Nov 21, 2024

Biên khảo

Thiền Sư Việt Nam - phần 4
Hòa Thượng Thích Thanh Từ * đăng lúc 09:10:27 PM, Jul 06, 2008 * Số lần xem: 1972
THIỀN SƯ VIỆT NAM

HT Thích Thanh Từ







Phần 4

Thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ

Thiền sư Pháp Thông Thiện Hỷ

Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì

Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri (? - 1786)

Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng

Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn (? - 1776)

Đồ biểu truyền thừa của Hòa thượng Ẩn Sơn

Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc (1725 - 1821)

Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành (? - 1823)

Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1735 - 1835)

Thiền sư Tổ Tông Viên Quang (1758 - 1827)

Thiền sư Nhất Định (1784 - 1847)

Tăng cang Tiên Giác Hải Tịnh (1788 - 1875)

Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh (1828 - 1898)

Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân (1850 - 1914)

Thiền sư Đạo Trung Thiện Hiếu

Sơ đồ truyền thừa của Thiền sư Thiện Hiếu

Thiền sư Như Nhãn Từ Phong (1864 - 1938)

Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng (1818 - 1862)

Thiền sư Ngộ Chân

Hòa thượng Hoàng Long (? - 1737)

Thiền sư Hồng Ân và Trí Năng

Thiền sư Khánh Long

Ni cô họ Lê

Ni cô họ Tống

Phần phụ những dòng kệ các phái

Sách tham khảo







Thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ

(Hòa thượng Sơn Nhân)

Thiền sư Giác Ngộ húy Tánh Thông, hiệu Sơn Nhân, họ Nguyễn, quê ở phủ Gia Định thuộc phái thiền Lâm Tế, đời 39, đệ tử của Hòa thượng Đạo Dụng - Đức Quảng.

Trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Thượng tọa Mật Thể viết về Hòa thượng Giác Ngộ như sau:

“Ngài tự hiệu là Sơn Nhân, người tỉnh Gia Định, nguyên trước đi làm việc quan đập đá xây thành. Một hôm, phá trong viên đá thấy một tượng Phật, Ngài liền xin thôi việc, mang tượng vào rừng, không giao thiệp với người đời nữa và không ai biết đi đâu.

Được ít lâu, người tỉnh Phú Yên thoạt thấy Sơn Nhân ở trong chùa Hang xóm núi. Xóm ấy vốn nhiều cọp, người trong xóm lập chùa mà không dám đến lễ. Lúc thấy Sơn Nhân ở đó, ai cũng thất kinh, hỏi Ngài sao không sợ cọp. Ngài đáp: Cọp mặc cọp, mình mặc mình, cần gì mà sợ. Ngài thường ăn rau cỏ không dùng cơm. Một hôm có dịch khí nổi lên, ở các nơi người chết rất nhiều, người trong xóm xin Ngài cầu đảo cho nên được yên. Họ đem việc ấy trình quan. Vừa lúc ấy, quan Tuần vũ trong tỉnh có người con đau bụng, thầy thuốc chữa không khỏi. Quan liền khiến hai viên đội đi mời Sơn Nhân. Ngài hỏi: Tỉnh ở ngã nào? Họ chỉ về hướng đông. Ngài bảo họ đi trước. Hai viên đội cỡi ngựa về tỉnh thì đã thấy Ngài đến rồi. Quan mời Ngài vào thăm bệnh cho con, Ngài liền đọc một câu chú, thình lình nghe một tiếng xạc, và thấy một cái bóng như tấm lụa từ trong buồng vụt ra, tức thì con quan lành bệnh. Quan tỉnh đem việc ấy tâu về triều. Vua Minh Mạng sắc triệu Ngài về “Nội”, hỏi việc đầu đuôi, Vua thưởng rất hậu. Ngài đều từ tạ không lấy. Vua khen rằng:

Người xưa có nói:

“Thuần nhất bất tạp là Hòa,
Vạn loại xưng tôn là Thượng.”

Sơn Nhân thật đúng hai chữ ấy.

Liền ban hiệu là “Sơn Nhân hòa thượng”. Lại sắc các vị Hòa thượng các chùa phải đổi hiệu Tăng cang, để tỏ rằng còn thua Hòa thượng một bậc (từ đó danh hiệu Hòa thượng mới là danh hiệu đặc biệt, ít người được nhận chức đó).

Sơn Nhân mặc quần áo toàn bằng vỏ cây, lấy hai miếng gỗ làm guốc mà đi mau lắm. Vua sắc Ngài ở chùa Giác Hoàng, nhưng được một tháng, Ngài tâu xin về núi. Sau không biết Ngài đi đâu.”

Nhưng trong Châu bản triều Nguyễn, có bản văn nội dung như sau:

“Sự việc: Ngày 18 tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21 (1840), Nội các thi hành theo lệnh của Vua (do Thái giám Châu Phước Năng chuyển truyền) thưởng cấp cho sư Nguyễn Giác Ngộ, trụ trì chùa Bát-nhã ở núi Long Sơn về công đức tu hành khổ hạnh.

Ngày 18 tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21, thần Phan Huy Thực, thần Phan Bá Đạt, vâng theo thượng dụ của Vua rằng: Về kinh đô lần này có Nguyễn Giác Ngộ, trụ trì chùa Bát-nhã ở Long Sơn, là người tịnh tâm tu luyện, tịch cốc đã hơn bốn mươi năm. Tu hành khổ hạnh, đức hạnh cao phong như thế thật quí trọng. Truyền cấp cho một văn bằng Tăng cang, lại gia ân thưởng cho hai mươi lạng bạc, tăng phục và áo quần vải màu, mỗi thứ năm bộ, cho ngựa trạm đưa về chùa cũ trụ trì. Trên đường đi qua, các quan quản hạt phải phái người hộ tống để đường đi được an toàn tốt đẹp.

Lại truyền cho quan tỉnh Phú Yên xuất tiền công mua sắm vật liệu, thuê dân phu sửa sang chùa chiền nơi Nguyễn Giác Ngộ hiện đang trụ trì cho được tráng lệ đẹp đẽ. Số dân phu thuê bao nhiêu người, truyền cấp cho mỗi người mỗi tháng bốn quan tiền và một vuông gạo để cho họ vui vẻ làm cho sớm hoàn thành công việc.

Sau khi xong việc cứ thật kê khai chi tiêu. Khâm thử.”

Ngoài ra, trong nhiều kinh sách được in vào thời đó, Hòa thượng Giác Ngộ đã đóng góp nhiều công đức trong việc khắc in.

- Kinh Vô Lượng Nghĩa do Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài in lại năm Kỷ Sửu (1829).

- Hứa Sử Vãn Truyện là tập thơ chữ nôm gồm hơn bốn ngàn câu thơ, Thiền sư Toàn Nhật san bổ và khắc in.

- ...

Hòa thượng Sơn Nhân viên tịch vào năm Nhâm Dần (1842), thọ tám mươi bảy tuổi, đồ chúng lập tháp thờ ở chùa Bát-nhã. Có nhiều đệ tử nổi danh, trong đó có ba Thiền sư Bảo Thanh, Bảo Tạng, Bảo Chân có nhiều công đức trong việc hoằng dương Phật pháp ở các tỉnh Nam Trung bộ và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

PHỔ HỆ TRUYỀN THỪA CỦA HÒA THƯỢNG SƠN NHÂN







Thiền sư Pháp Thông Thiện Hỷ

với chùa Long Ẩn

Chùa Long Ẩn xưa do Thiền sư Pháp Thông Thiện Hỷ khai sơn vào năm Quí Sửu (có thể là năm 1733 hay năm 1793).

Thiền sư Pháp Thông thuộc phái thiền Tào Động thế hệ thứ 36(1).

Chùa Long Ẩn được xây dựng trên núi Long Ẩn thuộc thôn Tân Lại, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay là xã Tân Bửu thành phố Biên Hòa), nằm trên mặt đường liên tỉnh từ Biên Hòa lên thác Trị An (cách Biên Hòa 4km).

Chùa Long Ẩn dựa lưng vào núi Long Ẩn, mặt quay về sông Đồng Nai ở hướng Nam, bên kia sông Đồng Nai, ở phía xa là núi Châu Thới, tiền phong của núi Long Ẩn. Phía sau núi Long Ẩn lại có núi Bửu Long (xưa gọi là núi Bình Điện) ở phía Bắc, làm hậu vệ. Sông Đồng Nai từ thác Trị An đổ về biển Đông, chia làm hai nhánh bao quanh cù lao Rùa (xã Thạnh Hội), hợp lại hướng thẳng về cù lao Phố (xã Hiệp Hòa). Vì vậy có câu thơ:

Phía sau Bình Điện(2) ngăn phong lãnh
Mé trước Trường Giang(3) nước chảy quanh.

Quanh núi Long Ẩn ngày xưa là rừng rậm, có nhiều tre nứa và nhiều thú dữ, có cả cọp, beo, voi..., phía dưới sông Đồng Nai có nhiều rùa, rắn...

Trước chùa Long Ẩn, phía chân núi ngày xưa là lối đi của voi, các đàn voi từ trong rừng sâu ra sông Đồng Nai uống nước và tắm, nên tục gọi là truông Voi. Vì vậy, xưa có bài thơ (hiện chưa biết tác giả là ai):

Trên chùa Long Ẩn dưới truông Voi,
Nước biếc xem coi rất mặn mòi.
Sóng bủa ghềnh nghê hình quái cổ,
Nước xao hàng rắn tiếng reo còi.

Núi Long Ẩn là một ngọn núi linh, nằm ở vùng linh địa, có nhiều sản vật quí dưới lòng đất. Đá ở núi Long Ẩn là đá xanh tốt hơn nhiều nơi khác, phía dưới lòng đất thỉnh thoảng còn có cả đá thủy tinh trong suốt, rất tốt. Dưới các hầm đá sâu lại thỉnh thoảng có đá trắng pha chất vàng chiếu sáng như “vàng gâm”.

Sau khi Tổ sư Pháp Thông Thiện Hỷ viên tịch, đồ chúng lập tháp ở phía trước sân chùa, nằm về phía bên phải.

Tháp xây theo hình khối lục giác, mỗi cạnh ở dưới đất khoảng hai mét. Tháp cao bốn tầng với đỉnh là một bầu hồ lô, tháp cao khoảng gần sáu mét. Phía trong tháp có một bia đá lớn (có thể kể về sự tích của Tổ Pháp Thông), phía ngoài có cửa vào (nhưng năm 1972, Giáo thọ Thiện Hảo đã làm một tấm bia đá nhỏ bít kín cửa vào bên trong tháp, nên hiện chưa rõ được nội dung của tấm bia trong tháp đó).

Năm Tự Đức thứ 10 (1852), Thiền sư Từ Ân lập lại biển hiệu chùa “Long Ẩn Tự” vì bảng cũ bị mục nát.

Năm Nhâm Thìn (1952), cơn lụt lớn đã làm sụp đổ chùa Long Ẩn. Đến năm 1960, Sư trụ trì chùa là Thích Thiện Hảo mới dời chùa về ấp Tân Lại xã Tân Thành, xây dựng lại chùa mới như ngày nay.

Trên núi Long Ẩn, năm 1958, có một số tu sĩ đến hang ở trên đỉnh núi sửa sang lại thành chùa “Long Sơn Thạch Động” và dân địa phương thường gọi là “Chùa Hang” (trong khi đó, chùa Bửu Phong trên núi Bửu Long gọi là “Chùa Núi”).

Từ chùa Hang trên núi Long Ẩn nhìn ra xa, thấy được toàn cảnh của thành phố Biên Hòa. Đứng trước chùa Hang nhìn xuống chân núi là hồ Long Ẩn, làn nước xanh bao phủ một vùng, một số tảng đá đủ hình đủ cỡ nhô lên rải rác khắp hồ. Phía xa là sông Đồng Nai thơ mộng trải dài uốn khúc quanh co, xuôi về thành phố Biên Hòa.

Hồ Long Ẩn ở trên núi Long Ẩn do con người tạo ra khi khai thác đá ở đó; nhưng hồ Long Ẩn trở thành một cảnh đẹp, gần giống như vịnh Hạ Long được thu nhỏ lại. Hồ Long Ẩn là một thắng cảnh cho khách du lịch hay khách hành hương.

Hồ Long Ẩn, núi Long Ẩn hợp với chùa Bửu Phong và núi Bửu Long là một khu du lịch nên thơ và lý tưởng của Đồng Nai.

(1) Ở ba tháp của Thiền sư Pháp Thông có ghi năm Quí Sửu và Giáo thọ Thiện Hảo tự chú thích là năm 1613, chúng tôi cho rằng năm 1613 là sai, vì Thiền sư Pháp Thông là Thiền sư phái thiền Tào Động, thế hệ 36; trong lúc đó, Hòa thượng Thạch Liêm, thế hệ 29 của phái này sanh năm 1633, tịch năm 1704.

(2) Bình Điện: núi Bình Điện hay núi Bửu Long.

(3) Trường Giang tức sông Đồng Nai hay sông Phước Giang.





Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì

(Mộc Y Sơn Ông)



Thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì, húy Tánh Ban, hiệu là Mộc Y Sơn Ông thường được gọi là Ông Núi hay Ông Núi mặc áo vỏ cây, tên là Lê Ban, người Trung Hoa (?).

Năm Nhâm Ngọ (1702), thời chúa Nguyễn Phước Chu, Ông Núi đến núi Linh Phong ở vùng miền biển Phương Phi, Phương Thái, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, lập am tranh tu hành, đặt tên chùa là Dũng Tuyền.

Tương truyền, hằng ngày ông vào núi hái củi, bó thành bó to, đội củi xuống núi đặt bên vệ đường, người dân địa phương đem gạo, rau đổi lấy. Núi này nhiều cọp beo và thú dữ, nhưng với đức hạnh cao phong của Ông Núi, thú dữ trở nên hiền lành, gần gũi nhau thân thiện, không còn cách biệt giữa người và vật.

Năm Quí Sửu (1733), chúa Nguyễn Phước Trú (1726-1738) nghe danh Ông Núi, quí trọng ông là một Thiền sư chân chánh nên ra lệnh xây cất lại chùa Dũng Tuyền trở thành một ngôi chùa lớn, đặt tên chùa là “Linh Phong Thiền Tự”, lại ban cho tấm hoành có viết bốn chữ “Linh Phong Thiền Tự”, phía trái khắc chữ “Vĩnh Khánh, tháng giêng năm Quí Sửu”, phía mặt có khắc chữ “Quốc Chủ ngự đề”. Chúa cũng ban cho chùa câu đối:

Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ.
Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian.

(Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật.
Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời.)

Chúa lại ban cho Ông Núi hiệu “Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão thiền sư”.

Năm Tân Dậu (1741) niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba, chúa Võ vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) sắc triệu “Ông Núi” về đô thành Phú Xuân tham vấn Phật pháp. Ông Núi xách tích trượng về phủ Chúa ở đó một tháng. Chúa ban cho Ông Núi ca-sa có móc vàng, vòng ngọc.

Ông Núi viên tịch tại chùa Linh Phong vào thời Tây Sơn, đồ chúng lập tháp thờ ở bên phải chùa vào năm Thái Đức thứ tám (1785). Tháp có câu đối:

“Quyền thạch tiệm thành sơn, thản thản u trinh thường lạc thổ.
Chúng lưu năng vi thủy, man man không tế Động Đình thiên.”

(Gom đá dần dần thành núi, tĩnh mịch thênh thang đất Phật vui.
Nhiều dòng nước thành sông, mênh mông bát ngát trời Động Đình.)

Năm Gia Long thứ bảy (1808), Hoàng hậu Hiếu Khương ra lệnh cho trùng tu chùa Linh Phong, trong khi trùng tu, không ai được lấy đi bất cứ một vật gì của chùa.

Tương truyền vào thời vua Minh Mạng (1821-1840), một hôm Vua bị bệnh, vừa chợp mắt mộng thấy một vị Sư già mặc áo vỏ cây đứng bên giường ngọc quạt cho Vua. Sáng sớm hôm sau Vua hết bệnh, và khỏe mạnh như thường. Ngự triều kể lại chuyện đêm qua, có quan trong triều cho rằng: vị Sư già đó có lẽ là Mộc Y Sơn Ông (Ông Núi mặc áo vỏ cây) ở chùa Linh Phong ngày xưa. Vì vậy Vua xuống sắc ra lệnh cho quan trấn tỉnh Bình Định trùng tu lại chùa Linh Phong, cấp cho một trăm hai mươi lượng bạc, đồng thời Vua ra lệnh cho quan địa phương thỉnh pháp phục của Sơn Ông được triều trước ban thưởng đem về cung Nội ở kinh đô Huế để Vua chiêm ngưỡng, rồi theo mẫu đó, chế ra một áo ca-sa móc vàng, vòng ngà mới ban cho đem về chùa thờ cúng.



Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri

(? - 1786)

(Đời pháp thứ 34, tông Lâm Tế)

Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri thuộc phái thiền Lâm Tế đời pháp thứ 34, trụ trì chùa Kim Cang ở Đồng Nai, là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch.

Trước đây, trong các sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam chỉ biết Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, nhưng không biết rõ Hòa thượng Nhất Tri hoằng hóa ở đâu, hành trạng như thế nào.

Nhờ đi tìm tòi, nghiên cứu về các Thiền sư hoằng hóa ở Đồng Nai, chúng tôi phát hiện được tháp của Tổ sư Nguyên Thiều, Long vị của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Đồng Nai), chúng tôi mới biết được là Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri cùng với bổn sư là Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch hoằng hóa ở chùa Kim Cang. Sau đó, chúng tôi theo dấu vết của các Thiền sư hoằng hóa ở Đồng Nai, tìm thấy thêm các đệ tử và pháp tôn của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri hoằng hóa ở nhiều nơi như sau:

1. Hòa thượng Liên Hoa, tức Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, là Tăng cang chùa Thiên Mụ (đô thành Phú Xuân), sau trụ trì chùa Sắc Tứ Từ Ân (ở Gia Định). Hòa thượng Liên Hoa có các đệ tử cũng là Tăng cang chùa Thiên Mụ là Tế Chánh Bổn Giác, Tế Bổn Viên Thường...

2. Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường khai sơn chùa Hoa Nghiêm (Thủ Đức, Gia Định) và chùa Long Thọ (xã Phú Cường, Thủ Dầu Một), có đệ tử nổi danh là Tế Giác Quảng Châu trụ trì ở chùa Giác Lâm (Gia Định), Tế Vĩnh Quảng Nhân và Tế Lý Quảng Đức trụ trì chùa Hoa Nghiêm (Huê Nghiêm) ở Thủ Đức.

3. Thiền sư Phật Chí Đức Hạnh khai sơn chùa Long Nhiễu (Thủ Đức, Gia Định).

Hiện chưa biết rõ về hành trạng của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri, nhưng có thể đoán biết Hòa thượng là Cao tăng tài đức đúng theo ý nghĩa của pháp danh của Ngài, và vì có những đệ tử và pháp tôn nổi danh trên.

Hiện chưa biết Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri sanh năm nào, ở đâu, là người Việt hay người Hoa (có thể là người Trung Hoa). Chỉ biết được là Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri viên tịch ngày mùng 10 tháng 10 năm Bính Ngọ (1786) nhờ phía sau long vị có đề:

“Thập ngoạt sơ thập nhật viên tịch.” (Viên tịch ngày mùng 10 tháng 10.)

“Tuế thứ Đinh Mùi niên, Trọng Xuân ngoạt, cát nhật cẩn tạo.” (Cẩn tạo ngày tốt, tháng hai năm Đinh Mùi.)

Long vị được tạo mùa xuân năm Đinh Mùi (1787), mà Hòa thượng viên tịch ngày mùng 10 tháng 10, như vậy phải là năm trước năm Đinh Mùi, tức năm Bính Ngọ (1786?).

Đặc biệt, các đệ tử của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri truyền thừa theo nhiều bài kệ truyền pháp khác nhau; trong đó Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường truyền theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng...” mà nhiều người cho là bài kệ do Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán đặt ra (?).

- Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường khai sơn chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức, Gia Định) có truyền thừa theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo...” ở các chùa Đức Lâm (Gia Định), Linh Sơn (Bà Đen); ở chùa Huê Nghiêm lại truyền theo bài kệ của Tổ Vạn Phong “Tổ Đạo Giới... Siêu Minh Thiệt Tế Liễu Đạt Ngộ Chân Không”.

- Thiền sư Phật Chí Đức Hạnh khai sơn chùa Long Nhiễu (Thủ Đức) truyền theo bài kệ của Tổ Đạo Mân “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên...”

(Xem Phổ hệ truyền thừa của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri.)





Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng

(Minh Yêu)

và Pháp Tử

Thiền sư Thành Đẳng Minh Lượng là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, thuộc phái thiền Lâm Tế, thế hệ thứ 34, hiện chưa biết rõ quê quán và hành trạng của Ngài...

Có thể Thiền sư Thành Đẳng thọ giáo qui y với Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Bình Thảo - Đồng Nai), và sau đó, Thiền sư đến trụ trì chùa Đại Giác ở Đại phố Đồng Nai (cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, tỉnh Biên Hòa sau này).

Theo tài liệu trong sách “Việt Nam Phật Giáo Sử Lược” của Thượng tọa Mật Thể, truyền thừa của Thiền sư Minh Yêu Thành Đẳng như sau:

ĐỒ BIỂU TRUYỀN THỪA CỦA THÀNH ĐẲNG MINH LƯỢNG



Chúng tôi chưa tìm được pháp danh (húy) của Thiền sư Quảng Đức là gì và chưa tìm được về truyền thừa của vị này cũng như chưa có tài liệu về các Thiền sư Chí Toàn, Đức Bổn, Chí Bi, Tịnh Nhãn, Viên Trừng, Toàn Chương... Nhưng về truyền thừa của Thiền sư Linh Nhạc, chúng tôi tìm được sự truyền thừa và hành trạng của các Thiền sư khá đầy đủ như: Thiền sư Linh Nhạc, Thiền sư Mật Hoằng, Thiền sư Viên Quang.





Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn

(? - 1776)

(Đời pháp thứ 34, tông Lâm Tế)

Hiện chưa biết rõ về quê quán và hành trạng của Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn, chỉ biết:

Hòa thượng Thành Nhạc là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, và Hòa thượng Thành Nhạc đã khai sơn chùa trên núi Châu Thới. Hòa thượng Thành Nhạc vẫn thỉnh thoảng xuống Bến Ngựa ở trên sông Đồng Nai để tắm, sau này các đệ tử hay pháp tôn mới lập chùa Long Thiền (xã Bửu Hòa, tỉnh Biên Hòa sau này).

Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn viên tịch ngày 17 tháng chạp năm Bính Thân (1776) ở chùa núi Châu Thới, đệ tử lập tháp ở gần chùa để an táng và thờ cúng. Sau này, tháp này bị hư sập nên môn đồ lập thêm vọng tháp ở chùa Long Thiền để thờ. (Theo lời kể của hai huynh đệ là Tỳ-kheo... và Đại đức... chùa núi Châu Thới kể năm 1989.)

Qua tài liệu ở chùa núi Châu Thới, chùa Phước Tường (Thủ Đức), chùa Long Thiền và chùa Hiển Lâm (Đồng Nai), chúng ta biết được là Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn có đệ tử nổi danh là Thiền sư Phật Chiếu Linh Quang trụ trì chùa Long Hưng (?) và chùa Phước Tường ở xã Tăng Nhân Phú (Thủ Đức).

Hòa thượng Thành Nhạc còn có hai đệ tử nữa là Phật Bửu và Phật Định, nhưng hiện chưa biết về tiểu sử và hành trạng của hai vị này.

Qua các tài liệu ở các chùa trên, chúng ta có được tạm thời về sự truyền thừa của Hòa thượng Thành Nhạc Ẩn Sơn như sau:

ĐỒ BIỂU TRUYỀN THỪA CỦA HÒA THƯỢNG ẨN SƠN









Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc

(1725 - 1821)

với chùa Sắc Tứ Từ Ân

và chùa Quốc Ân Khải Tường

Hiện chưa biết về quê quán của Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, có lẽ quê ở dinh Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa sau này). Tài liệu ở chùa Đại Giác cho biết: Thiền sư Phật Ý tịch năm Tân Tỵ (1821) thọ chín mươi bảy tuổi, như vậy là sanh năm Ất Tỵ (1725).

Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý qui y thọ giáo với Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng chùa Đại Giác tại Đại phố Đồng Nai, dinh Trấn Biên (cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa ngày nay).

Năm Giáp Ngọ (1744), chúa Võ vương tổ chức lãnh thổ Đàng trong thành một nước riêng biệt, coi như ngang hàng với Đàng ngoài chớ không chịu thần phục vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng ngoài nữa. Chúa đã cho mở rộng lãnh thổ Đàng trong, phát động phong trào di cư đông đảo đến huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn của phủ Gia Định, tức vùng đất Sài Gòn - Gia Định sau này. Dân chúng từ các địa phương miền Trung nước Việt và vùng Đồng Nai di chuyển đến huyện Tân Bình.

Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc vâng lời thầy, theo lớp người dân từ Đồng Nai xuống huyện Tân Bình, trong đó có cả người Việt và người Hoa. Trên đường đi, Thiền sư Linh Nhạc gặp một Tăng sĩ cùng lứa tuổi (hiện chưa biết rõ pháp danh và tông phái) kết làm huynh đệ và cùng nhau đến làng Tân Lộc lo khai phá rừng, cất am tranh tu hành và cùng với dân chúng khai khẩn ruộng đất canh tác. Hai huynh đệ chia phiên nhau: cứ nửa tháng ra làm ruộng rẫy, đốn củi, hái rau, trái cây về ăn, nửa tháng sau ở nhà lo sửa sang am thờ Phật, đóng bàn ghế, tủ thờ... đêm đến hai huynh đệ cùng nhau tọa thiền tụng kinh, học thêm kinh sách Phật giáo.

Người dân di cư sống xa quê hương, ở vùng đất mới hoang vắng giữa rừng rậm đầy thú dữ, rắn rít độc... Ban ngày lo khai phá ruộng đất ở giữa rừng, vừa mệt nhọc vừa sống trong cảnh bất trắc trước những tai họa do ác thú gây ra (cọp beo ăn thịt, rắn độc cắn, cá sấu ăn...), đêm đến sống trong cảnh âm u hoang vắng giữa vùng rừng rậm, con người cảm thấy quá bé nhỏ giữa thiên nhiên rộng lớn bao la. Trước những tai họa do ác thú gây ra, hoặc tai nạn lao động (cây đè chết chóc, gẫy tay chân...), hoặc bệnh hoạn chết chóc vì khí thiêng nước độc... làm cho con người thấy rõ được sự vô thường của cuộc đời, nay còn mai mất, sự thay đổi của cuộc đời và thỉnh thoảng lại gặp những sự việc hay hiện tượng huyền bí, mầu nhiệm... con người cảm thấy cần đến sự an ủi tinh thần và cần đến sự hộ trì của Trời Phật, của những đấng vô hình, nên họ tìm đến chùa chiền và các Tăng sĩ Phật giáo để nhờ an ủi, cầu nguyện... Vì vậy, dân chúng trong vùng mới đến am tranh của Thiền sư Linh Nhạc để cầu nguyện, nghe thuyết giảng về Phật pháp, tụng kinh lễ sám, nhất là những ngày 14, rằm, 30, mùng 1 âm lịch (sóc, vọng).

Sau đó, khi cuộc sống tạm ổn định, người bạn đạo của Thiền sư Linh Nhạc cũng cất thêm một am tranh mới, cách am tranh cũ vài trăm thước để thuận tiện cho việc tu hành.

Sau hơn mười năm lao động vất vả, cuộc sống của người dân di cư được ổn định, khai khẩn trồng trọt đã thu hoạch được hoa lợi, cuộc sống người dân thoải mái hơn, nên Phật tử đến chùa càng ngày càng đông. Vì vậy năm Nhâm Thân (1752), Thiền sư Linh Nhạc với sự hộ giúp của bổn đạo đã dỡ bỏ am tranh, cất thành một ngôi chùa khang trang, có đủ chánh điện, nhà Tổ, phòng khách... Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý đặt tên chùa là “Từ Ân” với ngụ ý là nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no hạnh phúc nơi vùng đất mới và cũng nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật, chư vị Hộ pháp mà tạo nên được cơ sở để truyền bá đạo pháp cho bá tánh.

Ngôi am của vị Sư gần đó cũng được sửa thành ngôi chùa khang trang với tên là “Khải Tường” với ngụ ý là mở rộng phước lành cho bá tánh.

Chùa Khải Tường ở góc đường Lê Quí Đôn và Trần Quí Cáp, tức vị trí ở ngôi nhà lớn dùng làm trường Đại học Y khoa; chùa Từ Ân ở vị trí chợ Đũi, thuộc quận 3 Sài Gòn sau này.

Sau một thời gian hoằng hóa, vị Sư ở chùa Khải Tường viên tịch, Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc trụ trì luôn cả hai chùa. Do tài đức và nhiệt tâm hoằng pháp của Thiền sư Linh Nhạc, hai chùa Từ Ân và Khải Tường trở thành hai ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở phủ Gia Định.

Trong khi hai chùa Từ Ân và Khải Tường phát triển rộng lớn, Thiền sư Linh Nhạc Phật Ý được sự phụ giúp của Sư đệ trong tông phái Lâm Tế là:

- Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, cũng thuộc đời 35 như sư Linh Nhạc (đệ tử của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri) được cử giữ chức Thủ tọa, lo điều khiển Tăng chúng trong hai chùa. Nhưng sau khi Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri viên tịch (năm 1786), Thiền sư Liễu Đạt kính Sư huynh Linh Nhạc Phật Ý như thầy.

Ngoài ra, Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc cũng đào tạo được một số đệ tử có trình độ và đức hạnh để lo việc trong chùa:

- Thiền sư Tổ Tông Viên Quang: là trưởng tử của Hòa thượng Linh Nhạc, được giao lo phụ trách việc giảng giải kinh điển cho đồ chúng trong chùa.

- Thiền sư Tổ Đạt Trí Tâm được trao chức Tri khách, lo việc tiếp khách và việc giao dịch của chùa; sau được cử trụ trì chùa Khải Tường. Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng sau thời gian tu học ở chùa Từ Ân, được về trụ trì chùa Đại Giác ở dinh Trấn Biên (Biên Hòa) có lẽ vào năm 1775, sau này còn được vua Gia Long mời ra kinh đô Huế hoằng hóa, được phong chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (1814-1817), trụ trì chùa Quốc Ân (do Tổ sư Nguyên Thiều thành lập) cho đến ngày viên tịch (năm 1835).

- Thiền sư Tế Chánh Bổn Giác: Đệ tử của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, được Thiền sư Linh Nhạc giao chức Tri sự, lo việc điều hành nội bộ chùa Từ Ân.

Năm Nhâm Thìn (1772), Phật tử ở chùa Giác Lâm (Phú Thọ, Gia Định) đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Linh Nhạc Phật Ý cử Tăng sĩ vào trụ trì chùa này. Chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thoại Long, người Minh Hương, quyên tiền bá tánh xây cất năm Giáp Tý (1744). Hòa thượng Linh Nhạc cử Thiền sư Tổ Tông Viên Quang vào trụ trì chùa Giác Lâm từ đó cho đến ngày viên tịch (1827).

Năm 1801, Nguyễn Vương chiếm lại được kinh đô Phú Xuân và sau đó chiếm luôn cố đô Thăng Long, dẹp tan nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước Đại Việt sau mấy thế kỷ phân chia ly tán. Năm 1802, Nguyễn Vương lên ngôi lấy hiệu là Gia Long.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long (1802-1820) sắc tứ trùng tu và ban thưởng cho các chùa:

- Sắc Tứ Từ Ân Tự, Quốc Ân Khải Tường Tự, cấp lương tiền và mọi chi phí cho Tăng chúng và sanh hoạt của hai chùa này, coi là hai chùa của quốc gia, dân thường gọi là “chùa quan”.

- Vua sai quan trấn Trấn Biên (tỉnh Biên Hòa sau này) đem tượng binh và công thợ trùng tu chùa Đại Giác. Sau đó Công chúa Ngọc Anh cũng tu hành ở chùa Đại Giác. Vua ban y bát và sắc phong cho Thượng tọa Phật Ý Linh Nhạc làm Hòa thượng.

Năm 1814, vua Gia Long lại phong cho đệ tử của Hòa thượng Linh Nhạc là Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng làm Tăng cang chùa Thiên Mụ. Năm 1817, Vua lại cử Thủ tọa chùa Từ Ân là Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt làm Tăng cang chùa Thiên Mụ, thay thế cho Thiền sư Mật Hoằng qua trụ trì chùa Quốc Ân. Sau đó, Vua lại ban cho Tăng cang Liễu Đạt danh hiệu là Hòa thượng Liên Hoa. Đại lão Hòa thượng Linh Nhạc là bậc giác ngộ, khoảng năm 1820-1821, dù Hòa thượng Linh Nhạc ở chùa Từ Ân (Gia Định) nhưng biết việc ở xa, nên có nói với đệ tử là Thiền sư Viên Quang (trụ trì chùa Giác Lâm) là sợ cho duyên trần ràng buộc Hòa thượng Liên Hoa đang hoằng hóa ở kinh đô Huế. Quả thật, Hòa thượng Liên Hoa ở Huế đang bị Hoàng cô là Tế Minh Thiên Nhật thương mến và cố kết gây nghiệp duyên oan trái.

Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), Minh Mạng nguyên niên, Đại lão Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch tại chùa Từ Ân, thọ chín mươi bảy tuổi. Khi Đại lão Hòa thượng viên tịch có mùi hương ngát ở chùa. Chắc hẳn là Ngài đã đạt thành Chánh giác.

Đồ chúng và quan chức Gia Định làm lễ an táng Đại lão Hòa thượng hết sức long trọng, lập tháp trong khuôn viên chùa Từ Ân (trong khuôn viên vườn Tao Đàn ở Sài Gòn ngày nay).

Đến năm Quí Hợi 1923, Thiền sư Hồng Hưng tổ chức lễ thỉnh hài cốt của Tổ Phật Ý Linh Nhạc về chùa Giác Lâm và lập tháp mới bên cạnh tháp của Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang trong khuôn viên chùa Giác Lâm.





Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành

(? - 1823)

(Đời pháp thứ 35, tông Lâm Tế)


Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành hay Hòa thượng Liên Hoa. Hiện chưa biết tên họ thật, quê quán ở đâu, chỉ biết: Thiền sư Liễu Đạt là đệ tử Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri, có lẽ Thiền sư Liễu Đạt qui y với Hòa thượng Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Bình Thảo, Đồng Nai).

Trong thời gian Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc (cũng thuộc phái thiền Lâm Tế, đời 35) hoằng hóa ở chùa Từ Ân (Gia Định), từ năm 1744 đến năm 1821 Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được cử làm Thủ tọa ở chùa này.

Năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Long thứ 16 (năm 1817), Vua xuống sắc, triệu Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành ra kinh đô Huế, cử làm Tăng cang chùa Thiên Mụ (1817-1823), trong thời gian này, Tăng cang Liễu Đạt còn được cử làm Pháp sư để thuyết giảng Phật pháp trong nội cung của vua Gia Long. Mỗi tháng, Tăng cang Liễu Đạt phải vào nội cung tám ngày để thuyết pháp cho Hoàng gia. Sau đó, Vua phong cho Tăng cang Liễu Đạt Thiệt Thành danh hiệu là Hòa thượng Liên Hoa.

Hòa thượng Liên Hoa có tướng mạo oai nghiêm, tướng tốt (tướng hảo), thông minh, có tài thuyết giảng và biện luận về Phật pháp nên được nhiều Phật tử trong cung Nội và triều thần nhà Nguyễn kính phục và mến mộ tài đức.

Trong thời gian Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành hoằng hóa ở kinh đô Huế (vào khoảng năm 1821), Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc ở chùa Từ Ân (Sài Gòn) nói với đệ tử là Thiền sư Tổ Tông Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm là Hòa thượng lo cho sư Liễu Đạt không tránh khỏi mối dây ràng buộc của nghiệp trần duyên vì Thiền sư Liễu Đạt có tướng hảo, có tài thuyết giảng và khoa ăn nói, lại giảng giải trong nội cung, gần nhiều với nữ sắc quyền quí.

Ngày 20 tháng 11 năm Tân Tỵ (1821), Đại lão Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc viên tịch ở chùa Từ Ân, Thiền sư Liễu Đạt không hay biết việc này. Mãi đến đầu năm 1823, có các quan đại thần từ Gia Định ra kinh đô Huế dự lễ, Hòa thượng Liên Hoa mới biết được tin đó, và nhân đó mới có cớ để xin Vua cho từ nhiệm ở chùa Thiên Mụ và ở kinh đô Huế về Gia Định. Sau cả tháng, Thiền sư Liễu Đạt mới được Vua cho phép về trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định…

… Năm Quí Mùi (1823) Hòa thượng Liên Hoa lên chùa Đại Giác ở cù lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất…

… Bài kệ Niết-bàn do Hòa thượng Liên Hoa viết bằng mực đen trên vách chánh điện:

THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần

THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần

LIỄU tri mộng huyễn chân như huyễn

ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần.

Phía dưới có đề: Sa-môn Thiệt Thành hiệu Liễu Đạt.

Hay tin Hòa thượng Liên Hoa đã viên tịch, các quan tỉnh Biên Hòa và các quan thuộc dinh Tổng trấn ở Gia Định phải báo tin về triều và hợp nhau tổ chức tang lễ.

*

Hòa thượng Liên Hoa hay Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt có các đệ tử nổi danh như:

- Thiền sư Tế Chánh Bổn Giác: sau là Tăng cang chùa Thiên Mụ (1823-1825), Tăng cang chùa Giác Hoàng đứng ra lo trùng tu chùa Quốc Ân và chùa Từ Ân.

- Thiền sư Tế Bổn Viên Thường (1769-1848) trụ trì chùa Long Quang và chùa Pháp Vân ở Thừa Thiên (Huế), và Tăng cang chùa Thiên Mụ.

- Thiền sư Tế Tín Chánh Trực trụ trì và trùng tu chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường.






Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng

(1735 - 1835)

(Đời pháp thứ 36, tông Lâm Tế)



Thiền sư Mật Hoằng, húy Tổ Ấn, họ Nguyễn, sanh năm Ất Mão (1735), quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Năm 1749, lúc mới mười lăm tuổi, Mật Hoằng từ Bình Định vào Gia Định, tu hành ở chùa Đại Giác, tại Đại phố Đồng Nai, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay là cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai). Sau đó, Mật Hoằng đến thọ giới Cụ túc với Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc ở chùa Từ Ân, làng Tân Khai, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (nay thuộc quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), tu trì giới hạnh tinh nghiêm.

Năm Quí Tỵ (1773), Thiền sư Mật Hoằng được cử làm Trụ trì chùa Đại Giác (Biên Hòa, Đồng Nai).

Trong thời gian chống với nhà Tây Sơn ở phủ Gia Định (năm 1778 đến năm 1801), Nguyễn Vương Nguyễn Phước Ánh nhiều lần phải lánh nạn ở các chùa miền Nam như chùa Kim Cang, Bửu Phong (Đồng Nai), Tập Phước (Gia Định), Long Nguyên (hay Linh Thứu, Mỹ Tho)... Nguyễn Vương cũng có thời gian tạm trú ở chùa Đại Giác (Biên Hòa), Từ Ân và Khải Tường (Gia Định). Trong thời gian đó, con gái thứ ba của Nguyễn Vương là Ngọc Anh, lánh nạn ở chùa Đại Giác (Biên Hòa), một thời gian sau, Công chúa Ngọc Anh xin xuất gia thọ giới với Thiền sư Mật Hoằng, hiện chúng ta không biết rõ hành trạng của Công chúa, trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huê (B.A.V.H.) năm 1915, có viết như sau: Công chúa Ngọc Anh, chị của Vua (Minh Mạng), còn trẻ và tiết liệt, khi tị nạn nhà Tây Sơn đã đến tu ở chùa Đại Giác, giữ cuộc sống trầm tư mặc tưởng, hành đạo một cách sùng mộ.

Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Vương lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long. Vua nhớ ơn sự giúp đỡ của các chùa trên, nên sắc tứ và ban thưởng cho các chùa. Riêng phần chùa Đại Giác (Biên Hòa), Vua ra lệnh cho quan trấn ở địa phương phải lo trùng tu cho chùa, cho Tượng binh đem voi đến giậm nền chùa. Vì vậy, sau này, chùa Đại Giác còn được gọi là chùa Tượng. Chùa được xây dựng to lớn hơn, có lầu chuông và lầu trống. Vua lại cho tạo tượng Phật A-di-đà cao đến 2m25, nên chùa cũng được gọi là chùa Phật lớn. Vua sắc phong chức Hòa thượng và ban y bát cho bổn sư của Thiền sư Mật Hoằng là Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc (chùa Từ Ân).

Năm Gia Long thứ mười bốn (năm 1815), Vua xuống chiếu triệu Thiền sư Mật Hoằng về kinh đô Huế, phong chức Tăng cang chùa Thiên Mụ, đồng thời thỉnh vào nội cung thuyết pháp cho Hoàng gia.

Năm 1817, Vua lại cử Tăng cang Mật Hoằng trụ trì chùa Quốc Ân (chùa do Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch lập). Trong thời gian hoằng hóa ở chùa này, Tăng cang Mật Hoằng cho xây dựng lại chùa Quốc Ân (bị phá sập trong thời Tây Sơn chiếm đô thành Phú Xuân).

Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Tăng cang Mật Hoằng lại lo trùng tu lại chùa Thập Tháp Di-đà ở Bình Định, là Tổ đình của phái thiền Lâm Tế Đàng trong, do Tổ sư Nguyên Thiều thành lập khi Tổ từ Trung Hoa mới sang Đàng trong. Tăng cang còn cúng cho chùa này một tấm hoành có viết tên “Thập Tháp Di-đà Tự”, hiện vẫn còn.

Ngày mùng 1 tháng 10 năm Ất Mùi (năm 1835), Thiền sư Tổ Ấn Mật Hoằng viên tịch tại chùa Quốc Ân (Huế) thọ một trăm lẻ một tuổi, đồ chúng lập tháp thờ ở bên hông chùa. Bia tháp có ghi: “Sắc tứ Thiên Mụ tự, Trụ trì Mật Hoằng Đại lão Hòa thượng chi tháp.”

Long vị ở chùa Quốc Ân ghi: Sắc tứ Thiên Mụ Trụ trì, trùng kiến Quốc Ân, Lâm Tế chánh tông, tam thập lục thế, húy Tổ Ấn, thượng Mật hạ Hoằng, Lão hòa thượng.

Chùa Long Hưng hay chùa Tổ (Tổ Đỉa) ở tỉnh Sông Bé cũng có thờ long vị của Hòa thượng Mật Hoằng.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên phủ, viết về Thiền sư Mật Hoằng như sau:

“Nguyễn Mật Hoằng

Người huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, mười lăm tuổi xuất gia, lưu ngụ Gia Định đầu thiền ở chùa Đại Giác, tu trì giới hạnh. Đời vua Duệ Tông hoàng đế, năm thứ bảy (Quí Tỵ 1773) Hoằng mới cắt tóc làm thầy. Năm Gia Long thứ mười ba, Vua triệu Hoằng về kinh cấp cho chức Tăng cang trụ trì chùa Thiên Mụ, quán thống Tăng chúng. Mùa đông năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835) Hoằng tịch, thọ một trăm lẻ một tuổi.”

Hòa thượng Mật Hoằng có đệ tử nổi danh là Thiền sư Tiên Huệ Tịnh Nhãn, sau cũng được vua nhà Nguyễn cử làm Tăng cang, trụ trì chùa Thiên Mụ.

Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định, một danh tăng ở kinh đô Huế thời nhà Nguyễn, sau được vua Minh Mạng phong chức Tăng cang chùa Giác Hoàng (năm 1839), Tổ khai sơn chùa Từ Hiếu (Huế), cũng đã cầu pháp với Hòa thượng Mật Hoằng (thế độ với Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh chùa Báo Quốc).



Thiền sư Tổ Tông Viên Quang

(1758 - 1827)

(Đời pháp thứ 36, tông Lâm Tế)



Thiền sư Viên Quang, húy Tổ Tông, chưa rõ tên họ thật, có thể là người Minh hương (người Việt lai Trung Hoa) vì ông nội của Sư là một trong số tướng sĩ trong đạo quân của Tổng binh Cao lôi liêm Trần Thượng Xuyên của nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, nên bỏ Trung Hoa qua Đàng trong (Đại Việt) xin thần phục chúa Nguyễn vào năm 1679, được chúa Nguyễn cho vào làm ăn sanh sống ở Đồng Nai. Tổng binh Trần Thượng Xuyên đã định cư ở vùng Bàn Lân, sau dời lên vùng Tân Lân (trung tâm thành phố Biên Hòa ngày nay) và phát triển cù lao Phố (xã Hiệp Hòa ngày nay) thành một thành phố lớn, đồng thời là một giang cảng quốc tế, gọi là “Đại phố Đồng Nai” (Đồng Nai đại phố).

Lúc còn nhỏ, Thiền sư Viên Quang cùng Trịnh Hoài Đức(1) thường đến chùa Đại Giác tại Đại phố Đồng Nai để lễ sám. Sau đó, lớn lên Thiền sư Viên Quang tiếp tục tu hành, Trịnh Hoài Đức theo Nho học, và ra làm quan dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, được thăng đến chức Hiệp biện Đại học sĩ, tước An toàn hầu.

Lúc còn nhỏ, Thiền sư Viên Quang đã tu học ở chùa Đại Giác, Trụ trì là Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng.

Khi lớn lên, Thiền sư Viên Quang qui y thọ giáo với đệ tử của Hòa thượng Thành Đẳng là Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, là vị khai sơn chùa Từ Ân ở Gia Định (năm 1744).

Thiền sư Viên Quang tu học từ nhỏ giỏi chữ Hán, chịu khó và chăm chỉ tu hành, nghiên cứu nhiều kinh sách, từ kinh sách Phật giáo đến các môn học khác như sách Nho học, Lý dịch, Địa lý... nên uyên thâm cả Phật học và Nho học. Với sức học uyên bác đó, Thiền sư Viên Quang được thầy cử thay thầy diễn giảng kinh pháp cho Tăng chúng ở chùa.

Năm Nhâm Thìn (1772), chùa Giác Lâm khuyết thầy Trụ trì, nên Phật tử chùa này đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc cử Sư đến hoằng hóa. Thiền sư Viên Quang được thầy bổ đến trụ trì tại chùa Giác Lâm xã Phú Thọ, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Khi về chùa Giác Lâm, Thiền sư Viên Quang đã là một vị Cao tăng uyên bác với tâm nguyện phổ hóa Phật pháp, Thiền sư Viên Quang mở rộng chùa Giác Lâm thành Phật học xá, thông báo cho chư Tăng khắp nơi ai muốn tham học Phật pháp thì đến chùa Giác Lâm. Chùa đài thọ cho Học tăng mọi phí tổn, từ việc ăn uống đến kinh sách, tập bút...

Thiền sư Viên Quang đứng ra thuyết giảng kinh pháp, vừa lo cả vấn đề tài chánh cho chùa. Phật học xá này hoạt động suốt hai mươi mấy năm, mà chi phí cho chùa vẫn được đầy đủ, sung túc.

Năm Mậu Ngọ (1798), Thiền sư Viên Quang phải tạm cho Học tăng nghỉ học một thời gian để lo đại trùng tu lại chùa Giác Lâm, vì chùa đã bị hư mục sau khi được lập đến hơn nửa thế kỷ (lập năm 1744). Chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thoại Long đứng ra quyên góp tiền của bá tánh để xây dựng, nên chùa cất bằng cây thường và không mỹ thuật, cột kèo bằng cây tạp nên mau hư mục. Thiền sư Viên Quang cho xây cất chùa lại bằng các loại gỗ quí, cây to, có cây to đến nỗi hai mươi người vẫn chưa khiêng được. Gỗ, ngói được chuyển đến bằng đường thủy. Gỗ quí từ rừng đưa về, được chở bằng thuyền hoặc kết bè, mà chùa Giác Lâm cách xa bến sông đến 2km. Gỗ được đưa từ rừng, xuôi theo sông Đồng Nai, đổ vào sông Bến Nghé, theo rạch Ông Bường, ghé vào bến ở trên bờ rạch Hổ Đất. Từ rạch Hổ Đất đưa về chùa bằng xe trâu. Có nhiều cây to quá, xe trâu kéo không muốn nổi. Cây gỗ chuyển về bến ở rạch Hổ Đất quá nhiều nên Thiền sư Viên Quang phải cử sư Hương đăng của chùa Giác Lâm xuống đó lập am tranh vừa tu hành, vừa giữ gỗ. Chùa phải xây cất trong nhiều năm mới hoàn thành (1798-1804), ông Hương đăng ở bến lo giữ gỗ vẫn chuyên cần công phu, lại khéo léo tu bổ trang trí biến am tranh thành một am thờ Bồ-tát Quan Thế Âm rất đẹp.

Năm Giáp Tý (1804), việc xây cất lại chùa Giác Lâm được hoàn mãn, chùa được dựng với cột gỗ rất quí, cột được làm bằng lõi cây, đường kính bốn, năm tấc tây nên rất chắc, không bị mối mọt và mục nát. Muốn có cột to với lõi cây như thế, cây nguyên của nó đường vòng phải đến hai người ôm mới hết, các thợ mộc phải đẽo gọt rất công phu và mất nhiều thì giờ. Ngoài ra, các câu đối được khắc ngay trên cột, nên các tấm liễn này cũng rất bền chắc; các chữ Nho khắc trên cột rất mỹ thuật, lớp vàng mạ sơn lên chữ Nho làm bằng vàng tốt nên chữ vẫn còn màu vàng sáng óng ánh, không bị mờ đen, lớp mạ không bị tróc vỡ.

Hiện trong chùa Giác Lâm còn hai tấm liễn có ghi như sau:

Vạn pháp đài trung tuyên Tứ đế, báo Phật Tổ hồng ân kỳ phong điều vũ thuận.
Đại hùng bảo điện diễn Tam thừa, chúc Hoàng vương thánh thọ nguyện quốc thái dân an.

(Trên đài Phật pháp, truyền Tứ đế, đáp hồng ân Phật Tổ, cầu mưa hòa gió thuận.
Nơi điện Phật Tổ, diễn Tam thừa, chúc Hoàng vương sống thọ, nguyện đất nước thái bình dân an.)

Trên hai câu liễn có khắc các hàng chữ nhỏ: “Gia Long tam niên Giáp Tý, thái tuế trọng Đông, kiết đán” và “Mộc Ân đệ tử, thiện tín chúng đẳng khẩn bái phụng cúng” cho chúng ta biết được Phật tử Mộc Ân và thiện nam tín nữ khẩn thành lễ bái và phụng cúng vào ngày tốt, trọng Đông (tháng 11) năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long thứ ba (1804).

Sau khi chùa hoàn thành, Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang tiếp tục khai giảng kinh luận trở lại, chư Tăng ở các tỉnh tựu về theo học rất đông.

Khoảng năm 1816-1820, An toàn hầu Trịnh Hoài Đức được Gia Long cử làm Hiệp tổng trấn “Gia Định thành” (gồm sáu tỉnh Nam kỳ sau này). Trong thời gian này, trong một dịp lễ ở chùa Tập Phước (xã Bình Hòa, Gia Định), tình cờ Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức gặp lại Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang, là bạn cũ từ thuở thơ ấu ở quê ngoại, cảm hứng thành bài thơ ngũ ngôn rất đặc sắc, thể hiện trình độ thâm hiểu Phật pháp sâu xa và tâm chân thật của một bậc trí giả liễu ngộ lý đạo và hành thâm Phật đạo:

“Ức tích thái bình thì,
Lộc Động phương thịnh mỹ,
Thích-ca giáo hưng sùng,
Lâm ngoại tổ phú quí.
Ngã vi thiêu hương đồng,
Sư tác chi giới sĩ,
Tuy ngoại phân thanh hoàng,
Nhược mạc khế tâm chí.
Phong trần thứ lương bằng,
Thế giới nhập ngạ quỉ,
Bình ngạnh nhậm phù trầm,
Bào ảnh đẳng sanh tử.
Yểm tứ thập dư niên,
Hoàn thuấn tức gian sự,
Tây giao thích nhàn hành,
Sơn môn ngẫu tương trị.
Ngã Hiệp biện Trấn công,
Sư Đại Hòa thượng vị,
Chấp thủ nghĩ mộng hồn,
Đàm tâm tạp kinh quí,
Vãng sự hà túc luận,
Đại Đạo hiệp như thị.

Nhớ xưa thuở thái bình,
Đất Đồng Nai thạnh mỹ,
Đạo Phật được hưng sùng,
Nhà ngoại thêm phú quí.
Ta đồng tử đốt hương,
Sư theo đòi giáo nghĩa,
Bên ngoài chia đạo đời,
Bên trong đồng tâm chí.
Loạn lạc phải xa nhau,
Thế giới thành ngạ quỉ,
Ta trôi nổi vào ra,
Bọt bèo biển sanh tử.
Mới đó bốn mươi năm,
Chớp nhoáng chuyện thế sự,
Nay bỗng nhiên nhàn hành,
Nơi thiền môn gặp gỡ.
Ta Hiệp biện Trấn công,
Sư Cao tăng Thượng sĩ,
Nhìn xưa như giấc mộng,
Tâm cùng tâm tương nghị,
Chuyện xưa nói sao cùng,
Đại Đạo vốn Như Thị(2).

Sau đó, có lẽ Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức cũng thường viếng chùa Giác Lâm và đã tặng chùa câu đối mà chính Ngài đã viết kính điếu thầy học của Ngài là “Xử sĩ Võ Trường Toản”:

Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử,
Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giả bất vong.

(Khi sống dạy dỗ được người, không con như có con,
Lúc mất lưu danh lại đời, tuy mất nhưng không mất.)

Cặp câu đối này vừa mang ý nghĩa hợp với đạo và đời. Một vị “Thầy” (thầy giáo hay thầy tu), lúc còn sống dạy dỗ được người đời, dầu không có con để nối dòng dõi mà cũng như có con vì có học trò nối truyền. Vị thầy này khi mất rồi, danh tiếng vẫn lưu lại trong đời. Tuy thân xác không còn nhưng danh vẫn không bao giờ mất.

Năm Gia Long thứ mười tám (1819), Hòa thượng Viên Quang mở Giới đàn tại chùa Giác Lâm, Tăng chúng và thiện nam tín nữ đến qui y thọ giới rất đông.

Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang viên tịch tại chùa Giác Lâm vào ngày mùng ba tháng chạp năm Đinh Hợi (1827), thọ bảy mươi tuổi, đồ chúng lập tháp chôn hài cốt tại sân chùa, trên bia tháp chỉ ghi đơn sơ: “Lâm Tế Chánh Tông, Tông Hiến Quang Công, Đại lão Hòa thượng.”

Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức viết về Đại lão Hòa thượng Viên Quang như sau:

“Đại lão Hòa thượng Viên Quang thuộc thế hệ 36 của phái thiền Lâm Tế Chánh Tông, trải từ tuổi nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành, ngày càng tinh tấn, lại có tánh ưa cảnh khói mây, núi non sông suối (yên hà tuyền thạch), ít khi đến chỗ thành thị huyên náo.”

Từ khi Ngài đến chùa Giác Lâm, chùa này có tình cảnh hợp với câu thơ:

Sơn trung tức phiền não
Lâm hạ xuất già-lam.

Tạm dịch:

Trên núi dứt phiền não
Trong rừng xuất hiện chùa.

Theo tài liệu ở chùa Giác Lâm cho biết, Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang tịch năm Đinh Hợi (1827), thọ bảy mươi tuổi, như vậy là Hòa thượng có thể sanh vào năm Mậu Dần (1758).


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Trịnh Hoài Đức (1765-1825).

(2) Bài này dựa theo Nguyễn Lang, có thay đổi chút ít.



Thiền sư Nhất Định

(1784 - 1847)



Thiền sư Nhất Định pháp danh là Tánh Thiên, người Quảng Trị, sanh năm 1784. Thiền sư xuất gia hồi còn nhỏ, lớn lên được Thiền sư Phổ Tịnh chùa Thiên Thọ làm lễ thế độ cho làm Sa-di. Sau Sư thọ giới Cụ túc với Thiền sư Mật Hoằng ở chùa Quốc Ân. Vâng mệnh vua Gia Long, Sư giữ chức vụ Trụ trì chùa Thiên Thọ.

Năm 1833, vua Minh Mạng thỉnh Sư trụ trì chùa Linh Hựu. Năm 1839 Vua lại thỉnh Sư làm Tăng cang chùa Giác Hoàng. Tánh Sư ưa vân du nên không thích quản đốc các chùa quốc tự. Năm 1843, Sư xin từ chức Tăng cang chùa Giác Hoàng, được vua Thiệu Trị chấp nhận. Sư rất hài lòng, nói:

Già rồi, may được vua thương,
Một thân, một bát, rộng đường vân du.

(Hạnh phùng tấu đắc nhưng hồi lão,
Nhất bát cô thân vạn lý du.)

Mấy năm sau đó, Sư lên núi Dương Xuân Thượng quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, dựng một thảo am để ở, gọi là An Dưỡng Am. Cảnh trí ở đây u nhàn đẹp đẽ. Sư tu ở đây cho đến năm 1874 thì tịch, thọ đúng sáu mươi bốn tuổi. Ba người đệ tử xuất sắc nhất của Sư là Lương Duyên, Cương Kỷ và Linh Cơ.

Thái giám viện nương vào đức độ của Sư, dựng chùa lớn tại địa điểm An Dưỡng Am, đặt tên là chùa Từ Hiếu, kiến trúc tương tợ kiến trúc lăng vua Tự Đức. Tên chùa là Từ Hiếu vì các đệ tử Sư vẫn nhớ lúc sanh tiền Sư rất có hiếu với cha mẹ, dù đã đi xuất gia.



Tăng cang Tiên Giác Hải Tịnh

(1788 - 1875)

(Đời pháp thứ 37, tông Lâm Tế)

Tăng cang Tiên Giác Hải Tịnh tên tục là Nguyễn Tâm Đoan, sanh ngày 30 tháng 5 năm Mậu Thân (1788), con của ông Nguyễn Hầu Cẩm, quê ở Gia Định.

Năm Nhâm Tuất (1802), ông Nguyễn Hầu Cẩm dẫn con trai là Nguyễn Tâm Đoan (mười lăm tuổi) vào chùa Từ Ân ở Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), làm lễ xin Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc cho Tâm Đoan xuất gia tu hành.

Hòa thượng Linh Nhạc giao Tâm Đoan cho Thiền sư Tổ Tông Viên Quang, trụ trì chùa Giác Lâm dạy dỗ. Thiền sư Viên Quang đặt pháp danh cho Tâm Đoan là Tiên Giác, hiệu là Hải Tịnh. Như vậy, Sa-di Hải Tịnh được theo học với hai vị Thiền sư tài đức và nổi danh thời đó ở Gia Định (Nam Bộ ngày nay) là Tổ Phật Ý Linh Nhạc và Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang.

Sa-di Tiên Giác Hải Tịnh chí tâm tu học ở chùa Giác Lâm và chùa Từ Ân, chăm lo nghiên cứu, tham học kinh điển và hành trì thiền định miên mật; nên sau một thời gian tu học, Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh sớm trở thành một danh tăng uyên bác.

Năm Tân Tỵ (1821), Tổ Phật Ý Linh Nhạc viên tịch ở chùa Từ Ân, có lẽ Hòa thượng Viên Quang cử Thiền sư Hải Tịnh ra trông coi chùa Từ Ân, trong khi Hòa thượng Liên Hoa (tức Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt) đang bận hoằng hóa ở kinh đô Huế.

Tháng 3 năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mạng cho vời Thiền sư Hải Tịnh ra trụ trì chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế. Sách Đại Nam Thực Lục chánh biên, đệ nhị kỷ ghi: “Năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ sáu, tháng 3... cho vời Sư chùa Từ Ân ở Phiên An là Nguyễn Tâm Đoan, khiến sung làm Trụ trì chùa Thiên Mụ.”

Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ ở kinh đô Huế một thời gian, chưa rõ bao lâu; Tăng cang Hải Tịnh bị tội, chưa biết rõ tội gì, nên bị cách chức Tăng cang, bị đày làm việc nặng ở chùa này, chưa rõ bị bắt làm việc nặng trong thời gian bao lâu, mãi đến khi vua Thiệu Trị lên ngôi (năm 1841), Thiền sư Hải Tịnh mới được Vua tha tội và cho phục hồi chức Tăng cang, tuy nhiên lúc đó ở chùa Thiên Mụ đã có Tăng cang Nguyễn Văn Thường (Tế Bổn Viên Thường?), nên Tăng cang Hải Tịnh vẫn phải ở chùa Thiên Mụ, chờ khi nào có chùa quan (chùa do vua lập) nào thiếu Tăng cang thì sẽ cử thay thế.

Trong tờ dụ ngày 16 tháng 3 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) viết như sau: “Nguyên Trụ trì chùa Thiên Mụ là Nguyễn Tâm Đoan, trước nhân can án phạm lỗi bị cách chức bỏ Tăng cang, nhưng chuẩn cho ở chùa ấy làm công việc nặng nhọc để chuộc tội, gần đây đã biết xấu hổ ăn năn lỗi trước, truyền gia ân khoan miễn cho Nguyễn Tâm Đoan. Bộ Lễ hãy cấp hoàn một văn bằng Tăng cang và vẫn chuẩn cho ở tại chùa này làm việc, chờ khi có chùa quan nào khuyết Trụ trì sẽ bổ sung. Khâm thử.”

Việc Tăng cang Hải Tịnh bị kết tội và bị cách chức Tăng cang chùa Thiên Mụ có thể xảy ra vào khoảng năm 1833-1835, vì sau khi Tổng trấn thành Gia Định là Tả quân Lê Văn Duyệt chết, vua Minh Mạng vì tư thù, cho điều tra để kết tội Lê Văn Duyệt, vì vậy năm 1833, con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm thành Phiên An (Sài Gòn) và chống lại quân triều đình Huế, mãi đến năm 1835, quân của triều đình mới chiếm lại được thành Phiên An và dẹp tan cuộc nổi loạn này.

Tăng cang Hải Tịnh là người Gia Định, hoằng hóa ở Gia Định, có lẽ là có liên hệ với Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt và có thể Tổng trấn Lê Văn Duyệt đề nghị với vua Minh Mạng cho Thiền sư Hải Tịnh được làm Tăng cang chùa Thiên Mụ. Vì vậy, khi Lê Văn Khôi nổi loạn, vua Minh Mạng kết tội Tăng cang Hải Tịnh, cách chức Tăng cang và bắt làm việc nặng ở chùa Thiên Mụ. Đến khi vua Minh Mạng chết, vua Thiệu Trị lên ngôi (năm 1841) mới xét lại vụ án Lê Văn Khôi, Tăng cang Hải Tịnh mới được ân xá và cho phục chức Tăng cang. Như vậy thời gian Tăng cang Hải Tịnh bị kết tội “oan” là từ năm 1833 đến năm 1841.

Sau đó, Tăng cang Tiên Giác Hải Tịnh được bổ Trụ trì chùa Long Quang (1841-1842).

Ngày 16 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ hai (1842), Tăng cang Hải Tịnh được triều đình cử đến trụ trì chùa Giác Hoàng ở trong kinh thành Huế, thay thế cho Tăng cang Nguyễn Nhất Định (tức Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định). Bộ Lễ đã đề nghị lên vua theo phiếu tấu như sau:

Bọn thần bộ Lễ kính cẩn tâu về việc làm phiếu tấu. Nhân hôm qua có sớ của Thị vệ nói Trụ trì chùa Giác Hoàng là Nguyễn Nhất Định bị bệnh, không kham nổi việc chùa, xin cho về sơn dã. Phụng chỉ ban rằng: “Căn cứ lời tâu Nguyễn Nhất Định đã già bệnh, đã sát nghiệm đúng như vậy. Nay chuẩn cho thảy về sơn dã. Còn Trụ trì chùa này (Giác Hoàng) truyền Nguyễn Văn Thường (Tăng cang Viên Thường Tế Bổn - Trụ trì chùa Thiên Mụ) và Nguyễn Tâm Đoan (Tăng cang Hải Tịnh Tiên Giác - Trụ trì chùa Long Quang) lập tức tuyển trong số tăng sĩ các chùa ở kinh đô (Huế), người nào kiên trì giới luật, khá thuộc kinh giáo, chọn lấy một tên, rồi do Bộ (Lễ) sát hạch, chiếu cấp văn bằng Tăng cang bổ vào làm Trụ trì chùa này để lo việc chùa. Khâm thử.”

Bộ đã ra lệnh cho bọn Nguyễn Văn Thường. Nay theo khai bẩm của Nguyễn Văn Thường thì bọn y đã họp Hội đồng chư sơn các chùa, tuyển chọn hai ba lần, nhưng chỉ có Nguyễn Tâm Đoan, hiện sung chức Tăng cang chùa Long Quang là người am tường kinh giáo, giới luật tinh trì, quả là người mẫn cán trong thiền gia, có thể chọn sung làm Tăng cang chùa Giác Hoàng và bọn y đã cùng nhau làm tờ Tuyển cử và trình bày các lý lẽ.

Bộ cung kính suy nghĩ kỹ lời Chỉ ban rằng: khuyết Tăng cang chùa Giác Hoàng thì do Nguyễn Văn Thường và Nguyễn Tâm Đoan lựa cử. Nay Nguyễn Văn Thường cùng chư Tăng các chùa lại thấy Nguyễn Tâm Đoan sung tuyển, như thế cũng khá ngại, nên đã ra lệnh cho Nguyễn Văn Thường cử lại.

Cứ theo Nguyễn Văn Thường nói thì chùa Giác Hoàng là nơi quan trọng, không như các chùa khác, tăng sĩ tuy nhiều nhưng khó chọn được, chỉ có Nguyễn Tâm Đoan là người giỏi thiền giáo, có thể quản suất Tăng chúng được v.v...

Bọn thần thiết tưởng, các chùa đã họp nhau làm tờ Bảo cử, như vậy cũng có ý kiến thận trọng đối với chùa quan. Vậy cũng nên lấy Nguyễn Tâm Đoan điền bổ làm Tăng cang chùa Giác Hoàng. Như được chuẩn cho, Bộ sẽ chiếu lệ, cải cấp văn bằng để thừa hành công việc. Còn khuyết Trụ trì chùa Long Quang thì sẽ do Bộ sắc bảo Nguyễn Văn Thường tuyển cử người khác điền vào.

Vậy kính dâng phiếu tấu đầy đủ, chờ Thánh chỉ. Kính tâu.

Ngày 16 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ hai.

Thần Lê Văn Đức ký, thần Lý Văn Phức ký, thần Nguyễn Văn Thi ký.

*
* *

Đầu tháng 5 năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), Vua cho lập trai đàn Tứ tuần Thánh thọ ở chùa Diệu Đế một thất bảy ngày. Tiếp đó, các Hoàng nam, Hoàng nữ xin mở tiếp trai đàn tụng kinh chúc thọ một thất.

Ngày 22 tháng đó, các Tăng cang chùa Thiên Mụ (Tế Bổn Viên Thường), Tăng cang chùa Giác Hoàng và Tăng cang chùa Diệu Đế (Thiền sư Nguyễn Văn Chân) xin tiếp tục tụng kinh chúc thọ cho Vua ở chùa Diệu Đế một thất nữa (từ 23 đến 29 tháng 5).

Năm 1847, vua Thiệu Trị băng, vua Tự Đức lên kế vị, có lẽ lúc đó, Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh xin từ chức Tăng cang ở chùa Giác Hoàng để về Gia Định trụ trì chùa Giác Lâm như xưa.

Năm Kỷ Dậu (1849), Thiền sư Hải Tịnh thiết lập “Giới đàn” (đàn truyền giới) cho tăng sĩ và cư sĩ. Chư Tăng nhân giới đàn đó, cùng suy tôn Thiền sư Hải Tịnh làm Hòa thượng đường đầu truyền giới, lúc đó Hòa thượng Hải Tịnh được sáu mươi hai tuổi.

*
* *

Vào giữa thế kỷ 19, ở Nam Kỳ, vấn đề nghi lễ trong Phật giáo xuất hiện phong trào “Ứng phú”.

Ứng phú là dùng âm nhạc cổ truyền của đạo Phật và dân tộc vào các buổi lễ tại chùa hay các lễ cầu an, tang lễ, cầu siêu... ở nhà các tín đồ.

Nguyên nghĩa của Ứng phú: Ứng là lời mời, Phú là đi đến. Ứng phú có nghĩa là lời mời chư Tăng đến nhà để làm lễ về Phật giáo; danh từ bình dân gọi là “đi đám”.

Qua kinh nghiệm trong thời gian hoằng dương đạo pháp từ Gia Định ra đến kinh đô Huế; qua kinh nghiệm trong việc hành lễ về tôn giáo từ nơi thôn quê đến thành thị và ngay tại nơi chốn triều đình, Hoàng cung; qua kinh nghiệm giảng dạy chư Tăng ở các chùa và các thời thuyết pháp, Hòa thượng Hải Tịnh nhận thấy rằng: chư Tăng Ni và tín đồ thời đó ưa “Ứng phú” hơn là đến pháp hội nghe thuyết giảng kinh pháp.

Trong khoa Ứng phú, khi hành lễ, chư Tăng tụng kinh, tán xướng... theo giọng trầm bổng của tiếng nhạc, của dàn nhạc cổ truyền (gồm kèn, trống, đẩu, chuông...) làm cho âm điệu du dương truyền cảm dễ thâm nhập vào tâm hồn người nghe; lời tụng kinh thường âm thanh khô khan, đều đều, làm cho người nghe mau chán và ít thâm nhập vào tâm hồn người nghe kinh.

Ngoài những cái lợi đó, khoa Ứng phú còn có thể giúp cho Phật giáo được truyền bá rộng rãi khắp nơi, nhờ chư Tăng đến tận nhà của tín đồ làm lễ, tạo nhân duyên cho những người ở địa phương có dịp nghe được kinh điển, biết thêm lễ nghi Phật giáo, giúp cho bá tánh phát tâm theo đạo Phật.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi đó, khoa Ứng phú còn có những bất lợi và nguy hại khác:

Chư Tăng đến nhà Phật tử nhiều quá, giao thiệp với nhiều thành phần trong xã hội, dễ bị tiêm nhiễm phàm tục; nếu không giữ giới luật nghiêm minh, chư Tăng có thể bị tài, sắc, danh, lợi quyến rũ sa ngã, có thể làm mất phẩm cách, đạo hạnh của bậc tu hành cầu giải thoát.

Trước những điều lợi và hại đó của khoa Ứng phú, Hòa thượng Hải Tịnh phân vân, chưa biết có nên phổ biến hay hạn chế khoa Ứng phú.

Trong thời gian đó, khoa Ứng phú đã phát triển mạnh ở Lục tỉnh Nam Kỳ và các tỉnh miền Trung. Hòa thượng Hải Tịnh nhận thấy rằng: khoa Ứng phú đang lan tràn khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê... không thể ngăn chặn được, vì vậy, phương cách tốt hơn hết là tham gia vào phong trào Ứng phú đó để tìm cách hướng dẫn phong trào Ứng phú đi theo đúng hướng trong giới luật đạo Phật, tránh bớt những hành động của chư Tăng bị phàm tục lôi cuốn, làm mất phẩm cách, giới hạnh của tăng sĩ, ảnh hưởng không tốt cho tiền đồ Phật giáo.

Vì vậy, vào khoảng năm 1850, Hòa thượng Hải Tịnh triệu tập một cuộc đại hội của chư Tăng và các thầy theo khoa Ứng phú tại chùa Giác Lâm để phổ biến chủ trương “bảo vệ và phát huy tinh hoa của khoa Ứng phú theo đúng với đạo Phật cổ truyền”, đồng thời Hòa thượng Hải Tịnh cũng đề nghị thành lập cơ sở học tập cho khoa Ứng phú để thực hiện chủ trương đó. Chư Tăng và các thầy theo khoa Ứng phú tham dự cuộc hội đều tán đồng ý kiến đó của Hòa thượng Hải Tịnh.

Ngay trong năm đó (1850), Hòa thượng Hải Tịnh cho trùng tu viện Quan Âm thành chùa Giác Viên để dùng chùa này làm cơ sở học tập cho khoa Ứng phú.

Trong khi đó Hòa thượng Hải Tịnh vẫn phát triển việc giảng dạy cho chư Tăng ở chùa Giác Lâm như Tổ Viên Quang đã thực hiện từ trước.

Chùa Giác Viên lúc đó trở thành trung tâm của khoa Ứng phú ở Lục tỉnh Nam Kỳ, dần dần ảnh hưởng lan rộng khắp nơi. Tín đồ Phật giáo và dân chúng khắp Nam Kỳ đều nghe danh của chư tăng Ứng phú ở chùa Giác Viên. Mỗi khi trong gia đình có tổ chức cầu an, cầu siêu, trai tăng, bố thí... bổn đạo thường đến chùa Giác Viên làm lễ “Đại Nạp” để cầu Tăng sĩ Ứng phú đến nhà làm lễ.

Năm 1852, ông Hương đăng (chưa rõ pháp danh) sáng lập và trông coi chùa Giác Viên viên tịch, Hòa thượng Hải Tịnh cử đệ tử là Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa Giác Viên.

Nhờ khoa Ứng phú chùa Giác Viên hưng thạnh, bổn đạo đến chùa ngày càng đông, nhiều người đến xin qui y thọ giới, nhiều người đến chùa cúng dường làm công quả..., kinh tế của chùa sung túc. Trong khi đó, chùa Giác Lâm ít có người lui tới, lại phải đài thọ cho việc ăn học của Tăng sinh nên kinh tế gặp khó khăn. Hòa thượng Hải Tịnh phải dung hòa tài chánh ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, thực hành thuyết lục hòa ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, lấy tiền của dư thừa ở chùa Giác Viên bổ khuyết cho chùa Giác Lâm.

Năm Mậu Ngọ (1858), quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng. Năm Kỷ Mùi (1859), niên hiệu Tự Đức thứ 12, quân Pháp đem quân vào đánh chiếm thành Gia Định, san bằng dinh lũy của Nam Triều. Chùa Sắc Tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường nằm trong vòng lửa đạn của chiến tranh. Trụ trì chùa Từ Ân lúc đó là Thiền sư Tiên Tín Chánh Trực (huynh đệ của Hòa thượng Hải Tịnh) phải bỏ chùa chạy giặc, trong khi vội vàng, chỉ đem giấu được một vài kỷ vật nhỏ của chùa. Sau này, khi xây dựng lại chùa Từ Ân ở Chợ Gạo (Phú Lâm), chùa còn giữ được vài kỷ vật.

Chùa Giác Lâm và Giác Viên ở xa chiến trận nên không bị nguy hại gì. Năm sau (1860), vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương làm Thống đốc quân vụ, Phạm Thế Hiển làm Tham tá quân vụ vào Gia Định hợp cùng Tôn Thất Hiệp lo chống lại quân Pháp. Quân Pháp tấn công vào đồn Kỳ Hòa, sau khi đồn này thất thủ, chiến tranh Việt Pháp lan rộng dần khắp Gia Định và các tỉnh Biên Hòa, Định Tường. Dân chúng ở Sài Gòn chạy tản cư, chư Tăng ở chùa Giác Lâm và Giác Viên cũng bỏ chạy, chỉ còn Hòa thượng Hải Tịnh (bảy mươi ba tuổi) và vài vị Sư già ở lại chùa.

Năm 1862, triều đình Huế phải ký hiệp ước nhượng cho Pháp ba tỉnh miền đông Nam Kỳ. Năm 1867, quân Pháp đánh chiếm hết cả sáu tỉnh Nam Kỳ, Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp.

Năm Kỷ Tỵ (1869), Hòa thượng Hải Tịnh đã tám mươi hai tuổi, biết rằng mình không còn trụ thế bao lâu nữa nên sắp đặt việc thừa kế ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên như sau:

- Đệ tử lớn là Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa Giác Lâm, Thiền sư Minh Lý Quảng An làm Tri khách và phụ giúp cho Sư huynh Mật Hạnh.

- Đệ tử nhỏ hơn là Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân trụ trì chùa Giác Viên.

Năm Tân Mùi (1871), Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh hợp cùng chư Hòa thượng ở các tỉnh Nam Kỳ tổ chức Đại giới đàn tại chùa Tây An, ở núi Sam, Châu Đốc (An Giang).

Năm Ất Hợi (1875), Hòa thượng Hải Tịnh lại tổ chức Giới đàn (đàn truyền giới) ở chùa Thiên Ân (Gia Định), đệ tử của Hòa thượng Hải Tịnh là Minh Khiêm Hoằng Ân được phong làm Giáo thọ.

Ngày mùng 8 tháng 11 năm Ất Hợi, năm Tự Đức thứ 29 (1875), Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh cho gọi các đệ tử về chùa Giác Lâm để phó chúc. Hòa thượng dạy các đệ tử phải chăm lo tham học nghiên cứu kinh điển, trau dồi đạo đức phẩm hạnh, không nên ham thích theo khoa Ứng phú dễ bị sa ngã, mà cần phải tu tập thiền định để giải thoát cảnh luân hồi sanh tử. Đúng giờ Ngọ ngày hôm đó, Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh an nhiên viên tịch, thọ tám mươi tám tuổi.

Đồ chúng lập tháp thờ Hòa thượng Hải Tịnh ở khuôn viên chùa Giác Lâm.

Một Tăng sĩ (chưa rõ pháp danh) ca ngợi công đức của Hòa thượng Hải Tịnh trong việc khai mở các trường Hương ở Nam Kỳ qua bài thơ sau:

“Cấm túc an cư theo giới thiền,
Trường Hương ba tháng mở đầu tiên.
Dắt dìu tăng chúng phăng nguồn đạo,
Gội đức từ bi HẢI TỊNH truyền.”



Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh

(1828 - 1898)

(Đời pháp thứ 38, tông Lâm Tế)



Thiền sư Mật Hạnh, húy Minh Vi, thọ giới qui y với Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh tại chùa Giác Lâm.

Năm Canh Tuất (1850), Hòa thượng Hải Tịnh cho đổi viện Quan Âm thành chùa Giác Viên. Năm Nhâm Tý (1852) ông Hương đăng trụ trì chùa Giác Viên (chưa rõ pháp danh) qui tịch, Hòa thượng Hải Tịnh cử Thiền sư Mật Hạnh thay thế Trụ trì chùa Giác Viên.

Theo sự tổ chức phân công của Hòa thượng Hải Tịnh: chùa Giác Lâm chuyên lo phần giáo pháp, dạy kinh điển Phật pháp cho Tăng chúng và thuyết pháp cho Phật tử; chùa Giác Viên chuyên lo phần Ứng phú, chư Tăng ở chùa này lo việc tụng kinh, tế lễ ở nhà tín đồ (cầu an, cầu siêu, trai tăng...) Với nhiệm vụ Ứng phú này, chùa Giác Viên tiếp xúc nhiều với Phật tử, nên tín đồ đến viếng lễ, cúng dường và xin qui y thọ giới ở chùa Giác Viên rất đông đảo, bổn đạo của chùa này ngày càng đông, sanh hoạt chùa phát triển mạnh; trong khi đó, Phật tử đến chùa Giác Lâm ít hơn, chỉ có những tín đồ thâm hiểu Phật pháp và chí tâm tham học kinh điển mới đến viếng lễ cúng dường và qui y thọ giới ở chùa Giác Lâm, do đó, kinh tế chùa Giác Lâm kém sút, không đủ đài thọ cho chư Tăng tu học ở đây. Chùa Giác Viên phải trợ duyên.

Năm Kỷ Tỵ (1869), Hòa thượng Hải Tịnh đã quá lớn tuổi (tám mươi hai tuổi), nên cử đệ tử kế thế Trụ trì:

- Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa Giác Lâm, phụ giúp có Tri khách Minh Lý Quảng An.

- Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân trụ trì chùa Giác Viên.

Năm Ất Hợi (1875), Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh viên tịch tại chùa Giác Lâm, thọ tám mươi tám tuổi, Thiền sư Mật Hạnh mới thật sự chánh thức trụ trì chùa Giác Lâm. Thiền sư Mật Hạnh rất quan tâm đến việc tu học của Tăng chúng, thấy Sư đệ là Thiền sư Hoằng Ân trụ trì chùa Giác Viên có đủ tài đức giáo hóa chư Tăng nên sư Mật Hạnh cho Tăng chúng ở chùa Giác Lâm xuống tham học giáo lý với Thiền sư Hoằng Ân.

Năm Quí Tỵ (1893), Thiền sư Mật Hạnh thấy sức khỏe mình quá yếu kém, không thể kham nổi việc chùa, nên trao quyền Trụ trì chùa Giác Lâm cho Sư đệ Hoằng Ân, và Thiền sư Mật Hạnh nguyện nhập thất tu thiền cho đến ngày qui tịch.

Lúc đó, Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân về trụ trì chùa Giác Lâm, giao cho đệ tử trụ trì chùa Giác Viên: Thiền sư Như Nhu Chân Không làm chánh và Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa làm phó.

Giờ Thìn ngày 14 tháng 11 năm Mậu Tuất (1898), Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh qui tịch tại chùa Giác Lâm, thọ bảy mươi mốt tuổi.



Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân

hiệu Diệu Nghĩa

(1850 - 1914)

(Đời thứ 38, tông Lâm Tế)



Thiền sư Hoằng Ân húy là Minh Khiêm, hiệu Diệu Nghĩa, sanh ngày 15 tháng 7 năm Canh Tuất (1850).

Thiền sư Hoằng Ân qui y thọ giới với Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh từ nhỏ, tu học ở chùa Giác Lâm, tinh tấn tham học kinh sách, học rộng hiểu nhiều.

Năm Kỷ Tỵ (1869), Hòa thượng Hải Tịnh đã tám mươi hai tuổi, thấy mình tuổi già, sức yếu, nên cử trưởng tử là Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa Giác Lâm và đệ tử còn trẻ (hai mươi tuổi) nhưng có tài là Minh Khiêm Hoằng Ân trụ trì chùa Giác Viên.

Năm Tân Mùi (1871), Hòa thượng Hải Tịnh hợp cùng chư Hòa thượng ở Nam Kỳ tổ chức Đại giới đàn tại chùa Tây An ở núi Sam, Châu Đốc (tỉnh An Giang); Thiền sư Hoằng Ân mới hai mươi hai tuổi mà được cử làm Dẫn thỉnh sư trong giới đàn này.

Năm Ất Hợi (1875), Hòa thượng Hải Tịnh mở giới đàn tại chùa Từ Ân (Gia Định), Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân được cử làm Giáo thọ, lúc mới hai mươi sáu tuổi.

Qua các giới đàn này, Thiền sư Hoằng Ân đã được giữ vai trò quan trọng trong lúc tuổi còn quá trẻ, chứng tỏ Thiền sư Hoằng Ân là một vị Sư có tài đức, được chư sơn tôn trọng.

Tháng 11 năm Ất Hợi (1875), Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh viên tịch, trưởng tử là Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh (bốn mươi tuổi) trụ trì chùa Giác Lâm, nhưng về Phật học Thiền sư Mật Hạnh kém hơn Sư đệ là Minh Khiêm Hoằng Ân, vì vậy, Thiền sư Mật Hạnh cho Tăng chúng ở chùa Giác Lâm qua chùa Giác Viên học kinh tạng với Giáo thọ Hoằng Ân.

Năm Canh Thìn (1880), Thiền sư Hoằng Ân (hiệu Diệu Nghĩa) đứng ra khắc in lại tập truyện thơ “Hứa Sử Truyện Vãn” do Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài san định lại, bản gỗ khắc in tập truyện này còn lưu giữ tại chùa Giác Viên.

Năm Đinh Hợi (1887) bà Trần Thị Liễu ở làng Tân Hòa Đông có cất một ngôi chùa mới xin Thiền sư Hoằng Ân cho đệ tử đến trông nom việc hoằng pháp. Thiền sư đặt tên chùa là Giác Hải, và cử đệ tử là Như Nhãn Từ Phong đến trụ trì chùa này.

Năm Quí Tỵ (1893), Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh trụ trì chùa Giác Lâm đã sáu mươi lăm tuổi, thấy sức khỏe yếu kém nên Sư nhập thất cho đến ngày viên tịch, trao chức Trụ trì chùa Giác Lâm cho Sư đệ Hoằng Ân. Lúc đó, Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân trụ trì cả hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, nhưng chùa Giác Lâm là Tổ đình của môn phái nên Sư về trụ ở chùa này, giao chức Trụ trì chùa Giác Viên cho đệ tử là Thiền sư Như Nhu Chân Không với sự phụ giúp của Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa.

Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân (Diệu Nghĩa) thấy bộ luật “Tỳ-ni” viết bằng chữ Hán khó hiểu nên Sư ra sức tóm tắt luật “Tỳ-ni” lại cho gọn và chú giải bộ luật “Thiền Môn Trường Hàng Luật: Tỳ-ni Sa-di Oai Nghi Cảnh Sách” hay “Tỳ-ni Nhật Dụng Yếu Lược” bằng chữ nôm (lúc đó chữ nôm còn được coi là chữ quốc ngữ của Việt Nam, còn chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La Tinh hiện tại chưa được thông dụng).

Sau mấy năm công phu chú giải, hiệu đính và khắc in, bộ sách “Tỳ-ni Nhật Dụng Yếu Lược” được in phổ biến vào năm Giáp Ngọ (1894).

Trong công trình in bộ sách này, Thiền sư Hoằng Ân nhờ Thiền sư Đạt Lý Huệ Lưu trụ trì chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức) phụ giúp phần sao chép để khắc vào bản gỗ. Việc khắc bản gỗ và in bộ sách này được thực hiện ngay tại chùa Giác Viên, thợ khắc và thợ in được nuôi ăn ở tại chùa này(1).

Sau khi bộ luật Trường Hàng “Tỳ-ni Nhật Dụng Yếu Lược” được in phổ biến, chư Tăng ở khắp nơi gởi thơ về chùa Giác Viên ca tụng, Thiền sư Hoằng Ân mời chư Tăng về họp ở chùa Giác Viên để thảo luận về bộ sách luật này. Chư Tăng trong cuộc họp này đề nghị dùng bộ sách đó làm sách giáo khoa sơ cấp trong giáo trình dạy đạo ở các chùa thuộc các tỉnh Nam Kỳ. Chư Tăng trong cuộc họp cũng đồng ý: các chú Đạo, chú Tiểu mới tu học ở chùa phải học thuộc lòng bộ sách này. Đồng thời, trong các “Đàn truyền giới” (trường Hương, trường Kỳ), dùng bộ luật này làm đề tài khảo thí.

Năm Mậu Tuất (1898), Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh thị tịch tại chùa Giác Lâm, thọ bảy mươi mốt tuổi, Thiền sư Hoằng Ân cho lập tháp thờ tại khuôn viên chùa Giác Viên và lập long vị thờ ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên.

Năm Kỷ Hợi (1899), Thiền sư Hoằng Ân lo trùng tu chùa Giác Viên, giao cho đệ tử là Như Lợi đứng ra cùng Tăng chúng hai chùa Giác Lâm và Giác Viên tu sửa. Lần trùng tu này, Thiền sư Hoằng Ân cho sửa đổi hẳn cách kiến trúc và làm rộng lớn hơn.

Công việc trùng tu chùa Giác Viên được thực hiện hơn ba năm mới xong, lễ lạc thành vào năm Nhâm Dần (1902).

Năm Quý Mão (1903), Thiền sư Như Nhu Chân Không tịch, Hòa thượng Hoằng Ân cử Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa thay thế trụ trì chùa Giác Viên và Thủ tọa Như Lợi trụ trì chùa Giác Lâm, Hòa thượng Hoằng Ân lập một cái am riêng ở hai chùa (vị trí là đồn Nguyễn Văn Cự sau này), gọi là am Giác Đế.

Năm Ất Tỵ (1905), Hòa thượng Hoằng Ân nhận thấy hai đệ tử của mình là Như Phòng và Như Lợi có đủ khả năng hành đạo và tổ chức cùng gánh vác việc trụ trì hai chùa Giác Lâm và Giác Viên nên Hòa thượng quyết định vân du hoằng hóa trong vài năm. Hòa thượng cho hai đệ tử biết là Hòa thượng sẽ đi vân du các tỉnh để tìm thêm thiện tri thức, tìm hiểu về căn cơ hành đạo của Phật tử bốn phương, thỉnh thoảng Hòa thượng sẽ về thăm chùa.

Hòa thượng Hoằng Ân một mình, một y một bát vân du về miền tây Nam Kỳ. Đi đến đâu, Hòa thượng tạm ngụ ở các chùa. Sư trụ trì nào biết Hòa thượng thì vui mừng tiếp đón và giữ Hòa thượng ở lại, cho triệu tập bổn đạo đến viếng và thỉnh Hòa thượng thuyết pháp. Có chùa, Sư trụ trì không biết Hòa thượng thì tiếp đãi lơ là, bỏ Ngài ở chùa, họ lo “đi đám” (ứng phú). Khi nào biết đi đám (cầu siêu, cầu an, trai tăng...), Hòa thượng Hoằng Ân cũng xin đi theo phụ tụng kinh, không nhận tiền công đức.

Đầu tiên, Hòa thượng Hoằng Ân xuống Mỹ Tho, ở đó suốt mấy tháng. Hòa thượng có thái độ giao tiếp bình đẳng, khoan hòa, làm cho hầu hết mọi người đều coi Ngài như một vị Sư tầm thường như các sư khác, đến chừng biết được tài đức của Ngài, họ càng kính trọng.

Có một lần, Hòa thượng đến tạm ngụ tại một chùa nhỏ ở Mỹ Tho, vị Trụ trì này không biết; vị Sư này đi đám tang của một Phật tử là vợ của ông Hương chủ trong làng. Đám ma nhà giàu, kéo dài trong bốn, năm ngày mới chôn. Khi ăn cơm vị Sư ứng phú đó ăn mặn, Hòa thượng Hoằng Ân ăn chay, người nhà dọn một bàn ăn hai mâm cơm, một chay, một mặn; mâm đồ chay quá sơ sài, Hòa thượng ăn không đủ, chủ nhà rầy mấy người làm bếp: chỉ có một người ăn mà nấu không đủ. Người làm bếp quýnh lên. Ngài nghe xầm xì như thế nên nói: Bao nhiêu cũng đủ, bao nhiêu cũng thiếu. Xong Ngài cười và uống nước.

Trong số người dự bữa đó có bà Hội đồng, bà về nhà kể chuyện vị Sư ăn chay cho chồng nghe. Ông Hội đồng nghe lạ, bảo người vợ tả lại hình dáng vị Sư. Sau khi nghe xong, ông Hội đồng nghi là Hòa thượng Hoằng Ân, nên nói: Chắc ông sư đó là bổn sư của tôi, mấy năm nay mải lo làm ăn không có dịp lên thăm thầy, bữa nay thầy đi đâu mà lại đến đám ma ăn cơm. Ông Hội đồng vội vàng đến đám xem có phải Hòa thượng bổn sư của mình không, để thỉnh về nhà mình nghỉ ngơi cho đủ tiện nghi.

Ông Hương chủ thấy ông Hội đồng đến, lật đật ra sân đón rước, ông Hội đồng nói: Tôi muốn gặp ông thầy ăn chay. Vừa thấy Hòa thượng Hoằng Ân, ông Hội đồng bảo vợ làm lễ ra mắt Ngài và thỉnh Hòa thượng về nhà nghỉ. Mọi người khi biết “vị Sư ăn chay” là Hòa thượng đường đầu của hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, hầu hết đều ra làm lễ Hòa thượng. Em chủ đám là ông Cai tổng, tuy chưa phải là tín đồ đạo Phật, nhưng khi thấy được đức độ và trí tuệ của Hòa thượng cũng quấn quít bên cạnh để nghe Hòa thượng thuyết giảng giáo lý cho bổn đạo. Đêm đến, ông Cai tổng thỉnh Hòa thượng ngồi ghế giữa nhà, kính dâng lễ vật xin qui y thọ Ngũ giới với Hòa thượng. Sau khi làm lễ xong, Hòa thượng trao phần lễ vật cho Sư ứng phú và nói: “Phần này tôi tặng cho ông, nhờ ông mà thầy trò tôi gặp gỡ nơi đây.” Hòa thượng nói chưa hết lời, có một đoàn Tăng Ni và Phật tử của chùa bổn sư của bà chủ đến hộ niệm. Khi ông đại diện đoàn Phật tử gặp Hòa thượng, bèn vân tập cả đoàn làm lễ Hòa thượng trước rồi mới khai kinh cầu siêu. Ông Sư ứng phú thấy sự việc bất ngờ dồn dập nên quýnh lên, khi nhận mâm lễ vật mà vẫn quì trước Hòa thượng. Sau khi đoàn hộ niệm làm lễ xong, ông Sư ứng phú đến dâng mâm lễ vật trước Hòa thượng rồi cúi lạy và nói: Con xin trọn đời hầu hạ Tổ.

Sau đó, Hòa thượng Hoằng Ân đến châu thành Mỹ Tho, tạm ngụ tại chùa Bửu Lâm, người mộ đạo đến qui y thọ giới với Hòa thượng rất nhiều. Phật tử đến viếng Hòa thượng quá đông, sợ làm phiền chùa nên Hòa thượng xin sư Trụ trì chùa cho cất một cái am bên cạnh chùa để tạm ngụ, đặt tên là am Viên Giác.

Hoằng hóa tại Mỹ Tho mấy năm, Hòa thượng Hoằng Ân đi dần xuống các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, và sau cùng Hòa thượng đến hoằng hóa ở chùa Tây An tại chân núi Sam (Châu Đốc). Chùa Tây An là nơi Phật Thầy Tây An hoằng pháp trong thời gian 1847-1856, Phật Thầy Tây An là vị khai sáng ra phái “Bửu Sơn Kỳ Hương”, có sanh hoạt khác với Phật giáo thuần túy: Các tu sĩ của “Bửu Sơn Kỳ Hương” được gọi là ông Đạo (như Đạo Xuyến, Đạo Lập...), các ông Đạo không cạo đầu mà để tóc dài, mặc quần áo màu đen (áo dài, áo bà ba); các ông Đạo ở chùa hằng ngày vẫn làm ruộng rẫy để sống, đêm đến các ông Đạo mới lễ sám và giảng đạo, thỉnh thoảng các ông Đạo cũng thọ lãnh tiền của bá tánh cúng dường. Các ông Đạo còn thỉnh thoảng trị bệnh cho bá tánh bằng nước lạnh hoặc phù chú.

Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân ngụ tại chùa Tây An một thời gian, đạo hạnh và trí tuệ thông đạt Phật pháp của Hòa thượng cảm hóa được các ông Đạo ở chùa, họ giao cho Hòa thượng chuyên lo phần tụng kinh, giảng đạo, các ông Đạo chỉ chuyên lo trị bệnh cứu dân độ thế. Các ông Đạo cũng giao việc thu xuất tiền của, lễ vật của bá tánh cúng dường và quản lý việc chùa. Sau một thời gian, Hòa thượng Hoằng Ân đề nghị với các ông Đạo nên dùng tiền của chùa để thay chùa tranh bằng chùa cây, lợp ngói cho chùa được trang nghiêm tráng lệ và vững chắc.

Hòa thượng Hoằng Ân hoằng hóa ở núi Sam một thời gian lâu nên về sau, trong giới Phật giáo ở miền Nam gọi Hòa thượng là “Tổ Núi Sam”.

Trong thời gian vân du hoằng hóa, Hòa thượng Hoằng Ân sống với tư tưởng siêu thoát của đạo Phật, đúng với câu thơ:

Túy thưởng yên hà thân ngoại cảnh,
Lộng thành sanh diệt vọng trung chân.

(Bạn với khói mây, thân ngoài cảnh,
Đùa cùng sanh diệt, vọng trong chân.)

Hoằng hóa ở chùa với “tâm đạo”, không còn nghĩ đến không gian, thời gian, đúng với câu đối ở chùa:

Tự cổ thanh nhàn, thường dẫn yên hà vi bạn lữ,
Sơn thâm thế cách, chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu.

(Chùa cổ sư nhàn, thường tiếp khói mây làm bạn thiết,
Núi cao khách vắng, chỉ nương cây cỏ biết xuân thu.)

Vào khoảng năm Canh Tuất (1910), Hòa thượng Hoằng Ân trở về thăm chùa Giác Lâm và Giác Viên (xem như là lần cuối cùng trước khi viên tịch). Thiền sư Như Lợi xin Hòa thượng cho từ chức Trụ trì chùa Giác Lâm vì tự cảm thấy không đủ sức đảm trách nhiệm vụ này. Sau một tháng theo dõi điều tra và xem xét, Hòa thượng chấp thuận lời xin đó và cử ông Thủ khố chùa Giác Viên, là một đệ tử của Thiền sư Như Phòng, pháp danh Hồng Hưng Thạnh Đạo lên thay thế trụ trì chùa Giác Lâm. Lúc đó Thiền sư Thạnh Đạo mới hai mươi bốn tuổi.

Sau một thời gian tạm nghỉ ở am Giác Đế và hai chùa Giác Lâm và Giác Viên, Hòa thượng Hoằng Ân nhận thấy Pháp tôn Hồng Hưng Thạnh Đạo tuy còn nhỏ tuổi (tuổi đời) và ít tuổi hạ (tuổi đạo) nhưng có tài đức có khả năng đảm trách được việc trụ trì ở ngôi chùa lớn và xưa là chùa Giác Lâm, Hòa thượng mới yên tâm, tiếp tục cất bước vân du hoằng dương Phật pháp ở các tỉnh miền tây Nam Kỳ (một số đông tăng sĩ ở các chùa miền Tây là đệ tử và pháp tôn của Hòa thượng).

Hòa thượng nghĩ rằng:

“Kiếp người thành trụ hoại rồi không,
Đeo đẳng sao cho vượt khỏi vòng,
Chay lạt tịnh thiền vui giải thoát,
Ấp yêu xúc cảm, rối bòng bong.
Vô duyên sẩy bước triền miên kiếp,
Hữu hạnh bền công dứt tuyệt vòng.
Thừa kế đạo từ ngàn vạn cách,
Phân thân biến thế để hòa đồng(2).”

Sau đó Hòa thượng Hoằng Ân cho triệu tập Tăng chúng ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên tại am Giác Đế để dặn dò: “Tôi vân du lần này không định lúc nào mới về, thầy Như Phòng nên chín chắn lựa người lập làm trưởng tử để truyền thừa Phật pháp, nhất là phải giữ mối liên lạc chặt chẽ về đạo pháp, cũng như về đời sống kinh tế ở hai chùa. Còn thầy Hồng Hưng, tôi thấy đủ khả năng đảm đương chùa Giác Lâm, nhưng tuổi trẻ, tánh trung thực thẳng thắn, cần lắng bớt tánh khí khái... Về am Giác Đế, hai ông Trụ trì nên hội nhau, xét thấy vị Sư nào nghèo túng quá mà chưa có chùa ở thì cho am đó để ở, để họ không dám quên Phật pháp.”

Sau khi dặn dò việc hậu sự ở hai chùa xong, vài ngày sau, Hòa thượng từ giã đồ chúng, rồi tái bước vân du.

Hòa thượng tạm dừng chân ở Mỹ Tho, ngụ tại am Viên Giác mấy tháng, sau đó Hòa thượng đến Châu Đốc, dừng chân ở chùa Tây An hoằng dương Phật pháp thêm một năm nữa. Đến đây tuổi đã lớn, sức khỏe đã yếu, Hòa thượng cảm thấy cần phải an trụ tịnh thiền để chuẩn bị cho ngày “trở về quê”.

Năm Quí Sửu (1913), Hòa thượng Hoằng Ân từ Châu Đốc trở về Mỹ Tho thăm chùa Bửu Lâm, rồi trụ tại am Viên Giác sắp xếp nhập thất tu thiền lâu dài trước khi viên tịch.

Sau một thời gian an trụ tại am Viên Giác, sức khỏe Hòa thượng đã yếu nhiều, đệ tử ở các nơi hay tin đều về am Viên Giác để thăm viếng Hòa thượng. Riêng đồ chúng ở hai chùa Giác Lâm và Giác Viên tập trung rầm rộ xuống Mỹ Tho thăm sức khỏe Hòa thượng. Đồ chúng hai chùa Giác Lâm và Giác Viên muốn thỉnh Hòa thượng về chùa Giác Lâm để chăm lo sức khỏe, nhưng tăng sĩ và tín đồ ở Mỹ Tho cũng muốn giữ Hòa thượng ở lại tại am Viên Giác, nên lý luận: “Hòa thượng ở am Viên Giác (Mỹ Tho) là công bằng nhất, vì ở Mỹ Tho là ở ngay giữa, đệ tử Sài Gòn - Chợ Lớn và đệ tử ở Long Xuyên, Châu Đốc đến thăm viếng Hòa thượng thì đường đi gần bằng nhau, tiện chung cho tất cả đệ tử của Hòa thượng.” Thấy lý luận này đúng, nên đồ chúng ở chùa Giác Lâm và Giác Viên phải chấp thuận ý kiến đó, đồng thời hai chùa này phái người thay phiên thường trực hầu hạ Hòa thượng tại am Viên Giác.

Giờ Thìn ngày 29 tháng giêng năm Giáp Dần (1914), Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân cho gọi các đệ tử theo hầu hạ đến đủ mặt, Hòa thượng chầm chậm đọc hai câu:

“Phật pháp miên trường,
Chúng sanh dị độ.”

rồi từ từ nhắm mắt an nhiên viên tịch, thọ sáu mươi lăm tuổi.

Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa cùng đệ tử là Thiền sư Hồng Hưng Thạnh Đạo tập họp đồ chúng ở hai chùa Giác Viên và Giác Lâm, cùng chư Tăng và tín đồ ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn để xuống Mỹ Tho rước linh cữu Hòa thượng Hoằng Ân về chùa Giác Lâm làm lễ nhập tháp vì chùa Giác Lâm là Tổ đình của phái Lâm Tế, có truyền thừa theo dòng kệ “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên, Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên...” của Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân.

Linh cữu của Hòa thượng Hoằng Ân được quàn tại chùa Giác Lâm hai ngày, Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa là trưởng tử, đứng hàng đầu trong mỗi thời tế lễ.

Tháp của Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân được xây cạnh tháp của chư Tổ: Phật Ý Linh Nhạc, Tổ Tông Viên Quang và Tiên Giác Hải Tịnh ở chùa Giác Lâm.

Bia tháp có ghi:

“Từ Lâm Tế chánh tông, tam thập bát thế, thượng Hoằng hạ Ân, húy Minh Khiêm, Hòa thượng Tôn sư chi bửu tháp.”

Trên tháp có bài kệ:

“Bổn trọng năng phủ chưởng,
Thạch nữ giải hanh trà,
Thiện Tài tham biến xứ,
Hắc đậu vị sanh nha,
Vân tan thiên biên nguyệt,
Xuân lai thọ thương hoa.”

(Gốc nặng tay thường vỗ,
Gái đá biết nấu trà,
Thiện Tài tham khắp xứ,
Đậu đen mầm chưa ra,
Mây tan trăng vằng vặc,
Xuân đến cây nở hoa.)

Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân có rất nhiều đệ tử nổi danh:

- Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa trụ trì chùa Giác Lâm.

- Thiền sư Như Lợi trụ trì chùa Giác Lâm.

- Thiền sư Như Nhu Chân Không trụ trì chùa Giác Viên.

- Thiền sư Như Nhãn Từ Phong khai sơn chùa Giác Hải (Phú Lâm, Gia Định) và chùa Thiền Lâm (Gò Kén, Tây Ninh).

- Thiền sư Như Hóa Hoằng Đạo trụ trì chùa Đại Giác (Biên Hòa).

- Thiền sư Như Hiển Chí Thiền trụ trì chùa Phi Lai (gần núi Cấm, Châu Đốc).


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Sau khi hoàn thành việc in bộ luật này, có hai cư sĩ là đệ tử của Hòa thượng Hoằng Ân cúng dường tiền công và chi phí ăn uống của thợ khắc bản và thợ in.

(2) Thiền sư Huệ Chí viết trong “Lịch Sử Tổ Đình Giác Lâm”.





Thiền sư Đạo Trung Thiện Hiếu

(Tổ Đỉa)

(Đời thứ 38, tông Lâm Tế)



Thiền sư Thiện Hiếu húy Đạo Trung, thường được tôn gọi là Tổ Đỉa, thuộc phái thiền Lâm Tế ở Đàng trong thế hệ thứ 38.

Hiện chưa biết rõ tên tục, quê quán và hành trạng, chỉ biết rõ Tổ Đỉa là vị khai sơn chùa Linh Sơn trên núi Bà Đen (Tây Ninh) và chùa Long Hưng (thường được gọi là chùa Tổ) ở tỉnh Sông Bé.

Theo truyền thuyết, Thiền sư Thiện Hiếu từ chùa Bà Tang (?) đi qua chùa núi Bà Đen (Tây Ninh), thường ghé nghỉ tạm dưới một gốc cây trâm ở ven “Bưng Đỉa”, thuộc Cầu Định (tỉnh Thủ Dầu Một ngày xưa). Gọi là Bưng Đỉa vì vùng bưng này đất phì nhiêu nhưng có rất nhiều đỉa. Nông dân ở Bưng Đỉa nghèo nàn vì thiếu ruộng trồng lúa trong khi bưng lại bỏ hoang vì đỉa. Dù nghèo nhưng nông dân ở đây thấy Sư thường nghỉ đêm ở gốc cây trâm ven bìa Bưng Đỉa nên phát tâm dựng cho Sư một am tranh để nghỉ ngơi trên đường vân du hoằng hóa. Trong lúc đó, Sư thấy dân ở địa phương có được một vùng đất bưng phì nhiêu và rộng lớn nhưng lại phải bỏ hoang vì nạn đỉa nhiều. Một hôm, Sư ra giữa Bưng Đỉa ngồi thiền để cầu nguyện cho các con đỉa ở đó được vãng sanh, cho bưng bớt đỉa hầu giúp dân chúng có thể làm ruộng trồng lúa được.

Khi Sư ngồi thiền, đỉa bu quanh và bò lên mình Sư rất nhiều, nhưng Sư vẫn an nhiên tiếp tục ngồi như không. Trong các con đỉa bám vào mình Sư, có một con đỉa trắng rất to (có lẽ là đỉa chúa) bò lên nằm ngay trên đỉnh đầu của Sư. Sư vẫn tiếp tục ngồi thiền, con đỉa trắng to từ đỉnh đầu Sư rơi xuống nước và chết, một số đỉa nhỏ khác quanh đó cũng tự nhiên chết. Sau đó, vùng Bưng Đỉa, số đỉa giảm dần và người dân địa phương bắt đầu xuống bưng làm ruộng được và dần dần vùng Bưng Đỉa bị bỏ hoang trở thành một vùng ruộng lúa phì nhiêu, người dân địa phương trồng trọt được, làm ăn phát đạt và sung túc hơn. Từ đó dân địa phương tôn gọi Sư là “Tổ Đỉa”(1). Năm Giáp Dần (1794) dân địa phương bỏ am tranh của Tổ Đỉa, lập thành một ngôi chùa lớn, được Tổ đặt tên là Long Hưng, nhưng dân địa phương ít gọi tên chùa Long Hưng mà thường gọi là chùa Tổ.

Theo lời truyền Tổ Đỉa lập tất cả bảy ngôi chùa (hiện chúng ta chỉ biết hai chùa: Linh Sơn và Long Hưng).

Ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi(2) vào giờ Mùi, Tổ Đỉa viên tịch tại chùa Long Hưng. Đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa.

SƠ ĐỒ TRUYỀN THỪA CỦA THIỀN SƯ THIỆN HIẾU




--------------------------------------------------------------------------------

(1) Lúc còn đương thời, dân địa phương vì tôn quí Sư nên gọi Sư là Tổ, Sư không cho và dạy khi nào Sư tịch đem thiêu nếu còn để lại một cánh tay thì hãy gọi Sư là Tổ. Quả nhiên khi Sư tịch đem thiêu còn lại một cánh tay, chứng tỏ Sư là người đã đắc đạo.

(2) Năm Kỷ Mùi có thể là năm 1859 hay 1799.





Thiền sư Như Nhãn Từ Phong

(1864 - 1938)

(Đời thứ 39, tông Lâm Tế)



Thiền sư Từ Phong, húy Như Nhãn, tên là Nguyễn Văn Tường, sanh năm Giáp Tý (1864), niên hiệu Tự Đức thứ 18, tại thôn Đức Hòa thượng (sông Tra), tổng Dương Hòa thượng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (quận Đức Hòa, tỉnh Long An sau này).

Cha mẹ là nông dân, năm Canh Thìn (1880), cha mẹ định lo cưới vợ cho, nhưng Nguyễn Văn Tường bỏ nhà lên chùa Thiền Lâm tại làng Hiệp Ninh quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh qui y thọ giáo với Thiền sư Minh Đạt. Sau khi tu học ở đây một thời gian, Nguyễn Văn Tường xuống chùa Giác Viên (làng Bình Thới, Gia Định) xin thọ giáo với Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân, được ban pháp danh là Từ Phong, húy Như Nhãn; lúc đó sư Từ Phong cũng đã thông hiểu kinh pháp nên được Thiền sư Hoằng Ân cử làm thơ ký ở chùa Giác Viên.

Năm 1887, bà Trần Thị Liễu, quê ở làng Tân Hòa Đông (Phú Lâm), xây dựng xong một ngôi chùa; bà đến xin Thiền sư Hoằng Ân cử Sư về chùa mới này để lo hoằng dương Phật pháp. Thiền sư Hoằng Ân đặt tên chùa là Giác Hải và cử sư Như Nhãn Từ Phong về trụ trì chùa này.

Năm Kỷ Dậu (1909), chùa Long Quang ở Châu Thành Vĩnh Long khai trường Hương, thỉnh Thiền sư Từ Phong làm Pháp sư.

Năm Kỷ Mùi (1919), Thiền sư Chánh Hậu (thường được gọi là Hòa thượng Tồn) ở chùa Vĩnh Tràng (chợ cũ Mỹ Tho) khai trường Hương, Thiền sư Từ Phong được thỉnh làm Pháp sư.

Cũng trong năm đó, bà Trần Thị Thọ cũng muốn khai trường Hương tại chùa Bửu Long của bà ở thôn Trung Tín, tổng Bình Trung huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Thiền sư Chánh Hậu phải nhờ Thiền sư Từ Phong và sư Trụ trì chùa Long Quang (Vĩnh Long) xin bà Thọ dời lại năm sau. Vì vậy, năm Canh Thân (1920) chùa Bửu Long ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) khai trường Hương, Thiền sư Từ Phong cũng được thỉnh làm Pháp sư.

Trong khoảng thời gian 1920-1925, Thiền sư Từ Phong xây dựng một chùa mới ở Gò Kén, thôn Thái Hiệp Thạnh, gần tỉnh lỵ Tây Ninh, đặt tên là chùa Thiền Lâm, để nhớ lại chùa Thiền Lâm xưa của Thiền sư Minh Đạt ở châu thành Tây Ninh (chùa này nhỏ hẹp, không có đất trống nên không thể xây cất lớn hơn được).

Năm 1926, đạo Cao Đài ở Tây Ninh mới thành lập, chưa có trụ sở chánh thức, đã phải mượn Thiền sư Từ Phong chùa Thiền Lâm để thiết Đàn, cầu cơ bút. Sau đó, đạo Cao Đài mới xây dựng Thánh thất ở Long Hoa (Tây Ninh).

Nhờ ảnh hưởng của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Trung Hoa sau Cách mạng Tân Hợi (1911), ở Việt Nam cũng dấy lên phong trào Chấn hưng Phật giáo.

Trong thời gian 1911-1930, phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ phát triển nhờ hoạt động tích cực của chư Thiền đức nổi danh thời đó như Hòa thượng Khánh Hòa Như Trí (chùa Tuyên Linh quận Mỏ Cày, Bến Tre), Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân (chùa Giác Lâm), Hòa thượng Chân Thanh Từ Văn (chùa Hội Khánh - Thủ Dầu Một), Thiền sư Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn - Sài Gòn), Thiền sư Như Phòng Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên - Phú Lâm), Thiền sư Như Nhãn Từ Phong (chùa Giác Hải)... Thiền sư Từ Phong tuy học vấn không nổi tiếng uyên bác, nhưng tác phong đạo đức cao, có óc canh tân và nhiệt tâm xiển dương chánh pháp, cố hết sức lo chỉnh lý lại tăng đồ và cải cách sanh hoạt Phật giáo để trừ các tệ đoan trong Phật giáo Việt Nam (nhất là ở Nam Kỳ).

Năm 1920, Hòa thượng Từ Phong hợp cùng Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh) vận động thành lập “Hội Lục Hòa” hay “Lục Hòa Liên Hiệp” để đoàn kết chư Tăng trong những ngày giỗ Tổ ở các chùa và phát động phong trào Chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ(1).

Trong thời gian 1920-1930, các chùa lớn thường mở trường Hương hoặc mở các lớp giảng dạy kinh, luật... Hòa thượng Khánh Hòa và Hòa thượng Từ Phong thường được thỉnh làm Pháp sư. Hòa thượng Từ Phong và Hòa thượng Khánh Hòa có công trong việc phát triển Phật giáo ở Nam Kỳ.

- Năm 1931 “Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học” đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn (149 đường Cô Giang Sài Gòn). Hội ra tạp chí “Từ Bi Âm” (năm 1932) để truyền bá giáo lý, thỉnh Tam tạng kinh từ Trung Hoa về tàng trữ ở Pháp Bảo Đường ở chùa Linh Sơn.

- Năm 1933, “Liên Đoàn Học Xã” được thành lập ở Nam Kỳ để đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp. Các chùa luân phiên mở Phật học đường ba tháng, mỗi chùa phải lo nuôi ăn ở cho tăng sinh ba tháng và lo thỉnh Pháp sư giảng dạy. Nhưng Liên Đoàn Học Xã chỉ hoạt động một thời gian ngắn thì gặp nhiều khó khăn, phải tan rã.

- Năm 1934, “Hội Lưỡng Xuyên Phật Học” được thành lập. Hội này mở “Phật Học Đường Lưỡng Xuyên” ở Trà Vinh để đào tạo Tăng Ni (năm 1935, trường Ni dời về chùa Vĩnh Bửu ở Thôm - Bến Tre). Phật Học Đường Lưỡng Xuyên đào tạo được một số tăng sĩ nổi danh sau này như chư Hòa thượng: Thích Thiện Hòa, Thích Thiện Hoa, Hành Trụ, Quảng Liên... Hội này xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật Học để làm cơ quan hoằng pháp.

Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa, Trà Vinh) làm chánh Tổng lý, Hòa thượng An Lạc (chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho) làm chánh Hội trưởng, Hòa thượng Khánh Anh làm Pháp sư và Hòa thượng Từ Phong giữ chức Đại đạo sư.

Năm Mậu Dần (1938), Hòa thượng Như Nhãn Từ Phong viên tịch tại chùa Thiền Lâm (Tây Ninh), thọ bảy mươi bốn tuổi. Đồ chúng lập tháp thờ tại chùa Thiền Lâm và Giác Hải.



Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng

(1818 - 1862)

(Đời thứ 40, tông Lâm Tế)



Thiền sư Bảo Tạng, húy Hải Bình, thuộc thế hệ 40 của phái thiền Lâm Tế, chi phái Liễu Quán (truyền theo bài kệ: “Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng...”) tên tục là Lê Chi(1), quê ở làng Nguyễn Chi thuộc Phú Yên, sanh năm Mậu Dần (1818).

Thiền sư Bảo Tạng qui y thọ giới với Hòa thượng Sơn Nhân (tức Thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ), ở chùa Bát-nhã trên núi Long Sơn (Phú Yên).

Sau thời gian tu học ở chùa Bát-nhã, Thiền sư Bảo Tạng cùng hai Sư huynh là Thiền sư Bảo Thanh và Bảo Chân vân du hoằng hóa về phương Nam. Trong khi hai Sư huynh Bảo Thanh và Bảo Chân vào hoằng hóa ở vùng Đồng Nai (miền đông Nam Bộ ngày nay), Thiền sư Bảo Tạng đến núi Trà Bang (làng Bình An - Phú Quí - Phan Rang) tu hành. Sau đó, sư Bảo Tạng đến vùng Vĩnh Hảo, lập chùa Linh Sơn để hoằng dương Phật pháp ở vùng Phan Rang - Phan Rí.

Năm 1845, Thiền sư Bảo Tạng đến hoằng hóa ở núi Cổ Thạch, cách xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Thuận Hải về phía đông bắc 2km(2). Hương hào Hồ Công Điểm ở xã Bình Thạnh không có con, gặp Thiền sư Bảo Tạng xin cầu tự, sau đó vợ ông Điểm sanh một trai và một gái. Mang ơn đó, và tin theo Phật pháp do Thiền sư Bảo Tạng giảng dạy, ông Điểm phát tâm xây dựng một ngôi chùa bằng cây, lợp lá rất khang trang ở Cổ Thạch. Sau một thời gian ngắn ở chùa Cổ Thạch, Thiền sư Bảo Tạng lại tiếp tục vào phương Nam bằng đường biển.

Thiền sư Bảo Tạng đến Bào Trâm, gần mũi Kê Gà (Hàm Tân) hoằng dương Phật pháp. Sư Thông Ân khai sơn chùa Kim Quang nghe danh tiếng sư Bảo Tạng nên đến thỉnh sư Bảo Tạng về chùa và xin thọ giới Cụ túc với Thiền sư Bảo Tạng được ban pháp danh là Hữu Đức.

Trong thời gian hoằng hóa ở vùng Tam Phan (Phan Rang - Phan Rí - Phan Thiết), có lần Thiền sư Bảo Tạng vân du vào vùng Đồng Nai thăm hai Sư huynh là Bảo Thanh và Bảo Chân.

Trong thời gian hoằng hóa ở Bào Trâm, Thiền sư Bảo Tạng tìm được đường ngầm vào núi Trà Cú(3) và nhận thấy núi này là nơi “địa linh”, có nhiều long mạch hội tụ, Thiền sư Bảo Tạng tu hành trong một hang đá gần đỉnh núi Trà Cú, phía dưới hang có mạch nước trong mát, sau này được gọi là “hang Tổ”.

Thiền sư Bảo Tạng khi đến hang này thì cả núi là rừng sâu hoang vắng, là nơi hang ổ của các loài cọp sói. Sư xuống bàn thạch dưới hang tọa thiền, khi đói chỉ dùng rau rừng qua ngày. Ngài tu như thế trải mấy năm dài, dần dần cọp sói trở thành là bạn thân thiết với Ngài. Nhờ ý chí quả cảm liều chết để tu hành, Ngài đắc đạo nơi đây. Sau đó, do những người đi rừng phát giác được chỗ Ngài tu, họ về xóm gần núi báo tin cho nhau hay, rồi rủ nhau lên núi đảnh lễ Ngài và chặt cây bện tranh cất cho Ngài một chiếc am để ở tu. Khi ra khỏi hang thì râu tóc Ngài dài lượt thượt, bởi mấy năm không có phương tiện cạo. Khi vào ở trong am, mỗi tối Ngài tọa thiền, hoặc tụng kinh đều có hai con cọp hầu bên cạnh. Chiếc am tranh này về sau trở thành chùa Tổ, hai con cọp đã chết, được các sư trong chùa cất ngôi miếu nhỏ bên cạnh chùa thờ, gọi là miếu Ông Hổ.

Thời gian sau, Thiền sư Bảo Tạng rời am theo đường biển vào phía Nam, để đệ tử là Hữu Đức ở lại am tu hành. Sau này sư Hữu Đức dựng chùa Linh Sơn Trường Thọ ở phía dưới thấp trước hang Tổ để hoằng hóa (cách hang Tổ độ vài trăm thước).

Thiền sư Bảo Tạng đến núi Châu Viên ở Phước Hải (Đất Đỏ, Bà Rịa), huyện Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu lập chùa để hoằng hóa, đặt tên chùa Châu Viên Sơn Tự, sau đó Thiền sư Bảo Tạng còn trùng tu và trông coi nhiều chùa khác ở vùng Bà Rịa như chùa Long An, chùa Bửu An, chùa Long Hưng... Có thể Tổ Bảo Tạng lập chùa hay trùng hưng chùa Bửu Long ở xã Phước Hải (huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa nay thuộc huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), vì chùa này từ xưa đến nay vẫn làm lễ giỗ Tổ vào ngày 25 tháng 5, tức nhằm đúng ngày Tổ Bảo Tạng viên tịch và chùa Bửu Long nằm sát bờ biển (ngay vị trí trường phổ thông cơ sở Phước Hải ngày nay), từ đó đi vào đất liền khoảng 2km mới đến núi Kỳ Vân và núi Châu Viên. Tổ Bảo Tạng lập chùa “Châu Viên Sơn Tự” trên núi Châu Viên và chùa Ngọc Tuyền trên núi Kỳ Vân.

Năm Nhâm Ngọ (1858), Thiền sư Bảo Tạng ở chùa núi Châu Viên in lại sách Kim Cang Chú Giải (chữ Nho), được sự chứng minh của Sư huynh là Hòa thượng Bảo Thanh ở chùa núi Chứa Chan. Sách này do Tôn giả Qui Pháp chú giải và Tôn giả Qui Phật tập chú.

Sau đó, Thiền sư Bảo Tạng có thể về trụ trì chùa Thạch Sơn, Phú Yên.

Năm Tân Dậu (1861), Thiền sư Bảo Tạng lại lo viết chữ để khắc lên bảng gỗ để in sách Kim Cang Diễn Nghĩa.

Kế sau đó, Thiền sư Bảo Tạng lại vào hoằng hóa ở chùa Ngọc Tuyền trên núi Kỳ Vân (xã Phước Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng viên tịch tại chùa Ngọc Tuyền, trên bia có ghi:

“Từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập thế, húy Hải Bình, thượng Bảo hạ Tạng Hòa thượng Giác linh.” (Giác linh Hòa thượng Hải Bình Bảo Tạng đời thứ 40, phái Lâm Tế chánh tông.)

Hàng bên phải ghi: “Mậu Dần... sanh” (sanh năm Mậu Dần).

Hàng bên trái ghi: “Tử ư Nhâm Tuất niên, ngũ ngoạt, nhị thập ngũ nhật, Dần nhi trung” (mất giờ Dần, ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Tuất 1862).

Bảo tháp của Thiền sư Bảo Tạng ở chùa Ngọc Tuyền bị hư chút ít, bia tháp bằng đá xanh bị bể nhưng còn đầy đủ như trên.

Chùa Long Quang (Bà Rịa, Vũng Tàu) vẫn thờ cúng Tổ Bảo Tạng và cúng giỗ hàng năm.


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Tên tục của Thiền sư Bảo Tạng là Lê Chi quê ở làng Nguyễn Chi theo lời kể của sư Minh Đức, trụ trì chùa Cổ Thạch.

(2) Cổ Thạch ở sát bờ biển, thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Thuận Hải, cách thành phố Hồ Chí Minh gần 300km.

(3) Núi Trà Cú ở gần Hàm Tân (tỉnh Thuận Hải), cách Phan Thiết 26km, và cách thành phố Hồ Chí Minh 173km về phía Bắc.



Thiền sư Ngộ Chân

(Hòa thượng Long Cốc)

Thiền sư Ngộ Chân thuộc phái thiền Lâm Tế, chưa rõ năm sanh, chỉ biết Sư đến lập chùa Hang ở trên núi Chứa Chan (hay núi Gia Ray), ở khe Gia Lào để tu hành, Sư gọi hang núi này là “Long Cốc” (hang Rồng) vì vậy Thiền sư Ngộ Chân còn được tôn gọi là “Hòa thượng Long Cốc”.

Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí có kể về Thiền sư Ngộ Chân như sau:

“Núi Chứa Chan ở phía Bắc huyện Phước Khánh (Long Khánh ngày nay) 56 dặm, núi cao sừng sững giữa khu rừng rậm hoang vu. Gần chân núi có khe Gia Lào, giáp giới huyện Long Khánh và huyện Phước Bình. Núi có nhiều gỗ quí, có cả cây trầm hương, và nhiều loại dây mây tàu. Ở lưng chừng núi có thạch động và giếng đá, Thiền sư Ngộ Chân đến đó để tu.

Sau khi Thiền sư Ngộ Chân vân du (hoằng hóa ở nơi khác), thổ dân nhớ tưởng Sư là người đắc đạo nên lấy đất đá lấp cửa động lại.”

Sau đó, Thiền sư Ngộ Chân đến núi Trấn Biên (hay núi Mô Xoài, nay gọi là núi Dinh, ở gần Bà Rịa) lập chùa Đức Vân để tu trì.

Thiền sư Ngộ Chân tịch cốc (không ăn cơm), chỉ ăn rau quả, tu hành khổ hạnh tinh nghiêm, đạt được đạo quả nên giáo hóa được cả thú dữ (hùm beo, trăn rắn...), dùng Mật tông trị bệnh cho bá tánh. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí, An toàn hầu Trịnh Hoài Đức có kể về Thiền sư Ngộ Chân như sau:

“Núi Trấn Biên tục danh núi Mô Xoài (hay núi Mỗi Xuy) cách phía đông trấn Biên Hòa 154 dặm. Hình núi cao ngất, xanh um, có những hang nai, đồi thông, mây phủ, suối reo, cảnh trí u tịch, chầu về Gia Định, hình dung dãy núi thanh tú, trải rộng thênh thang. Lưng chừng núi lại có động đá thâm u khuất khúc chật hẹp, đi vào không cùng tận. Có thầy tăng tịch cốc tên là Ngộ Chân, cất chùa Đức Vân nơi cửa động để tu trì; hằng ngày chỉ ăn rau quả để niệm Phật, luyện tập được cả hùm beo; lại hay vẽ bùa chữa bệnh, thâu được lễ tạ thì đem phân phát cho những người nghèo đói khốn khổ, cũng là một vị Cao tăng đắc đạo vậy(1).”


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Gia Định Thành Thông Chí, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Văn Tạo, quyển thượng, trang 17.



Hòa thượng Hoàng Long

(? - 1737)

(hoằng hóa ở trấn Hà Tiên)



Hòa thượng Hoàng Long quê ở Bình Định vân du vào Hà Tiên, đến ở phía Bắc núi Vân Sơn năm dặm lập chùa tu hành (sau gọi là núi Bạch Tháp). Cảnh chùa thanh tịnh, u tịch, thế núi quanh co, có cây cảnh đẹp.

Hòa thượng Hoàng Long vào hoằng hóa ở Hà Tiên vào thời Tổng binh Cửu ngọc hầu Mạc Cửu (?-1735). Cửu ngọc hầu Mạc Cửu là một Phật tử thuần thành, có liên hệ với chùa Thập Tháp Di-đà ở Bình Định, có lẽ do đó mà Hòa thượng Hoàng Long vào Hà Tiên hoằng dương Phật pháp.

Năm Ất Mão (1735), Cửu ngọc hầu Mạc Cửu chết, con là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn Phước Trú ban cho chức Khâm sai Đô đốc, tước Tông đức hầu, thay thế cha cai trị trấn Hà Tiên.

Năm Bính Thìn (1736), Tông đức hầu Mạc Thiên Tứ lập Chiêu Anh Các để mời các văn nhân tài hoa hội họp, xướng họa thơ. Hòa thượng Hoàng Long cũng được mời vào Chiêu Anh Các.

Năm Đinh Tỵ (1737), Hòa thượng Hoàng Long viên tịch ở chùa trên núi, môn đệ lập tháp bảy tầng để táng hài cốt, tháp màu trắng, nên từ đó dân địa phương gọi núi đó là núi Bạch Tháp.

Theo lời tương truyền: Vào lễ Phật Đản hay tiết Tam Nguyên (rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10), có con hạc đen đến chầu và con vượn xanh đem trái cây đến cúng.

Trong sách “Gia Định Thành Thông Chí” phần chép về núi sông ở trấn Hà Tiên, khi viết về núi Bạch Tháp, An toàn hầu Trịnh Hoài Đức đã viết như sau:

“Ở phía Bắc Vân Sơn năm dặm (núi Bạch Tháp) có thế núi quanh co, cây xanh tươi tốt, có thầy tăng ở Qui Nhơn (Bình Định) là Đại hòa thượng Hoàng Long đến lập chùa ở đấy.

Đời vua Túc Tông Hiếu Minh hoàng đế năm thứ 13, là năm Đinh Tỵ (1737), Hòa thượng mất, đồ đệ của ông xây tháp bảy tầng để trân tàng cốt xá-lợi. Mỗi khi đến thời tiết Tam Nguyên(1) và Phật Đản(2) thì có con hạc đen đến chầu con vượn xanh dâng cúng quả, lưu luyến bồi hồi như có ý muốn tham thiền thính pháp; đáng gọi là nơi tịnh độ tiêu dao vậy(3)!”


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Tam Nguyên: Thượng Nguyên (rằm tháng giêng), Trung Nguyên (rằm tháng 7), Hạ Nguyên (rằm tháng 10).

(2) Phật Đản: Mùng 8 tháng 4 âm lịch.

(3) Gia Định Thành Thông Chí, Bd. của Tu Trai Nguyễn Văn Tạo, quyển thượng, trang 104-105.



Thiền sư Hồng Ân và Trí Năng

hạ mãnh hổ



Hiện chưa biết Thiền sư Hồng Ân thuộc phái thiền nào, trụ trì chùa nào, và hành trạng ra sao.

Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức có kể lại việc Thiền sư Hồng Ân và Trí Năng hạ mãnh hổ ở chợ Tân Kiểng trong sách Gia Định Thành Thông Chí như sau:

“Chợ Tân Kiểng (Tân Cảnh) ở phía Nam trấn Phiên An hơn sáu dặm, chợ phố trù mật, thường năm đến dịp Tết Nguyên Đán, có cuộc chơi ‘đánh đu tiên’ và ‘Vân xa’(1).

Ngày 25 tháng giêng năm Canh Dần (1770), vào thời chúa Duệ Tông (Nguyễn Phước Thuần), sau khi mọi người đều an nghỉ, có một con mãnh hổ vào nhà người dân ở phía Nam chợ Tân Kiểng kêu gào dữ tợn, dân chúng kinh hãi, không ai dám xúc phạm đến. Dân báo với đồn dinh Phiên Trấn để phát binh vây bắt mãnh hổ. Sau đó, quân lính và dân chúng phải triệt hạ nhiều nhà cửa làm nhiều lớp rào bao vây, nhưng cọp rất dữ, không ai dám đến.

Qua đến ngày thứ ba, quân dân vẫn chưa có cách nào trừ được cọp; tình cờ Thiền sư Hồng Ân và đồ đệ là Trí Năng đến xin vào diệt cọp giùm cho dân chúng.

Thiền sư qua các lớp rào, vào đánh với cọp một chập lâu, cọp bị đánh đau, chạy núp trong lùm tre. Sư Hồng Ân rượt theo, cọp bị dồn vào đường cùng nên quay lại quyết đấu với Sư. Thiền sư Hồng Ân lui bước, chẳng may chân bước lọt vào mương nhỏ, té xuống, con cọp nhảy đến vồ xé, đệ tử Trí Năng nhảy đến tiếp cứu, đánh trúng đầu cọp, cọp chết ngay. Thiền sư Hồng Ân bị thương nặng và cũng chết liền trong lúc ấy.

Dân chúng ở vùng chợ Tân Kiểng kính phục nghĩa khí của Thiền sư Hồng Ân, nên đem chôn tại nơi trận chiến và xây tháp thờ(2).”


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Vân xa: bánh xe lớn như quạt nước (xa nước) ở nông thôn, trên đó có tám cái ghế và tám cô gái ngồi trên đó, đẩy cho bánh xe lớn quay vòng tròn, các cô gái mặc quần áo nhiều màu sắc đẹp, bay phấp phới giữa không trung, xem rất đẹp.

(2) Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, quyển hạ, Bd. của Tu Trai Nguyễn Văn Tạo. Nhà Văn hóa xuất bản, Sài Gòn - 1972.



Thiền sư Khánh Long

Thiền sư Khánh Long chưa rõ quê quán, tông phái và hành trạng; chỉ biết Sư lập chùa Khánh Long ở gò Quít huyện Phước Chánh, trấn Biên Hòa. Cảnh chùa Khánh Long được du khách đặt bài thơ ca ngợi như sau:

Tiêu sơ cây núi bóng tà dương
Khe suối đi qua viếng đạo trường
Không khói đun trà hạc trong ổ
Mến thay thiền vị thật thanh lương.

(Tiêu sơ lãnh thọ quải tà dương
Bộ nhập khê nham phỏng đạo trường
Chử dánh vô yên sào hạc tĩnh
Khả liên thiền vị chính khê lương.)

Sau đó, Thiền sư Khánh Long đến núi Châu Thới, nơi gò cao, thuộc thôn Long Tuy, huyện Long Thành, trấn Biên Hòa lập chùa Hội Sơn.

Trong sách Gia Định Thành Thông Chí, An toàn hầu viết về chùa Hội Sơn của Thiền sư Khánh Long như sau:

“Núi Châu Thới cách phía Nam trấn Biên Hòa mười một dặm rưỡi, các từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về trấn thành, hình núi nhấp nhô cao thấp khuất khúc, chạy qua hướng Đông, giáp hạ lưu sông Đồng Nai (sông Phước Giang) rồi đến Gò Công thì dứt.

Ở đuôi dãy núi Châu Thới, về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở dọc theo đó; trên núi có chùa Hội Sơn, là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành. Chùa Hội Sơn trên núi nhìn xuống sông Đồng Nai, khách hành hương leo lên núi du ngoạn, có cảm tưởng tiêu dao thoát ngoài cõi tục lụy.”

(Theo sách Gia Định Thành Thông Chí Q. thượng tr. 14)



Ni cô họ Lê

với Núi Thị Vãi



Ni cô tên Lê Thị Nữ, không biết quê quán ở đâu, chỉ biết lúc chưa xuất gia cô thuộc gia đình nhà giàu, trẻ đẹp, hiếu thảo, lo phụng dưỡng cha mẹ, không chịu lấy chồng. Sau khi cha mẹ mất mới chịu xuất giá, nhưng không bao lâu thì chồng chết. Bà không chịu tái giá, nhưng bị nhà quyền thế áp bức, vì vậy bà xuống tóc xuất gia tu hành.

Ni cô lập am trên núi gần Bà Rịa, giữ giới luật tinh nghiêm, chí tâm tu hành, đạt thành chánh quả. Vì vậy, người đời sau gọi núi đó là núi Thị Vãi hay núi Nữ Tăng.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết: “Núi Nữ Tăng” ở đông nam huyện Long Thành mười hai dặm, tục gọi là núi Thị Vãi, đất đá xen lộn, cây cối lên cao, từ tỉnh Gia Định trông đến như hòn ngọc Thượng đế trưng bày, tượng trưng tốt đẹp. Nhân dân ở đây nhờ nhiều món lợi (cây gỗ, dầu thông, chim muông, than củi). Xưa có Ni cô là Lê Thị Nữ dựng am ở tại núi ấy, nên gọi là “Núi Nữ Tăng(1)”.

Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có viết: “Núi Nữ Tăng, tục gọi là núi Bà Vãi, ở địa phận Long Thành, xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng bị lỡ thời, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng, không được bao lâu chồng chết, bà thề không tái giá, lại bị kẻ cường hào cậy mai mối thường đến quấy nhiễu. Bà bèn cạo đầu lập am ở đỉnh núi, tự làm thầy Cả cùng bọn đồng tộc giữ lòng tu trì, sau thành chánh quả. Người ta nhân đó đặt tên núi(2).”


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Đại Nam Nhất Thống Chí Bd. N.V.Tạo tập Thượng, tr.14.

(2) Đại Nam Nhất Thống Chí Bd. N.V.Tạo tập Thượng, tr.16, 17.



Ni cô họ Tống

ở Hà Tiên

Ni cô Tống Thị Lương là con một nhà giàu ở Hà Tiên, thùy mị, siêng năng, giỏi về nữ công, giàu nữ hạnh.

Khi cô đến tuổi mười sáu, nhiều nhà quyền thế cậy người mai mối đến cầu hôn, nhưng tất cả đều bị từ chối. Cha mẹ trách cứ, cô cứ thưa: “Nhân duyên của con phải nhờ đức Phật chỉ giáo.”

Tương truyền bỗng một hôm, có một vị Sư lạ vào nhà cô thuyết giảng Phật pháp, người nhà cho gì Sư cũng không lấy mà Sư chỉ nằng nặc đòi xin chiếc áo lót đang phơi ngoài sân, áo ấy lại là của cô. Cha mẹ cô thấy việc bất nhã như thế nên la mắng, xua đuổi lớn tiếng. Cô chạy ra khuyên can cha mẹ, vị Sư chỉ mỉm một nụ cười rồi đi thẳng. Sau khi nhà sư đi khỏi, lúc nào cô cũng thấy hình như có đức Phật hiện ở bên mình, nên xin cha mẹ cho thế phát đi tu. Cha mẹ khuyên nhủ hết lời mà cô vẫn khăng khăng một mực, nên về sau cũng phải đành chiều theo ý của cô, cho lập am Quan Âm ở bên trái núi Đại Kim trên đảo Đại Kim cho cô tụng niệm tu hành.

Cô thêu một bức hình Bồ-tát Quan Thế Âm rất lớn, cứ mỗi mũi kim lại niệm Phật một câu, suốt ba tháng mới xong. Bức tranh treo lên trông rất sống động như vị Phật sống, để thờ trong am(1).

Am Quan Âm của Ni cô Tống Thị Lương ở núi Đại Kim nằm trên đảo Đại Kim. Đảo Đại Kim nằm ở phía Nam trấn, chu vi 139 trượng 5 thước. Đảo này ngăn đón sóng cồn, làm hạt ngọc biển của trấn. Nơi bờ có bắc cái cầu ván để thông ra vào, phía sau có viện Quan Âm, phía tả có Điếu đình, người du ngoạn thường khi trăng thanh gió mát đến đây thả câu ngâm vịnh thong dong. Đây là cảnh “Kim dự lan đào” (Đảo Kim ngăn sóng) trong mười cảnh đẹp của trấn Hà Tiên.


--------------------------------------------------------------------------------

(1) Đại Nam Tiền Liệt Truyện Tiền Biên, quyển 6.



PHẦN PHỤ NHỮNG DÒNG KỆ CÁC PHÁI

Tông Lâm Tế đến đời pháp thứ 21 là Thiền sư Vạn Phong Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng Trung Hoa, xuất ra bài kệ:

Tổ đạo giới định tông
Phương quảng chứng viên thông
Hạnh siêu minh thật tế
Liễu đạt ngộ chân không.
Như nhật quang thường chiếu
Phổ châu lợi ích đồng
Tín hương sanh phước tuệ
Tương kế chấn từ phong.

Bài này có chỗ chép bốn câu, có chỗ chép cả tám câu. Có nhiều ngài nói nguyên bài kệ chỉ có bốn câu đầu, còn bốn câu sau là người sau nối thêm.

*
* *

Đến đời pháp thứ 31 là Thiền sư Đạo Mân ở chùa Thiên Khai Trung Hoa, lại chia ra dòng kệ khác:

Đạo bổn nguyên thành Phật Tổ tiên
Minh như hồng nhật lệ trung thiên
Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ
Chiếu thế chân đăng vạn cổ huyền.

*
* *

Đến ngài Minh Hải Pháp Bảo người tỉnh Phước Kiến Trung Hoa, sang Việt Nam ở tỉnh Quảng Nam khai sơn chùa Chúc Thánh, lại biệt xuất một bài kệ:

Minh thật pháp toàn chương
Ấn chân như thị đồng
Chúc thánh thọ thiên cửu
Kỳ quốc tộ địa trường
Đắc chánh luật vi tuyên
Tổ đạo hạnh giải thông
Giác hoa bồ-đề thọ
Sung mãn nhân thiên trung.

*
* *

Đến đời pháp thứ 41, ngài Trí Thắng Bích Dung lại biệt xuất một bài kệ:

Trí tuệ thanh tịnh
Đạo đức viên minh
Chân như tánh hải
Tịch chiếu phổ thông
Tâm nguyên quảng tục
Bổn giác xương long
Năng nhân thánh quả
Thường diễn khoan hoằng
Duy truyền pháp ấn
Chánh ngộ hội dung
Không trì giới hạnh
Vĩnh kế tổ tông.

*
* *

Ngài Minh Hành Tại Tại ở Nhạn Tháp miền Bắc cũng biệt xuất một dòng kệ:

Minh châu như tánh hải
Kim tường phổ chiếu thông
Chí đạo thành chánh quả
Giác ngộ chứng chân không.

*
* *

Tông Tào Động truyền đến ngài Nhất Cú Tri Giáo, chính Ngài có xuất bài kệ:

Tịnh trí viên thông tông từ tánh
Khoan giác đạo sanh thị chánh tâm
Mật hành nhân đức xưng lương tuệ
Đăng phổ chiếu hoằng pháp vĩnh trường.

(Trích Việt Nam Phật Giáo Sử Lược - TT. Mật Thể)



SÁCH THAM KHẢO

SÁCH CHỮ HÁN:

- Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Lục

- Thiền Uyển Tập Anh

- Kế Đăng Lục

- Kiến Văn Tiểu Lục - Lê Quí Đôn

- Tam Tổ Thực Lục

- Tam Tổ Hành Trạng

- Liệt Tổ Truyện

- Tục Cao Tăng Truyện

- Nam Ông Mộng Lục

- Khóa Hư Lục

- Cúng Tổ Khoa chùa Hồng Phúc

- Cúng Tổ Khoa chùa Quảng Nghiêm

- Cúng Tổ Khoa chùa Pháp Vân (chùa Dâu)

- Cúng Tổ Khoa chùa Pháp Vũ (chùa Đậu)

- Tam Tổ Hành Trạng chùa Hồng Phúc

SÁCH CHỮ VIỆT:

- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược - Thượng tọa Mật Thể

- Văn Học đời Lý - Ngô Tất Tố

- Văn Học đời Trần - Ngô Tất Tố

- Thư Tịch Phật Học Việt Nam - Lê Xuân Khoa

- Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim

- Hải Ngoại Ký Sự - Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện đại học Huế

- Lịch Sử Văn Học nhà Lý - Phạm Văn Diêu

- Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục - Trúc Thiên

- Thiền Học Việt Nam - Nguyễn Đăng Thục

- Văn Học Việt Nam thời Lý - Lê Văn Siêu

- Thơ Văn Lý Trần I. II. III. - Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội

- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận - Nguyễn Lang

- Tuyển Tập Văn Bia Hà Nội, quyển I - Ủy ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam

- Lịch Sử Phật Giáo đời Nguyễn

. Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong

. Dấu chân hoằng hóa của các Thiền sư miền Nam - Nguyễn Hiền Đức.

(Trích bản thảo)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.