Có đổi mới mới có tiến bộ. Bất cứ cái gì cũng cần phải đổi mới. Thi ca phải nói tiếng nói của thời đại, tâm tình của thời đại. Nhưng đổi mới như thế nào, đó mới là vấn đề. Đổi mới không phải là sổ toẹt cái cũ. Nếu thế thì sinh mệnh của thi ca ngắn ngủi quá. Mà sở dĩ con người làm thơ làm nghệ thuật là muốn biến cái hữu hạn cuộc đời thành vĩnh cửu. Ngày nay chúng ta vẫn còn đọc và thưởng thức Nguyễn Du, Lý Bạch, Đỗ Phủ ... Những con người ấy không bao giờ cũ cả. Những câu ca dao như :
Đèn thương nhớ ai, mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai mà mắt đăm đăm
Không bao giờ cũ. Vì đó là tiếng nói muôn thuở của con người. Tạo hóa tạo ra hàng tỷ tỷ con người vẫn chỉ là từng ấy mặt mũi tay chân, chẳng ai khác ai, nhưng mỗi người trong cái chung vẫn có một dáng dấp riêng. Tạo hóa không đổi mới con người bằng cách xếp đặt mặt mũi tay chân qua những vị trí khác... nếu lỡ có một thai nhi nào chào đời, thừa thiếu một trong những ngũ quan đó – người ta gọi đó là dị dạng, là quái thai, các bác sĩ sẽ tìm cách mổ xẻ làm lại cho dứa trẻ được một vóc dáng bình thường ...
Thơ cũng vậy, không lý gì chân lại đổi chỗ cho tay, bộ óc lại nằm trong con mắt !
Lý Bạch khi uống rượu dưới trăng viết:
Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cố nhân
Có nghĩa là: người bây giờ không thấy trăng ngày xưa, Trăng ngày xưa vẫn chiếu sáng người bây giờ.
Hoặc:
Nhân phan minh nguyệt bất khả đắc
Nguyệt hành khước dữ nhân tương tùy.
Có nghĩa là: người ta với lên trăng không được, nhưng người đi đâu thì trăng đi đó.
Cái nhìn của họ Lý rất mới. Điều đó ai cũng biết nhưng không nói ra được. Chỉ có Lý Bạch mới nói ra được. Nó nói cái ngắn ngủi, cái nhỏ nhoi của kiếp người.
Thơ có cần Phải có luật tắc không ?
Hỏi : có cần chú ý đến luật thơ không ? Nói cách khác luật thơ có thật sự cần thiết không ?
Trả lời : chúng ta ai cũng thích tự do, ngay cả trong lĩnh vực thi ca. Nhưng tự do nào cũng có giới hạn của nó. Đi đường gặp đèn đỏ thì phải ngừng không thể cứ tự do vượt. Con người từ khi sinh ra trước khi biết đi phải biết nằm ngồi đứng rồi mới đi và sau đó mới chạy được không ai có thể chưa biết đứng đã biết đi... trước khi ăn được thức ăn cứng phải biết uống sữa và ăn thức ăn mềm trước tiên...
Nhưng muốn trả lời câu hỏi tôi xin được hỏi câu này :
Luật thơ có phải do con người đặt ra không ?
Nếu nó là sáng tạo của con người thì con người có thể phá bỏ nó mà đặt ra một luật lệ mới thích hợp hơn. Nhưng con người không hề sáng tạo ra Luật thơ . Con người chỉ khám phá ra Luật Thơ, hệ thống hóa nó để giúp cho người học thơ mau đạt được kết quả...
Luật Thơ ví cũng như Văn Phạm - Người Việt Nam không cần học Văn Phạm vẫn nói được tiếng Việt . Vậy thì thơ có trước , Luật thơ có sau.
Ngôn ngữ có trước Văn Phạm có sau – Vậy mà có luật, Ai đặt ra Luật ?
Luật là vật hằng có là một nguyên tắc sinh hoạt của tạo hóa - Như nước chảy xuống chỗ trũng, như nhẹ thì bốc lên cao, nặng thì chìm xuống.
Ta chiêm nghiệm mà biết. Hết ngày lại đến đêm, hết đêm lại đến ngày. Đó là luật mâu thuẫn thống nhất mà người ta đã tưởng tìm ra nhưng thực sự nó là luật Âm Dương tương hỗ. Có Âm không có Dương thì không có sự sống và ngược lại cũng vậy... Âm Dương không đều hòa thì vũ trụ bất an – chỉ có Thanh Bằng và Thanh Trắc. Bằng là Âm, trắc là Dương - Quân bình được âm dương thì câu thơ nghe êm tai .
Mục đích tối hậu của thi ca nói riêng, của nghệ thuật nói chung là đem lại sự thoải mái cho con người - Có thoải mái con người mới thấy hạnh phúc. Nếu hình thức thi ca không đáp ứng được điều đó là thi ca đã thất bại. Chúng ta nên nhớ điều này: chân lý chỉ có một. Vậy cho nên luật thơ chỉ có một: đó là thế quân bình âm Dương - Nói luật thơ Song Thất khác luật thơ Đường, khác luật thơ Cổ, luật thơ mới là chỉ nhìn thấy ngọn.
Thật ra, tất cả luật thơ đều giống nhau. Tôi xin lấy một ví dụ. Thơ luật Đường cũng Bảy chữ nhưng đọc lên ta ngắt thành Ba đoạn như sau :
Bước tới / đèo Ngang / bóng xế tà
trong khi thơ Song Thất cũng Bảy chữ nhưng ta đọc:
Trải vách quế / Gió vàng / Hiu hắt
Vì cái nhịp nó đổi nên ta tưởng luật nó đổi. Nếu ta căn cứ vào những chữ cuối nhịp - mà gọi là chữ luật - thì luật của thơ là:
Tới (trắc) Ngang (bằng) Xế (trắc) tà (Vần)
Quế (Trắc) Vàng (bằng) Hắt (trắc)
Thơ Đường có hai thể: Bằng và Trắc
Bằng là chữ thứ hai câu đầu là Bằng – Trắc là chữ thứ hai câu hai là trắc
Bảng tóm tắt như sau :
Thể Bằng :
B B T T T B Vần
T T B B T T Vần
T T B B B T T
B B T T T B Vần
B B T T B B T
T T B B T T Vần
T T B B B T T
B B T T T B Vần
Thể Trắc :
T T B B T T V
B B T T T B V
B B T T B B T
T T B B T T V
T T B B B T T
B B T T T B V
B B T T B B T
T T B B T T V
Đọc Luật thi ai cũng biết câu :
Nhất tam ngũ bất luận,
Nhị tứ lục phân minh.
Nghĩa là chữ thứ 1, 3, 5 muốn viết là bằng hay trắc cũng được - Chữ thứ 2, 4, 6 phải đúng như luật đã qui định. Căn cứ vào luật đó ta thấy:
Chữ thứ 2 4 6 thể bằng :
B T B
T B T
T B T
B T B
B T B
T B T
T B T
B T B
Và 2 4 6 thể trắc thì :
T B T
B T B
B T B
T B T
T B T
B T B
B T B
T B T
Ta thấy chữ cuối nhịp 1 là bằng thì cuối nhịp 2 là trắc và cuối nhịp ba là bằng - Ngoài những chữ cuối nhịp ra tất cả những chữ khác muốn viết là bằng hay trắc cũng được. Đó là nguyên tắc sơ đẳng. Dĩ nhiên niêm luật còn phức tạp hơn nhiều. Nhưng bước đầu chúng ta cần biết như vậy.
Đến thơ mới 8 chữ, đến hát ả đào (ca trù) cũng vậy :
Anh một mình / nghe tất cả / buổi chiều
Vào chầm chậm / ở trong hồn / hiu quạnh
Anh nhớ bóng / anh nhớ hình / nhớ ảnh
Anh nhớ em / anh nhớ lắm / em ơi !
Mỗi câu thơ ngắt làm ba nhịp. căn cứ vào những chữ cuối nhịp ta có :
Mình (bằng) cả (trắc) chiều (bằng)
chậm (trắc) hồn (bằng) quanh (trắc)
bóng (trắc) hình (bằng) ảnh (trắc)
Em (bằng) lắm (trắc) ơi (bằng
Sở dĩ như vậy vì câu thơ vần ôm. Cứ hai vần trắc lại nôi theo vần bằng. Nếu theo vần chéo thì luật thơ lại đổi khác nhưng vẫn tuân theo quy luật : bằng trắc bằng, trắc bằng trắc..
Thí dụ:
Anh một mình / nghe tất cả / buổi chiều
vào chầm chậm / ở trong hồn / hiu quanh
Bóng trăng tròn / khiến anh nhớ / em yêu
Tà áo ấy / chiều nào / trong gió lạnh
Luật sẽ là :
B T B
B B B
Tôi trình bày các thi hữu có lẽ tưởng tôi là người nệ cổ. - Không phải vậy. Người cầm bút nói chung, người làm thơ nói riêng phải nói tiếng nói của thời đại mình. Thời đại mình không còn nón quai thao, không còn chiếc cáng điều. Thời đại ta có xa lộ, có máy bay, có hỏa tiễn. Qui luật ấy không những cho thơ, cho hội họa, cho âm nhạc mà còn cho chính trị, cho kinh tế, cho xã hội – Những qui tắc đặt ra là để giúp cho lối phô diễn được đẹp đẽ hơn, du dương hơn, tức là để giúp cho nội dung phong phú thâm viễn hơn, trang nghiêm tế nhị hơn, trang nghiêm tế nhị hơn thì qui tắc mới đáng quí, mới đáng phát huy.
Tôi xin mượn một câu của cổ hiền tây phương: “l' art nait de contrainte et meurt de liberté”, có nghĩa là “nghệ thuật sanh nhờ cưỡng bách chết vì tự do”, là vậy đó.
Tôi xin trích lời của Thi Sĩ Quách Tấn:
Luật thơ không phải do đôi ba người hay một nhóm người háo sự đặt ra mà chính là sự phát huy những kinh nghiệm kỹ thuật đã thành công, điển chế những sự thành công ấy để làm khuôn phép chung cho những ai thấy rõ công dụng và tự ý đem làm phương tiện cho mình. Không ai ép buộc mình phải tuân theo, nếu mình không thích.
Nói tóm lại: luật thơ đặt ra là cốt để giúp cho thi nhân những phương tiện ổn định để diễn đạt ý thơ của mình. Có cái gì mà không có luật tắc. Nhưng niêm luật không phải là do con người đặt ra. Thơ có trước khi có niêm luật. Ngôn ngữ có trước khi có văn phạm. (Con người có trước thi ca) Luật thơ hay văn phạm chỉ là một khám phá của con người. Như ta khám phá ra nước chảy xuống chỗ thấp là một qui luật. Vậy luật thơ tiềm ẩn trong thi ca, là luật chung của tạo hóa.
Không biết đến qui luật đó; đòi hỏi một thứ tự do không có luật tắc là một chuyện không tưởng.
Thơ có thể không cần có vần, nhưng vẫn cần nhịp điệu. Ta không thể đọc một câu thơ một mạch từ đầu đầu đến cuối. Ta không thể phá bỏ luật tắc của thiên nhiên . Nhịp điệu là luật tắc của thiên nhiên vậy.
Thơ là tiếng nói của lòng (tâm chi thanh). Thơ phải có nhạc mới dễ truyền cảm. Mà vần là yếu tố quan trọng để tạo nhạc. Vậy chúng ta phải cố tránh những vần ép. Nếu không dùng được những vần chính thì nên lựa những vần thông gần nhau ...
Thơ Khác Văn Chỗ Nào ?
Thơ cốt ở cảm rồi hiểu là thứ yếu. Văn thì ngược lại. Văn phải hiểu trước phải có chuyện, có sự việc, thơ thì không cần. Thơ là tiếng nói trực phát của con tim. Văn phải có sự làm việc nghiêm chỉnh của lý trí.
Thơ không cần lý trí nhiều.
Đó là ý thô thiển cuả tôi Có gì sai sót tôi xin lãnh ý
huệthu
03 20 2013
|