Nov 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Hoa Cỏ
Nguyễn Bá Trạc * đăng lúc 08:17:45 PM, Feb 27, 2017 * Số lần xem: 2240
Hình ảnh
#1

* đăng lúc 12:09:47 AM, Oct 05, 2011 * Số lần xem: 711

Mùa này năm nào ở đây cũng thế, tất cả các loài hoa trong thung lũng cùng nở rộ một lúc. Phấn hoa bay phủ dày đặc tạo nên những cơn ngái ngủ, những cơn sốt ngất ngư. Tôi sụt sịt, hắt hơi, mắt ngứa đỏ, ho khan như một ông già. Bà bạn tôi cười khanh khách: Mỗi lần hoa nở là đời anh tàn.

Hoa táo, hoa cam, hoa chanh, hoa dạ lý thơm hắc và vô số các thứ hoa khác cùng một lúc đánh tôi gục xuống đau ốm cho đến hết mùa hè mỗi năm.

Đã ba năm nay xảy ra như vậy kể từ ngày đến đất Mỹ.

Vào mùa này chim Mockingbird bay về. Ban ngày chúng kêu dai dẳng trên đồi. Ban đêm trong các lùm cây, có khi một hai giờ sáng giục giã bứt rứt. Nằm trên giường, tôi ngủ vật vã với tiếng gọi, mùi hoa, lẫn lộn với những nỗi đau đớn và lo lắng.

hoa co 5

Hình ảnh cũ kỹ rời rạc. Sợi tóc bạc của ba tôi. Những bộ mặt thân yêu ốm yếu hiện đến biến đi. Con đường Hoàng Diệu ở Đà Nẵng phủ đầy lá xanh. Ngôi trường cũ chúng tôi họp mặt rồi chia tay. Con đường trên núi lớn Vũng Tàu, đứng ở đấy lẫn trong bụi tre núi, các thân cây ngoái đầu nhìn xuống biển xanh ngắt. Những vườn thuốc lá trên đồng cát Cẩm Lệ. Vườn xoài Long Thành. Tảng đá trắng ngập nước sông xanh. Các cô con gái tóc xõa ngang lưng chuyện trò, giặt giũ áo quần.

Tất cả ký ức trở về ban đêm hay ban ngày đều xanh mướt nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng một loại hoa nào. Trong khi ấy tôi điên người với các loại hoa địa phương ào ạt nở ra, hạ tôi nằm quỵ xuống.

Tôi trình bày cặn kẽ điều thắc mắc ấy với bác sĩ, nhưng không có câu trả lời nào hợp lý. Các chuyên viên tâm trí hứa sẽ trả lại cho tôi toàn bộ ký ức một cách thứ tự nhưng ít khi trả lời được những câu đơn giản, nhỏ nhặt, cứ đến tự nhiên trong đầu.

Tại sao không thấy một nụ hoa nào quen thuộc trong giấc mơ nhớ về quê nhà? Tại sao lỗ mũi không thể hít thở thong thả? Tại sao tôi gần muốn chết ngạt trong các loại hoa thù nghịch ở đây?

Bạn phải lưu ý cho thật rõ: Tất cả những chi tiết tôi viết ra đều quan trọng như các chi tiết của một câu chuyện trinh thám. Tất cả những điều tôi kể lại đều được ông bác sĩ ghi chép cẩn thận. Tôi cũng mong bạn bỏ chút thì giờ chậm rãi suy nghĩ về những điều tôi muốn nói, vì sự thật của bất cứ câu chuyện nào cũng chỉ được phản ảnh một phần sau khi các chi tiết kết hợp lại một cách toàn bộ. May ra, như thế chúng ta có thể trao đổi ý nghĩ với nhau.

Nếu quả bạn quan tâm và muốn tìm hiểu câu chuyện của tôi, muốn hiểu những bí mật dù không đáng chi, bạn sẽ phải kiên nhẫn như tôi đã kiên nhẫn. Đoạn này kể lược qua: kiên nhẫn dành dụm từng thùng xăng, vượt khỏi bãi biển quê nhà bằng một chiếc tàu. Tất cả những người khác đã chết. Vượt khỏi những người mặc đồng phục. Ra khỏi một khu cải tạo ở miền núi, nơi tôi sống sót bằng thịt chuột, cám heo và rất nhiều ớt để chống bệnh sốt rét.

Sự kiên nhẫn đưa tôi đi thật xa khỏi mảnh đất sinh ra lớn lên cùng những hàng cây tiếng ve rộn rã về mùa hè, những con lộ hai bên tre mọc um tùm.

… Vậy ra bây giờ tháng Năm. Tháng của những bài hát Tây phương cũ kỹ mơ mộng chân trời xa lạ, các cô gái tóc vàng nhảy luân vũ. Tháng Năm ấy, bây giờ ngay đây.

Nhưng tôi muốn kể cho các bạn nghe về những tháng Năm ở một nơi khác, không có những con chim Mockingbird. Chỉ có những con Chào Mào vồn vã buổi chiều, bay chuyền trên hàng rào từ vườn này sang vườn kia. Những con chim Khuyên ngọt ngào như chuối ngự. Con Sáo đen mỏ vàng đậu trên lưng trâu. Con Khướu chào mặt trời. Tôi than phiền với ông bác sĩ bằng sự tinh quái thông thường của tôi và cương quyết khiếu nại việc con chim Mockingbird làm tôi đau đầu trong khi tôi rất yêu mến chim chóc. Cho đến bây giờ, vẫn có thể nói để ông rõ: trứng sáo màu xanh, trứng chim sẻ lấm tấm nâu, trứng chim dòng dọc trắng muốt đặt êm ái trong những chiếc tổ rơm xinh xắn như cái lẵng hoa mùa hè.

Tôi thừa biết con người ít để ý đến các chi tiết đơn giản, kể cả các viên bác sĩ. Thế giới có một quy củ và một trật tự nhất định. Cũng như đối với người Cảnh sát, con đường phải có bảng cấm, bảng dừng, có đường chỉ đi một chiều. Nhưng đối với tôi, bảng cấm, bảng một chiều, các lằn sơn làm cho tôi phiền. Tôi là một cánh diều đâm thẳng lên trời, buổi trưa lười biếng nằm trên võng nghe tiếng cu gáy trong vườn mít. Đường đi ngang dọc thế nào tùy ý, chả phải lo tốc độ tối đa hay tối thiểu. Đi chiều nào thì đi. Đi hay đứng tùy ý. Nếu muốn, bạn có thể lội xuống ruộng nhìn lũ cá lòng tong, những con cá đá, cá trầu đỏ thẫm.

Có một chi tiết đơn giản mà tôi mừng rỡ nhớ lại được là về mùa này ở quê tôi bươm bướm bay lượn rất nhiều. Những con bướm màu gạch cua viền đen, bay lẫn vào cụm mây trắng xốp. Nằm trong vườn sắn, dưới lưng phủ dày lá, ai chẳng yêu thích ngắm nhìn trong bóng mát những cuộc bay lượn vui sướng ngoài nắng hanh? Tiếng ru em. tiếng giã gạo. Sau này mọi sự thay đổi đột ngột. Tiếng rít kinh hoàng của phản lực cơ. Tiếng đập cánh xành xạch của trực thăng. Tiếng kêu réo tàn phá đuổi mọi yên tĩnh đi đâu mất. Đoạn này lại nói lược qua: Tôi rời nhà nhập ngũ như những người khác, không đi lính bên này thì đi lính bên kia.

Dĩ nhiên, ký ức không cho phép tôi ghi lại tất cả mọi điều, vì bạn nên đồng ý: Cái đầu không phải là một cái máy điện biến dữ kiện. Cố ghi nhận nhiều quá, những cơn đau đầu đến ngay lập tức. Chúng sẽ đẩy các dữ kiện trở ra khỏi chiếc máy bị nứt. Tôi cũng lại lược qua như vậy. Nói một cách dễ hiểu: tôi không có thể kể lại tên người và các con số. Ký ức tôi không chịu tồn trữ những loại dữ kiện như: Tôi sinh năm nào? Bao nhiêu tuổi? Nhưng tôi có thể kể cho bạn nghe những câu chuyện khác.

Tôi có thể kể cho bạn nghe chuyến bay mà tôi đi lạc ra ngoài lộ trình, khi tỉnh dậy đầy máu me, những mảnh vụn chung quanh tan nát thế nào. Tôi có thể kể câu chuyện liên hệ đến xác chết của những trẻ con người lớn. Câu chuyện về quân phục, huy chương, những nhà vòm chứa máy bay, những phi đạo.

Sau này, trong ba năm ở trại cải tạo, tôi vẫn tự hỏi có quả thật những biến động ấy đã dứt? Có hai loài kỳ cục là loài kiến và loài người. Hai loài này xung đột tập thể, đánh nhau hàng đoàn. Khi hai con gà trống chọi nhau, chỉ có hai con chọi nhau. Nhưng kiến và người thì chia phe cắn xé, đánh và dội bom dữ dội, dai dẳng. Tất nhiên ai cũng có lý do.

Loài người trang bị bảnh hơn loài kiến. Không phải chỉ hơn vũ khí mà còn hơn việc giành dật thẩm mỹ về phía mình. Tranh đấu cho sự kiểu cọ của thẩm mỹ hình ảnh và thẩm mỹ lý luận. Bắn phá giành dật từng cây cầu, cái đồn với mọi thứ thẩm mỹ kiểu cọ. Lý luận nào cũng có sức mạnh khiếp hãi vì có thể gợi ra các vẻ đẹp ghê gớm hơn nữa, và cả những hình ảnh xấu xa vẫn có người ưa thích. Đức Quốc Xã, các phong trào chủng tộc, các cuộc Thánh chiến, các buổi đấu tố của Cộng Sản đều có người tham dự đông đảo, cuồng nhiệt, để ném đá và hành hạ công lý.

So với tuổi địa cầu, mọi chủ nghĩa đều trôi qua nhanh chóng. Nay hình như người ta đang bay ra ngoài trời xanh tối để xem các chủ nghĩa tồn tại bao lâu.

Khi ngồi bó gối trong trại cải tạo, tôi lặng lẽ nhìn ngắm, tự nhắc nhở: chúng ta là loài suy nghĩ chủ quan, và cũng luôn luôn nhìn ngắm thẩm mỹ một cách chủ quan.
Trong giấc mơ, tôi đón tiếp mọi người bằng một cặp mắt xa cách lạnh nhạt. Tôi ngượng. Tôi ngượng cho tôi, ngượng ngập cho họ. Tôi rút kín như một cái đồn. Tôi thất lạc trong các câu chuyện. Tôi tự thảo luận với tôi và những người trong giấc mơ về: thẩm mỹ của chiến tranh và của chủ nghĩa anh hùng. Tới khi thua cuộc, tôi bước đi im lặng, trở về một vùng kia thật xa xăm, không ai biết, không ai nhớ tới. Nơi đó, tôi ngồi xuống bên một đường rầy sắt cũ, tự giải trí mình bằng cách tưởng tượng ra một cuộc chiến tranh đầy những đại bác, máy bay siêu âm, hỏa tiễn, trái phá…

Có lần người ta trói chân tay tôi lại. Họ nói chuyện bằng ngoại ngữ với tốc độ nhanh, nhiều danh từ y khoa. Họ giữ tôi trong một nơi cửa sắt khóa chặt. Cũng chỉ nói lược qua: người la, người khóc, người im lìm, người hỏi han bậy bạ. Suốt thời gian đó tôi điềm tĩnh hệt như lúc con tàu vượt biên bị đâm thủng. Trẻ con, đàn bà la ó thất thanh. Sóng phủ trùm đầu. Người ta ngoi lên chìm xuống theo luồng sóng. Tôi nắm chặt tấm ván, tấm thông hành duy nhất, đạp tất cả các người khác ra xa. Cuối đáy biển kia xin mọi người hiểu rõ: Tôi chỉ tuân theo cái quy luật vô thức và tàn ác của đời sống. Quy luật này ai đặt ra không rõ, nhưng chúng ta vẫn phải làm một cách mệt mỏi chán chường.

Tôi tự sửa chữa các quy luật trong giấc mơ. Ban đêm khi nhìn thấy mặt biển đe dọa, tôi một hai ba biến nó thành một đồng cỏ xanh mướt, ở đó đàn bà trẻ con bình thản nắm tay nhau ung dung đi dạo. Không ai chìm. Không có những đám tóc dài trôi giạt vướng víu vào thành tàu, người ngụp lên ngụp xuống, sặc sụa kêu thét níu tay tôi. Tôi không phải gạt bất cứ ai xuống biển sâu để sống một mình. Trong giấc mơ ấy mọi người rong chơi tùy ý. Không phải xin phép Phường Khóm. Ai cũng có thể kiếm một góc làm nơi sinh sống như chim chóc, chuồn chuồn, bươm bướm. Nhưng giấc mơ ấy có hơi quá trớn ở chỗ đòi thay đổi những điều kiện tệ hại nhất thành tốt đẹp nhất, ví dụ chiến tranh ra hòa bình, đói khổ ra no ấm, làm cho những danh từ như nhân bản, hạnh phúc trở nên có thực.

Dù mơ như vậy, dường như tôi đã nói ở trên, tôi không bao giờ mơ mộng chi tới một đóa hoa nào ở quê nhà trong mấy năm nay. Ban ngày, tôi giết thì giờ bằng cách mở từng trang những cuốn Bách Khoa Tự điển để may ra có thể tìm thấy một đóa hoa hoàng lan hay một cái hoa móng rồng. Tôi vẫn thèm muốn được hít thở hương thơm của những đóa hoa ấy một cách tự nhiên, không bị sặc sụa như hít thở các đóa hoa ở đây và mắt không bị sưng đỏ, phổi không bị đau tức, nhất là không có những cơn sốt ngầy ngật.

Có lần tôi nghĩ đến hai người bạn cũ, may ra họ có thể trả lời các câu hỏi của tôi. Họ là những chuyên viên về các loài hoa, ấy là tôi ăn nói màu mè như vậy. Cả ba chúng tôi đã trải qua những tháng ngày ở một ngôi trường Trung Học tại Đà Nẵng, lúc ấy là một tỉnh nhỏ êm đềm. Chúng tôi đua xe đạp, đi tắm sông, đọc thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Một anh từ lúc bé đã có nụ cười hồn nhiên của thi sĩ. Anh mơ mộng hoa cỏ. Anh ta viết một câu thơ thế này vào năm 13, 14 tuổi:

… thèm ăn một chút hoa sim tím
và nuốt hồn em vô trái tim.

Cha anh là một người gác cổng xe lửa. Mỗi lần những con tàu già nua chậm chạp đến gần, ông lắc lư chiếc đèn dầu đỏ, thổi vài tiếng kèn, đóng cản chặn xe trên đường lại. Tôi nhớ dạo ấy Đà Nẵng rất ít xe hơi. Phần lớn học trò chúng tôi đi xe đạp, thỉnh thoảng bóp chuông.

Khi chúng tôi lớn hơn một chút, chiến cuộc dữ dội, anh đọc Mã Khắc Tư, bỏ ra khu, có bị quân đội miền Nam bắt làm tù binh, đánh gãy một hai cái xương sườn. Nghe nói bây giờ anh ta đã trở về thành phố cũ.

Còn người thứ hai, là bạn thân của tôi cho đến lớn. Cha anh theo Cộng Sản ra Bắc từ lúc anh còn nhỏ. Mẹ ở miền Nam, một mình đi làm thư ký nuôi ba con, ho lao, thất nghiệp rồi qua đời. Chúng tôi thường cởi truồng tắm biển, sau này lớn lên mới biết lúc bé bỏng ấy chúng tôi cùng thương mến một cô con gái mà chẳng ai dám bạo dạn ngỏ lời. Anh ta là cựu hướng đạo sinh, thích làm việc thiện, rất sợ ở tù. điều này nói có sách mách có chứng. Anh ta trở nên một sĩ quan Nhảy Dù bị lột lon nhiều lần chỉ vì anh vốn là người tử tế. Anh ta trở thành một nhà văn. Bây giờ đọc lại sách cũ của anh, tôi thấy anh ta rất sợ ở tù, anh ta có nói rõ như vậy. Thế mà mà bạn tôi vẫn đang ở tù.

Hai người bạn nhỏ ấy và tôi, trong cuộc đời oái oăm đã cùng học chung một ngôi trường tỉnh nhỏ. Một anh người Quảng Nam, một anh người Huế, còn tôi Bắc Kỳ di cư. Chúng tôi đã nằm bò ở sân trường nắn nót viết bích báo. Đã đi xe đạp hàng tư, hàng năm, buông tay lái nắm lấy tay nhau. Thật ra hai anh chàng kia thân nhau hơn. Một anh thèm ăn một chút hoa sim tím và một anh… Họ đều là những người yêu thích thiên nhiên và hoa cỏ, nhưng tôi chỉ kể lược qua như vậy.

lau bay

Bạn đọc,
Trừ khi chính bạn cũng đang dị ứng hoa cỏ, thật rất khó mà nói cho bạn cảm được cái phiền phức và bất hạnh của căn bịnh xoàng xĩnh này. Nó không nguy hiểm đến tính mạng như ho lao, sốt rét, phù thũng, tê bại… nhưng nó cũng vẫn làm cho mình phiền… nhất là khi bạn thuộc vào hạng người biết yêu hoa cỏ, bạn sẽ hiểu. Nào là phấn và hương thơm, nào màu sắc của các loài hoa. Chúng đánh đập túi bụi trong những buổi sáng tháng Năm đẹp đẽ, khi những con chim Mockingbird kêu inh ỏi và thật vớ vẩn vì không có một đóa hoa nào nở trong các giấc mơ. Khi bạn lìa bỏ mảnh đất nơi bạn sinh ra, lớn lên, lìa bỏ cha mẹ, vợ con, hàng ngày nhìn ra đường khiếp hãi vì những tiếng động cơ to lớn chạy sầm sầm từ bốn phía lại, biết đâu cũng như tôi, bạn sẽ nghẹt thở mỗi lúc nhìn lên chiều cao căn nhà làm bằng kính và thép.

Như thế đấy. Buổi sáng tháng Năm hoa cỏ rực rỡ, ánh nắng huy hoàng, mây trắng chim chóc kéo về chuyện trò vồn vã, tôi nằm ủ dột trên giường ho khặc khừ, mũi sụt sịt, mắt ngứa đỏ, ký ức về mọi chuyện cũ vỡ ra như thủy tinh. Xin bạn thử ngẫm mà xem. Bạn tự hỏi giùm tôi: Như thế bao giờ có thể hít thở hoa cỏ mà không bị hắt hơi?

 

Nguyễn Bá Trạc (Trích Ngọn Cỏ Bồng - California 1980)



 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.