Nov 23, 2024

Biên khảo

Hai nghi án Thơ
Đào văn Khởi * đăng lúc 08:53:14 PM, Sep 26, 2011 * Số lần xem: 2001
Hình ảnh
#1

                                 

1/ Từ vụ án” Bài thơ giết người” đến…

 Một bài thơ giết người” là tên bài viết của học giả Đào Trinh Nhất, gom  lại trong bộ Việt sử giai thoại (1). Xin trích phần đầu bài đó ra đây:

                                         14 chữ làm chết hai cha con ông Tiền quân Thành                                            Có lẽ quả báo tại ông Thành làm bộ luật Gia Long.”

 

Giữa tháng chạp năm Ất Hợi, niên hiệu Gia Long thứ 14 (dương lịch 1815), trong các giới quan liêu- nhất là bên võ- ở kinh thành Huế, xầm xì bàn riêng, nói nhỏ về một vụ âm mưu phản nghịch rất quan hệ.

        Những kẻ rỉ tai nói mánh câu chuyện ghê gớm ấy, hoặc chỉ mới phong thanh chứ không biết rõ thực sự, hoặc cố ý phóng đại ra, muốn khoe mình thông tỏ công việc quốc gia triều đình hơn. Làm khổ cho người được nghe phong thanh, bất giác hồi hộp kinh hoàng, tưởng dến cảnh máu chảy thành suối, đầu rụng như sung, không khéo tất cả cung điện phố phường dều ra tro, mà đất sắp nghiêng, trời cũng sắp ngã vậy.

         Song người ta có thể vuốt ngực để thở, vì vụ âm mưu phản nghịch ấy bị phát giác.

         Có điều, nó quan hệ, rất mực quan hệ, là bọn âm mưu không phải người thường, chính Là cha con một vị công thần khai quốc, chức cao quyền lớn, hiển hách tại triều. Mà người phát giác âm mưu cũng là bậc rường cột triều đình tương đương như thế. Trong tay lại nắm được chứng cớ hẳn hoi có thể nói là tờ hịch khởi loạn. Rồi xem…

         Ấy, trong giới am hiểu sự tình, khi mới nghe lỏm, thì thầm với nhau ở bòng tối nhà riêng, đại khái là thế.

         Kì thật, chỉ là trái núi để ra con chuột.

         Gọi là âm mưu phản nghịch, gọi là chứng cứ hẳn hoi, rut lại có một bài thơ tám câu dưới đây, không hơn không kém,

Văn đạo Ái châu đa tuấn kiệt,

Hư hoài trắc tịch giục cầu ti.

Vô tâm cứu bão Kinh Sơn phác,

Thiện tướng phương tri Ký Bắc kì.

U cốc hữu hương thiên lí viễn,

Cao cương minh phượng cửu cao tri.

 Thử hồi nhược đắc sơn trung tể,

 Tá ngã kinh luân chuyển hóa ki.

          Nguyên văn bài thơ thấy chép trong sử “ Đại Nam Thực lục chính biên đệ nhất kỉ”, quyển thứ 51, ông Trần Trọng Kim ( Việt Nam sử lược) dịch ra

 

2

quốc văn như sau”

Ái châu nghe nói lắm người hay,

Ao ước cầu hiền đã bấy nay

Ngọc phác Kinh Sơn tài sẵn đó,

Ngựa kỳ Ký Bắc biết lâu thay!

Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,

Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.

Sơn Tể phen này dù gặp gỡ,

Giúp nhau xoay đổi hội cơ này.

Cố nhiên, về mặt văn chương, kể cũng là một giai tác, nhưng ở đây người ta không cần nói chuyện văn chương, chỉ cần soi mói nội dung, về chỗ dụng ý lập ngôn của tác giả,

Nào, nội dung có gì?

Chẳng qua  tác giả cốt gửi cho bạn ở Thanh hóa(Ái Châu), vì từng nghe tiếng là bậc hiền nhân danh sĩ đời nay, cho nên trong bụng hâm mộ khát khao, mong được gặp gỡ. Nào ngọc phát Kinh Sơn, ngựa kí Kỳ bắc; toàn mùi hương hang tối, tiếng phượng gò cao,  toàn là lời hình dung tâng bốc tài năng danh vọng của bạn theo lối thù phụng thanh nhã đó thôi.. Trong đấy, nào có một ý, một chữ gì tỏ ra chê bai vua chúa hay oán dận triều đình, khiến người ta buộc được phản nghịch cho cam?

          Giá như bài thơ đến đó là hết, thì còn phải nói làm chi, mà cũng không có chuyện. Khốn, nhưng sinh sự và giết người là ở hai câu sau chót:

                         Thử hồi nhược đắc Sơn trung tể?

                           Tá ngã kinh luân chuyển hóa ki”    

             Tất cả mối manh vụ án bài thơ giết người, tất cả sợi dây nghiêm hình đối với tác giả, đều  trói chặt vào 14 chữ ấy.

Đào Hoằng Cảnh, người Tàu đời Lương Vũ Đế (592- 549) tài cao. học rộng, ở ẩn trong núi; vua mời mãi ra làm quan mà không được, mỗi khi nhà nước có việc gì khó khăn, vua phải sai người vào núi hỏi ý kiến. Vì thế người đương thời gọi là Sơn trung tể tướng ( quan tể tướng trong núi).

            Tác giả bài thơ là anh học trò, là chú lê dân, sao lại được phép mong ước có một vị Sơn trung tể tướng? Mà để làm gì? Để giúp nhau xoay chuyển hội cơ này, có phải rõ ràng muốn chuyển di cuộc thế, dòm ngó mạng trời, tức thị muốn rủ nhau cướp nước làm vua, chứ còn gì nữa?

            Vậy điều mong ước ghê gớm ấy, chính là dấu tỏ âm mưu phản nghịch.   

            Ta nên biết ở thời đai quân chủ độc tôn, khoan nói sự hành vi xâm phạm đến quyền độc tôn ấy, nội một ý nghĩ, một câu văn, đại khái như bài thơ trên đây, cũng đủ kể là tôi ác nguy hiểm như thế nào?

3

 Nhất là bố đẻ ra nó, hay nói rõ hơn, người bị vu cáo hoặc tình nghi đẻ ra bài thơ ấy, lại là Nguyễn Văn Thuyên, con ông Nguyễn Văn Thành , Trung quân Đô thống chế, tước Quận công,(^) hiện đang làm quan to nhất trong triều.

            Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở những tiếng “ bị vu cáo hoặc tình nghi” bởi duyên do vụ án chỉ là chuyện tư thù nhỏ mọn gây ra,  nhiều chỗ mập mờ khuất khúc, đáng làm cho ta ngờ vực , trong sử chép cũng chẳng thấy chỗ nào chứng thực có phải nguyễn Văn Thuyên là tác giả bài thơ hay không?” Tất cả câu chuyện chỉ có vậy.

 Học giả Đào Trinh Nhất đóng vai quan tòa luận tội và kêt tội qua  2 kết luận:

a. Nôi dung 14 chữ:  Thử hồi nhược đắc Sơn trung tể

                                    Tá ngã kinh luân chuyển hóa di

 Hoàn toàn đủ căn cứ khép tác giả 14 chữ đó vào trọng tội phản nghịch.

b. Nhưng truy trong chính sử  triêu Nguyễn( Đại Nam Thực lục chính biên) cũng không tìm ra dấu vết chứng rằng Nguyễn Văn Thuyên là tác giả bài thơ trên!

Thế cho nên tác giả  cho rằng đây là một kỳ án oan trái, kẻ bị vu cáo hoặc tình nghi là Nguyễn Văn Thuyên!

Còn học giả Trần Trọng Kim xét nguyên do và kết cục vụ án: ” Bài thơ…” này như sau:”Tưởng bài thơ này là lời lẽ của người thiếu niên nói ngông mà thôi,không ngờ tên Hiệu đưa cho  Nguyễn Hữu Nghi(*) xem. Hữu Nghi xui tên Hiệu đi cáo với Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt vốn ghét Nguyễn Văn Thành, nay thấy bài thơ này, nắm lấy đem vào tâu vua, vua sai bắt Nguyễn Văn Thuyên đem bỏ ngục. Bấy giờ triều đình nhiều người bề tôi ông Thành. Một hôm bãi triều rồi, ông Thành chạy theo nắm lấy áo vua mà kêu khóc rằng: Thần theo bệ hạ từ thuở nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xé, Bệ hạ nỡ lòng nào ngồi nhìn để người ta giết thần mà không cứu..

 (^) Nguyễn Văn Thành ( 1757- 1817) Danh thần đời vua Gia Long, quê huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. thân phụ là ông Nguyễn Văn Hiền, vào cư ngụ đất Gia Định. Thuở nhỏ cùng cha theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, được phong làm cai đội, sau lên đến chức Khâm, Tiền quân, chưởng cơ. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, ông được liệt vào bậc khai quốc công thần, tước Quận công.

         Năm 1804, vua Gia long cử ông làm Tổng trấn Bắc thành trông coi mọi việc ở Miền Bắc, chức như một “Phó vương”. Năm 1811 về Kinh giữ chức Trung quân rồi làm Tổng tài trong việc biên soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ.

 Theo một số  tư liệu văn học ông là tác giả bài  Văn tế tướng sĩ trận vong và tuyên đọc tại Đàn tế nghĩa sĩ ở Thăng Long hồi năm 1802. Năm 1817 ông bị vua Gia long khủng bố đến độ băt ông uống thuốc đọc chết do một bài thơ với ngôn từ khẩu khí của con trai ( Nguyễn Văn Thuyên).

 

 

 

 

 

 

 

4

Vua Thế tổ giật áo ra đi vào cung , rồi từ đó cấm không cho ông Thành vào chầu nữa, và sai Lê Văn Duyệt đem con Nguyễn Văn Thành ra tra hỏi và bắt phải nhận tội. Nguyễn Văn Thành sợ tội, uống thuốc độc mà chết,còn Nguyễn Văn Thuyên bị chém.(4)

 Người viết bài này xin đặt một câu hỏi cho Trần Tiên sinh: Nguyễn Văn Thuyên là con một vị quan đầu triếu, vị đó từng là Tổng tài biên soạn Bộ HOÀNG VIỆT LUẬT LỆ ( Luật Gia Long) (**), Thuyên từng đi thi hương và đậu cử nhân, chả lẽ anh ta vẫn là “người thiếu niên ngông cuồng “ư? Thế cho nên  xin trở lại lời đề từ bài viết của Đào Trinh Nhất”…Có lẽ quả báo ông Thành làm bộ luật Gia Long” là nghĩa làm sao?

Duyên do là: sau khi đánh bại quân Tây sơn, đưa giang sơn về một mối, 1802 Nguyễn Phúc Ánh (1762- 1820) lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long. Từ đây ông phải đảm đương rất nhiều công việc trọng đại, mà luật pháp là một trong những vấn đề  dược ông đặc biệt quan tâm. Ông đã ra lệnh  triều thần biên soạn một bộ luật nhằm làm công cụ cho việc trị nước lâu dài. Người đứng đầu công việc soạn thảo bộ luật này là Tiền quân Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1757- 1817)  làm Tổng tài và có sự chỉ đạo trực tiếp của vua Gia Long, Dưới quyền Nguyễn Văn Thành là hai vị: Vũ Trinh (1769-  1828) và Trần Hựu , trực tiếp  biên soạn bộ luật có tên Hoàng Việt luật lệ  thường gọi là luật Gia Long. Bộ luật lắm cái đặc sắc nhưng đặc biệt có chi tiết này liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Thuyên. Trong bộ luật Gia Long, cái khoản “Yêu thư, yêu ngôn”( sách bậy, lời bậy) (*). là do ông Thành bê nguyên từ bộ  luật Càn Long bên Tàu vào.  Bốn chữ vắn tắt mà phạm vi rất rộng, mục đích cốt để kiềm chế dư luận. Phàm những thơ từ sách vở, lời nói, câu văn, có ý chỉ trích xa xôi hay động phạm bóng bẩy đến triều đình, đến thời cuộc đều coi là yêu thư, yêu ngôn, bị trừng trị nặng, có thể tới cực hình. Một chữ dùng không cẩn thận, một tiếng nói không giữ gìn, người ta muốn bẻ ngay thành công cho vào  tròng luật ấy cũng được. Cụ lớn làm luật, người được nếm mùi căy đắng của điều khoản “yêu thư, yêu ngôn”trước hết, là cậu ấm Thuyên nhà ta! Đúng là “Vẽ vòng lại tự dậm phải vòng”.

………………………………………………………………………………………………………….

 (*)  Nguyễn Hữu Nghi là môn khách của  Nguyễn Văn Thành, giúp Thành công việc văn thư. Nghi mong sớm được cất  nhắc, nhưng không được như ý, đâm ra oán Thành. Vì phạm lỗi Nghi bỏ trốn, ghim oán trong lòng. Lê Văn Duyệt đồng liêu với Thành, từng bị  Thành khinh, thu nạp Nghi, thăng Nghi làm Thiêm sự  Bộ hình để tăng thêm vây cánh, tìm dịp rửa hận. Nghi lai thu nạp Nguyễn Trương Hiệu, nâng đỡ Hiệu và tìm cách sắp xếp để Hiệu trở thành người nhà của Nguyễn Văn Thuyên. Từ đó Hiệu trở thành nội gián của Nghi và Duyệt.

(**) Hoàng Việt Luật Lệ ( Luật Gia Long) là một trong 2 bộ luật lớn nhát của chế độ phong kiến Việt Nam.( Bộ luật trước đó là bộ Lê triều hình luật – Luật Hồng Đức). Có thể nói Luật Gia long là một bộ luật đầy đủ nhất của nền cổ luật Việt Nam. Bộ luạt này tuy có tham khảo bộ Thanh Luật đời Càn Long nhưng không hoàn toàn chép nguyên mà có nhiều sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh của Đại Nam…

 

5

Kết 1.          

     -      Yêu thư, yêu ngôn là “đặc sản” của luật pháp cai trị ở Trung Hoa mọi thời.

-         Thời quân chủ chuyên chế: Năm 221 tr CN, Tần Thủy Hoàng lần đầu tiên thống nhất Trung quốc- nhờ thực hiện chính sách pháp trị của Hàn Phi, dùng kế của  thừa tướng Lý Tư: một mặt thống nhất văn tự trên toàn cõi đế quốc, mặt khác dùng chính sách “ Phần thư, khanh Nho”( đốt sách chôn Nho) để độc tôn một ý thức hệ. Bao nhiêu sách của bách gia chư tử đều phải đốt hêt, trừ sách bói ( thiên văn, địa lý. Thuật số), sách thuốc (Y thư) và  bộ Hàn Phi Tử.

-         Đời Càn Long (1736- 1795) Nhà Mãn Thanh- tập đại thành toàn bộ tinh hoa của Văn minh Trung quốc- có khoản “yêu thư yêu ngôn” ghi rõ trong bộ hình luật.

 .    Thời dân chủ chuyên chế.  Mao Trạch Đông người khởi xướng trận cuồng phong Đại Cách mạng văn hóa , đã mang lại bao thảm họa cho nhân dân Trung Quốc (^ ^)

 .    .      “Đặc sản” Yêu thư, yêu ngôn của Trung quốc được một số nước ( hiển nhiên chỉ những nước có chế độ cực quyền toàn trị) học tập, áp dụng, phát huy,  để lại vết nhơ  phản văn hóa, phản dân chủ tại các quốc gia này.

………………………………………………………………………………..

 (^^) Cách mạng văn hóa ( trích từ: Nguyễn Hiến Lê. Sử Trung Quốc tập II tr 201 – tr 209. NXN Văn hóa TT- 1997)

Mao cho in không biết bao nhiêu triệu bản ( có sách nói là 740 triệu, không tiền  trong lịch sử nhân loại) một tập Sách Đỏ truyền bá tư tưởng của ông.

         Ông cho rằng bước nhảy vọt và Công xã nhân dân của ông thất bại, ông chịu nhận là thất bại rồi, chịu nhận rằng những thống kê của cán bộ công xã là láo toét;  vì được sống mấy năm sung sướng trong hòa bình, cán bộ đã hủ hóa, mất tinh thần cách mạng năm 1935 ( năm xẩy ra cuộc Vạn lý trường chinh), thành một bọn công chức tiểu tư sản, sợ khó khăn, biếng nhác… Vậy phải làm lại cách mạng, đưa hết bọn cán bộ ,trí thức, học sinh về sống với dân quê, vào trong các nhà máy sống với thợ thuyền, lao động cực khổ, để cho tinh thần cách mạng của họ phục hồi lại. Họ phải có tinh thần chịu nghèo, thích nghèo, thich làm công việc tay chân không thèm dùng máy móc của bọn tư sản, không chuyên môn hóa, luôn luôn chống bọn thư lại, tiểu tư sản. Như vậy là thay đổi cả một nền văn hóa cho nó trở thành một nền văn hóa bần cùng, vô sản, lao động. Mao dùng từ “văn hóa” theo nghĩa ấy.

        Cứ khoảng 10 năm lại phải làm lại cuộc cách mạng văn hóa đó, cho tới trăm năm, nghìn năm, nếu ngưng lâu, con người lại hủ hóa, tư sản hóa, lại có giai cấp đấu tranh. Vậy cách mạng văn hóa đó phải thường trực tuyệt đối.

         Từ khi có loài người  tới nay, chưa ai có ý nghĩ  làm một cuộc các mạng như vậy, thay đổi hẳn 600 triệu người ( sách này tác giả viêt vào thơi  điểm những năm 70 thế kỷ trước), bắt họ thụt lùi lại, sống thời trung cổ hay thượng cổ nữa.

        Cuốn Sách Đỏ của Mao chỉ lớn bằng bàn tay, bỏ túi được. Bọn Hồng Vệ binh nhiều kẻ chỉ 15 - 16 tuổi phải học thuộc tập đó, rồi đi khắp nơi, tới những hang cùng ngõ hẻm, truyền bá tư tưởng của Mao, triệt hạ kẻ nào dám chống đối.

         Ngáy 18,8.1966 mấy trăm ngàn Hồng vệ binh họp nhau ở quảng trường Thiên An môn ( Bắc Kinh) để tỏ lòng trung thành với Mao, rồi chia nhau thành từng đoàn đi khắp các tỉnh, vênh váo ra lệnh cho người lớn, dạy bảo hạng người bằng tuổi cha ông chúng. Chúng thấy sách là đốt, vì sách nào cũng lạc hậu, nếu không phải là phản động và đồi trụy . Mới 4-5 giờ sáng, chúng đã cho  máy tăng âm chạy oang oang, nhồi vào tai thiên hạ tư tưởng của Mao

 Các tiệm sách phải đóng cửa hết. Trong sáu năm liền không in một cuốn sách nào cả, trừ tập Sách đỏ, để đôc tôn truyền bá tư tưởng của Mao.và ít cuốn về kỹ thuật… Đúng là chính sách Tần Thủy Hoàng ngày xưa. Muốn  kiếm một bộ Tam Quốc chí  hay Thủy hử cũng không có. Trong các thư viện người đọc sách chỉ được mượn những cuốn sách ngoại quốc đã được lựa chon kỹ: Balzac, Zola. Dickens “ những tác giả chứng nhân của thời đại mục nát, tan rã của giai cấp tiểu tư sản”. Gorky và Maiakovsky đứng hàng đầu vì họ ca tụng vô sản.

Người ta duyệt lại các giá tri văn hóa cũ của nhân loại: Shakespeare, Mozart, Beethoven, Bach bị đả kích, ngay Tolstoi. Hugo trước kia được coi là tiến bộ nay cũng bị mạt sát.

6

  Sáu năm sau (1972) mới bắt đầu cho in lại những truyện như Hồng lâu mộng, Tam quốc chí, Ba tăm bài Đường thi…và các bản dịch L esprit des lois của Montesquieu,  Histoire de la guerre de Péloponnese của Thueydide,

La ecritique de la raision pure của Kant. Tức thì  thiên hạ xô lai mua, còn những tiệm bán sách của Mao, Marx, Lenine thì vắng teo  ( Alain  Peyrèfette – Quand la Chine s escveillera- tr 121)

Các đền đai, viện bảo tàng đóng cửa hết, có nơi làm kho chửa rác, làm trại lính. Bảo vật , nhất là tượng, bị  phá hủy. .

 Dân chúng có đồ cổ, tranh cổ cúng phải chôn cất đi; bọn hồng vệ binh lau nhau có thể vào đập phá. Những tàn tích của thời phong kiến đó, ai còn giữ thì coi là phản động. phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới mà. Về sau bị báo chí phương Tây chê là không biết quý trọng di sản quý báu của dân tộc, Mao mới sửa sai, cho khai quật một lăng tẩm của vua chúa đời Minh, được rất nhiều cổ vật, đem qua Tây Âu triển lãm để thế giới thấy rằng Mao không vong bản. Lúc đó, Mao cần lấy lòng Tây phương để được vào Liên Hiệp Quốc (1971). Đồng thời với công việc phá hủy đó, Mao bắt thi dân phải về nông thôn, sống với nông dân, làm việc với nông dân. Thật là một phong trào di dân vĩ đại. Ở Thiên Tân hơn40.000 học sinh trung học và trên 10.000 sinh viên đại học về nông thôn. Nhưng tỉnh Giang Tây mới đáng làm kiểu mẫu: trên 720.000 người ( 130.000 cán bộ, giáo viên, y sĩ) về nông thôn, chia làm 12.000 đội sản xuất như nông dân. Các nhân viên hành chính giảm xuống còn 1/5, còn 4/5 về nông thôn. Chỉ khó cho các công xã nhân dân phải nuôi họ, kiếm chỗ ở cho họ.

            Các nhà bác học may mắn hơn, còn được tiếp tục khảo cứu, nhưng không được ở thị trấn gần thư viện, trong các “labo” nữa, cũng phải về đồng ruộng, hoặc vào các xưởng xem nông dân, thợ thuyền cần gì thì cùng tìm tòi với họ về cái đó.

             Giáo sư Đại học phải đi hốt phân, đổ vào một xe “bù ệt” (như xe kut kit) đẩy đi.  Quách Mạt Nhược bảo” văn minh phải từ phân mà ra, từ khi bọn du mục biết rằng phân ngựa, phân cừu của họ chôn xuống đất làm cho cây cỏ tốt tươi”, họ Quách bác học và thông minh thật.

             Các giáo sư chở phân ra ruộng đổ phân xuống ruộng rồi dùng hai tay nhồi đất và phân cho thật đều, thật nhuyễn, để có sự hòa hợp mật thiết giữa đất và phân thì kết quả mới tốt. Có nơi còn tổ chức một cuộc tiếp đón linh đình, đủ kèn, trống, cờ biểu ngữ, để đón một ngàn xe “bù ệt” phân tới.  Có hốt phân thì mới là “hồng” cả “chuyên “ nữa chứ và phải làm sao cho tụi  trí thức thấy “sung sướng rằng mình không còn là trí thức nữa”, thì cách mạng mới thành công (A.Peyrefette sách đã dẫn)

             Chính Chu Ân Lai làm gương. Tôi đã thấy một tấm hình, không nhớ ở sách báo nào, chụp Chu đẩy một chiếc xe chở đồ. Mật ông bình tĩnh nhưng không tươi cười như tiếp khách ngoại quốc. Đúng là truyền thống từ đời Nhà Chu: thời xưa, đầu năm thiên tử ra ruộng,  cày một luống để mở đầu công việc đồng áng cho dân; bây giờ đại thần (Chu) thay thiên tử (Mao), chỉ khác thế thôi..

              Mục đích của Mao là nghiền các giai cấp, trộn lộn làm một, chỉ còn một thôi. Công việc của nông dân, thợ làm cũng được, và ngược lại; công việc của giáo sư, y sĩ, bác học… nông dân và thợ làm thay cũng được, và ngược lại, công việc hốt phân, cày ruộng, xây nhà, đập đát… nhà trí thức nào làm cũng được. Cũng là truyền thống nữa: Khỏng Tử chẳng bảo từ 2500 năm trước rằng “ sĩ khả bách vi”: ( kẻ sĩ tức hạng trí thức có thể làm được mọi việc ) đấy ư. Nhưng Khổng Tử đáp Phàn Trì, một môn đệ của ông muốn xin ông chỉ cho nghề nông. “ Ta không bằng một lão nông”. Vây Khổng Tử còn trọng chuyên môn, còn Mao thì muốn diệt cả sự chuyên nghiệp,.

             Các trường Đại học đóng cửa luôn 4 năm từ 1966 đến 1970, khi mở cửa trở lại thì rút ( thời gian đào tạo) từ 4 năm xuống còn 2 - 3 năm (Việt Nam trươc năm 1960, ở Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Vinh , sinh viên chỉ học 2 năm là cấp bằng tốt nghiệp rồi, có lẽ Trung Quốc học tập Việt Nam chăng?). Muốn được tuyển vào thì phải giỏi về ý thức hệ, phải thuộc và biết áp dụng tư tưởng của Mao, phải biết sống chung với dân chungs, phải có tinh thần phục vụ giai cấp vo sản.

 Học hết trung học (trươc 6 –7 năm nay rú xuống còn 4 - 5 năm), phải thực tập trung bình ba năm hoặc trong xưởng, hoặc ở đồn ruộng. Con  nông dân, thợ thuyền, binh lính không bắt buộc có bắng cấp gì cả. . như vậy mới là đúng  với lập  trường giai cấp.

 Chương trình thay đổi hẳn: nhiều môn bỏ hoặc giảm ( như sử học, văn học); mấy môn thêm, như canh nông ( lí thuyết và thực hành), văn hóa và cách mạng thì sinh viên mọi nghành đều phải học. Về canh nông  tất nhiên ifta đưa nông dân lên làm giáo sư; khổ cho họ ( nông dân) chứ họ không cho đó là vinh dự. Hậu quả lại sau cuộc cách mạng: tôn giáo bị dẹp. các chùa chiền, thánh đường Hồi và Ki Tô phải đóng cửa, báo chí bị rút giấy phép; các rạp hát trong toàn quóc chỉ diễn đi diễn lại  6-7 vở tuồng ( trên tổng số là 50.000 vở), và vở Bạch mao nữ được diễn nhiều nhát và được dựng thành phim.. Vô số trí thức thất nghiệp, bỏ nghề. Họ không được đào tạo thêm; năm sáu năm sau, khi tình trạng bình thường trở lại trung hoa thiếu kỹ thuật gia một cách trầm trọng. Có tỉnh lớn bằng nửa nước ta mà trong giới lãnh đạo khong iếm ra mười cán bộ có bằng cấp đại học; một nửa số cán bộ không hiểu nổi tài liệu của Đảng. Bộ chính trị. ủy ban trung ương Đảng không ai có bằng cáp cao. Trên số 11,3 triệu cán bộ thì 7 triệu bị đàn áp, non 2 triệu bị xử tử, nên phải tuyển thêm 20 triệu đàgr viên.

           Một số nhà văn bị nhục, phải tự tử như Lão Xá, hoặc phải trốn ra nước ngoài, còn đa số phải tự phê như Quách Mạt Nhược. Quách năm đó  đã 70 tuổi, tuyên bố: “ Theo các tiêu chuẩn hiện nay, những gì tôi viêt ra trước đây không có giá tri gì cả và đáng đem đốt hết… Nhờ nghiên cứu các tác phẩn của Mao Chủ Tịch, thợ thuyền, nông dân, binh sĩ viết hay hơn tôi”.

  ( Nhưng trước sau chúng ta có thấy một tác phẩm nào của ba giai cấp đó đâu)

  Có lẽ Quách hơi ức nên dùng mấy tiếng hạn chế: “ theo các tiêu chuẩn hiện nay”, và bọn vệ binh đỏ hiểu ý tại ngôn ngoại của “ quân chủ bại”, là “tên văn sĩ phản động con đẻ của gia đình phong kiến”. Quách là Viện trưởng Viện khoa

7

học Trung Quốc nổi tiếng khắp thế giới, mà còn bị như vậy; thì Đinh Linh, Mao Thuẫn, đâu được tha. Ngay Chu Dương, người từ trước là phát ngôn viên  của Đảng về văn hóa          , mà cũng bị kết tội là mê say văn nghệ tư sản thế kỷ XIX, là phản cách mạng, đề cao Kroutchev, là” cáo già, rắn độc” (Theo  K.S  Karol  trong  La Chine de Mao –

 Robert Laffont 1966).

         Báo chí Trung Quốc gần đây bảo cuộc cách mạng đó đã giết 20 triệu người. Không biết nhà cầm quyền

(Đặng Tiểu Bình và bộ hạ) có phóng đại để két tội bọn tay sai của Mao, tức bọn bốn tên; Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt ( thư ký riêng của Mao),Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên ( nên kể thêm Giang Thanh , vợ Mao nữa). tức bốn hung thần trong vụ cách mạng văn hóa không;?

        Một nhà báo Tây phương ví Mao với Tần Thủy Hoàng, Mao đáp: “Tần Thủy Hoàng chỉ giết có 466 kẻ sĩ. Còn tôi, tôi đã giết 46.000 trí thức, tôi hơn Tần Thủy Hoàng cả trăm lần chứ”.

        Ngày nay Mao đã chết , chính sách của Mao đã bãi bỏ, nhưng dù ghét Mao cũng chưa ai dám đập thần tượng Mao.

        Rốt cuộc mao chỉ muốn tố cáo, hại nhứng kẻ thù của ông: Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, nhất là Lưu, kẻ đã chiếm  ngôi Chủ Tịch Hội đồng Nhà nước của ông, nên phải tìm ra một lý thuyết mới: Cách mạng thường trực, mớm cho bọn con nít là vệ binh đỏ đẻ chúng mạt sát, trừng trị bọn tay sai, hoặc có cảm tình với Lưu ở các tỉnh, nhưng tuổi trẻ hăng quá, chỉ trong một tháng, từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9. 1966, chúng tố cáo lung tung, kết tội gần hết các nhà cầm quyền địa phương và bọn này phải phản ứng, cũng tổ chức Hồng vệ binh ở địa phương để diệt Hồng vệ binh trung ương, sinh ra loạn khắp nước, nhất là ở Bắc Kinh, Vũ Hán, thượng Hải, hai bên đâm chém nhau. Các nhà cầm  quyền địa phương lại thừa dịp tách ra, không chịu nhận mệnh lệnh. Trung ương nữa, muốn tự trị. Bắc kinh vội vàng phải nắm lại Hồng vệ binh, dùng quân nhân dạy bảo chúng, bắt chúng vào kỷ luật.

        Chu Ân Lai cúng cảnh cáo chúng là chúng chỉ có nhiệm vụ lật đổ những kẻ chính phủ chỉ cho, chứ không phải lật đổ chế độ.   Riêng thị trấn Thiên Tân, người ta đưa hàng vạn Hồng vệ binh về để được cải tạo, để bần nông dạy dỗ cho.           Đến phiên chúng phải gánh phân, nhồi phan, trồng cải bẹ ( món ăn chính của bình dân Trung Quốc.cũn như rau muống ở Băc Việt). Thế là hết nạn Hồng vệ binh.

         Nhưng chúng ta nên công bằng: Cách mạng văn hóa Trung Hoa có điển đáng khen là nghieenc]ú Y học cổ truyền, nhất là khoa châm cứu, thực hiện cải thiện phương pháp, thực hiện được nhiều tiến bộ, làm được một số giải phẩu  khỏi dùng thuốc mê, thuốc tê, được người Tây phương khen  và hiện nay môn đó  bắt đầu phát triển ở vài nước như Pháp, Việt Nam.( 3) 

 

 

 

 

  

 

8

2/  … Vụ Phá “Bia ghi thơ lãnh tụ”:

  Trong những ngày đầu thu năm 2011, trên một số phương tiện thông tin đại chúng (báo mạng, báo  giấy)  rộn lên tin -  chứ không chỉ phong thanh như hồi đầu thế kỷ XIX- tin yêu cầu trả lời câu hỏi” Ai ra lệnh đục bỏ và lý do đục bỏ văn bia ở đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết – Thành phố Vinh-  văn bia này khắc lời thơ của Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết về vua Quang Trung!

       Có vẻ như giới lãnh đạo văn hóa, tư tưởng Nghệ An vẫn ứng xử theo cung cách “văn hóa im lặng “ – văn hóa của xã hội không văn minh-

. .Vậy thực chất vụ việc “ Phá bia …” là sao?

    Nguyên ở  đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết có hai nhà bia. Nhà bia bên hựu treo trồng và dựng  một tấm bia khắc ghi ” Công trạng vua Quang Trung”, nhà bia bên tả treo chuông và dựng một tấm bia khăc ghi “ Chủ tịch Hồ Chí Minh viêt về Quang Trung “. Đây là thực trạng trong quá khứ không xa, nay cả hai bản văn bia đã bị đục bỏ thay bằng các bản văn khác( ở đây không bàn nội dung các bản văn mới này).

Chúng ta bình tĩnh ngẫm nghĩ  rắng  bản văn bia” Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về  Quang Trung” có những vi phạm gì đến những khuôn phép của  hệ tư tưởng chính thống không?  Xin ghi  lại toàn bộ nội dung bản văn bia đó:

 Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường,

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu.

Ông đà  chí cả mưu cao,

Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.

Cho nên Tàu dẫu làm hung,

Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà.

(Trích” Lịch sử nước ta- Hồ Chí Minh toàn tập

( 1930 – 1945), tập 3”

Hà nội, Nhà xuấ bản Sự thật- 1983).

Để tiện so sánh với các bản khác, chúng tôi gọi bản này là bản nhà xuất bản sự thật (NXBST). Chúng tôi  cũng đã xác nhận bản văn bia trên đúng như trong Hồ Chí Minh toàn tập- tập 3, NXB Sự thật hà Nội -1983.

 Một thời gian không lâu sau khi khánh thành toàn bộ công trình tưởng niệm bề thế này-(ngôi đền), bắt đầu có những xì xầm nói nhỏ bàn to…về nội dung  các văn bia… Nào là trong lúc quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang khởi sắc, đánh dấu bằng 16 chữ vàng” Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Tiến tới tương lai”,  mà lại nhắc đến quá khứ như: “đánh

 

9

đuổi …giặc Tàu”: “…Tàu dẫu làm hung”, hóa ra ta không thật bụng với  bạn!  Nhất là có ai đó chê Hồ Chí Minh trịch thượng gọi  người anh hùng áo vải chống xâm lăng là “kẻ”. Dư luận trên không phải là chuyên  tầm phào, mà có bằng chứng rõ như ban ngày.

Thì đây: Nhân dịp kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô, Câu lạc bộ Hán- Nôm. Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn cuốn sáchXứ Nghệ với Hoàng đế Quang Trung. Sách do nhà xuất bản Nghệ An ấn hành ( ).  Sách này rất tạp, có nhiều lỗi về  các chứng cứ lịch sử và ngôn từ, Xin nêu chi tiết trái chứng vô cùng của cuốn  sách. Ở trang 9 của sách in bản văn sau;

Nguyễn Huệ là bậc phi thường,

Đã từng đánh đuổi quân Xiêm giặc Tàu.

Ông đà trí cả mưu cao,

 Dân ta lại biết cùng nhau một lòng,

 Cho nên Tàu dẫu làm hung,

Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”                                    

                                            HồChíMinh

Hồ Chí Minh. Thơ. Toàn tập/ Lịch sử nước nhà

   Trích trang 383-383 H. văn học 2004. (4)

Có thê gọi đây là bản Thư viện Nghệ An (TVNA).

Tôi thực sự bị sốc. Thật khó tưởng tượng nổi tại sao những người có tráchnhiệm lại ngang nhiên, sửa lời thơ của Nguyễn Ái Quốc?   Cụ thể các vị biên khảo bản TVNA đã  tự ý sửa:

Kẻ phi thường  thành bậc phi thường;

Giặc Xiêm  thành quân Xiêm;

Chí cả  sửa thành  trí cả;   

Lịch sử nước ta  sửa thành Lịch sử nước nhà.

Chúng ta thấy một đoạn sử ca  6 câu lục bát 42 chữ mà bị sửa 3 chữ ;(chắc vì cho là vụng, cho là không hợp thời, cho là phạm luật tư tưởng văn hóa v v). Bốn chữ bị sửa  thì hai chữ bậcquân là có chủ ý không cần bàn cãi .

Ở đây xin lạm bàn tính “sang” “hèn” của từ “kẻ”; rồi phải đặt Lịch sử nước ta  ra đời trong hoàn cảnh  cụ thể  nào thì  mới giải mạ được vì sao Nguyễn Ái Quốc lại coi Nguyễn Huệ là “kẻ”.

Ai cũng phải nhận: Chuẩn mực dùng tiếng, dùng từ  Việt ngữ  không ai hơn được Nguyễn Du. Chúng ta có thể xem  cách Nguyễn Du đã dùng tiếng “kẻ” như thế nào (5).

Truyện Kiếu có 3254 câu, thì tiếng “kẻ” xuất hiện 15 lần tại các câu 576, 781, 1520, 1523, 2253, 2334, 2437, 2531, 2755, 2841, 1254, 1483

, 1540, 1792, 2885,

10

 nhà thơ đã dùng tiếng “kẻ” trong hai cấu trúc:  

-Cấu trúc đơn ở các câu 1250, 1483, 1540, 1792,

Ví dụ:    Lâm truy từ thuở uyên bay,(1792)

             Phòng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân (1793)                                                                     

-         Cấu trúc biền ngẫu gồm các câu  576, 1520, 1523, 2334, 2437, 2531, 2755,

Ví dụ:     Người lên ngựa , kẻ chia bào(1520)

             Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

              Đau lòng kẻngười đi (782)

              Lệ rơi thấm đá , tơ chia rũ tằm.

Dù ở trong cấu trúc nào, khi từ kẻ đóng vai trò chủ vị, thì kẻngười có thể đổi vị trí cho nhau mà ý nghĩa câu không đổi ( ở đây không bàn đến âm điệu của câu thơ), như câu 782:

 Đau lòng kẻngười đi  =  Đau lòng ngườikẻ đi.

Hoặc câu   Người về chiếc bóng năm canh

                Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi. Có thể thay kẻ về, người đi cho nhau mà nghĩa câu không đổi.

  Còn trường hợp từ “kẻ” kết hợp với một hình dung từ (hdt), thành một từ tổ, như kẻ tiện nhân, kẻ phi thường, kẻ cắp…thí tính “sang” hoặc “hèn” do hdt can dự.

 Ví dụ:  Khi nghe Kiều nhắc nhỏ Thúc Sinh nghĩ đến Hoạn Thư

                    Trộm nghe kẻ lớn trong nhà

                   Ở trong khuôn phép, nói ra mối giường.

 Ta như thấy Kiều run lên sợ hãi cái gia uy của Hoạn Thư.

Rồi khi Hoạn Thư dằn lòng, tức tưởi nghĩ đến quan hệ “bồ bịch”  của chồng:

                   Ví bằng nói thật cùng ta,

                  Cũng dung kẻ dưới, mới là lượng trên.

  Thì rõ đây là khẩu khí bà lớn răn đe bọn a hoàn!

Tóm lại, từ “kẻ” xét trong cấu trúc  từ vụ:

-         Ở chủ vị: kẻ và người ngang nghĩa với nhau..

-         Trong cấu trúc: kẻ + hdt , kẻ thay đổi ý nghĩa ( mức độ sang hay hèn) là tùy hdt.

 Có thể tham khảo thêm các Từ điển.

 Ví dụ trong Tầm- Nguyên Từ- Điển Việt- Nam, tác giả  Lê Ngọc Trụ  thích nghĩa tiếng Kẻ : người nào;

                                 < giả             ( người).  (6)

 

 

11

Từ phân tích trên đây… chúng ta thấy có vẻ như các vị biên khảo của Thư viện Nghệ An có lý,  rằng Cụ Hồ đã hạ bệ Nguyễn Huệ khi Cụ đặt bút:Nguyễn Huệ là kẻ phi thường.

Thật ra không phải vậy thưa quý vị.

Thứ nhất, phải nhớ rằng, thời điểm Cụ Hồ viết Lịch sử nước ta (1942), lúc đó Cụ chưa là Chủ tịch Hồ Chí Minh . Vậy tên của bài văn bia ở đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết là sai sự thật lịch sử.

Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, trong thời điểm  1941 – 1942 là là lãnh tụ của Việt Minh ( Việt Nam độc lập đồng minh) – một tổ chức nhằm tập hợp toàn dân ủng hộ Đồng minh, đánh đuổi Nhật Pháp, đấu tranh giành độc lập của Tổ quốc-…Trần Dân Tiên tác giả sách “ Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịchviết vê tình hình thời điểm đó :” Đồng minh gần nhất và có quan hệ nhất đến việc chống Nhật ở Việt Nam là Trung Quốc. Vì vậy phải tìm đến Trung Quốc. Trong những người cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn là người hiểu biết Trung Quốc và người Trung Quốc hơn hết. Vì vậy mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung Quốc. Đi bộ đến Trùng Khánh ( Thủ phủ của Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch). không phải là việc dễ dàng. Nhưng ông Nguyễn nhận lời ra đi. Để đánh lạc hướng bọn mật thám, ông Nguyễn lấy tên là Hồ Chí Minh, và từ đó người ta gọi ông Nguyễn là Cụ Hồ…Đi liền 10 đêm, 5 ngày Cụ Hồ đến một thị trấn Trung Quốc, chưa kịp nghỉ chân thì chiều hôm đó Cụ bị bắt.”(một số tài liệu nói Cụ Hồ bị bắt vào  một ngày tháng VIII – 1942. (7).

     Những thông tin trên đây cho ta khẳng định rằng: tên goi Hồ Chí Minh chỉ xuất hiện vào tháng VIII năm 1942. Vậy tác giả “Lịch sử nước ta”phải là Nguyễn Ái Quốc.

Cần lưu ý, trong thời gian này,  Việt Minh đang muồn bắt tay với Quốc dân đảng ( trong mặt trận chống phát xít Nhật), mà chưa có quan hệ gì với Trung Hoa cộng sản cả ( lúc này - 1942- Mao Trạch Đông đang bận Tọa đàm văn nghệ ở Diên An!). Thế thì những cụm từ “giặc Tàu”, “ Tàu dẫu làm hung”trong “Lịch sử nước ta”, Nguyễn Ái Quốc không hề chỉ Trung Hoa Dân Quốc, lại càng  không phái chỉ Trung Hoa cộng sản . Nên ai đó trong giới lãnh đạo văn hóa Nghệ An sợ tổn thương đến “16 chữ vàng”, rồi phá  bỏ bia ghi thơ lãnh tụ, thì rõ là hoang đường, mù lòa lịch sử dân tộc..

Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn đứng trên lập trường chống đế quốc và chống phong kiến, Nguyễn Huệ dù có công “ đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu” , thì vị hoàng đế Quang Trung sớm  muộn cũng đi theo

12

vết xe  đổ của các triều đại phong kiến trước đó, vậy dưới con mắt Nguyễn Ái Quốc lúc đó, Nguyễn Huệ chỉ là Kẻ phi thường  mà thôi.

Trong lịch sử thế giới có câu chuyện tương tự sau đây:

 Suốt năm 1802 nhạc sĩ  Beethoven sáng tác và hoàn thành Bản giao hưởng số 3, lúc đấu ông định lấy tên “ Bô- na pác” đặt cho tác phẩm.  Trong hồi ký của mình, một học trò của ông kể: Bản giao hưởng này ra đời gắn liền với tên tuổi Bô- Na- Pác, khi ông ta còn là vị Tổng tài thứ nhất. Beethoven đánh giá rất cao  Bô- Na- Pác và so sánh ông ta với nhứng vị Tổng tài vĩ đại nhất của Thành La mã. Tôi cũng như nhiều người bạn thân thiết của Beethoven thường nhìn thấy tập tổng phổ  bản giao hưởng này đặt trên bàn nhạc sĩ; ở trên có ghi” Tặng Bô-Na-Pác”, và ở dưới ký tên” Lut- vích- van  Be,tô ven” chỉ có vậy, không thêm một chữ nào… Tôi là người đầu tiên báo cho Beethoven biết tin Bô na pác tự xưng hoàng đế . Beethoven rât phẩn nộ và nói:”Thì ra y cũng chỉ là một con ngươi tầm thường! Bây giờ y sẽ chà đạp lên mọi nhân quyền, chỉ sẽ phục tùng lòng hiếu danh của mình, y sẽ đứng cao hơn tất cả, và sẽ trở thành một tên bạo chúa” Beethoven bước tới bàn làm việc, giật lấy tờ bìa, xé toạc từ trên xuống dưới và ném xuống đất.”. (9).

Kết 2

Từ vụ án “ Bài thơ giết ngươi” 1817 đến vụ… “ Phá bia ghi thơ lãnh tụ “ 2011 là bao năm nhỉ?                          

 Kết quả vụ án :  hai cha con một vị Danh thần bị tội chết, mà lý do là sự vận dụng “yêu thư, yêu ngôn”- một điều khoản tha hồ tùy tiện vân dụng- và người vận dụng  đã cố ý tận dụng đến cùng. Không thể  luận tội và buộc tội “đúng luật” hơn như ông Đào Trinh Nhất đã kết luận.

Ông Đào chỉ đánh một dấu hỏi to là bài thơ  mang ra luận tội có thưc của Thuyên không, mà không thấy ghi trong chính sử? Nên ông gọi án này là nghi án.

Còn vụ “Phá bia ghi thơ lãnh tụ” cho tới thời điểm này (tháng 9 năm 2011), vẫn chưa thành án chắc vì nhiều lý do, nhưng chắc vì không có khoản nào trong bất kỳ bộ luật nào của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam  liên quan đến vụ …việc này. Phải chăng  luật pháp thời dân chủ khoan hòa hơn thời quân chủ? Điểm cuối cùng nên nhớ Vụ việc xẩy ra trong lúc toàn Đảng toàn dân ta đang ra sức học tập “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”., thì vụ việc trở thành vụ nghi án!

                                                               Những ngày mưa tháng 9 năm 2011

                                                                   Đào Văn Khởi

                                                                  Email <daovankhoi2009@zing.vn>

 

13

Tác phẩm tham khảo

      1. Đào Trinh Nhất      Việt sử giai thoại                   

                                          Nhà xuất bản  Tân-Việt Sài – Gòn -1942

      2 Trần Trọng Kim      Việt Nam sử lược

                                          Nhà xuất bản Văn Hóa TT-1999

      3. Nguyễn Hiến Lê      Sử Trung Quốc –tập II-

                                          Nhà xuất bản Văn Hóa- TT – 1997

       4. Thư viện Nghệ An - Câu lạc bộ Hán Nôm .

                                     Xứ Nghệ và Hoàng Đế Quang Trung                                                                                                 

                                           Nhà Xuất bản Nghệ An -2008

       5   Nguyễn Du            Truyện Kiều

                                           G.S Nguyễn Thạch Giang Khảo đình và chú giải

                                           Nhà xuất bản Giáo Dục -1986

       6.  Lê Ngọc Trụ           Tầm nguyên Tứ điển Việt Nam 

                                            Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh-  1993

       7.  Trần Dân Tiên        Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch

                                            Nhà xuát bản Giáo dục -1976

       8 .  Hồ Chí Minh    -     Toàn tập -  tập 3

                                             Nhà xuất bản Sự thật-1983

                                        -    Nhật ký trong tù

                                             Nhà xuất bản Giáo dục -1993 

        9.  A.Al-Swang            Lut vich van- Beethoven

                                              Người dịch Lan Hương.

                                              Nhà xuất bản Văn Hóa Hà Nội-1977

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.