Nov 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Đọc Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam
Nguyễn Đình Toàn * đăng lúc 03:56:19 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 2481
Hình ảnh
#1

  * đăng lúc 08:58:33 PM, Mar 04, 2011 * Số lần xem: 653

Phan Nhật Nam là một nhà văn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1963, ông tốt nghiệp khóa 18 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt với cấp bậc Thiếu uý và được chọn vào Binh chủng Nhảy Dù. Trước biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ông đã mang cấp bậc Thiếu tá của Binh chủng này.

Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn Dấu Binh Lửa (1969). Tiếp theo là các tác phẩm: Dọc Đường Số Một, Ải Trần-gian (1970), Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Dựa Lưng Nỗi Chết (1973) và Tù Binh và Hòa Bình (1974). Tất cả đều lấy Chiến tranh Việt Nam làm bối cảnh.

Sau 1975, ông bị bắt giam vào trại tập trung cải tạo 14 năm (1975-1989). Trong nhiều lần bị biệt giam hàng năm trời trong hầm tối, ông cũng làm nhiều thơ. Được thả, nhưng lại bị quản chế tại gia ở Lái Thiêu, Bình Dương.

Năm 1993 ông sang Mỹ định cư và cho ra mắt những tác phẩm: Những Chuyện Cần Được Kể Lại, Đường Trường Xa-xăm (1995), Đêm Tận Thất-thanh và Mùa Đông Giữ Lửa (1997). Năm 2002 cuốn Những Chuyện Cần Được Kể Lại được phát hành với ấn bản tiếng Anh dưới tựa The Stories Must Be Told.

Sau đây là những ghi nhận của nhà văn Nguyễn Đình Toàn sau khi đọc Mùa Hè Đỏ Lửa.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Mùa Hè Ðỏ Lửa của Phan Nhật Nam đã được tái bản nhiều lần.

Và lần tái bản này, cuốn “Mùa Hè Ðỏ Lửa” có một cái bìa màu đen, dù tên tác giả, nhan đề và tên nhà xuất bản có được in bằng chữ vàng chăng nữa, người ta vẫn có cảm tưởng rờn rợn như cầm trong tay “cuốn sách của nhà mồ”, những gì liên quan tới tóc tang, chết chóc.

Cảm tưởng vậy thôi, chứ cho dù có chưa đọc, hẳn người ta chắc cũng đã phải nghe nhắc tới cái ‘mùa hè đỏ lửa’ ở Quảng Trị một thời, và, sở dĩ nó thành cái tên ấy cũng là do cuốn sách của Phan Nhật Nam. Cuốn sách đã được ông viết xong ngay khi Ðại Lộ Kinh Hoàng, Cổ Thành còn nồng mùi máu, mùi xác chết, mùi lửa khói…

Cuốn sách đã đánh động đến lương tri của tất cả những ai còn quan tâm đến hoàn cảnh đất nước, đến số phận của từng con người đang sống trong một giai đoạn có lẽ là khốc liệt nhất trong lịch sử của dân tộc.

Nếu ai có dịp nhìn thấy Quảng Trị sau cái mùa hè đỏ lửa đó hẳn không thể nào quên được: gần như cả một thành phố không còn một hòn gạch nguyên vẹn chứ đừng nói một bức tường! Tưởng chừng một con sâu cũng khó lòng sống sót trong tình trạng từng phân đất đều bị đạn khoét, xới thành hố sâu chi chít như thế, nói chi đến những con người!

Vậy mà khi người ta bồng bế nhau chạy trốn lại bị những trận mưa pháo bắn theo!

Trực tiếp ngăn chặn những cuộc tàn sát như thế chỉ có những người lính.

Những người lính đó là ai ?

Họ là chồng, là cha, là con, là cháu của mọi gia đình.

Sau mấy chục năm dường như chiến tranh đã phân phát tang tóc đến mọi gia đình.

Nói cách khác, người dân miền Nam đã đổ máu để cứu lấy nhau cho đến ngày tuyệt vọng 30 tháng 4, 1975.

Ðọc Phan Nhật Nam người ta thấy rõ hơn những nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy của người lính, sự hy sinh, gian khổ của họ trong cuộc chiến, để bảo vệ cho sự bình yên của đời sống, của các thành phố, của lý tưởng tự do, dân chủ, thế nào.

Phan Nhật Nam nổi tiếng như một người viết phóng sự chiến trường có lửa nhất.

Nhưng ông không viết Mùa Hè Ðỏ Lửa chỉ như một phóng sự. Trong ông hình như có đến mấy con người: một nhà văn, một nhà báo, một nhà tư tưởng và một người lính nữa. Họ đã cùng một lúc viết Mùa Hè Ðỏ Lửa.

Nên đọc Phan Nhật Nam nhiều lúc người ta thấy hụt hơi vì phải theo dõi ông.

Xin trích dẫn một đoạn trong bài viết được ông đặt tên là ‘Hai mươi bốn giờ của đời người ở An Lộc’ như sau [trang 119] :

“Vào mùa hè năm 1972, Bạch Lê vừa qua hai mươi tuổi, đúng ra hai mươi mốt tuổi hai tháng. Cô nhớ chính xác như thế vì tại thời điểm mùa hè này, cô đã trải qua những ngày, giờ, với từng phút, giây, hình như không chuyển dịch, thay đổi. Và từ những giờ, phút ‘không thể nào quên’ kia [ không thể dùng một từ nào khác để diễn đạt nên ], cô đã thành ‘một người nào khác’ với những tính cách tâm lý, phản ứng chịu đựng, phương thức chống cự qua những hoàn cảnh mà cô không lường trước, dự tính ra được. Cô đã thành một người lạ với chính mình. Tại sao lại như thế? Tại sao lại như vậy? Cô tự hỏi với bản thân rất nhiều lần câu hỏi đơn giản không thể trả lời này”.

Ðọc hết đoản văn nói về cô Bạch Lê của Phan Nhật Nam, người ta hiểu vì sao cô đã trở thành một người khác, cô đã chứng kiến những cảnh giết chóc, chạy trốn, chôn người chết, cứu người sống, một đàn em, một lũ học trò và chính bản thân, ai cũng có thể chết và chết bất cứ lúc nào trong những cơn mưa pháo, phải nương vào nhau chỉ để cho đỡ sợ.

Xin trích thêm một đoạn nữa [trang 149] :

“Sáng ngày 10, với hai bàn chân trần, Bạch Lê giẫm lên đất lửa sôi bỏng mảnh gang thép, bầy nhầy thịt xương người lâm nạn tối qua, trở lại bệnh viện, đi qua hành lang đã biến thành một dãy nhà ngổn ngang xác chết – đống thây người chết nếu nói đúng hơn – đến chỗ căn phòng y tá [ nơi có chiếc hầm chìm bị pháo ], khi đang loay hoay bới đống xác chết, để tìm thây Nghĩa, Hiệp, một người lính quân y hỏi nhỏ ‘Cô có phải là cô gì Bạch phải không?’. ‘Vâng, tôi là Bạch Lê, nhưng mấy em tôi quen gọi là chị Hai thôi’. ‘Hèn gì người em cô đêm pháo kích vừa rồi cứ kêu tên cô mãi…Kêu cho đến khi chết vì bị thương thêm hai, ba lần nữa’.

Trải qua những cảnh ấy cô ta không thể là người bình thường được nữa.

Những người lính cũng không thể có được một tâm lý bình thường được nữa.

Và, nếu đúng như vậy thì, có lẽ đến quá phân nửa người Việt Nam, tâm thần ắt cũng có điều gì đó bất thường.

Có vẻ như Phan Nhật Nam viết theo cái cách để mặc cho cảm xúc dẫn dắt. Ông lại có nỗi lo sợ ngôn ngữ không nói đủ những gì ông muốn nói. Nên nhiều khi ông phải nói vội, chưa hết hẳn ý này ông đã nhảy sang ý khác, sợ quên, sợ thiếu, nên đọc ông người ta đôi lúc phải ngừng lại, đọc lại, để nắm bắt, tách rời những điều ông viết, để hiểu.

Có một điều rất quý, người ta có thể nhận ra ngay khi đọc Phan Nhật Nam: ông là người giàu lòng nhân ái, nồng nhiệt, yêu đời, yêu cái đẹp và sự ngay thẳng.

Nhưng cuộc đời trước mắt ông dường như lại là một cuộc đời không thể sống ở trong đó được nữa. Nó kinh khủng quá. Máu, nước mắt, thây người, chảy tuôn, ngổn ngang suốt những trang sách của ông. Những gì ông nhìn thấy đều trở thành những nỗi ám ảnh, giày vò. Chân giẫm lên máu mà không làm gì được.

“Người với người đã trở thành thiên tai”.

Có vẻ như vậy.

Binh sĩ VNCH bên cạnh xác 1 xe tăng T-54 trong thị xã Quảng Trị - vi.wikipedia.org
Binh sĩ VNCH bên cạnh xác 1 xe tăng T-54 trong thị xã Quảng Trị – vi.wikipedia.org


                                 Nguyễn Đình Toàn

 


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.