phỏng vấn
1/ Đặc thù của vài tập thơ HồChíBửu in gần đây, có khuynh hướng rong
chơi trên chữ nghĩa, trên thơ. Xin cho biết quan điểm sáng tác
-Thơ tôi có được từ những trải nghiệm đau đớn và sung sướng của bản thân.
Năm 2003-2005, trong những năm nầy, mỗi năm tôi ở chùa một tháng. Từ
đó tôi ngộ ra rằng thơ là không, người là không, không cũng là không. Do đó
thơ phun trào giống như con người của tôi vậy.
2/HồChíBửu là 1 trong những nhà thơ tiêu biểu đang sinh sống tại Tây Ninh, nằm trong nhóm chủ trương tạp chí Động Đất trước 1975. Anh có thể giới thiệu về tạp chí nầy với khuynh hướng, chủ trương và các bằng hữu đóng vai gánh vác. Thành công lẫn thất bại.
-Trước 1975, trong thời kỳ chiến tranh, tưởng chừng mọi giá trị điều sụp đổ huống hồ gì văn nghệ. Động Đất được hình thành, làm diễn đàn bày tỏ lập trường, thái độ trước văn nghệ đàn anh thủ đô. Đi về phía chỗ ngồi của những người viết trẻ dấn thân ở tỉnh lẻ. Những tinh hoa văn học đang giẫy chết trong trứng nước. Phổ biến sâu rộng trong giới sinh viên, học sinh. Nhưng ngoài xã hội thì rất hờ hững đón nhận. Đơn giản, chiến tranh mà. Cộng tác với ĐĐ lúc đó có nhà thơ Từ Trẩm Lệ, nhà thơ Trường Anh, nhà văn Lữ Hoài Trọng Ký và các tay bút trẻ như Việt Chung Tử, Trần Mộng Hoàng, Trần Minh Nguyệt, Vũ Anh Sương, Trần Duyên Tưởng, Điệp Thuyên Ly, Đơn Phương v.v.. Chủ Trương : Nguyễn Mạnh Bảo, Chủ Biên : Hồ Chí Bửu, Thư Ký Toà Soạn : Lê Trường Hận.
3/Ngoài thơ, anh có nghiên cứu thêm về văn học viết khác, như văn biên khảo, sưu khảo ? Nghe nói, anh đang thai nghén 1 nghiên cứu về văn học Tây Ninh ?
-Hơn 10 năm nay, tôi có nghiên cứu sâu về Kinh Dịch và đang tiếp tục. Về thai nghén…thì đúng là tôi chuẩn bị xuất bản tập thơ GỞI NGƯỜI CHƯA MỘT LẦN DIỆN KIẾN. Tôi dự kiến xuất bản 20 tập thơ nữa rồi mới ‘day’ mà (cười) . Còn nghiên cứu văn học Tây Ninh, chuyện nầy lớn quá, tôi dị ứng với mấy từ nầy. Nói thêm cùng anh một tí, với tôi “Tây Ninh là nơi đi để nhớ chớ không phải ở để thương, đi đâu cũng đụng phải vách tường..” vậy thôi…Tôi thuộc loại ‘sư tử độc hành’ mà !..
4/Phong trào Tân hình thức rộ nở ở các lãnh vực thi ca, hội hoạ, âm nhạc.., mà người ta nói rằng, đó là sự xâm thực tự nhiên. Với cái mới nầy, anh có chính kiến ra sao ?
-Cái gì cũng vậy, ‘hữu xạ tự nhiên hương’ nó tốt đẹp, hấp dẫn thì sống lâu, như lúa nông nghiệp A3 thì tàn lụi mau. Anh thấy đó, thiếu gì loại nhạc A3, văn A3, thơ A3. Đúng là 3 tháng thì người ta quên ngay. Thời gian gần đây tôi có đọc một số ‘thông điệp’ của vài nhà thơ, hô hào cổ suý cho phong trào tânhìnhthức, hậuhiệnđại . Trên vài website người ta tranh tụng chuyện nầy ì xèo mà tôi lại tối kỵ phê bình chủ trương lẫn cá nhân. Nói theo Phạm Công Thiện : “ Trong thơ, anh cảm được thì cảm, không được thì đừng phê bình”.
5/Túi thơ đeo đẳng bên vaiHồChíBửu suốt đoạn đường dài cuộc đời,như vậy anh có xem thơ như là ‘đạo’ hay chỉ là giây phút bùng vỡ của tâm thức ?
-Tôi làm thơ từ năm 13 tuổi. Nói nhỏ anh nghe : Tôi mê thơ cũng như mê gái, không làm thơ thì tôi biết làm gì ?
6/Giai đoạn sắp tới, ngoài những lãng bạt, bay nhảy phiêu bồng trên ngôn ngữ, ở những tập thơ mới nhất, xin hỏi HồChíBửu có “đột phá” gì mới hơn ở tác phẩm sau, như tự thú “ thôi ngôn ngữ đã đến hồi tháo khoán, ta trở về ru lại giấc chiêm bao”? Nếu có, xin hé mở quan niệm mới. Cảm ơn HCB.
-Chắc chắn rồi, sẽ là một ‘phún xuất thạch’ tuy nhiên độ nóng bao nhiêu, dòng chảy đến đâu thì làm sao mà biết được. Tôi không có quan niệm mới nào cả. Có điều “ nói với lửa thì phải trả lời bằng nhiệt độ”. Cảm ơn những câu hỏi dễ thương của anh./hcb.
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM thực hiện.
(Trích trong Người đồng hành quanh tôi 2.-NXB/Thanh niên 2010)