Nov 21, 2024

Biên khảo

Tìm Hiểu Về Bệnh Cúm
Trần Minh Hiền * đăng lúc 05:45:12 PM, Jan 20, 2013 * Số lần xem: 2023

TRong các loại bệnh thì bệnh cúm là 1 bệnh phổ biến, thường gặp, hầu như ai cũng bị bệnh , bệnh hàng năm cho nên nhiều người coi thường mặc dù bệnh cúm cũng rất nguy hiểm và có thể giết người. Đầu năm 2013 này Hoa Kỳ bị dịch cúm dữ dội, rất sớm và ảnh hưởng rất nhiều người và làm chết nhiều người gồm đủ các độ tuổi và làm chết 20 trẻ em. Đây là 1 sự kiện gây chú ý vì mức độ nguy hiểm, bất ngờ và dữ dội của nó. Bệnh viện ở Philadelphia quá tải với bệnh cúm phải giăng lều ra ngoài còn Centra Care ở Orlando Florida cũng tiếp nhận bệnh nhận đông gấp bội những năm trước. các bác sĩ rất lo ngại vì chưa tới mùa cúm chính thức và có lẽ năm nay mùa cúm sẽ rất nguy hiểm.
***
Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hồ hấp do virus gây ra và dễ dàng lan truyền qua các giọt nhỏ. Đây cũng là căn bệnh rất dễ lây qua tiếp xúc và đối với một số nhóm người cụ thể như người già và trẻ nhỏ, nó có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu không được chữa trị kịp thời.
Tin vào các quan niệm phổ biến nhưng sai lầm về bệnh cúm có thể đẩy bản thân bạn và những người thân yêu vào tình cảnh nguy hiểm. Các chuyên gia mới đây đã lật tẩy những hiểu lầm về căn bệnh thường gặp này:
Cúm chỉ là bệnh cảm lạnh thể nặng

Một trong những quan niệm sai lầm nhưng phổ biến nhất là, bệnh cúm và cảm lạnh thông thường cùng là một chứng bệnh. Điều này được khẳng định là sai hoàn toàn. Trong khi bệnh cảm lạnh thông thường cuối cùng cũng tự hết thì bệnh cúm lại nghiêm trọng hơn.

Bệnh cảm lạnh thường nhẹ, khiến người bệnh bị sổ mũi, đau họng hoặc ho trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh cúm thường nặng hơn, bao gồm cả sốt cao, ho, đau đầu, đau người và ngạt mũi. Điều này là do, virus gây bệnh cúm tấn công cơ thể bệnh nhân bằng cách xâm nhập qua đường hô hấp trên và/hoặc đường hô hấp dưới. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tìm cách chữa trị kịp thời nếu có các triệu chứng cúm.
Chỉ rửa nước cũng đủ làm sạch tay

Một trong những cách phòng cúm đơn giản nhưng hiệu quả là loại bỏ virus gây bệnh trên tay. Bạn hoàn toàn đúng khi nghĩ rằng rửa tay bằng nước có thể đủ để loại bỏ chất bẩn nhìn thấy được, nhưng đối với các vi sinh vật là mầm bệnh vô hình trước mắt người, bạn cần có xà phòng và nước để loại bỏ chúng.

Lời khuyên của các chuyên gia là; Để việc vệ sinh tay bằng nước và xà phòng hiệu quả nhất, bạn nên rửa tay trước và sau các bữa ăn, trước khi cầm nắm thực phẩm, trước khi chăm sóc người già và trẻ nhỏ, sau khi sử dụng toilet, sau khi xì mũi và sau khi chạm vào các bề mặt chia sẻ sự tiếp xúc như mặt bàn, nắm đấm cửa ra vào, tay vịn, ...

Nếu không có nước và xà phòng, bạn có thể dùng nước rửa tay khô để thay thế.
Người khỏe mạnh không cần phải tiêm phòng



Các chuyên gia khuyến nghị, người khỏe mạnh nên đi tiêm phòng cúm vì virus cúm hiện có khả năng biến đổi và trở nên nguy hiểm hơn, trong khi hệ thống miễn dịch của chúng ta không phải lúc nào cũng ở tình trạng "cập nhật". Do đó, tiêm phòng cúm hàng năm sẽ cung cấp cho chúng ta sự bảo vệ nhất định trước những mầm bệnh bất ngờ.

Phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và lữ khách cũng có thể hưởng lợi từ việc tiêm phòng cúm. Đặc biệt, các lữ khách được khuyên tiêm phòng cúm 2 tuần trước khi rời khỏi đất nước của họ.
Người bị cúm không cần phải tới bác sĩ vì có thể tự chữa ở nhà



Bệnh cúm có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả nguy cơ cao bị viêm phổi, nếu không được chữa trị, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Hãy nghĩ tới gia đình, người thân và bạn bè của bạn. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải giúp họ tránh lây nhiễm cúm từ chúng ta bằng cách kiểm soát các triệu chứng từ sớm. Tốt nhất là bạn hãy tới thăm khám bác sĩ và tìm cách chữa trị ngay khi trải qua các triệu chứng giống cúm. Sau đó, bạn có thể nghỉ ngơi ở nhà và đeo khẩu trang cho tới khi hồi phục.
Bệnh cúm không dễ dàng lây lan

Ảo tưởng này là lí do tại sao mọi người vẫn đi làm hoặc tham gia các sự kiện tụ tập đông người khi bản thân không khỏe. Ít người nhận ra rằng họ có nguy cơ lây nhiễm cúm cho những người khác vì bệnh cúm rất dễ lan truyền. Có 2 cách chủ yếu để virus cúm lây lan từ người này sang người khác: thứ nhất là hít thở các giọt trong không khí vốn đã mang virus cúm do người bệnh "thả" vào không gian khi ho, nói hoặc hắt hơi; thứ hai là chạm vào các bề mặt nhiễm trùng, ví dụ như mặt bàn hoặc nắm đấm cửa ra vào.

Trong các môi trường đông người như trường học, công sở và thậm chí cả ở nhà riêng, virus cúm có thể dễ dàng lây lan mà bạn không biết. Ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe, hầu hết người trưởng thành nhiễm virus cúm đều có khả năng lây nhiễm cho người khác thậm chí trước cả khi xuất hiện các triệu chứng bệnh và tới tận 7 ngày sau khi bị ốm. Đối với bệnh cúm, trẻ em có thể "ủ bệnh" tới hơn 7 ngày.

Do đó, bạn nên thực thi 2 thói quen văn minh sau để ngăn việc nhiễm hoặc lây truyền cúm:

- Nếu cảm thấy không khỏe, bạn hãy nghỉ ngơi ở nhà, tránh nơi tụ tập đông người để phòng việc lây lan virus cho người khác.

- Nếu có các triệu chứng như cúm, bạn luôn phải đeo khẩu trang và che miệng cũng như mũi khi họ hoặc hắt hơi.
***
Bài thuốc chữa ho, cảm cho người lớn tuổi
Mùa này, những người cao tuổi cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột, và nên dùng các thực phẩm giàu năng lượng khi trời trở lạnh do mưa nhiều để duy trì cân bằng thân nhiệt. Một điều cần thiết nữa là giữ giấc ngủ yên trong đêm, bởi việc thường xuyên mất ngủ sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể, dễ dẫn đến bệnh. Cần chú ý đến bệnh ở đường hô hấp, tăng huyết áp...

Mùa thu là mùa mà các bệnh phổi, phế quản dễ phát triển bởi các tác nhân dễ gây dị ứng như phấn hoa, vi khuẩn, nấm mốc. Phế quản (nhất là ở người có bệnh hen) rất nhạy cảm với những tác nhân gây bệnh nói trên. Và đề phòng tăng huyết áp mùa này, người có tuổi cần dùng nhiều rau quả tươi, giảm lượng muối, chất béo, không dùng bia rượu.

Những bài thuốc đơn giản trị ho, chữa cảm

Gừng

Chứa tinh dầu diệt nấm, diệt khuẩn, hiệu quả với các chứng viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng. Chúng ta có thể sử dụng để chữa cảm lạnh dưới dạng trà gừng nóng, cháo gừng, mứt gừng, gừng muối có tác dụng ôn dương (làm ấm), tán hàn (chống lạnh), tiêu đàm. Có thể dùng gừng nấu canh ăn giải cảm như sau: hành 15g, gừng tươi 6g, lá tía tô 6g, hoặc gừng tươi 10g xắt lát, cải bẹ xanh 500g xắt đoạn đem nấu canh với thịt bằm. Cũng có thể lấy giấm 500 ml, gừng tươi và tỏi mỗi thứ 100g rửa sạch, xắt lát ngâm trong giấm, đậy kín trong 30 ngày, để dành. Khi bị cảm cúm dùng thức ăn kèm với 2 muỗng cà phê 10 ml giấm ngâm gừng tỏi.

Tỏi

Chất kháng sinh allicin trong tỏi có tính kháng khuẩn, trị các bệnh nhiễm trùng, lại có tính tiêu đàm nên được dùng để trị các bệnh đường hô hấp thường gặp khi bị cảm như viêm họng, viêm phế quản. Có thể dùng món canh có cho vào tỏi và gừng ăn nóng giúp toát mồ hôi, giải cảm.

Hành
Làm lợi ngũ tạng, giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đường hô hấp, tham gia quá trình tạo thành tesrosteron và giúp ăn ngon. Hành chứa các men tiêu hóa chất đường và lượng vitamin C lớn (đáp ứng được 20% nhu cầu mỗi ngày) cùng một lượng can-xi đáng kể. Vì thế, hành thường được dùng phối hợp để giải cảm.

Lá xông

Nguyên liệu thường dùng là lá hương nhu tía, chanh, bưởi, sả, kinh giới, tía tô, gừng, lá lốt... Các loại lá trên thường chứa tinh dầu có các hoạt chất giúp sát trùng đường hô hấp khi bốc hơi qua đun nóng chữa cảm rất hay, nhất là cho người lớn.
***
Những bài thuốc hay chữa bệnh cảm cúm
Cúm là bệnh do virus gây ra, lây lan theo đường hô hấp. Dưới đây là một số bài thuốc, cây lá chữa bệnh cảm cúm thông thường.
1. Từ bạc hà

Chữa cảm cúm: Bạc hà khô 20g, tỏi 10g, hương nhu khô 20g, hạt mùi khô 5g. Cho 3 bát nước, đun sôi kỹ còn 1 bát là được. Lấy một nửa bát nước thuốc cho bệnh nhân uống. Phần còn lại bịt kín nồi thuốc chỉ để 1 lỗ thủng nhỏ cho hơi thuốc bay ra, bệnh nhân ngồi ngửi hơi thuốc đó, khi hết hơi nóng thì thôi, ngày làm 1 lần, làm 2 ngày liền.

Nếu cảm cúm có sốt nóng, rét, đau đầu, sổ mũi, đau nhức chân tay, cần dùng bài thuốc sau: Bạc hà khô 5g, cúc hoa vàng khô 10g, kinh giới khô 5g, kim ngân khô 15g. Sắc thuốc xong chia 2 lần uống trong ngày, uống trước khi ăn, cần uống 3 ngày liền.

Chú ý, không nên dùng bạc hà cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và người mắc bệnh cao huyết áp.

2. Từ cúc tần

Cúc tần có vị đắng cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng chữa cảm lạnh, chữa cảm sốt nóng không có mồ hôi...

Chữa cảm cúm nhức đầu không có mồ hôi: Lá cúc tần 20g, lá sả 10g, lá chanh 8g, sắc thuốc xong cho bệnh nhân uống lúc còn nóng, bã thuốc còn lại cho thêm 2 bát nước đun sôi để cho bệnh nhân xông, sau đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

3. Từ kinh giới

Kinh giới có vị cay, tính hơi nóng, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió.

Chữa cảm cúm, đau nhức các đầu xương: Kinh giới tươi (cành non, lá) 50g, gừng sống 10g. Hai thứ rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt cho bệnh nhân uống, ngày uống 2 lần, bã thuốc xoa dọc xương sống từ trên xuống.

4. Từ tía tô

Tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, tiêu đờm, chữa cảm cúm không có mồ hôi và ho tức ngực.

Chữa bệnh cảm cúm không có mồ hôi: Lá tía tô (tươi) 15g, hành tươi (củ, rễ, dọc) 3 củ. Cả hai rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát cháo nóng để bệnh nhân ăn, ăn xong thì đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

5. Từ tỏi

Tỏi có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, chống viêm... Dùng tỏi giã vắt lấy nước cốt 10 ml uống, ngoài dùng tỏi bọc bông nút mũi để chống lây.

6. Từ hành

Hành có vị cay, tính bình, có tác dụng làm tan lạnh, thông khí, giải cảm, sát trùng...

Thuốc chữa cảm cúm, sốt nhẹ, nhức đầu: Hành 15g, (cả củ, rễ, lá) rửa sạch giã nhỏ. Tía tô 20g rửa sạch thái thật nhỏ.

Cả hai cho vào cháo loãng nóng quấy đều cho bệnh nhân ăn. Ăn xong đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

Thuốc chữa cảm sốt nhức đầu: Hành củ 30g, gừng tươi 20g, chè búp (khô) 8g, tía tô 6g. Sắc thuốc xong, cho bệnh nhân uống làm 2 lần trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

7. Từ cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu, có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, chữa cảm nắng, sốt nóng cảm cúm.

Chữa cảm cúm: Cỏ mần trầu 10g, cam thảo nam 8g, kim ngân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

8. Từ cam thảo đất

Cam thảo đất có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, dùng để thanh nhiệt, chữa cảm cúm, ho, viêm họng.

Chữa cảm cúm sợ gió, có mồ hôi, nặng đầu, ho: Bạc hà 8g, kinh giới 8g, lá tre 16g, kim ngân 16g, cam thảo đất 12g.

Sắc thuốc xong, cho bệnh nhân uống làm hai lần trong ngày, uống khi thuốc đã nguội.
***
Cảm cúm khác với cảm lạnh như thế nào?

Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp, do nhiều loại vi rút cúm gây ra và không như bệnh cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường đến một cách đột ngột. Những biểu hiện đầu tiên, dễ nhận thấy của cảm cúm là sốt cao, đau đầu, cơ thể mệt mỏi và đau nhức. Nhìn chung, các biểu hiện chung của bệnh cảm cúm là:

- Sốt (thường là sốt cao)
- Đau nhức ở các khớp, cơ và vùng quanh mắt
- Mệt mỏi toàn thân
- Da nóng và ửng đỏ, chảy nước mắt
- Đau đầu
- Ho khan
- Đau họng và sổ mũi

Các biểu hiện cúm ở trẻ em:

Các triệu chứng cảm cúm thường gặp ở trẻ là sốt cao (khoảng 40oC), đau đầu, đau họng, ho khan, các cơ đau nhức, trẻ cảm thấy lạnh và mệt mỏi. Các triệu chứng này thường kéo dài trong 3 - 4 ngày song trẻ có thể vẫn tiếp tục ho và mệt mỏi trong hai tuần sau khi đã khỏi cúm. Có thể, bố mẹ, anh chị hay những người hay ở gần trẻ cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Sinh tố C – Thần dược trị cảm cúm

Sinh tố C có tác dụng như một người lao công dọn dẹp sạch sẽ những rác rưởi trong cơ thể bạn, bao gồm cả vi khuẩn, vi rút nữa. Nhờ công dụng này mà sinh tố C có thể được xếp vào một trong những thần dược trị cảm cúm. Nó có khả năng rút ngắn được thời gian cơn bệnh, đáng lẽ đến 7 - 8 ngày nay chỉ còn 2 - 3 ngày.

Tuy việc uống sinh tố C với liều lượng khá cao như trên không gây nguy hại trong thời gian ngắn ngủi một vài ngày, nhưng các bác sĩ khuyên rằng nên tiếp tế cho cơ thể sinh tố này bằng cách ăn nhiều trái cây cam, bưởi, chanh, hoặc ăn sống các rau cải có mầu xanh đậm tốt hơn là uống thuốc viên.

Ngoài sinh tố C được xem như có thể giải quyết phần lớn mọi triệu chứng của bệnh cảm, các loại thuốc sau đây có những công hiệu riêng biệt cho từng loại bệnh trạng và cũng rất có ích. Tùy theo triệu chứng, bạn có thể dùng những chất sau đây: kẽm (làm dịu đi rất hữu hiệu cảm giác khô cổ, rát cổ); tỏi sống; nước muối (giúp thông cổ họng, bớt nghẹt mũi, giết vi trùng, và làm khạc ra đờm nhiều hơn); uống trà nóng hoặc canh nóng (giúp thông mũi); tắm nước nóng (tắm đứng chừng 20 phút với nước nóng bốc hơi cũng có công dụng làm thông mũi và điều hòa nhiệt độ cơ thể) hoặc xông.
Các biểu hiện cúm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (mới chập chững đi): Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng cúm tương tự như triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác như bệnh bạch hầu thanh quản (bệnh gây khó thở và ho), bệnh viêm phế quản, bệnh viêm phổi. Cụ thể là đau bụng, co giật, tiêu chảy là những triệu chứng cảm cúm thường gặp ở trẻ sơ sinh, trong đó sốt cao thường là triệu chứng rõ ràng nhất.

Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng cảm cúm thường không rõ ràng và thường được xem như là nhiễm khuẩn. Cảm cúm ở trẻ dưới 6 tháng tuổi thường ít gặp song nếu có thường xuất hiện các triệu chứng như ngủ lịm, bú ít, tuần hoàn kém.

Do trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cảm cúm nên trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi cần được đi tiêm phòng cảm cúm hằng năm vào mùa thu hoặc mùa đông.

Các biến chứng của bệnh cúm

Theo các chuyên gia y tế, các biến chứng có thể của bệnh cúm là viêm phổi do vi khuẩn, viêm tai, nhiễm trùng xoang, cơ thể bị mất nước.

Ngoài ra, bệnh cảm còn là nguyên nhân làm cho các bệnh mãn tính như bệnh suy tim sung huyết, bệnh suyễn và bệnh tiêu chảy càng nghiêm trọng hơn

Vậy, vì sức khỏe của bạn và gia đình, bạn hãy đừng coi thường bệnh cảm tưởng chừng như đơn giản này nhé!
***
Bệnh cúm là bệnh của loài chim và động vật có vú do siêu vi trùng dạng RNA thuộc họ Orthomyxoviridae. Bệnh nhân mắc bệnh cúm thường bị tăng nhiệt, đau đầu, đau cổ họng, đau nhức bắp thịt khắp cơ thể, ho, mệt mỏi. Cúm cũng có thể nhập vào làm viêm phổi và có thể đưa đến tử vong, phần lớn ở trẻ em và người lớn tuổi hoặc người yếu miễn nhiễm.
Lịch sử dịch cúm
Triệu chứng do siêu vi cúm (SVC) được Hippocrates mô tả rành mạch khoảng 2400 năm trước.Từ đó, SVC gây nhiều trận dịch - nhưng khó kiểm chứng vì triệu chứng cúm đôi khi bị lẫn lộn với các chứng bệnh như bạch hầu, dịch hạch, dengue và thương hàn.
Trận dịch cúm đầu tiên ghi chép khá rõ trong lịch sử là dịch năm 1580, bắt đầu từ châu Á lan sang châu Phi và đến châu Âu. Tại Roma hơn 8000 người chết và nhiều thành phố của Tây Ban Nha gần như chết sạch.Trong thế kỷ 17 - 18 nhiều trận dịch rải rác khắp nơi, đặc biệt là khoảng năm 1830-1833, dịch cúm lan tràn, làm bệnh nặng đến một phần tư số người bị lây.
Nhưng có lẽ ghê gớm nhất là trận cúm mang tên cúm Tây Ban Nha - do dòng H1N1. Trong hai năm 1918 - 1919, cúm làm chết khoảng 40-50 triệu người , theo ước lượng gần đây con số này có thể lên đến khoảng 50-100 triệu. Trận cúm tàn bạo này được giới nghiên cứu y học xem ngang hàng với trận dịch hạch làm chết gần hai phần ba dân châu Âu giữa thế kỷ 14. Sở dĩ có nhiều tử vong là vì dịch cúm lần này rất mạnh. Khoảng 50% những người ở gần người bị cúm bị lây bệnh, và khi bị lây có triệu chứng rất trầm trọng. Vì triệu chứng trầm trọng khác cúm thường nên lúc bây giờ người ta đoán bệnh sai lạc như bệnh sốt xuất huyết Dengue, kiết lỵ hay thuơng hàn. Một nhà quan sát viết : "Bệnh này tạo một triệu chứng kinh hoàng là chảy máu từ màng nhầy, từ mũi, dạ dày và ruột. Chảy máu cả từ tai và làm mụt bầm trên da ...". Tuy phần lớn tử vong là do các loại vi trùng lợi dụng lúc bệnh nhân đang bị cúm lan vào tạo viêm phổi, một số viêm phổi do chính SVC gây nên, làm chảy máu và ứ nước trong phổi.Trận cúm Tây ban Nha quả thực là một bệnh dịch toàn cầu, lan tràn lên tận Bắc cực và cả những vùng đảo xa xôi ở Thái Bình Dương cũng bị lây. Khoảng 2 - 20% người mắc bệnh bị chết (cao hơn tỉ lệ tử vong 0.1% của loại cúm thông thường). Một đặc điểm của dịch cúm này là đa số người chết thuộc tuổi khá trẻ, 99% tử vong tuổi nhỏ hơn 65, và 50% ở tuổi 20 - 40.(so với cúm thông thường làm chết trẻ nhỏ và người già trên 65). người ta ước lượng đợt cúm 1918-1919 giết chết khoảng 2.5 - 5% dân số toàn thế giới. Trong vòng nửa năm đầu, 25 triệu người bị cúm mà chết (so với bệnh AIDS giết 25 triệu người trong 25 năm).
Những trận dịch cúm sau đó không đến nổi quá tàn khốc gồm dịch cúm Á châu năm 1957 (loại A, H2N2) và dịch cúm HongKong (loại A, H3N2). Tuy thế, mỗi đợt cũng làm cả triệu người chết. Số tử vong ít đi có lẽ là nhờ thuốc kháng sinh làm giảm số viêm phổi do vi trùng.

Tên gọi Thời gian Sồ tử vong Loại cúm
Cúm Nga - Á châu 1889-90 khoảng 1 triệu H2N2 (?)
Cúm Tây Ban Nha 1918-20 khoảng 40 triệu H1N1
Cúm Á châu 1957-58 khoảng từ 1 triệu đến 1.5 triệu H2N2
Cúm Hong Kong 1968-69 khoảng 750 ngàn đến 1 triệu H3N2
Siêu vi trùng thuộc họ Orthomyxoviridae được Richard Schope khám phá trong loài heo năm 1931. Năm 1933, nhóm nghiên cứu y tế Anh Quốc do Patrick Laidlaw hướng dẫn tìm ra SVC trong con người. Nhưng đến 1935 qua công trình của Wendell Stanley khoa học mới nhận thức được thể trạng "vô bào" của siêu vi trùng.
Vài năm sau, Frank Macfarlane Burnet khám phá ra rằng SVC mất sức gây bệnh nếu được cấy trong trứng gà. Năm 1944 nhóm nghiên cứu của Thomas Francis, Jr. tại Đại học Michigan được quân đội Hoa Kỳ bảo trợ tìm vắc-xin chống cúm đầu tiên. Quân đội Hoa Kỳ bỏ rất nhiều công sức vào việc tìm vắc-xin cúm (sau thế chiến I, trong vài tháng năm 1918, nhiều ngàn lính Hoa Kỳ bị cúm chết).
Sau trận dịch cúm tại Hong Kong năm 1968, những trận dịch khác, như tại New Jersey (1976), Nga (1977), Hong Kong (1997) đều gây ít thiệt hại nhân mạng. Có lẽ do con người ngày càng có khả năng miễn nhiễm tốt hơn
Phân loại siêu vi trùng cúm
Siêu vi trùng cúm có ba loại: A, B và C. Loại A và C gây cúm ờ nhiều động vật, loại B chỉ nhiễm riêng loài người.
SVC loại A gây cúm trầm trọng ở người, được chia dạng theo kháng thể của huyết thanh (serotype), như sau:
H1N1 "cúm tây Ban Nha".
H2N2 "cúm Á châu".
H3N2 "cúm Hong Kong".
H5N1 cúm "gia cầm" trong hai năm 2006-7.
H7N7 cúm có khả năng lạ, gây cúm gia cầm và người.
H1N2 gây cúm ở người và heo.
H9N2, H7N2, H7N3, H10N7.
SVC loại B gây cúm ở người nhưng tỉ lệ ít hơn. Loại này thỉnh thoảng có thể gây cúm ở loài hải cẩu. Loại B thay hình đổi dạng chậm hơn loại A. và do đó chỉ có 1 dạng huyết thanh.Con người thường gặp SVC loại B từ bé và thường có miễn nhiễm nhưng không có được lâu vì SVC B thường cũng đổi dạng. Nhưng vì đổi chậm nên SVC loại B không gây những trận dịch lớn như lại A.
Siêu vi cúm loại C gây cúm ở người và heo, có khả năng gây dịch nặng. Tuy nhiên loại C hiếm hơn và ở trẻ em không trầm trọng gì mấy
Phòng ngừa

Thuốc vắc-xin bệnh cúm (Vaxigrip): là loại vắc-xin tinh chất, không tác hại. Mỗi 0,5ml dung dịch vắc-xin có chứa antigen:
A/New Caledonia/20/99 (H1N1) - gần giống dòng A/New Caledonia/20/99 (IVR-116) 15 mg haemagglutinin,
A/Moscow/10/99 (H3N2) - gần giống dòng A/Panama/2007/99 (RESVIR-17) 15 mg haemagglutinin,
B/Hong-Kong 330/2001 - gần giống dòng B/Shangdong/7/97 15 mg haemagglutininin.
Vắc-xin điều chế từ siêu vi trùng cấy trong trứng gà và được formaldehyde làm cho vô hại.
Sau khi tiêm Vaxigrip, cơ thể tạo kháng thể chống lại các dòng siêu vi cúm trong vắc-xin. Nhưng vì các dòng siêu vi cúm thay đổi thường xuyên, vắc-xin chống cúm có thể không ngăn cản được tất cả loại cúm - và thường được thay đổi theo từng năm, từng trận dịch cúm.
Thuốc ngừa bệnh cúm
Biện pháp đơn giản tốt nhất để phòng ngừa cảm cúm là chích ngừa cảm cúm vào mỗi mùa thu.
Có hai loại thuốc ngừa cảm cúm:
Thuốc chích ngừa cảm cúm”— - một loại thuốc ngừa cảm cúm vô hại (chứa siêu vi đã chết) dùng để chích, thường chích ở cánh tay. Chích ngừa cảm cúm được chấp thuận cho sử dụng ở trẻ trên 6 tháng tuổi, người khỏe mạnh và người có bệnh mạn tính.
Thuốc xịt mũi ngừa cảm cúm— - một loại thuốc ngừa có chứa siêu vi cảm cúm còn sống và suy yếu để không gây cảm cúm, đôi lúc được gọi là LAIV (Live Attenuated Influenza Vaccine, hay “Thuốc Ngừa Cảm Cúm có Siêu Vi Còn Sống và Suy Yếu”). LAIV được chấp thuận cho sử dụng ở những người khỏe mạnh từ 5 đến 49 tuổi và không có thai.
Trong mỗi thuốc ngừa đều có ba loại siêu vi cảm cúm —một siêu vi A (H3N2), một siêu vi A (H1N1), và một siêu vi B. Những loại siêu vi có trong thuốc ngừa sẽ thay đổi hàng năm dựa trên cuộc nghiên cứu quốc tế và dự đoán của các nhà khoa học về chủng loại siêu vi nào sẽ lây truyền trong năm dự báo.
Khoảng hai tuần lễ sau khi chích ngừa, cơ thể sẽ sinh thêm kháng thể để đề kháng việc lây nhiễm siêu vi cảm cúm.
Theo kinh nghiệm dân gian, một số phương pháp được sử dụng để phòng ngừa cúm hoặc tránh lây nhiễm cúm như ăn tỏi sống, đun sôi dấm thanh cho bay hơi khắp nhà...
Chích ngừa vào lúc nào
Tháng Mười và tháng Mười Một là thời gian tốt nhất để chích ngừa, nhưng quý vị vẫn có thể chích ngừa vào tháng Mười Hai và những tháng sau đó. Mùa cảm cúm có thể khởi đầu ngay từ tháng Mười và kéo dài đến tận tháng Năm.
Ai nên chích ngừa
Nói chung, bất cứ người nào muốn giảm thiểu nguy cơ bị cảm cúm đều có thể đi chích ngừa. Tuy nhiên, vẫn có những người nên đi chích ngừa hàng năm. Họ là những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng của cảm cúm hoặc sống chung hay chăm sóc cho những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng.
Những người nên chích ngừa hàng năm:
Người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng của cảm cúm
Những người từ 65 tuổi trở lên;
Những người cư trú tại các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn khác có người bị bệnh tật triền miên;
Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, kể cả bệnh suyễn;
Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên cần chữa trị y tế thường xuyên hoặc nhập viện trong năm trước do bị bệnh chuyển hóa (giống như bệnh tiểu đường), bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch (kể cả gặp vấn đề về hệ miễn dịch do dùng thuốc hay bị nhiễm siêu vi liệt bại kháng thể [HIV/AIDS (bệnh liệt kháng)] gây ra);
Trẻ em từ 6 tháng đến 18 tuổi được điều trị dài hạn bằng thuốc aspirin. (Nếu trẻ em dùng thuốc aspirin trong lúc các em mắc bệnh cúm thì có nguy cơ bị hội chứng Reye);
Phụ nữ có thai trong mùa bệnh cúm;
Tất cả trẻ em từ 6 đến 23 tháng;
***
Nói tóm lại cúm là 1 bệnh thông thường nhưng có thể rất nguy hiểm, chúng ta phải rửa tay, phòng bệnh, giữ gìn sức khoẻ để chống cúm. Những thông tin trong bài viết ngắn này chỉ có tính cách tham khảo, khi áp dụng quý vị nên cẩn thận, hỏi ý kiến của bác sĩ gia đình trước khi áp dụng. Chúc quý vị khoẻ mạnh.

trần minh hiền orlando ngày 11 tháng 1 năm 2013 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.