|
Đường thi Trung QuốcĐăng Cao - Nguyên tác: Đổ Phủ ( 登高 ) Đỗ Phủ - 杜甫 * đăng lúc 02:30:08 AM, Sep 09, 2022 * Số lần xem: 10703
#1 |
Thể thơ: Thất ngôn bát cú, thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng cao - Nguyên tác: Đổ Phủ ( 登高 )
七言律詩
杜甫
登高
風急天高猿嘯哀, 渚清沙白鳥飛迴。
無邊落木蕭蕭下, 不盡長江滾滾來。
萬里悲秋常作客, 百年多病獨登臺。
艱難苦恨繁霜鬢, 潦倒新停濁酒杯。
ĐĂNG CAO
Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.
dịch nghĩa:
Gió thổi gấp, trời cao, vượn kêu buồn,
Bến nước trong, cát trắng, chim bay về.
Vô vàn lá rụng xào xạc,
Dòng sông dài cuồn cuộn chảy dài vô tận.
(Đường về quê) muôn dặm nhuốm vẻ thu hiu hắt, vẫn mãi làm khách xứ người,
(Cuộc đời) trăm năm lắm bệnh, một mình lên đài cao.
Gian nan, khổ hận, tóc mai dày nhuốm màu sương gió,
Thân già ốm yếu khiến mới phải dừng cạn chén rượu đục. Dịch thơ :
Lên Cao
Gió mạnh trời cao vượn rúc sầu
Bến trong cát trắng lượn đàn âu
Lào rào lá rụng cây ai đếm
Cuồn cuộn sông dài bước đến đâu
Muôn dặm quê người thân não cảnh
Một thân già yéu bước lên lầu
Khó khan ngao ngán bao là nỗi
Rượu uống không ngon chóng bạc đầu
Tản Đà
Lên Cao
Gió lộng trời cao vuợn nỉ non
Bến trong cát trắng chim chờn vờn
Rào rào lá uá bao la rụng.
Cuộn cuộn sông dài bát ngát tuôn
Thu đến bi than ngàn dặm nhớ
Lầu lên bệnh hoạn một thân buồn
Gian nan dầu dãi pha sương trắng
Ương yếu nhì nhằng ngưng rượu suông
Nguyễn Minh Thanh dịch
Đỗ Phủ ( 712 - 770 ):
nhà thơ Trung Quốc đời Đường, cùng thời với Lý Bạch. Thơ Ô. gắn liền với thời cuộc, với sự thống khổ của dân lành trong thời tao loạn. Ông đã cùng sống cùng chịu khổ như họ, nên có được những cảm thông sâu sắc , những bài: Bành Nha Hành, Tân Hôn Biệt...Người đời sau mệnh danh Ông là Thi Sử & Thi Thánh.
Bài thơ Đăng Cao ( Cửu Nhật Đăng Cao ), tức là bài thơ làm nhằm ngày 9 tháng 9 âm lịch, tiết Trùng Cửu.là một trong những bài thơ hay nhứt của tiên sinh. Chỗ độc đáo của bài Đăng Cao là 4 cặp đều đối nhau rất tài tình và tự nhiên làm cho người đọc rất thích thú. Trên đây, hậu sinh cố ý dịch 4 cặp đối nhau theo nguyên tác, nhưng không được chỉnh .
Nguyễn Minh Thanh dịch, soạn
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh. Đăng cao là bài thơ Đường luật cận thể ... Đăng cao là bài thơ Đường luật cận thể có kết cấu của lọai thơ thất ngôn bát cú. Bài thơ gồm hai phần được tách bạch khá rõ. Phần đầu tả cảnh, phần sau tả tình. Nghiên cứu thi pháp thơ Đỗ Phủ thì thấy ông sở trường về cổ thể (không bị ràng buộc chặt về luật) và thường thì do yêu cầu bộc lộ nội dung mà Đỗ Phủ đã sáng tác theo thể nào. Chẳng hạn khi cần bộc lộ những tình cảm riêng tư ông thường dùng thơ luật.
Đăng cao được Đỗ Phủ sáng tác vào năm 767. Bấy giờ nhà thơ đã rời Thành Đô đem gia đình phiêu bạt qua nhiều nơi rồi đến đất Quí Châu. Cùng thời điểm này Đỗ Phủ còn sáng tác tám bài “Thu hứng” rất nổi tiếng. Đó là những bài thơ được làm trước khi Đỗ Phủ qua đời ba năm trên con đường lưu lạc vì chiến tranh và đoạn trường cơm áo. Theo cuốn “Lịch sử văn minh Trung Quốc” của Will Durant thì tương truyền rằng, bấy giờ Đỗ Phủ đã về già (55 tuổi) sống rầu rĩ, bị mọi người bỏ rơi như “một vật xấu xa không ai muốn nhìn”. Một tai họa lớn xảy ra là vì bệnh tật, nhà thơ phải ngừng uống rượu, do đó mà việc làm thơ cũng không còn hứng thú nữa. Ông tìm lên một ngôi chùa trên núi Hoàng Sơn và đã làm ra bài Đăng cao.
Như vậy Đăng cao là một trong những bài thơ cuối đời của Đỗ Phủ. Đặc điểm những bài thơ cuối đời của ông là thường rất khái quát và cô đọng. Bởi suốt cuộc đời mình nhà thơ đã đủ kinh lịch để đúc kết nên những nhận xét như một sự tổng kết thiên về bản chất mà bớt đi những miêu tả cụ thể, chi tiết. Vì thế mà giá trị hiện thực của Đăng cao cũng như của nhiều bài thơ đồng thời của ông là rất to lớn.
Như đã nói, Đăng cao được chia làm hai phần rõ rệt. Phần một gồm bốn câu đầu thiên về tả cảnh với gần đầy đủ các sự vật trong thiên nhiên: Gió, trời, bến nước, làn cát, cây rừng, dòng sông… có đủ cả chim bay vượn hót. Tầm nhìn cua Đỗ Phủ lúc này rất rộng, đủ để thấy được cùng một lúc tất cả các sự vật trên; đồng thời cũng rất gần hoặc đúng hơn là nhà thơ đang ở vào giữa khung cảnh đó để có thể nghe được các thanh âm khác nhau cùng phát ra từ nó. Đó chỉ có thể là vị trí ở trên một đỉnh núi hoặc trên một cái đài. Đấy là một vị trí có thực, một độ cao có thực. cững tỏ Đỗ Phủ đã đăng cao đúng như đầu đề đã đặt của bài thơ.
Về ý nghĩa biểu đạt, bốn câu đầu không chỉ là sự tả cảnh thên nhiên đơn thuần. Căn cứ vào một loạt các hình dung từ đã được dùng: Thốc của gió, cao của trời, buồn của tiếng vượn kêu, trong của bến nước, trắng của làn cát, dằng dặc của dòng sông, cuồn cuộn của nước chảy… đã nói lên sự phóng khoáng, hùng tráng đến tột cùng của một khung cảnh thiên nhiên nhiều sắc màu và tiếng động. Nhưng đó là một sự hùng vĩ đượm màu u buồn, một sự tráng lệ khiến lòng người ảo não. Điều đó được thể hiện qua tiếng kêu buồn của loài vượn (viên khiếu ai), qua tiếng xạc xào của ngàn cây đang trút lá (Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ). Vì sao vậy? Chỉ một lí do: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Nguyễn Du). Vậy là bóng dáng của hiện thực đã được ẩn hiện một cách kín đáo qua những câu thơ “trữ tình phong cảnh” của Đỗ Phủ. Đó chính là sự dự báo của tác giả cho ý nghĩa của bốn câu thơ tả tình ở phấn sau. Nói theo thuật ngữ của giới phê bình văn học Trung Quốc thì đó là sự “phục bút”, một thủ pháp nghệ thuật cao tay của nhà văn.
Đỗ Phủ đã đi từ nỗi buồn của phong cảnh để tất yếu dẫn đến nỗi buồn của lòng người.
Vạn lý bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Hai câu thơ từng được người đời khen là hay nhất của Đỗ Phủ như một sự khái quát về toàn bộ cuộc đời ông. Ở tuổi 55, nhà thơ đang vượt qua thời điểm “tri thiên mệnh” trong sự nhọc nhằn, khổ ải nhất của cuộc sống để nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình. Một cuộc đời quanh năm lưu lạc vì chiến tranh và đói khát (vậy mới phải “thường tác khách”). Nhà thơ thấy hàng vạn dặm đường mà mình đã phiêu bạt qua những chìm đắm trong nỗi buồn của một mùa thu dằng dặc. Trong thơ cổ, nói đến mùa thu thường là nói đến nỗi buồn. Đỗ Phủ suốt đời sống trong buồn khổ nên ông đã xem cuộc đời mình là cả một mùa thu bất tận. Buồn vì lưu lạc, vìBách niên đa bệnh độc đăng đài.
Có người cho rằng với hai câu luận này, “Đỗ Phủ đã nêu lên bảy tầng ý đau thương: Ốm đau, bệnh tật, lưu lạc, gian nan, ăn nhờ ở đậu nơi đất khách quê người, cô độc, lẻ loi” (xem Văn học 10, tập 2, sách dành cho giáo viên, NXB Giáo dục 1990, tr 40). Nói vậy tưởng là sâu, là kĩ là chính xác mà thực ra là mơ hồ và có phần thô thiển. Thì cứ cho là có nhiều tầng ý đau thương như tác giả trong sách trên đã cố kể ra cho đủ bay tầng nhưng thực ra, theo lối tư duy ấy thì cũng chỉ đến ba tầng là hết: hai tầng đầu “ốm đau, bệnh tật” thực ra là một tầng; ba tầng tiếp theo “Lưu lạc, gian nan, ăn nhờ ở đậu nơi đất khách” là một tầng khác; và hai tầng “cô độc, lẻ loi” cũng chỉ nên xem là một tầng. Nói vậy là để tránh sự thô thiển khi lượng hóa nỗi buồn của Đỗ Phủ qua ngôn từ của hai câu thơ trên.
Ở đây cần lưu ý đến chữ “đài”. Trong phần đầu, để bao quát được phong cảnh thiên nhiên, Đỗ Phủ đã “đăng cao” theo đúng nghĩa đen của hành động này. Còn ở phần sau thì sự “đăng đài” của ông chỉ là một sự chuyển hóa của khái niệm. Từ một sự lên cao cụ thể nhà thơ đã chuyển sang một sư lên cao trừu tượng. Theo từ điển Hán – Việt, “đài” được định nghĩa là “một cái nhà làm cao có thể đứng để trông xa được”. Nhưng “đài” trong Đăng cao là một đỉnh cao của tinh thần, của tâm hồn Đỗ Phủ. Ở tuổi 55 trong buồn đau của cuộc sống, nhà thơ như linh cảm thấy mình đang đến gần với mùa thu cuối cùng của cuộc đời. Và từ điểm cuối của “Vạn lý bi thu” ông đã thoát mình ra khỏi nỗi đau buồn triền miên, nâng mình lên một tầm cao chót vót để dũng cảm nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình. Một sự khái quát thật cô đúc và tỉnh táo. Đó là cái bản ngã rất vững chãi của một tâm hồn cao đẹp, một cốt cách rất cứng cỏi.
Hai câu kết như mốt sự minh chứng thêm cho điều đó:
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.
Nghĩa là:
Gian khổ uất hận, mái tóc thêm ngả màu sương,
Lận đận vì mang nhiều bệnh mới phải ngừng chén rượu đục.
Ở đây trộm nghĩ cũng không nên hiểu là “Đỗ Phủ bước lên đài cao cần có chén rượu để giải buồn nhưng vì bệnh phổi nên phải kiêng rượu. Lúc cần uống rượu thì không được uống, vì thế mà Đỗ Phủ đau khổ dường nào! (sách đã dẫn tr 38) mà nên hiểu là: Sống trong khổ cực như thế, nha thơ chỉ còn lại một chút vui cuối cùng là được nâng lên một chén rượu dù là một chén rượu đục (trọc tửu bôi) chứ không dám mơ đến một chénn rượu ngon (mỹ tửu bôi) mà cũng không được vì trong người mang nhiều bệnh qúa rồi. Vậy thì cuộc đời nhà thơ còn gì nữa đâu ngòai đau buồn và khổ hận!
Nỗi buồn được dự báo từ bức tranh phong cảnh ở phần một đã được thể hiện rõ và nhân lên gấp đôi qua nỗi buồn của lòng người ở phần hai. Nếu ở phần một nhà thơ đã “đăng cao” để mô tả một cách khái quát về một phong cảnh buồn của đất trời, thì ở phần hai nhà thơ đã “đăng đài”cuộc đời mình để khái quát về chính cuộc đời mình. Ông đã “đăng cao” giữa thiên nhiên để thấy mình cô độc giữa cuộc đời. Đó là nỗi đau lớn nhất của một nhà thơ lớn đầy lòng yêu nước thương dân, có hoài bão cao đẹp “Giúp vua vượt Nghiêu Thuấn, Dựng lại phong tục thuần” nhưng đã bất lực và thất bại trước cuộc đời. Vẻ đẹp tư tưởng của bài thơ, của con người nhà thơ qua Đăng cao là ở đấy.
Với Đăng cao, Đỗ Phủ như muốn đánh dấu chấm hết cho cuộc đời mình, nhưng sự thành công đặc sắc về nhiều mặt trên cả hai bình diện nội dung và nghệ thuật của bài thơ đã đưa ông “đăng cao” để dựng nên một tượng đài bất diệt cho thơ ca và cuộc đời ông
Khuyet Danh
|
|