Dương Quý Phi-người đẹp hoa nhường
Tranh của Hosoda Eishi đầu thế kỷ 19 tại viện
bảo tàng Anh
Dương Quý Phi, tranh lụa của Takaku Aigai tại bảo tàng mỹ thuật SEIKADO BUNKO
Phần 1 - Dương Quý Phi: Người đẹp “tu hoa”?
Là một trong “tứ đại mỹ nhân”, cuộc đời của Dương Quý Phi (719-756) quả thực đã ứng với câu nói “hồng nhan bạc phận”. Được tiến cung vào hầu hạ Thọ vương Lý Mạo, nhưng cuối cùng Dương Quý Phi lại trở thành thiếp yêu của cha Lý Mạo, Đường Huyền Tông.
Dù rất sủng ái Dương Quý Phi, rốt cuộc, Đường Huyền Tông vẫn phải xuống tay với nàng để vỗ yên binh lính. Cũng như cuộc đời chìm nổi, cái chết của Dương Quý Phi ẩn chứa không ít bí mật mà tới nay người ta vẫn khó tìm được lời giải thuyết phục.
Tuyệt thế giai nhân đời Đường (tên thật: Dương Ngọc Hoàn), sinh ra ở Vĩnh Lạc, Châu Bồ, nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), là con của Dương Huyền Diễm, một ti hộ (quan chức quản lý hộ khẩu) Châu Thục.
Dương Ngọc Hoàn không chỉ có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, mà còn thông minh, đàn hay, múa đẹp, lại giỏi âm luật. Năm 734, Dương Ngọc Hoàn được tiến cung làm vương phi của Thọ vương Lý Mạo, con thứ 18 của Đường Huyền Tông.
Dương Quý Phi (trái) và Triệu Phi Yến- hai tuyệt thế giai nhân đối lập về hình thể
Năm 737, Vũ Huệ Phi, cung phi được Đường Huyên Tông sủng ái nhất qua đời. Đường Huyền Tông buồn rầu, ngày nhớ đêm thương, lập đài Tập Linh để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ Phi sớm siêu thăng. Cả ngàn mỹ nữ nơi hậu cung mà không ai có thể làm Đường Huyền Tông nguôi sầu.
Một hôm, thái giám Cao Lực Sĩ đi qua phủ Thọ vương thấy Dương Ngọc Hoàn là giai nhân tuyệt sắc, liền mật tấu với Đường Huyền Tông. Ban đầu, Dương Ngọc Hoàn được triệu vào cung làm “nữ đạo sĩ” đèn nhang, sớm hôm cầu nguyện cho linh hồn của Vũ Huệ Phi. Năm 745, “nữ đạo sĩ” Dương Ngọc Hoàn được Đường Huyền Tông sắc phong làm quý phi, biến những lời đồn đại ngoài dân gian về chuyện “cha cướp vợ con” thành hiện thực. Từ đó, Dương Ngọc Hoàn được gọi là Dương Quý Phi.
Vui duyên mới, hình ảnh Vũ Huệ Phi phai mờ dần trong lòng Đường Huyền Tông, rồi nỗi buồn rầu thương nhớ người cũ cũng tiêu tan, thay vào đó là nụ cười cởi mở, những cái liếc nhìn tình tứ, đắm say dành cho Dương Quý Phi. Để làm đẹp lòng giai nhân, Đường Huyền Tông phong cha nàng làm Binh bộ thượng thư. Ba chị của Dương Quý Phi thoắt cái trở thành phu nhân của Hàn Quốc, Quốc và Tần Quốc, mỗi tháng mỗi vị phu nhân hưởng lộc triều đình 30 vạn quan tiền. Anh họ Quý Phi là Dương Xuyên được phong làm tể tướng và được đổi tên là Dương Quốc Trung, uy quyền nghiêng đổ thiên hạ.
Về phần Dương Quý Phi, có thể nói, tuyệt thế giai nhân muốn gì là được nấy. Tập "Tây bắc thảm kỳ" của Đào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368-1628) có chép truyện "Quái Nham Quý phi toàn dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quý Phi tắm suối ở Quái Nham. Ai cũng cho là một sự quái lạ bởi Quái Nham là một hòn núi kỳ quái, hiểm hóc ở về phía nam tỉnh Thiểm Tây. Nơi này ít có dấu chân người đặt đến. Thân núi cao vót, vách đá cheo leo. Người nào hiếu kỳ muốn lên được trên núi phải bám mỏm đá, bíu dây song chuyền thân cây, phải giữ từng ly từng tí, chật vật khó khăn, mệt đứt hơi, sợ bể tim mới lên đến được. Sơ sẩy một chút rơi xuống thì bỏ mạng.
Vậy mà vị vua già vẫn thẳng tay hạ chỉ cho quan lại địa phương phải nghĩ cách làm cho được con đường lên núi. Hạn trong nửa tháng, làm xong sẽ hậu thưởng, bằng không sẽ cách chức, phạt nặng. Hàng trăm người đã phải bỏ mạng trong khi thi công, hơn 10 vạn lạng bạc đã phải chi ra chỉ để làm một chiếc cầu cho vua và quý phi lên núi Quái Nham tắm. Nhưng liệu Dương Quý Phi đẹp đến mức Đường Minh Hoàng bất chấp tính mạng của bá tính chỉ để mua lấy nụ cười giai nhân?
Chuyện xưa kể rằng lúc mới nhập cung, mãi không được gặp quân vương, Dương Ngọc Hoàn suốt ngày chẳng cười lấy một nụ. Một lần, Dương Ngọc Hoàn cùng mấy cung nữ vào ngự hoa viên ngắm hoa. Nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, Dương Ngọc Hoàn buông lời than thở: "Hoa à, hoa à! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?". Lời chưa dứt, lệ đã tuôn.
Tượng Dương Quý Phi tắm ở Tây An (Trung Quốc)
Dương Ngọc Hoàn đưa tay vuốt cánh hoa, hoa chợt thu mình, khép lá, cuộn lại. Một cung nữ nhìn thấy và câu chuyện về sắc đẹp của Dương Ngọc Hoàn khiến hoa cũng phải xấu hổ (tu hoa) bắt đầu lan truyền từ đó. Đường Minh Hoàng nghe nói trong cung có “mỹ nhân tu hoa” liền triệu kiến, rồi mê mẩn và phong làm quý phi. Không ai ngờ rằng, cây hoa mà Dương Ngọc Hoàn chạm phải là hoa trinh nữ (hoa xấu hổ) và việc “thu mình, khép lá, cuộn lại” chỉ là một phản ứng tự nhiên của loại hoa này.
Sắc đẹp của Dương Quý Phi không chỉ được truyền tụng, mà còn đi vào trong thi ca. Nhà thơ Lý Bạch từng viết bài “Thanh bình điệu” để ca tụng sắc nước hương trời của Dương Quý Phi. Tuy nhiên, theo dã sử Trung Quốc, Dương Quý Phi cao 1 mét 64, nặng 69 kg (cũng có chỗ nói Dương Quý Phi cao 1 mét 55, nặng 60 kg). Dân gian Trung Quốc cũng lưu truyền câu “Hoàn phì, Yến sấu” (Hoàn béo, Yến gầy) để nói về sự đối nghịch về hình thể giữa mỹ nhân đời nhà Hán và mỹ nhân đời nhà Đường: Hoàng hậu Triệu Phi Yến của Hán Thành Đế nhỏ nhắn còn Dương Quý Phi của Đường Huyền Tông lại đẫy đà.
Trong bài “Trường hận ca” nổi tiếng kể về chuyện tình giữa Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông, tuy không nói đến việc Dương Quý Phi béo hay không béo, nhưng Bạch Cư Dị lại viết: “Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi” (tạm dịch là “nước suối nóng chảy trôi mỡ tụ”). Những từ đó đủ cho thấy Dương Quý Phi là một phụ nữ đẫy đà. Dẫu vậy, phải thấy rằng mỗi thời đại quan niệm về cái đẹp cũng có sự khác nhau. Vào thời Đường Huyên Tông, kinh tế phát triển, bàn dân thiên hạ ăn no mặc ấm và cái sự “đẫy đà” không chỉ là một tiêu chuẩn về vẻ đẹp mà còn biểu hiện cho sức khỏe dồi dào của người phụ nữ.
Phần 2 - Dương Quý Phi vùi thân ở dốc Mã Ngôi?
Đường Huyền Tông (còn gọi là Đường Minh Hoàng) say đắm Dương Quý Phi, ngày đêm cùng người đẹp yến tiệc đàn ca. Hầu như chuyện triều chính đều do Tể tướng Dương Quốc Trung, anh họ của Dương Quý Phi đảm nhiệm. Quyền thế nhà họ Dương nghiêng ngả thiên hạ.
Người đến cầu quan phong tước chen nhau đứng chật trước cửa. Việc tuyển chọn và bổ nhiệm quan lại, có khi được tuyên bố ngay tại tư dinh của Tể tướng thay vì diễn ra ở sân rồng.
Năm 755, lấy danh nghĩa trừ bỏ gian thần Dương Quốc Trung, An Lộc Sơn, một võ tướng triều đình, đã dấy binh làm loạn. Không chống đỡ nổi, Đường Huyền Tông mang theo một số quần thần, phi tử rời bỏ kinh thành, hốt hoảng chạy về hướng nam. Đến dốc Mã Ngôi, binh sĩ đi theo ai cũng đói khát, mệt mỏi, nẩy sinh oán hận. Họ cho rằng sở dĩ bị rơi vào tình cảnh lạc loạn khốn đốn hiện nay đều do họ Dương mà ra. Lệnh trên ban xuống, binh sĩ không ai tuân theo. Họ yêu cầu nhà vua phải xuống chỉ xử chém “gốc họa” là Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi thì mới tiếp tục hộ giá.
Liên quan đến cái chết của Dương Quý Phi, trong cuốn “Tư trị thông giám”, Tư Mã Quang viết: Sau khi Dương Quốc Trung bị binh sĩ nổi loạn giết chết, quân sĩ làm nhiệm vụ hộ giá vẫn không chịu đi, ngay cả khi Đường Huyền Tông đích thân ra lệnh. Nhà vua yêu cầu thái giám Cao Lực Sĩ hỏi tướng chỉ huy quân cấm vệ Trần Huyền Lễ xem nguyên do vì đâu. Trần Huyền Lễ đáp rằng: “Dương Quốc Trung mưu phản, không nên sủng ái Dương Quý Phi nữa.
Dương Quý Phi-Người đẹp hoa nhường. Tranh của Hosoda Eishi đầu thế kỷ 19 tại Viện bảo tàng Anh.
Mong bệ hạ vì đại cục cắt bỏ tình riêng”. Ban đầu, Đường Huyền Tông không chịu vì cho rằng Dương Quý Phi ở trong thâm cung làm sao biết được anh họ của mình làm phản. Tuy nhiên, sau khi nghe thái giám Cao Lực Sĩ khuyên rằng việc hành quyết Dương Quý Phi là để làm yên lòng binh sĩ và “bệ hạ chỉ bình an khi binh sĩ yên lòng”, Đường Huyền Tông đã ra lệnh cho Cao Lực Sĩ đưa Dương Quý Phi đến một ngôi phật đường treo cổ.
Cuốn “Quốc sử bổ” còn nói cụ thể rằng Dương Quý Phi treo cổ chết ở trên cây lê trước phật đường. Không chỉ chính sử, ngay cả một số bài thơ văn, ca phú và sách tạp lục của Trung Quốc cũng có những dòng ghi chép tương tự về cái chết của Dương Quý Phi. Ví dụ: Mùa đông năm 806, Bạch Cư Dị nhậm chức huyện úy (một chức quan chuyên trách việc đảm bảo trị an và tróc nã trộm cướp trong huyện) Châu Chất (nay là huyện Chu Chí, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
Hai người bạn thân của Bạch Cư Dị là Trần Hồng và Vương Chất cũng cư ngụ tại huyện này. Ngày kia, ba người tới thăm chùa Tiên Du. Nhân đề cập đến mối tình bi thảm của vua Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, cùng cái chết thê thảm của nàng, cả ba đều đem lòng cảm thán, ngậm ngùi, rồi Vương Chất đề nghị Bạch Cư Dị làm một bài thơ để kể lại câu chuyện tình sử ấy, còn Trần Hồng viết thành truyện.
Nhã hứng tuôn trào, chẳng mấy chốc Bạch Cư Dị đã hoàn thành bài “Trường hận ca”, được người đời ca tụng. Trong khi đó, Trần Hồng lại nhìn nhận tấn bi kịch tình yêu giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi trong tác phẩm “Trường hận ca truyện” của mình dưới góc độ của một nhà lịch sử. Những gì mà Bạch Cư Dị và Trần Hồng viết khá giống với chính sử.
Phần mộ của Dương Quý Phi tại Mã Ngôi, Hưng Bình, Thiểm Tây, Trung Quốc.
Dẫu vậy, vẫn có người cho rằng Dương Quý Phi không phải chết do thắt cổ mà chết trong đám loạn quân. Quan điểm này được hình thành trên cơ sở miêu tả của một số bài thơ đời Đường. Trong bài “Ai giang đầu”, Đỗ Phủ ám chỉ rằng Dương Quý Phi không phải chết do thắt cổ ở dốc Mã Ngôi, bởi chết do thắt cổ sẽ không thấy máu như nhiều tác phẩm miêu tả. Đồng quan điểm với Đỗ Phủ là một số tác gia khác như Lý Ích, Đỗ Mục và Trương Hựu. Họ cho rằng Dương Quý Phi chết bởi binh đao thời loạn. Thậm chí, có tác gia như Lý Vũ Tích còn cho rằng Dương Quý Phi chết sau khi bị ép nuốt vàng.
Truyền thuyết kể lại rằng sau khi Dương Quý Phi chết, Trần Huyền Lễ ra lệnh cho binh sĩ lấy loại chăn dùng trong lúc hành quân, bọc thi thể nàng, chôn trong một chiếc hố đào vội ven đường, rồi hộ giá Đường Huyền Tông tiếp tục tháo chạy. Sau khi loạn An Lộc Sơn được dẹp yên, trên đường về Trường An, khi đi qua chỗ Dương Quý Phi chết, Đường Huyền Tông cứ đứng lặng, không muốn rời xa. Ổn định triều chính xong, Đường Huyền Tông bí mật sai hoạn quan đến Mã Ngôi cải táng cho Dương Quý Phi. Đám hoạn quan trở về mang theo chiếc túi thơm khi xưa Dương Quý Phi hay mang bên mình và bẩm báo không tìm thấy hài cốt của Dương Quý Phi.
Dương Quý Phi thực sự đã vùi xác ở dốc Mã Ngôi? Câu hỏi đó hiện vẫn chưa có câu trả lời khiến tất cả mọi người tâm phục khẩu phục. Bởi ngay từ thời Đường, trong dân gian đã lan truyền thuyết Dương Quý Phi không chết, được cứu sống và lưu lạc trong dân gian, làm đạo sĩ. Dẫu vậy có một thực tế không ai phủ nhận được là phần mộ của Dương Quý Phi hiện vẫn đang tồn tại ở dốc Mã Ngôi, huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Ngôi mộ được xây bằng gạch trong khuôn viên khu đất rộng chừng 3.000 m2, có hình tròn, trên bia đá ghi rõ: "Dương Quý Phi chi mộ". Nhưng sẽ giải thích ra sao về việc ở Nhật Bản cũng có một phần mộ được cho là của Dương Quý Phi?
Phần 3: Dương Quý Phi vượt biên sang Nhật Bản?
Năm 1963, một phụ nữ Nhật Bản xuất hiện trên truyền hình với cuốn gia phả của gia đình, nói rằng bà là hậu duệ của Dương Quý Phi.
Sự việc một lần nữa trở nên ồn ã vào năm 2002. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nữ minh tinh màn bạc, ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản trong những năm 1970 - Yamaguchi Momoe – khẳng định bà là hậu duệ của giai nhân “tu hoa” đời Đường. Giả thiết về việc Dương Quý Phi không chết ở dốc Mã Ngôi mà đã được cứu thoát, chạy sang Nhật Bản định cư lại được xới lên.
Tương truyền, tướng quân Trần Huyền Lễ cũng rung động trước vẻ đẹp của Dương Quý Phi, liền bí mật bàn với thái giám Cao Lực Sĩ chọn một cung nữ để thế thân cho Dương Quý Phi. Kế sách tráo người thành công. Sau khi thoát chết, Dương Quý Phi được đích thân Trần Huyền Lễ hộ tống sang Nam Triệu (gần Thượng Hải ngày nay). Từ đây, Dương Quý Phi lên tàu sang Nhật Bản, định cư tại thị trấn Yuya, quận Otsu, tỉnh Yamaguchi. Tại Nhật Bản, Dương Quý Phi được biết dưới cái tên Yokihi.
Yamaguchi Momoe, nữ minh tinh Nhật Bản tự nhận mình là hậu duệ của Dương Quý Phi
Dẹp xong loạn An Lộc Sơn, Đường Huyền Tông liền cử người thân tín vượt biển sang Nhật Bản tìm Dương Quý Phi. Sau khi tìm thấy Dương Quý Phi ở Hitsatsu, người của Đường Huyền Tông đã trao cho nàng hai bức tượng Phật nhà vua gửi tặng. Dương Quý Phi đã đáp lễ bằng một chiếc trâm ngọc. Hiện hai pho tượng Đường Huyền Tông gửi tặng Dương Quý Phi đang được thờ phụng trong một ngôi chùa ở Yamaguchi. Sau khi Dương Quý Phi chết, nàng được chôn ngay trong ngôi chùa này trong một ngọn bảo tháp. Trước mộ của Dương Quý Phi có hai tấm gỗ: Một liên quan đến ngọn bảo tháp, một viết về Dương Quý Phi.
Trong cuốn “Bí mật lịch sử về việc Dương Quý Phi sống lại”, Watanabe – một học giả Nhật Bản – cho rằng sau khi thoát khỏi dốc Mã Ngôi, Dương Quý Phi được một số vũ nữ và nhạc sư giúp đỡ, khó nhọc lắm mới tới Dương Châu. Tại đây, Dương Quý Phi không chỉ gặp được một số họ hàng của mình, mà còn gặp được cả Norika, sứ giả của Nhật Bản khi đó.
Dưới sự giúp đỡ của Norika, Dương Quý Phi lên tàu của sứ đoàn Nhật Bản sang nước này. Đó là năm 757. Đến Nhật Bản, Dương Quý Phi được Nhật hoàng Kôken tiếp đãi nhiệt thành. Sau này Dương Quý Phi còn mưu trí giúp Nhật hoàng Kôken dẹp yên một vụ chính biến cung đình, từ đó giành được nhiều thiện cảm từ nhân dân Nhật Bản, đặc biệt là phụ nữ.
Ngoài Nhật Bản, Dương Quý Phi còn được cho là đã vượt biển đến châu Mỹ. Tất cả những giả thiết về sự phục sinh của Dương Quý Phi cho thấy nhiều người thương cảm sự bạc mệnh của nàng. Ngẫm kĩ Dương Quý Phi nhiều khả năng nhất là chết ở dốc Mã Ngôi, “Cao Lực Sĩ ngoại truyện” cho rằng cái chết của Dương Quý Phi là xâu chuỗi của một loạt nguyên do hay nói cách khác, nỗi oán hận gian thần Dương Quốc Trung của tướng sĩ hộ giá Đường Huyền Tông đã trút cả xuống đầu giai nhân “tu hoa”. Đó là quan điểm của Cao Lực Sĩ vì “ngoại truyện” được viết trên cơ sở lời kể của viên thái giám này.
Xem xét tình thế khi ở dốc Mã Ngôi của Đường Huyền Tông cũng thấy nếu không giết Dương Quý Phi, nhà vua khó có thể tính kế lâu dài. Bên cạnh đó, sau khi treo cổ chết, xác của Dương Quý Phi được đưa đến dịch trạm (nơi nghỉ ngơi, thay ngựa cho những người đưa công lệnh thời xưa) quàn ở đó để Trần Huyền Lễ và các tướng sĩ đến kiểm tra. Việc Dương Quý Phi chết ở dốc Mã Ngôi cũng được ghi rõ trong những cuốn sách sử nổi tiếng của Trung Quốc như “Cựu Đường thư”, “Tân Đường thư” và “Tư trị thông giám”. Ngoài ra, nó còn được đề cập trong nhiều tác phẩm lịch sử dạng tùy bút như “Cao Lực Sĩ ngoại truyện”, “Đường quốc sử bổ”, “Minh Hoàng tạp lục” và “Sự tích An Lộc Sơn”.
Do đó có thể nói việc Dương Quý Phi chết ở dốc Mã Ngôi là tương đối rõ ràng và đã được công nhận. Tuy nhiên, giả thiết về việc Dương Quý Phi không chết, đi làm đạo sĩ hay vượt biên sang Nhật Bản không phải là không có lý và không có chút chứng cứ nào. Cho nên, chúng ta không nên vội vàng phủ định chúng. Những bí mật đó đành phải đợi khi có những chứng cứ lịch sử mới, người đời mới có thể đưa ra câu trả lời được.
****
Tiểu sử
Dương Quý Phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn (楊玉環), sinh ở tỉnh Tứ Xuyên vào khoảng năm 719. Bà là con út trong số bốn người con gái của một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Gia đình này nguyên gốc ở một quận nhỏ thuộc Trung Đông[1], là Hòa Âm đến đây lập nghiệp. Cha là Dương Huyền Diễn thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm thứ sử tại quận Kim.
Thọ vương phi
Năm 727, Hoàng Thọ vương Lý Dục, con thứ 18 của Đường Huyền Tông đi tuần tiễu miền Tứ Xuyên đến tiếp xúc với gia đình nàng. Chín năm sau, Ngọc Hoàn được tiến cung hầu Lý Dục. Thọ vương Lý Dục tính nhút nhát, thích ngắm mĩ nhân. Dương Ngọc Hoàn về hầu hạ Lý Dục được ba năm, nhưng chuyện chăn gối chẳng bao giờ có vì Lý Dục còn nhỏ. Khi ấy, Ngọc Hoàn lại trong tuổi dậy thì. Vì hay bị Lý Dục làm khó nên nàng đã có ý định ra khỏi cung khi Lý Dục dụ nàng ra khỏi hoàng cung...[cần dẫn nguồn]
Quý phi
Lấy cha chồng
Đời nhà Đường, Đường Minh Hoàng tức Huyền Tông là một ông vua trị vì lâu hơn cả. Các cung phi được nhà vua sủng ái sinh cả thảy 59 người con, trong số đó có 30 trai và 29 gái. Cung phi được nhà vua sủng ái nhất là Vũ Huệ Phi. Bà này sinh được 7 con, nhưng bỏ mất 3 khi còn nhỏ. Huệ Phi mất, Huyền Tông buồn rầu, ngày nhớ đêm thương, lập đài Tập Linh để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ Phi được sớm siêu thăng. Nội giám thấy nhà vua vậy bèn tìm đủ mọi cách làm cho nhà vua nguôi buồn. Nhưng bao nhiêu cung tầnmĩ nữ cũng không làm Huyền Tông khuây khỏa.
Một hôm Cao Lực Sĩ đi qua phủ Thọ vương thấy Ngọc Hoàn là giai nhân tuyệt sắc, bèn nghĩ rằng có lẽ mỹ nhân này thay được Vũ Huệ Phi. Nhân buổi hầu vua, Cao Lực Sĩ mật tấu với Huyền Tông, truyền đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Vũ Huệ Phi. Do đó, Ngọc Hoàn phải vào cung Hoa Thanh đến đài Tập Linh làm sãi, lấy đạo hiệu là Thái Chân. Cao Lực Sĩ lại chọn con gái của Vị Chiêu để thay Ngọc Hoàn làm vợ Thọ vương Lý Dục.
Được sủng ái
Trông thấy Ngọc Hoàn, Huyền Tông say mê mẩn ngay, từ đó dần quên đi Huệ Phi. Huyền Tông lập nàng làm quý phi, lại sắc phong Dương Huyền Diễn làm Binh bộ thượng thư. Ba chị của Ngọc Hoàn cũng được phong làm phu nhân là Hàn quốc phu nhân, Quốc quốc phu nhân và Tần quốc phu nhân. Hàng tháng, nhà vua cho xuất của kho 30 vạn quan tiền cho mỗi vị phu nhân, 10 vạn quan tiền mua sắm tư trang phấn sáp. Anh họ quý phi là Dương Xuyên được phong làm tể tướng và được đổi tên là Dương Quốc Trung.
Huyền Tông say đắm Dương Quý Phi, chiều chuộng nàng hết mực. Như cuộc đi tắm suối của nàng mỗi lần tốn hàng vạn bạc của kho và làm chết hàng trăm mạng người[cần dẫn nguồn], nhà vua cũng thẳng tay, không chút tiếc rẻ. Dương Quý Phi đã đẹp lại có tài gẩy tì bà, giỏi về âm nhạc. Nàng lại đặt được nhiều khúc hát và điệu múa làm cho Huyền Tông càng thích thú say sưa hơn. Nàng nổi tiếng với điệu múa Hồ hoàn vũ, là điệu múa xuất phát từ người Hồ.
Huyền Tông gặp Dương Quý Phi lúc tuổi đã ngoài 50, cơ thể suy nhuợc vì trải qua những thú vui sắc dục thái quá. Vua nhờ An Lộc Sơn dâng một thứ linh đan gọi là "Trợ tình hoa" giúp có nhiều sức khỏe để được hòa hợp vui say cùng Dương Quý Phi.
Tư thông với An Lộc Sơn
Huyền Tông say đắm Dương Quý Phi, suốt ngày đêm cùng nàng yến tiệc đàn ca, bỏ cả việc triều chính. Nhà vua lại tin dùng An Lộc Sơn là một võ tướng người Đột Quyết, cho giữ phần chỉ huy nửa lực lượng quân sự của triều đình.
Kết cục
Bấy giờ, anh Dương Ngọc Hoàn là Dương Quốc Trung nắm giữ toàn quyền binh lực. Sau khi lên đến bực thượng thư và hai con trai là Dốt và Huyên sánh duyên cùng hai quận chúa Vạn Xuân và Diên Hòa, Dương Quốc Trung lại càng kiêu hãnh, tự đắc, có ý định phản nghịch. Thấy An Lộc Sơn như cái gai trước mắt nên định mưu hại. An Lộc Sơn biết được nên bỏ trốn. Rồi vào ngày 16 tháng 12 năm 755, An Lộc Sơn cử binh từ quận Ngư Dương[2] đánh thẳng vào kinh đô Trường An, lấy lí do "trừ bỏ gian thần Dương Quốc Trung". Binh triều đại bại.
Vào mùa hạ năm 756, quân của An Lộc Sơn tiến về Trường An. Trước tình thế nguy cấp, thái tử Lý Hanh tự lên ngôi ở núi Linh Vũ, tức là Đường Túc Tông và vọng tôn Đường Minh Hoàng làm Thái thượng hoàng. Trong khi các cánh quân được vua con Túc Tông cử đi đánh Lộc Sơn là Lý Quang Bật, Quách Tử Nghi đang thắng liên tiếp, giành lại nhiều đất đai ở phía đông sau lưng An Lộc Sơn thì Huyền Tông lại mắc sai lầm lớn ở mặt trận phía tây. Vua cha bắt tướng trấn giữ ải Đồng Quan - cửa ngõ kinh thành Tràng An - là Kha Thư Hàn phải xuất quân đánh Lộc Sơn, trong khi các tướng muốn phòng thủ để chờ quân của Tử Nghi và Quang Bật đánh về. Thư Hàn buộc phải ra quân, kết quả đại bại, 20 vạn quân bị giết, Thư Hàn bị Lộc Sơn bắt sống. Quân Phiên ào ạt tiến vào Tràng An.
Thượng hoàng Huyền Tông và Dương Quý Phi cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục. Ngày 14 tháng 7 năm 756, mọi người đến Mã Ngôi thì tướng sĩ không chịu đi nữa, vì lương thực đã hết, quân sĩ khổ nhọc mà Dương Quốc Trung và cả gia quyến đều no đủ sung sướng, nên họ nổi lên chống lại. Dương Quốc Trung ra lệnh đàn áp nhưng bị loạn quân giết chết. Lòng căm phẫn đối với họ Dương chưa tan, loạn quân bức vua đem thắt cổ Dương Quý Phi thì họ mới chịu phò vua. Vì họ cho rằng Quý Phi là mầm sinh đại loạn, thậm chí còn nghi ngờ Dương Quý Phi sẽ trở thành một Võ Hậu thứ hai gây họa cho nhà Đường.
Nhà vua không còn cách nào khác, đành phải hy sinh Dương Quý Phi. Khi đó bà 38 tuổi (có thuyết nói rằng Dương Quí Phi may mắn thoát chết và bỏ sang sống tại Nhật Bản cho đến khi mất ở tuổi 60 [cần dẫn nguồn]) .
An Lộc Sơn chiếm được Trường An, ra lệnh cho quân lính đốt phá kinh đô, tàn sát nhân dân.
Sau An Lộc Sơn bị con là Khánh Tự giết chết. Bộ tướng là Sử Tư Minh lại giết Khánh Tự mà hàng nhà Đường. Túc Tông khôi phục sự nghiệp, rước vua cha Minh Hoàng trở về Trường An.
Vẻ đẹp trong thơ ca
Ngọc Hoàn có sắc đẹp được ví là "tu hoa", nghĩa là khiến hoa phải xấu hổ.
- Sau khi vào cung, Ngọc Hoàn tư niệm cố hương. Ngày kia, nàng đến hoa viên thưởng hoa giải buồn, nhìn thấy hoa Mẫu Đơn, Nguyệt Quý nở rộ, nghĩ rằng mình bị nhốt trong cung, uổng phí thanh xuân, lòng không kềm được, buông lời than thở: "Hoa à, hoa à! Ngươi mỗi năm mỗi tuổi đều có lúc nở, còn ta đến khi nào mới có được ngày ấy?". Lời chưa dứt lệ đã tuông rơi, nàng vừa sờ vào hoa, hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại. Nào ngờ, nàng sờ phải là loại hoa trinh nữ (cây xấu hổ). Lúc này, có một cung nga nhìn thấy, người cung nga đó đi đâu cũng nói cho người khác nghe việc ấy. Từ đó, mọi người gọi Dương Ngọc Hoàn là "tu hoa".