Thơ Đường của Quách Tấn hàm súc, tinh xảo và cũng khá cầu kỳ. Điều thú vị và cũng là lý do nổi tiếng của Quách Tấn là thể thơ thì cổ nhưng tình thơ lại mới. Cảm xúc của Quách Tấn có nhiều tương đồng, tương ứng với các nhà thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới. Ở tập thơ đầu Một tấm lòng (1939) do chính Hàn Mặc Tử đề tựa, Quách Tấn có cái phóng túng trong cảm hứng rất mới ngay lúc lạc hồn vào cõi xưa:
Giấc mộng nghìn xưa đang mải mê
Vùng nghe cảm hứng báo thơ về.
Một động từ Vùng cho thấy hơi men lãng mạn của thời đại mới giấu trong giọng thơ xưa cũ. Nhiều khi không giấu được, Quách Tấn lẫn vào các nhà thơ lãng mạn. Đứng giữa trời Đà Lạt một đêm sương, nghe hơi mát chạm vào da thịt, nhà thơ y phục xưa thành người hiện đại đa tình và mạnh bạo khám phá cảm giác:
Trời đất tan ra thành thuỷ tinh
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.
Tập Mùa cổ điển (1941) thơ Đường càng được vận dụng, cả về tỷ lệ bài lẫn chất lượng câu thơ. Đối ứng nghiêm túc và đài các như thơ bà Thanh Quan:
Gió vàng cợt sóng sông chau mặt
Mây trắng vờn cây núi bạc đầu.
Có bài còn chất nặng điển cố (Đêm thu nghe quạ kêu), nhưng cũng có nhiều bài đạt được vẻ đẹp ước lệ mẫu mực của luật Đường lại thoải mái thanh thoát mang tình ý hiện thực:
Tình cũng lơ mà bạn cũng lơ
Bao nhiêu khăng khít bấy ơ hờ
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ.
Những chỗ Quách Tấn sính tạo không khí cổ điển bằng chữ (dùng nhiều từ Hán) hoặc bằng điển cố cầu ky,ì bài thơ thường bị đứt mối giao lưu với bạn đọc. Nhưng hoa tỉ muội, cỏ vương tôn, rèm liễu, vó câu... ngỡ sang trọng lại có gì tội nghiệp của kẻ lạc thời. Cũng phải thừa nhận những lợi thế của một thể thơ có sức sống mạnh như thơ Đường, sức vang ngân của các phối âm 7 chữ trong câu, lối dẫn dắt tung hoành nhờ phép kết cấu phá thừa thực luận kết và nhất là phép đối, đối câu, đối vế, đối ý, đối chữ. Nhưng cũng cần phá bỏ những câu thúc của ước lệ dễ dẫn đến mòn sáo và giả tạo. Điều đó không phải lúc nào Quách Tấn cũng làm được. Càng thấy lý do xuất hiện và toàn thắng của Thơ Mới là tất yếu. Người ta yêu thơ Quách Tấn do chất cảm xúc của hồn ông và cũng do ông là thứ quả hiếm còn sót lại của mùa xưa. Nửa thế kỷ nay, khi Thơ Mới đã thành thơ cũ, cuộc đời mỗi nhà thơ thời ông đã qua nhiều dâu bể khác nhau, Quách Tấn vẫn thuỷ chung với giọng xưa. Ông bị quanh quẩn trong chất liệu, hình ảnh cũ, thơ ông không đủ sức theo kịp những biến động tâm tư, cảm xúc của lớp người mới. Ông bị đừng lại ở Mùa cổ điển. Cái hay của các tập thơ sau chưa vượt được cái hay đã có trong hai tập thơ đầu mà nỗi u hoài trong lòng người viết lại đầy hơn:
Đồi cao buông tiếng địch
Bóng tháp ngập hoàng hôn
Ông lão dừng tay sách
Hiu hiu buồn cuối thôn.
Quách Tấn tạ thế ngày 21-12-1992. Không biết sau ông có hồn thơ nào đủ làm mới lại giọng thơ xưa bằng sức cảm sức nghĩ của tình ý mới? Y phục vốn đổi thay theo lối sống.
Khó lắm thay! Mà có nên chăng?
*****
Nguồn: ThiVien.com