1.200 phút quay, chắt đọng lại chỉ còn 35 phút là một việc làm cực kỳ khó nhọc của cả đoàn làm phim. Nhưng với đạo diễn Lương Đình Dũng, anh thật sự ấn tượng và thấy hài lòng về bộ phim mà mình đã bỏ ra nhiều công sức.
Bản thân là một người yêu thích dân ca, yêu nghệ thuật hát xẩm, lại từng được nghe bà Hà Thị Cầu hát, nên đạo diễn Lương Đình Dũng đã đau đáu một nỗi niềm. Chính vì với suy nghĩ rằng, cụ Cầu năm nay đã 94 tuổi, với giọng hát “trời cho” như vậy, anh muốn lưu giữ một chút gì về người nghệ nhân này, nên anh đã bắt tay vào làm phim về cụ.
Được bắt đầu bằng một gánh xẩm có loa thùng và hai thanh niên hát dọc phố cổ Hà Nội. Cả một bộ phim không lời bình, chỉ độc lời thoại và những lời hát xẩm của cụ Cầu đan xen. Đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ, đó là chủ ý của anh muốn cho người xem tự cảm nhận về cuộc đời khó khăn, khổ cực của cụ Cầu, cũng như giọng hát rất độc đáo của cụ Cầu qua những lời hát xẩm. “Chạch mấy chấu thời cắn cổ ba ba. Một lũ chị đàn bà đuổi bóp vú đàn ông. Người nằm xuống để cho lợn cạo lông. Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi. Nắm xôi chim nuốt thằng bé lên mười. Con gà, chai rượu để nuốt người lao đao. Lươn nằm để cho ống bò vào. Một đàn cào cào đuổi đớp đầu cá rô. Thóc giống đương giữ chuột trong bồ. Lòng đong, cân cấn để mổ cò xôn xao. Thớt kia mày định nghiến con dao. Một đàn con cóc chực đớp ông sao trên giời”...
|
Nghệ nhân Hà Thị Cầu – “nhân vật chính” trong phim “Xẩm đỏ”. |
Chính vì đau đáu một nỗi niềm, môn nghệ thuật hát xẩm sẽ bị mai một nên một số chỗ đạo diễn sử dụng phép so sánh. Tác giả đã dùng hình ảnh một đoàn ca nhạc trẻ ôtô với loa to quảng cáo ầm ầm chạy qua trước cổng nhà cụ Cầu, và hình ảnh một mình cụ Cầu đang đứng nhìn theo rất hồn nhiên để nói lên một điều rằng “người hát xẩm hình như đã bị lãng quên”.
Kết thúc phim, vẫn là giọng hát ai oán, réo rắt, như chính cuộc đời cụ: “Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước cánh bèo. Đã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Đời người mấy lúc, đời người mấy lúc vất vả gian truân, chứ thiếp tôi. Tôi thì hiên về, liệu bảy lo ba, bên chồng cũng nặng, bên cha cao dày. Thế cho nên một mình tôi lo lắng cả đêm ngày…”.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng hy vọng, nếu có cơ hội tôi sẽ giới thiệu phim này ra bạn bè quốc tế để họ biết đến nghệ thuật hát xẩm ở Việt Nam