Nov 21, 2024

Thơ Lục Bát

Trang phục truyền thống Việt Nam qua các triều đại, thời kỳ lịch sử
Nhiều Tác Giả * đăng lúc 06:52:32 PM, Apr 01, 2023 * Số lần xem: 3428
Hình ảnh
#1


 Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2015, chúng ta thử tìm hiểu về trang phục truyền thống của người Việt từ thời Đông Sơn (Văn Lang-Âu Lạc-Nam Việt-Hai Bà Trưng), thời Lý-Trần, thời Hậu Lê cho đến nay nhé.


Đã bạn nào tìm đọc và mua cho mình cuốn sách "Ngàn năm áo mũ" rất có giá trị của nhà nghiên cứu 8X Trần Quang Đức chưa nhỉ?

[​IMG]

"Ngàn năm áo mũ", với phụ đề Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009 - 1945, là tên một cuốn sách khảo cứu về trang phục của người Việt Nam phát hành năm 2013, kết quả sau "ba năm lao động trí óc" của Trần Quang Đức.

Tác giả
Trần Quang Đức sinh năm 1985, là nghiên cứu viên, dịch giả Trung-Việt, hiện công tác tại Viện Văn học. Trước khi về Viện Văn học vào năm 2012, Trần Quang Đức học tại Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 2009. Từ năm 2010 đến 2012, trong quá trình công tác tại phòng Tu thư thuộc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Trần Quang Đức bắt tay khởi thảo cuốn "Ngàn năm áo mũ".

Nội dung
Ngàn năm áo mũ giải thích các kiểu dáng và quy chế các loại áo mũ được sử dụng trong cung đình và dân gian Việt Nam trong giai đoạn từ 1009 - 1945, trải dài từ thời Lý tới thời Trần, Lê sơ, Lê trung hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn.

Thứ nhất, về trang phục cung đình, khảo cứu lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục áo Cổn mũ Miện của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục của bá quan hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan của hoàng hậu.

Kế đến, khảo cứu miêu tả chi tiết những kiểu trang phục dân gian phổ biến, không biến động nhiều như kiểu áo giao lĩnh, áo tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà.

Quá trình thực hiện
Để tìm kiếm tư liệu cho cuốn sách, tác giả khai thác nhiều từ nguồn tư liệu Hán - Nôm hay các văn tự, văn vật cổ cùng thời ở cả trong và ngoài nước hơn là những hiện vật do người đời sau dựng nên. Để chỉ ra sai lầm nhìn nhận trang phục các triều đại trước nhà Nguyễn bằng trang phục nhà Nguyễn của đa số mọi người, ví dụ, khảo cứu đã chỉ ra rằng người Lê trung hưng thường mặc áo giao lĩnh, xoã tóc dài, đôi khi dùng khăn phủ đầu. Điển hình có Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh đã được sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang miêu tả: xoã tóc dài, dùng một tấm khăn phủ lên đầu trông tựa nhà sư.

Ngoài ra, tác giả cho rằng, khảo cứu còn có thể giải đáp những thắc mắc, nhận định không phải xoay quanh trang phục sử dụng trong những phim lịch sử kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phát hành
Ngàn năm áo mũ được Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế Giới phát hành vào ngày 29 tháng 5 năm 2013 tại Hội chợ Sách hè năm 2013 của Nhã Nam tổ chức ở Hà Nội. Tối ngày 31 tháng 5 năm 2013, tác giả có buổi giao lưu và ký tặng sách cho độc giả.

Còn sau đây là các hình vẽ minh hoạ trang phục truyền thống của người Việt qua các triều đại, thời kỳ lịch sử do nhóm VietnamAncient thực hiện:

[​IMG]
Trang phục phụ nữ Việt Nam từ thời Đông Sơn, thời Lý, Trần, Hậu Lê cho đến nay

[​IMG]
Trang phục Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn

[​IMG]
Trang phục phụ nữ thời Hậu Lê


Nguồn Internet

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.