Tiết thu dạ, thiên quang vân tĩnh,
Chốn lữ đình, giấc tỉnh canh khuya.
Tai nghe văng vẳng bốn bề,
Gương Nga vằng vặc soi hè quế lan.
Thấy trăng, thêm động lòng vàng,
Ngâm câu vấn Nguyệt mà than mấy lời.
Hỏi chị Nguyệt mấy lời sau trước:
"Duyên cớ sao mà lại thảnh thơi ?"
Nguyệt rằng: "Vật đổi sao dời,
Thân này trời để cho người soi chung.
Làm cho mỏi mệt anh hùng,
Ngàn thu sương tuyết, một lòng thanh quang".
Hỏi chị Nguyệt: "Có đường lên tới ?
Chốn thiềm cung phỏng độ bao xa ?"
Nguyệt rằng: "Ta lại biết ta,
Có cây đan quế ấy là chị em.
Anh hùng thử tới mà xem:
Kìa gương ngọc thỏ, nọ rèm thuỷ tinh".
Hỏi chị Nguyệt: "Có tình chăng tá ?
Chứ xuân thu phỏng đã nhường bao ?"
Nguyệt rằng: "Yếu liễu tơ đào,
Càng lên càng tỏ, càng cao càng tròn.
Mảnh gương vằng vặc chẳng mòn,
Bao nhiêu tinh đẩu là con cái nhà".
Hỏi chị Nguyệt: "Hằng Nga mấy tuổi ?
Cứ năm năm đến tối lại ra ?"
Nguyệt rằng: "Ta lại biết ta,
Minh minh trường dạ, ai mà biết ai.
Vậy nên mở mặt soi đời,
Biết nơi nham hiểm, biết người tà gian".
Nghe Nguyệt nói, lòng càng yêu Nguyệt,
Biết lòng ta có nguyệt hay chăng ?
Muốn lên cho tới cung trăng,
Kết duyên cho được chị Hằng mới tha.
Một trăng với lại một ta,
Biết nhau chỉ lúc canh ba điểm thùng!
Nguyệt thong thả ướm lòng lại hỏi:
"Cõi trần gian là cõi làm sao ?"
Ta rằng: "Thế cuộc chiêm bao,
Công hầu, khanh tướng xôn xao trong vòng.
Tranh nhau chỉ vị hơi đồng,
Giết nhau vì miếng đỉnh chung của trời".
Nguyệt lại hỏi đến người quân tử,
Buổi vân lôi, hai chữ kinh luân.
Ta rằng: "Có đấng thánh thần,
Ra tay dẹp loạn, đem công trị bình.
Còn phường trục lợi tham danh,
Chẳng qua như chuyện minh linh, du phù".
Nguyệt lại hỏi: "Rừng nho mấy kẻ,
Rõ ra tay bẻ quế Tràng An ?"
Ta rằng: "Cá bể, chim ngàn,
Đời nào chẳng có phượng hoàng, kình nghê".
Ta hỏi Nguyệt ngẩn ngơ ngơ ngẩn,
Nguyệt hỏi ta thơ thẩn thẩn thơ.
Chồi hoa trước gió phất phơ,
Hiu hiu gió thổi, hương đưa ngạt ngào.
Canh càng thâm, Nguyệt càng cao,
Nguyệt ta, ta Nguyệt biết bao nhiêu tình!
Mấy câu ngâm chốn lữ đình,
Có ai biết Nguyệt biết mình cho chăng ?
"Nhân nguyệt vấn đáp" nghĩa là người và trăng hỏi đáp lẫn nhau. Tác giả bài thơ này không rõ là ai, nhưng có lẽ là một nhà nho chán đường danh lợi, ghét thói đua tranh, mượn câu chuyện ấy để dãi bày tâm sự.
Trời quang mây tạnh.
Chú thích: lữ đình
Nhà trọ.
Chỉ cung trăng. Hằng Nga, vợ của Hậu Nghệ sau khi ăn trộm thuộc trường sinh của chồng rồi chốn lên cung trăng thì hoá thành con cóc.
Cây quế đỏ ở cung trăng. Tích Đường Minh Hoàng lên chơi cung trăng, thấy các nàng tiên múa dưới bóng cây quế.
Chỉ mặt trăng. Tích trong kinh Phật, một con thỏ nhân đức, thấy các con thỏ khác đói bèn nhảy vào đống lửa làm chả cho đồng loại ăn đỡ đói. Khi các con thỏ kia ăn hết thịt rồi, đức Phật Thích Ca bèn đem xương còn lại để lên cung trăng.
Đêm dài mờ tối.
Đỉnh là cái vạc ba chân dùng để nấu ăn, chung là cái chuông, hai thứ đó là đồ của nhà phú quý, bày vạc để ăn và khi ăn thì rung chuông. Nghĩa rộng là giàu sang.
Mây sấm, chỉ sự loạn lạc.
Minh linh là một thứ sâu màu xanh, ăn lá rau, lớn lên thành bướm du phù, tức là phù du (con vờ), một thứ côn trùng sinh dưới nước, khi hoá, có cánh bay được, chỉ ít lâu thì chết. Người ta chỉ nói con phù du, không bao giờ nói du phù, ở đây tác giả túng vần nên phải đặt như thế.
Bẻ cành quế ở đất kinh đô, chỉ sự thi đỗ.
Phượng hoàng là một loài linh điểu trong tứ linh, chỉ người tài giỏi. Kình nghê là giống thú lớn ở biển, tức là cá voi, ở đây chỉ người anh hùng.
Nguồn: Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm