Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Giới Thiệu Thi Phẩm Xuân Vọng của Đỗ Phủ
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 12:47:22 AM, Mar 28, 2013 * Số lần xem: 3376
Hình ảnh
#1

Thi phẩm Xuân vọng (chữ Hán: 春望) của nhà thơ Đỗ Phủ (杜甫, 712 - 770) là một trong số nhiều bài thơ hay và nổi tiếng trong nền văn học cổ. đại Trung Quốc.

1. Hoàn cảnh ra đời

Lúc Đỗ Phủ trở về huyện Phụng Tiên (nay là Bồ Thành, tỉnh Thiểm Tây) thăm gia đình cũng là lúc An Lộc Sơn khởi binh[1] ở Phạm Dương (nay là Bắc Kinh) đánh xuống Lạc Dương, Đồng Quan, thẳng đến Trường An. Ông mang vợ con theo đoàn người dân chạy loạn. Đến Khương Thôn, Đổ Phủ để gia quyến ở đó rồi một mình đi về phía bắc đến Linh Vũ, định tìm Túc Tông (Lý Hanh) vừa mới lên ngôi. Nhưng giữa đường, ông bị quân của An Lộc Sơn bắt, đưa về Trường An. Nhân lúc quân nhà Đường và quân nổi dậy đang đánh nhau, Đổ Phủ liều mạng vượt chiến tuyến, trốn khỏi. Dọc đường ông phải trải qua biết bao gian truân khổ ải mới tới được Phượng Tường (thuộc tỉnh Thiểm Tây). Và rồi với hình dạng “chân đi dép gai, mặc áo rách cùi” ông đến bái kiến vua Đường Túc Tông, được phong làm tả thập di (giám quan)...

Trong sách Lịch sử văn học Trung Quốc cho biết từ tháng 11 năm 755 đến tháng 9 năm 757, tức từ khi An Lộc Sơn làm phản cho đến khi quân Đường lấy lại Trường An, quãng đường đầy khổ cực này chưa đầy hai năm mà cơn bảo táp lịch sử đã tôi luyện ông thành một nhà thơ vĩ đại của nền văn học cổ đại Trung Quốc (2). Trong khoảng thời gian trên, ông liên tiếp cho ra đời hàng loạt những bài thơ bất hủ, như: Ai vương tôn, Bi Trần Đào, Ni Thanh Bản, Ai giang đầu, Hỷ đạt hành tại sở tam thủ, Thuật hoài, Khương thôn, Bắc chinh, Bành nha hành và Xuân vọng (năm 757).

2. Nguyên tác & các bản dịch

Bài thơ Xuân vọng được sáng tác theo thể ngũ ngôn luật.
Giới thiệu thi phẩm này, Trần Trọng Kim viết: Tiền giải nói nước tan; hậu giải nói trong cảnh loạn lạc nhớ nhà, tóc đầu bạc phơ, rụng hết.

Và sách Lịch sử văn học Trung Quốc cũng có đoạn giới thiệu bài Xuân vọng: “Cung đàn nhà thơ Đỗ Phủ vẫn thường gảy là âm điệu thâm trầm ưu quốc đương thời. Thân đói rét mà lòng lại muốn cứu nhân độ thế, sống trong nghèo túng mà không có ý chán đời, đây là điểm khác của ông với nhiều nhà thơ cổ đại Trung Quốc khác. Chính vì yêu nước tha thiết, nên khi nước nhà bị tàn phá thì ông cũng rất đau khổ và thơ ông viết ra cũng đặc biệt xúc động”:

Nguyên tác:

春望
國破山河在,
城春草木深。
感時花濺淚,
恨別鳥驚心。
烽火連三月,
家書抵萬金。
白頭搔更短,
渾欲不勝簪。

Phiên âm Hán - Việt:
Xuân vọng
Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.
Phong hoả liên tam nguyệt,
Gia thư để vạn kim.
Bạch đầu tao cánh đoản,
Hồn dục bất thăng trâm.

Huỳnh Minh Đức dịch nghĩa:
Ngóng xuân
Nước nhà tuy tan nát, nhưng sông núi vẫn còn.
Trong thành nội, mùa xuân đã đến, cỏ cây xanh um.
Cảm thương thời thế, hoa cũng phải rơi lệ nhanh;
U hận cảnh biệt ly, chim cũng phải kinh tâm.
Binh lửa kéo dài liên miên hơn ba tháng,
Chợt được thư nhà, mừng như bắt được vàng.
Nay ta đã già, xoa đầu thấy tóc ngắn thêm,
Gần như không còn đủ để cài trâm.

Bản dịch của Trần Trọng San:

Nước tàn sông núi còn đây;
Thanh xuân cây cỏ mọc đầy khắp nơi.
Cảm thời hoa cũng lệ rơi;
Chim kia cũng sợ hận người lìa tan.
Lửa phong ba tháng lan tràn;
Thư nhà đưa đến muôn vàng chắt chiu
Xoa đầu tóc bạc ngắn nhiều,
So le lởm chởm khó điều cài trâm.

Bản dịch của Trần Trọng Kim:
Nước phá tan, núi sông còn đó,
Đầy thành xuân cây cỏ rậm sâu.
Cảm thời hoa rỏ dòng châu
Biệt ly tủi giận, chim đau nỗi lòng.
Ba tháng khói lửa ròng không ngớt,
Bức thư nhà, giá đắt bạc muôn.
Gãi đầu tóc bạc ngắn ngun,
Dường như hết thảy, e khôn búi tròn.

3. Thông tin thêm
Thơ Đỗ Phủ được người bao đời nay yêu thích, không chỉ vì nghệ thuật mà còn vì tư tưởng. Lục Du[3 ]từng nói trong thơ:
Đời chỉ coi ông là nhà thơ,
Khiến ta vỗ ghế dài than thở.


Thừa tướng nhà Nam Tống Văn Thiên Tường (文天祥, 1236 - 1283), là một thi sĩ nổi tiếng & là người anh hùng dân tộc của Trung Quốc. Sau khi ông bị quân Nguyên bắt, nằm trong ngục Yên Kinh, ngày nào cũng đọc thơ Đỗ Phủ và còn tập hợp những bài thơ ngũ ngôn (trong số ấy có bài Xuân vọng) của nhà thơ thiên tài này và nói: “Phàm tôi định nói gì thì Tử Mỹ (Đỗ Phủ) đã nói trước thay tôi rồi."

Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.

Chú thích
1. Sử Trung Quốc gọi là Loạn An Sử (An Sử chi loạn, chữ Hán: 安史之亂). Đây là một cuộc nổi dậy có quy mô lớn xảy ra từ năm 755 đến năm 763, trong thời vua Huyền Tông, Đường Túc Tông và Đức Tông, nhà Đường. Cầm đầu cuộc khởi binh này là An Lộc Sơn (vốn là một Tiết độ sứ của triều đình) và thuộc hạ là Sử Tư Minh. Vì vậy các sử gia ghép tên hai người cầm đầu để chỉ sự biến trên.
2.Nhắc đến nỗi khổ cực của nhà thơ này, Nguyễn Hiến Lê cũng đã than rằng: "Trong gần 60 năm trời, Đỗ Phủ chìm đắm trong bể khổ, lăn lóc trong cát bụi, có lúc áo rách như tàu chuối, có khi đói đến lả người. Và khi An Lộc Sơn làm loạn, ông bị giặc bắt, thoát được, lại lang thang trong cảnh cơ hàn, có lần gần chết đói. Cho nên đọc văn thơ ông, ta thường gặp những câu tả nỗi nhớ nhà, thương thân, những cảnh đau lòng vì loạn lạc, như trong bài Xuân vọng..."(Đại cương Văn học sử Trung Quốc, tr. 343)
3.Lục Du (陸游, 1125 - 1209) tự Vụ Quan (務観), hiệu Phóng Ông (放翁), người Sơn Âm, Việt Châu (nay thuộc Nhạn Môn Đạo, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc)). Ông làm quan thời Nam Tống và nổi tiếng là một thi nhân ái quốc, tác giả củaKiếm nam từ chuyên tập.

Tham khảo:
- Nhiều tác giả, Lịch sử văn học Trung Quốc tập II, do Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện KHXH Trung Quốc biên soạn. Bản dịch do Nxb Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 1993.
-Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung Quốc, Huỳnh Minh Đức dịch, Nxb Trẻ, 1992.
-Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1997.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.