Nov 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Ngựa Chứng Trên Tường Giấy
Hà Cẩm Tâm * đăng lúc 06:54:11 PM, Oct 07, 2013 * Số lần xem: 2379
Hình ảnh
#1

 

 

Hà Cẩm Tâm

Ngựa Chứng Trên Tường Giấy

       Vào mùa đông 1978 tôi có làm một cuộc triển lãm cá nhân tranh sơn dầu tại trường đại học Washington state. Tôi thường làm triển lãm riêng một mình - vì thói quen từ trong máu trong xương-, lâu thật lâu mới triển lãm chung nhóm. Làm ra tranh là làm lao động tinh thần và chân tay. Người mẹ bụng mang dạ chửa 9 tháng 10 ngày- có khi sớm hay muộn hơn hai ba tuần hoặc một vài tháng- mới sinh được đứa con đẹp ngoan, lại cũng có khi không đẹp không ngoan. Người họa sĩ đầu chửa, óc mang đứa con tinh thần nhiều khi cả mấy năm hay mấy chục năm mà chẳng bao giờ nở nhụy khai hoa, vẫn mịt mờ bóng chim tăm cá. Lại có nhiều khi anh ta hay chị ta mới thai nghén trong một vài ngày an ổn bình thường mây trắng trời xanh thì hạ sinh được đứa con vừa xấu lại vừa vô duyên hoặc trong tâm trạng khủng hoảng bất thường của một vài đêm nổi cơn điên loạn thì chàng ta nàng ta lại đẻ ra đứa con uy nghi lẫy lừng nam phương hoàng tử. Cũng có khi sinh đôi sinh ba, không đứa nào giống đứa nào nhưng tất cả đều là những giấc mơ kỳ ảo hiển lộ rong chơi trên khung bố huy hoàng.  Tông và gam. Màu và sắc và sự lặng thinh, hơn biết bao lần cái lưỡi và bao nhiêu cuộc họp hành.   

  Kỳ triển lãm tại trường đại học Washington state nầy vui hơn lần triển lãm năm 1997 ở Pennsylvania-miền đông nước Mỹ- chỉ toàn màu trắng. Lần nầy có da đỏ da đen da vàng da trắng trong phòng tranh ngày khai mạc và suốt những ngày liên tiếp tuy bên ngoài tuyết bay bay trắng xóa khắp không gian. Cái "show" triển lãm tranh tôi đã diễn xuất quá nhiều lần ở Saigon và tứ xứ giang hồ nên quá quen thuộc, chẳng có điều chi mới lạ, cứ lửng lơ cá vàng, bềnh bồng sóng nước cùng khách yêu  tranh. Thật ra tâm thức tôi chẳng có một cảm giác gì cả. Đặc biệt có một việc mà tôi ghi nhớ mãi là có một đôi vợ chồng Vietnam ta ngắm thật kỹ những bức tranh khổ nhỏ phong cảnh nhà quê nam bộ. Chờ cho khách ra về gần hết hai người đến gặp tôi, người chồng nhìn người vợ như ra dấu bảo vợ nói với tôi một điều gì đó. Chị vợ dáng vẻ thật thà e ngại. Tôi nói anh chị cần điều chi cứ nói, chúng ta là đồng hương mà. - Thưa họa sĩ vợ chồng em rất là thích bức tranh phong cảnh nhà quê treo đằng góc kia nhưng không có tiền, chúng em trả bằng food stamp (phiếu mua thực phẩm) được không, xin họa sĩ... Tôi nói liền nếu anh chị thích cứ lấy về treo, tôi xin tặng anh chị đó. Sau một hồi lâu - chắc  hiểu được lòng tôi-hai vợ chồng mới chịu nhận bức tranh tôi tặng và hứa sẽ trả tiền khi tìm được việc làm. Cả ba đều xúc động. Suốt mấy năm sau vợ chồng thường liên lạc bằng thư và điện thoại với tôi.

  Chợt nhớ Saigon trước 1975  tôi chỉ có trên dưới 10 người thích tranh tôi, mỗi lần có cuộc triển lãm, họ xin phép đến studio tôi xem tranh trước ngày khai mạc để chọn mua những bức tranh họ vừa ý. Những bức tranh  nầy vẫn đem bày trong phòng tranh ngày khai mac cho đến ngày bế mạc nhưng gắn danh thiếp họ trên những bức tranh họ đã chọn. Hầu hết những người thích tranh tôi đều là người Pháp, Ý, Thụy sĩ, Thụy điển, Đức, Hòa lan, Anh, Mỹ... và VietNam. Tôi sống dư dật thảnh thơi, vừa vẽ vừa chơi, chơi nhiều hơn vẽ cho đến 1975. Trong các người có trình độ cao biết quý thương và thưởng thức thì cũng có một đôi người làm cho mình không được vui. Ông Tổng Giám Đốc của một công ty bán máy cày ở đường Trần hưng Đạo Saigon mua bức tranh hai con thuyền nghỉ ngơi trên biển và trân trọng mời tôi giúp ý kiến nên treo chỗ nào nơi văn phòng ông ta. Tôi đến -sau ngày bế mạc phòng tranh-, treo xong bà vợ ngắm nghía hỏi tôi sao có hai chiếc thuyền vậy họa sĩ . Tôi trợn mắt hỏi bà muốn mấy chiếc và lại gở bức tranh xuống định mang về. Ông chồng xin lỗi và mời bà  đi chỗ khác chơi. Có lẽ bà ta thấy ông chồng mình thật là ngu sao mua bức tranh mắc quá, năm ngàn đồng mà chỉ có hai chiếc thuyền nhỏ xíu. Bà muốn thêm nhiều chiếc cho đáng đồng tiền.

  Lại có hai vợ chồng chủ một tiệm vàng đồ sộ Chợ lớn mới mua bức tranh trừu tượng lớn, mời tôi đến trong ngày khánh thành cái biệt thự vĩ đại ở đường Ngô thời Nhiệm mới thấy là bức tranh bị treo ngược. Trừu và tượng mà, có chi mà thắc mắc. Đời mà.                           

  Bổng nhiên nhớ mấy lần triển lãm ở các thành phố khác nhau của California, rất nhiều vị trí thức, học giả, bác sĩ, kỷ sư, triệu phú đến xem tranh nức nở ngợi khen bằng tất cả những lời đẹp đẽ nhất của ngôn ngữ loài người. Cái "show" nầy tôi cũng đã xem quá nhiều lần nên không xém bị over hit như bao nhiêu lần trước. "Năm nay tôi đã lớn, tôi không chơi đùa lêu lỏng như mấy năm còn bé, tôi biết đọc, biết viết, biết tính, biết toán và biết nhiều môn khác nữa"...(1).

    Có vài bác sĩ ở SanJose trong văn phòng có những bức tranh ngựa của tôi. Những người nầy yêu tranh nhưng   không bao giờ mua tranh; tôi cũng không cần biết họ đã dùng mánh mung nào để được tranh mà khỏi mua. Chuyện nhỏ và không đẹp nên chẳng để vô tai làm chi. Vào cuối năm 1985 máu khùng sôi dậy, tôi làm một show bày tranh và vẽ tranh theo kiểu mì ăn liền, fast food to go tại quán ca nhạc Văn của nhạc sĩ Trần quảng Nam, thành phố San Jose, trong ngày khai mạc và báo cho báo chí biết biết tin là tranh của Hà cẩm Tâm sẽ tặng không, biếu không. Bạn hữu, nhà văn, nhà vẽ, các ông bác bác sĩ, luật sư, kỷ sư, nhà sư, thiện trí thức đông vui rần rộ, có lẽ vừa xem tranh vừa xem người họa sĩ khật khùng vẽ tranh theo kiểu fast food to go cho vui trong buổi chiều thứ bảy rảnh rang. MC nhà văn Phan tùng Mai nói vài lời chào mừng khách quý. Tôi vẽ liền một con ngựa điên phi nước đại và giơ cao cho mọi người xem.  Tiếng cười tiếng la tiếng vổ tay vang dội. Tôi nói tên bức tranh nầy là TA. Tức khắc những bức Đôi ta, Ba ta, Bốn ta, Ngũ ta, Lục mạch thần kiếm, Thất hiền, Bát tiên, Cửu huyền mới ra lò còn nóng hổi ướt màu sơn thơm mùi dầu. Cái ông đầu tiên hồn nhiên như người Hànội đến lấy tranh cho không biếu không là cái ông bác sĩ yêu tranh nhưng không bao giờ mua tranh. Ông kính cẩn cảm tạ họa sĩ. Tôi cười à thì ra là ông! Ông Bà thứ nhì là hai người ăn mặc thật sang, kim cương chớp chớp, bốn mùa thượng thừa thời trang, tám tiết oai phong lẫm liệt, lần triển lãm nào của tôi nhị vị cũng đến thưởng ngoạn với những lời khen nức nở nồng nàn. Tranh của họa sĩ đẹp tuyệt vời, đẹp lộng lẫy,vợ chồng chúng tôi rất muốn thỉnh một bức nhưng vì nhà chúng tôi không còn chỗ nào sang quý và xứng đáng nhất cho họa phẩm siêu phàm của họa sĩ... Lần triển lãm tranh cho không biếu không nầy Ông một bức, Bà một bức hoan hỷ cầm về một cách rất vô tư như tranh chùa. Những vị kế tiếp là các ngài luật sư, thi sĩ, trí thức, kỷ sư, tiến sĩ danh bất hư truyền, lầy lừng khắp chốn của vùng văn minh trù phú nhất thế giới tức vùng địa đàng điên nặng chết, là ước mơ của hằng mấy tỷ người muốn về định cư nơi chốn biển bạc rừng vàng silicon valley.

     Tất cả tranh đều chớp nhoáng ra đi như fast food to go. Ai bảo vẽ tranh là khổ không vẽ tranh sướng lắm chứ ! Người người được vui và ta cũng được đã nư hoan lạc. Tôi báo cho mọi người biết tôi sẽ mở một tiệm Seven Eleven, thay vì bán thức ăn nước uống, tôi chỉ bán tranh, chỉ duy nhất tranh mà thôi, nơi chốn sẽ thông báo quý vị sau. Tất cả cười như trẻ thơ. Có người đến niềm nở bắt tay chào mừng Seven Eleven đầu tiên trên thế giới bán tranh, mở cửa 24/24. Vài người bạn quen thấy quá bất công vì tranh tặng vô điều kiện. Vô lý ơi là vô lý, chắc cái ông họa sĩ nầy điên thật chứ không phải điên chơi đâu. Cha nội Tâm ngựa nầy khùng từ mấy chục năm về trước, tôi biết rõ...  Các bậc tiền bối thì cho tôi làm như vậy tức là làm cho tranh bị hạ giá, quả quyết tranh phải bán chứ không bao giờ cho không biếu không, tập cho người ta quen theo cái thói đó thì họa sĩ có nước chết không kịp ngáp.  - Cái chuyện tập cho người khác giống theo ý mình là chuyện không tưởng và hoang đường  -. 

  Tôi sống theo cái kiểu tôi sống. Tôi làm như cái xì tin tôi làm. Tôi chơi theo cái lối tôi chơi. Cám ơn nước Mỹ để tôi tự do vui đùa theo ý thích mà không hăm dọa ngăn cấm băt bớ thủ tiêu. TỰ DO muôn năm! Xin cảm tạ thịnh tình và ý kiến của tất cả bằng hữu gần xa, khách yêu tranh và không yêu tranh. Tôi thích bày trò cho vui tôi và vui người  Tôi mãn nguyện tất cả những gì tôi đã làm đang làm và sẽ làm cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi biết chắc chắn 100% tất cả những gì tôi làm chỉ là những  trò chơi nhỏ trong dòng đời khoảnh khắc buồn thiu nổi trôi xuôi ngược chòng chành chóc chách...Kíp smiling !  

Hà Cẩm Tâm                                   

---(1) Quốc văn giáo khoa thư, lớp Đồng ấu.----

  www.gio-o.com/hacamtam

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.