Dạo:
Ba mươi năm giấc chưa tròn,
Quê hương xưa biết có còn nơi nao.
Ánh điện tẻ vuốt tơi bờm tóc trắng,
Tấc lưng còng lẳng lặng gánh sương đêm.
Tháng Tư, biển lặng trời êm,
Ba mươi năm biệt xứ,
Vật vờ chín nhớ mười quên,
Cuối đời đất khách lênh đênh,
Khuôn mắt trũng, chông chênh triền lệ chẻ.
Người có hỏi, sao chẳng về quê mẹ,
Cùng bạn bè vui vẻ bước rong chơi.
Thưa, từ khi cơn hồng thủy đổi đời,
Còn đâu nữa khung trời êm ấm đó.
Dù thương nhớ từng con đường, góc phố,
Dù đêm ngày vò võ khóc người thương,
Đã bao năm vỡ giấc, dõi canh trường,
Vẫn mù mịt bóng quê hương ngày cũ.
x
x x
Quê hương đó, nay thành hang dã thú,
Nơi đêm ngày, mắt cú vọ rình nhau,
Nơi dân đen mang uất hận ngập đầu,
Nhìn Chúa Phật u sầu chung số phận.
Quê hương đó, xương khô trùm áo gấm,
Tình người nuôi bằng hơi ấm đồng tiền,
Lũ cầm quyền vẫn lừa lọc đảo điên,
Dân nghèo đói vẫn triền miên rách rưới.
Quê hương đó, một trại tù giam mới,
Trời làm ngơ, thế giới cũng lạnh lùng,
Mặc bao người bỏ xác chốn lao lung,
Chỉ vì “tội” chẳng cùng chung chính kiến.
Quê hương đó, gái quê tròn tuổi hẹn,
Cảnh cơ hàn, phải uất nghẹn đưa chân,
Theo lái buôn đi làm “vợ” muôn dân,
Bán thân xác, mong trọn phần hiếu đạo.
Quê hương đó, trẻ con đầu chưa ráo,
Thản nhiên lừa ông bà lão bảy mươi,
Xem dối gian như khuôn thước cuộc đời,
Tâm trí trá cợt cười qua ánh mắt.
Quê hương đó, giờ chỉ là mảnh đất,
Nơi tung hoành bầy thú vật hai chân,
Cắt giang san đem cống hiến ngoại nhân,
Để tiếp tục yên thân làm đạo tặc.
Mưa gầy hơn nước mắt,
Gạo đắt quá mạng người.
Dân bán máu cầm hơi,
Giới thống trị vẫn ăn chơi ngập mặt.
Ngàn năm lẻ gông cùm thù phương Bắc,
Gọn trăm năm nô lệ giặc trời Tây,
Chưa bao giờ dân Việt phải đắng cay,
Bỏ mạng sống, đêm ngày liều bỏ nước.
Chưa hề có, bao ngàn năm về trước,
Chế độ nào tàn ngược tựa hôm nay,
Đem trẻ thơ, phụ nữ bán nước ngoài,
Xem dân chúng như con bài đổi chác.
x
x x
Càng đau đớn, kẻ xưa may vượt thoát,
Nay trở về vung tiền bạc, huênh hoang,
Quên những ngày sống chui nhủi lầm than,
Quên những phút kinh hoàng trên biển cả.
Trong vũng lầy sa đọa,
Đồng tiền nhầy nhụa lả lơi.
Kẻ quyền quý nói cười,
Dân thấp cổ, lệ thầm rơi, ai biết.
Ngoại kiều Việt dày vò thân xác Việt,
Những đồng tiền khắc nghiệt suốt ngày đêm,
Trút đau thương xuống đầu cổ dân đen,
Đang quằn quại triền miên trong vực tối .
Biết bao kẻ đã trở cờ, phản bội,
Lạy kẻ thù, về uốn gối, khom lưng,
Đem tài hèn, thân khuyển mã cúc cung,
Mong được thí miếng đỉnh chung nho nhỏ
Thêm những kẻ dễ nghe lời dụ dỗ,
Rằng quê hương là trái nọ chùm kia,
Người phương xa là khúc ruột chia lìa,
Nên hí hửng xua tiền về cố thổ.
Và lắm kẻ lòng không hề xấu hổ,
Khi chung quanh, người đói khổ lầm than,
Lại vầy đoàn khoe phú quý giàu sang,
Sống riêng rẽ chốn xa làng cách chợ.
x
x x
Khóc đi hỡi, những ai còn thương nhớ
Đến người dân đang khốn khổ quê nhà.
Ba mươi năm, ngày uất hận càng xa,
Đường tranh đấu thêm nhạt nhòa trơn trượt.
Đêm tưởng niệm, người ngày càng thưa thớt,
Chốn vui chơi thêm lũ lượt áo quần.
Đã lâu rồi, dòng nước mắt đưa chân,
Và xa lắm, mộ phần trong đáy biển.
Đèn phố tắt, tiếng cờ bay nghèn nghẹn,
Quảng trường khuya ánh nến muộn lao chao,
Bóng người già chân thất thểu thấp cao,
Đôi mắt đục thoáng gợn màu thiên cổ.
Khi dân Việt còn mang xiềng xích đỏ,
Khi tự do chưa tỏ lối trời quê,
Kẻ ra đi đành không một chốn về,
Dù tóc đã ê chề sương lữ thứ.
Cali , 30 năm biệt xứ
5/2005