Nov 23, 2024

Thơ Haiku (Hài Cú)

Con ếch (Matsuo Basho - 松尾笆焦, Nhật Bản) - (Haiku & thơ Con Cóc)
Matsuo Basho - 松 尾 笆 焦 (1644- 1694) * đăng lúc 01:06:03 PM, Apr 17, 2015 * Số lần xem: 28289
Hình ảnh
#1
#2

(Con ếch) (Matsuo Basho - 松尾笆焦, Nhật Bản)

Thể thơ: hài cú (haiku)


古池や
蛙飛び込む
水の音

Bài 041 (Con ếch) (Người dịch: Nhật Chiêu)

Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.

Phiên âm:

Furuikeya
Kawazu tobikomu
Mizu no oto

                            [​IMG]
                            Tượng Basho ở Hiraizumi, Iwate


Basho là người có công đưa haiku từ một thể loại được làm ra với mục đích hài hước, bông lơn thành sang trọng. Haiku qua sự sáng tạo của Basho trở thành một hình thức thơ đầy tính triết lý, thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm về kiếp sống cô đơn trong cõi người. Người ta thường nhắc đến bài thơ kinh điển: "Ao cũ /con ếch nhảy vào/ vang tiếng nước xao" của ông. Bài thơ có vẻ đẹp đơn sơ của sự vật “ao cũ”, lấy động tả tĩnh, chú ý quan sát sinh vật nhỏ bé “con ếch”. Kigo ở đây là con ếch, tức mùa xuân. Âm thanh tiếng nước mà con ếch của Basho khuấy động còn mãi âm vang vọng trong hồn người bao thế hệ. Những bài thơ haiku của Basho, nhất là trong tập Con đường sâu thẳm được xem là khúc giao hưởng của một tâm hồn đang hoà nhập với thế giới. Con đường sâu thẳm là cuộc hành trình về với thiên nhiên vũ trụ tinh khiết.
Sau năm 1600 không bao lâu, những hỗn loạn do nội chiến kéo dài qua hàng nhiều thế kỷ đã đi đến kết thúc; Tokugawa Ieyasu thiết lập Shogunate, một chính phủ quân phiệt không chấp nhận có đối thủ và, trước Hoàng Đế, chỉ là thuộc hạ trên danh nghĩa. Năm 1638, dưới nền shogun đệ tam, một nước Nhật hoàn toàn bình định đã chính thức tách rời khỏi thế giới, và năm 1644, Matsuo Bashō ra đời.


Có thể ở một tuổi đời nào đó, Bashō đã là thi sĩ; nhưng ông chỉ thực sự khám phá tự thân trong khả năng thuận lợi dị thường cho sức phát triển và nhãn thức thiên tài của ông. Với mọi người, cuộc sống một lần nữa trở nên an ổn hơn, tầng lớp bourgeoisie (tư sản) giàu có và nhàn rỗi đang sinh thành; và samurai - những người thuộc tầng lớp chiến binh - không thể hướng năng lực của mình vào thuật chiến tranh lâu hơn nữa, có khuyng hướng chuyển dịch chúng vào các nghệ thuật của hoà bình, trong đó thi ca trở thành phổ biến nhất. 

                                [​IMG]


Có vẻ như Bashō đã khởi sự sáng tác vào năm lên chín. Nhưng bài thơ được ghi chép đầu tiên của ông - thật ra, cũng khó có thể xem đây là thơ cho dù theo bất kỳ tiêu chuẩn nào - lại chỉ có lúc ông ở vào khoảng ba mươi tuổi. Bài thơ viết cho năm Dậu, là một thứ jeu d'esprit (lời dí dỏm), mừng năm mới rơi vào giữa hai năm Tuất và Thân theo như cách sắp xếp địa chi của lịch Nhật Bản :

Bầy bạn
Của chó và khỉ
Năm Dậu

Nỗ lực này, trong thể thức của nó, hầu như là một biếm họa về thi ca đương thời, vì nó phụ thuộc lối nói bóng gió "văn chương" để gây hiệu quả. Duy trường hợp này ám chỉ một cổ tích mà trẻ em Nhật nào cũng biết : truyện kể về Momotaro, một cậu bé đã diệt trừ nhiều ma qủy nhờ sự hỗ trợ của đám tùy tùng gồm một con chó, một con gà lôi và một con khỉ.

Năm 1666, Lord Sengin đột ngột từ trần. Không đầy hai tháng sau; Bashō vào tu viện ở Koyasan, ông " xuất gia đi tu ". Nơi đây, không nghi ngờ gì ông đã suy sụp hoàn toàn vì cái chết của người chủ thân yêu, và ấn tượng do cái chết để lại sẽ ảnh hưởng lên toàn bột cuộc đời ông. Hơn hai mươi năm sau, ông trở lại Iga giữa mùa xuân, đứng dưới những cội anh đào, nơi Sengin và ông từng học hành và nô đùa suốt một thời gian dài đến thế, với trái tim ngập tràn cảm xúc để làm một bài thơ bình thường, tất cả những gì ông có thể nói là :

Hoa đào hoa đào
Trong tâm tưởng gieo rắc
Biết bao điều

Tuy nhiên, cho dù Bashō đã khước từ " thế sự " thì điều này cũng không có nghĩa ông tự hãm mình trong tu viện : sau đó người ta được biết ông đã có mặt ở Kyoto, đang nghiên cứu hài cú dưới sự hướng dẫn của Kigin và bắt đầu nổi tiếng. Khi Kigin đi Edo (Tokyo), Bashō đi theo. Và hai năm sau, vào cái tuổi tam thập, Bashō tách riêng một trường phái, nhận một người con trai của một thương gia giàu có làm môn đệ đầu tiên, một chàng trai về sau sẽ nổi tiếng với bút hiệu Kikaku.
Vào thời kỳ này, Bashō chưa đạt tới đỉnh điểm tài năng của ông, nhưng có một giai thoại đã minh họa quan điểm của ông về thi ca. Một hôm, lúc Kikaku và ông băng qua cánh đồng, trông thấy những con chuồn chuồn đang lao vụt, chàng trẻ tuổi đã làm một bài thơ mười-bảy-âm-tiết :

Hỡi chuồn chuồn đỏ
Đôi cánh rứt
Ồ những trái ớt

"Không !" Bashō nói. " Đó không phải là hài cú. Nếu muốn làm một bài hài cú về đề tài này, con phải nói :

Những trái ớt son
Đôi cánh chắp
Tung toé lũ chuồn chuồn

Dần dần, trường phái Bashō tăng trưởng về số lượng thơ và tiếng tăm, và ít năm sau, thêm vào hài cú, Bashō đã góp phần mình trong nhiều thiên sách về renga (thơ liên hoàn). Vào năm 1679, ông viết bài thơ đầu tiên theo phong cách mới vẫn làm liên tưởng đến tên tuổi ông và được nhiều nhà thơ hài cú đi sau xem là mẫu mực :

Trên tiều tụy cành
Bóng qụa
Rũ chiều thu

Có ít nhất hai trọng điểm kỹ thuật làm cho bài thơ trở thành mẫu mực. Một, cả tâm cảnh hay niềm cảm xúc được biểu hiện bởi miêu tả dung dị - một trình bày đơn sơ về sự vật đã hoàn thành bức tranh. Hai, hai phần đã cấu thành cái toàn thể được đối chiếu với nhau, không bằng các biện pháp tu từ so sánh hoặc ẩn dụ, mà như hai hiện tượng đơn lập. Có thể gọi đây là "nguyên lý đối chiếu nội tại" trong đó những biệt dị thì cũng hệ trọng như những tương đồng. Ở đây, không đơn thuần là "trên cái héo hắt tàn tạ của cảnh vật chiều thu, hoàng hôn rũ xuống tựa hồ ủ rũ một bóng quạ", đó là sự tương phản giữa hình hài đen đủi nhỏ nhoi của con quạ với cái âm u của mộ cảnh, và bất kỳ những gì người đọc có thể tìm thấy trong đó. Qủa là dễ hiểu được làm thế nào việc xử dụng kỹ thuật này đã khiến cho hài cú trở nên sâu thẳm, biến nó thành điểm khởi cho tư lự và tưởng tượng.
Bản thân Bashō cũng không luôn luôn đi theo mẫu mực này, nhưng trong hài cú về sau của ông - cả những bài không hoàn toàn khách quan đến thế - ít ra thì phép "đối chiếu nội tại" vẫn được nội hàm. Trừ phi ẩn ý này được nhận thấy, phần nhiều hiệu quả của thơ đều thất lạc. Một minh họa cho nhận định này là hài cú " Hoa Đào " đã dẫn ở trên, với hình tượng anh đào (biểu tượng của cái đẹp mong manh) được xử dụng vừa như một phông cảnh, vừa có mục đích đối chiếu với những gì mà ,"trong tâm tưởng", hoa đã "gieo rắc".
Vào thời kỳ viết bài thơ "Con Qụa, Bashō đang tìm kiếm một cách có ý thức cái đẹp thi ca phải được tìm thấy trong những gì tự nó không đặc biệt đẹp. Ông còn đang khai thác kỹ thuật viết đồng thời phát triển sức thấu thị của thơ. Hai năm sau, vào năm 1681, một biến cố nào đó đã đột ngột xảy đến với ông. Ông tuyên bố rằng cuộc đời ông, thuần phác là vậy, vẫn có tính chất "quá thời lưu", và ông khởi sự nghiên cứu nghiêm mật về Thiền - một tông phái Phật giáo chuyên chú vào sự chiêm nghiệm. Sau biến cố đó, trong mười năm cuối đời, chừng như tất cả thơ hay nhất của ông được viết ra.

Khoảng đầu năm 1686, Bashō viết một hài cú có lẽ được biết đến nhiều nhất trong Nhật văn và cũng được chính ông xem như đã đánh dấu bước ngoặt hệ trọng trong đời thơ của ông. Bài thơ tự nó có vẻ dễ gây ngộ nhận là mộc mạc :

Ao hoang
Ếch nhảy vào
Tiếng nước

Nhiều nhà phê bình có thẩm quyền đã khám phá trong hài cú này một ảo nghĩa bí truyền; những người khác lại xem nó như quá u huyền để có thể cảm thức được gì. Tuy nhiên, do sự kiện hai dòng cuối lại được sáng tác trước, một nguồn sáng nào đó đã soi vào tác phẩm. Trường hợp này chừng như đã được chứng thực. Bashō đang ngồi với bằng hữu và môn đệ trong khu vườn của ngôi nhà nhỏ của ông ở Edo thì, chắc hẳn sau một quãng trầm mặc dài, bất chợt nghe một tiếng động. Không nghĩ ngợi trước, Bashō ngước mặt nói : " Kawazu tobikomu mizu no oto ". ( ếch-nhảy-vào tiếng-nước). Ngay lập tức lời nói được nghe ra như là phần kết khả dung của một hài cú. Và sau nhiều gợi ý của bằng hữu và môn đệ, Bashō đã hoàn thành bài thơ với dòng đầu :
" Ao hoang ".
hài cú này, về hình thức, có lẽ hoàn toàn giống bài thơ "Con Quạ", nhưng chắc chắn sự "đối chiếu nội tại" giữa ao hoang và tiếng động bất chợt thì ẩn áo vi diệu hơn nhiều so với giữa con qụa và chiều thu. Và tâm cảnh do bài thơ biểu hiệu chắc hẳn phản ảnh một nhân sinh quan đã sai biệt .......


nguồn  Matsuo Bashō (1644 - 1694) nhà thơ haiku Nhật Bản 
 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Haiku và Thơ Con Cóc
Hue Thu Sep 20, 2009
Phạm Thế Định

Trong số báo Sống số 11, đề ngày 07 Tháng Năm vừa qua, tôi có đọc thấy bài viết của Đỗ Minh Tuấn bàn luận về đề tài "thơ con cóc" với Nguyễn Hưng Quốc, đề tài hấp dẫn và lập luận của hai phê bình gia văn học, một trong nước, một hải ngoại cũng lý thú lắm. Nhất là vì bài đó có đề cập tới một bài thơ Haiku Nhật Bản nói về "con ếch", được dùng như một bài thơ tiêu biểu phản đề cho bài "con cóc" nên cầm lòng không đậu mà phải viết cho bạnđây.

Đỗ Minh Tuấn đem nàng thơ nói về "con ếch" Nhật Bản, để đối với bài thơ nói về "con cóc" của Việt Nam cũng là một ý kiến ngộ nghĩnh, và xét ra, khôn khéo trong chiến thuật: Bài thơ "con cóc" là một bài thơ không biết được sáng tác bởi ai (vô danh), được lưu truyền trong nhân gian, thể thơ không theo luật, vận gì cả, hoàn toàn tự do; từ xưa đến nay bị coi là dở, và còn được dùng để chỉ loại thơ dở. Trong khi bài thơ nói về "con ếch" là một bài thơ Haiku, của thi hào Nhật Bản là Bashò đã sáng tác, rất nổi danh trên thế giới\. So sánh như vậy là cố tình đem một mỹ nhân trong một bức tranh mộc bản của Nhật Bản đặt bên Thị Nở của Việt Nam.

Tuy vậy, mới thoáng trông, nàng "con cóc" có vẻ thiên về văn chương "bình dân" đơn giản, cục mịch, trong khi bài "con ếch" có vẻ thiên về văn chương "bác học", đẹp đẽ, cao siêu\. Nhưng nếu suy đến cùng, thì lại va vào sự giới hạn của định nghĩa: ranh giới giữa "bình dân" và "bác học", hay nói một cách khác, một bài thơ bình dân cũng có thể được hiểu theo tính bác học, chẳng hạn như Nguyễn Hưng Quốc đã khai triển tính "tư tưởng" của bài thơ "con cóc".

Rồi ra, cuộc tranh luận về "vẻ đẹp" của nàng thơ "con cóc" và bài thơ nói về "con ếch" dĩ nhiên còn tùy ở hai tay bút phê bình này, và người dự khán là độc giả bốn phương. Có thể cả hai bài thơ đều sẽ giựt giải hoa hậu "cóc-ếch" nhờ tài bình luận của hai cây bút trong văn đàn Việt Nam. Riêng tôi chỉ xin nhân dịp này, giới thiệu sơ về thể thơ Haiku Nhật Bản qua một số tài liệu của những người đã nghiên cứu về thể thơ này. Mong rằngnhư vậy sẽ giúp cho quý độc giả và bạn dễ tiêu cái vấn đề hóc búa này hơn.

Haiku là tiếng Nhật, nếu đọc đúng như tiếng Nhật thì cái tên này phải được đọc là "Hai Kư". Để tránh những hiểu lầm tai hại, nhiều người Việt đã đọc thẳng âm Hán Việt là "Hài Cú".

Thể thơ này bắt nguồn từ một thể thơ cổ của Nhật, vào khoảng thế kỷ thứ 6. Cho đến thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 16, thể thơ cổ này được biết dưới dạng Haikai no Renga (Liên Ca Bài Hài: có nghĩa là những bài thơ nối tiếp nhau có thể ca hay hát được, bài hay hài đều có nghĩa là có vần điệu để có thể hát hay ngâm. Do đó có người Việt còn gọi thể thơ này là "Bài Kú", cú là câu).

Những bài thơ thuộc thể "Liên Ca Bài Hài" này có bài dài, bài ngắn.

Bài dài được gọi là Chôka (trường ca), bài ngắn được gọi là Tanka (đoản ca). Nếu ta ví một cách "sơ khởi" và thiếu suy luận nghiêm túc nhưng để dễ hiểu thì ở nước ta có một thể thơ cũng để hát hay ca được, đó là thể "hát nói", mà vào thế kỷ 19 rất thịnh hành ở Việt Nam, với các thi sỹ nổi tiếng là Dương Khuê, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến...

Sự ví von tạm thời chỉ có thể ngừng ở đó, nếu không liều lĩnh mà cho rằng những bài "Liên Ca Bài Hài" này cũng giống như những bài hát nói của Việt Nam, ở chỗ đều có một phần thơ ngâm mở đầu.Trong thơ hát nói, các cụ gọi là "Mưỡu Đầu", làm theo thể lục bát. Trong thơ "Liên Ca Bài Hài", người Nhật gọi là Hokku (một lần nữa xin đọc là Hốc Kư, chứ không phải là Hốc Cu, âm Hán Việt là Phát Cú).

Phát Cú là những câu để bắt đầu\. Trong phần "Phát Cú", người Nhật có đoạn thơ 5 dòng (hay câu), mà cấu trúc trên số âm tự mỗi dòng là 5-7-5-7-7. Haiku là thể thơ được làm ra từ phần "Phát Cú" với 3 dòng 5-7-5. Dòng đầu 5 âm tự, dòng thứ hai 7 âm tự, dòng thứ ba 5 âm tự.

Toàn bài thơ Haiku "cổ truyền" chỉ có 17 âm tự tất cả. Xin mở ngoặc ở đây là tiếng Nhật là một tiếng đa âm. Thí dụ "Việt Nam" đọc theo tiếng Việt gồm hai đơn âm: âm "Việt" và âm "Nam", nhưng người Nhật đọc ra là 5 âm : Bi Ết Tô Nam Mư\. Nếu một câu thơ Haiku mà viết với hai chữ "Việt Nam", câu thơ này được viết với 5 âm tự, và như thế đã có thể là một dòng trong thể thơ Haiku Nhật Bản rồi.

Thơ Haiku được nổi danh vì chỉ với 17 âm tự mà tác giả đủ ghi lại được cảm xúc cao độ nhận thức ngay thực tại trước một sự kiện, trong một khoảng không gian và thời gian nhất định. Mặc dầu khi được sáng tác trong những ngôn ngữ khác (Việt, Anh, Pháp...), những bài thơ Haiku này không thể phát ra những âm như khi được ngâm bằng tiếng Nhật (thường tận cùng bằng những âm A, I, Ư, E, Ô), nhưng thể thơ cô đọng này vẫn được nhiều người ưa thích. Những thể thơ của các nước Á Đông khác như lục-bát (Việt Nam), Thất Ngôn Bát Cú (Trung Hoa)... không có được tính phổ quát thế giới này.

Đã viết là một bài thơ Haiku chỉ có 17 âm tự, gồm 3 dòng 5-7-5, chắc nay tôi phải nhấn mạnh rằng đó là thơ Haiku "căn bản, cổ truyền". Trên thực tế, cũng có bài thơ Haiku cổ truyền thoát ra khỏi lề luật, nhưng nói chung là sự phá lệ được coi là hiếm. Thơ Haiku có vần hay không? Câu trả lời là nếu có chăng nữa, thì lối gieo vần trong thể thơ này không thành lề luật nhất định, chúng ta thử đọc bài thơ nói về "con ếch" của Bashò (Matsu O Bashò: Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694) bằng tiếng Nhật xem sao:

Furu ike ya
Kawazu tobi koma
Mizu no oto
Đại khái đọc là
Phưrư ikê ya
Cagoadư tôbi kôma
Midư nô ôtô
Tạm Dịch (không theo thể hài cú):
Cái ao cũ An old pond
Một con ếch nhảy vào a frog jumps in
Âm thanh của nước Sound of water (Matsuyama)
Vần ở đây gieo giữa 3 dòng, và chữ cuối của dòng đầu vần với chữ cuối của dòng thứ hai\. Nhưngtrong một bài Haiku của một thi hào khác là Buson (Vu Thôn, 1716 - 1784):
Hashi nakute
Hikuren to suru
Haru no mizu

Đại khái đọc là
Hasi nakưtê
Hikưren tô sưrư
Harư nô midư

Tạm dịch (không theo thể hài cú):

Vì không có cầu
Ánh mặt trời mãi chiếu
Nước mùa xuân
Vần ở đây lại chỉ nằm trong hai câu 2 và 3. Do đó có thể nói là cách gieo vần trong thể thơ Haiku là không nhất định, chỉ dựa vào thanh âm gợi cảm trong tiếng Nhật mà thôi. Một bài thơ Haiku ngoài cấu trúc 3 dòng 17 âm tự, còn theo một vài lễ luật căn bản:
- Luật tinh tuyền: toàn bài thơ chỉ là một tâm trạng, không vay mượn, chắp vá những cảm xúc khác.
- Luật hiện tại: Khoảng khắc "hiện tại" đóng vai trò chủ thể trong thơ Haiku, có thể được ví nhưmột tấm hình chụp một sự kiện trong khoảng khắc đó.
- Luật không gian, thời gian, sự kiện: xác định chỗ nào, khi nào, việc nào.

Những quy luật đó đã được những người dạy làm thơ Haiku bằng tiếng Anh tóm lại thành 4 điều:
1/ - 3 giòng ngắn (tôn trọng được 17 âm tự, 5-7-5 thì tốt, nếu không 15 âm tự thì vừa)
2/ - dùng 1 chữ nói về mùa (chẳng hạn hoa hướng dương chỉ mùa hạ, tuyết chỉ mùa Đông, lá úa chỉ mùa Thu...)
3/ - dùng 1 chữ diễn tả sự cắt một hành động (chẳng hạn chữ stop)
4/ - không vần, không dùng ẩn ý (no rhyme or metaphor).

Bài thơ sau đây của một cậu bé học lớp 6 trường tiểu học Nicole Canford (Canada) đã được tạp chí Haiku Japan Air Lines 1991 đánh giá là xuất sắc (với phần tạm dịch không theo thể hài cú):
Like a fresh spring breeze
The children on bicycles
Ride along the street

Như gió xuân tươi mát
Những đứa trẻ trên những xe đạp
Chạy dọc theo con đường
Bài này hay vì theo đúng luật tinh tuyền: tâm trạng tươi trẻ từ đầu đến cuối bài; luật hiện tại: những đứa trẻ đang đạp xe; và luật không gian, thời gian, sự kiện: trên con đường, mùa xuân, những đứa trẻ đạp xe.

Để chấm dứt lá thư kỳ này, tôi xin chép lại một nhận định đã được một người nghiên cứu thơ Haiku là Rodrigo de Siquira nêu ra là: "More than inspiration, it needs meditation, effort and mainly perception to compose a real Haiku" (Để sáng tác một bài thơ Haiku đúng nghĩa, cần sự suy tưởng sâu xa, sự cố gắng và sự nhận thức chủ thể hơn là nguồn cảm hứng).
Ngoài ra, trong lúc viết lá thư này, tôi đã dùng một số dữ kiện của Vi An, tác giả cuốn "Phù Tang Tạp Lục" do "Làng Văn" xuất bản vào năm 1994, trong đó có bài "Đôi nét đan thanh về hài cú" mà tôi xin giới thiệu với bạn, và quí độc giả để tìm đọc nếu muốn hiểu thêm về thể thơ trên. Còn với những điều cơ bản trình nàngy ở trên, tôi chỉ mong đóng góp cho cuộc bình luận về thơ nói về con ếch của Nhật, và thơ con cóc của Việt Nam trên diễn đàn văn học Việt Nam được thêm phần lý thú mà thôi.

St.