Tai nạn thương tâm khiến mẹ bị liệt nằm một chỗ, người cha vì lo chi phí chạy chữa cho mẹ mà nợ ngập đầu, ốm yếu triền miên. Mới 10 tuổi, bé Thảo Vân đã sớm gánh gồng nỗi đau của cha, của mẹ... Bàn tay cháu đã chai sạn vì phải làm đủ thứ, nấu nướng, quét dọn, giặt giũ, thậm chí cuốc bộ đi xin ăn. Đau đớn hơn, cô bé được ban giám hiệu nhà trường nhận xét là học giỏi và ngoan nhất nhì khối 4 có khả năng phải nghỉ học...
Đôi vợ chồng trẻ tột cùng bất hạnh…
Trong cái lạnh buốt giá của những ngày đầu xuân Tân Mão, chúng tôi tìm về thôn Đại Đồng, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ở cái thôn nghèo khó này nhắc đến gia đình anh Nguyễn Trí Tuấn thì ai cũng đượm buồn, thương cảm. Một ông cụ trạc tuổi thất tuần chỉ đường cho chúng tôi, nói trong xót xa: “Cả cái xã này, chả có nhà ai khổ như gia đình thằng Tuấn, một mình nuôi vợ liệt giường, bà nội già yếu, con nhỏ và chú ruột bị bệnh đao”.
Khi chúng tôi đến, căn nhà nhỏ nằm im vắng dưới rặng tre. Một người đàn ông nhỏ thó với cặp mắt ngân ngấn lệ từ căn phòng tối om bước ra chào khách, chính là anh Nguyễn Trí Tuấn. Nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình, anh Tuấn nghẹn ngào không nói nên lời.
Bất hạnh ập đến với gia đình anh Tuấn cách đây 8 năm. Một buổi tối khi con gái tròn hai tuổi, chị Nguyễn Thị Thương (vợ anh Tuấn) đón xe ra Hà Nội mua hàng cho người quen. Chuyến xe đò xuất phát từ Hà Tĩnh chạy ra đến Thanh Hóa thì gặp nạn. Chiếc xe lật nhào trước khi bay xuống ruộng. Lúc mọi người cố lôi những hành khách gặp nạn ra người ta đã chết lặng khi chị Thương nằm bất động. Số phận đã không cướp đi mạng sống của chị nhưng để lại một đau đớn tột cùng cho bản thân cũng như gia đình khi chị bị gãy xương cổ, và được thông báo là không thể phục hồi. Từ đó đến nay chị liệt tứ chi, nằm bất động một chỗ trên giường.
Tai nạn thương tâm khiến chị Thương bị gãy xương cổ, tứ chi bị liệt nằm một chỗ gần 10 năm nay
8 năm từ ngày vợ gặp nạn là cũng chừng ấy năm anh Tuấn trải qua một cuộc sống cực khổ đủ đường. Sáng sáng, khi vợ tỉnh giấc, anh nhẹ nhàng đỡ chị dậy rửa mặt, chải từng lọn tóc rối tung cho chị. Rồi anh lại cẩn thận giội từng gáo nước ấm gội đầu cho vợ. Bàn tay anh thoăn thoắt bón từng muỗng cháo, từng hớp nước cho chị. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, đều một mình anh tự tay gánh vác.
Vén mái tóc cho vợ anh Tuấn ngậm ngùi kể: “Buổi đầu sau tai nạn vết thương lở loét hôi tanh, dẫu thương vợ tôi nhưng không ai trong nhà dám nhìn, nó kinh khủng lắm. Mỗi lần tắm rửa cho vợ là tôi không cầm được nước mắt. Cứ nhìn thân thể ngày càng hao gầy vì bệnh tật của vợ mà lòng tôi đau quặn thắt”.
Cuộc sống của cả gia đình anh chỉ dựa vào vài sào ruộng cằn cỗi, nhưng từ ngày vợ bị bệnh thì công việc đồng áng anh đành phó mặc cho anh em, xóm giềng chăm nom. Mùa màng năm được, năm mất. Những gì cần bán để thuốc thang cho vợ cũng đã bán hết. Anh đau đớn tâm sự: “Cuộc đời tôi vất vả thì ai cũng biết rồi, không chỉ chăm sóc vợ liệt nằm một chỗ mà tôi con nuôi thêm cả mẹ già, chú ruột bị bệnh đao và đứa con nhỏ đang học lớp 4. Nhiều lúc không ngủ được, nằm nghĩ cũng bi đát lắm. Khốn khó đủ đường, bản thân lại bị bệnh, tương lai mịt mù có nhiều hôm tôi đã nghĩ quẩn lắm, muốn chết đi cho xong cuộc đời.
Bác Lê Đăng Phú, một hàng xóm kể: “Cuối năm trước, khi lũ lớn kéo về ngập cả xóm làng, tôi vẫn luôn thấy anh lội nước túc trực bên vợ. Có khi lũ kéo dài gần cả tuần, thấy anh chỉ ăn mì gói cầm cự, có chút cháo bà con thương tình mang cho, anh cũng nhường hết cho vợ, cho con. Bà con xóm làng thấy vậy ai cũng cảm thương, người cho vài cân gạo, củ sắn, củ khoai để anh có thêm nguồn sống nuôi cả gia đình”.
Rớt nước mắt cảnh bé lớp 4 nuôi mẹ liệt giường
Lấy nhau được 12 năm, niềm hạnh phúc và cũng là nguồn động viên tinh thần to lớn mà anh Tuấn, chị Thương có được là bé Thảo Vân, cô con gái hiếu thảo năm nay vừa tròn 10 tuổi. 8 năm kể từ ngày mẹ gặp nạn, bé Thảo Vân phải sống trong cảnh thiếu hơi ấm, bàn tay chăm sóc của người mẹ tội nghiệp.
Năm nay bé Thảo Vân đang học lớp 4, Trường Tiểu học xã Thạch Long. Sinh ra trong cảnh đói khổ, hoàn cảnh gia đình càng éo le hơn khi mẹ em gặp nạn, Thảo Vân đã phải làm việc như một người lớn trong gia đình. Những người trong xóm nhỏ Đại Đồng đã quá quen với cảnh, sau mỗi buổi đến trường cô bé phải làm đủ thứ, từ nấu nướng, quét giọn, giặt giũ, cuốc bộ đi xin ăn để có thêm tiền thuốc thang cho mẹ. Cũng vì thế bàn tay em đã chai sạn, tấm thân cũng gầy guộc hơn so với nhiều bạn cùng trang lứa.
Bao năm qua, những lúc bố vắng nhà đi kiếm miếng cơm cho cả gia đình, bé Thảo Vân đã thay bố chăm nom mẹ. bàn tay em cũng đã chai sạn vì phải gánh vác nhiều công việc nặng nhọc trong nhà
Sống trong gia cảnh như thế nên con đường đi tìm cái chữ với Thảo Vân thật chông gai. Em chưa một lần được biết đến bộ quần áo mới là gì. Những chiếc áo quần cũ, quyển sách, quyển vở người ta cho lại với em cũng là một niềm vui lớn lao. Nhưng thật lạ, ngay cả Hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Long Nguyễn Thị Hường và cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Hiếu cũng rất ngạc nhiên trước sự thông minh, học giỏi của bé Thảo Vân. “Thảo Vân là một học sinh rất ngoan, em luôn hăng hái xây dựng bài trong giờ học và các hoạt động văn hóa, văn nghệ. 4 năm qua Thảo Vân đều là học sinh giỏi của trường, năm vừa rồi em đạt giải ba học sinh giỏi cấp huyện, hiện đang là thành viên của đội học sinh giỏi huyện chuẩn bị thi tỉnh” – cô giáo Hiếu tự hào nói về cô học trò đầy hoàn cảnh.
Cũng vì Thảo Vân học giỏi mà nhà trường rất lo hoàn cảnh quá éo le khiến một ngày Thảo Vân không còn đến trường nữa. “Ai cũng thương cháu, nhiều hôm nghe cháu kể chuyện của mẹ, của bố mà chúng tôi ứa nước mắt. Nhà trường đã làm tất cả, miễn học phí, quyên góp giáo viên, học sinh giúp đỡ. Khó khăn ở nhà trường phần nào chúng tôi có thể giúp đỡ được, nhưng hoàn cảnh ở nhà mẹ liệt, cha đau, nợ nần không biết rồi em sẽ ra sao”.
Dù luôn bận bịu với công việc trong nhà nhưng rảnh rỗi là Thảo Vân lại lao vào bàn học tập. Cô bé ước mơ trở thành một bác sỹ để có thể tự tay chữa trị cho mẹ mình
Đau đớn, gục ngã vì bệnh tật, nhưng nói về Thảo Vân, chị Thương không cầm được mắt tự hào: “Những lúc bố ra đồng, biết mẹ thể nào cũng khóc, Thảo Vân lại cầm những tấm giấy khen vừa khoe, lại nô đùa, vỗ về mẹ. Đã không ít lần cháu bày tỏ với mẹ ước mơ sau này trở thành một bác sỹ giỏi chữa bệnh cho mẹ và mọi người làm tôi không cầm được lòng mình”- nói đến đó, chị Thương ôm chặt con vào lòng khóc òa.
Thảo Vân luôn khiến mẹ phải bật khóc vì cảm động. Những tấm giấy khen của Thảo Vân chính là phương thuốc qúy giúp người mẹ phần nào quên đi nỗi đau tột cùng
Bà nội Trương Thị Tâm nghẹn ngào:“Thương cháu nó lắm, sinh ra được 2 tuổi đã thiệt thòi đủ thứ. Nay ước mơ được đi học của cháu cũng rất khó thực hiện được khi bố ngày càng hao gầy ốm yếu, mẹ đau ốm quanh năm. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi muốn thấy cháu Thảo Vân vẫn được tới trường và thực hiện tiếp ước mơ tìm con chữ của mình”.
Mong ước giản dị mà thiết tha ấy của một người bà đã hơn 70 tuổi dành cho đứa cháu tội nghiệp cứ vang vọng mãi trong tâm trí của chúng tôi cho đến lúc ra về. Tương lai của Thảo Vân sẽ ra sao khi người cha là trụ cột của gia đình ngày một già yếu, tiều tụy…