Nov 23, 2024

Đường thi Việt Nam

Thơ Đường nhân chuyến thăm Cố Đô
Ðặng Văn Sinh * đăng lúc 04:24:54 PM, Jul 10, 2008 * Số lần xem: 2149
Hình ảnh
Ðặng Văn Sinh
#1
Thơ Đường nhân chuyến thăm Cố Đô:

Đặng Văn Sinh

Sau chuyến đi Huế vào dịp trung thu năm Bính Tuất, Đặng Văn Sinh bắt chước người xưa theo kiểu “nối điêu”, làm được mấy bài thơ chữ Hán theo thể Đường luật, trong đó có một bài ngũ ngôn tứ tuyệt, ba bài thất ngôn tứ tuyệt và một bài thất ngôn bát cú nhằm ghi lại cảm xúc của mình trên hành trình vào thăm Cố đô.... Các bài đều đã được phiên âm và dịch nghĩa, riêng phần thơ , tôi có nhờ nhà thơ Nguyễn Đào Trường, 74 tuổi, hiện đang cư ngụ ở số nhà 65, phố Đinh Văn Tả (48 Bắc Hàn Giang cũ), thành phố Hải Dương dịch giúp. Xin chân thành cảm ơn cụ Nguyễn Đào Trường và kính chuyển cả phần nguyên tác cùng bản dịch đến độc giả, những gì còn khiếm khuyết xin được lượng thứ.

Đặng Văn Sinh


過 大 靈 江

鄧 文 生

此 地 前 朝 曾 血 戰
戈 矛 影 照 黯 愁 雲
至 今 客 到 靈 江 上
往 事 回 頭 憶 古 人
大 靈 江, 秋 月,丙 戌 年

Phiên âm:

Quá Đại Linh giang[1]

Đặng Văn Sinh
Thử địa tiền triều tằng huyết chiến
Qua mâu ảnh chiếu ảm sầu vân
Chí kim khách đáo Linh Giang thượng
Vãng sự, hồi đầu ức cổ nhân.
Đại Linh giang ,thu nguyệt, Bính Tuất niên

Dịch nghĩa:

Qua sông Gianh

Đất này triều trước đã từng là nơi huyết chiến
Ánh giáo gươm chiếu lên làm tối đám mây buồn
Đến nay khách viếng thăm sông Gianh
Ngoảnh đầu nghĩ đến chuyện cũ, nhớ người xưa.
Sông Gianh, mùa thu, năm Bính Tuất

Dịch thơ:

Qua sông Gianh
Nơi đây huyết chiến ngày xưa
Giáo gươm lóe chớp rơi mưa mây sầu
Sông Gianh khách đến bấy lâu
Người qua chuyện cũ ngoảnh đầu lệ rơi.

Nguyễn Đào Trường

古 城 廣 治
鄧 文 生
廣 治 荒 城 絕 鷓 鴣
風 吹 舊 塚 颭 葦 蘆
誰 知 死 士 魂 猶 在?
“一 將 功 成 萬 骨 枯”.
廣 治,丙 戌 年,仲 秋,初 七 日

Cổ thành Quảng Trị

Đặng Văn Sinh

Quảng Trị hoang thành tuyệt giá cô[2]
Phong xuy cựu trủng chiểm vi lô
Thùy tri tử sĩ hồn do tại?
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô”.
Quảng Trị, Bính Tuất niên, trọng thu, sơ thất nhật

Dịch nghĩa:

Thành cổ Quảng Trị
Thành hoang Quảng Trị đã hết loài chim tu hú
(Chỉ có)gió thổi làm lung lay đám lau sậy trên những ngôi mộ cũ
Nào ai biết hồn chiến sĩ trận vong còn ở nơi này?
Một tướng làm nên chiến công phải đổi bằng vạn sinh mạng.
Quảng Trị, ngày mồng 7, tháng 9, năm Bính Tuất

Dịch thơ:

Thành Cổ Quảng Trị

Lau sậy hoang thành lạnh gió xô
Lung lay mộ cũ trận năm xưa
Nào ai tử sỹ vong hồn hận
"Nhất tướng công thành vạn cốt khô".

Nguyễn Đào Trường

香 江 即 事
鄧文生
水 上 遊 船 溢 月 琴
香 江 幾 度 日 浮 沉
詩 人 才 女 愁 相 別
一 曲 南 平 淚 滿 襟
順 化,丙 戌 年,仲 秋,吉 日

Phiên âm:

Hương giang tức sự
Đặng Văn Sinh

Thủy thượng du thuyền[3] dật nguyệt cầm
Hương giang kỷ độ nhật phù trầm
Thi nhân, tài nữ sầu tương biệt
Nhất khúc Nam Bình[4] lệ mãn khâm.
Thuận Hóa, Bính Tuất niên, trọng thu, cát nhật

Dịch nghĩa :

Hương giang tức sự

Trên mặt nước, du thuyền đầy tràn tiếng đàn nguyệt
Đã bao lần mặt trời chìm nổi trên Hương giang
Thi nhân, tài nữ lưu luyến từ biệt nhau
Một khúc hát Nam Bình, nước mắt thấm ướt vạt áo.

Huế, ngày lành, tháng chín, năm Bính Tuất

Dịch thơ:
Hương giang tức sự

Mặt nước thuyền đi tiếng nguyệt tràn
Mây trời chìm nổi bến Hương Giang
Thi nhân tài nữ lưu từ biệt
Khúc hát Nam Bình lệ mãi loang.

Nguyễn Đào Trường

千 澍 陵 感 作
鄧 文 生
殘 陽 留 故 塔
玉 殿 冷 無 燈
世 祖 今 何 在
猶 存 一 石 陵
千 澍 陵,丙 戌 年,仲 秋

Phiên âm:

Thiên Thụ[5] lăng cảm tác

Đặng Văn Sinh

Tàn dương lưu cố tháp
Ngọc điện lãnh vô đăng
Thế Tổ[6] kim hà tại
Do tồn nhất thạch lăng
Thiên Thụ lăng, Mậu Tuất niên, trọng thu

Dịch nghĩa :

Cảm xúc làm thơ về lăng Gia Long
Nắng chiều còn sót lại trên tháp cổ
Cung điện lạnh lẽo không ánh đèn
Đức Thế Tổ bây giờ ở đâu?
Chỉ còn lại một tòa lăng đá.

Lăng Thiên Thụ, tháng chín, năm Mậu Tuất

Dịch thơ:

Cảm xúc làm thơ trước lăng Gia Long
Tháp cổ vương nắng chiều
Cung điện quạnh cô liêu
Thế Tổ đâu còn mãi
Lăng đá lạnh đìu hiu.

Nguyễn Đào Trường

謙 陵 前 有 感

鄧 文 生

謙 恭 記 在 石 碑 堂
御 手留 名 一 帝 王
內 亂 京 城 人 餓 死
外 侵 六 省 虜 封 疆
謙 恭 巧 語 欺 天 地
嗣 德 自 誇 惑 四 方
聖 澤 頒 民 何 又 在
回 頭 只 見 幾 災 殃.

順 化,謙 陵 前, 丙 戌 年,仲 秋

Phiên âm :

Khiêm lăng tiền hữu cảm
“Khiêm cung ký”[7] tại thạch bi đường
Ngự thủ lưu danh nhất đế vương
Nội loạn, Kinh thành nhân ngạ tử
Ngoại xâm, Lục tỉnh lỗ phong cương
“Khiêm cung” xảo ngữ khi thiên địa
“Tự Đức”[8] tự khoa hoặc tứ phương
Thánh trạch ban dân hà hựu tại?
Hồi đầu chỉ kiến kỷ tai ương.
Thuận Hóa, Khiêm lăng tiền, Mậu Tuất niên, trung thu

Dịch nghĩa:

Cảm nghĩ trước Khiêm lăng
Bài ký “Khiêm cung” đặt trong nhà bia
Là ngự bút lưu danh bậc đế vương
Nội loạn, tại Kinh thành người chết đói
Vùng Lục tỉnh, giặc ngoại xâm chiếm đóng
“Khiêm cung” là câu nói khéo nhằm dối trời đất
“Tự Đức” là lời khoe để mê hoặc thiên hạ
Ơn vua ban cho dân giờ ở đâu?
Ngoảnh đầu chỉ thấy biết bao nhiêu tai ương.

Huế, trước Khiêm lăng, trung thu, năm Mậu Tuất

Dịch thơ:

Cảm nghĩ trước Khiêm lăng
Khiêm cung nào có khiêm gì?
Đế vương ngự bút để bia muôn đời
Kinh thành loạn,đói chết người
Ngoài kia sáu tỉnh làm mồi ngoại xâm
Lừa dân khéo đặt Khiêm cung
Lời khoe mẽ chẳng thể mong yên bình
Ơn Vua ban thật mong manh
Tai ương chiếu chỉ dân lành lầm than.

Nguyễn Đào Trường

[1] Tên chữ Hán của sông Gianh là Đại Linh giang

[2] Một loài giống chim tu hú (có sách gọi là con đa đa tức gà gô) trước chiến tranh thường gặp ở thành cổ Quảng Trị, nay gần như đã tuyệt chủng.

[3] Tác giả cùng một số bạn bè đi thuyền nghe hát trên sông Hương

[4] Một làn điệu dân ca Huế

[5] Tên lăng của vua Gia Long. . Khi vào lăng, tác giả sơ ý, không nhìn tự dạng hai chữ “Thiên Thụ”, không hiểu”Thiên thụ”là”千樹 = nghìn cây” hay”天壽= tuổi trời), hoặc “天澍 = cây trời”, tìm ở Google, các tư liệu của Trung Quốc chỉ có tên “嘉隆陵= Gia Long lăng” tại địa danh “順化= Thuận Hóa” mà không có hai chữ “Thiên Thụ lăng”. Vậy kính mong các danh sỹ ở Cố đô, vị nào biết được tự dạng “Thiên thụ” hoặc Thiên thọ”cùng nghĩa của nó xin vui lòng chỉ giáo và gửi về hộp thư của Đặng Văn Sinh: thaivan@gigya.com.

[6] Miếu hiệu của vua Gia Long

[7] Bài ký tỏ ý khiêm tốn, cung kính do vua Tự Đức soạn, được khắc vào bia đá để trong nhà bia tại Khiêm lăng

[8] Niên hiệu của Hồng Nhậm sau khi giết anh là Hồng Bảo rồi lên ngôi hoàng đế.

***
*

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.