NGHE TIN Ô. VÕ PHIẾN QUA ĐỜI, ĐỌC LẠI MỘT ĐOẢN VĂN TÔI VIẾT NĂM 1986
San Jose, 12 tháng 6 năm 1986.
Chị Quỳnh thân mến.
Em họ tôi ở Hà Nội cũng tên là Quỳnh vừa viết cho tôi một lá thư. Hắn cho biết đã nhận được số tiền sách của tôi bên ấy do chị chuyển sang và đã chia cho những người trong gia đình. Số tiền đến vừa kịp buổi giỗ ông nội tôi tại căn nhà đường Hàng Bông Thợ Nhuộm.
Gia đình tôi rời Hà Nội vào Ðà Nẵng năm 1954. Lúc ấy chú em họ tôi mới lên 9, lên 10. Ba mươi năm qua trong bức ảnh đen trắng gửi kèm, hắn đã thành một ông quá tuổi trung niên (chững chạc ngồi với vợ), sau lưng vẫn còn cái tủ chè ông nội tôi để lại, thêm hai đứa con trai con gái đầu đội mũ bê rê, cổ quàng khăn (chắc là khăn đỏ). Ông cụ tôi cầm cái bì thư và tấm ảnh mân mê mãi (coi bộ cảm động). Tôi cũng thấy vui sướng lắm.
Phần tôi, lại thất nghiệp gần hai tháng rồi.
Tiền trợ cấp vừa đủ trả tiền thuê cái chỗ ở. Ăn uống, điện nước, xăng nhớt, mọi thứ khác có lẽ là do lòng hảo tâm của các bạn hữu, tài vay mượn của tôi, sự nhẹ dạ và rộng rãi của người khác. Tuy nhiên tôi vẫn chưa tích cực trong công cuộc tìm kiếm việc làm. Ngoài ra vừa đi Texas về. Vé máy bay, các thứ cũng do lòng hảo tâm của một chú em bên ngoại.
Hôm ở Houston, Texas, tôi có mượn xe chú em lái qua tiểu bang Louisiana thăm New Orleans, nơi xuất phát nhạc Jazz. Ở đây, thăm một xóm cũ kỹ dành cho dân du lịch: khu French Quarter, nó làm tôi nghĩ đến nước Pháp và Paris nơi chị ở. Tôi lang thang khu này cả đêm: tai nghe nhạc Jazz, mắt nhìn người chen chúc qua lại đường Bourbon, những quán rượu, tiệm ăn kiểu Cajun, tiệm cởi truồng, tiệm bán đồ kỷ niệm treo đầy mặt nạ Mardi Gras, con phố với nhà cửa thò ra thụt vào như Sài Gòn. Gần sáng tôi chui vào một phòng ngủ rẻ tiền nằm với dán mối bò lổm nhổm trên giường. Thưa chị, tôi có vẻ một nghệ sĩ vào thời lãng mạn ở bên Tây!
Louisiana là một tiểu bang nhiều đầm lầy, sông rạch chằng chịt, nơi con sông Mississippi đổ ra biển. Tôm cua cá rất nhiều. Phong cảnh làm tôi nghĩ đến Long Xuyên hay vùng Ðồng Tháp ở Việt Nam. Tôi còn lái xe ra khỏi New Orleans chừng 30 dặm để thăm một khu gọi là làng Versailles. Ðây là nơi sinh sống của chừng 8000 người Việt Nam công giáo, phần lớn là dân Bắc kỳ. Họ quây quần chung quanh cái nhà thờ làm bằng tôn. Một nhà thờ bằng gạch, lớn hơn, đẹp hơn, đang xây. Họ sống như những người Amish ở Philadelphia: khắng khít với văn hóa cổ truyền, phớt tỉnh xã hội tối tân bay vượt chung quanh. Ở đây từ 5 đến 8 giờ sáng người ta họp chợ lộ thiên, trao đổi với nhau ít bầu bí rau muống trồng ngay mé sông (với đám bèo và những cái cầu ao), mua bán tôm cá tươi rói do người ta chài lưới lấy. Mọi sinh hoạt bất chấp cuộc đời siêu tốc ở Mỹ (siêu thị, siêu âm, siêu thanh, máy điện toán, nhà chọc trời bằng kính và thép). Nơi đây các bà nhai trầu bỏm bẻm, đi guốc gỗ cọc cạch. Các cụ chít khăn mỏ quạ đứng chống nạnh chửi mát nhau, thưa chị, nghe sướng cả tai. Tôi bắt gặp hình ảnh ngộ nghĩnh: một bà sơ đội nón lá từ nhà thờ lững thững ra bờ sông, tay cầm tòn ten cái đuôi một con chuột chết. Ở Mỹ ít thấy ai có vẻ lững thững nhàn hạ như thế.
Khi tôi đến, chợ đã tan nhưng vẫn còn lác đác vài cô gái chanh chua mặc quần đen áo cánh ngồi bóc tôm. Dăm bà cụ răng đen co chân lên mấy cái sạp gỗ thu dọn những bó rau đay, rau muống. Tôi khoái quá xông vào chụp hình lia lịa, suýt nữa bị đập máy ảnh vì đồng bào nghi tôi là…ký giả. Tuy nhiên nhờ…duyên dáng (cười nói nồng nhiệt) và… đáng yêu (tuột xăng đan đi đất giữa chợ), đồng bào xúm lại chuyện trò hỏi han về xứ Ca li, cuối cùng còn đãi tôi một chầu tôm luộc. Cứ thế, ngồi xổm giữa chợ bóc tôm chấm muối tiêu trước khi lên đường về lại Texas.
Hiện giờ tôi đang ngồi viết thư cho chị trong tiệm Ð.P., một quán ăn Việt Nam kiểu Bắc kỳ ở San Jose. Chủ tiệm, xuất thân dược sĩ du học bên Tây, nhưng nghiệm ra dù ở Tây hay Mỹ, thuốc men chẳng quan trọng bằng cái dạ dày. Cơm nước no bụng, ấy là mạnh khoẻ. Học xong ở Paris, thay vì mở tiệm thuốc, anh ta mở ngay một tiệm ăn ở khu La tinh, không chừng trước kia chị biết. Bây giờ gia đình Việt Nam sang đoàn tụ bên Mỹ, chuyển tiệm ăn sang Mỹ tiếp tục sản xuất bánh cuốn chả quế, phở tái béo, ruốc chà bông, ô mai Quốc Hương. Ngày ngày anh dược sĩ đi ra đi vào bưng phở, tán gẫu với khách hàng về các vấn đề, trừ vấn đề y dược. Còn bà vợ loay hoay trong bếp với dao thớt, rau mùi, rau răm, rau quế, đến Tết còn gói cả bánh chưng bánh dầy, làm mứt sen trần trong suốt.
Vào giờ trưa như thế này, quán Ð. P. là nơi tụ họp của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo Việt Nam lưu vong (nhà đèn, nhà điện, nhà ga, nhà rửa chén bát, nhà thất nghiệp như tôi). Gọi tụ họp với nhau, nghĩa là cùng ngồi dưới một mái…tiệm phở. Nhưng họ vẫn chia nhiều bàn rõ rệt: ai thuộc phe nào đi thẳng đến bàn phe ấy. Không nhìn ai. Cùng ngồi trong quán nhưng giả vờ không biết nhau, không hiểu nhau. Không phe nào ngoài phe ta hiện diện trên cõi đời. Ðây không phải là vấn đề chia rẽ. Ðây chỉ là vấn đề phong phú chính kiến, quan niệm thẩm mỹ, phong phú về giá trị văn chương nghệ thuật.
Thưa chị, San Jose quả là một tỉnh lẻ so với vùng Los Angeles hay vùng Orange County, nhưng tại đây với số dân tròm trèm từ 30 đến 50 ngàn người Việt biết chữ và không biết chữ (biết nhiều hay biết ít), chúng tôi cũng có trên 20 tờ báo thuộc đủ các khuynh hướng: tranh đấu hay mơ mộng. Tranh đấu thế nào? Mơ mộng ra sao? Hội nhập hay không hội nhập? Sự phong phú chính kiến, nghệ thuật, tất nhiên cũng phát sinh ra cãi vã trên mặt báo một cách tục tĩu hay không tục tĩu, đôi khi xỏ xiên bóng gió như chị vợ ghen, đôi khi đánh bốc bằng tay thay vì bằng bút, nhưng rút cục tỉnh nhỏ, đi đâu chẳng gặp lại? Vả chăng lập trường chống Cộng và lập trường dân tộc của phe nào chẳng vững chắc? Người ta khôn khéo đi đến giải pháp: cùng đến ăn phở tiệm Ð.P., nhưng cứ thế…cứ thế…cứ xem nhau như không có mặt trên cõi đời. Và cứ thế…cứ thế…nơi đây các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà đèn, nhà ga, các nhà cách mạng cùng ăn phở tái béo (như nhau), cùng uống cà phê phin sữa đá (như nhau), anh nào có việc làm, có tiền mặt thì hùng dũng rút ví trả tiền mặt. Anh nào thất nghiệp, gãi đầu gãi tai hoặc nhấm nhẳng yêu cầu ghi sổ trả sau.
Ðể hưởng cái thú an nhàn cua một người Ðông Phương thất nghiệp, tôi đang nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Bonsai Nhật Bổn. Tôi có làm một số hòn non bộ với các hang hốc nho nhỏ, gắn những ông câu cá, ông tiều phu đốn củi ngồi nghỉ mệt dưới gốc cây thông. Thực tế, tháo vát và có óc thương mại, sáng nay tôi đã mang ra tiệm này hai chậu non bộ nhờ ông chủ chưng trên quầy hàng: chậu nhỏ đề giá sáu chục, chậu lớn tám chục. Giá vốn mỗi chậu chừng ba chục đô la. Nếu có vị thực khách nào sau khi no nê và vui tính bỏ tiền ra để làm chủ các sông núi cây cỏ Ðông Phương, tôi sẽ có tiền đi chợ, đổ xăng, ăn phở tái béo… Còn nếu công việc kinh doanh đều đặn tiến triển hơn, tôi sẽ sản xuất thêm. Không phải vất vả rửa chén, bán nhà, bán bảo hiểm, dắt mối đưa người đi đánh bạc ở Réno. Tôi sẽ đi giầy vải hoặc dép nhẹ lững thững dạo chơi các vùng đồi núi kiếm đá, kiếm hoa, kiếm cây cỏ (Tai nghe chim hót trên cành cây, mắt nhìn bướm bay ngoài đồng nội). Ðêm về, khoan thai ngồi xuống pha một bình trà Vũ Di, châm một điếu thuốc ba số năm. Dùng cái óc thẩm mỹ Ðông Phương đầy dĩ vãng, tôi chế ra những sông núi cây cảnh của một quê hương xa lắc xa lơ thu hẹp lại trong cái chậu nhỏ bán giá rẻ cho người yêu nước nhớ nhà (cây đa đầu làng, mái tranh ngoài ruộng).
Những cái chậu ấy lặng lẽ bình thản.
Nó sẽ làm cho thần kinh của các anh Việt Nam nhức đầu được dịu lại. Nó có tác dụng tốt gấp mấy viên thuốc an thần của những Bác sĩ tâm lý Hoa Kỳ. Nó sẽ làm người ta quên bớt lo âu tiền nong, thất nghiệp, kỳ thị, áp lực và tốc độ. Người ta chỉ cần ra tiệm Ð.P. (góc đường Almaden và đường Santa Clara) bê về một hòn non bộ của tôi (nhà thất nghiệp đầy sáng tạo) để ở một chỗ mát mẻ im lặng, ngồi xuống chống tay lên cằm ngắm nghía: kìa là núi, cũng núi. Kìa là sông, cũng sông. Những người hay suy nghĩ, thích luận lý, còn có thể ngắm hòn non bộ của tôi mà hỏi: tại sao trên lưng chừng núi kia lại có một cụ già chịu khó leo cao đến thế? Tại sao ông cụ ngồi lắc lẻo ở một chỗ cô quạnh trên cái mỏm vời vợi kia lặng lẽ đọc sách? Ðọc cái gì trong cơn biến động này hở trời? Sách ấy là sách gì? Nó là quyển kinh chăng? Nó là một quyển thơ chăng? Nó là sấm Trạng Trình? Nó là một cuốn tùy bút? Tùy tiện mà phóng bút? Nó có làm cho tâm hồn người ta êm ả một chút chăng?
Cách đây chừng một tuần, trong lúc tôi vừa lái cái xe thùng Volkswagen khặc khừ của tôi lui khỏi bãi đậu, chợt có hai thằng Mỹ phóng xe vọt qua. Chúng la vào mặt tôi: “Asshole”; Thưa chị, dịch ra tiếng Việt, có nghĩa là “cái lỗ đít”. Không biết bên Tây chị có gặp cái cảnh ấy không? Bên này khá nhiều. Một lần đứng ở góc đường dưới Orange County (chẳng trêu chọc ai. Chỉ đứng bên lề ngẩn ngơ nhìn xe chạy, mây bay), một thằng Mỹ bỗng chạy ngang nhổ bãi nước bọt đánh phẹt một cái. Không phải một mình tôi gặp cái chuyện ấy! Còn khi lái xe lỡ có chậm chạp lừ đừ hoặc lớ ngớ nhìn địa chỉ tìm ai, cái chuyện chửi tục, chửi thề xảy ra không có gì đáng lạ. Thường tôi bỏ qua (tức là mũ ni che tai: lờ đi). Có khi như A Q., tôi bảo: Mày chửi bố mày. Nhưng hôm ấy, trời nóng trên 100 độ, túng tiền, đang bị sở thất nghiệp gọi đi khai hàng trăm thứ giấy, tôi nổi cơn giận ngùn ngụt lên đỉnh đầu. Cơn giận phừng như thùng xăng bắt lửa. Cơn giận bốc lên vào mùa hè có thể đốt cháy hàng dẫy nhà, có thể thiêu sạch cả một cái thành La Mã như chơi.
Chị Quỳnh. Chị cũng rõ khi hai thằng Tây hay hai thằng Mỹ chửi nhau, đó là việc hai thằng Tây hay hai thằng Mỹ chửi nhau. Nhưng khi một thằng Tây hay một thằng Mỹ chửi một ông Việt Nam, hay một ông Ðông Phương, là nó chửi…cả nước Việt Nam, cả giống da vàng mắt xếch mũ tẹt, (dẫu cho ông Việt Nam hay ông Ðông Phương ấy có hơi lóng ngóng trong lúc lái xe, có làm cản trở lưu thông, và không quen dừng lại những bảng stop). Vậy còn gì? Chính nó là một thằng Mỹ kỳ thị chủng tộc. Như thế, xin lỗi chị, tôi phải tát vào mồm cho nó thè lưỡi trợn mắt ra. Tôi phải đạp xuống đất lấy gót giầy dí bẹt cái đầu nó như một cái bánh tráng.
Cái thời các vị bảo trợ và các công dân Mỹ (cũ) nồng nàn tiếp đón người tỵ nạn Ðông Dương đã qua rồi. Cái thời đó xảy ra cách đây từ hơn một thập niên: bấy giờ các nhà thờ mở rộng cánh cửa, các ông Mục sư nói giọng mũi hân hoan giới thiệu người ta trước bàn thờ Ðức Chúa giời, diễn giảng dài giòng về tình huynh đệ, thời các tín hữu nhà thờ đua nhau mang đến cho người tỵ nạn ti vi, tủ lạnh, dao nĩa, đĩa chén, quần áo cũ… Thời ấy người ta cao cả, bác ái như chúa Giêsu đứng trên dỉnh đồi dang rộng cánh tay tiếp đón bọn tỵ nạn nhỏ bé, nhơm nhếch, tội nghiệp vì nạn Cộng Sản vô thần, duy vật, bọn độc tài tàn bạo, bỏ tù hàng trăm ngàn người mà cứ nói phét là cho người ra đi học tập. Ðám người tỵ nạn ấy rón rén bước đến đất mới, rụt rè nối đuôi nhau bước vào căn nhà lạ, nhũn nhặn như những củ khoai lang luộc hơi già lửa. Họ chào hỏi khúm núm từ ông chủ nhà cho đến bác làm vườn, cái gì cũng cười. Thời ấy đã qua. Nó xẩy ra từ hơn mười năm trước.
Bây giờ là lúc nào? Là lúc chị thư ký Mỹ trắng bắt đầu thấy mình thua thiệt. Chị liếc xéo anh cán sự điện tử Việt Nam: lương mày to hơn, nhà mày lớn hơn, xe mày tốt hơn. Thế mà mày lại vàng. Bây giờ là lúc nào? Là lúc các lãnh tụ cộng đồng Mỹ đen, Mỹ trắng ngà ngà, Mễ Tây Cơ tức là Xích Cà Nồ bực mình vì chuyện giành giật ngân khoản của các lãnh tụ cộng đồng Việt Nam. Ơ kìa, chúng mày giả vờ biểu dương lực lượng! Ðến đây chưa nóng đít mà sao cứ đòi tiền cho nhiều? Nay biểu tình la lối, mai lại mặc quân phục đi ắc ê. Rối cả mắt. Chưa kể những việc mua súng bắn nhau ỏm tỏi, e có ngày lạc cả sang mình hay mấy đứa con nhà mình!
Thưa chị, phần những ông bà tỵ nạn còm cõi, sau 11 năm, khám phá ra: rút cuộc cõi đời ở đây chẳng phải là thiên đàng. Chả có ý nghĩa gì sất ngoài việc toát mồ hôi làm bồi bếp, nô lệ cho các ông chủ lớn, chủ nhỏ, bảo hiểm và nhà băng. Mua được cái xe, cái nhà trả góp 30 năm thì lúc nào cũng tối tăm mày mặt vì lo mất việc, đuổi sở?
Ðôi khi người ta cũng mát mặt chớ? Phải.
Thứ sáu công việc đã xong. Thứ Bẩy, Chủ Nhật, tà tà dăm ông bà bạn ngồi xuống với nhau, người ta khề khà chai bia, điã thịt nướng. Hay là bánh tôm? Hay chả giò? Bò nhúng dấm? Chả cá? Thực đơn có thể thay đổi nhưng đề tài luẩn quẩn loanh quanh. Những đề tài cổ truyền từ hơn mười năm nay. Trước hết, nó bắt đầu bằng hiện tại lương bổng, kiếm việc, mất việc, mua bán bảo hiểm… vấn đề chửi nhau giữa báo X và báo Y, ký giả A tố ký giả B là Cộng Sản, thực ra ký giả B là người Quốc Gia đang móc nối với Trung Cộng (hỡi ơi, bọn Trung Cộng cũng là Cộng Sản). Sau đó đề tài chuyển sang một hợp âm êm dịu. Nó thuộc về quê hương dĩ vãng. Các đề tài này xoay quanh một số tiết mục tùy theo trình độ thẩm mỹ, khuynh hướng thú vui, nguồn gốc địa lý của những người tham dự. Họ xuất xứ ở miền nào? Ví dụ như ông Võ Phiến thì hay nói chuyện về xứ Bình Ðịnh. Như những đề tài trong cuốn Tùy Bút của ông vừa xuất bản ở Mỹ, nó xoay quanh những sự nhớ nhung lẩm cẩm. Cái áo dài. Cái ăn cái uống. Chuyện mắm muối. Chuyện mấy anh Huế chị Huế. Mỗi người một câu, mỗi người thêm thắt một tí tùy theo kiến thức và khả năng ký ức. Tất cả những cái nhỏ bé. Ðường lối cứu quốc kiến quốc phải như thế nào? Ðặt một giải pháp tương lai cho Việt Nam. Hay cho thế giới. Tương lai thế giới, Cộng Sản hay Tư Bản. Thử nhận định một biện pháp hòa hợp dân tộc. Thử khai phá một lý luận và chiến lược chống Cộng hữu hiệu. Vân vân.
Những hợp âm êm dịu sau một chặp thường làm cho lòng người ta chùng xuống. Người ta ngửi thấy cái mùi ngậm ngùi trong ly bia, trên những đĩa chả giò, thịt nướng, mắm nêm. Người ta nhớ đến mùa hè ở Huế với hoa sen nở đầy hồ Tịnh Tâm, con đường Âm Hồn rợp bóng cau bóng nhãn. Người ta lờ mờ như một người loạn sắc nhìn vạn dặm xa xôi những cánh buồm Phan Thiết mỗi chiều từ biển khơi nồng ấm trở về với khoang cá lóng lánh như thỏi bạc. Bấy giờ trong tiếng xe rì rào trên xa lộ, người ta tưởng như tiếng con tắc rán chạy mơ hồ trên sông rạch, hai bên là những cây mắm, cây bần, cây đước.
Người ta khựng lại khi nhớ đến bà mẹ già và cô em gái gầy yếu còn ở lại Việt Nam mà chương trình đoàn tụ gia đình cũng đã khựng lại. Người ta đổi đề tài. Ðề tài cuối cùng trước khi chấm dứt, ai ra xe ô tô trở về nhà người nấy. Ðề tài cải tạo. Cải tạo ở đâu? Bao lâu? Ðôi khi những kỷ niệm đớn đau lại trở thành những nhớ nhung vui sướng. Ðề tài vượt biên. Ði thế nào? Ði ra sao? Mất mấy cây? Thường thưa chị, các buổi nói chuyện đến đây bế tắc vì từ đó nó sẽ quay ngược về hiện tại. Lại đến đảo. Ðến Mỹ. Học nghề. Kiếm việc. Mất việc. Bảo hiểm. Nhà băng. Lại những thằng Mỹ chạy xe qua nhổ nước bọt đánh phẹt một cái, giơ ngón tay lên làm một cử chỉ tục tĩu hoặc la lên “cái lỗ đít”. Hàng chục thứ rối đầu: kháng chiến hay không kháng chiến? Kháng chiến thật? Kháng chiến giả? Tương lai về đâu? Có ngày về hay không có ngày về? Về hay không về?
Tại sao rối loạn? Vì những câu hỏi ấy đặt ra nghe chừng đơn giản mà câu trả lời thì vẫn phong phú. Người nào cũng nhao nhao lên về tia ánh sáng cuối đường hầm. Lúc đầu người ta bảo cái hầm nó thẳng, nhưng ánh sáng thì anh không thấy, tôi không thấy, ông ấy thấy vì ông ấy có điều kiện, ông ấy có dịp đứng giữa miệng hầm. Bây giờ cái hầm nó khúc khuỷu. Ðúng vậy. Ðứng ở đầu này không thể thấy ánh sáng ở đầu kia. Nhưng hãy theo tôi, đến đoạn cuối là đường thẳng, anh sẽ thấy cả một bầu trời quê hương xanh mát, ánh nắng chan chứa trên khắp ruộng lúa bờ đê. Chỉ tiếc là có quá nhiều những cái hầm khúc khuỷu như vậy.
Thưa chị. Khi người ta phong phú ý kiến, người ta có thể khẩu chiến (anh nào có báo ra đều, viết nhiều, anh ấy thắng), đánh bốc (anh nào bắp thịt to, anh ấy có vẻ có lý), đấu súng (bắn trước thì sống). Phải chăng đấý cũng là quy luật của cả Cộng Sản lẫn Tư Bản?
Chừng ấy thứ trộn lộn thành một thứ bột nhão. Nó làm cho những cặp vợ chồng gương mẫu trước cãi cọ, sau thụi thẳng cánh vào quai hàm nhau. Làm cho những bạn bè trên dưới ba chục năm hằm hè nghi nhau là Cộng Sản. Làm cho những anh chị làm báo gọi nhau là ma cô và nhà thổ. Làm cho những đầu óc sáng suốt trở thành nhà thơ lẩn thẩn, bay bổng và dở hơi. Cũng như thế, những hôm mùa thu mùa đông đã qua, mùa hè nóng trên 100 độ fahrenheit, đỉnh đầu người ta bốc khói, người ta có thể nhẩy dựng ra khỏi xe, móc súng bắn thẳng vào giữa họng những thằng Mỹ dám gọi người ta là…cái lỗ đít. Vâng, có thể lắm. Nếu người ta có súng. Và bất cứ một toà án nào biết tôn trọng công lý cũng phải tha bổng hay tối thiểu, cho giảm khinh những trường hợp như thế, khi mà người ta có nhà mà phải đi ở thuê, có đất mà đi ở đợ và cái lão chủ nhà đất mới này té ra cũng là quân cướp. Khi vợ con người ta chết hết trên biển cả bão bùng. Khi bạn bè thân thích vẫn bị Cộng Sản cưỡng bách giáo dục, đã trên 10 năm học hoài học mãi ỏ những vùng sơn lam chướng khí, ma thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy, cơm không có ăn, thuốc không có uống. Khi vợ và con gái người ta bị bọn cướp thay phiên hãm hiếp. Khi anh em người ta cứ mòn mỏi ở các đảo tỵ nạn từ mấy năm vẫn chẳng được đưa đi định cư. Khi người ta kiếm không ra việc ở cái thiên đàng chủ nghĩa tự do mà tiền thất nghiệp lại sắp chấm dứt. Những khi như thế, thằng nào gọi ông là cái lỗ đít, ông bắn.
Thưa chị. Trưa hôm ấy trời nóng trên 100 độ, tôi lồng lộn như con thú Phi Châu. Tôi rú ga vọt lên, chạy theo hai thằng Mỹ. Ngoắc tay kêu chúng nó ngừng lại.
Tôi bật tung cánh cửa nhào ra khỏi xe. Khuỳnh tay vụt lên như cái thiết vận xa. Nhưng hỡi ơi, tôi không có súng.
Còn hai thằng Mỹ, chúng nó cũng hùng hục mở cửa bước ra xe. Cả hai đứa: bề cao hơn tôi gấp rưỡi. Bề ngang hơn tôi gấp đôi. Hỡi ơi, mặt mũi chúng nó lại non choẹt chỉ đáng tuổi thằng con trai thứ ba của tôi.
Còn chửi mắng? Khả năng chửi bằng tiếng Anh của tôi làm cho tôi ứ máu lên cổ. Vâng, tôi có thể đi xin việc bằng tiếng Anh. Tôi có thể thuyết trình đôi chút về Văn hóa Việt Nam một cách duyên dáng cho những người Mỹ đồng nghiệp trong sở. Tôi còn có thể tán tỉnh đôi chút với quý cô quý bà. Nhưng chửi nhau bằng tiếng Anh? Quả thật, cái khả năng ấy của tôi chỉ bé bằng cái lỗ đít.
Ông Võ Phiến là một người Bình Ðịnh.
Người Bình Ðịnh có cái gì hay cái gì đẹp? Tôi sẽ gửi cho chị cuốn Tùy Bút, chị sẽ thấy ông Võ Phiến khéo léo kể ra trong hai bài Anh Bình Ðịnh và Người Bình Ðịnh.
Anh Bình Ðịnh được những chị Phú Yên mê vô tả, ông Võ Phiến chứng minh như thế. Anh về Bình Ðịnh chi lâu? Chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng. Tuy nhiên những chị xứ khác có mê mẩn như thế hay không? Hay chỉ có những chị Phú Yên mới dại dột mà thôi? Ông Võ không nói tới.
Thế còn người Bình Ðịnh? Toàn những người giỏi.
Người hùng Bình Ðịnh: Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng… ngang tàng lẫm liệt. Xóm thơ Bình Ðịnh, được kể ra: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên với những cái làm kinh động sững sờ, những Quách Tấn, Yến Lan mờ mờ những con đường chảy, êm như những giòng sông. Ngó trước rồi lại ngó sau, ông không quên thế hệ trẻ hơn ông. Ông kể tên một người bạn trẻ xứ ông, Nguyện Mộng Giác, chín chắn, kín đáo, âm thầm, lim lỉm vào những suy nghĩ lo lắng.
Những cái ông Võ kể ra về xứ Bình Ðịnh và người Bình Ðịnh làm cho tôi buồn lắm. Tôi, gốc gác lộn xộn: chánh quán làng Mọc Hà Ðông, sinh ở Huế, lớn ở Hà Nội, Ðà Nẵng, Sài Gòn. Không chừng chết luôn ở Mỹ. Thế tôi biết khoe xứ nào?
Tôi nói tiếng Bắc chị Quỳnh ạ. Chị cũng là người Bắc phải không? Tiếng Bắc, chị biết đấy. Nó không nặng như Quảng Nam, ngang như Bình Ðịnh. Ði vào thì mình nói là đi vào chứ mình không nói là đi dzô. Vả chăng các ca sĩ người Trung người Nam…họ cứ uốn éo đổi sang giọng Bắc cả. Ờ, lạ lắm cơ?
Ở Việt Nam, tôi được đọc nhiều bài của ông Võ Phiến nhưng không có dịp gặp. Sang Mỹ, năm 1977 thì phải, Lâm Triết có mời ông Võ ghé ngủ lại phòng tôi nhân dịp từ Los Angeles lên thăm San Jose. Nhưng quả thật không biết nhiều về ông Võ.
Có thể, ông cũng chín chắn, kín đáo, âm thầm, lim lỉm như ông bạn trẻ đồng hương Nguyễn Mộng Giác. Người Bình Ðịnh, họ như thế. Ðọc Thác Ðổ Sau Nhà, tôi khoái cái quan điểm, nhưng chưa dám nói thực hiểu ông Võ nhiều. Gặp tại nhà in N.V. của ông Trần Ðình Long, cũng chưa rõ lúc nào ông ấy đùa, lúc nào ông ấy thực. Mà lúc nào trông ông ấy cũng thành thật. Hoặc giả ông ấy có ngụ ý một điều gì tinh quái sắc bén. Ngày giỗ Nguyễn Hiến Lê ở toà báo Người Việt dưới Orange county cách đây vài tháng, lại thấy chẳng phải ông ấy lim lỉm. Ông ấy nghiêm trang một cách bỡn cợt. Ông ấy liên tục nói năng trôi chảy, hấp dẫn, cái giọng Bình Ðịnh cũng không thực là ngang ngang khó nghe. E chừng ngược lại. Tôi có nhận một cái thư của ông Võ thăm hỏi, cho biết trước cũng từng trọ ở ngõ Tân Hưng, Hà Nội. Nhà tôi ở đấy, lúc ấy tôi hãy còn bé. Ðến nay, đọc Tùy Bút gồm những bài xuất bản, đăng tải từ trước 1975, nhiều bài chưa có dịp đọc, cùng với năm bài mới viết ở Mỹ như một bộ tứ bình: Xuân, Hạ, Thu, Ðông của cuộc đời lưu vong…phải nói cụ Võ Phiến, 63 tuổi, cụ hơn tôi đến 20 tuổi, và tôi thở phào ra. Chị Quỳnh ạ, cụ ấy cũng chửi tục. Cụ ấy viết đến những hai bài về sự chửi và chửi tục, bên cạnh những bài trang trọng như đạo và đời, nhàn và nhã, ông và cháu, mưa và thơ…
Cái sự chửi tục gồm những câu rất tục mà ông Võ Phiến sưu tầm, bàn bạc, nại ra, bình luận, kể lể, dẫu có vì văn chương hay văn hóa, có câu để cả chữ, có câu chỉ viết tắt, thưa chị, tại đây tôi vẫn không dám đề ra cho chị xem mặc dầu chính tôi không phải là người nhã nhặn.
Khi mới gặp nhau, người ta thường thủ lễ, vâng dạ, thăm dò. Người ta chưa tin nhau. Khi đôi bên đã say sưa nồng nàn, co cẳng ngồi trên ghế vừa gãi nách vừa nói chuyện về các đề tài (kể cả văn hóa và chính trị) mà bọt mép sùi ra, tay chân vung lên, lâu lâu ngôn ngữ được đệm vài tiếng chửi, người ta dễ chịu lắm. Người ta bắt đầu rút đi những hàng rào phòng thủ, những mũ sắt áo giáp bao chung quanh, người ta tin nhau được.
Tôi cảm thấy gần gũi với cụ Võ Phiến từ sau những bài bàn về chửi và chửi tục chăng? Hai bài ấy viết ra năm 1959 và 1968, đổ đồng vào lúc cụ bằng tuổi tôi bây giờ: ngoại tứ tuần. Hay chỉ vì những sự ấm ức khi nghe người ta chửi nhau bằng tiếng Anh? Hay chỉ vì nó làm cho tôi nhớ lại đôi ba vấn đề của ngôn ngữ học và riêng về cái mục chửi của chúng ta đây nó dồi dào, phong phú, lảnh lót hơn quá nhiều so với “cái lỗ đít” của mấy thằng Mỹ hỉ mũi chưa sạch?
Hay nó làm cho tôi nhớ lại một ông bạn cũ từ thời niên thiếu lúc học chung với nhau ở Văn khoa đường Nguyễn Trung Trực Sài Gòn? Cái cậu lúc ấy khoái chửi câu “Tiên sư bố nhà mày. Tao căng mồm mày ra làm cái nhà chồ, tao ị vào ngay giữa cái mồm mày.” Dĩ nhiên, câu này cũng không lọt khỏi sách của ông Võ Phiến. Ðó là một sáng tác của nhân vật xứ Bắc, chắc chắn không phải của người Bình Ðịnh, mà cũng không phải của người Mỹ có thể giỏi về khoa học, kỹ thuật nhưng nghèo về văn hóa, triết lý và… đạo đức.
Ðêm qua, tại nhà anh H. hàng xóm tôi, lại nhậu.
Có hai anh H., cả hai cùng có mặt. Anh H. hàng xóm tôi: cựu chiến sĩ sư đoàn 18 Bộ binh, đã rã ngũ nhưng trong nhà không bao giờ có dưới bẩy khẩu súng cả ngắn cả dài. Anh H. hoạ sĩ kỹ nghệ tức cựu Ðại uý Dược sĩ H., đai đen Aikido, dịch là Hiệp khí đạo, người đã nhờ Hiệp khí đạo và các phép đề khí mà trải qua sáu năm cải tạo một cách êm ả, dẻo dai và tương đối mạnh khoẻ.
Anh Nha sĩ T. tức cựu Thiếu tá Nha sĩ T. với Anh dũng bội tinh, tức cựu thi sĩ Bàng Hoạch (báo Gió Mới, Việt Nam 1957, 1958). Tất nhiên, có mặt bia Coors và thịt nướng. Vẫn các thủ tục và đề mục thường lệ: bắt đầu bằng hiện tại (lương bổng, thất nghiệp, kiếm việc, Job shop, mua bán bảo hiểm, đá banh bầu dục, báo X chửi báo Y) chuyển dần sang hợp âm êm dịu (bàn về con cua ở Cát Lở, con tôm hùm ở Cà Ná, thịt con cheo ở Long Thành, con đuông tẩm bột chiên bơ ở Chợ Cũ).
Lần này trước khi trầm ngâm đổi qua đề tài dĩ vãng cải tạo vượt biên chấm dứt ra về, chúng tôi thêm vào đề tài văn học: Ông Võ Phiến, cuốn Tùy Bút và nhà xuất bản Văn Nghệ. Cuốn Tùy Bút thế nào: Nó dầy ba trăm mấy chục trang, phong phú ghê. Ðủ các đề tài từ văn minh, văn hóa, thơ phú, đạo đời sang đến mắm muối. Ðọc một lúc thì mệt nhưng lâu lâu nhàn nhã, thú nhá. Này là chuyện mấy chú én ríu rít bay lượn ở Hà tiên. Này là chuyện Năm non bẩy núi. Này là chuyện Hội An có phải là Phải Phố hay không?
Ðường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng ta đi dạo giữa đường thơm
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
Ðất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng.
“Ðoạn đường Ðà Nẵng về Hội an…chỉ gợi nhớ đến cu gáy với bướm vàng trong ca dao… đến con đường thơm… Bóng phượng, phải, còn có bóng phượng nữa. Ðà Nẵng có rất nhiều cây phượng…”
Những cây phượng mùa hè trổ hoa đỏ ngợp con đường Hoàng Diệu Ðà Nẵng. Nó làm cho tôi và anh T. cựu học sinh Phan Chu Trinh Ðà Nẵng, những cựu thi sĩ văn sĩ báo Gió Mới, Việt Nam 1957-1958, những Tuấn, Hải, Chiêu, Nam, Khiết, Dũng, Tình, Ý, Sung, Ui, những kịch sĩ, ca sĩ, thể thao gia ở một ngôi trường đầy hoa phượng… và lớn lên tiếp tục những cuộc chơi lớn…kẻ chết Ðồng Xoài, kẻ đi Biệt kích và biệt tích, kẻ chết trên máy bay, kẻ theo Cộng Sản, kẻ bị Cộng Sản nhốt tù. Tôi và anh T. chắc lại cũng ngửi thấy cái mùi ngậm ngùi bay trong lon bia, trên những gắp thịt và trong chén nước mắm. Vậy chúng tôi đi vào đề tài khác. Chuyện chửi. Chửi tục. Cũng những chuyện trong Tùy Bút của ông Võ Phiến.
Khi đi vào phần ấy, tôi đã kể lại chuyện hai thằng Mỹ ranh con và cái lỗ đít.
Anh T. Nha sĩ lắng tai nghe.
Trước hết, Nha sĩ, họ là ai? Họ là những người vốn ít nói theo thói quen đeo mặt nạ bịt mồm trong lúc cà răng. Thực vậy, người ta không thể bịt mồm mà nói chuyện. Vả chăng bệnh nhân nhổ răng, chữa răng mồm miệng đầy bông băng kìm búa cũng không thể hàn huyên với Nha sĩ như lúc người ta ngồi thảnh thơi cắt tóc. Tiếp đến, Nha sĩ, họ là những người cẩn thận. Họ không thể nhổ lầm một cái răng sâu sứt với cái răng tốt lành. Họ phải chụp hình quang tuyến. Phải đeo kính ngắm nghía, nghiên cứu kỹ trước khi quyết định cà, hay đục, nhổ, hay rút gân máu, bịt răng vàng hay răng bạc. Vả chăng, bạn tôi, một trong những Nha sĩ lành nghề và có lương tâm chức nghiệp hơn hết thẩy tại San Jose. Anh ta luôn trầm ngâm, xem xét, lắng nghe và phán đoán kỹ lưỡng trước khi phát biểu.
“Ông ạ,” Anh T. từ tốn nói. “Lần sau, gặp những thằng Mỹ chửi tục, đánh nhau là thua hoặc bị ra tòa. Ðừng chửi tiếng Mỹ mà thiếu chữ. Ông cứ chửi bằng tiếng Việt, y những câu của ông Võ Phiến viết Tùy Bút. Ông sẽ hả hê sau khi chửi, cơn giận nó tiêu tan. Còn thằng Mỹ, nó chẳng hiểu gì nhưng nó vẫn biết là ông chửi. Như thế nó càng điên lên. Cái ấy kêu là nội thương.”
Chị Quỳnh thân mến. Nha sĩ là những người ít nói và cẩn thận. Bao giờ họ cũng biết săn sóc hàm răng và nụ cười của người ta một cách chu đáo. Cái răng cái tóc là góc con người. Một anh bạn Nha sĩ thân ái luôn luôn có thể cho người ta một lời khuyên sáng suốt, lóng lánh và quý báu hơn cả răng vàng răng bạc.
Và, chị Quỳnh thân mến. Ông Võ Phiến là một nhà văn đàn anh so với lứa tuổi tôi. Ông là nhịp cầu thời gian với những câu chửi lạ lùng như đồ chết tiệt, con khỉ trù, chó nó ăn mất cu. Những câu ấy trang bị cho tôi một thứ võ khí tựa như gậy tầm vông để chống lại cái lỗ đít.
Còn cuốn Tùy Bút mới xuất bản của ông, trong giai đoạn hoang mang lưu lạc này, nó có một giá trị đặc biệt, không phải chỉ vì giá trị văn học.
Nó là nhịp cầu tiếp nối miền đất xa xôi ở quê nhà mà không gian thơm mùi hò mái đẩy, mùi hương hoa tưởng tượng, mùi măng cụt sầu riêng, mùi bánh tráng Bình Ðịnh chấm nước cá, mùi mì Quảng và cao lầu Hội An tiếp sang miền rối rắm này với mùi “khù” (Chữ của cô bạn tôi dịch chữ “smog”, một hỗn hợp giữa “khói và mù”), mùi hoá chất lau chùi trong xưởng điện, mùi nhạc Rock, và may thay vẫn còn mùi bánh cuốn, phở tái béo Bắc kỳ tôi đang ngồi ăn đây trong tiệm Ð.P. ở góc đường Santa Clara và đường Almaden, San Jose.
Ông Võ Phiến là một nhà văn tỉ mỉ, rất tỉ mỉ. Còn kiến bò qua cũng không thoát mắt quan sát của ông. Ở một miền đất dẫu chiến tranh tàn phá trên mấy chục năm, một miền đất dẫu sao người ta chửi dẹ dàng còn như ca hát, nơi người ta dẫu sao vẫn còn có thể bình thản đứng trên cánh đồng, vào buổi xế trưa đầu mùa xuân nhìn đồng không mông quạnh. Ở chân trời, vài đám khói ùn lên chậm chạp tỏa cao và rộng… Chao ơi, những đám khói đốt cỏ ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động, cảm hoài. Những đám khói kể lể nỗi niềm bao la cuối một chân trời mênh mông. Ðứng him mắt mà trông: khói lặng lờ, không vội vã, khói bát ngát, nhẫn nại, xa vời, hàng giờ, hàng giờ, khói toả, vừa hiền từ vừa mơ mộng…
Những đám khói êm ả… Chao ơi, trong địa hat suy tưởng của nước Mỹ ào ạt vội vàng, vài ngàn cuốn sách đủ loại xuất bản từng triệu cuốn mỗi tháng dưới đủ các bộ dạng kiểu cọ khác nhau, với những nhà văn sản xuất bằng máy điện toán, điện thoại, điện tín…thì chao ơi…cái tôi yêu mến ở ông Võ Phiến cũng như cái tôi yêu mến những cụ già lững thững ở làng Versailles, nơi đây người ta ngảnh mặt khỏi siêu thị, nơi người ta họp với nhau một cái chợ lộ thiên sát mé sông với cầu ao và những đóa hoa bèo màu tím. Ở miền đất này còn tìm đâu những tâm hồn êm ả, những giây phút không vội vã đứng nhìn khói bay lên hàng giờ hàng giờ? Khói lặng lẽ, nhẫn nại, xa vời, vừa mơ mộng vừa hiền từ?
Thế nhưng chị Quỳnh thân mến, rút cục như lời khuyên của anh bạn Nha sĩ T. một người ít nói và cẩn thận: ta cứ phải chửi bằng tiếng Việt… và khi tôi thán phục cái cao kiến như thế, té ra tôi cũng đang bước chân trở về trên nhịp cầu của ông Võ Phiến và những bà cụ chít khăn mỏ quạ Bắc kỳ, nơi tôi lớn lên ở ngõ Tân Hưng, đường Ga Hàng Cỏ, đường Hàng Bông Thợ Nhuộm trước Vườn hoa cửa Nam. Tôi có về lại được cái thời gian đã mất hay không? Thời gian sẽ đi, đi mãi hay sẽ quay trở về trong cái vòng vô tận? Tôi có về lại được miền đất bên kia không? Tôi chưa rõ. Có lẽ, chị Quỳnh, giờ đây tôi đang lóng ngóng trên đất Mỹ giữa Huế, Hà Nội, Sài Gòn, giữa hiện tại, dĩ vãng, tương lai, tôi ngồi bệt xuống giữa nhịp cầu của ông Võ Phiến và các bà cụ lững thững khoan thai. Tôi nhìn bên này, bên kia, vừa chửi thề bằng tiếng Anh nhưng biết phải chửi thề bằng tiếng Việt, tôi ăn phở tái béo và tôi thu hết núi sông lại mà bỏ vào trong những hòn non bộ: Này là núi, cũng núi. Này là sông, cũng sông…
NGUYỄN BÁ TRẠC
(Trích trong Chuyện Của Một Ngưởi Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải, xuất bản tại California 1987)