Oct 29, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Thơ Hay
Trần Trung Thuần * đăng lúc 05:17:35 AM, Sep 09, 2022 * Số lần xem: 2911
Hình ảnh
#1

 

 

 

Thơ hay, bài thơ hay, tất cả các bài thơ đều hay…Ai làm ra thơ cũng đều nói như vậy.  Thơ còn hay hơn nếu được bạn bè, người yêu thơ ngó tới và vỗ tay tán thưởng.  Quả thật…là không có thơ dở, không hề có chuyện thơ dở!

 

Nhưng chúng ta phải lắng nghe những lời phê bình, có khi phải chấp nhận, có khi không cần, chỉ cần phản ứng!  Ông Hoài Thanh trong cuốn Thi Nhân Việt Nam không khen ông Nguyễn Vỹ mà bị ông Nguyễn Vỹ căm thù thậm tệ. Ông Nguyễn Vỹ đã phản ứng và ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn làm báo, làm thơ, viết tiểu thuyết.  Ông Nguyễn Vỹ, người gốc Quảng Ngãi, ông chỉ chơi với một người Bắc Kỳ chính hiệu là Trương Tửu tức Nguyễn Bách Khoa.  Đó là chuyện xãy ra trong thời “tiền chiến”, trước chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp, 1945 – 1954.  Ông Nguyễn Vỹ được đời quan tâm vì ông có mấy bài thơ làm kiểu lạ, cái kiểu cọ của Nguyễn Vỹ, như bài Tiếng Chuông Chùa dưới đây:

 

TIẾNG CHUÔNG CHÙA

 

Bốn phương trời

Sương sa

Tiếng chuông Chùa

Ngân nga

Trời lặng êm

Nghe rêm

 

Tiếng chuông

Rơi

Thảnh thơi

Êm đềm

 

Hồi chuông

Trôi

Êm ru

Vô âm u

Hồn tôi

 

Hồi chuông

Vang bốn phương

Mùi trầm hương

Vang trong sương

Lòng tôi…

 

Nghe tiếng chuông

Trong

Trong

Hồi hộp

Bâng khuâng

 

Hồn lẵng lặng

Lên vút

Cao xanh

Thanh

Thanh…

 

Tiếng chuông Chùa

Khoan thai

Kêu ai

Lòng nhớ thương

Trong sương…

 

Nguyễn Vỹ

 

Đúng nguyên bản thì bài thơ trên được tác giả trình bày trên giấy khổ rộng, không chia cột, từng hàng thoải mái bò xuống như từng tiếng chuông, từng tràng âm thanh trải ra và lằn lăn xuống dốc!  Vì điều kiện trang giấy tôi đang dùng không cho phép trải rộng nên chi…nhìn bài thơ đó chưa thỏa con mắt!  Thơ như “kiểu” Nguyễn Vỹ là thơ riêng của ông.  Về sau, khi thấy mình làm thơ “lạ” có nhiều người để ý và bắt chước, ông lập ra Thi Đàn Bạch Nga.  Thi Đàn này đông đảo hội viện, trên dưới vài chục, làm thơ đăng dài dài trên các tờ báo do Nguyễn Vỹ làm chủ:  Phổ Thông, Bông Lúa, Dân Ta…nhưng không hiểu sao không được ai màng tới.  Rồi Nguyễn Vỹ chết, rồi hết!

 

*

 

Ông Trần Tế Xương là dân Bắc Kỳ chính thống, chưa hề rời nơi ông sinh trưởng để đi bất cứ đâu, nhưng ông lại có một bài thơ rất…Kinh tế Mới.  Đó là bài Sông Lấp:

 

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ giồng ngô khoai

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò!

 

Chuyện dời sông lấp biển, san bằng núi…là chuyện “cần phải làm để tự lực cánh sinh” do đảng Lao Động Việt Nam (tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay), xướng xuất sau khi cướp được Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam hồi tháng 8 năm 1945.  Đảng này chủ trương “kinh tế mới”, chủ trương “Thằng Giời hãy đứng một bên để ông Lông Hội đứng lên làm Giời”, luôn luôn có báo cáo   “đạt thành tích nhớn”, nhân dân đều phấn khởi hồ hởi.  Lui lại ba mươi năm xưa, ông Trần Tế Xương thấy cảnh biển dâu dẫu chút xíu tại địa phương ông mà ông đã rầu thúi ruột!  Thế mới hay, bên này dãy…Hoành Sơn là chân lý, bên kia dãy Hoành Sơn không phải là chân lý!  Thơ, ngoài sự đồng ý của nhiều người: Thơ là Tiếng Nói, Thơ vẫn còn là sự trớ trêu.  Thơ không tào lao được, không vừa lòng với người này thì phải vừa lòng với người khác, do đó mà…bài thơ nào cũng hay!

 

Nói thế nhất định “quý chư liệt vị thi nhân” đều khoái!  Mà khoái thật sự đấy chứ!  Chuyện rằng có hai anh học trò “quỡn” quá chẳng biết làm chi, bèn “dụ khị” nhau huynh với đệ hãy mần thơ chơi!  Mỗi người ra một câu.

Anh này tuôn:

“Con cóc trong hang”

Anh kia tiếp:

:Con cóc nhảy ra”

Anh thứ nhất khoái trá nhắc lại:

“Con cóc nhảy ra”

Anh tiếp theo gật gù bước tiếp:

“Con cóc ngồi đó”

Anh  mở màn hình như ngọng, lại lập lại:

“Con cóc ngồi đó”.

Và kết thúc bài thơ là anh thứ hai:

“Con cóc nhảy đi!”

Thế là xong một bài Tuyệt Cú!  Bài chỉ có sáu câu , chưa thấy sách vở nào “nghiên cứu” và xếp thơ-sáu-câu vào loại gì, thôi thì cứ kêu là “Lục Tuyệt” cho xong.

 

Xin chép lại trọn vẹn bài thơ “tâm đắc” của hai anh chàng học trò nọ:

 

Con cóc trong hang

Con cóc nhảy ra

 

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đó

 

Con cóc ngồi đó

Con cóc nhảy đi!

 

Bài thơ Hay!  Quả là Hay!  Không biết đích xác tên hai nhà thơ tài tử kia, cũng không rõ “sự cố thơ” đó xảy ra hồi thế kỷ nào, nhưng chắc là xưa lắm, tới bây giờ vẫn được truyền tụng đấy thôi!  Thơ Hay là thơ Vượt Thời Gian.  Chẳng những thế, bài thơ Con Cóc vượt cả Không Gian (trong nước ra ngoài nước)….nhờ có cuộc Vượt Biển!  Ông Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình lý luận văn học Việt Nam từng viết sách ca tụng bài thơ Con Cóc, theo ông Nguyễn Hưng Quốc thì đây là khuôn vàng thước ngọc cho những người làm thơ…nên tranh thủ thực hiện!

 

Thơ Hay, một là đọc lên người ta thấy có ý nghĩa, hình tượng rõ rệt (như bài Con Cóc), như bài Sông Lấp (dù ý nghĩa thay đổi theo chế độ xã hội).  Thơ Hay, còn được công nhận (hay tự mình ên xác nhận, trường hợp Nguyễn Vỹ) qua bài Tiếng Chuông Chùa chẳng sứt mẽ tình cảm riêng tư của ai.  Có mợ thì chợ thêm đông, thêm vui.

 

Người ta nói”mỗi người Việt Nam là một nhà thơ”, nhiều khi thấy đúng, nhiều khi thấy không đúng.  Đúng hay không đúng chỉ ở chỗ Hay hay không Hay.  Hay là “tự nhiên xuất phát / xuất khẩu thành thi, không Hay ở chỗ người ta “bắt chước”, sửa lại cho hợp thời, hợp cảnh.  Tôi nhớ có lần tôi đọc được trong báo Nhân Dân, bài của Vũ Thị Thường “giải mã” chuyện những bài thơ “chống Đảng” của Phùng Quán.  Nhờ báo “nhà nước”, tôi biết Phùng Quán là cháu ruột của Tố Hữu.  Vũ Thị Thường là vợ của Chế Lan Viên (họ tên cúng cơm là Phan Ngọc Hoàn, sau sửa lại lại là Ngọc Hoan vì chữ Ngọc Hoàn…kỳ cục quá à.  Bà Vũ Thị Thường, nói xa nói gần, bà dẫn ra câu ca dao:

 

Ví dầu con quạ bay qua

Mẹ bảo con gà con cũng nghe theo!

 

Bà nói thêm, bây giờ, hai câu đó phải được “diễn dịch” như thế này:

 

Ví dầu con quạ bay qua

Đảng bảo Con Gà con cũng nghe theo.

 

Ý của bà Vũ Thị Thương muốn nhắn cho mọi người biết:  Phùng Quán làm thơ chẳng qua là “vẽ” một cái “kịch bản”, nhờ vậy mà Phùng Quán khi chết được Đảng ghi công!  Ôi chao, trắng đen nằm trong chữ nghĩa mà chữ nghĩa thì mông lung.  Vậy thơ của Phùng Quán…khó kết luận?

 

Mời bạn đọc thêm  bài thơ sau đây của Nguyễn Xuân Sanh.  Không biết ông ấy nói cái gì, lấy bài thơ chuyên chở cái gì, ông Nguyễn Xuân Sanh làm từ năm 1942, mãi mãi người ta vẫn coi như một bài thơ Hay:

 

BUỒN XƯA

 

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Rượu hát bầu vàng cung ướp hương

Ngón hương say tóc nhạc trầm mi

 

Lắng Xuân

         Bờ giũ trái xuân sa

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Nhài đàn rót rượu vú đôi thơm

Tỳ bà sương cũ dựng rừng xưa

 

Buồn hướng vườn người vai suối tươi

Ngàn mây tràng giang buôn muôn đời

Môi gợi mùa xưa ngực giữa Thu

Duyên vàng da lộng trái du người

 

Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa

Hồn xa chìu sách nhánh say sưa

Hiến dâng

       Hiến dâng quả bồng hường

Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa

 

Đường tàn xây trái buổi du dương

Thời gian ơi tưới hận chim tường

Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi

Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương

 

(chép lại từ Xuân Thu Nhã Tập, 1942)

 

Nguyễn Xuân Sanh (1920 - …_

 

*

Thơ Hay là thơ Hay!  Ai chê chưa Hay hay Không Hay, liệu hồn!  Kinh Thánh có nói:  “Đừng phê bình để khỏi bị phê bình”.  Theo tôi hiểu thì mình chưa đủ thông minh, thông thái…và thông cảm với thơ của ai, cách hay nhất là…thông đồng:  Thiên hạ có khi đang ngủ cả, tội gì mà thức một mình ta? (thơ Trần Tế Xương).  Cái gì đã qua, hãy cho qua, dù Tây có câu:  “Tout passé, tout casse, tout –lcasse / tất cả đã trôi qua, tất cả đã gãy đổ, tất cả đã làm cho mình mệt mõi”. 

 

Những người làm thơ ở Hà Nội, trước năm 1975, gần như ai cũng “noi gương” Mai A Cốp Xì Ki, thi sĩ “vĩ đại” của Liên Xô, Mai A Cốp Xì Ki phán rằng:  “Chỉ có một định nghĩa thơ đúng nhất:  Thơ Là Con Đường Tiến Lên Chủ Nghĩa Xã Hội”. Không ai dám “chê bai” câu đó.  Không hiểu lý do nào khiến Mai A Cốp Xì Ki tự tử.  Chắc lúc đó, ông ta nhớ lại câu của Lê Nin:  “Nhiệt Tình Cộng Ngu Dốt Là Phá Hoại”.  Tôi không có điều kiện lục tìm lại những bài thơ “bất hủ / bất hảo” của Mai A Cốp Xì Ki, nên cứ coi như là ông ta “giác ngộ” muộn màng…Thơ Mai A Cốp Xì Ki làm theo kiểu “bậc thang” đi xuống, chúng ta thấy ở những bài thơ “đầy chất sáng tạo mô phỏng” của Văn Cao, của Trần Dần…  

 

*

 

Người làm thơ được đời phong tặng là Thi Sĩ, Thi Nhân, Thi Hào, Thi Bá, Thi Gia.  Những danh từ đó Tốt vì vừa như ca tụng vừa như trân trọng nễ vì.  Tôi có gặp một người làm thơ, có nhiều tập thơ xuất bản, tôi hỏi ông ấy:  “Anh thích được người đời gọi anh là gì, Thi sĩ, Thi nhân, Thi hào, Thi…hố?”.  Ông bạn tôi cười:  “Tôi thích được gọi là Thi Gia”.  “Tại sao?  Giải nghĩa giùm!”. “Thi Gia là Nhà Thơ.  Tôi như Nhà Nông / Nông Gia,  người làm ruộng, tôi là người làm thơ, có vậy thôi!’.  Tôi chịu quá.  Ước chi mình cũng là…Thi Gia!  Chúng ta cứ làm thơ.  Thơ cho mình sướng, cho người vui, là Tốt.  Cần chi chuyên chở cái gì.  Thơ có âm điệu hay không có âm điệu, đã gọi là Bài Thơ thì nó là Bài Thơ.  Đấy, bài thơ Con Cóc!

 

Ông Tản Đà từng có thơ:

 

Nước bốn ngàn năm không người nhớn

Dân hăm nhăm triệu toàn trẻ con

(làm hồi thập niên 1930)

 

Nào ai dám chưởi bới ông Tản Đà là “đồ phản động”, dám kết tội ông Tản Đà ở điều 88…hai cái còng đâu nà!

 

Nhưng bạn ơi, hai câu này của Bích Khê nghe sao mà man mác…

 

Chao ôi buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi vàng rơi Thu mênh mông…

 

Hình như nó không chuyên chở được cái gì nhưng tự dưng mình thấy hồn mình có cánh!

 

Trần Trung Thuần

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.