San Jose …
Anh Q. thân mến,
Ðầu năm khai bút, bút khai hoa
Hoa thắm xinh tươi khắp mọi nhà
Nhà nào nhà nấy đông tiền bạc
Bạc chỉ thấy vào chẳng thấy ra
Có lẽ tôi nên tạm mượn mấy vần của anh Nha sĩ Thi sĩ T. viết từ năm ngoái để chào mừng năm mới thắng lợi. Về đường văn chương: Giữ vững lập trường sáng tác chữ Việt. Về đường nuôi thân, được thoải mái.
Lúc giầu có phải nên tiết kiệm
Cố mà mua lấy một cái nhà
Ấy là gấm lại thêu hoa…
Hoa và mùa xuân! Họ là bè bạn. Nói cho táo tợn, họ là những người tình. Xuân về hoa nở. Xuân đi đâu, hoa đi đó. Họ yêu nhau vĩnh viễn chứ không lăng nhăng.
Xuân đi, xuân về. Ði đâu cũng về. Về rồi lại đi. (Ði rồi lại về). Cái chân lý trôn ốc làm cho các bậc thức giả thông khoáng phát giát: Ái tình đích thực là một mùa xuân. Một mùa xuân bao la mở ngỏ cánh cửa cho tất cả các loài hoa cùng nở lên một lúc. Ðến như hoa cải, hoa cà, xuân cả cười cho nở ra hết thảy. Mùa xuân bát ngát lòng anh rộng. Ðựng hết trăm hoa cũng chẳng phiền? Còn nếu hoa hoét chí choé tranh cạnh nhau, đó nào có phải là lỗi của mùa xuân?
Anh Q. thân mến,
Chim hót hoa cười lại thấy xuân
Rét mướt mùa qua đã rụng dần
Ðất trời lại nở hoa tươi thắm
Nào, xuân!
Anh nghĩ xem. Bài thơ yết hậu tưởng như đơn giản nhưng nó chứa đựng những gì?
Nó thuộc về dịch lý tức là các con số sáu, bảy, tám, chín. Số chín của nó là mấy số một, ba, năm trong số sinh tích lại. Cho nên nó phải từ Bắc sang Ðông, từ Ðông sang Tây để làm cho ra phía ngoài của số bốn. Còn số sáu của nó? Tức là số hai, số bốn trong số sinh tích lại mà thành, cho nên nó phải từ Nam sang Tây, từ Tây sang Bắc để làm cho ra phía ngoài của số một
Ðó là sự biến đổi âm dương già trẻ, cái gì đầy lại vơi, cái gì vơi lại đầy. Kẻ đọc thơ quên chữ đạt nhạc, quên vần đạt ý, hiểu cho được cái lẽ: Mùa xuân này thì phải tiến lên! Mùa xuân về mà bực thánh nhân không biết tiến lên và tiến đi đâu thì thương thay, ấy là khốn. Ấy là kẻ cứng bị kẻ mềm che khuất, bị hãm ở dưới bị che ở trên. Ấy là bĩ. Trời đất cách tuyệt, thiên địa bất giao, muôn vật không thông, trong âm ngoài dương, trong mềm ngoài cứng. Ấy là đạo kẻ tiểu nhân lớn lên, đạo người quân tử tiêu đi.
Khốn khổ học tập như Tư Mã Thiên sao mà bị thiến? Thiến rồi lại còn vất vả chẻ tre mài mực lui cui viết bộ Sử ký những 130 thiên, đếm ra có đến 526,500 chữ?
Tài hoa như Bạch Cư Dị sao bị ghét? Bị biếm? Bị ngồi chơi sơi nước? (Nguyệt bổng bách thiên quan nhị phẩm. Triều đình cố ngã tác nhàn nhân?)
“Hùng tráng, tha thiết như Hàn Dũ sao bị giáng?”
“Mẫn tiệp, kỳ tài như Vương Bột sao suýt bị xử tử?”
Chí như Khổng Tử cũng chỉ đi lẩn quẩn loanh quanh, mà bây giờ ổng vẫn lẩn quẩn loanh quanh.
Thế? Bị thiến, bị ghét, bị biếm, bị giáng, đi lẩn quẩn loanh quanh…cũng như bị xẻo mũi, chặt chân… Xẻo mũi gọi là Tỵ, bị thương ở trên. Chặt chân gọi là Ngoạt, bị thương ở dưới. Trên dưới đều phải che lấp đau hại, đó là Khốn, là tượng xẻo mũi chặt chân. Có phải nó là lẽ của những con số sáu, bảy, tám, chín vậy chăng? Cho nên:
Rét mướt mùa qua đã rụng dần.
Ðất trời lại nở hoa tươi thắm.
Nào, xuân!
Xuân, hạ, thu, đông. Xuân, hạ, thu, đông. Một cái vòng quay của thời gian. Một bài luân vũ. Có khi buồn bã (Luân vũ trong bóng mờ). Có khi rộn ràng: Ánh dương lên xôn xao! Hai ven bờ sông sâu! (Nhạc J. Strauss, lời Phạm Duy!). Giới nhẩy đầm ôm lấy bốn mùa lướt trong sàn, thời gian xoè ra những chiếc váy diêm dúa phất phơ trong mặt trới chói lọi mùa hè, mơ mộng mùa thu, ảm đạm mùa đông, ấm áp mùa xuân.
Tôi, kẻ vụng về bẽn lẽn, không biết nhẩy đầm thế nào. Nhưng tạm khoe tôi biết nhẩy đầm là gì.
Nhẩy đầm là gì? Phải chăng là nhẩy cỡn lên với điệu nhạc?
Không. Nhảy đầm là âm nhạc. Nó dìu người ta đi trong bốn mùa. Nó dìu người ta vào vui buồn. Dòng đời có lúc chẩy qua những khúc cam go, có lúc từ từ êm ả. Có lúc nó bắt người ta dựng ngược lên như sờ phải điện. Có lúc người ta cong lựng xuống đưa hai tay lên trời bắt chuồn chuồn. Có khi vờn vẽ như côn trùng bay vòng trên không trung. Có khi chập chờn như những mối tình tha thiết mà tuyệt đối người ta nhường nhịn, không ai dẫm lên chân ai.
Anh Q. thân mến. Anh hay lén lút đi nhảy đầm. Tôi biết.
Mỗi lần anh đứng trên sàn nhẩy, mọi người chung quanh biến mất, mọi con mắt ngưỡng mộ đổ dồn vào anh. Anh ưỡn ngực, thóp bụng. Anh thõng cánh tay xuống như một nhành dương liễu, thoắt cái vung lên, xoay người lại như một chiến sĩ há miệng ghé răng cắn chốt lựu đạn, sẵn sàng tung vào mặt quân thù. Chợt, khụy chân xuống. Ấy là tư thế của người lãng mạn ôm đàn Tây Ban Nha, anh ngước lên chớp mắt nhìn trăng sáng trên lầu cao. Tung mình về đàng trước! Ðá chân về đàng sau! Anh điều khiển trọn vẹn mỗi động tác của tay chân, xương vai, thớ thịt. Anh là khuôn mẫu của cái đẹp, một bức tượng điêu khắc chuyển động. Anh lướt đến đâu, người ta đi đến đấy.
Nhưng anh có thật là một tay nhảy đầm giỏi chưa?
Chưa.
Dẫu cho anh đã đặt chân lên hầu hết các sàn nhẩy Âu, Á, đã giật nhiều giải Boston, Cha cha cha và Tango.
Vì: Vì sao một gã đàn ông phải cực nhọc như thế? Phải bán bảo hiểm. Phải cưa cây. Phải cắt cỏ. Phải đi cầy. Phải gân cổ lên điều khiển cuộc đời. Phải cắn răng lại. Vì chúng ta vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là chiến sĩ, anh giả nhời tôi như thế. Nhưng anh Q. ạ. Cuộc đời khúc khuỷu muôn nghìn nẻo. Chiến sĩ người ơi cũng thế a?
Bên cái nhu cầu thẩm mỹ của một cuộc nhảy đầm, chúng ta có nhất thiết phải biểu dương cái đẹp trong mỗi bước đi trước mặt mọi người chăng? Có khi cái bàn toạ của chúng ta cũng ngứa ngáy chớ. Chúng ta cũng cần làm như mọi người, nghĩa là như những anh mới học nhảy đầm, hoặc như những anh chưa bao giờ biết nhảy đầm, chỉ ngồi đực mặt ở góc bàn tối, ngượng nghịu nhấm nháp mãi ly Coca Cola đã cạn. Vài cục nước đá đã tan. Ấy là tôi nói về tôi.
Một người nhẩy đầm giỏi có thể giả vờ cho người ta dìu đi. Anh ta là âm nhạc. Các chuyển động xẩy ra hồn hậu như chúng ta cho phép bốn mùa dìu lấy chúng ta. Nào sương thu gió nhẹ. Băng tuyết lạnh lùng. Vả chẳng có cách chi mà anh điều khiển được mãi tất cả các cuộc chơi. Chân anh đêm rồi bị một tay mơ đi giầy cao gót đạp phải. Nó thủng một lỗ sâu hoắm. Tai anh lùng bùng vì tuổi tác. Những âm thanh choe choé của dàn nhạc điện tử không làm anh còn phân biệt được đâu là nhịp mạnh, đâu là nhịp yếu để điều khiển đôi giầy. Ðể cho đúng nhịp như lính quân trường đi ắc ê. Tất cả những cái ấy, nào có phải lỗi của anh?
Ôi những điệu luân vũ trong cuộc đời không giúp cho ta ngộ ra cái lý sự ấy hay sao? Tất cả những kinh kệ đại thừa, tiểu thừa, Koran, Tân ước, Cựu ước, Tin lành, Chính thống, Thệ phản. Dịch học với những con số sáu, bẩy, tám, chín. Những vết nứt trên mấy cái mu rùa. Ông Sartre, ông Heidegger, ông Camus? Ông Miller?
Tất cả cái khả năng luận lý, sức chứa đựng và chịu đựng, những hệ thống cũng như phi hệ thống của các tư tưởng có sẵn chỉ giúp ta lắp bắp nghiến răng với cuộc đời như là một tay mơ (là tôi) đang tập nhẩy đầm một mình với chữ nghĩa và tư tưởng trước một chuyến đi xa. Ta có thể bước vụng về hay nhuần nhuyễn trong âm thanh văn chương biền ngẫu, nhưng việc ấy có quan trọng khỉ gì? Và đẹp hay xấu cũng chỉ kín dăm trang báo, làm vui lòng dăm ba anh dở hơi. Ý tôi muốn nói mấy anh làm báo chữ Việt ở Mỹ.
Ðến đây tôi thò chân xuống đất lạnh. Ðêm đã khuya. Tôi nhón gót đi vào phòng ngủ lấy ra một cuốn lịch ta. Hôm nay là 19 tháng 11 Tây, nghĩa là mới 18 tháng 10 năm Bính Dần. Ngày Ðinh Mão. Tiết Lập Ðông. Xin nói rõ: Hành Hoả. Nên hòa giải tranh chấp, khai mở, sửa chữa nhà cửa, cầu hôn. Kỵ đào giếng, săn bắt, sát sinh. Tờ lịch ghi thêm: Bạn bè là nghĩa tương tri, có sau có trước vẹn nghì mới nên.
Hai tháng nữa mới đến tết.
Ðối với tôi, đây là cái tết thứ mười ba ở Mỹ. Hai tháng nữa khi những gì tôi viết ra đây biến thành chữ in, xuất hiện trên một tờ báo xuân thì biết đâu anh sẽ đọc với tấm lòng nghiêm chỉnh của một năm mới.
Nhưng điều ấy có quan trọng gì? Vì tôi đã ở một nơi xa. Vì tôi sẽ đứng trên một hòn đảo đầy những bóng dừa và những con thuyền vỡ vụn, với những tâm tình khác, với những con người khác.
Ở hòn đảo ấy mặc dầu người ta đau buồn đến đâu, bốn mùa vẫn là mùa hè. Tôi không biết có những thứ hoa gì nở. Chuyện ấy không quan trọng, cũng như tôi không biết nhảy đầm thế nào. Nhưng tôi biết nhảy đầm là gì và như thế, tôi cũng có thể nói mình sẽ rộng lòng yêu hết các loài hoa, bất kể ôn đới hay nhiệt đới.
Và như thế, bây giờ, dẫu cho mới là tháng Mười ta, tôi vẫn có thể nhắm mắt lại, tưởng ra mùi khói hương trầm.
Tưởng ra một đêm ba mươi trong lúc đạp xe trên con đường Hoàng Diệu ở Ðà nẵng hối hả trở về nhà thì tiếng pháo nổ ran, giờ Giao thừa đã tới.
Và như thế, giữa một đêm đông lạnh, còn hơn một tháng nữa mới đến Giáng sinh, tôi vẫn vui lòng ngồi xuống vui chơi với ý nghĩ và chữ nghĩa để thanh thoả đòi hỏi của những anh dở hơi, để giúp vui các bạn về một dự phóng mùa xuân, không chừng còn giúp vui cho vài ba độc giả rỗi rãi, tò mò trong những tháng năm mới mẻ.
Không. Tôi không phải là văn sĩ.
Càng không phải là thi sĩ.
Tôi, kẻ bẽn lẽn ngồi ở góc bàn tối, lúng túng nhấm nháp cốc nước đã cạn, cục đá đã tan.
Nhưng tôi nhìn lên sàn nhẩy, tôi biết mùa xuân sắp trở về, mặt trời sẽ trong trẻo.
Và mong khi tôi đi rồi, vắng mặt một anh bẽn lẽn nhưng hay nói, thì các anh vẫn nhẩy những bài luân vũ mới, nhanh chậm không cần. Không nên biểu diễn. Chỉ cần vui vẻ với những đóa hoa sẽ nở ra chân thật.
Hoa Quince là thứ hoa đầu tiên báo hiệu mùa xuân trên xứ sở này.
Rồi hoa đào, hoa mơ, hoa mận, hoa thược dược, hoa thuỷ tiên.
Ðừng đạp chân lên nhau.
Ðừng nhậu nhiều rồi ôm nhau khóc lóc.
Anh Q. ạ.
Ðôi khi trong cuộc đời, người ta khám phá ra mỗi người chứa đựng cùng một lúc nhiều đối cực. Người ta có thể là một con rùa đi chậm chạp, chắc chắn, kiên nhẫn chống đỡ những trách nhiệm kềnh càng. Ðồng thời cũng là một con thỏ, thoắt một cái quanh quẩn nhai lá trong vườn, thoắt một cái lang thang trên vạn dặm xa xôi.
Người ta có thể vừa là một con kiến tha mồi chăm chỉ, vừa là một con ve ca hát rộn ràng. Mỗi người thoả hiệp với các đối cực của mình bằng cách này hay cách khác.
Mỗi chúng ta có thể sống yên ổn trong sự sắp xếp các mâu thuẫn như phân công cho tay phải và tay trái. Hoặc quay quắt với các xung động từ mâu thuẫn tạo ra. Có người tìm cách tiêu diệt. Có người tìm cách hư vô hoá nó. Có người sống với, thở với. Mâu thuẫn giữa trang nghiêm và cười cợt. Mâu thuẫn giữa hạnh phúc và bất hạnh. Mâu thuẫn giữa thiện ác, trắng đen, lý luận và cảm xúc.
Thích nhất có lẽ là khi chúng ta không tìm cách làm cho chúng biến mất, không có một cố gắng gì, không ý thức về, chúng có thể có, có thể không và tôi vẫn sống. Sống thôi.
Mùa xuân, thực là lúc thuận tiện.
Nhìn ra vùng mây trắng lãng đãng, hoa đào nở rộ trên trời xanh, những con kiến di chuyển một hàng dọc. Người ta không phân tích. Không sử dụng luận lý. Người ta hạnh phúc.
Và như thế người ta biết đâu lại hồi phục đầy năng lực để giải quyết các bất hạnh của mình, và may ra còn đóng góp cho người khác?
Thực ra đây mới là điều tôi phải trang nghiêm cầu chúc cho anh, cho chính tôi và tất cả mọi người.
Trong những gì tôi viết đây vào những lúc khác nhau, với những đoạn khác nhau, mong anh vẫn biết đâu là thật đâu là giả. Ðâu là lúc vui chơi. Ðâu là lúc múa may như tay Sơn đông mãi võ, huyênh hoang với cái giả ngộ của văn chương.
Nhưng anh cũng biết lúc nào là lúc tôi thực thà chìm đắm trong nội tâm với trái tim yên ổn đón chờ.
Giữa chúng ta, quả có hơi khật khùng.
Cũng như tất cả mọi người, ai chẳng có lúc khật khùng?
NGUYỄN BÁ TRẠC
(Viết cho bạn VHQ ở miền Nam Cali, trước khi rời San Jose đi Pulau Bidong)