Phần Một - Tự Bạch
CHU KỲ MỚI
Chặng đường nợ áo cơm
Được mấy ai tự chủ
Một hội sáu mươi năm
Ràng buộc ngần ấy thứ.
Kết thúc một chu kỳ
Tạm khép đời công nợ
Muốn nghiệm lẽ huyền vi
Gọi chu kỳ mới mở.
Chu kỳ mới ngày đầu
Thân thoạt nghe hụt hẫng
Trời vẫn biếc một màu
Đường bỗng quang, dài rộng .
Thầm ngưỡng mộ thần đồng
Hồn nhiên ngày chập chững
Mà thấu thị sâu nông
Trần tục và thi hứng.
Tay nâng trái tự do
Ấp ủ hương đích thực
Vòm không gian bao la
Khung thời gian câu thúc.
10-5-2007
CUỘC LUÂN HỒI
Kẻ lữ hành nặng số
trắng tóc chẳng chịu già
Con đường tình thật lạ
Sao nhãng nào buông tha.
Lối mê cung dẫu khác
nhưng vẫn một con đường
trăm ngả dù không lạc
sớm muộn cũng tơ vương.
Dáng ai ngày lạ lẫm
chập chững bước đi đầu
xông xáo hay dò dẫm
khờ khạo khác gì đâu.
Tóc trải đời tóc trắng
trắng lại về tinh khôi
lại nguyên sơ giọt đắng
lại nguyên sơ mộng đời.
Gặp một trang ngựa ngã
sập bẫy đêm viễn di
một trái tim hóa đá
một đồng hành vô tri…
Nỗi đau thành điểm hẹn
niềm tin đã tột cùng
lửa ngàn đời dẫu bén
đâu tỏ tường mê cung.
Trắng lại chu kỳ mới
Lại mê mải sắc màu
lại khát khao tiếng gọi
lại một vòng thương đau.
8-10-2006
THƠ MUỘN
Tuổi tác thuộc lớp già
Cầm bút phân hàng trẻ
In chung góp dăm ba
Tập riêng tinh tài trợ.
Chợt nhủ hãy đừng đùa
Bốn mươi năm gió bụi
Đã vùi kín mộng xưa
Cơn cớ gì đào bới.
Có thực tiếng con tim
Hay nghe ran thiên hạ
Mà bươn bải kiếm tìm
Mà gạn gùng trăn trở.
22-9-2001
KHÔNG ĐỀ
Không nghe mắc tội chủ quan
Nghe người, ta nhận chủ quan của người
Gian truân lắm, khách quan ơi !
Con đường chân lý giữa đời mon men.
16-12-2001
NGƯỠNG
Ngưỡng để tràn ly là một giọt
Kinh tuyến nào định ngưỡng đông - tây
Em bên đây và anh bên đây
có ghi được sát-na bùng tiếng sét ?
Thua - được lằn ranh vua và giặc
Đâu chiếc cân định lượng thị phi
Vạch cỏ tìm chăng điểm mốc đi - về
Đêm sang ngày nhập nhòa khoảnh khắc.
Trong mỗi ta thiên thần và quỷ dữ
trận tranh hùng sinh - tử giữa hồng cầu
Bờ chân - giả mập mờ quanh gốc chữ
Đời một gang - tiếng để lại dài lâu.
Ai tới mí đỉnh cao và vực thẳm
Ai đặt chân đến nơi ấy chân trời
Ai kịp cảm ranh héo tàn - tươi thắm
Ngưỡng ảo huyền nhận biết đến trong ai ?
10.7.2007 - 29.10.2011
TIẾNG TIÊU
Vào chu kỳ mới ngày lên bảy
sáu chục năm xưa nhớ tuổi này
Tiếng tiêu nghiệt ngã phiêu bống ấy
như vừa tức tười nấc quanh đây…
Làng không nhiều lắm tài tơ trúc
Người thổi tiêu, làng gọi Bác Khoan -
- lực điền. Bác chẳng nghề cưa đục
mà mỏ rìu khăn quấn suốt năm.
Thấy cháu say tiêu bà mới kể
sự tình bác phải bịt bên tai.
Giận buồng chuối đói oan khiên thế
lỡ liều thôi, mà nỡ sẻo tai người !
Tiếng tiêu từ ấy đem ma lực
cất lời răn nhủ suốt đời tôi
Máu nhỏ trong thơ trong tơ trúc
Mỗi dòng mỗi phách chớ đơn sai.
22-9-2005
MÔN THI BÀ CHỌN
Cháu tròn bảy tháng
Vừa cữ tập bò
Bố mẹ làm bận
Tiện gửi ông bà.
Phòng bà rộng rãi
Bày mở cuộc thi
Giải thì khỏi nói
Chỉ khó : Môn gì ?
Ngắm ông, ngắm cháu
Tủm tỉm : Bò thi
( Gối ông xương xẩu,
Luật bò…cấm đi )
Cu Chí lọ mọ
Độc chiếm đường đua
Bà treo bóng đỏ
Ai giành mà thua.
Cháu tôi toe toét
Ôi cái miệng xinh
Chiến công oanh liệt
Cuộc đua một mình.
1-6-2006
CU CHÍ ĂN VẠ
Mụ dạy ăn vạ
Chí nằm lăn quay
“ Phải trải chiếu đã
Ai bẩn thế này !”
Nghe ông bảo trước
Dậy trải chiếu vuông
Rồi theo Mụ dục
Liền lăn quay luôn.
Cả nhà cười ngất
Ăn vạ hay chưa
Không thèm nằm đất
Chiếu con rõ vừa.
Nghe ông, theo Mụ
Mụ truyền bản năng
Còn ông dạy dỗ
Thảy đều nên ngoan.
13-7-2007
NỖI ĐAU DẦN THẤM
Giữa ngày tháng dồn bộn bề sự kiện
Cháu hóa thân. Ông lệ trút khô rồi.
Nụ cười ấy ông ghi, giờ bất biến
trước thác ghềnh nhân thế diễn không thôi.
Đêm nhớ cháu giữa Phi châu xa lạ
Tiếng Koran * ai nguyện gọi bình minh
như cháu tới – thiên thần tôi bé nhỏ
ông đến đâu cháu cũng quấn bên mình.
Ôi có phải ông ngăn chiều tiễn biệt
để chuyến đi lặng lẽ kiểu ông quen
Mà cháu chọn cách theo ông thảm thiết
bắt ông mang hận mãi chẳng thành tên.
Cháu đang tập tiếng xi-xô bập bẹ
ông hiểu rồi con bực bõ lắm đây
Ông đã vác theo giá, màu, giấy vẽ
để sẵn sàng đón con hiện lên tay.
Con phải học phải làm nhiều lắm đấy
những khát khao không cho phép ông theo.
Nơi ấy rộng, con tới rồi đã thấy
ông mỗi ngày chỉ nhớ, gợi đôi điều.
Đêm đầu ven chợ Total
(BRZ-Congo), 18-1-2008
* Koran : Kinh Hồi giáo
TUỔI MỤ
Đón sinh nhật năm, tháng, ngày nhớ đủ
Ghi cả giờ cất tiếng khóc chào đời
Người lơ đễnh : - Sao thêm tuổi Mụ ?
Ơn sinh thành
người
quên Mẹ hoài thai !
22-9-2005
BỐN MƯƠI NĂM SÔNG CON
Cho con gái KIẾN GIANG
Từ lòng Mẹ miền Trung
Bìa rừng, bom khốc liệt
Ra đời một dòng sông
Ắng một giây trời biếc.
Dòng trong vắt Kiến Giang
Nép đôi bờ gian khó
Len lỏi giữa đại ngàn
Thấy đâu đường ra bể.
Cha một thời ngác ngơ
Ảo ảnh nào cung cúc
Bốn mươi năm bây giờ
Dành cho con mấy lúc.
Duyên mệnh mang tên sông
Đành tự mình mở lối
Ai cùng ngược xuôi dòng
Có khi nào chợt hỏi ?
Đã sông thì có khúc
Con qua mấy thác ghềnh
Cha tin người có lúc
Ai phải mãi chênh vênh.
Bốn mươi năm sông tôi
Lở bồi con mấy đoạn
Cha chỉ biết mong thôi
Bờ bớt đau chịu sóng.
12-3-2006
MƯA Ở NHƯ XUÂN
Cho Th.L
Cắt nắng rừng mưa gội mấy lần
Chân trần cô lẻ giữa Như Xuân
Hồn đã lang thang giang cùng cọ
Tựa hồ đâu đến để thăm thân.
2-8-2003
ĐÊM YÊN CÁT
Cho Th.L
Núi sũng côn trùng rỉ rả
Huệ lạnh thêm đêm thượng huyền
Tân cổ giao duyên quán lạ
Kẽm gai ẩn hiện im lìm.
Run rủi sáu ba sinh nhật
Thăm con trên đất lao đầy
Thao thức chờ, trăng dần khuất
Ngổn ngang kỳ vọng một ngày.
Tiệc muộn bánh mì nước trắng
Tự mình uống cạn cùng mình
Chén trong vắt mùi cay đắng,
Cô đơn, hiu quạnh, chông chênh.
22-9-2001
CHIẾC CHÂN QUÈ
Trượt ngã, một chân què
Khớp gối đờ bất động
Việc cần cứ thế đi
Cõng thêm anh vô dụng.
Gặp lúc phải xuống thang
Thả anh vô dụng trước.
Đoạn leo lên vội vàng
Lẵng nhẵng sau, sinh bực.
Vốn cặp đôi cùng đi
Gặp hạn, phiền lên xuống.
Ta đâu tự bẻ què
Hắt hủi ta oan uổng.
14-1-2003
KHÔNG ĐỀ TUỔI 74
Lên xe buýt chưa thấy người nhường chỗ Không nên trách cứ.
Ra đường nào có ai : “ Chào cụ ! ”
Đừng buồn.
Bởi tự mình đặt điều “ chu kỳ mới ”
Nhận làm chú em vừa 14 tuổi
Bị các chị các anh chèn
là chuyện đương nhiên.
Khi thiên hạ đã thôi quen kính nhường
Là lúc đắc dụng của mặt mềm
Chiếc áo giáp hai mặt-mỏng dày hai lứa tuổi
Cồm cộm một chu kỳ.
Dưới tán bồ đề
Phật đấy
Cũng mũ ni.
22-9-2011
CHỮ BÁT
Cha mẹ cho con bước chân chữ bát
Đánh dấu đời khó lạc giữa nhân gian
Mới thoắt đó đã mái đầu điểm bạc
Vết chân vênh mòn vẹt mấy xa gần.
Phần con thiệt không oai phong tướng mạo
Cái được Mẹ cho gần tầng thấp đời thường
Mẹ mỗi thương khi ai kia cười nhạo
Chính lúc Người truyền dạy đức cảm thông.
22-9-2007
*
PHẦN HAI - ĐOẠN GẦN
LÂU LẮM MỚI QUA HỒ
Nước vẫn màu lục ấy
như đậm hơn ngày nào
cây không còn run rẩy,
vây bủa mấy tòa cao.
Liễu vẫn gầy tha thướt
năm tháng chẳng tàn phai
Mình ơi sao nhu nhược
chùng bước giữa dặm dài.
Mây vẫn trôi huyền hoặc
mượn lòng hồ dựng tranh
Sao bút ta phó mặc
những phác thảo không thành.
Ngựa xe xưa đơn chiếc
Nay quần áo như nêm
Tìm đâu thiên lý biếc
Rùa đại lão lặn im.
Liễu,
mây,
trời, sóng, nước
trẻ mãi tuổi ngàn năm
Thân này vào xuôi ngược
mới đó vội cỗi cằn.
8-7-2007
Ở BỆNH VIỆN K
Dẫn cháu băm hai tìm thần dược
nhà B, nhà E, tầng 2, gác 3…
Xót Mẹ ung thư năm mươi năm trước
Thân đơn cô khám chữa tự lân la.
17-3-2005
TIẾNG GÀ CANH BA
MÙA DỊCH CÚM
Quà Thanh gửi tới một gà hoa
Phố đêm đèn lạ gọi canh ba
Mùa dịch đành chiều nhà món cháo
rồi sao nuốt nổi tiếng quê xa.
16-4-2006
MƯA THU
Bàn tay cháu nhỏ xíu
Ngửa gợi hình bao la
Ngửa tay trọn một ngày mưa
Kiếm thêm hạt nữa đủ đưa lại nguồn
Hỏi thơ thơ mãi mãi buồn
Hỏi người người mải bán buôn đầu ghềnh
Hỏi duyên phận mãi chông chênh
Hỏi đường tới đích gập ghênh cuối đường
Thư phòng lành lạnh hỏi gương
Nét chì tự họa chán chường lơi tay
Biết là thu đến rồi đây…
Đồng Văn, 16-8-2006
GẦN SÁNG Ở TIỀN AN
Giờ dần tỉnh giấc với Tiền An
Tiếng cuốc trong sương vọng cuối làng
Thả bước theo em khuya chở mía
Dạt dào mương nổi nước La giang.
Nghe mách Hàm Rồng thức rõi xem
Ngoài kia Long Vĩ sóng Thu êm
Văn miếu rèn tài vùng phên dậu
Từ chỉ, đình xưa đá lặng im.
Thinh không đồng vọng tiếng cha ông
Như nhắc ta trong cuộc ngược dòng
Tìm trong di sản xưa văn hiến
Thắp lại lửa hồng góc biển Đông.
15-10-2006
QUA CHÙA TAM BẢO
Chiều xuống dần Tam Bảo
Chùa lảnh
đồng sương buông
Đâu khói xưa huyển ảo
Thinh không từng vòng chuông.
Xoài từng xanh mướt mát
Gạch tiêu thổ tang thương
Tháng năm về trầm mặc
Quên nhớ mấy cung đường.
Quê Cha qua quê Mẹ
Tam Bảo lối đi về
Dáng Bà chiều lặng lẽ
Mẹt hàng nghèo chợ quê.
Con đã qua bao nẻo
Cả quê người tuyết băng
Đời không vơi xui xẻo
Trốn mình vào Quán Âm.
Chiều nay qua Tam Bảo
Quê nhà mà run chân
Nén một trời giông bão
Vào giọt dài chuông ngân.
Cốc Cả, 2-2006
RỚT BÃO
TRÊN ĐƯỜNG XUYÊN VIỆT
Ta vào rớt bão* với miền Trung
khô, ướt băng băng giữa mịt mùng
Con đường xuyên Việt đêm không ngủ
gồng trước biển Đông cong cánh cung.
12-10-2005
* Bão muộn số 5, 2005
ĐƯỜNG KHÔNG
Gửi Bùi Đức Hùy
Ta lại bồng bềnh trên cánh đồng mây trắng Dưới cánh bay thăm thẳm ngút chân trời Những núi tuyết mênh mông ngời sắc nắng
Có anh em, cao thẳm đỡ chơi vơi.
28-2-2007
MƯA HUẾ
Tìm dấu cụ Thượng Bùi
Vào đây với Huế nghe mưa
Sống “ mùa thúi đất ” Người xưa đã từng Bên trời sầm sập Hoàng Cung
Khuôn viên Lục Bộ bịt bùng ngày đêm.
Hương Giang ai chỉ ca êm
Mà quên sóng cả đập thềm Kim Long
Đã không gạo gẫy (1) ăn đong
Phải càng chiu chút (2) đỡ lòng cháu con.
Nằm trong chung đỉnh vàng son
Càng thương chớp bể mưa nguồn nơi đây. Một con giáp (3) bấy nhiêu ngày
Thượng kinh Người lại đất này vọng quê.
Đường Lục Bộ, 22-10-2005
(1)Gạo gẫy : Tấm, tên gọi cho cao sang theo cách nối của các gia đình hoàng tộc nghèo ở Huế, những người thời đó cũng thường chỉ có tấm để ăn.
(2)Ngoài chi tiêu cần kiệm đủ cho mấy cha con khi đưa nhau vào sống ở Huế, cụ Bùi Bằng Đoàn dành phần lương Hình bộ Thượng thư còn lại cho việc giúp đỡ họ hàng, chăm nom từ đường dòng họ, chu cấp tiền ăn học cho các cháu ở quê nhà…Theo ý cha, con gái cụ đã xếp riêng từng khoản và ghi chú rõ ràng vào những chiếc phong bì.
(3)Cụ Thượng Bùi đã tòng sự tại Huế 12 năm, vừa đến ngày CM tháng Tám.
NGỰA XE Ở VÙNG BIÊN
Con đường sạch thế lên biên giới
Em lướt như tên đến bản nào ?
Bên tàu bờm rủ chùng chân đợi
Móng gõ nửa buồn, nửa khát khao.
Hà Giang, 10-6-2007
ĐÒ NGANG Ở SÔNG YÊN
Đò ngang bến Trún sông Yên
Bên kia cô lái
dạt thuyền bên đây,
Đường chiều
đồng cói
triều đầy,
Có người khách muốn sang đây
cậy đò.
Kìa ai chẳng ngại nước to
Vội bơi sang lấy lại đò về bên.
Theo con nước nổi đang lên
Từng bè bổi cói dây thuyền chặn ngang
Bóng người chìm giữa mênh mang
Gỡ bè bổi, kéo thuyền sang kịp đường.
Đê bên đây thấy vậy
Thương.
Để khô
gót khách dặm trường
qua đây,
Mà ai dầm dãi hao gầy,
Một mình lặn lội trọn ngày
đò ngang.
Quảng Xương, 29-8-2007
TRÊN HỒ NƯỚC MẮT
Tặng Nguyễn Khoái
Dòng huyết lệ thiên thu Công đã khóc
Hòa mặn vào với biển miệt trùng khơi
Ai ngăn lại nay đây hồ Núi Cốc
Dạo du thuyền mà sát muối lòng tôi.
Cắm sào giữa thanh thiên ôn tình sử
Ngắm vô hồn đôi ngấn nước lăn tăn
Vài cánh mỏng lục bình vô tư lự
Bạn bên mình đọc mấy khúc tri âm
Tiếc cho em đường mưu sinh bươn chải
Chẳng thể cùng một phút đến thăm hồ
Để thấy cuộc kiếm tìm xưa tê tái
Đến trước hồ Nước Mắt… thảy hư vô.
Hồ Núi Cốc, 9-10-2007
ĐẤT VỚI SA MÙ
Em khô cằn thế mưa thì muộn
Mấy giọt sa mù đọng thấm chi
- Mà sao cỏ ấy căng xanh ruộm ?
Đất còn mài miệt cuộc huyền vi.
Tam Đảo, 27-6-2007
QUA VỘI HOA LƯ
Một khoảnh trời thiêng lảnh Cố đô
Gió riêng xào xạc chuyện mơ hồ
Bên sông dân chúng kè sân đá
Lèn chặt mênh mông công lỗi xưa.
Ngược dòng chiêm ngưỡng một dung nhan Ẩn đâu câu hỏi cộm thời gian
Nàng đáp, thiên thu lời tĩnh lặng
Cứ để nhân gian tự luận bàn.
Nhìn vào hưng phế chỉ buồn thôi
Buồn có nâng bay vạn cánh đời ?
Xin phút soi mình gương trung chính
Cho mai đàm tiếu bớt cay lời.
Đền Đinh, 23-9-2010
* Tượng Dương Văn Nga đặt cạnh tượng hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn, hai đời chồng của nàng.
ĐI DỌC DÒNG SÔNG CHẾT
Tôi đi dọc triền con sông vừa chết
Bùi ngùi trông chứng tích phủ thời gian
Ngẫm được mất công bình không thêu dệt
Nhớ đêm thuyền theo Mẹ tới Đông quan.
Dẫu hiền nhỏ sông triều dâng vẫn mạnh
Đấy sậy lau hoang hoải nép đôi bờ
Tàn phá sạch, ngang ngạnh mà kiêu hãnh
Thế này đây xin mắt thấy tay sờ.
Gạn hỏi giữa u mê và vô cảm
Sao tận tường số phận một dòng sông
Đành bất lực trước lặng câm mờ ám
Lội ngược dòng xin lại cánh buồm dong .
6-1-2012
DÃ HƯƠNG
Ngàn năm
nhiều di sản đã thành phế tích
Ta tới ngậm ngùi trước bi tráng hào quang.
*
Hiếm đến độ hành tinh đây chỉ một
Sống đến độ ngày sinh ngàn năm tuổi.
Lá vẫn vậy
Và hoa
Và hạt.
Vẫy đón ta lá mởn xanh bụi mưa xuân Tiên Lục
Đỡ cánh tay kỳ vĩ nạng ba chân
Hương bền bỉ hiến dâng không bình lọ
Bạn vừa vui ươm hạt nối ngàn cây.
Chợt bừng tỉnh thấy mình lụ khụ
hồn vội cạn sinh trước Em đang sinh nở
dẫu dòng đời tít tắp hậu sinh Em.
Cho uống cạn cả trời hương hoang dã
lại chân sáo lên đường chu kỳ mới - mười lăm.
Di sản sống quá gần, hội chứng không thiêng lạ
Quên lãng diệu huyền này
Xin tạ
Dã Hương.
Lạng Giang, 6-4-2012
* Cây Dã Hương ở Tiên Lục (Lạng Giang) hiện được coi là cây dã hương trường thọ nhất trên thế giới (Một cây khác ở Ấn Độ - có tài liệu nói ở Châu Phi ?-, nay đã không còn). Cây thuộc họ Long não, chi Cinamomum camphora, chu vi gốc 12,5m, cao36m. Gỗ làm hương ngát. Rễ chứa Safrol. Hoa thơm.
- Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786 ) đã có sắc phong cho cây là ”Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”
- 1932 : Tại hội chợ Marseille (Pháp) đã giới thiệu ảnh cây Dã hương này.
- 1989 : Bộ VHTT đã xếp hạng di tích quốc gia.
*
PHÀN BA - DẶM XA
MÀU BA LAN
Rượi một trời hạ xanh
Rừng phong thu dát vàng
Vừa rậng muôn mắt lộc
Tuyết đã ùa mênh mang,
Hối hả ba ngàn ngày
Nghiêng ngắm nào phút giây
Hòa sắc chìm hồi tưởng
Màu Ba Lan
chân mây.
2002
MÂY
Mây dông gió gầm trời nào cũng vậy
Thì làm sao nguôi nhớ Vác-sa-va
Những hôm sớm dưới trời này thức dậy Đường chưa người, xe đẩy nặng, ga xa.
Cứ vần vũ mây tung hoành ngạo nghễ
Ta như con kiến nhỏ lũi lầm
Đâu có phút để ngẩng nhìn để nghĩ
Vẫn mây,
mình,
sao lạ quá đôi chân.
Mùa mưa bão 2004
VỠ LÒNG
Bài học vỡ lòng tuổi bảy mươi
Sách cũng chịu mang đã lắm nơi
Nắng lửa Pointe-Noire thày mới gặp
Xoay trần thụ giáo có còn hơi ?
23-4-2008
BĂN KHOĂN
Người xưa dạy “ tri chỉ ”
Làm việc tuổi này ta ham hố chăng ?
Định sẽ nghỉ chỉ khi đi không nổi
Chưa chịu lời “ vô sự tiểu thần tiên ” ?
Bạn bè nhắc : anh em đi lần lượt
Ta cũng đi nhưng trên mặt cát này
Bao thách thức bộn bề chờ phía trước
Trả nợ thời trai trẻ quá tầm tay.
Ai cũng phải thu xếp ngày nhàn hạ
Dành cho người cơ hội đáp đền sao ?
Trưa và sáng đã bó tay sa phí
Cuối chiều đành bước thấp bước cao.
PNR (Congo), 9-3-2009
THỨC ĐÊM
Người no ấm thương ta vất vả
Bảy mươi còn tong tả ngược xuôi
Lục địa Đen lọ mọ cuối chân trời
Còn học tiếng, luyện ngữ văn, chánh tả.
Người mực thước dè bỉu ta lẩm cẩm
Nhớ nhớ quên quên toàn thứ ngước đời
Ngăn nắp thế, lại quên ô đậm nhạt
Áo quần bò, giầy tây Ý diện chơi.
Người lịch duyệt khẽ cười ta khờ dại
Bỏ cửa nhà mơ cánh én trời mây
Ngách chợ trời Tây đứng phân phải trái
Nhật thực vội kêu đêm giữa ban ngày.
Người mãn nguyện thầm mỉa ta ham hố Sáng chẳng ăn ai, chiều bõ bèn gì
Còn bấu víu mấy mảnh gương vạn cổ
Gặp xứ mù, nhất chột giỏi giang chi.
Đồng ngũ trẻ ép ngầm ngang phân họ
Bình đẳng mà ! đôi lúc gượng theo
Đôi gối chớm loãng xương thấy khổ
Cắn răng lưng đĩa đệm lệch hiểm nghèo.
Chẳng trách đời dùng ta đứng chợ
Còng lưng ngồi xổm vặn vung xoong
Bởi muốn thấy biển xa, sương gió
Khát chân trời ham mượn cánh ruổi rong.
…
Vợ ca cẩm số chồng tôi lận đận
Chị cả rên ai bắt tội cậu nào
Con sót bố đã tha hương bao bận
Nay vẫn còn Xích đạo nắng tiêu hao.
Phút mềm lòng chạnh thương con đường thiện
Xưa theo người đốt lửa gọi ta đi
Cuộc nếm trải dĩ cùng vi vạn biến
Ngẩn ngơ người nghiện ngập kiếp phiêu du.
Route de la frontière
(PNR-RC), 9-9-2008
TỰ KHÚC XA QUÊ
Đến xứ nghèo để giảm nghèo
Chợt nghe ngỡ làm thiện nguyện
Quản chi nước lọ cơm niêu
Khăn gói cưỡi mây vượt biển.
Thì ra nhằm xóa nghèo mình
Lâu nay sống bằng tài trợ
Nơi tìm cho, nơi hỏi xin
Không vợi hai vai công nợ.
Cùng tắc biến lại sang Tây
Nay xuống Tây nam chí tuyến
Dưới chân một thảm cát dày
Xích đạo tôm hùm cua biển.
Thế là vác mặt theo voi…
Theo mưa…lộc rơi lộc vãi
Phía người chỉ rặt sắn thôi
Quân ta đô-la nhặt đại.
Bốc của họ còn khinh khi họ
Trách gì giống thực dân xưa
Thả ra e đây hơn thế
Khát lâu, hốt mấy cho vừa ?
“ Đãi khố son bòn khố nâu”
Chạnh nhớ câu xưa Bà nói.
Giờ con theo đến Phi châu
Nghèn nghẹn mỗi khi nắn túi.
Trải rồi ngẫm cái vòng quay
Lớn lao Mặt trời-Trái đất
Nhỏ nhoi góc chợ chốn này
Cát bụi thân ta một hạt.
Có ai đã dạy ta rằng :
Để sống thật là không dễ
Dặm trường ngày nắng đêm trăng
Nụ cười luôn cùng giọt lệ.
PNR, 31-5-2009
BÓC LỊCH
Bạn mê mải đâu đâu
Để mình mình bóc lịch.
Cô biệt nam bán cầu
Thành việc riêng yêu thích.
Đây xa lạ tuần trăng
Lịch nhắc ta tròn khuyết
Thấy mình thắc thỏm rằm
Người lây ta hồn Việt.
Con bóc lịch năm xưa
Trả giá ngày bất trị
Cha chịu lửa ngàn trưa
Lịch nên trang tri kỷ.
Thân một mảnh nhỏ nhoi
Phận âm thầm truyền đạt
Ai nói thời gian trôi
Tìm đâu ra dấu vết ?
Camp 31 Juillet, 20-7-2008
KHOẢNH KHẮC MỘT MÌNH
Khi trở thành thật ít
Giữa Cộng đồng Đen
bịt bùng hàng rào ngôn ngữ
Sẽ cảm nhận được sự biệt giam
không xiềng xích.
Chịu sức ép quẫn bách
của tình thế bó tay
Sẽ có nỗi khát ước được mọc cánh
được cầm bánh lái thời gian
được thấm thía cô đơn …
Được rơi tự do
và mất hút
trong lòng cát.
Xóm Cát PNR, 25-7-2008
THẤY GÌ
KHI TRÒ TRUYỆN
Mỗi lúc chuyện cùng anh
Lại bồi hồi cảm xúc
Hiển hiện quá khứ mình
Cảnh tình thời mất nước.
Lịch sử chắc sẽ đi
Sớm muộn con đường thoát
Câu hỏi đặt, tức thì
Câu trả lời kích hoạt.
Lòng bỗng nặng hàm ơn
Trời mấy khi ban tặng
Cơ hội trải ngọn nguồn
Những lớn lao sâu lắng.
Cho ngược dòng thời gian
Soi bóng ta ngày ấy
Cho tham góp lời bàn
Qua bài đời được dạy.
Sóng vẫn nổi ngoài khơi
Lửa khí không ngừng cháy
Ta ngồi gẫu chuyện thôi
Dưới mạch ngầm lặng chảy.
Tchimbamba, 8-8-2008
CON BẠN
Gửi Mpaka
Đến cuối chợ tìm tôi
anh cần nơi chia sẻ
Tôi vắng, anh chuyển lời
thương bạn, lòng đau xé.
Con trẻ nghĩ gì đâu
Biển chiều Bờ hoang dã *
sóng ngầu ngã bạc đầu
càng giục nhau hối hả.
Tôi đã tới bờ này
bãi dốc đầy hiểm họa.
Thèm biển lạ bờ Tây
mà đành, nghi ngại quá.
Suốt mấy ngày kiếm tìm
Hỏi đâu hàm cá mập
chỉ còn biển lặng câm
và sóng cuồng vùi dập.
Tôi đã trải niềm đau
Cháu đi như vụt mất
Chưa kịp hiểu vì đâu
đã tịnh không trời đất.
Ta cách nẻo Đông-Tây
tình cảnh thì chỉ một
Hạnh phúc đó trên tay
sểnh một giây đủ vuột.
Grand marché, 21-12-2008
* Bờ hoang dã : Côte Sauvage, một bãi biển có tiếng bên bờ Đại Tây Dương. Ngoài xa có cá mập, người sở tại chưa có điều kiện phòng ngừa.
BƯỚC CHÂN ĐẦU
TỚI ĐẤT PHÁP
“ Je vais vous dire…”*
câu văn thuộc nằm lòng từ tiểu học
Vườn Luxembourg, quán sách dọc sông Seine,
Đồi Monmartre, anh gù sống nghiêngmình như đá tạc…
Thế kỷ thăng trầm…Paris lạ và quen.
Villa d’Este, 19-5-2011
* “Tôi sẽ kể bạn nghe…” : câu văn mở đầu bài
“ La rentrée” trong tác phẩm nổi tiếng “Livre de mon ami”của Anatone France, nhà văn Pháp - giải Nobel văn chương năm 1921.
KHOẢNG CÁCH MẶT BẰNG
Giá cả với mặt bằng cao chất ngất
quen cân đong, nhẩm “ đắt rẻ ” so bì
Nếu phép lạ ghép những mặt bằng kề đặt thấy ngay đây là khoảng cách Á-Âu-Phi.
Paris, 25-5-2011
HỒNG HOA
Tặng Thanh Thủy
Chưa phải xứ hoa hồng
mà miên man hồng thế
Hồng ngàn tuổi ai trồng
hương dâng bao thế hệ.
“ Bạn ủ một cánh rơi
hạnh phúc năm qua đến
Em cất nửa lá thôi
lộc về, đâu có hẹn ?”
Dạo thành Hildesheim
pháo đài, con đập nhỏ
chầm chậm bước bên em
đóa hồng nơi góc bể.
Hildesheim (Đức),
3-6-2011
CĂN PHÒNG NHỎ
TRÊN ĐỈNH THÁP
Tặng Thanh Tùng-Hoàng Lan
Giữa thép lạnh và độ cao kỳ vĩ
gió thì không ngừng, mây đôi khi qua.
Đã vẽ nhiều công trình thế kỷ
những khối hình vạm vỡ
Eiffel lần này
nhường một tháng rung nghệ sĩ
hạ phác thảo căn phòng xinh xắn
đề tặng Claire – con gái yêu
trên đỉnh tháp.
Cha muốn con được thấy
Paris trải mình thế nào trong thung lũng bấylâu
con sông Seine rất mảnh
đồi Monmartre xa mờ…
Trăm năm sau
tôi ghé mắt qua ô kính. Ngỡ ngàng.
Cô gái đang nói gì với cha rất nhỏ
khi Thomas Edison đến
cùng chiếc máy hát quà tặng
– sáng chế vừa hoàn thiện.
Ngoài hành lang căn phòng
dòng người nối nhau từ ngày đón khách
đến từ khắp nẻo hành tinh
đã cộng được non ba trăm triệu.
Ngước nhìn lên vách hành lang
bằng công nghệ định vị GPS
sinh thời Eiffel chưa thể
đặt từng chấm chính xác hướng và cung đường.
Tôi thấy sắc cờ và số cây số
HANOI : 9214
Nhiều màu da cùng một vẻ bâng khuâng
khi tìm thấy trong dấu chấm của mình
chân trời quê hương và đường chim bay tới tháp.
Bước lữ hành bỗng khó cất
Níu bởi loại keo đã cố kết kinh niên
phối trộn chất liệu không-thời gian
trước căn phòng nhỏ
của Claire.
Eiffel, 4-6-2011
Bảng đồng gắn bên ngoài căn phòng ghi :
“ LE BUREAU DE GUSTAVE EIFFEL
Découvrez au sommet de la Tour la reconstruction du Bureau de Gustave Eiffel. Composé de personages de cire réalistes, cet espace évoque le constructeur de la Tour et sa fille Claire recevant le célèbre inventeur Thomas Edison. On y voit entre autre le phonogaphe qu’il offrit à Gustave Eiffel.”
*
PHẦN BỐN - VỚI BẠN, VỀ THƠ
CÁC NHÀ THƠ ĐI XA
KHÔNG KHUẤT
Tập thơ của nhà thơ đã khuất *
Di chúc gửi tặng bạn thơ ngày ấy còn *
Nhận chuyển tới đã hay người cũng khuất
Không !
Họ còn trao nhận giữa nhân gian.
Huế, 11-2005
* Nhà thơ Mộ Thanh ở Huế, có tập thơ VỐN RIÊNG, trước khi mất đề tặng nhà thơ Ngô Linh Ngọc, có nhờ nhà nghiên cứu văn hóa Mai Khắc Ứng chuyển. Các ông chưa kịp làm việc này trước khi nhà thơ Ngô Linh Ngọc mất.
Chúng tôi thực hiện di chúc, mang kỷ vật về trao cho nhà thơ Ngô Văn Phú, em trai cố thi sĩ Ngô Linh Ngọc
LỜI CỦA RƯỢU
Gửi Hòa Vang
Hai lần trong cuộc rượu
rượu mắng ta lưu manh (1)
rượu mắng ta bần tiện (2)
khi chót tỉnh vô tình.
Bạn đã vào ngật ngưỡng
sao mình nỡ không say
không cùng chìm huyễn tưởng
cùng thiêu hủy thân này ?
Ôi cuộc chơi tàn phá
không chấp nhận giữ gìn
Mi thích ư điều độ ?
- Quân bần tiện, lưu manh.
23-10-2001
Lời mắng yêu tôi của hai người giỏi rượu :
(1)của Thiếu tướng Nguyễn Xuân
(2)của Nhà văn Hòa Vang
khi thấy bạn uống không chịu say.
KHÔNG CÒN LỜI CỦA RƯỢU
Tặng nhà văn Hòa Vang
Bạn có lần trong rượu
thấy ta còn tỉnh khô
mắng ta quân bần tiện (1)
đắng ngọt đến bây giờ.
Bạn là người chu đáo
đang vào chiến trường K (2)
chọn giây ngưng đạn pháo
thu xếp nốt việc nhà.
Cháu Y Vân tươi tắn
“Chánh văn phòng của cha”
dưới tóc ông bạc trắng
lạy cha lên xe hoa.
Bạn trải lời gan ruột
cùng bè bạn thân nhân
Tiếng chim khôn buôn buốt
Nhân thế bước chân trần.
Buồn vui đều cháy lửa
Giờ ta muốn cạn say
thì bạn không uống nữa
Còn ai mắng ta đây ?
Đêm 19-3-2006
(1) Bần tiện : Lời của nhà văn Hòa Vang, trong một bài tôi viết tặng anh 5 năm trước.
(2) Chiến trường K : Nén đau, nhà văn dí dỏm nói với bạn bè về bạo bệnh của mình. Mười ba ngày sau khi chủ trì lễ cưới cho con gái út, như một trọng trách cuối cùng, bạo bệnh đã cướp anh đi
(1-4-2006 tức 4-3 ÂL).
BÌNH HOA
Tặng Đào Quang Vinh
Bình hoa quý pha lê
Long lanh quà bạn tặng
Bươn bải những đi về
Bình không hoa bụi trắng.
Có mãi còn long lanh
Cứ gửi bình cho bụi ?
Ngoài hiên chiều buông nhanh
Người ơi ! người lụi hụi.
Bình hãy trả về hoa
Đâu đòi cho hương sắc
Đề hồn hoa ru ta
Lắng lời hoa tĩnh mặc.
22-6-2002
ĐÊM HÁT THANH LÂM
Con ngồi trong ô điều lệnh
cách xa một vạt sương đầm
Bố đứng không tay vịn lạnh
duyên nào đêm hát Thanh Lâm ?
Ơi chú ve con nhí nhảnh
cất lên dục dã phượng hồng
dũi sâu những tầng lãnh cảm
Hỏi thầm: Con dậy được không ?
Kìa anh mới hôm nào viết
“ Chúng con đứng gác bên Người…” *
Đêm nay làm người tù hát
Mười năm nữa đấy, Nước ơi !
Trăng chênh mang mang khoảng cách
Cha con một khúc cùng nghe
Nhạc ai lỡ dòng nghịch phách
Sớm mai lòng nặng đường về.
Trại Thanh Lâm, 2-1-2002
* Bài hát khá quen thuộc của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước. Những ngày này anh là người của trại.
THƯƠNG NHỚ NGUYỄN ĐIỂN
Đường về chưa kịp tin cho bạn :
Bạn có tri âm Lục địa xa
Vội thế đường riêng về Vô hạn
“ Trái đất bao la – một mái nhà ” *
29-9-2010
* Tôn chỉ của đạo BAHAI’E, Nhà thơ Nguyễn Điển-bạn tôi theo
CHIM DI TRÚ VỀ
Những giá trị trở về
ơi cánh chim di trú
Thứ nâng đỡ ta qua những chiều tê giá
là dấu ấm
hay sự bình thản của chu kỳ
mà sao run rẩy.
Cứ nghĩ tiếc cho ngày tránh rét
những lứa đôi không kịp sinh nở
hoặc có mà không tường
đã để lại những chim non
chưa kịp sức theo đàn
chưa giải mã di truyền
cảm nhận từ trường vĩ tuyến.
Thứ nâng đỡ ta qua những chiều tê giá
là dấu ấm
hay sự bình thản của chu kỳ
mà sao run rẩy.
Cứ nghĩ tiếc cho ngày tránh rét
những lứa đôi không kịp sinh nở
hoặc có mà không tường
đã để lại những chim non
chưa kịp sức theo đàn
chưa giải mã di truyền
cảm nhận từ trường vĩ tuyến.
Ước bầy đàn không hư hao
Những giá trị thực vẫn sinh nở.
13-3-2006
LỜI TỰ SỰ CỦA CON CHẠY
Tôi được lập trình để câu giờ
Con chạy trên màn hình máy tính.
Vận hành giữa bốn chiều trên-dưới-phải-trái
( cần cảm giác không gian
thêm hai chiều ẩn hiện : cực đại-mất hút )
Tôi xông xáo cắt ngang dọc màn hình
không sót một li ti nào của độ phân giải thăng hoa cảm giác tự do
Bỗng sững lại đập mặt vào một cạnh
lập tức bật cẫng ra,
tốc độ cao hơn khi lao tới
cảm giác tay chạm lửa.
Quán tính đẩy tôi va đập mãi bốn chiều
theo lộ trình
đã được định lý về góc phản xạ quy định
tung tăng vô cảm
tới khi nào chưa ngắt điện
và còn giờ vô tích sự.
Trên quỹ đạo bay vô thức
qua ngàn vạn li ti chấm
mãi không tự giác nhận ra vùng cấm.
28-1-2011
SƠN CA VÀ YỂNG
Sơn ca hót cho mình
và trời cao
càng lên càng kỳ diệu.
Chỉ hót cho mình
nhưng âm thanh đồng điệu
Con Người uống vào
tự nuôi mình khát vọng.
Yểng nhại
tiếng Người ngòng ngọng
cái giọng khàn
bằng đầu lưỡi nhọn
câu xạo đểu gọn lỏn
Dẫu tận tâm
vênh váo phận giam cầm
vẫn không sao làm chủ nhân nhận biết
tiếng nào vốn nguyên của Yểng.
Thanh Lâm, 10-9-2001
NGÕ HÀNG HƯƠNG
Tặng nhà thơ
Nguyễn Tuấn Phương
Vòm cổng nhỏ
Ngõ Hàng Hương
Lòng phố cổ
Nép khiêm nhường
Người Hà Nội
Quá nửa đời
Còn mãi vội
Dễ qua chơi ?
Một cuộc điện
Chuyện văn thơ
Thắc thỏm hẹn
Nóng trông chờ.
Đến với bạn
Ngõ Hàng Hương
Dồn năm tháng
Gói dặm trường.
Vòm cổng nhỏ
Ngõ Hàng Hương
Có bạn ở
Nên tơ vương.
5-10-2005
CAM NA
Tặng em gái Trung Hoa
đến từ thôn Thập Bát
Cha đã có em - Cam Na,
hạnh phúc muộn thời tận khổ
trời long đất lở Trung Hoa
đại phu * gọt đầu một nửa.
Mà em Tết lại xa nhà
dẫu gần cũng là viễn xứ.
Chữ điền, tôi ngắm Cam Na
kiên nghị dung nhan nhi nữ.
Bác nghe chuyện Cam Na không?
khẩu ngữ đang rèn em kể :
Hải Uyên trấn, Thập Bát thôn
xe hoa nhòa con lộ nhỏ…
Nuốt đau tang tóc đầu đời
còn gì nữa không qua được ?
Vệt cha lận đận bên trời
Đứng dậy cầm lòng em bước.
Lay phay Hà Nội sang Xuân
dẫn em vào văn hóa Việt
Đã nghe vơi nét u buồn
đất phương Nam ngời lộc biếc.
Thềm Xuân Ất Dậu,
5-2-2005
* Đại phu : Bác sĩ (tiếng Hoa). Cha em là một bác sĩ, trong CMVH bị đưa đi lao động cưỡng bức. Cạo trọc nửa đầu người là một cách làm nhục giới trí thức của họ lúc đó.
TẠO HÌNH
Tặng T.H.
Em dùng anh ngồi mẫu
Cái hình hài tiều tụy
Không hiểu nổi phương cách nào
của sự biến hóa
Năng lượng và đắm mê sáng tạo
Em tung vào những nhát bay nét cọ
bề bộn trong xưởng vẽ.
Em cho người ngồi mẫu giải lao
Còn mình nghỉ bằng cách đến trước đàn
những ngón bảy màu trộn nên phím trắng
“ Trăng Thu man mác trời thu
Cung đàn tri kỷ phiêu du giữa đời
Xa như vạn lý trùng khơi
Gần nghe thủ thỉ bên người ta thương ”.
Kẻ làm mướn tản bộ dọc xưởng cho dãn xương
Bàng hoàng trước sự hóa thân dưới bàn tay nghệ sĩ
Trên toan trên tượng
Này Hercules, này Lý, này Hàn*
Nhưng sinh động nhất
Là bức Người hành khất
Có thể hiểu họ ăn xin gì khác
Ngoài Tình yêu.
Anh thực run đôi tay
Nhận mỗi ngày
Thù lao hậu hĩnh
Còn hào phóng là miễn phí những bản đàn
Anh nghẹt thở trước một ca từ Trịnh *
Em nói rằng riêng nắn phím vì anh
Cát bụi.
19-4-2012
* - Hercules : Thần sức mạnh trong thần thoại Hy Lạp. - Lý : Lý Bạch, thi bá Trung Hoa – Hàn : Hàn Mặc Tử - Trịnh : Trịnh Công Sơn
THĂM ANH
CAO ĐIỂM MỘT VÙNG ĐỒI
Tặng dịch giả Đoàn Doãn Hùng
Có tới đỉnh đồi mới gặp Trăng toàn bích
Để lại những ban mai gà eo óc thung sương
Có tới cửu tuần mới gọi đời lắm khúc
Tri âm còn mấy nẻo vấn vương
Non nước ba châu sóng xanh bốn biển
Cuộc bôn ba dài rộng lượm tinh hoa
Để mỗi phút trên đời đều tận ích
Màu da, ngôn ngữ đã giao thoa.
Tôi kính cẩn đến bên trang đang thảo
Ngắm nhìn Anh lão đương ích tráng
Men trường sinh thanh khiết tỏa dần tôi.
Đồng Gội, 22-10-2010
SÁNG CUỐI THU HỒ TÂY
Tặng BNQ
Em đem se lạnh Mù Cang Chải
Anh cõng vòng quanh ngắm sóng hồ
Cuối thu bão muộn vừa qua khỏi (1)
Cơn bão trong anh muộn nữa về.
Thơ đưa em tới anh sao nhãng
“ Ngũ thập niên tiền…” (2) anh tuổi em
Sương khói Tây Hồ càng phiêu lãng
Hoa thảy lặn mình cong gương sen.
Hồ Tây, 3-10-2011
(1)Cơn bão số 5, cuối tháng 9-2011
(2)Chữ trong thơ Nguyễn Công Trứ, nghĩa : Năm mươi năm trước…
THẤT THẬP THỤ CẦM
Gửi Nguyễn Khôi
Bao giờ cũng chậm trong đời
Dương cầm tìm đến đã ngoài bẩy mươi
Chơi đàn nào có được chơi
Gặp trong âm hưởng ngợp trời gió mưa
Đâu là cung bậc vẫn xưa
Đâu là phách nhịp đời lùa ta đi
Một đời " kính nhi viễn tri "
Ngộ ra đôn đáo, vân vi thì chiều.
18-12-2011
ẢO GIÁC
Những câu thơ long lanh trong đêm đen bình minh ghi lại
rồi buồn
trước độ vênh của dị bản
phơi bày trần trụi giấy đèn.
Ánh sáng ấy, thần thái ấy
quá mong manh
dẫu trong mơ vẫn không quên tự nhủ
giữ chặt lấy
mà vuột bay.
Khoảnh khắc mê man ảo giác
Hạnh phúc
như được chạm vào Thơ
như chân bước trên một nền móng khác.
Trên trang giấy
chút long lanh mộng hiện
chút mong manh tơ trời
có đâu ?
Chỉ trơ những dòng vô vị.
13-7-2002
BẤT LỰC CỦA THƠ TÔI
Lúc này đây thì thơ thật thua rồi
Phải hát thôi ! Cho đàn tấu lên thôi
Ôi ! cánh sóng cứ dạt dào nhường ấy
Tóc ai bay…đến tóc cũng lên lời…!
28-10-2011
*
CẢM ĐỌC THƠ “ CHU KỲ MỚI
NGUYỄN KHÔI
BÙI HUY PHÁC – THI NHÂN
CÁT BỤI THÂN MỘT HẠT
Thơ và Dịch chuyển đường đời là đôi cánh đưa Bùi Huy Phác bươn chải trong cuộc sinh tồn. Đó là cuộc “lữ hành”- cuộc đầy ải của kiếp nhân sinh. Để Thơ của anh trở thành nỗi đượm tình hoài vọng quê hương xứ sở, hoài vọng những phương trời viễn mộng (Âu, Phi) của một thời (một đời) đầy nhiễu nhương biến động mà hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Muốn giầu buôn khó (bán mua các dự án xóa đói giảm nghèo), muốn có buôn vua (buôn chức tước quyền lực tha hồ chiếm đoạt…), còn Bùi Huy Phác một vai gánh “Muối rong” một vai gánh Thơ dấn thân sang “Tuyết trắng Vac-sa-va” (Ba Lan), sang Lục Địa Đen “nhỏ nhoi góc chợ chốn này / cát bụi thân ta một hạt” – một hạt bụi có hồn thi sĩ.
Ở tuổi 74, anh dường như càng riết róng cái sự tự đặt điều về “chu kỳ mới” của mình, với “trời vẫn biếc một màu / đường bỗng quang, dài rộng” của một “kẻ lữ hành nặng số / tóc trắng chẳng chịu già”, với :
“lại nguyên sơ giọt đắng
lại nguyên sơ mộng đời”
với :
“một trái tim hóa đá
một đồng hành vô tri…”
với :
“Nỗi đau thành điểm hẹn
niềm tin đã tột cùng”…
với :
“lại khát khao tiếng gọi
lại một vòng thương đau.”
Đó là một con người đã trải qua “Bốn mươi năm gió bụi / đã vùi kín mộng xưa”
Tố Như xưa chỉ có “ mười năm gió bụi ” để viết nên thiên truyện Kiều bất hủ. Còn “ Bùi thi nhân ” (chưa dám gọi là thi tài) nhưng cũng đã để lại những vần thơ rớm máu, đượm mồ hôi, sôi trí não, rất thơ : “Ngưỡng ảo huyền nhận biết đến trong ai ?” của cái “thân này vào xuôi ngược / mới đó vội cỗi cằn”.
Cuộc lữ hành của Bùi thi nhân như thể đi trong trận đồ mịt mùng của tư tưởng (ý thức hệ, tôn giáo), sự đổ vỡ đảo điên của một thời, giữa một cuộc đời luôn rình rập hiểm họa. Chỗ hay không bù lại được chỗ dở, cái được không thấm gì so với cái mất mát hẫng hụt. Để cho cái thân phận con người “Bày mươi còn tong tả ngược xuôi / nhớ nhớ quên quên toàn thứ ngược đời / còn bấu víu mấy mảnh gương vạn cổ” (như ai đó quen “ăn mày dĩ vãng” ) mà “Bỏ cửa nhà mơ cánh én trời mây / ngách chợ trời Tây đứng phân phải trái”.
Cái bi kịch của Bùi thi nhân là cái lệch pha giữa lý tưởng (viễn mộng) với thực tế đời thường (phũ phàng) :
- đôi gối chớm loãng xương cơ khổ
đốt sống lưng đĩa đệm lệch hiểm nghèo
- con sót bố đã tha hương bao bận
nay vẫn còn Xích đạo nắng tiêu hao.
Thơ là người, Thơ là tiếng lòng, là nước mắt của con tim… Nó như kiếp thi nhân, muốn dừng mà không thể dừng được :
cuộc nếm trải dĩ cùng vi vạn biến
ngẩn ngơ người nghiện ngập kiếp phiêu du
Trái đất (so với vũ trụ) nhỏ nhoi như một cái lồng, như một nhà tù, chạy góc này ra góc kia “vẫn thế…”, anh “cô biệt nam bán cầu” để một mình “bóc lịch” (“bóc lịch” một ẩn ngữ của “ngồi tù” ), đây là tù tại gia, tự mình tù mình của cái “Cha chịu lửa ngàn trưa / Lịch nên trang tri kỷ”, của cái “Thân một mảnh nhỏ nhoi… Ai nói thời gian trôi / tìm đâu ra dấu vết ?” , và “được thấm thía cô đơn / được rơi tự do và mất hút / trong lòng cát ” sa mạc Phi châu !
Ở Bùi thi nhân, cuộc đời đã qua 74 năm, lắm phen tưởng như đã tận cùng đáy vực, nhưng bản chất thi nhân là lạc quan, là hoang tưởng, dám xông vào “cuộc chơi tàn phá / không chấp nhận giữ gìn” :
… rượu mắng ta lưu manh
rượu mắng ta bần tiện
…không cùng chìm huyễn tưởng
cùng thiêu hủy thân này.
Thật đúng vậy, ở Bùi Huy Phác, Thơ đúng là một cuộc lịch nghiệm. Thơ cất cánh trong bươn chải sinh tốn đến những chân trời viễn mộng để bật lên tiếng nói tâm hồn, tiếng nói thời đại mà anh cùng cả một thế hệ bạn anh đang “nghiệm” ?
Chao ôi, cõi Thơ có đến và có đi, để lại một “vết thời gian” (một lịch nghiệm) của thi nhân – một hạt bụi có hồn. Ở Bùi Huy Phác, đó là cánh chim Việt ngoài ven trời như “cánh sóng cứ dạt dào nhường ấy / tóc ai bay…đến tóc cũng lên lời”. Thơ là vậy.
Góc thành Nam Hà Nội, 16-11-2011
NGUYỄN KHÔI
Hv Hội Nhà văn Hà Nội
Uv BCH Hội VNDG Hà Nội
Uv BCH Hội VHNT các DTTS VN