“Ông ta chụp con nầy đặt ngồi xuống đó, chụp con kia đặt ngồi chỗ kia. Vừa đặt xong, những con chữ nhãy múa lộn xộn. Ông Ta ngồi xếp cả buổi không xong, giận đập đầu từng con cho nó chết rồi đặt vào chỗ mà ông ta đã định. Trong số những con chết nằm nghiêng ngã, có một con ngam ngáp ngồi dậy hỏi: “ Ông đập đâu tui để làm gì?” “Mầy nằm xuống ngay ngắn đi rồi sẽ biết! Để làm gì?” Cả lớp cười một cái rần, vỗ tay tán thưởng câu chuyện vui cuối giờ của thầy Mai kim Đỉnh kể về một chàng thư sinh mới bắt đầu viết văn. Mỗi lần ngồi vào bàn viết chiêu dụ từng con chữ về mà nó không về. Có khi nó kéo về hàng đống lo đùa giỡn mà không chịu vô xếp hàng. Chàng thư sinh nổi giận dùng thướt sắt khỏ vào đầu từng con cho chết.
Tôi nhớ ngày còn đi học cái chữ cái nghĩa đối với tôi xa vời vợi. Cố gắng cho lắm cũng ngần này, thêm nữa không vô. “ Toán dở, văn lại tệ hơn, lỗi chính tả thì đến không xuể!”- Thầy thường quở trách như vậy. Biết mình dở nên lúc nào cũng cố gắng thân thiện với chữ, mài mò những phương trình toán học. Nhưng mà…nuốt không vô, càng cố nuốt lại càng vội ra, mắc nghẹn gần chết! Có lần thầy Đỉnh vỗ vai tôi nói: “Cố gắng lên, ở đời không có gì khó, sợ lòng không bền.” Thầy Đỉnh chỉ hơn tôi một con giáp mà giảng môn văn nhiều trường đại học. Ngoài ra, thầy con viết báo, viết truyện làm thơ… Tôi kính yêu thầy Đỉnh không những trên bụt giảng mà còn ở ngoài đời. Mặc dầu đã ra trường mà tôi vẫn còn tới lui thăm thầy. Thầy Đỉnh cũng mến tôi. Có lần thầy hỏi: “Nguyện vọng của anh làm gì?” “ Em muốn trở thành nhà văn thầy ạ!” Thầy Đỉnh cười: “Có thật không, viết văn là tốt, đáng khuyến khích!”
Biết tôi có ý thích văn và có nguyện vọng trở thành nhà văn, thầy Đỉnh nói: “Muốn trở thành nhà văn, trước hết phải tập cái quan sát thật tinh tế. Có những chi tiết người thường không nhận ra, mà người viết văn nhận ra. Chính xác, tinh tế, nắm bắt được những điểm then chốt, cần thiết… Kế đến phải đọc. Người không viết văn chỉ tìm đọc những thứ mình thích. Còn nguời viết văn ngược lại, đọc luôn những thứ mình không thích. Đọc không vô cũng phải ráng đọc. Đọc để hiểu, để biết! Những lần đàm đạo tôi nhận ra thầy Đỉnh có một kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn học nghệ thuật, trong nước và ngoài nước. Thầy Đỉnh đề nghị: “Anh nên tập viết, trước hết viết giới thiệu các món ăn, thức uống ở quê mình. Tôi sẽ gởi đăng một số báo quen biết. Khi đọc giả quen rồi, phát huy lên viết ký, truyện về đất nước con người ở xứ sở mình… Viết cũng là một cái thú!” Thầy Đỉnh hỏi tôi: “ Tại sao anh chọn nghề viết viết văn?” Sau một lúc lâu tôi giải thích quanh co, thầy Đỉnh nói: “ Lý do của anh chưa vững vàng, sợ đây rồi anh sẽ bị lung lay bỏ cuộc. Vì người viết luôn đối mặt với chính mình. Đối mặt với mình mới quan trọng, không thể khuất tất dù là cây kim, sơi chỉ. Nhưng cũng được đi!” Thầy vỗ vai tôi: “Lẽ đời không phải lúc nào cũng lý giải được đâu. Có sự việc trăm năm rồi mới biết!”
Nghe theo lời ba mẹ tôi: Muốn làm ông chủ phải ở đợ. Muốn lập thân phải chọn lấy nghề, trao đổi đức tính tốt, lao động tốt. Buộc tôi nhận lời phụ trông coi cửa hàng Hưng Thạnh của cô dượng. Từ con số trên máy vi tính đến cửa hàng, kho bãi tôi thuộc nằm lòng trong bụng. Kho chia ra nhiều kho nhỏ: Hàng nhập, hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng…Ngày nhập, xuất, tồn… tôi nắm rõ trong lòng bàn tay. Vốn cần mẫn siêng năng nên tôi được ông dượng tín nhiệm, giao luôn việc ngoại giao tiêu thụ hàng hoá. Tôi như con thoi đầy ắp công việc, đầu óc nhồi nhét đủ thứ còn đầy hơn cái kho. Đôi khi tôi quên mất tôi. Ông dượng thấy tôi đảm đương nhìều công việc, hoàn thanh tốt nên coi như con ruột. Một hôm ông nói: “ Tần à, thay quần áo đi công chuyện với dượng.” Đến một cửa hiệu buôn lớn, ông dắt tôi vào phòng khách, chủ cửa hiệu người Tàu vui tính, cười nói cởi mở hết mức. Hai người dắt lên lầu bàn việc gì đó, một lúc sau trở xuống, dượng nói với tôi: “ Con ở đây chờ dượng nhé! Dượng cùng ông Sanh Mậu đi bàn công chuyên làm ăn, khi về dượng ghé rước con. Ở đây đợi dượng nghen!” Hai người phóng lên xe biến mất trong làn bụi.
Tôi ngồi trong phòng khách sang trọng, yên lặng như ốc đảo. Phòng khách bày biện hài hoà giữa đông và tây rất trang nhã. Thời gian thừa thải không biết làm gì, tôi đi lòng vòng trong phòng xem những cục đá nghệ thuật ở Tây Nguyên, những bức tranh sơn dầu, điêu khắc của những tay hôi hoạ danh tiếng trong và ngoài nước. Cả dến những bức tranh khoả thân đầy sức sống, nỗi bật những đường nét độc đáo có một không hai. Tôi thầm nghĩ: “ Nhà kinh doanh mà cũng có đầu óc nghệ thuật ghê!” Mãi mê ngắm bức tuợng “ Cô gái sơn cước” trẻ đẹp . “ Mời anh dùng nước.” Tôi quay đầu lại. Cô gái đứng phía đằng sau lưng bưng một mâm: Cà phê, nước ngọt, trái cây … “Cám ơn cô! Cô có thể cho tôi biết chừng nào dượng tôi về không?” “ Dạ! Em không biết! Chỉ biết đem thức uống cho anh. Mời anh dùng!”
Cô gái quầy quả biến mất sau cánh cửa phòng. Tôi còn định hỏi thêm nhiều thứ, nhưng cô chỉ để lại nụ cười và ánh mắt đen lay láy. Tôi tự thẹn: Sao không xem những tác phẩm khác, lại dán mắt vào đường cong “ Cô gái sơn cước”. Không biết cô ấy là ai? Nếu như người ở thì không sao. Còn như con cháu ông chủ thì cô ấy đánh giá mình là thứ…
Ăn hết phần cây trái trong dĩa và uống ly cà phê đá xong thời gian còn thênh thang không biết làm gì? Tôi bước lần ra ban công nhìn đường phố. Thời gian nhanh thế, mới đây mà đã tối! Bóng dáng của ông dượng biệt tăm hơi. Tôi nghe cồn cào trong bụng, bực bôi…“ Anh Tân ơi!” Tôi quay lại : “ Sao co biết tên tôi?” “Dượng anh cho biết! Ông chủ và dượng của anh bận công việc ở Vũng Tàu chưa xong, sáng mai mới về! Anh phải ở lại chờ. Theo em để biết chỗ ngủ nghỉ.”
Tôi lặng lẽ theo cô gái không một lời phàn nàn. Khi bước lên bậc thang lầu cái mong của cô gái lắc lư theo nhịp chân xinh xắn như vủ khúc. Tôi ngượng ngùng đi chậm lại cho khoảng cách xa hơn. Cô gái đứng chờ ở cửa phòng giục: “ Anh đi chậm quá vậy, trông anh có vẻ mệt mỏi!” Cô gái kéo tay tôi chỉ phòng: “ Anh ngủ ở đây nhé! Tắm đi! Nửa giờ sau em đến mời anh đi ăn cơm. Có cần gì goi số: 0…45.” Tôi chưa kịp hỏi một lời cô ta đã biến mất sau cánh cửa. Tôi khép cửa phòng lại thấy nào kem đánh răng, dầu gội đầu có cả quần áo ngủ để sẳn trên bàn.
Tiếng gõ cửa chừng như lâu lắm mới đánh thức được tôi. Giấc ngủ ngon đến không ngờ. Tôi dụi mắt, mặc vội quần áo vào.
-Ngủ gì mà như chết vậy! Hồi hôm chắc thức dữ lắm hả?
-Thức để làm sổ sách, cô không gọi chắc tôi ngủ một giấc tới khuya.
-Xong chưa đi ăn cơm!
- Để tôi đi một mình cũng được!
-Ông chủ dặn, trái ý ông rầy chết!
Cô gái ra cổng ngoắc tắc xi, miệng lầm bầm:
-Có xe hai bánh kìa, đi xe này khoẻ hơn.
Tôi nhìn cô gái có sóng mũi thẳng, đôi mắt sáng, nụ cười thật tuơi. Nhanh nhẹn, gọn gàng.
Tôi nghĩ cũng nên biết tên cô ta, nên hỏi:
-Cô tên gì!
-Ở đây thường gọi em A Đẩu. Anh cũng gọi như vậy đi!
-Vậy em còn có tên khác nữa à?
-Tên ấy ở đây không dùng.
-Em là con gái của ông Sanh Mậu hả!
-Dạ không. Em là cháu kêu ông ấy bằng ông dượng.
-Quê cô ở đâu?
-Ở Cần Thơ.
-Lên đây khi nào!
-Mười một tuổi.
Hỏi đến quê, thoáng thấy A Dẩu có vẻ buồn buồn. Cô lặng lẽ một lúc lâu mới nói:
-Nhắc đến quê, đến thân phận em buồn lắm! Cô đơn côi cúc. Vừa mới sanh em ra má chết cho em sống. Ba rượu chè bê bết đi làm ở Phú Quốc rồi ngộ độc rượu cũng chết. Em ở với dì dượng cũng nghiện rượu đánh đập, em và dì khổ lắm! Dì thấy vậy đem em gởi lên đây. Bà Sanh Mậu là chị em với ngoại.
-Em học đến đâu mà nghỉ!
-Mười hai.
-Vậy là quí lắm rồi, hạnh phúc cho em đó!
A Đẩu nhìn tôi định nói cái gì đó nhưng cô lại thôi, nhìn lãng ra đường phố. Cô cho xe ghé vào một khách sạn sang trọng đủ các món ăn Tây, Tàu. Cô nhường cho tôi chọn. Tôi cười:
-Anh quê lắm, em gọi món gì anh dùng món ấy!
A Đẩu rất rành các món ăn, biết cách chế biến, chừng như cô ta có học qua khoá nấu ăn? Cô khoe với tôi:
-Em nấu được nhiều món ăn Nam bộ và của Tàu… Khi nào có dịp em sẽ nấu cho anh ăn.
Ngồi với A Đẩu mà đầu óc tôi để đâu đâu, không một chút hứng thú. Cứ lẩn quẩn nghĩ tới ông dượng đi đâu, để mình ở đây! Từ trước giờ chưa có cảnh này.
Thấy tôi ngơ ngẩn A Đẩu hỏi:
-Trông anh có vẻ băn khoăn vấn đề gì đó phải không!
Tôi không trả lời mà mắt nhìn con bé ăn ngon lành, chóc chóc cô ta đưa khăn giấy cho tôi và cười thật hồn nhiên. Ăn xong cô giành trả tiền. Về nhà thấy trời còn sớm, tôi đề nghị tản bộ dọc theo lề đường cho thư giãn một chút. Vừa đi, A Đẩu kể khoảng đời thơ ấu ở quê. Cô kể thật say sưa: chuyện hái rau bắt ốc mò cua…Lội qua con rạch mua rượu chịu cho bố. “ Lúc đó, em ốm nhom ốm nhách như con nhái mén. Mà đúng là nhái mén, cái tên vừa sinh ra không có sữa bú, chuyên bú thép và sữa lon mập làm sao nổi. Ba em gắn cho cái tên Lê thị Mén cho tới bây giờ.” Tôi bỗng thấy A Đẩu có một chút gì đó gần gũi với tôi.
Đêm đã khuya khoắc nhưng Sài Gòn như mới bắt đầu vào đêm, bắt đầu thức. Tôi thao thức với đêm lạ lẫm.
Tiếng gõ cửa quen quen đánh thức tôi dậy. Mặt trời lên cao từ khe cửa sổ. A Đẩu báo dượng sắp về tới, để tôi chuẩn bị. A Đẩu tiễn tôi lên xe bằng đôi mắt hẹp bởi nụ cười mở. Cái vẫy tay đuổi theo xe lưu luyến hoài. Dượng hỏi tôi:
-Ăn ngủ só ngon không?
Tôi tỏ lời cám ơn dượng. Dượng khoe:
-Đêm rồi được mối làm ăn lớn, lời to.
Từ chuyến ấy, dượng thường bảo tôi lên cửa hiệu của ông Sanh Mậu để ký nhận hàng. Mỗi lần đến, cô bé A Đẩu càng thấy dể thương hơn. Một hôm ông Hưng Thạnh nói với tôi:
-Thấy con cũng trưởng thành, dượng định đứng ra cưới vợ cho con, đã bàn với ba mẹ con đồng ý rồi.
-Ai vậy dượng!
-A Đẩu đó, chịu hông?
Ông Hưng Thạnh lo chi phí từ đầu đến cuối việc cưới hỏi, còn dành cho tôi một căn phòng hạnh phúc trong ngôi nhà. Thấy nghĩa tình sâu đậm đến thế, A Đẩu về phụ giúp việc mua bán hết mình không một lời than thở. Theo lời ông Sanh Mậu và ông Hưng Thạnh sẽ cho vợ chồng tôi một cửa hàng ở tỉnh để có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, tự lập. Đứa con gái đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên: Nguyễn Thị Gia Hiệp, ông Sanh Mậu gắn thêm cái tên A Cẩm.
Dầu tất bật với công việc mua bán, nhưng tôi cũng nhín ít thời gian đọc và tập tễnh viết. Một hôm lật tờ báo ra, thấy bài viết: “Nhân -vật- đương- thời” đề tên Chánh Nam. Đúng rồi, bút hiệu của thầy mình. Víết về văn học thầy đề tên Mai Kim Đỉnh còn về những đề tài khác thì Chánh Nam, Chánh Phong… Bài viết có nội dung ca ngợi ông Sanh Mậu-bố nuôi vủa vợ . Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần văn phong thanh thoát , nhẹ nhàng hay vô cùng. Người đọc như có cảm thấy nhân vật trước mắt bay bổng một cách tự nhiên, toã sáng rực rỡ bằng tự bản thân. Từng chữ, từng dấu chấm phếch không thể bỏ đi, thêm vào chỗ nào cho được. Bài viết ca ngợi ông Sanh Mậu khởi đầu bằng chiếc đòn gánh với đôi chân chai cứng lội bộ khắp các ngõ ngách Sài Gòn, chợ Lớn để mua ve chi lông vịt., mà giờ này ông có trong tay hàng tỷ tỷ bạc. Giàu có, rộng luợng, thương người, tốt bụng. Ông là thành viên tương trợ cho trẻ mồ côi, khuyết tật, thiên tai bão lụt…Tôi cầm tờ báo chạy về nhà thảy xuống bàn cái phẹp, nói với A Đẩu:
-Báo chí ca ngợi bố của mình đó!
A Đẩu đang ngồi kiểm tra sổ sách không nói lời nào. Tối A Đẩu nói với tôi:
-Anh! Chánh Nam là ai vậy?
-Thầy Mai Kim Đỉnh đó, Bài viết hay quá hả em! Không ngờ bố của em có chí, thương người, thành công đáng học hỏi.
-Nhà ông ấy xa hay gần, mình đi đến đó chơi.-A Đẩu hỏi.
-Cũng gần, đi thì chơi, thầy Đỉnh cũng là chỗ thâm tình với anh, em nên đến một lần cho biết!
Thầy Đỉnh đang ngồi đọc sách nghe tôi đến vội ra mừng rỡ:
-Chào anh chị!
-Thưa thầy, đây là vợ em!
Thầy Đỉnh rót nước mời vợ chồng tôi. Bỗng dưng A Đẩu đứng phắc dậy, mặt mày dữ tợn:
-Thầy viết bài báo ca ngơi ông Sanh Mậu đó hả? Ông Sanh Mậu là con người đê tiện bỉ ổi, đạo đức giả. Không xứng đáng được ca ngợi. Thầy sai lầm rồi! Lầm rồi!
Tôi hốt hoảng kéo A Đẩu ra khỏi nhà, chỉ kịp nói với thầy mấy câu:
-Thầy ơi! Tha thứ cho tụi em. Vợ em bị thần kinh rồi!
Tôi chạy bán mạng đưa A Đẩu về nhà, kéo lôi vô phòng đóng cửa lại:
-Em bị bịnh hồi nào vậy! Quá rồi! Anh mất mặt với thầy Đỉnh biết cách nào chuộc lại đây! A Đẩu ơi! A Đẩu!
Hai con mắt A Đẩu đỏ ngầu trợn trừng như điên, một lúc lâu rồi ôm đầu khóc rắm rức.
Tôi đóng xầm cửa lại:
-Khóc cho đã đi! Đồ điên!
Nửa giờ sau tôi vô thăm A Đẩu đang nằm vật vã, rả rời có vẻ khổ sở lắm. Tôi an ủi:
-Thôi rửa mặt đi! Có gì từ từ sẽ nói. A Đẩu ôm tôi khóc:
- Anh tha lỗi cho em! Em không thể dằn được. Và em không thể giấu anh. Ông Sanh Mậu là người bỉ ổi, đạo đức giả. Tài sản của ông có ngần ấy là sự làm ăn gian lận mà nên. Số mặt hàng nhập đưa cho duợng anh không phải ở xa mà ở ngay chợ Lớn này. Còn… trăm thứ dối trá khác.
A Đẩu khóc lớn hơn, phẩn nộ:
-Đời em đã bị ông ấy cưỡng hiếp, làm nhục, em định phóng ra đường cho xe cán chết! Không hiểu ông ấy bàn tính đổi chác việc gì với ông Thạnh Hưng mà gả em cho anh. Hiện giờ ông ấy đang có ý đồ xấu với những đứa cháu nuôi như em.
-Trời ơi! Tôi có nghe lầm không! Tôi như người lên cơn điên, nhìn A Đẩu trân trân. Rồi mắt tối sầm lại. Khi tỉnh dậy thấy A Đẩu ngồi một bên nước mắt ràng rụa:
-Anh khoẻ chưa, biết vậy em giữ kín trong bụng cho tới chết!
Tôi khoát tay nói với A Đẩu:
-Anh muốn yên một mình.
Mọi việc quá bất ngờ đến với tôi. Có ai ngờ được những người xung quanh toàn là…Tôi là con nai tơ ngơ ngác đạp lá vàng. Hèn gì, trong nụ cười và ánh mắt của ông Sanh Mậu ngờ ngợ có cái gì đó mà đến bây giờ tôi mới hiểu ra. Hèn gì, lần đó tôi giao hàng cho khách ở dưới tỉnh. Hôm sau khách đến nhằn nhện với ông Thạnh Hưng: Hàng giả, kém chất lượng. Tôi bị ông dượng quát nạt trước mặt khách: “ Mày giao hàng lộn rồi! Đổi lại thứ tốt cho người ta. Xin lỗi khách đi!”
Hôm sau, tôi còn thắc mắc, ông dượng vỗ vai: “ Con đừng buồn, chuyện mua bán mà! Phải nặng lời với con như vậy trước người lạ dượng không muốn, nhưng để cho hài lòng khách. Ở đời, trong cái giả có cái thật, trong thật có cái giả. Thật giả song hành tồn tại. Làm cái nghề này phải biết phán đoán, biết nhiều nói ít. Giữ đồng vốn, nắm vững đồng lời, lợi nhuận càng cao càng tốt. Mọi thứ là phương tiện.” Tôi muốn hét lên cho đã cái miệng, muốn chạy đến đấm vô mặt ông Thạnh Hưng cho hả cơn giận.
Tôi nằm thiếp trên giường hai hôm rồi mà không thèm ăn uống. A Đẩu ngồi một bên khuyên:
-Anh đừng làm khổ mình nửa! Phải đứng dậy tỉnh táo đối phó với sự việc đang diễn ra trước mặt. Phải tỉnh táo, vì em và bé Gia Hiệp cần có anh .
Tôi tự hỏi: “A Cẩm là con ai?!! Chẳng lẽ…Trời!” Tôi nghe như muôn ngàn mũi kim châm chích khi nghĩ tới A Đẩu và đứa con. Liệu sự ray rức này có dủ sức vật ngã tôi, làm cho tôi ghẽ lạnh với Gia Hiệp và cho hạnh phúc gia đình âm thầm đổ vỡ? Đứa bé có tội gì! A Đẩu có tội gì! Ai là người có tội trong bi kịch này! “ Cả thế gian đều lầm! Lầm cả đám!”- Lời của A Đẩu nói có lý. Tôi bị mục rả nổi lều phều trong suy nghĩ, lẩn quẩn với mình. Chợt nhớ câu của thầy Đỉnh: “ Lẽ đời không phải lúc nào cũng lý giải được!” Làm cho tôi tĩnh táo.
Tôi mệt mỏi đến xin lỗi thầy Đỉnh. Thầy tiếp tôi với vẻ mặt trầm ngâm. Tôi nhỏ nhẹ:
-Em xin lỗi thầy về thái độ của A Đẩu hôm nọ. Vợ của em bị thần kinh đang thời kỳ bộc phát. Thầy tha thứ cho tụi em nhé!
Nửa tháng sau, tôi vô tình bắt gặp tờ báo có tin: “ Ông Sanh Mậu bị khởi tố về tội tiêu thụ, làm hàng giả, trốn thuế nhiều năm…” Mắt tôi đổ đom đóm khi cầm tờ báo trên tay. Chiều hôm ấy, thầy Đỉnh đến nhà tôi vẻ mặt buồn buồn nói:
-Người xin lỗi là tôi mới đúng. Anh chị thông cảm cho tôi. Giờ tôi khổ sở khi nhìn thấy bài báo: Người-đương-thời của mình viết. Chỉ trước đây vài hôm người ta còn khen ngợi náo nức. Con chữ đã bay đi khắp nơi rồi, làm sao bắt lại được đây! Làm sao mà nói với độc giả vài câu nhờ có sự cảm thông, tha thứ đây!
Thầy Đỉnh khổ sở ra mặt. Tôi an ủi:
-Thầy đừng gom gió bão vào lòng để tả tơi. Xét ra, cho cùng thầy không có lỗi gì! Những sự việc thầy viết về ông Sanh Mậu là chuyện có thật. “Mỗi sự vật ở đời luôn có hai mặt. Cũng như mặt trăng kia soi sáng nơi nơi, mặt trái của nó đen đúa ai biết!”- Thầy đã từng dạy như vậy!
-Đây là bài học rỉ máu trong sự nghiệp viết lách của tôi.-Thầy Đỉnh nói.
Thầy Đỉnh ra về trông cái dáng buồn hiu. Tôi thẩn thờ đi vô phòng viết, hai bài báo vô tình để gần nhau. Tôi nhìn con chữ của thầy Đỉnh nằm la liệt trên trang báo. Bỗng có có một con chữ ngóc đầu ngồi dậy hỏi: “ Anh ơi! Tôi và thầy ai là người cần biết!” Tôi giật mình để rơi “ tách” tờ báo xuống bàn, nhìn chồng bản thảo có bài đã viết xong, có bài còn dang dở. Tự hỏi: Liệu mình có đủ can đảm cho những con chữ này lặn lội ra đời hay không?
Phía đằng sau lưng có tiếng trẻ con: “ Thưa ba, con đi học mới dìa!” Tôi quay lại nhìn mắt của con sáng loá. Hỏi: “ Ai rước con về vậy!” “ Má Đẩu!”
Nhật Hồng
Hội Nhà Văn TP Cần Thơ.170,Lý Tự Trọng,
Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
ĐT: 07103.662.893.DD: 0939.860568.