Bàn Phiếm Về
“CHỮ TRINH CÒN MỘT CHÚT NÀY”… CỦA THÚY KIỀU
Trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, người ta đọc được 5 lần hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, Kiều nhắc đến chữ “Trinh” và một lần Kim Trọng biện giải về chữ này.
Lần thứ nhất, giữa đêm khuya, sau khi Kiều gãy đàn nơi hiên Lãm Thúy, thì Kim Trọng đã muốn ép liễu nài hoa với nàng :
… “Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”…
Nàng nghiêm trang cảnh tỉnh người yêu bằng những lời lẽ thanh tao, và trong vài câu mở đầu, đã nói đến chữ “Trinh”, như một thứ vũ khí, có hiệu quả làm dịu đi được cơn sóng tình đang bộc phát kia :
… Nàng rằng : “Đừng lấy làm chơi,
Để cho thưa hết một lời đã nao !
Vẻ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng đâu dám ngăn rào chim xanh.
Đã cho vào bực bố kình,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi.
Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiếc trăm năm cũng bỏ đi một ngày.
Với mẫu người được mô tả là quân tử như Kim Trọng, thì “chữ trinh” nêu ra ở đây, quả là một gáo nước tưới tắt được “lửa lòng” đang thèm khát ân ái trong chàng ! Vì họ mới lén lút yêu nhau, mà đã dám hò hẹn gặp nhau để thề thốt là đã bạo gan lắm rồi ! Lại còn uống rượu, ngâm thơ, gảy đàn, là càng đi quá lễ giáo gia phong. Nếu biết giữ gìn trong sạch cho nhau, thì may ra còn có thể châm chước được phần nào. Còn muốn ra tuồng “trên Bộc trong dâu” và lại “ăn xổi ở thì” nữa, thật không xứng đáng là kẻ học sách thánh hiền.
Nàng cũng đã nhẹ nhàng phân tích bằng lời lẽ đoan chính rằng, tấm thân của thiếp như một mảnh vườn hồng đầy hương sắc, đâu dám ngăn chàng là một con chim xanh muốn bẻ khóa động đào. Nhưng chúng ta đều là người có học, biết đạo nghĩa ở đời, thề quyết kết duyên chồng vợ trọn kiếp cùng nhau, chứ đâu phải nhân tình nhân ngãi. Cho nên chuyện gối chăn hãy để khi cưới hỏi cùng nhau, chứ đừng như chuyện của cặp tình nhân Thôi, Trương chưa chi mà đã chiều nhau ân ái, khiến về sau này họ phải chia lìa vì có sự khinh rẽ bên trong.
Gẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương ?,
Mây mưa đánh đổ đá vàng,
Quá chiều nên để chán chường yến oanh.
Trong khi chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên !
Mái Tây để lạnh hương nguyền,
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng !
Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,
Để sau nên thẹn với chàng bởi ai ?
Vội chi liễu ép hoa nài,
Còn thân ắt sẽ đền bồi có khi !”
Thấy lời đoan chính dễ nghe,
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân…
Lần thứ hai, bằng lời lẽ gián tiếp, sau khi được Mã Giám Sinh – một gã trung niên có vẻ điếm lận – mua về làm hầu thiếp. Nàng sắp phải chung chăn gối với hắn, nên đã tiếc tấm thân trong ngọc trắng ngà của mình, phải rơi vào một kẻ phàm phu tục tử, nên đã thốt :
… “Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai !
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung !
Vì ai ngăn đón gió đông,
Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi.
Trùng phùng dù họa có khi,
Thân này thôi có còn gì mà mong !”…
Rõ ràng là cái “phẩm của tiên”, và cái “nhụy của hoa đào”, nay đã về tay kẻ ô trọc. Giá mà nàng biết được tấm băng trinh đó phải bị như thế, thì thà dâng hiến cho người tình chung là Kim Trọng trong cái đêm gảy đàn đó vẫn còn hơn. Cũng tại mình “ngăn đón gió đông” không cùng chàng ái ân trong đêm hôm ấy, khiến cho chàng phải “thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi”, và sau này mình có gặp lại chàng, thì tấm thân nhụy rữa hoa tàn này “có còn gì nữa mà mong”.
Lần thứ ba, lúc bị giam ở lầu Ngưng Bích, nàng vì mắc mưu Tú Bà và Sở Khanh, nên bỏ trốn rồi bị bắt trở lại, bị đánh đập tàn nhẫn, đành cất tiếng lạy van, đau lòng mà trình thưa :
… Rằng : “Tôi chút phận đàn bà,
Nước non lìa của lìa nhà đến đây !
Bây giờ sống thác ở tay,
Thân này đã đến thế này thì thôi.
Nhưng tôi nào xá chi tôi,
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu ?
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa !!”…
“Xin chừa chút lòng trinh bạch !” thật là tiếng than đứt ruột ! Không muốn làm gái làng chơi, để giữ cái trinh bạch của người đàn bà cũng không được; thôi thì quản gì thân phận của một “con lươn” phải chịu lấm đầu !
Lần thứ tư, trong buổi tiệc đoàn viên, cha và em đều một lòng muốn nối duyên nàng trở lại với kim Trọng; Kiều nại lý do để từ chối :
… Nàng rằng : “Gia thất duyên hài,
Chút lòng ân ái, ai ai cũng lòng.
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
Hoa thơm phong nhụy trăng vòng tròn gương.
Chữ trinh đáng giá ngàn vàng,
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng sau xưa !
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại, đã thừa xấu xa !
Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào ?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao ?
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh !
Đã hay chàng nặng vì tình,
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru ?
Từ rày khép cửa phòng thu,
Không tu, thì cũng như tu mới là.
Chàng dầu nghĩ đến tình xa,
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.
Nói chi kết tóc xe tơ ?
Đã buồn cả ruột, lại dơ cả đời !”…
Ôi ! thân nàng giờ đây “ong qua bướm lại” lắm rồi ! Chữ trinh ngàn vàng còn đâu nữa ? mà dâng hiến cho kẻ tình chung ! Thôi thì xin khép cửa phòng thu, không tu thì cũng như tu, và tình vợ chồng xin đổi ra nghĩa bạn bè cho hết cuộc đời ! Nàng đã nhất mực chối từ, nhưng cuối cùng vì vâng lịnh song thân, đành phải cắn răng ưng chịu động phòng hoa chúc với chàng Kim.
Còn chàng Kim thì hết lòng bào chữa cho chữ trinh đã hoen ố đó :
… Chàng rằng : “Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta.
Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba, bảy đường.
Có khi biến, có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh ?
Ví nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay ?
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương ngoài ngõ, vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa !
Có điều chi nữa mà ngờ,
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu !”…
Nàng vì hiếu phải bán mình chuộc tội cho cha, thì dầu tấm băng trinh phải nhơ nhuốc đến ngần nào, dưới con mắt của chàng vẫn cho là còn trong trắng. Chàng lý luận rằng, chữ trinh cũng có đến ba, bảy đường. Có “Kinh” mà cũng có “Quyền”. Nếu cứ khư khư giữ lấy chữ trinh theo nghĩa chấp “Kinh”, thì làm sao bán mình chuộc tội cho cha được ? Cho nên đành phải “Quyền” biến mà hy sinh chữ trinh để cứu cha. Ta biết Kim là môn đồ trong cửa Khổng, với lý thuyết luôn bó chặt trinh tiết của người phụ nữ thời đó, như một món hàng quý giá khi lấy chồng, và gần như là không có gì đánh đổi được. Thế mà lại quan niệm rất rộng rải trong trường hợp này, phải chăng vì quá yêu nàng Kiều ?
Lần thứ năm, trong đêm động phòng với Kim Trọng theo lịnh song thân. Chàng Kim muốn vầy duyên ân ái, nàng cũng nghiêm trang khôn khéo chối từ, để biến đổi tình vợ chồng ra tình bằng hữu thâm giao :
… Nghe chàng nói đã hết điều,
Hai thân thì cũng quyết theo một bài.
Phải lời khôn lẽ chối lời,
Cúi đầu, nàng những ngắn dài thở than !
Nhà vừa mở tiệc đoàn viên,
Hoa soi ngọn đuốc, hồng chen bức là.
Cùng nhau giao bái một nhà,
Lễ đà đủ lễ, đôi đà sánh đôi.
Động phòng dìu dặt chén mồi,
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa !
Những từ sen ngó đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây !
Tình duyên ấy, hợp tan này,
Bi hoan mấy nỗi, canh chầy trăng cao.
Đêm khuya bức gấm rũ thao,
Ngọn đèn tỏ rạng, má đào thêm xuân !
Tình nhân lại gặp tình nhân,
Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình !
Nàng rằng : “Phận thiếp đã đành,
Có làm chi nữa, cái mình bỏ đi.
Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi,
Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may.
Riêng lòng đã thẹn lắm thay,
Cũng là mặt dạn mày dày khó coi !
Những là âu yếm vành ngoài,
Còn toan mở mặt với đời cho qua.
Lại như những thói người ta,
Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa !
Khéo là dở nhớp bày trò,
Còn tình chi nữa, là thù đấy thôi !
Người yêu ta xấu với người,
Yêu nhau, thì lại bằng mười phụ nhau !
Cửa nhà dù tính về sau,
Thì đà em đó, lọ cầu chị đây.
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững, lại giầy cho tan !
Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi !
Chàng rằng : “Gắn bó một lời,
Bỗng dưng cá nước chim trời lỡ nhau !
Xót người lưu lạc bấy lâu,
Tưởng thề thốt nặng, cũng đau đớn nhiều.
Thương nhau sinh tử đã liều,
Gặp nhau, còn chút bấy nhiêu là tình !
Chừng xuân tơ liễu còn xanh,
Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân.
Gương trong chẳng vướng bụi trần,
Một lời, quyết hẵn một phần kính thêm !
Bấy lâu đáy bể mò kim,
Là nhiều vàng đá, lọ tìm trăng hoa ?
Ai ngờ lại hợp một nhà,
Lựa là chăn gối mới ra sắt cầm ! ?
Nghe lời sữa áo, cài trâm,
Khấu đầu lạy tạ, nghĩa thâm nghìn trùng !
Thân tàn gạn đục, khơi trong,
Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
Mấy lời tâm phúc ruột rà,
Tương tri dường ấy, mới là tương tri !
Chở che đùm bọc thiếu gì,
Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay !”…
Với lý do như thế, nàng xin Kim hãy coi nàng như bạn tri kỷ tri âm. Tiếng là vợ chồng nhưng không chung đụng xác thịt. Chỉ cùng nhau “Khi chén rượu lúc cuộc cờ. Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” mà thôi. Kim cũng bằng lòng, và họ giữ vậy cho đến mãn đời.
Trong tất cả các sách vỡ nói đến đoạn này, đều đồng quan điểm như lời giải thích của hai cụ Bùi Kỹ và Trần Trọng Kim : “Chữ Trinh đây là là một cái lòng trinh tiết của Kiều vốn giữ với Kim Trọng tự xưa đến nay. Dẫu có phải ong qua bướm lại cũng là bất đắc dĩ, chứ cái lòng thỉ chung vẫn không đổi. Đấy là nói cái trinh của Kiều đối với Kim Trọng : cái trinh ấy Kiều muốn giữ cho được trọn vẹn, không nỡ đem cái thân tồi tàn mà đãi kẻ tình chung”.
Tuy nhiên, cũng xin được có một nhãn quan khác, để phiếm bàn về “Chữ Trinh” đó như sau :
Kim Trọng là mối tình đầu khi Kiều vừa mới “cặp kê” tức khoảng 15 – 16 tuổi, và mẫu người thư sinh quân tử, nho nhã phong lưu như chàng Kim hẳn là kẻ trong mộng tưởng của nàng rồi. Nên suốt quảng đường sương gió, có rất nhiều lần nàng nhớ đến người yêu. Nay được tái hồi trong đèn hoa chúc, trong tiệc hợp cẩn giao bôi, thì hà tất gì mà nàng nỡ để hoa xưa ong cũ chẳng được hưởng cái tình chung ?
Lấy lý do theo giải thích trên, bề ngoài thì đúng. Nhưng chắc còn có ẩn tình ? Bởi nàng cũng biết, chính Kim đã hết lời binh vực cho chữ trinh hoen ố của nàng… rằng không có chi là dơ bẩn. Thế thì việc ăn nằm với chàng đâu có gì là tồi tàn ? Cố chấp quá chăng ? Câu trả lời là không.
Xin thử lý luận một vài sự kiện xảy ra trong suốt thời gian luân lạc của nàng, để tìm hiểu cho điều này.
Nàng và Kim Trọng đúng là một cặp tài tử giai nhân hiếm có. Họ yêu nhau thật tương xứng ! Nhưng yếu tố về kinh nghiệm trường đời đối với họ trong tuổi cặp kê này, hầu như không có. Nhất là đối với Kiều, một cô gái chỉ biết có phòng khuê. Giá mà mọi việc đều cứ bình thản trôi qua, không có ba đào sóng gió đổi dời, thì không có gì để nói.
Nhưng ngay sau đó, Kiều bị ném ra ngoài xã hội, phải lăn mình vào giữa đống bùn nhơ nhớp của cuộc đời. Kinh nghiệm sống mỗi ngày một chồng chất thêm lên. Cho nên mẫu người “mọt sách” như kiểu chàng Kim, bây giờ đã có phần bị xói mòn trong tâm não của Kiều, vì chính nàng lại là nạn nhân của loại người này quá nhiều !
Nào là Mã Giám Sinh – tức là người họ Mã học trường Quốc Tử Giám – không biết là thực hay giả, nhưng theo tên gọi thì cũng là hạng sách đèn, nhưng lại chuyên nghề ăn bẩn lầu xanh !
Nào là Sở Khanh với cái vẻ “hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng”, ngâm thơ xướng họa đúng là hạng thư sinh thứ thiệt. Thế mà lại là “một cốt một đồng” với mụ Tú Bà chuyên gạt gẫm gái lành !
Rồi đến Thúc sinh viên, Truyện Kiều đã tả :
…“Khách du bỗng có một người,
Kỳ Tâm họ Thúc vốn nòi thư hương”…
Nòi thư hương ! Ba tiếng đó đủ xác định là con người có ăn học. Chàng lại là rễ của quan lớn đầu triều, cũng có tác phong nho nhã văn vẻ hơn người, nhưng về nhà thì sợ vợ hơn cha !
Kịp đến lúc Hồ Tôn Hiến xuất hiện, Kiều càng thấy chán chường thêm cho kẻ sĩ có quan danh. Hồ là một trọng thần của triều Minh, lại giữ chức Tổng Đốc với kinh luân gồm đủ, hẳn là văn võ toàn tài. Nhưng mưu mô lừa đảo thì quá bỉ ổi, lại còn ép vợ của tướng địch phải thị yến dưới màn để chuốc rượu nài hoa. Điều này, nếu một tướng lãnh biết trọng danh dự thì không ai làm…
Đó là chưa kể nàng hết sức ghê tởm cho hạng quan lại bất công, chuyên ăn của lót như tên quan huyện tại quê nhà đã xử ép cha nàng.
Bên cạnh đó, trái lại, là một Từ Hải sáng rực hào quang trí dũng có thừa. Kiều gặp nhân vật này thật đúng với câu mà Tiên Điền tiên sinh đã tả :
…“Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phụng, đẹp duyên cỡi rồng”…
Qua kinh nghiệm bản thân trong suốt gần mười năm lưu lạc phong trần, nàng nhìn được cái chân giá trị trong chí khí hào kiệt của Từ :
…“Thưa rằng, lượng cả bao dong,
Tấn dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương nội cỏ hoa hèn,
Chút than bèo bọt dám phiền mai sau”…
Họ thật là ý hợp tâm đồng, vì Từ cũng nhận xét về nàng :
…“Khá khen con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”…
Chỉ có Từ Hải mới đích thực là ý trung nhân đánh giá đúng về nàng. Còn Kim Trọng chỉ là kẻ thấy hương thì luyến, thấy ngọc thì thương, chứ không nhìn được tim óc của người đẹp.
Trong lần tái hợp này, thực tình mà nhận xét, thì cán cân tâm hồn của Kiều đã nặng về phía họ Từ mất rồi ! Kim Trọng dù có hiện diện bằng xương bằng thịt, cũng chỉ là cái bóng mờ của dĩ vãng. Chăn gối với chàng chắc gì có mặn nồng âu yếm, thà tìm cách từ chối là hơn. Nếu ân ái, biết đâu Kim Trọng tìm hiểu được sự miễn cưỡng này, sẽ đau xót đến ngần nào !
Lại nữa, trong năm năm chung sống với Từ, tuy miệng đời cho là vợ của tướng giặc, nhưng cũng :
…“Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà”…
… với đầy đủ thể thức của bậc mẫu nghi thiên hạ. Dân chúng lại rất cảm phục sự nhân nghĩa của nàng. Đó cũng là một kỹ niệm khó quên !
So sánh như thế để thấy ân tình của nàng muốn thủ tiết với Từ, vì Từ mới thật là người chồng lý tưởng. Nhờ Từ mà nàng trả được ân oán đủ đầy. Từ chết thảm cũng vì nàng ! Không thủ tiết mới là bội nghĩa. Dù nàng không có cái băng trinh ngọc khiết để dâng hiến Từ, nhưng còn cái tiết phải giữ cho chàng. Cái tiết phụ đó là : lấy chồng phải theo chồng, vinh nhục cùng chồng, chồng chết thủ phận thờ chồng đúng theo đạo lý.
Bây giờ hoàn cảnh có khác, tuy nàng không chính thức công bố thủ tiết với Từ, nhưng âm thầm cư xử như vậy bằng chính tâm hồn và thể xác của mình, vẫn đỡ ân hận hơn.
Có thể người đời không biết, nhưng linh hồn Từ ắt biết. Chung chăn gối với Kim Trọng là làm đau lòng kẻ đã bỏ xác vì mình ! Trong khi sự thủy chung của Kim đối với nàng, nay đã được đền đáp bằng Thúy Vân kia rồi.
Quả thật nàng nợ chàng Kim thì có ít, mà nợ với Từ thì lại quá nhiều.
Cho nên trước khi nại lý do “chữ trinh còn một chút này…” để quyết định dứt khoát từ chối sự ăn nằm với Kim, nàng cũng đã thốt :
…“Khéo là dở nhớp bày trò,
Còn tình chi nữa, là thù đất thôi”…
… như muốn nói ra rằng : “Nếu chàng cứ nhất định đòi giao tiếp xác thịt thì chỉ là bày trò nhơ nhớp, khiến cái tình cũ mà thiếp đã từng dành cho chàng 15 năm về trước, nay biến ra thù hận mà thôi ! Hãy để cánh hoa này được phụng thờ linh hồn Từ Hải. Vì chính Từ đã từng vớt nó khi còn ở lầu xanh, đem nó về đưa lên ngôi tuyệt đỉnh, trân trọng nó, và chết đứng vì nó. Hãy giữ trong lòng cô Kiều ở tuổi cặp kê, và để yên cho cái thể xác của Kiều sau 15 năm luân lạc này !
Chính đó là hai hình ảnh của một con người, nhưng xin đừng nhập nhằng lẫn lộn. Đừng phong thánh bằng những mỹ từ “lấy hiếu làm trinh” rồi cho cả hai vào làm một. Bắt cô Kiều sau phải trả nợ gối chăn cho cô Kiều trước… bằng cái võ đạo đức luân thường. Nếu hành động như thế, thì cũng bỉ ổi chẳng kém gì Hồ Tôn Hiến đã bắt nàng thị yến dưới màn… trong đêm thắng trận”.
Có người còn thắc mắc rằng sau khi Từ chết, nàng đã thất thân với hai kẻ khác nữa, đó là Tôn Hiến và Thổ Quan… thì tiết hạnh còn đâu mà giữ ?
Ắt hẳn ai cũng biết đó là do ép buộc chứ lòng nàng đâu muốn. Phải “đành nhắm mắt đưa chân” mà thôi ! Và có muốn chăng là cố ý liếc mắt đưa tình với Hồ Tôn Hiến, để ép tên dâm quan này uống rượu ngà say, mà bằng lòng cho “cảo táng di hình” thân thể của Từ Hải, được đem chôn ở một mảnh đất xấu ven sông. Nếu không thì xác của chàng phải phơi ngoài chiến địa, làm mồi cho quạ diều cùng thú dữ !
… Và biết đâu… nàng cũng coi hai gã này như những bọn đã từng “vào trước ra sau” đối với nàng khi ở lầu xanh, để :
…“Mặc người mưa Sở mây Tần,
Riêng mình nào biết có xuân là gì ?”…
Chắc linh hồn Từ cũng hiểu, mà thông cảm cho nàng.
Còn bây giờ, tuy cũng trong hoàn cảnh bị cha và gia đình ép buộc động phòng hoa chúc với Kim, nhưng còn chủ động tìm cách biến tình chồng vợ ra nghĩa bạn bè, để được khước từ chăn gối, tại sao không làm ?
Theo thiển kiến người viết, Kiều khéo lập luận “Chữ Trinh còn một chút này”… để an lòng Kim Trọng, chứ thật sự bề trong nàng muốn thủ tiết vớt Từ. Nhìn rộng hơn, có lẽ đây cũng là tâm sự của Tiên Điền tiên sinh khi mà thể xác mặc triều phục nhà Nguyễn, nhưng trong lòng vẫn hoài vọng vua Lê.
Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân
BÀN PHIẾM VỀ
“CHỮ TRINH CÒN MỘT CHÚT NÀY”… CỦA THÚY KIỀU
Nhật Hồng Nguyễn-Thanh-Vân
Trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, người ta đọc được 5 lần hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, Kiều nhắc đến chữ “Trinh” và một lần Kim Trọng biện giải về chữ này.
Lần thứ nhất, giữa đêm khuya, sau khi Kiều gãy đàn nơi hiên Lãm Thúy, thì Kim Trọng đã muốn ép liễu nài hoa với nàng :
… “Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”…
Nàng nghiêm trang cảnh tỉnh người yêu bằng những lời lẽ thanh tao, và trong vài câu mở đầu, đã nói đến chữ “Trinh”, như một thứ vũ khí, có hiệu quả làm dịu đi được cơn sóng tình đang bộc phát kia :
… Nàng rằng : “Đừng lấy làm chơi,
Để cho thưa hết một lời đã nao !
Vẻ chi một đóa yêu đào,
Vườn hồng đâu dám ngăn rào chim xanh.
Đã cho vào bực bố kình,
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi.
Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiếc trăm năm cũng bỏ đi một ngày.
Với mẫu người được mô tả là quân tử như Kim Trọng, thì “chữ trinh” nêu ra ở đây, quả là một gáo nước tưới tắt được “lửa lòng” đang thèm khát ân ái trong chàng ! Vì họ mới lén lút yêu nhau, mà đã dám hò hẹn gặp nhau để thề thốt là đã bạo gan lắm rồi ! Lại còn uống rượu, ngâm thơ, gảy đàn, là càng đi quá lễ giáo gia phong. Nếu biết giữ gìn trong sạch cho nhau, thì may ra còn có thể châm chước được phần nào. Còn muốn ra tuồng “trên Bộc trong dâu” và lại “ăn xổi ở thì” nữa, thật không xứng đáng là kẻ học sách thánh hiền.
Nàng cũng đã nhẹ nhàng phân tích bằng lời lẽ đoan chính rằng, tấm thân của thiếp như một mảnh vườn hồng đầy hương sắc, đâu dám ngăn chàng là một con chim xanh muốn bẻ khóa động đào. Nhưng chúng ta đều là người có học, biết đạo nghĩa ở đời, thề quyết kết duyên chồng vợ trọn kiếp cùng nhau, chứ đâu phải nhân tình nhân ngãi. Cho nên chuyện gối chăn hãy để khi cưới hỏi cùng nhau, chứ đừng như chuyện của cặp tình nhân Thôi, Trương chưa chi mà đã chiều nhau ân ái, khiến về sau này họ phải chia lìa vì có sự khinh rẽ bên trong.
Nhật Hồng Nguyễn-Thanh-Vân