Lời Ngỏ
Mọi chuyện ở đời, không ghi chép thì không thể truyền lại được. Dấu tích xưa nay, không ghi chép thì không thể khảo xét được. Đó là điều hiển nhiên. Cho nên biên chép không thể không có. Việc gia đình, họ hàng và việc đất nước giống y như nhau. Thế nên Phổ của gia đình, dòng họ cũng giống như sử của đất nước.. Sử chép chuyện đất nước, phổ chép chuyện gia đình…
Một quốc gia mà không có sử thì việc trị loạn, hưng suy không thể truyền đời và không thể khảo xét được. Một gia đình,một dòng họ mà không có Phả thì cội nguồn, các thế hệ không truyền được và không thể khảo xét được. Hai việc ấy lớn nhỏ khác nhau, nhưng không thể thiếu được, nên viết Phổ ký là chuyện tất yếu phải làm.
Việc lập gia phả, phổ hệ, phổ ký là một tập tục từ thuở xa xưa của các tộc họ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nhờ gia phả phổ hệ mà con cháu đời sau mới biết được công lao của tổ tiên, nhờ gia phả phổ hệ chúng ta mới phân biệt được ngôi thứ anh em trong dòng họ, giữ được kỷ cương trật tự. Cũng nhờ gia phả phổ hệ chúng ta mới xác định được mối quan hệ nội ngoại nhiều đời, giữ gìn trong sáng mối Thiên Luân.
Nếu gia phả phổ hệ ghi chép đầy đủ, cụ thể, chính xác, nó còn giúp các nhà khảo cổ học, dân tộc học, có cơ sở để nghiên cứu sâu về sự phát triển của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Truyền thống văn hóa dân tộc suy cho cùng là từ truyền thống của mỗi gia đình, tộc họ, từng địa phương tạo nên. Vì như con sông phải có đầu nguồn, nước từ các khe nhỏ đổ về sông lớn miên man chảy ra bể Đại Dương.
Họ Đào –Lễ Nghĩa- Minh Sơn ta từ lâu đã có truyền thống ghi chép gia phả, nhưng hiện (2011) Phả chỉ có một quyển duy nhất làm căn cứ do ông nội tôi – một nhà Nho lạc đệ chấp bút bằng chữ Hán-.( tên ông thường gọi: cố Quý; húy là Thiệu, ông là trưởng < đời thứ ba> của tiểu chi thứ năm thuộc CHI BÍNH THỨ..) Dựa trên bản này một số vị lão thành trong họ đã dịch ra tiếng Việt và tục biên . Nếu tính từ vị Thủy Tổ ( đời thứ nhất) đến vị tổ thứ ba thì gia phả họ ta chỉ chép rõ từ đời thứ ba cho đến đời thứ 14. Vậy hiện tại thông tin từ Thủy Tổ đến đời thứ ba vẫn bỏ trống..Cần nhắc lại công lao của ba vị - hai vị đã trở thành người thiên cổ : Cụ Đào Văn Bá ( húy Thân), Cụ Đào Văn Khải ( húy Kế), và cụ Đào Văn Xuân ( húy Xoan) đang tại thời. Ba vị theo truyền ngôn rằng: Vào thời tao loạn:, cách nay vài trăm năm có ba anh em trai gốc Hà Tĩnh ( không rõ làng, xã, huyên) chạy loạn theo hướng Bắc đến Láng Nỗn Liễu ( Làng có nghề chằm nón), ở đó có Nỗn Hồ ( Bàu Nón) định cư. Không rõ ba anh em định cư bao lâu tại nơi đây
Chỉ truyền ngôn: ông anh cả ở lại, còn hai ông em tiếp tục đi ngược lên rồi định cư , khai cơ tại miền nam huyện Đô lương ngày nay.. Cơ ngơi của hai anh em cách nhau chừng vài cây số: Ông anh ở làng Trung Hậu ( Nay thuộc xóm Tân Hương, xã Tân Sơn); ông em ở làng Lễ nghĩa ( nay thuộc xã Minh sơn). Xin trở lại việc làm của ba vị lão thành.. Theo truyền ngôn kể trên đây , vào năm 1985 ba vị đã cơm đùm, cơm gói đi bộ từ xã Minh Sơn huyện Đô lương băng qua Truông Bồn tìm địa chỉ Bàu Nón ( nay thuôc các xã Nam anh, Xuân Hòa..) Ba vị đã đi bộ khoảng 40 cây số. Ơn Tổ linh thiêng ba vị đã lần ra manh mối chứng cho sự thực của các truyền ngôn. Đúng ở xã Xuân Hòa có một họ Đào, nhưng phổ ký bị thất lạc, nên hiện vẫn chưa tìm được thông tin xác thưc để kết nối mối liên hệ: họ Đào Minh Sơn, Họ Đào Tân Sơn và Họ Đào ở xã Xuân Hòa- Nam Đàn?
Thế cho nên. năm 2011 ngày rằm tháng giêng trong ngày Tế Tổ định kỳ hàng năm họ ta đã cử ra một ban Biên tập Phổ ký nhằm tục biên, chỉnh sửa ( nếu thấy cần thiết) một bộ Phổ Ký : đầy đủ, chính xác, hiện đại-
Để thể hiện đạo lý UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN Ban Biên tập thiết tha kêu gọi tất cả con cháu nội ngoại họ Đào bất kỳ ở đâu, bất kỳ trai gái hãy đem hết nhiệt huyết và tài năng của mình bằng cung cấp tư liệu, đóng góp ý kiến, ủng họ vật chất giúp Ban biên tập hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đối với các vị Tiên Tổ, ông cha ta thuở trước và con cháu đời đời các thế hệ mai sau..
T/M ban biên tập
Đào Văn Khởi
< Email: daovankhoi2009@zing.vn>