Nov 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Giới Thiệu 5 Nhà Thơ Vùng Quế Sơn Xứ Quảng
Phương Duy Trương Duy Cường * đăng lúc 09:30:58 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 9784
Hình ảnh
Phương Duy TDC
#1

 

GIỚI THIỆU

5 NHÀ THƠ  VÙNG QUẾ SƠN CỦA XỨ QUẢNG

BÙI GIÁNG, TẠ KÝ, TƯỜNG LINH, CUNG DIỄM và HOÀNG QUY

  

Bài viết của PHƯƠNG-DUY TDC

 

Nhìn vào tấm bản đồ VIỆT-NAM do “Nha Địa dư và Bản Đồ” tại Đà Lạt in trước năm 1975, tỷ lệ xích 1:1.750.000 tôi thấy tỉnh QUẢNG NAMhai con sông chính lớn và dài : một phát xuất từ thượng nguồn hướng tây mang tên SÔNG BUNG, một phát xuất từ thượng nguồn  hướngTây Nam mang tên SÔNG THU BỒN, sau đó hai con sông gặp nhau thành một sông lớn chảy qua phố cổ HỘI-AN xuống CỬA ĐAI để ra biển và một con sông dài nữa nhưng không phát xuất từ nguồn nào (?) lại nằm song song với quốc lộ I và bờ biển NAM HẢI mang tên TRƯỜNG GIANG chảy vào các quận phía Nam tỉnh Quảng Nam (vùng chia ra để thành lập tỉnh Quảng Tín)

 

Trong thời gian chiến tranh Việt-Pháp, năm 1946-47, tôi có dịp chạy giặc đi tản cư bằng ghe bầu những làng, xã như Kim Bồng, Chợ Củi, Đại Bình, Trung Phước, Tí, Sé,Kẽm, Cầu Chìm, Đại Lộc, Trà Nhiêu, Cát Cao, Chợ Bà,Chợ Được, Trà Đỏa, Tiên Đỏa, Kỳ Trân, Đồng Trì, Tây Giang, Bến Ván…ở mỗi nơi vài ba tháng, nên tôi nghĩ BA dòng sông dài và lớn trên tôi cũng có thời đã đi qua và ngồi trên bờ câu cá..

 

Rồi lúc mặc áo quần trận phục vụ trong quân đội , tôi cũng từng đóng quân ở tiền đồn bên cạnh những dòng sông của quê hương ghi trên ở quận Hiếu Nhơn, Thường Đức, Quế Sơn, rồi tỉnh Quảng Tín nên lại thêm nhiều dịp biết thêm nhiều làng xã ven sông  mà ba con sông lớn này chảy qua.

 

Nhưng tôi vẫn thích nghĩ về con sông mang tên THU BỒN nhất (mà mấy người làm thơ thường gọi cho thi vị là “SÔNG THU”).

Với hai lý do có tính cách cá nhân:

 

Lý do thứ Nhất:

Vì khi đi tản cư bằng ghe bầu, gia đình tôi suýt bị máy bay Pháp “làm thịt” khi đang chèo chống giữa dòng sông Thu Bồn, gần đến chợ Trung Phước là nơi gia đình sẽ tạm trú nơi đó vài tháng vì có người cô tôi đang sống và buôn bán tại chợ này. Nhờ người chủ thuyền lanh trí nên chống chèo lẹ sang bờ tả ngạn khi nhìn thấy bốn máy bay địch lao mình từ trên không xuống thấp để chuẩn bị xạ kích khi nhìn thấy mục tiêu là một chiếc ghe bầu thật lớn. Sai mục tiêu nên máy bay phải bốc lên cao và làm một vòng quành lại thì chiếc ghe bầu (mục tiêu) đã đến bờ sông dựa vào mô đất đá cao dưới những tàng cây rậm rạp khó có thể phát hiện. Sau đó bốn chiếc máy bay  này đổi hướng xạ kích về phía hữu ngạn sông THU BỒN thuộc khu  chợ Trung Phước, cũng gần bệnh xá địa phương.

 

Lý do thứ Hai:

Tôi quen biết với năm người làm thơ xứ Quảnggốc là dân huyện Quế Sơn, nằm những làng Trung Phước , hữu ngạn sông Thu Bồn và Đại Bình, tả ngạn.

Núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình nên thi sĩ BÙI GIÁNG, nhà thơ TẠ KÝ đã dạo chơi bên bờ tả ngạn để làm thơ, để chăn dê.

 BÙI GIÁNG và TẠ KÝ là hai nhà thơ Quảng Nam thành danh trước 1975 (nay đã quá cố).

Rồi hữu ngạn có ba chàng thi sĩ TƯỜNG LINH, nhà thơ CUNG-DIỄM  (HOÀNG KIM DŨNG, TÚ LẮC) và nhà thơ HOÀNG QUY (HUỲNH QUY) cũng là nhũng nhà thơ có tiếng tăm sau này.

 

***

 

THI-SĨ BÙI GIÁNG

Sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926

Sinh quán: làng TRUNG PHƯỚC, huyện QUẾ SƠN, tỉnh QUẢNG NAM

Trú quán: Thành phố SAIGON.

Mất ngày 7 tháng 10 năm 1998 tại Saigon. Thọ 71 tuổi

 

Tôi chỉ gặp và được thi sĩ BÙI GIÁNG (vì tình đồng hương giữa Thầy và Tôi) trò chuyện hai lần tại SAIGON.

Một lần trước 1975 khi tôi gặp Thầy  (tuy tôi không là học trò của nhà giáo Bùi Giáng, nhưng tôi học được văn chương, triết lý trong các sách Thầy viết)  trên đường Catinat.

Tôi được dịp hỏi Thầy Bùi Giáng:

 “Thưa thầy, vì sao tôi thấy trong một vài tác phẩm viết rất “đứng đắn”, rất “ triết lý” của thầy…. thỉnh thoảng thấy Thầy xen vào những danh từ “dung tục” như L.T..hoặc T.L..(khi nói lái theo lối người Quảng Nam) ?

 

Thầy Bùi Giáng chỉ cười và bảo tôi: “Em đọc sao thì cứ hiểu như vậy là đúng ý Anh muốn viết!

 

Riêng tôi:

“Tôi hết biết luôn!”

 

 Lần thứ hai, tôi gặp Thầy sau năm 1975 tại chợ Trương Minh Giảng, Saigon (lúc này trông  Thầy“ không được bình thường trí não”  nhưng khi hầu chuyện với Thầy, Thầy vẫn còn nhớ là tôi đã gặp và trò chuyện cùng Thầy một lần và Thầy vẫn “xuất khẩu thành thơ” rất xuất sắc như thuở nào. (Nhưng có nhiều câu thơ “xuất khẩu thành chương” của Thầy lúc này có xen nhiều danh từ về bộ phận kín của phái đẹp (?) làm người nghe “sợ” luôn!

 

Trong lúc viết bài này, tôi muốn ghi lại một bài thơ do thi sĩ Bùi Giáng sáng tác:

 

LỜI SƠN NỮ

 

Gánh than lên bán chợ Trời

Thiên thần xúm hỏi: Em người ở đâu?

Thưa rằng em ở rất lâu

Trần gian dưới đó dãi dầu liên miên.

Bảo rằng chưa rõ tuổi tên?

Thưa rằng tên tuổi là em đây rồi:

Nghĩa là Sơn nữ đó thôi.

Hỏi rằng: sao chẳng thấy môi em cười?

Thưa rằng cười gượng không vui

Nên đành mím miệng một đời cho qua.

Hỏi rằng: dưới đó bông hoa

Nở vào mùa Hạ hay là mùa Xuân?

Thưa rằng: cái đó em quên

Vì chưng lo đốt than nên không nhìn.

Hỏi rằng: một chút của tin

Muốn trao em giữ, em xin thứ gì?

Thưa rằng: em chẳng biết chi.

Hỏi rằng: em thích xiêm y không nào?

Thưa rằng: dày mỏng ra sao?

Bảo rằng: toàn gấm, lụa đào nhung hoa.

Thưa rằng: chẳng hợp màu da

Toàn than như hột chà là em đen.

Bảo rằng: hãy tắm suối tiên

Một giờ em sẽ đổi đen ra hồng.

Thưa rằng: em có tấm chồng

Yêu màu da cũ, kiếu ông em về.

                            (BÙI GIÁNG)

***

 

 

THI-SĨ TẠ KÝ

 

Sinh năm  1928  tại Trung Phước, Quế Sơn, Quảng Nam

Mất năm  1979  tại  An Giang

Cải táng năm 2001 tại nghĩa trang GÒ DƯA, Thủ Đức bên cạnh mộ phần của Thi sĩ BÙI GIÁNG  mà lúc trẻ hai nhà thơ đã ở cùng xóm với nhau. ,

Tác phẩm: SẦU Ở LẠI (Thơ)  x.b 1970 (đoạt giải THƠ của TỔNG THỐNG VNCH)

                 CÔ ĐƠN CÒN MÃI (Thơ) x.b 1973

                 THƠ TẠ KÝ (Thơ) x,b 2001  tại Hoa Kỳ

 

Thập niên đầu 1950, khi tôi học trung học ở trường Providence, Huế thì anh Tạ Ký học các lớp chuyên khoa văn chương bên trường trung học Khải Định.

Nên thỉnh thoảng những học sinh gốc Quảng chúng tôi cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ cũng gặp nhau ở nơi những gia đình người Quảng Nam làm việc tại Huế (nhất là những nhà có con gái đẹp tại khu Hàng Me, Đập Đá..) để “nói tiếng Quảng với nhau” và nói với “người đẹp quê mình”.

 Anh Tạ Ký lúc đó đã nổi tiếng “làm thơ rất hay” và tôi vẫn yêu cầu anh đọc cho tôi nghe những bài thơ anh sáng tác mỗi khi có dịp gặp anh..

Anh rất vui và đọc cho nghe liền.

Sau khi học xong Tú Tài, anh Tạ Ký vào Saigon học tiếp đại học và đi dạy.

Tôi xin trích một bài thơ anh viết về quê hương Quảng Nam, có những địa danh tôi thích:

 

TRUNG PHƯỚC ƠI!

Tặng bà con

 

Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc,

Tình cheo leo cao vút một con đèo,

Núi Chèo Bẻo vươn mình trong khói đục,

Hòn Cà Tang thương nhớ vọng tình theo.

 

Đây đồng Chợ không còn vang nhịp bước,

Và đồng Quan, đồng Vú chắc tiêu điều!

Lúa vàng ơi! Lúa vàng bao năm trước,

Rộc cây Bòng bờ trổ mạch cô liêu.

 

Cau xanh lắm, cau với người thân thiết,

Bắp non non, người đợi bắp vàng bao,

Lụa óng ánh tay ngà thoăn thoắt dệt,

Đời không dài hơn một giấc chiêm bao!

 

Làng chết lặng, lều xác xơ dăm túp,

Người tha hương còn mất chẳng tin về,

Con lạc mẹ, bao đêm chồng khóc vợ,

Măng bẻ rồi, tre không kín niềm quê!

 

Chín năm chẵn máu chưa hề ngớt chảy,

Chim không ca, bắp chẳng chín vàng bao,

Khung cửi lạnh, tay ngà đang ấp mộ,

Hẹn tương phùng trong một giấc chiêm bao.

 

Mùa hy vọng thắp đôi hàng nến đỏ,

Chép bài thơ thương nhớ giữa kinh thành,

Ôi yếu đuối một kinh hồn nho nhỏ,

Chỉ mong ngày nắng ấm ngọn cây xanh.

                                                   

                                                     (TẠ KÝ)

 

***

Nhà thơ TƯỜNG LINH

 

Thời gian 1958-1974 tôi nhiều lần vào Saigon, biết anh Tường Linh đang phục vụ trong quân đội, cũng dang sống tại Saigon mà tôi không có dịp gặp Anh lần nào. Tôi rất mong có dịp gặp anh vì tôi thích những vần thơ anh sáng tác đăng báo. Anh còn là anh em bà con cô cậu với Hoàng Quy, em tôi.

Nhưng sau 1975 cũng không có dịp nào gặp, mãi cho đến những ngày cuối sắp đi định cư tại Hoa Kỳ (1991) tôi quyết định nhờ  Hoàng Quy đưa tôi tới thăm nhà thơ Tường Linh tại nhà anh. Vì tôi nghĩ sẽ không còn lúc nào gặp nhau nữa.

Anh rất vui và tôi hỏi anh: “Thơ của anh, em rất thích đọc. Bây giờ anh đã sáng tác bao nhiêu bài thơ rồi?”.

Anh không trả lời ngay, đứng dậy đến tủ sách gia đình bê ra năm sáu quyển sổ dày đóng bìa cứng như những cuốn tiểu tự điển đặt trước mặt tôi rồi nói:” đó Cường xem đi!”

Tôi dở cuốn sách ra, những bài thơ anh chép tay nét chữ chân phương mỹ thuật, thơ đọc rất hay và không đếm được tổng cộng bao nhiêu bài thơ viết bằng đủ thể loại: Đường luật, Song Thất Lục Bát, Lục Bát, Thơ Mói 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, Thơ Tụ Do…

Tôi không rõ từ ngày ấy đến bây giờ anh Tường Linh đã in được bao nhiêu tập tho rồi?

Giới thiệu một bài thơ của Tường Linh mà tôi thích:

 

GÓC CHIỀU VỚI BẠN

 

Bạn hỡi có chi mà vội vã,

Tránh đâu cho thoát cõi vô thường?

Vào đời xây mộng, tan tành mộng

Hãy cứ xem đi mẩu hý trường.

Đội lửa băng qua bao cuộc chiến

Nay còn được chải tóc hoa sương…

 

Thì thôi, tiếc với buồn chi nữa

Cắt buộc ràng quanh chuyện lỗ, lời.

Lâu quá thuyền neo vùng bến chật

Quen bờ nên ngại sóng trùng khơi.

Góc chiều được gặp đông bè bạn

Đã ngấm trong men chuyện nghĩa đời!

 

Cùng thả hồn theo lời nghệ sĩ

Giọng vàng cánh bút chở thơ bay.

Bỗng trầm điệu khúc nương cung bậc

Thanh thoát đàn rơi giọt giọt say

Không phải Tầm Dương chan chứa lệ

Mà bâng khuâng tiếc sớm vơi ngày!

 

Thơ dâng, rượu bốc. Thời gian chảy

Thành suối yêu mơ thắm thiết nguồn.

Ai cấm ta về vườn mộng cũ?

Dẫu về chỉ gặp bóng trăng suông.

Còn bao nhiêu rượu chia đều cả

Hồi ảnh sông hồ lớp lớp tuôn.

 

                             (TƯỜNG-LINH)

 

 

***

 

Nhà Thơ KIM DŨNG

Tên thật HOÀNG KIM DŨNG

Bút hiệu: CUNG DIỄM, TÚ LẮC…

Sinh tại Quế Sơn, Quảng Nam

 

Tôi gặp nhà thơ Kim Dũng (Tú Lắc, Cung Diễm) rất nhiều lần trong những buổi RMS (ra mắt sách, thơ) khi tôi đến định cư tại Thung Lũng HOA VÀNG, SAN JOSE.

Tôi nghĩ, ông là một nhà thơ trong nhóm năm nhà thơ sống hai bên bờ sông THU BỒN, thượng nguồn tại đất QUẾ SƠN, được may mắn nhất. Tuổi cao mà sống trên xứ tự do làm thơ theo cảm hứng, không sợ một áp lực cỏn con nào.bên cạnh.

 

Giới thiệu một bài thơ của ông viết về quê hương:

 

HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG

 

Làng tôi nằm cạnh mé Thu Giang

Xanh ngắt tre xanh bọc xóm làng

Uốn khúc quanh co con suối lượn

Bắt nguồn từ rặng núi Cà Tang.

 

Một con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo

Ven vẹo hai hàng đuổi chạy theo

Nối bước hai thôn Trung và Hạ

Gập ghềnh qua mấy nhịp cầu treo.

 

Thẳng cánh cò bay những cánh đồng

Hai mùa Ba, Tám lúa đơm bông

Nàng Hương, lúa Ngự thơm ngan ngát

Hương ngất ngây say vạn tấm lòng!

                                    

                                    (CUNG DIỄM)

 

 

***

 

Nhà thơ HOÀNG QUY

 

Sinh năm 1939 tại Đại Bình, Quế Sơn

 

Quê của Hoàng Quy nằm ven bờ hữu ngạn sông Thu Bồn.

Một vùng đất đai trồng cây ăn trái rất tốt. Khu vườn của nhà Hoàng Quy trồng nhiều cây Sầu Riêng rất sai quả và ăn rất thơm ngon.

Nhưng sau 1975, sau khi ở tù cải tạo ra, gia đình nhà thơ Hoàng Quy không được phép sống tại Quảng Nam mà phải đi “kinh tế mới” trong miền Nam.

Nên nhà thơ phải dời gia đình vào sống ở làng Phong Điền, Cái Răng, tỉnh Cần Thơ.

Làm nghề lái xe Honda trên lộ Đá dài mười ba kilomet chở khách để độ nhật và trồng cây trái kiếm sống. Cũng may, những cây cam sai trái và quả “Cam Phong Điền” rất ngon, ngọt nổi tiếng nhờ vậy cũng sống qua ngày.

 Đôi  lúc chàng đi buôn hàng chuyến, có khi làm công nhân và có khi “ đi tu”và ăn chay trường tùy hoàn cảnh.

Và chàng “thi sĩ” lại bắt đầu làm thơ trở lại.

 

Tác phẩm dã in:

 TUYỂN TẬP SÔNG THU (Thơ) 1962 với Thái Tú Hạp và Thành Tôn.

CỠI NGỰA XUỐNG TRẦN (Thơ) 2004

 

Tôi xin giới thiệu một bài thơ:

 

NGƯỜI XƯA PHỐ CỔ

 

vẫn trăm năm nữa thầm thì

bước chân phiêu lãng có về nữa không

rêu phong mờ ảo tấc lòng

em qua phố cổ tay bồng vai mang

tội tình một kiếp đa đoan

lá khô que củi man nan sầu đời

đợi gì một hạt mưa rơi

mà phương trời cũ vẫn nơi hẹn hò

 ngày qua hiu hắt trang thơ

đêm qua ngậm ngải bơ vơ chỗ nằm

người xưa đã quá xa xăm

phố xưa úp mặt khóc thầm cùng ai

ta về níu vạt áo dài

che đầu hát khúc thiên thai tạ đời.

 

                                  (HOÀNG QUY)                                                             

 

***

Kết luận:

 

Năm nhà thơ, BÙI GIÁNG, TẠ KÝ, TƯỜNG LINH, HOÀNG QUY có bốn hoàn cảnh sinh sống khắc nghiệt khác biệt nhau sau khi miền Nam nước Việt đổi đời.

Chỉ còn CUNG DIỄM may mắn nhất đến sống tại một nước tự do nên thi văn của ông đã bay xa như những nhà thơ xứ Quảng THÁI TÚ HẠP, LUÂN HOÁN, TRẦN TRUNG ĐẠO, LÊ HÂN, THÀNH TÔN, VŨ GIA SẮC, MẠC PHƯƠNG ĐÌNH.

 

 

PHƯƠNG-DUY TRƯƠNG DUY CƯỜNG

Cuối năm 2012

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.