CÓ” – “KHÔNG” TRONG TƯ TƯỞNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM:
BÀI KỆ CỦA ĐẠO HẠNH THIỀN SƯ
(Hình minh họa :Chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội
xây từ thời nhà Lý, thờ Đạo Hạnh Thiền sư.)
Đạo Hạnh Thiền sư tức Từ Đạo Hạnh (1072-1116) là Thiền sư đời Lý. Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên và nhiều bộ sử như Đại Việt sử lược, Việt sử tiêu án, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí… đều có chép chuyện Từ Đạo Hạnh. Về sau Phan Kế Bính đã đúc kết lại mà viết truyện Từ Đạo Hạnh trong Nam Hải Dị Nhân liệt truyện với nhiều chi tiết linh dị kèm bài kệ:
HỮU-VÔ
Tác hữu trần sa hữu;
Vi không nhất thiết không.
Hữu vô như thủy nguyệt.
Vật trước hữu không không. *
Phan Kế Bính dịch thơ:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Thử xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì?
Bài dịch thơ thật hay nhưng vì dịch thuật là sáng tác mới nên đã thoát đi nhiều ý . Hãy xem từng câu chữ của nguyên tác: Cho là “có” thì hạt cát, hạt bụi cũng là “có”. Quyết là không thì tất cả đều “không”. “Có”-“không” như bóng trăng dưới nước. Chớ cho rằng cái “không” là có.
Quả là như vậy bởi Phật cho rằng cái “hữu” là “không” (Sắc tức thị không) và cái “không” lại cũng là “không” nốt cho nên nếu cố chấp ở cái “không” hiện hữu là đã rơi vào một sai lầm mới. Triết lí nhà Phật chủ trương “không-không” (néant) tĩnh tại và an lạc.
Một bài kệ đã gom được hết ý cơ bản của Thiền tông.
-------------------------------------------
* Bài kệ có tên là 有空 HỮU-KHÔNG. Có lẽ đây chỉ là tên do người chép sử, chép truyện đời sau đặt chứ thực sự kệ của Thiền tông là lời ứng khẩu của Thiền sư về Đạo pháp, không có đầu đề.