Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Thơ Nguyễn Anh Biên - Lời bình Phạm Ngọc Thái
Phạm Ngọc Thái * đăng lúc 02:54:42 PM, Jan 31, 2012 * Số lần xem: 2397
Hình ảnh
#1

Thơ Nguyễn Anh Biên - Lời bình Phạm Ngọc Thái
  

                       XUÂN ĐA TÌNH

                       Lời đôi trai gái người Êđê
YBNâu (nàng):
 -   Đêm nay vui bạn bè anh em
Ta uống cho say trời đất
Chóe rượu này vơi lại sẽ đầy
Em cho anh uống cả hai bầu vú em
Rượu tình không bao giờ cạn...

KPaLUNG (chàng):
-   Chóe rượu của anh lúc nào cũng đầy
Em như con nai tơ động đực
Nhưng anh muốn uống hai chóe rượu trên ngực em
Bằng lòng không bằng lòng, ơi con nai non!
Anh chạy theo mặt trời chiều sẽ tóm được.

                           Nguyễn Anh Biên
                (Bài thơ trích trong truyện ngắn cùng tên của chính tác giả) 
 
      Nguyễn Anh Biên là một nhà viết kịch, đồng thời trong nghiệp bá văn chương ông còn viết rất nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông chưa bao giờ làm thơ. Ấy thế mà khi viết thiên truyện ngắn "Xuân đa tình", cao hứng ông đã tung bút để nẩy ra một bài thơ tình thật độc đáo và cũng thật... điên! Bài thơ trên thực ra không có tên đề, tôi tạm lấy tên truyện ngắn của ông mà đặt cho bài thơ vậy. Có thể nói: Bài thơ ấy đã chứa đọng trong nó những yếu tố rất nhân lõi cho truyện ngắn của ông.
      Đó là những lời yêu đương nồng nàn của một đôi trai gái người Êđê, ngồi bên chóe rượu cần vào đúng cái đêm 30 Tết. Lui lại những tháng năm trước, thưở còn chiến tranh, ta từng chứng kiến tình cảm của nhân dân, nhất là đồng bào thiểu số khi có những người chiến sỹ ngoài chiến trận đến... rất nồng ấm, ân tình. Đêm ấy, trong ngôi nhà bản hân hoan tiếp đón một tổ trinh sát từ miền xuôi lên.  Lúc say rượu, say tình bả lả... cả tình gái trai cũng đã rạo rực trong trái tim người con gái dân tộc. Bởi vì: trước mắt YBNâu những anh chiến sỹ ấy là những chàng trai người kinh tuyệt vời, đầy cám dỗ đối với nàng. Nàng đã hát:
                Đêm nay vui bạn bè anh em
                Ta uống cho say trời đất
      " Ta uống cho say trời đất " - Nghĩa là, trái tim nàng đã say! Trái tim người con gái, hay là trái tim đàn bà đã rung lên xao xuyến... vì cả rượu lẫn tình yêu chan chứa. Men tình, men rượu ngấm vào tận da thịt cơ thể YBNâu, như tác giả đã tả trong truyện:
      "... YBNâu với thân hình cao lớn cân đối, da nâu bóng, tóc rễ tre đen nhánh hơi quăn, buông xõa trên vai trần, đôi mắt nâu mí to xa vời vợi, mơ mộng như rừng buổi sớm khi bình minh chưa kịp tở. Trông nàng tựa như cô gái Bô-hê-miêng ".
      Nàng đã mượn rượu, mượn đà để mà thổ lộ ra những lời lả lơi, tình tứ:
                Chóe rượu này vơi lại sẽ đầy
                Em cho anh uống cả hai bầu vú em.
      Đọc câu thơ đến sửng sốt, gai góc giật mình. Ta phải vỗ đùi đánh "đét" một cái mà kêu lên:
-  Nguyễn Anh Biên chơi thơ thật tuyệt!
      Viết đến như thế mà tình người con gái vẫn trong sáng, không tục mới sướng chứ! Tôi chợt nhớ tới đôi câu thơ của bà Hồ Xuân Hương trong bài "Thiếu nữ ngủ ngày":
                Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm
                Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
      Bà cũng đã đi vào cỗi rễ, nhưng đấy là cỗi rễ của thơ bà Hồ Xuân Hương. Còn Nguyễn Anh Biên đã để cho người con gái bộc lộ hết mình và tình thơ đã tự kết lại! Nó có vẻ tục mà vẫn thanh tao chăng? "thanh" vì nó chân chất, hồn nhiên không dụng ý. Cả cái suồng sã ấy cũng là thứ trong trẻo của đất trời, tạo hóa phú ban. Ta thấy sướng thơ, nó ngâm ngấm và muốn nhấm nháp hương vị hoa nhài, hoa lan của tình thơ ấy. Thật là ngôn ý phàm trần mà vẫn thơ! Viết được những câu như thế đâu phải dễ? Như người họa sỹ vẽ nuy về người đàn bà mà không giỏi thì người xem thấy sượng, không muốn coi. Rõ ràng ngôn ngữ ấy được tác giả nẩy ra từ sự rung cảm, thăng hoa của tâm hồn. Trong sáng tác không có khả năng cảm thụ ngôn ngữ cao viết sẽ hỏng ngay. Tình thơ lả lơi ấy còn có lý, bởi vì YBNâu là một cô gái dân tộc, lại rất đa tình, mà bản chất người dân tộc là chân chất, thật thà.
      Quyến rũ sự đam mê giới tính cũng thuộc một tính cách rất phụ nữ! Không kể đó là phụ nữ miền xuôi hay miền ngược, thiểu số hay người kinh, dù họ là các da màu khác nhau nhưng tính phụ nữ thường giống nhau. Nàng YBNâu đã buông ra những lời chan chứa yêu đương: Nàng muốn hiến dâng! Cũng chính từ trái tim đang rực cháy của nàng đang đòi hỏi. Sau đó, chỉ thế thôi, tác giả hạ một câu chốt  (cũng qua lời người con gái) để khóa lại khổ thơ đầu:
                Rượu tình không bao giờ cạn...
    Ngắn gọn, xúc tích, tất cả đều có thể thay đổi hay mất đi, nhưng tình là vĩnh cửu. Thế giới không có sự đam mê gái trai, thế giới ấy không còn sự sống. Tôi gọi YBNâu là cô gái: vì trong tình thơ bộc lộ những tình cảm nồng nàn trai gái, mặc dù YBNâu đã là một người vợ, vợ của KPaLung - Một chàng trai Êđê.
      Tội nghiệp cho cái anh chàng KPaLung thật thà quá, tôi bình sang khổ thơ thứ hai: Vợ mình đang lả lơi, ve vãn với mấy anh chiến sỹ kia, ấy thế mà chàng vẫn tưởng vợ mình tình tứ với mình? Cho nên chàng mới họa tiếp:
                   Chóe rượu của anh lúc nào cũng đầy
                   Em như con nai tơ động đực
                   Nhưng anh muốn uống hai chóe rượu trên ngực em.
      Vậy là, trong tình ái say sưa: Tình cảm muốn hiến dâng của người phụ nữ... và mong muốn được hưởng thụ của người con trai rất giống nhau - Làm cho thơ cấu kết lại. Sức truyền cảm, lay động của tình thơ thêm sâu, tụ đọng. Nguyễn Anh Biên đã mượn rượu, mượn cảnh, mượn tình, khai thác tính cách dân tộc - Để tung hồn, tung bút viết phóng: Thế mà thành thơ, còn đậm đà và chan chứa tình. Ngôn ngữ mạnh bạo quyết liệt, tha thiết của trái tim, thấm được vào lòng người. Ông để cho KPaLung ví người con gái kia:
                Em như con nai tơ động đực
      Trong thi ca ví von đến thế thật đáng "sợ" ! Nhưng đọc lên hóa ra lại có ý khen và ca ngợi. Huống chi đó là lời của một chàng trai Êđê, ý nghĩ hết sức trong sáng và hồn nhiên. Tôi chắc là các cô gái khi đọc những vần thơ đó sẽ không cự lại nhà thơ đâu? Ông nói đúng tâm trạng đấy chứ!? ( Hơn nữa thời nay chị em chỉ thích làm Thị Mầu, có mấy ai lại muốn mình thành Thị Kính? ).
      Bây giờ phong cách thơ ca thời đại đang được mở rộng ra phong phú rất nhiều, để đáp ứng những đòi hỏi cảm thụ mới. Bài thơ đã thành công, hàm súc, giàu tính nhân bản. Ta bàn đến hai câu thơ chót, kết thúc cả bài:
                   Bằng lòng không bằng lòng, ơi con nai non!
                   Anh chạy theo mặt trời chiều sẽ tóm được.
      " Bằng lòng không bằng lòng..." - Không biết tác giả muốn đặt câu hỏi hay có ý khẳng định? Nhưng đọc cả hai câu ta thấy ngay tình tha thiết của người con trai. Lửng lơ như thế hóa ra làm ý thơ thêm tinh tế, mềm mại, không bị cứng nhắc. Lời như câu hát:
                             Anh chạy theo mặt trời chiều...
      Cách nói thật rất Êđê, bản xứ.
     Toàn bài thơ chỉ có 10 câu, tách biệt làm hai khổ. Nguyễn Anh Biên đã hoàn thiện tình thơ " Xuân đa tình ": Tình đời thì thanh thiên, say đắm và đáng yêu. Với bản sắc của bài thơ, nó vẫn có khả năng tách biệt ra khỏi truyện ngắn của ông, để có mặt và góp tiếng nói trong thi đàn đương thời mà không sợ ngượng.
      Mừng cho ông tuy không làm thơ, nhưng đã có được một bài thơ thích!
 
    Phạm Ngọc Thái

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.