm nước mắm qua hai ngày là thịt đã thấm nước mắm, có thể ăn được. Thịt càng để lâu càng thấm mặn. Riêng thịt heo khi lấy ra phải tháo chỉ ràng. Thịt heo khi ngâm lâu, phần mỡ sẽ trở trong, giòn. Tùy chất lượng nước mắm và thời tiết, thịt ngâm nước mắm sẽ có thời điểm ngon nhất.
Sau khi ngâm khoảng 4 - 5 ngày, nếu thấy trên mặt nước mắm trong hũ nổi váng mốc chứng tỏ nước mắm có nồng độ muối quá thấp. Nếu lấy thịt ra ăn sớm thì không sao nhưng muốn để lâu hơn phải đổ ra, nấu lại và nêm thêm muối, đường hoặc thay hẳn bằng nước mắm ngon hơn.
- Hỗn hợp nước mắm đường còn lại sau khi ngâm thịt xong, lược lại qua một túi vải, nấu sôi lại, dự trữ dùng nấu các món thịt cá kho, muối sả, tóp mỡ xào…rất ngon. Hoặc nấu sôi nhẹ cho đến khi gần như cô đặc lại sẽ có dạng như một loại nước mắm kho, chuyên dùng ăn cơm, xôi nóng vào mùa lạnh. Đây là cách làm cổ truyền còn thông dụng đến bây giờ vẫn được đa số các o, các mệ người Huế sử dụng.
4. Món ăn kèm:
Thịt heo ngâm nước mắm lại thích hợp hơn với kiệu, hành tím, dưa chuột, cà rốt, củ cải trắng ngâm chua…Nhiều người lại thích cuốn thịt heo ngâm nước mắm với bánh tráng, rau sống chấm nước mắm pha vị chua ngọt nhiều hơn vị mặn.
*****************************************
Thịt Heo Muối Sả
Món thịt heo muối sả rất dễ làm mà lại đưa cơm sẽ giúp bữa cơm gia đình bạn thêm phong phú!
Thịt ba chỉ lọc sạch, có thể bỏ da nếu không thích ăn da. Lau thịt cho khô.
Để thịt nguyên khoanh nhỏ nhưng khứa thành từng miếng (chú ý khứa sao cho không đứt hẳn, chủ yếu để thịt ngấm gia vị).
Sả, tỏi, ớt băm nhỏ.
Bước 2:
Ướp nguyên liệu sả vào tô thịt, thêm 1 muỗng muối nhỏ, 1 muỗng nhỏ hạt nêm, ½ muỗng nhỏ đường, ½ muỗng nhỏ hạt tiêu.
Trộn đều và để ít nhất 2 tiếng cho thấm, có thể ướp sẵn để qua đêm.
Bước 3:
Bắc nồi nhỏ hoặc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào nhiều hay ít dầu tùy bạn nhưng thịt ba chỉ có mỡ sẽ ra bớt trong quá trình chiên.
Chiên lửa trung bình cho thịt chín vàng 2 mặt.
Bước 4:
Bỏ thịt ra đĩa, xắt thành từng khoanh mỏng.
Thịt heo muối sả đậm đà, thơm lừng gian bếp. Bạn có thể ăn kèm với dưa cải chua và nước tương pha ớt rất đưa cơm. Những ngày se lạnh mà có hương sả ớt cay cay trong bếp đã thấy ấm lòng. Món thịt heo muối sả rất dễ làm mà lại ngon miệng sẽ giúp bữa cơm gia đình bạn thêm phong phú.
Hương vị Tết đã qua, nhưng với món "Thịt Ngâm Nước Mắm" với cách làm rất đơn giản, có thể giúp chúng ta làm sẵn trong những lúc bận rộn không kịp nấu ăn.
Đặc biệt món này rất thuận tiện cho các bạn sinh viên xa nhà không có thời gian nấu nướng,chúng ta sẽ có ngay một món ăn khoái khẩu và có thể đãi khách rất thuận tiện vì món này ngâm càng lâu thịt càng thấm đậm . Món ăn này không thể thiếu trong gia đình người Quảng Nam vào những ngày Tết.
1.Vật liệu:
- Thịt đùi và thịt ba chỉ, cắt từng miếng dài 15cm hoặc 20 cm, chiều ngang 3 cm, nhiều hay ít tùy vào ý thích
- Nước mắm thật ngon, đường, dấm
- Một hủ keo bằng thủy tinh.
2. Cách làm:
- Thịt mua về rửa nước sạch, để thật ráo nước. Bắc nồi lên bếp cho vào 1 lít nước,đợi nước sôi gắp từng miếng thịt nhúng vào và gắp ra ngay, nhúng từng miếng một, vớt ra để lên rổ tre cho ráo nước.
- Nấu nước mắm: Cứ một chén nước mắm thì đong một chén đường và nửa chén dấm, lượng chừng vừa đủ để ngâm thịt. Bắc nồi lên bếp đợi nước mắm sôi, gắp từng miếng thịt cho vào nồi nước mắm và nhỏ lửa, canh thời gian khoảng 20 phút để kho thịt. Sau đó tắt bếp và gắp thịt ra để riêng thịt trong rổ cho thật nguội và ráo.
- Dùng đũa gắp thịt xếp đứng ngay ngắn vào keo thủy tinh, chẻ 1 đôi đũa tre ra làm nhiều thanh tre mỏng để chặng trên mặt thịt (có thể dùng đĩa nặng thay vào đũa tre), đổ hết nước mắm đã nấu với thịt vào keo thịt cho ngập mặt thịt (nước mắm phải thật nguội). Ngâm khoảng 2 đến 3 ngày là có thể dùng được rồi
- Sau khi ngâm thịt 1 tuần phần mỡ sẽ được trong, nhìn rất hấp dẫn (thịt ba chỉ nếu được dùng sẽ mềm thịt hơn thịt đùi) khi ăn, cắt thịt mỏng cuốn với rau sống, bánh tráng, dưa leo.
- Nước chấm: Băm tỏi ớt, rồi lấy nước ngâm thịt cho vào thành món nước chấm tuyệt hảo.
3. Lưu ý:
Nếu để thịt lâu trên bếp sẽ có một lớp nước mỡ nổi nhiều trên mặt keo thịt khi ngâm, ta vớt bỏ lớp mỡ.
Chúc tất cả các anh chị thực hiện món ăn tuy đơn giản nhưng thật ngon miệng và dễ làm, thịt ngâm được lâu không sợ bị hư.
Tôi biết món quê này từ hồi còn bé tí. Ngày đó cứ mỗi lần giáp tết là nhà tôi làm một hũ to thịt heo ngâm nước mắm để dành xắt ra cúng cùng với mấy món xào, canh, bánh tét... hoặc để cuốn với bánh tráng rau sống ăn lai rai ba ngày tết. Mà không riêng nhà tôi, hình như tất cả các gia đình quê tôi ai cũng làm món ni vào dịp tết để ăn hết đó.
Theo Mẹ tôi kể thì do ngày trước mức sống còn thấp, thịt heo không phải lúc nào cũng có tiền mua ăn được nên tết mới là dịp được ăn xả láng. Thịt heo ngày ấy như là món ăn xa xỉ chỉ có trong bữa ăn ngày tết hay đám giỗ mới mua về cúng rồi ăn chứ không ê hề như bây giờ.
Do ngày Tết có nhiều thịt heo & không phải nhà ai cũng có tủ lạnh để cất rứa nên để giữ thịt được lâu, người ta mới nghĩ ra món thịt heo ngâm nước mằm này.
Thịt heo ngâm nước mắm làm khá dễ. Không biết những gia đình khác làm ra răng chứ nhà tôi thì làm theo quy trình như ri nì: Thịt heo [ thường mua thịt ba chỉ hay thịt mông ] về cắt khúc ra xong rửa sạch & đem luộc chín. Sau khi luộc vớt ra để ráo nước cho thịt nguội.
Nước mắm ngon cứ pha 1 lít nước mắm 1 ký đường cát cho vào khuấy đều rồi đem bắc lên bếp nấu cho sôi, đường tan hết rồi nhắc xuống để nguội.
Sau đó lấy một cái hũ thủy tinh hay hũ nhựa xếp thịt vào rồi cho nước mắm đường kia vào... rứa là có một hũ thịt heo ngâm nước mắm ngon lịm để chừng 2 ngày sau là có thể lấy ra xắt ăn ngon ơ!
Thịt heo ngâm nước mắm ni cuốn bánh tráng rau sống ăn là số hết ý. Pha thêm chén nước mắm ớt tỏi cay cay, rau sống nhiều rau thơm, cải cay, xà lách... nữa là số dzách đó!
Ngày tết quê tôi hình như ngày nào cũng cuốn... trước đây chỉ có món thịt heo ngâm nước mắm này thôi nhưng sau này còn có thêm món thịt heo, bắp bò ngâm dấm nữa. Tuy nhiên món ni là tôi thấy ngon nhứt vì vị mằn mặn của mắm ngấm vào trong thịt ăn đậm đà chẳng thấy ngán mà vị heo vẫn còn thơm ngất ngây.
Ngày nay, cao lương mỹ vị đầy đủ làm cho con người ta chán ngán với tất cả nhưng với tôi món quê dung dị vẫn có chỗ đứng riêng của nó trong những bữa ăn của mình. Cho dù thịt heo bây giờ ngày nào cũng bán tươi rói ở chợ, siêu thị... kể cả tết nhứt nhưng một hũ thịt heo ngâm mắm như ri để trong nhà làm cho tết thêm đậm đà hương vị quê hương, làm cho cái tết thêm thú vị & hơn cả là giữ cho những món ăn quê mùa ngày tết được mãi lưu truyền... để người trẻ hiện đại sành điệu sính ngoại bây giờ một khi đã ngán với fastfood còn biết rằng quê hương chúng cũng còn có những món ăn tuy mộc mạc, rẻ tiền, quê mùa... nhưng hương vị của nó thật đậm đà khó phai...
- 1 cái hũ thủy tinh sạch có thể đựng vừa thịt heo.
Khi chọn thịt làm món này thì bạn nên chọn thịt có mỡ và da, thịt chiếm 3/4 miếng thịt, còn lại da và mỡ; vì món này làm chỉ có thịt không sẽ không ngon. Ngon nhất là thịt chân giò bạn nhé!
Cách làm:
Cắt miếng thịt ra làm 2, dùng chỉ buộc miếng thịt lại để thịt săn chắc hơn.
Đun sôi một nồi nước trên bếp rồi thì bỏ thịt vào, thêm 1/6 thìa cà phê muối. Làm như vậy sau khi luộc thịt còn nguyên độ ngọt sẽ ngon hơn.
Trong khi chờ thịt chín bạn có thể nấu nước mắm với đường theo tỉ lệ 1 đường 1 mắm. Với lượng thịt như trên mình dùng 2 bát đường, 2 bát nước mắm. Bạn cũng nên gia giảm lượng đường và mắm tùy theo kích cỡ của hũ dùng đựng thịt nữa.
Cho đường và mắm vào nồi nhỏ rồi nấu trên bếp, quậy đều cho đường tan hết, nước mắm bắt đầu sôi nhẹ thì tắt bếp, để nguội. Khi nấu bạn nên nấu lửa nhỏ vì nếu dùng lửa lớn thì dễ bị trào ra ngoài.
Thịt chín bạn vớt ra đĩa để nguội. Cách xem thịt chín hay chưa mình dùng 1 chiếc đũa hoặc một que xiên để đâm xuyên qua miếng thịt, nếu không thấy nước màu hồng bên trong chảy ra là thịt đã chín.
Trong khi chờ nước mắm đường và thịt heo nguội thì bạn giã dập vài hạt tiêu đen để khi ngâm sẽ bỏ chung cho thịt thơm và đẹp mắt hơn.
Thịt hoàn toàn nguội bạn bỏ vào hũ; hũ đựng thịt phải khô, không mùi.
Chế nước mắm vào đầy bên trong hũ, thêm hạt tiêu. Bạn lưu ý nước mắm cần ngập thịt khoảng 1cm, vì khi ngâm thì nước mắm sẽ bị rút bớt, đồng thời nếu để thịt heo không chìm trong nước mắm thì thịt dễ bị hỏng.
Đậy nắp hũ đựng thịt, cất vào tủ lạnh để khoảng 5-6 ngày ăn là vừa ngon.
Món này bạn có thể dùng như món nhậu cho chàng hoặc món ăn với cơm trong bữa ăn hàng ngày đều rất ngon; nhất là khi dùng kèm với các loại đồ chua, gỏi - nộm. Vị đậm đà của nước mắm, vị ngọt của đường cùng vị cay thơm của hạt tiêu tạo nên sự hài hòa đặc biệt cho món ăn.
Với nước nắm còn lại sau khi ngâm thịt bạn có thể nấu lại rồi cho thêm nước mắm, dùng nước này trộn các món gỏi sẽ rất tuyệt, gỏi sẽ ngon vì không bị chảy nước.
Mỗi vùng miền trên nước ta đều có những món ăn độc đáo, mang sắc thái và hương vị riêng biệt. Đến thăm xứ Quảng, bên cạnh những món ăn đã trở thành thương hiệu như Mỳ Quảng hay Cao Lầu, nhất định bạn phải được thưởng thức một món ăn dân dã nhưng cũng không kém phần thú vị, đó là bánh tráng thịt heo.
Ảnh: B.C
Mỗi vùng miền trên nước ta đều có những món ăn độc đáo, mang sắc thái và hương vị riêng biệt. Đến thăm xứ Quảng, bên cạnh những món ăn đã trở thành thương hiệu như Mỳ Quảng hay Cao Lầu, nhất định bạn phải được thưởng thức một món ăn dân dã nhưng cũng không kém phần thú vị, đó là bánh tráng thịt heo.
Chỉ mất gần 15 phút đi xe từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, bạn sẽ đến được Khuê Trung, một địa điểm nổi tiếng với món ăn đặc sản này. Khung cảnh thôn quê cộng với phong cách phục vụ mang đúng chất "dân dã" chính là một trong những điểm thú vị tạo nên ấn tượng riêng cho "không gian bánh tráng thịt heo Quảng Nam".
Bánh tráng thịt heo của vùng đất xứ Quảng thuộc "họ" nem cuốn mà ở vùng miền nào trong nước ta nó cũng được ưa chuộng. Có lẽ vì đó là một hình thức đổi khẩu vị sau những bữa cơm quen thuộc hàng ngày. Nhưng bánh tráng thịt heo xứ Quảng có thương hiệu riêng. Điều tạo ra sự khác biệt đó là "tiêu chuẩn' khá đặc biệt của lát thịt heo xứ này.
Những lát thịt cũng được lấy từ phần mông của con heo, cũng được thái mỏng thành từng lát. Nhưng cái hay là ở chỗ, lát thịt bình thường gồm ba phần rõ rệt da, mỡ, nạc thì lát thịt ở đây lại mỡ-nạc xen kẽ một cách ngộ nghĩnh. Khi thái thịt phải giữ được sự kết nối giữa ba phần, da, mỡ nạc. Theo kinh nghiệm của những người lâu năm trong nghề, giống heo được chọn để làm thịt cuốn bánh tráng ở xứ Quảng phải là heo mọi, heo cỏ. Đây là loại heo được nuôi bằng rau lang và cám nên sẽ cho thịt vừa thơm, vừa mềm, vừa ngọt và không quá béo và có thể nói là ngon nhất trong mọi loại heo.
Thịt luộc ra phải có phần mỡ thật trong. Mỡ có màu sắc khác là không đạt yêu cầu. Khi luộc cũng phải giữ lửa sao cho không chín nhanh quá, không chậm quá. Phần nạc thì yêu cầu phải luôn giữ được màu hồng, thịt mềm và thơm. Một bài thi khó cho các cô, các bà đấy. Cho nên, dẫu nói là "dân dã", không hẳn đã thiếu phần tinh tế. Và có lẽ vì vậy, mỗi khi thèm món bánh tráng thịt heo người ta lại phải cất công đi đến các quán đã thành danh, dù trong nhà đang có thịt heo, bánh tráng, rau các loại...
Rau sống được tuyển những cải xanh, xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, dưa leo, chuối chát... thuộc loại tươi non và không thể thiếu bắp chuốithái mỏng, rau muống chẻ. Người lớn tuổi còn kể rằng, trước kia các danh sĩ đất Quảng khi ăn món bánh tráng thịt heo thường kiếm bằng được giống rau muống cạn trồng theo một kỹ thuật riêng, sao cho cọng rau vừa dòn vừa dai mà màu sắc thì xanh lục pha trắng nom như ngọc bích. Lại một yêu cầu tinh tế nữa.
Bánh dùng để cuốn thịt gồm hai loại bánh khô và bánh ướt. Bánh khô này có độ dai vừa đủ để cuốn, không mỏng như bánh đa nem của người Bắc nhưng cũng không dày như ở một số địa phương khác. Đã ăn bánh cuốn thì cũng như ăn thịt gà, dùng tay là hợp cách nhất, ngon miệng nhất. Trải bánh tráng lên lòng bàn tay, bốc rau sống rải đều theo chiều ngang của bánh, tiếp đến là để miếng thịt cùng chiều rau, cuốn trên cái bánh như cách quấn nem, dùng kèm với nước chấm. Thế là bạn đã có một quấn bánh tráng thịt heo vừa đậm đà hương vị đồng nội vừa hàm chứa nét tinh hoa ẩm thực Quảng Nam.
Và một bí quyết cuối cùng để món ăn này mang đậm chất Quảng chính là bát mắm nêm thật cay, khiến thực khách phải xuýt xoa khi thưởng thức.
Nếu một số hàng ăn phải đóng cửa trong ba ngày Tết, thì bánh tráng thịt heo phải mở cửa liền tù ti theo yêu cầu của khách hàng. Tại sao vậy? Bởi sau tất cả những "cao lương mỹ vị", bánh tráng thịt heo lại cho người ta cảm giác ngon miệng trở lại.
Bảo Chương
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.