Nov 21, 2024

Biên khảo

Viên Mai và thi thoại
Đào văn Khởi * đăng lúc 07:12:13 AM, Jul 20, 2011 * Số lần xem: 4159

                                                                                         Đào Văn Khởi

 

Viên Mai là tên tuổi lớn trong văn học cỏ điển Trung Quốc, là đại diện nổi danh nhất của văn học đời Thanh. Độc giả Việt nam biết Viên Mai là nhờ thông qua một tác phẩm phê bình văn học:”Tùy viên thi thoại”. Vậy...

 

 

 

.Viên Mai  袁枚  là ai?

 

 

 

Ông tự Tử Tài 子才, hiệu là Giản Trai , đời gọi ông là Tùy Viên tiên sinh (*)      ( 1716 – 1797), tính tình rất mực phong nhã, đôi khi phóng đãng. Ông và Vương Sĩ Trinh 王士禎 ( 1631 – 1711) là hai thi hào nổi danh nhất đời Thanh. Mỗi người có một quan niệm thơ riêng. Vương chủ trương thơ phải có thần vận, nghĩa là lời và điệu phải cao nhã, thanh tân. Cùng với Triệu Chấp Tín  執信, Thẩm  Đức Tiềm  沈德.. Viên Mai đưa ra một quan niệm thơ hơi khác với Vương. Ông chủ trương thuyết tính linh. Đại ý  nói Thơ là biểu hiện tính linh của mõi người: nếu bó buộc theo lối Đường, Tống thì trong lòng mình không có gì riêng và như vậy làm mất cái bản ý của thơ. Lời đó xác đáng. Ông chê thơ  đương thời có ba bệnh:

- Bệnh thứ nhất là dùng điển quá nhiều, thành thử bài thơ đầy tử khí, mà tác giả lấy đó tự khoe là học rộng.

- Bệnh thứ nhì thiếu uẩn khúc, tác giả cứ nói thẳng ruột ngựa, mà lại tự khoe là thành thực.

- Bệnh thứ ba là quá chú trọng đến thanh điệu, lấy bằng trắc mà định giá trị của thơ.

Viên Mai đứng đầu phái Giang Tả, danh tiếng vang lừng trong đời Càn Long ( 1736 - 1797). Về văn thơ,  loại nào ông cũng thành công.

Có người phê bình ông

                       

Kỳ nhân dữ bút lưỡng phong lưu

                           .

Hồng phấn  thanh san bạn bạch đầu

Ý muốn nói: Thơ văn ông cũng phong lưu như ông, ông thì đầu bạc mà bạn với khách má hồng, núi xanh. .

**************

   (*)   Về tên hiệu Tùy Viên Tiên sinh ; Năm Càn Long thứ 13 (1748), ông mua lại khu biệt thự của một viên quan người Họ Tùy ở núi Tiểu Thương thuộc Giang Ninh (gần Nam kinh ngày nay).  Nguyên khu biệt thự này nằm trong khuôn viên rộng, chủ cũ gọi khu này là Tùy viên. Viên Mai cũng đặt khu biệt thự của mình sau khi tu tạo là Tùy Viên, nhưng hai chữ Tùy khác nhau, chữ tùy, họ chủ cũ, giống chữ chỉ triều Tùy( 581- 618)-                      , còn chữ Tùy  trong Tùy Viên do Viên Mai đặt, lại có nghĩa tùy ý, thuận theo.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Người khác khen:

 

 

           

Cổ kim chi  thử  sổ chi bút

            

Quái tai, quân dĩ nhất thủ trì

Nghĩa là  xưa nay chỉ có vài cây bút đó ( Lý, Đỗ , Liếu, Âu, Tô ….)(*), mà lạ thay một tay ông cầm lấy hết! ( Ông có đủ tài của các nhà đó)

***

(*) Lý Bạch (701-762), Đỗ Phủ (712-770): Thi tiên,,Thi thánh đời Đường

Hàn Dũ(768-824), Liễu Tông Nguyên(773-819): Hai đại văn hào đời Đường.

Tô Đông Pha( 1037-1101) Đại văn hào đời Tống.

 

 

 

Thơ ông đôi lúc có chút cách điệu tự do, hoặc có ý tưởng tân kỳ, phóng dật như 3 bài sau. Ông học đạo trường sinh. Một người bạn tặng ông cuốn kinh luyện đan, ông nhìn họa đồ trong sách, cao hứng  viết nên bài này giọng đùa cợt, ngạo mạn:

 

 

 

     

 

           

            

             

              

              

           

然笑

……………………….

         

                

                  

 

 

Đan kinh đồ

Bàn cổ hốt nhiên tử,

Hồng hoang nhân nhất kinh,

Thần Nông dục cứu chi,

Thường thảo khấu bất đình,

Phục Hy dục cứu chi,

Hoạch quái! Giảng thuyết khẩu y anh.

Duy hữu Hoàng Đế thong minh triền nhiên tiếu,

Tương nhân thành tiên, tự hữu đạo

                                *****

Ngã quan quân đồ, khuyễn quân trân bì chẩm trung bảo,

Mạc giao thử nghĩa bị thiên tri,

                                 Củng thập nhị vạn niên thiên bất lão.

*****

 

Bản đồ kinh luyện đan

 

Bàn cổ hốt nhiên chết

Người Hồng hoang hoảng hồn,

Thần nông muốn cứu sống. Nếm

cỏ, miệng không ngừng.

Phục Hy muốn cứu sống

Vẽ, giảng bát quái, miệng thì thầm.

Chỉ có Hoàng Đế thông minh, cười toe toét,

Làm người thành tiên, tự có đạo,

…………………………………………………….

Tôi coi bản đồ, khuyên ông giữ kỹ trong gối báu,

Đừng để phép đó bị Trời hay,

                                Sợ mười hai vạn năm Trời bất lão.

 

 

 

    

     

  

  宿

 

Xuân nhật tạp thi

 

Thiên chi hồng vũ vạn trùng yên

Họa xuất thi nhân  đắc ý thiên

Sơn thượng xuân vân như ngã lãn

Nhất cao do túc thúy vi tiên.

 

Ngày Xuân

 

 

Mưa tươi ngàn nhánh khói muôn trùng,

Vẽ lúc thi nhân đắc ý tung.

Chớt núi vui xuân lười giống tớ,

Ngủ ngon  quên cả bóng dương hồng.

(Vô danh dịch)

 

         

          

          

              

              

               

               

    滿           

 

 

 

Khởi tảo

Khởi tảo tàn đăng tại,

Môn quan lạc nhất trì.

Vũ lai thiền tiểu yết,

Phong đáo liễu tiên tri.

                                      Tá bệnh thường từ khách,

Tri phi hựu cải thi.

Tình đình vô lại thậm,

Phi mãn điểu hoa chi.

 

 

 

 

 

Dậy Sớm

Dậy sớm đèn chưa tắt,

Tối lâu lại cửa gài,

Mua rơi ve lặng lặng,

Gió tới liễu lung lay,

Tránh khách thường xưng bệnh,

Sửa thơ biết chửa hay,

Chuồn chuồn liều lĩnh quá,

Hoa rụng khiến chim bay.

 

Mguyễn Hiến Lê đã giới thiệu Viên Mai trong”Đại cương văn học sử Trung Quốc”, phần văn học đời Thanh.(1) . Ba bài trên, chúng tôi sao lại từ  bộ đó. Còn người đầu tiên giới thiệu Viên Mai ở Việt Nam là ông Phan Khôi.

1.     Thi thoại là gì?

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân cho rằng , suốt thế kỷ 20 , tác phẩm phê bình văn học đáng kể chỉ có ba.(3). Đó là Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng, Chương Dân thi thoại của Phan Khôi, Và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh….Để  hình dung khuôn mặt của thi thoại, ta hãy đọc TỰA cho“Ức viên thi thoại” của Đông Hồ  do nhà văn Nguyễn Hiến Lê chấp bút như sau (2).:

“ Đọc thi thoại thú hơn đọc thi. Ta có cảm tưởng một người chơi hoa dăt ta đi coi và kể cho ta nghe các chuyện lạ về từng loại hoa một. cho nên thi thoại thường được hoan nghênh hơn thơ; vào Chợ Lớn ta khó kiếm được một tập thơ của Tùy Viên, Nhưng Tùy Viên thi thoại thì vẫn thấy bán hoài.

 

Loại đó rất ít người viết: đời Đường, đời Tống, mỗi đời dài mấy trăm năm mà trong văn học sử  chỉ ghi độ dăm tập thi thoại. Ở nước ta từ trước

 

 

tới nay mới có mỗi tập Chương Dân. Là vì phải có nhiều điều kiện mới viết được. Trước hết phải là một thi sĩ, cũng như một người chơi hoa mới biết kể

chuyện về hoa. Hơn nữa phải là một thi sĩ có danh, nếu không sẽ không đủ uy tín. Lại phải quen biết nhiều, lịch lãm nhiều, đọc sách nhiều. Nhưng điều kiện này mới khó nhất: phải vừa là nhà thơ vừa là nhà văn vì thi thoại là một thể tùy bút, người viết phải khéo tự sự và phê bình sao cho tao nhã, thân mật như trong một cuộc đàm đạo. mà hạng làm thơ hay, it khi viết văn hay, còn hạng  người vừa làm thơ hay vừa viết văn hay thì ít nghĩ đến viết thi thoại. Hàn Dũ, Tô Đông Pha không có thi thoại. Do cái duyên bình thủy mà tôi được gặp thi sĩ Đông Hồ cách đây 15 năm, rồi cái duyên văn tự mà thi sĩ đặt vào hàng bằng hữu. Năm nào tôi cũng lại nhà thi sĩ ba bốn lần, hoặc ở YỂM YỂM thư trang, hoặc ở Quỳnh Lâm thư thất. Phòng hẹp, sách chất đầy tường, nhìn phía nào cũng thấy câu đối của Khang Hữu Vi, Phùng Quốc Tài, xen với nét bút nét vẽ tài hoa của chủ nhân; mà không khí thì ngào ngạt hương mai, hoặc hương trầm. Nhưng tao nhã nhất là câu chuyện của thi sĩ. Suốt hai ba giờ như toàn là chuyện thơ. Giọng ông từ tốn, thân mật mà đậm đà có duyên. Ông biết nhiều, nhớ nhiều, lí luận chặt chẽ, ý kiến đột ngột, phê bình xác đáng; khoan chứ không nghiêm, chẳng hạn tuy trách Tôn ThọTường đấy mà cũng chiêu tuyết cho Tôn.

Khi thì bàn một chữ trong Thăng long hoài cổ hoặc Trấn Bắc hành cung, khi thì nhắc chuyện Sương Nguyệt Anh hoặc Bạch Mai Thư xã và nhân đó kể những lần ông ra chơi Hà Nội, hoặc đi tìm di tích đồn Cây Mai…Có lúc ông tự nhận xét thơ ông, hoặc phân tích thơ bạn; lại có lúc ông làm cái việc ”Vá vai áo nàngThơ” nghĩa là gặp bài thơ nào khuyết mộ hai câu thì ông nghĩ để điền vào sao cho người đọc khó nhận ra được là “vá”. Rồi những hồi ức về cánh thiếp Têt mà mười năm trước Yểm Yểm thư trang, cứ tới ngày tiễn ông Táo, gởi cho các văn hữu bốn phương, rồi những chuyện vặt trong làng chữ nghĩa, toàn là những chuyện vui đùa thanh nhã, tuyệt nhiên không có giọng mỉa mai chua chát, cứ như vậy chuyện nọ kéo chuyện kia mà cả người kể lẫn người nghe không hay rằng ngoài đường xe cộ đã tấp nập, đã tới giờ tan sở. Khách đã ra tới cửa rồi, chào nhau vài ba lượt rồi mà vẫn chưa chia tay được.” Có lẽ chưa ai diễn được cái tùy hứng của thể tùy bút trong thi thoại như mấy giòng trên của học giả Nguyễn Hiến Lê. Rồi ông viết tiếp:“ Nay thì những lúc vui đó không còn nữa, Mất nó rồi mới thấy nó quý, mới thấy lời cổ nhân”…thắng độc thập niên thư”(2) mà lời thi sĩ bảy tám năm trước sao mà thấm thía”

Phồn hoa giành chút vui phong nhã

Kìa đám phù vân đã biến thiên.

Những chuyện ông kể cho tôi và vài bạn nữa nghe đó, có một số ông chép

lại cho đăng báo: Bách khoa,Văn hóa nguyệt san. Và lần nào ông cũng gửi cho  chúng tôi mỗi người một bản in riêng mà đích thân ông sửa lỗi in rồi trang trọng đề tặng, nhã tình đó dẫu cổ nhân cũng không hơn. Tôi trân tàng những bài đó làm kỷ niệm, và có lần hỏi ông sao không gom lại thành một tập thi thoại. Ông mỉm cười “Tánh tôi làm biếng”. Tôi cũng mỉm cười, biết rằng ông chưa muốn cho ra đấy thôi. Còn sửa chữa, còn tô chuốt, gì mà vội.

Ngày mông 8 tháng 2 âm lịch này, ông đột ngột quy tiên, làm cho bạn bè xa gần đều sửng sốt.

Tang lễ chưa xong, người thân lo ngay cái bổn phận xuất bản di cảo của ông và nữ sĩ Mộng Tuyết có nhã ý cho tôi coi trước, mà cũng là coi lại tập

:Ức viên thi thoại này. Cuối thư có hàng chữ: “Nếu bác thấy cần thì bác cho luôn ít chữ kẻo tôi cho in một tập thường thì có thiếu gì chăng?”

Ôi! Có thiếu cái gì đâu? Mà cần chi phải thêm ít chữ? Người đọc sách nào mà không biết danh Đông Hồ, không mến tiếc thi sĩ. Còn như việc giới thiệu tập thi thoại này thì chính thi sĩ đã tự giới thiệu rồi, không ai có thể giới thiệu hay hơn được nữa. Xin độc giả đọc đoạn mào đầu bài Tôn phu nhân quy Thục; văn xuôi mà bóng bảy, du dương như thơ”

.. Ở đây là một khu vườn, Là khu vườn có thực  hay khu vườn tưởng tượng, cái đó quan hệ gì đâu. Bạn sẽ được cho xem đây một cánh, kia một nhị, ít lắm, một hạt bụi phấn hương, đều nhặt từ Ức Viên…”

Từ trước tôi vẫn lấy làm lạ, trong các nhà văn thời Nam Phong, chỉ duy có Đông HỒ là văn, thơ đều hay, nhất là văn có đủ giọng, đẹp như văn thời Lục Triều; có đoạn bình đạm, cổ kính như văn Đường - Tống, có chỗ lại tự nhiên, như văn hiện đại, mà luôn luôn thanh nhã. Vậy thì ai còn đủ điều kiện hơn ông đẻ viêt thi thoại? Điều đó chắc các bạn văn của tôi đều nhận thấy mà chắc các độc giả cũng đều nhận thấy, tôi cần gì phải giới thiệu?.

Chẳng qua  nữ sĩ Mộng Tuyết nghĩ rằng sinh thời thi sĩ coi tôi vào hàng tâm giao, nên bây giờ cho tôi được ký tên dưới tên thi sĩ đấy, Tấm lòng đó thật cảm động. Xin ghi ơn nữ sí”

Sài gòn ngày 29 tháng Trọng Xuân- Kỷ Dậu (1969)-

_

 

 

Và quan niệm của Phan Khôi về thi thoại.”Thi thoại là sách nói về chuyện làm thi. Đại để nó là sách thuộc về loại phê bình văn học. Trong các sách thi thoại xưa của người Tàu, không phải tinh là phê bình thơ mà thôi, cũng có bao hàm các  chuyện khác, như là nhắc lại các dật sự của thi nhân, hoặc nêu ra những điển cố trên văn đàn; nhưng tóm lại thì cái tính chất phê bình nhiều hơn, nên người ta cho vào loại sách phê bình.

Ở bên Tàu bắt đầu  đời Đường đã có thi thoại. Rồi kế sau các đời, đời nào trong rừng văn cũng  sản xuất những sách thi thoại. Gần đây như một đời nhà Thanh, kể hết có mấy trăm bộ thi thoại! Bô nào cũng đặt tên giống nhau; đề tên hiệu tác giả lên trên, rồi đè chữ Thi thoại ở dưới, như “ Tùy viên thi thoại”. Bên Tàu sở dĩ đời nào cũng có sách thi thoại như vậy là tại đời nào cũng có nhiều người làm thơ. Người làm thơ của họ thì cứ chuyên nghề làm thơ, nên họ làm được nhiều lắm, ai nhiều có khi làm được mấy nghìn bài thơ trong một đời người. Hệ thơ nhiều hì tự nhiên có tài liệu nhiều cho nhà làm thi thoại. Sách thi thoại có nhiều là nhờ những tài liệu ấy có nhiều.

Xứ ta đây, người ta biết làm thơ chữ  Hán từ hồi nhà Lý, nhà Trần. Song le tù đó đến giờ chưa hề có ai làm một bộ thi thoại nào bằng chữ Hán hết. Ấy là theo như tôi biết. Hoặc giả có bộ nào mà tôi chưa thấy chăng. Trước đây tôi có viết Nam Âm thi thoại đăng trong Nam Phong, trong Đông Pháp Thời báo, trong Phụ nữ Tân Văn. Nhưng lâu nay tôi không thể viết mà đăng tiếp nữa. Sự thật, trong nước ta bộ ti thoại này ra đời làn thứ nhất, và chỉ có một mìh nó mà thôi. Tôi đề tên nó là Nam Âm Thi Thoại, mà không đè là Chương Dân Thi Thoại, là vì chỉ có một mình nó, không sợ lộn với của ai hết.

Xứ ta, thi thoại bằng chữ Hán đã không có, mà còn bằng chữ Việt cũng mồ côi, ấy chẳng lạ hơn là xứ ta ít thơ, không đủ tài liệu cho người muốn làm thi thoại. Vì vậy tôi có khi muốn dịch thi thoại của Tàu ra Quốc ngữ, tôi biết sự muốn ấy là vô lý, bởi vì thi ta với thi Tàu có hơi giống nhau, nhưng có một điều khác nhất là điển cố dùng trong thi không thể dịch ra được. Huống chi dịch thi thoại thì phải dịch những bài thi trong thi thọa ra. Mà việc dịch thơ là  một việc tất cả ai cũng phải kêu là khó, thì minh làm thế nào được? Thế nhưng tôi nghĩ thi thoại là thứ sách có ích cho người làm thơ lắm, nên từng đã đánh bạo mà làm.

2/ Phan Khôi dịch Tùy Viên Thi Thoại

  Mới đây khi rảnh việc, tôi (Phan Khôi) đem dịch thử ít bài trong Tùy Viên Thi thoại . Bộ thi thoại này của Viên Mai, hiệu Tùy Viên ( ), bộ thi thoại có tiếng nhất đời Thanh. Nhiều người đọc mà ưa nó lắm. Tôi làm việc này là việc điên điên ngộ ngộ , xin chớ ai cười vã cũng xin chớ ai làm như tôi!

 Tôi dịch thử một tắc ở cuốn 12, theo bộ in thạch bản, mỗi trang 20 hàng, vào trang 22, như vầy:

   

 “ Năm Mậu Dần tháng hai, tôi (tác giả Viên Mai tự xưng) qua chơi một cái chùa, thấy trên vách có bài thơ rằng:

Dưới hoa người về, con cáí reo

Vợ già đem rượu thách thơ nghèo

Nói rằng hôm trước hoa vừa nở

So với năm kia nhánh lại nhiều

Hương sắc ban đêm nhìn vẫn đẹp

Gió mưa cơn sáng chịu làm sao?

Phải chi về sớm ba ngày trước

Hàm tiếu, coi còn thích biết bao!

 Dưới bài thơ, ghi cái đề là: “Cùng vợ ngắm hoa mậu đơn” chớ không có tên họ gì cả. Có kẻ chê bài thơ này dối dá, làm qua loa cho rồi bài, chớ không hay ho chi, tôi nói rằng, tuy vậy mà cả bài lộ cái tính linh ra, e là tay hay thơ lắm mới làm nổi,…chớ đừng nói… rồi tôi chép lấy và gặp ai cũng hỏi mà chẳng ai biết gì hết. Cách hai năm có quan Thái thú Vương Mạnh Đình đến ngắm mẫu đơn. Nhân đó tôi nói bài thơ này. Nhờ quan vương Thái thú, tôi mới biết là của ông Cố Dữ Trị, một bấc di lão hồi quốc sơ đã làm. Khi ấy tôi mới tự phụ là mình có con mắt!

 Vương Thái thú nhân nói cùng tôi rằng: các bậc tiền bối hồi quốc sơ, không chịu ra làm quan, ở nhà với vợ già, hôm sớm đôi nhau, thường nảy ra được những bài thơ thanh điệu. Rồi ngài đọc luôn bài:Chúc thọ vợ nhà” của ông Ngô Giã Nhân cho tôi nghe rằng;

Vất vả vườn quê hai chục thu

Ra tay rau cháo đỡ đần nhau.

Ngày không giờ rảnh ngồi soi kiếng

Năm mất mùa luôn đến bạc đầu

Én liệng cửa ngoài hơi biển lạnh,

Nhà như xuồng nhỏ bóng khe chao.

Chúc mình mà tớ không mua rượu

Vẫn cứ chìa tay: mẹ nó nào.

Tôi ngâm đi ngâm lại bài này, thấy lại còn có phong vị hơn bài trên nữa.

 Đó công việc của tôi đã làm trong năm đêm trường, mà chỉ như vậy đó. Làm xong tôi bắt ngán. Nếu muốn dịch xong Tùy Viên Thi thoại  phải mất ba

 bốn chục năm là ít. Cũng chưa chắc đã dịch hết. mà dịch hêt phỏng có ích gì cho văn học của ta chăng?  Nghĩ  như thế rồi tôi không làm nữa. trong độc giả, ông nào thích thơ chữ Hán xin mở bộ  Tùy Viên Thi thoại, theo như số trang tôi chỉ trên kia mà xem, chắc là ông ấy cũng phải nhìn công khó cho  tôi, chớ không đến nỗi sỏ toẹt.

******

 Cái hứng ở đâu lạ lùng đến cho tôi, xui hôm nay tôi lại dịch Tùy Viên thi thoại một lần nữa…việc rất khó! Khó thì làm mà làm gì? Bởi tháy có ích thì  mới làm . Năm ngoái tôi có dịch thử một tắc trong Tùy viên thi thoại, tưởng làm một việc mà công cán đổ xuống biển, không ngờ cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Bây giờ có mấy ông đọc qua mấy bài thơ tôi dịch ra đó rồi viết thư cho tôi, mà hỏi đến nguyên văn. Một vài ông tỏ ý khen phục lắm. Không phải phục gì dịch giả là tôi, nhưng phục những tác giả của mấy bài thơ ấy, khéo đem cái thiên thú mà tả vào vận văn. Họ nói trong thơ nôm ta thật ít khi có ai tả được đến như thế. Bởi vậy họ cho việc làm của tôi là có ích. Tôi cũng thấy chỗ đó. Quả là những thi nhân của ta hay rập theo cũ quá. Bài nào cũng là  bóng ác chênh chênh, gió vàng hiu hắt, canh khuya trằn trọc… chớ ít ai chịu khó lấy cái biệt thú, cùng cái chân tình của mình mà tả ra cho mặn mà một chút. Thơ như vậy thì bảo hay làm sao được? Phàm thơ hay thì tả tình, tả cảnh đều phải cho chân. Có chân mới thấy hay. Cái (đằng) này họ cứ rập theo những chữ sẵn có, những cú điệu tầm thường, thành ra khi cái cảnh họ trải qua không có như vậy, cái tình họ ôm ấp không có như vậy, mà họ cũng nói ra như vậy, thì nó lấy gì mà hay được cho. Bởi vậy toi đọc thơ họ mà bắt sợ! Không sợ gì, chỉ sợ họ phỉnh mình! Họ nói bóng ác chinh chinh  mà không biết hồi đó mặt trời có xế không? Họ nói gió vàng hiu hắt, chỉ về mùa thu, nhưng hoặc giả, nó là mùa hạ, mùa đông cũng chưa biết được. Họ nói canh khuya trằn trọc, nhưng tôi ròng những lúc đó là họ ngủ khì. Như thế thì mên làm sao cho có một mớ thơ tả cảnh tả tình cho thật chân để làm khuôn mẫu thì hay lắm, song ở đâu cho có bây giờ? Muốn có tưởng chỉ ra công dịch thơ Tây thơ Tàu cho nhiều mới có.

Tôi muốn dịch là dịch thơ luôn tả tính linh ấy kia. Song tôi đã nói rồi, nó là việc khó quá mà! Bởi vậy hôm nay tôi lánh nặng, tìm nhẹ, dịch mấy bài về lối khác.

*****

“ Những tôi ngay, con thảo đời xưa đều là nhờ một chữ tình mà làm họ nên ngay, nên thảo( Người, mà đã không có tình thì thôi, còn làm được gì?) Ông Hà Trung Giản (người đời nhà Tống) dâng sớ hạch tội Tần Cối ( một gian thần lúc bấy giờ) rồi bị đày qua Lĩnh Nam

Ở Lĩnh Nam ông Hồ gá nhân tình với một ả đào tên là Lê Tiến; (nàng này má núng đồng tiền nên cũng có tên là Lê Oa). Đến lúc được tha về, ông Hồ bận bịu với nàng Lê Oa mà không nỡ về…

   Việc ông Hồ đó cũng giống với việc Tô Võ. Khi Tô Võ bị cầm ở Hung Nô, cưới vợ Hung nô. Vì xưa nay những người có khí tiết cô cao, làm theo ý mình thì không giữ việc nhỏ mọn. Khổng Tử có nói: ” Xem đều lỗi thì biết người nhân”, tức là những người như thế. Vậy mà thầy Châu Tử (Châu Hy ở đời Nhà Tống có tiếng là Đại Nho) lại làm bài thơ chê ông Hồ Trung Giản rằng:

                                                         

Thập niên phù hải nhất thân khinh

                                                             

Quy  đối         Oa thương hữu tình

                                                            

Thế  thượng vô như nhân dục hiểm

                                                        

Kỷ nhân đáo thử ngộ bình sinh”

Tôi (Phan Khôi) dịch ra nôm theo thể tuyệt cú:

Mười năm vượt biển chiếc thân phao.

Về! đối Lê Oa bận bịu sao!

Cái dục trên đời nguy hiểm nhất,

Hư thân vì nó biết là bao.

( Thầy Châu Tử cũng ở đờì ấy va thầy cũng làm quan tại triều như ông Hồ. gặp Tần Cối lộng quyền, Thầy Châu Tử cũng soạn sớ tính dâng Vua để đàn hạch, nhưng thấy còn nghi ngờ…gì đó nên chưa dâng. Thầy bèn bày ra bói thử cát hung thế nào…Bởi gặp quẻ xấu, thầy nín luôn không dâng sớ. trên đây là một sự thật có chép trong nhiều sách, bút ký của người đời bấy giờ đáng tin) . Bởi vậy ông Cao Thủ Thôn họa theo vần bài thơ thầy Châu Tử mà chế lại thầy ấy như vầy:

                                                   

Phê lân nhất sớ tử sinh khinh

                                                         

Vạn tử đầu hoang thượng hữu tình

                                                        

Bât  học Độn ông bổng thi thảo

                                                    

Cam tâm kìm khẩu tự du sinh

(Bài họa này móc đến ruột ông Châu Hy, khó chịu lắm. Tôi nghĩ hoài mà  dịch ra thơ thì không được. Huông chi lại còn họa theo vàn trên thì dịch lại càng khó hơn nữa. Vả, nếu dịch ra thơ thì nhiều chữ không tài nào làm rõ nghĩa ra được. Vậy tôi xin dịch ra tản văn. Ấy là sự cực chẳng đã, chớ tôi có muốn làm lở dở vậy đâu).

( Dịch nghĩa đen: Một cái sớ dâng lên, như rờ vẩy ngược con rồng, coi sự chết sống là nhẹ. Muôn phần chết, đày ra chốn cùng hoang mà còn có tình. Không thèm bắt chước ông Độn. Ông bưng cỏ thi mà bói, đành lòng, khóa kín miệng mà ăn trộm sự sống).

( Rờ vảy ngược con rồng- phê lân chi nghịch lân- là nói sự phản đối ý kiến nhà vua, nguy hiểm lắm. Đời xưa có dùng cỏ thi mà bói, cũng như bói bằng mu rùa. Độn ông là thầy Châu Tử. Mình không đáng sống nữa mà cố lỳ để sống gọi là ăn trộm sự sống: du sinh). Trên đây là một tắc trong Tùy Viên Thi thoại, thuộc về cuốn 3, tờ 20…Ông Tùy Viên làm theo trình độ  những người đọc sách của ông, không cần nói kỹ cũng đủ hiểu.

Đọc đoạn đó đủ thấy cái Lý học Tống Nho chẳng qua là vậy vậy

Chuyện là chuyện làm thơ mà thật là một tài liệu tốt đẻ phê bình lý học Tống Nho.

3.Đôi lời sau rốt

 Ai cũng phải nhận học giả Nguyễn Hiến Lê bàn về thi thoại  thật là chí lý. Ông nói:”..Nhưng điều kiện này mới khó nhất: phải vừa là nhà thơ vừa là nhà văn, vì thi thoại là một thể tùy bút, người viết phải khéo tự sự và phê bình sao cho tao nhã, thân mật như trong một cuộc đàm đạo. Mà hạng người làm thơ hay, ít khi viết văn hay, còn hạng người vừa làm thơ hay vừa viết văn hay thì ít nghĩ đến viết thi thoại: Hàn Dũ, Tô Đông Pha không có thi thoại.”

Đã nhắc nhiều đến học giả Phan Khôi, chính Phan Khôi là người đạt được điều kiện khó nhất mà cụ Lê đã nêu- vừa làm thơ hay vừa viết văn hay…Chủ đề Phan Khôi sẽ có một bài viết sau. Nay xin trích một đoạn trong Chương Dân thi thoại.  Hãy nghe ông dùng bút pháp thi thoại để bàn về “sự thật trong thơ”: “ Đã biết rằng làm thơ không phải như làm văn; làm văn phải giữ cho đúng với sự thực, còn làm thơ đôi khi không kể sự thực nữa, thế mà thơ lại hay. Đã biết vậy, nhưng lại phải biết rẵng: về ý thì có thể bỏ sự thực, song về sự thực thì bao giờ cũng phải giữ cho đúng.Trời có ai bán được, nhưng ông Tú Xương lại nói:

“ Lúc túng toan lên bán cả trời”, thì ai đọc đến cũng phải chịu là hay. Đó, ông Tú Xương chỉ căn cứ ở câu tục ngữ: “Bán trời không chứng” mà thôi; hễ có căn cứ như thế là đủ cho câu thơ đứng được.

Nhưng đó là thuộc về ý. Cái ý thi nhân muốn gì thì muốn, nào ai cấm ngăn được ư? Cho nên vẫn biết trơi là không bán được, mà thi nhân muốn bán cũng vô hại. Cái ý ấy chẳng qua là để tả cái túng đáo để.

  Xưa kia ông Tô Đông Pha có môt bài thơ” Đùa Tử Do”- Tử Do là Tô Triệt, em ruột tác giả, làm giáo thọ, dạy học trò, mà lương bổng bạc bẽo lắm, Ông Đông Pha trong bài thơ đùa ấy có những câu:

Uyển khâu tiên sinh trường như khâu

                                                          

                                 Uyển   khâu  học  xá tiểu như châu

                                                  

                                 Thường thời đê đầu tụng kinh sử,

                                                    

                                  Hốt nhiên khiếm thân    ốc đả đầu

                                                           

( Nghĩa là: Ông giáo Uyển khâu mình dài như cái gò; trường giáo Uyển khâu nhỏ như chiếc ghe. Bình thường ông giáo cúi đầu đọc kinh sử; thình lình ngẩng đầu lên, mái nhà đụng đầu ông).

Coi mà coi, cái nhà trường dầu có nhỏ đến thế nào nữa, cũng không đến nõi con người ta ngồi trong ấy hễ cúi đầu luôn thì thôi mà ngước đầu lên là đụng. Con ngươi ta dầu có cao mấy cũng không đến nỗi ngồi mà đụng đầu trên mái nhà bao giờ. Vậy mà ông Đông Pha lại làm thơ nói được như vậy. Ấy chẳng qua để tả cái bộ tịch ông Tử Do cao lỏng khỏng và cũng tả cho ra cái trường giáo, chỗ ông ở, là ủm thủm không ra chi đó thôi. Đó cũng là thuộc về ý, cho nên không đúng sự thực cũng không sao.”..

 

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

 

1.     Nguyễn Hiến Lê  Đại cương văn học sử Trung Quốc -Trọn bộ

                                                          (Nhà xuất bản TRẺ - 1997)

2. Nguyễn Hiến Lê    Để tôi đọc lại (Nhà xuất bản Văn học- 2001)

3. Phan Khôi   Chương Dân Thi Thoại ( Nhà xuất bản Đà Nẵng 1996)

 Viên Mai

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.