BÓNG DÁNG ĐÀ LẠT
TRONG NHẠC NGUYỄN ĐỨC NAM
_____________________________
TÂM MINH NGÔ TẰNG GIAO
Bàng bạc trong những dòng nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Đức Nam người nghe có dịp được thấy lại bóng dáng Đà Lạt, một thành phố nhỏ bé, thân thương ở vùng cao nguyên miền nam Việt Nam.
Đà Lạt chập chùng rừng núi,với lũng thấp, với đồi cao, với những con dốc thơ mộng từng đưa đón bước chân những kẻ yêu nhau quấn quít trong men tình nồng ấm giữa trời giá lạnh. Đó là “Đồi Cù” nơi những cặp tình nhân ngồi kề nhau dựa lưng vào gốc thông xanh để thốt lời tình tự hoặc những con dốc như dốc đưa lên Khu Chợ Hòa Bình tại trung tâm thành phố, dốc dẫn lên tới Viện Đại Học Đà Lạt, dốc đưa lên rạp chiếu bóng Ngọc Lan, dốc “Nhà Làng” đưa người từ phía khách sạn Cẩm Đô đi tắt lên phố... và biết bao con dốc không tên khác. Về đêm con dốc vương đầy ánh trăng. Ánh trăng nhuộm mái tóc thề, chảy dài theo bờ vai và trải dài trên mặt đường dốc theo bước chân tình yêu:
“Trăng uá rơi trên tóc ai dài hoang dại...
Sương ướt người về qua dốc xưa...”
“Đồi thông tắm trăng vàng tơ nhiễu xưa
như nơi Thiên Đường... ngọc ngà ấu thơ...”
(Nhạc phẩm: SƯƠNG ĐÊM)
Thành phố thanh bình, êm ả, con dốc vắng vẻ như tạo thêm cơ hội và điều kiện cho đôi tình nhân:
“Dốc vắng vội vã hôn ngây dại...
Tay trong tay xin cùng lạc lối Thiên Thai...
Ngày ấy khi đôi ta còn ngây thơ...
Hẹn sẽ không bao giờ tình chia xa…”
(Nhạc phẩm: MỘT THOÁNG YÊU XƯA)
Trời Đà Lạt se lạnh. Cái lành lạnh dễ chịu, mơn man da thịt. Thành phố như bồng bềnh giữa một màn sương khói mờ ảo khiến lòng người e sợ tình mình cũng bềnh bồng, nổi trôi. Những con đường dốc dẫn về phố chợ hoặc đưa lên đồi cao, lên đỉnh Lang Bian hùng vĩ. Đồi núi mờ sương được điểm trang thêm bằng những rừng thông thơ mộng, tiếng thông rì rào quanh năm như tiếng thầm thì của đôi kẻ yêu nhau:
“Đồi thông ngát xanh
Mơ màng chìm trong khói sương...
Đàn én chao về chốn nao in dáng chiều...”
(Nhạc phẩm: SƯƠNG ĐÊM)
Phong cảnh thiên nhiên đôi khi chập chờn mờ ảo qua màn mưa. Một màn mưa nhẹ nhàng, rả rích, dai dẳng như tạo cơ hội cho đôi kẻ yêu nhau có dịp sát lại gần nhau hơn để truyền hơi ấm cho nhau:
“Chiều xưa Mưa Trên Thung Lũng Hồng...
một mình ta với người... lời thề xưa nhớ đời...
Chiều xưa mưa trên thung lũng hồng...
đường tình quên lối về... đời êm như suối mơ...
“Chiều nao... mưa rơi trên phố buồn...
Mưa giăng mắc núi đồi...
Cặp tình nhân vai sánh vai...”
(Nhạc phẩm: MƯA TRÊN THUNG LŨNG HỒNG)
Từ đồi núi cao bước chân người tình thả dốc xuống vũng thấp thoai thoải, xuống “Thung Lũng Tình Yêu”, xuống “Thung Lũng Hồng”. Từ thung lũng băng ngang qua các cánh rừng, có rừng mang tên là “Rừng Ái Ân”, rồi sánh vai trở ngược về những con đường vắng quanh co ven hồ, “Hồ Than Thở”, “Hồ Xuân Hương”:
“Trời gió lạnh căm, đường vắng hồ hoang,
biết đâu tìm nhà ai ấm êm...”
“Mưa khuya rơi buồn trên phím chờ,
ướt Dáng Ai Bên Hồ, cho làn mây đẫm sương tơ...”
(Nhạc phẩm: DÁNG AI BÊN HỒ)
Đà Lạt là thành phố của hoa. Tên một loài hoa được nhắc nhở đến nhiều nhất đó là hoa anh đào. Đà Lạt thường được gọi tên là “Xứ Hoa Đào”. Hoa đua nhau khoe sắc. Hoa đào rực rỡ khắp nơi, tươi thắm như môi người yêu:
“Bóng em về trong nỗi nhớ
ngất ngây vương hồn tôi...
Nhớ mãi hình dáng em yêu kiều...
Hây hây nụ môi tươi hoa đào...”
(Nhạc phẩm: MỘT THOÁNG YÊU XƯA)
Hoa pensée tim tím từng làm sứ giả của mối tình đầu thủa nào:
“Thề yêu em mãi...
Như yêu Pen-sée năm xưa ngây thơ
kẹp trong lá thư đầu...
Thề yêu em mãi... như mới quen như vấn vương,
như nhớ nhung, như đắm say tình khúc hồng…”
(Nhạc phẩm: TÌNH KHÚC NGÀN NĂM)
Đến với Đà Lạt con người thấy rộn rã trong tâm hồn cái tình cảm lãng mạn đầy văn nghệ. Giọng hát, lời ca, tiếng nhạc như chất xúc tác nhẹ nhàng đưa con người vào tình yêu. Khi màn đêm buông xuống, từ những hộp đêm văng vẳng ra tiếng hát nức nở thấm đượm mãi trong lòng người:
“Tiếng hát Liêu Trai âm vang vũ trường đó...
Tiếng khóc ca nhi khôn vơi trong miền tối...”
(Nhạc phẩm: SƯƠNG ĐÊM)
Người Đà Lạt xưa lại ngậm ngùi nhớ lại những lời nhạc hoàn toàn trữ tình như trong các nhạc phẩm “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” hoặc “Moon River” v.v... vang vọng. Người ca sĩ ngồi đó, trong ánh đèn mờ ảo của vũ trường với điếu thuốc Salem trên môi... Mờ ảo như hình bóng Đà Lạt về đêm...
Lời ca, tiếng nhạc in sâu mãi vào tâm khảm người nghe, âm thanh trữ tình như gợi ra hình ảnh tuyệt vời dù đôi khi kỷ niệm chỉ còn lại là đau thương, phải chăng đây là một thú đau thương?:
“Nhạc thu réo rắt tình khúc mơ hồ...
Lời hát lóng lánh pha lê...
Còn đó dĩ vãng xa mờ...”
“Để tàn canh thâu đàn khóc...
Phím tơ lỡ làng…”
(Nhạc phẩm: CHIỀU NHỚ)
*
Nhạc Nguyễn Đức Nam có bài mang thể điệu “slow” da diết, nồng nàn, có bài mang nhịp điệu “valse” quay cuồng, quý phái, có bài mang nhịp “bolero” tuơi vui, nhí nhảnh, lại có bài mang điệu “tango” uyển chuyển, thanh lịch. Nhưng lời nhạc nói chung, tất cả đều man mác một nỗi buồn. Một cái buồn rã rượi.
Nhạc phẩm ghi năm 1966 mang tựa đề “SƯƠNG ĐÊM” (trước kia được đặt tên là “BAN ĐÊM MIỀN SƯƠNG MÙ”) đã bộc lộ ra cái cô đơn thổn thức vì dang dở, vì biệt ly:
“Giờ tìm đâu người yêu,
ngày xưa hẹn ước... muôn kiếp bên nhau...”
“Cuộc đời ôi lẻ loi...
Tình đâu bền mãi như ước mơ...”
“Em yêu ơi! Bây giờ ta cách chia...
Hương môi xưa chưa tàn trong giấc mơ...”
Vài năm sau, vào năm 1969, nhạc vẫn mang cái nhung nhớ về dĩ vãng xa xưa trong bản “DÁNG AI BÊN HỒ”:
“Chiều ghé miền cao,
tìm bóng người xưa ân tình chưa phút luyến trao...”
“Dĩ vãng chưa phai mờ,
tình đó không bao giờ nhạt nhòa trong dấu yêu...”
Vài chục năm sau, vào năm 1993, trong cuộc sống xa xứ, nhạc vẫn bùi ngùi, quằn quại vì dĩ vãng như trong bản “MỘT THOÁNG YÊU XƯA”:
“Tiếc thương người trong dĩ vãng
phút giây êm đềm qua...
Người cũ sẽ không bao giờ quên nhau...
Tình lỡ có nhớ thương nào nguôi đâu?”
Đúng ba chục năm sau, vào năm 1996, bản “MƯA TRÊN THUNG LŨNG HỒNG” vẫn còn vang vọng nỗi chia ly, ngăn cách âm hưởng cùng nỗi hoài hương trên đất khách:
“Người ơi... cuộc tình chia cách hoài...
Thuyền tình đã đắm rồi... mà lòng nhớ suốt đời...
Chiều nay mưa rơi trên xứ người...
Một mình trong phố buồn chạnh lòng nhớ cố hương...”
Hình ảnh Đà Lạt đầy ăm ắp trong tâm hồn người nhạc sỹ. Nỗi nhớ nhung trào dâng qua cả đầu thế kỷ mới, thể hiện thành nhạc phẩm của những năm sau năm 2000. Một trong những tình khúc day dứt đó là “DALAT, MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ”:
“Tìm đâu thấy nữa những êm đềm cũ?
Tìm đâu thấy nữa những khung trời nhớ?
Đà Lạt yêu dấu chìm trong bóng chiều
Kỷ niệm yêu đương vấn vương bao ngày
Người ơi có biết lòng ta nhớ hoài? ”
Tình yêu vỗ cánh bay đi. Tình yêu mong manh như sương khói, như những bọt nước trắng xóa của thác nước Đà Lạt, những thác chảy nhẹ nhàng như Cam Ly, như Prenn, những thác chảy ào ạt, mãnh liệt như Gougah, như Pongour... Tình yêu tan biến vào thinh không như tiếng chuông chùa Linh Sơn, chùa sư nữ Linh Phong... tiếng chuông của nhà thờ Chánh Tòa Đà Lạt... vang vọng và lan đi hội nhập vào núi đồi Đà Lạt mỗi buổi sáng sớm khi mặt trời còn khuất dạng...
Tình của nhạc sỹ với Đà Lạt mãi mãi chung thủy. Luôn luôn trọn vẹn. Hoà nhập cùng với tình người, tình thiên nhiên vạn vật, tình quê hương đất nước... Dù cho “xa mặt” nhưng chẳng “cách lòng”. Dù cho “vật đổi” nhưng lòng người chẳng “dời” thay! Bản tình ca về Đà Lạt luôn mãi dìu dặt vang vọng tha thiết muôn đời trong trái tim người xa xứ. Khi thì nhớ cảnh, lúc lại nhớ người:
“Luyến thương không nhạt phai
Khúc ca xưa còn đây
Nét yêu xưa đổi thay
Hồn vẫn mong tình đắm say”
(Nhạc phẩm: DALAT, MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ)
“Âm thầm tôi khóc nhớ thương người yêu.
Năm tháng phôi pha mầu tình ái.
Duyên kiếp lỡ rồi môi hồng phai”
“Xa cách nhau rồi. Nhớ thương suốt đời
Thu về Vương Vấn lên ngôi..”
(Nhạc phẩm: VƯƠNG VẤN)
Có phải đây là tâm sự thật của tác giả? Hay nhạc sỹ chỉ mượn cái bóng dáng Đà Lạt để tạo ra nguồn cảm hứng rồi ôm chặt lấy cái rung cảm đó mà kết nhạc?
Hay phải chăng Nguyễn Đức Nam đã chỉ nói lên giùm cái nỗi lòng chung của một số người đã từng trải qua một phần đời mình ở Đà Lạt, đã từng thương yêu Đà Lạt, đã từng chất chứa trong tim biết bao nhiêu kỷ niệm với xứ Hoa Anh Đào, những kỷ niệm ghi dấu ấn đậm nét mãi mãi... Và dù có ở phương trời nào chăng nữa thì xứ Sương Mù vẫn luôn luôn đầy ắp niềm thương và nỗi nhớ trong tâm hồn Người Phố Núi...!
(Virginia, 4 /2004 và 9/2007)