Một hôm, Tô Ðông Pha bảo người nhà sửa sang con thuyền và sắm sẵn gỏi ngon rượu tốt, rồi mời riêng Sơn Cốc thiền sư cùng mình mở cuộc lãng du trên dòng nước. Không dè ngài Phật Ấn hay được việc ấy, lén đến mé sông trước, và dỡ ván ngồi lẳng lặng dưới khoang thuyền. Sơn Cốc, Ðông Pha đến sau thờ ơ không hay biết chi cả, bảo trạo phu khua chèo để phát khởi cuộc du trình.
Lúc ấy nhằm ngày rằm. Hoàng hôn đã trở về từ lâu nên mặt sông thu yên tĩnh. Vào khoảng đầu hôm, chị Hằng lộ dáng đứng trên dãy non Ðông, như bàng hoàng giữa vầng Ngưu Ðẩu. Hàng cây bên bờ sông in bóng dài trên bãi cát. Một ngọn gió mát từ đâu thoảng lại, thổi phất phơ tà áo vị thiền sư trí tuệ và trang học sĩ tài hoa. Thuyền từ từ tách khỏi bến ra giữa lòng sông, thả suôi theo dòng nước. Ði không lâu, chiếc du thuyền rẽ vào một mặt hồ to rộng, bao la. Bấy giờ, những thức ăn uống được sắp bày trên thuyền, dưới gương nga tỏa sáng.
Trước khi nhập tiệc, Ðông Pha bảo Sơn Cốc: "Chúng ta mỗi người hãy làm bốn câu thi tức cảnh, hai câu sau lấy trong sách Tứ thơ và kết cuộc bằng chữ "tai". Nếu ai làm không được phải bị phạt ba chén rượu. Và, bước đầu tôi xin nhường cho Ngài. Lộ vẻ tươi cười, thiền sư đáp: "Thế thì còn chi thú vị bằng! Tôi xin lĩnh ý".
Bấy giờ con thuyền đang từ từ rẽ nước. Cánh bèo theo gợn sóng tan ra, lộ dáng mấy con cá lội thấp thoáng. Sơn Cốc trông thấy liền ngâm:
Phù bình bác khai
Du ngư xuất lai
Ðắc kỳ sở tai!
Ðắc kỳ sở tai!
(Bèo nổi tan ra, Dáng cá lội qua
Phải cảnh nó a! Phải cảnh nó a!)
Ðông Pha vỗ tay khen: "Hay! Hay lắm! Thật là tuyệt!" Rồi, vẻ mặt trầm ngâm ông nhìn khắp chung quanh để tìm câu gợi tứ. Chợt trông lên trời thấy áng mây trắng bay qua để lộ màu thỏ bạc, ông liền đọc:
Phù vân bác khai
Minh nguyệt xuất lai
Thiên hà ngôn tai?
Thiên hà ngôn tai?
(Mây nổi qua mau, Trăng tỏ lộ màu
Trời nào nói đâu, Trời nào nói đâu?)
Sơn Cốc cũng vỗ tay khen: "Mấy câu vừa rồi ý nghĩa siêu thoát lắm! Không biết ngài có nhận được vị thiền trong ấy chăng? Ðông Pha không đáp, yên lặng tủm tỉm cười. Ðoạn, hai người cùng rót rượu để tán thưởng cho nhau và sắp sửa vào tiệc. Nhưng, Phật Ấn thiền sư đã dỡ ván, từ dưới khoang thuyền chun lên, vừa đọc lớn:
Phù bản bác khai
Phật Ấn xuất lai
Nhân yên sưu tai?
Nhân yên sưu tai?
(Ván lót dỡ cao, Phất Ất ra mau
Người giấu được nào? Người giấu được nào?)
Ðọc xong, sư điềm nhiên ngồi chễm chệ trước tiệc, quơ đũa không mấy chốc, thức ăn đã hết sạch. Sơn Cốc và Ðông Pha dở khóc dở cười, nhìn nhau ngơ ngẩn.
Những việc trớ trêu tương tự như thế, thường xảy đến với Tô Ðông Pha, nhưng cũng do đấy, ông càng nghĩ càng khâm phục sư Phật Ấn.
Copy từ http://my.opera.com/labatluong11026668/blog/chuy-n-cu-i-tu-n-t
Bát Phong
8 ngọn gió này thổi vào biển tâm dễ làm tâm con người xao xuyến và dao động. Phật giáo dùng bát phong để kiểm định khả năng tu tập của hành giả.
1) Lợi
Khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, tốt đẹp như có người tạo điều kiện, giúp đở phương tiện vật chất hay tinh thần, tâm không khởi niệm yêu thích hay không khởi tâm ngã mạn cho rằng mình tu hành cao mà được như vậy.
2) Suy
Khi gặp cảnh bất như ý, hoàn cảnh sa sút, mất mát người thân, không khởi tâm buồn khổ, sầu bi, chán nãn.
3) Vui
Tâm thản nhiên trước những thú vui, dục lạc của thế gian.
4) Khổ
Tâm an nhiên khi bị những khổ nạn như bị người khác đàn áp, ức hiếp, hay chèn ép v….v. Tâm không khởi niệm sân hận hay mong muốn trả thù.
5) Vinh
Tâm không bị mê hoặc bởi những lời tán thán, ca ngợi, đề cao
6) Nhục
Tâm hành giả không bị chao đão trước những lời hạ nhục, hũy báng danh dự, nhân phẩm, đạo đức, uy tín.
7) Khen
Tâm không dính mắc trước những lời xưng tụng, tán thán, khen ngợi của người khác
8) Chê
Tâm không bị lay động bởi những lời chê bai, bài bác, chỉ trích, nói xấu của người khác.
Hành giả chưa được tự tại trước bát phong vẫn phải không ngừng tinh tấn tu tập và luôn dùng 8 ngọn gió này để kiểm tra tâm mình.
Giai Thoại Bát Phong Xuy Bất Động
“Bát phong xuy bất động” (tám gió thổi không động) là một giai thoại vui, thâm thúy và tràn đầy thiền vị về mối thâm giao giữa thi hào Tô Đông Pha (1037-1101) và Thiền sư Phật Ấn (1032-1098). Chuyện kể rằng, một hôm Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ và ông rất hài lòng, bèn cho người đem tặng Thiền sư Phật Ấn lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn.
Nguyên văn bài thơ của Tô Đông Pha như sau:
Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên.
Tạm dịch là:
Đảnh lễ Bậc Giác ngộ (thiên trung thiên tức là Phật, Bậc Giác ngộ)
Hào quang chiếu vũ trụ
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng.
Phật Ấn xem qua bài thơ xưng tán cảnh giới giải thoát của Bậc Giác ngộ, thấy chữ nghĩa và ý tứ rất hay nhưng biết quá rõ bạn mình nhờ văn hay, chữ tốt, dùng tâm thức bén nhạy để làm thơ chứ không phải là bậc thượng sĩ thâm nhập nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, đạt đến Thượng thừa “Tám gió thổi không động” nên thay vì khen ngợi ngài liền cầm bút phê vào hai chữ “phóng thí” (đánh rắm- hạ phong) và bảo gia nhân đem về trình lại cho Đông Pha. Quả như điều mà Phật Ấn đã dự đoán. Đông Pha sau khi xem lời nhận xét của Phật Ấn xong liền đùng đùng nổi giận, lập tức bươn bả vượt sông sang chùa Kim Sơn để bắt tội Phật Ấn.
Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ “đánh rắm” kia. Thiền sư Phật Ấn liền cười xuề: Ông nói “Tám gió thổi không động” mà chỉ một cái “đánh rắm” thôi đã bay sang sông rồi. Đến đây, Đông Pha mới chợt hiểu ra mình chưa bất động.
Về bát phong hay bát thế phong, nghĩa là tám ngọn gió đời, tám pháp ở thế gian hay làm loạn động, mê hoặc lòng người. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, tập I, tr.414, tám ngọn gió ấy gồm:
1 - Lợi (lợi lộc),
2 - Suy (hao tổn),
3 - Hủy (chê bai chỉ trích),
4 - Dự (gián tiếp khen ngợi người),
5 - Xưng (trực tiếp ca tụng người),
6 - Cơ (dựng sự việc giả để nói xấu người),
7 - Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não),
8 - Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan).
Con người thường giao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống. Khi được lợi (lợi) thì vui mừng, hớn hở ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối. Khi bị chê bai, chỉ trích (hủy) cảm thấy rất khó chịu nhưng khi được khen ngợi (dự) thì vui thích, hài lòng. Khi được mọi người xưng tán, tung hô (xưng) thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế diễu, vu khống (cơ) thì hậm hực, bức xúc không yên. Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, thở than và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.
Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Do vậy, muốn thiết lập hạnh phúc và an vui trong đời sống chúng ta phải giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, đối điện với tám ngọn gió này. Đại thừa vô sanh phương tiện môn (Đại chính 85, 1247 hạ) chỉ rõ: “Nếu thân tâm vắng lặng an ổn thì tám gió thổi không động”. Cũng như chuyện “gió động hay phướn động”, thì ra tâm người động chứ gió và phướn chỉ là chuyện bên ngoài. Những giao động của tâm thức như là sóng nhưng bên dưới sự ầm ào đó là yên lặng. Phải quán sát liên tục để thấy rõ bản chất của tám ngọn gió đời ấy tuy thường xuyên thổi đến nhưng thực chất chỉ là ở bên ngoài, bởi vì mình đeo bám, bị dính mắc nên mới bị chúng chi phối. Mặt khác, bát phong vốn vô thường nên có đó rồi lại không đó. Vì thế, được hay mất, khen hay chê, đau khổ hay vui sướng cũng đều tương đối, không có gì trường cữu. Nhờ thường xuyên quán sát với trí tuệ như thế nên khi được cũng không quá mừng, lúc mất cũng không quá buồn, được khen không kiêu, bị chê không giận v.v… thì có thể chế ngự được bát phong. Sống vững chãi và thảnh thơi trong vô vàn biến động thuận nghịch của cuộc đời là điều có thể thực hiện được nhờ thực tập và thành tựu tuệ quán về ba sự thật Vô thường- Khổ-Vô ngã của vạn pháp.
source: http://www.giacngo.vn/tuvan/2008/07/06/57561A/
_________________
phongluuqb.com - Thả bước tìm nơi chốn tụ quần.
&&&&&&&
Bắc Tống - Tô Ðông Pha
Tô Đông Pha tên thật là Tô Thức, tự Tử Chiêm, hiệu là Đông Pha cư sĩ. Ông là người có tài nhất trong số bát đại gia(1) của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII), khoáng đạt nhất, tư tưởng và tính tình cũng phứt tạp nhất.
Ông sanh năm 1037 (có sách nói là 1036), mất năm 1101. Hồi 10 tuổi, cha là Tô Tuân đi du học bốn phương; mẹ, họ Trình, dạy ông học. Khi nghe giảng về truyện Phạm Bàng(2), ông khái nhiên hỏi mẹ: "Con sau này được như Phạm Bàng, mẹ có chịu khổng". Bà mẹ đáp: "Con mà được như Phạm Bàng thì mẹ sao lại không làm được như mẹ Bàng?"
Mới mười lăm mười sáu tuổi ông đã thông kinh sử, rất thích đọc sách của Giả Nghị và Lục Chí). Như vậy ta thấy ông rất trọng đạo Nho và có chí giúp nước. Nhưng khi đọc sách Trang Tử, ông lại bảo: "Trước kia tôi có ý kiến, nhưng chưa diễn ra được; nay đọc sách này, hợp ý tôi quá." Tính tình ông phức tạp, mâu thuẫn ở điểm đó; suốt đời ông chịu ảnh hưởng cả Nho, lẫn Lão và Phật nữa, nhờ vậy mà tâm hồn ông khoáng đạt, tuy trong hoạn đồ chìm nổi nhiều phen mà không có giọng ai oán như Giả Nghị, Liễu Tôn Nguyên, vẫn mỉa mai ngạo đời được. Cũng nhờ vậy mà văn ông siêu thoát, có nhiều vẻ hơn các nhà khác.
Năm 21 tuổi ông đậu Tiến sĩ, nhờ bài Hình thưởng trung hậu chi chí luận (bài này Âu Dương Tu rất thưởng thức, ngờ là của Tăng Củng làm nên không lấy ông khôi nguyên mà hạ xuống á nguyên).
Ông lãnh chức Chủ bạ Phúc Xương rồi làm quan luôn ba chục năm, nhưng chìm nổi bất thường, một phần vì ông có giọng mỉa mai, hay làm thơ châm biếm về chính trị, nên ít người ưa; một phần vì ông đứng vào phe cựu đảng của Tư Mã Quang, nên khi tân đảng của Vương An Thạch lên cầm quyền thì ông bị biếm ra những châu quận ở ngoài.
Ông làm Thông phán ở Hàng Châu, rồi chuyển qua Mật Châu, Từ Châu, Hồ Châu; có hồi vì chê bai tân pháp mà bị giam bào ngục, rồi biếm đi Hoàng Châu, làm chức Đoàn luyện phó sứ. Ở Hoàng Châu, ông cùng các ông lão nhà quê ngao du sơn thủy, cất nhà ở một sườn núi phía đông (đông pha), rồi lấy hiệu là Đông Pha Cư Sĩ (do đó người đời sau gọi ông là Tô Đông Pha).
Năm 1085, vua Triết Tôn lên ngôi, Thái Hoàng Thái hậu đương chính, bỏ chính sách của Vương An Thạch, dùng cựu đảng, ông được gọi về kinh, nhận chức Trung thư xá nhân, rồi chức Hàn lâm học sĩ kiêm Thị độc học sĩ, nhưng không được lâu, rồi lại bị đổi ra Hàng Châu, Dĩnh Châu, Định Châu cũng vì tánh hay châm biếm.
Năm 1093, vua Triết Tôn mới thực cầm quyền, lại dùng tân đảng, và hoạn đồ của ông càng trắc trở, bị biếm hai ba lần, có lần tới Quỳnh Châu (nay là đảo Hải Nam). Sống tịch mịch, già cả mà vất vả, phải cất lấy nhà mà ở, thuốc thang không có, đành viết sách để tiêu khiến. Năm 1100, vua Huy Tôn lên ngôi, ông được đại xá, về lục địa, năm sao mất ở Thường Chậu
Ông ở trong phái thủ cựu, không ưa những cải cách mạnh bạo của Vương An Thạch, khi luận về chính trị thường giữ đạo trung hoà, không cầu gấp thành công, cứ bình tĩnh đợi sự tình biến đổi mà đối phó. Ông viết những bài Tần Thủy Hoàng luận, Thương Ưởng luận, mượn cổ mà chê kim, có ý so sánh chính sách của Vương An Thạch với chính sách của Tần Thủy Hoàng, của Thương Ưởng, bảo chính sách đó dùng ít thì hại ít, càng dùng nhiều càng hại nhiều.
Tuy nhiên ông không phải là cổ hủ, rất lo đến kinh tế, võ bị, lập một kế hoạch di dân, đề nghị nuôi binh ở trong dân (thời bình thì là nông dân, nhưng luyện tập quân sự để thời loạn thì thành lính), ông lại thực hiện được công việc khơi sông ở Từ Châu, công việc đắp đê ở Hàng Châu, làm lợi cho nông dân rất nhiều. Đê đó mang tên ông (Tô đê), trồng đào liễu ở hai bên, rất ngoạn mục.
Ông sáng tác được 4000 bài thơ, 300 bài từ, tản văn rất nhiều bày hay (như Phóng Hạc đình kí, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú...v.v...) Tác phẩm ông lưu lại có bộ Đông Pha văn tập 60 quyển, bộ Đông Pha thi tập 25 quyển, bộ Đông Pha từ 1 quyển, bộ Cửu Trì bút kí 2 quyển, bộ Đông Pha chí lâm 5 quyển. Ngoài ra, vâng lời dặn dò của cha lúc lâm chung, ông viết tiếp cuốn Dịch truyện mà cha bỏ giở, rồi viết thêm những cuốn: Luận ngữ thuyết, Thư truyện để truyền bá đạo Khổng. Văn nhân đương thời rất trọng ông, và coi ông là người nối gót Âu Dương Tu trên văn đàn.
Ông vì chịu ảnh hưởng của Lão, Trang, nên văn ông như hành vân lưu thủy, hùng vĩ mà khoáng đạt, không chịu một sự trói buột nào cả (như bài Siêu nhiên đình kí, Phóng hạc đình kí và nhất là bài Tiền Xích Bích phú).
Chẳng những văn ông hay, thơ ông tuyệt mà vẽ cũng khéo, viết chữ cũng tài, ông lại thông cả âm nhạc nữa. Thực là một thiên tài trác việt.
Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Hoa hiện nay, rất trọng ông, cho rằng văn ông càng về già càng bình dị, sâu sắc, viết một cuốn kể đời ông, tức cuốn The gay genius - Life and times of Su Tungpo.
Chú Thích:
(1) Bát đại gia gồm có Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân (cha Tô Thức), Tô Thức, Tô Triệt (em Tô Thức), Vương An Thạch và Tăng Củng.
(2) Một danh tướng đời Đông Hán, có công dẹp rợ Khương. Khi ở Ký Châu giặc nổi lên, ông hiên ngang lên xe tới dẹp; giặc nghe tin ông tới, giải tán ngay.
Theo http://www.nhanmonquan.net/vbulletin/showthread.php?t=2578