Nov 23, 2024

Ký sự

Giới thiệu nhà văn Võ Phiến
Võ Phiến * đăng lúc 09:49:25 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 3997
Hình ảnh
#1
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-06-29
Võ Phiến tên thật là Ðoàn Thế Nhơn sinh năm1925 tại Trà Bình, Bình Ðịnh. Ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc của Miền Nam vào Năm 1960 với tác phẩm Mưa Đêm Cuối Năm.



Cuốn sách Vo Phien and the Sadness of Exile. Ông là tác giả của 4 tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn, 9 tập tuỳ bút, một tập thơ và hàng chục tác phẩm phê bình tiểu luận. Những năm gần đây ông đã cho xuất bản 7 bộ sách về văn học Miền Nam 1954-1975 chú trọng về tiểu thuyết, thơ, kịch, ký và tuỳ bút.

Theo nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc thì trong lãnh vực nghiên cứu văn học ở hải ngoại từ sau năm 1975, bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, dù gây nên nhiều tranh cãi sôi nổi và dù còn một số hạn chế, vẫn là một trong những thành tựu lớn nhất. Nó không những giúp người đọc nhận diện một khía cạnh khác trong tài năng của Võ Phiến mà còn cung cấp cho người đọc một khối tài liệu đồ sộ và đáng tin cậy về một nền văn học từng một thời phồn thịnh nhưng ngỡ đã bị quên lãng từ khi Miền Nam sụp đỗ vào Ngày 30-4-1975 và sách vở, văn chương, báo chí đều bị coi là phản động. Đó là văn học Miền Nam thời gian 1954-1975

Sức sáng tác mạnh mẽ

Nói đến Võ Phiến, những người đã từng được gặp ông sẽ nhớ ngay đến phong cách của một người bình dị đậm chất làng quê trong cách cười cách nói của ông. Người đọc có cảm tưởng rằng Võ Phiến đem cái cách mà ông nói năng hàng ngày vào các tác phẩm văn học của ông một cách dễ dàng. Ông mang cái dí dỏm của văn nói lồng vào những nhận xét tinh tế của văn viết khiến tác phẩm của ông vừa có cái cái duyên của truyện kể nhưng lại không hề thiếu tính uyên bác và cái mẫn cảm cần có của một nhà văn.

Nói về Võ Phiến, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã có nguyên một quyển sách để nghiên cứu về ông. Trong vài lời trân trọng sau đây thiết tưởng nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã phát thảo sơ khởi những nét về Võ Phiến mà trong đó sức sáng tác mạnh mẽ lạ lùng của ông cho là một thuyết phục:

"Theo tôi thì Võ Phiến là một trong những nhà văn lớn nhứt của Việt Nam trong nửa sau của Thế Kỷ 20. Xin lưu ý là tôi dùng chữ Việt Nam chớ không phải là Miền Nam hay là hải ngoại; trong phạm vi cả nước thì Nam cũng như Bắc, quốc nội cũng như quốc ngoại.

Từ khoảng giữa thập niên 50 của thế kỷ trước cho đến những năm đầu tiên của thế kỷ này ít có nhà văn nào, ít có cây bút nào có sức sáng tác bền bỉ đa dạng và có nhiều giá trị phê phán như là Võ Phiến.

Từ khi bắt đầu cầm bút cho đến bây giờ thì trải qua nhiều cảnh ngộ khác nhau, với nhiều nghề nghiệp khác nhau, hầu như lúc nào Võ Phiến cũng viết lách đều đặn. Cứ vài ba năm lại có một hai tác phẩm mới, có khi là ba bôn tác phẩm mới.

Hầu như không có nhà văn nào ở Miền Nam cũng như ở Miền Bắc cùng thế hệ với Võ Phiến lại có sức viết bền bỉ như ông, dẻo dai như ông. Và ông viết rất nhiều thể loại khác nhau: ông viết truyện ngắn, ông viết tiểu thuyết, ông viết tuỳ bút, ông viết biên khảo, ông viết phê bình và ông làm thơ nữa. Thể loại nào ông cũng có thành tựu nhất định, trong đó đáng kể nhất là truyện, tuỳ bút và biên khảo."

Viết nhiều môn loại

Nhà văn Võ Phiến trong thời gian còn khỏe đã có một cuộc điện đàm thân mật với chúng tôi qua đó ông cho biết nhiều điều về chuyện ông sáng tác:

"Thật ra tôi viết nhiều môn loại quá, thơ có, tuỳ bút có, truyện ngắn có, truyện dài có, tiểu luận có, v.v. thì những món đó so sánh với nhau nó không có cái tiêu chuẩn chung để mà so sánh.

Mà cái lúc viết thì vào giai đoạn nào mình chuyên về cái gì thì mình thích cái đấy; rồi có lúc khác hơn, có khi hàng năm bảy năm không đụng tới nó, nó đã nguôi ngoai, đối với nó cái cảm tưởng của mình lại không chính xác nữa.

Hồi mình viết đương hào hứng nhứt, viết hết bài này tới bài kia, thì mình tha thiết, mình cứ quan tâm, tới lúc mình tình cờ mà mình không có dịp viết về nó năm bảy năm thì mình hổng còn thích nó nữa. Mình nói nó, bây giờ mình nói chung thì nó bất công."

Về tác phẩm mà ông dày công nhất là cuốn Văn Học Miền Nam 1954-1975, ông chia sẻ những khó khăn trong lúc thực hiện việc biên tập cũng như sưu tầm tài liệu của các tác giả trong các thư viện:

Qua bên D.C. vô thư viện trung ương mà họ cũng chưa phân loại nữa, họ cũng còn để dưới hầm chớ họ cũng chưa đưa ra, có đâu mà mình viết. Thành ra trong cái điều kiện được tới đâu thì mình làm tới đó thôi, bởi vì càng để chậm thì hồi đó mình nghĩ là nó càng khó tìm. Thành ra cái đó thì những người trong giới với nhau thì dễ thông cảm thì phải.
Nhà văn Võ Phiến


"Tôi có trong cái bài mở đầu trước khi vô sách (thì) tôi có phân trần rồi. Tôi cũng nói mình sống ở Việt Nam 20 năm dưới chế độ đấy, đã ai có cái nhìn tổng quát chưa? Mà mình đi ra ngoài thì sách cũng không có, làm sao mình mang được gì đâu. Tài liệu đâu có.

Qua bên D.C. vô thư viện trung ương mà họ cũng chưa phân loại nữa, họ cũng còn để dưới hầm chớ họ cũng chưa đưa ra, có đâu mà mình viết. Thành ra trong cái điều kiện được tới đâu thì mình làm tới đó thôi, bởi vì càng để chậm thì hồi đó mình nghĩ là nó càng khó tìm. Thành ra cái đó thì những người trong giới với nhau thì dễ thông cảm thì phải.

Như bây giờ họ cho họ đầy đủ hơn, dĩ nhiên là mấy mươi năm (thì) bây giờ có thời gian hơn, người nào mà thấy có điều gì mới hơn cứ việc viết hơn. Chứ còn (chỉ trích) ôi! ổng viết cái này... tôi e rằng, để 5 năm nữa tôi viết cũng thoả mãn mình chớ đừng nói chi thoả màn người khác."

Quay về thời gian trước đây khi còn ở Sài Gòn, nhà văn cho biết những kỷ niệm của ông về chuyện viết lách:

"Tôi viết thì cũng mau, nhưng mà tuỳ. Hồi còn thanh niên ba mươi tới bốn mười tuổi, bốn mươi lăm - năm mươi, hồi ở Sài Gòn thì viết dữ lắm, một phần vì sự thôi thúc của hứng thú, của cảm xúc của mình, nó thúc đẩy mình viết; một mặt nữa cái viết của mình nó cũng bị bị sự thôi thúc của toà soạn.

Họ cần bài, họ nói quá, thì mình cũng đáp ứng cho kịp vì mình đã cộng tác với người ta thì mình cũng phải thoả mãn yêu cầu của họ. Cái thứ ba nữa là cái viết nó cũng tuỳ hoàn cảnh chung quanh, có những vấn đề về thời sự, về tình hình, có khi tình hình sôi động thì mình hào hứng lắm, tới khi nó yên lành, không ai nghĩ tới thì mình cũng không nghĩ tới nữa.

Tình hình nó sôi động lên thì mình hào hứng, thành ra có nhiều lý do, nên bây giờ mà nói tôi thích cái thứ đó hơn hết (thì) có khi mình bất công."

Vừa bình dị vừa dí dỏm

Thời gian gần đây, sức khỏe nhà văn đã yếu nhiều, và trong một bài viết mới nhất đăng trên Giai Phẩm Xuân Đinh Hợi của báo Người Việt xuất hiện dưới tựa đề "Nghĩ Mông Về Bạn" vẫn mang hơi hướm của một giọng văn vừa bình dị vừa dí dỏm nhưng không thiếu cái man mác của đời sống vốn luôn được nhà văn nâng niu trân trọng.

Nội một thứ tiếng Việt, tiền nhân đã ghép được lắm tiếng ngộ nghĩnh: bạn cột chèo, bạn kèo dù, bạn nối khố, bạn làng bẹp....

Trong khi ấy ở hai bộ tự điển kể trên, vào hôm thơ thẩn nọ, kẻ tan tác bạn bè đã thẩn thờ tìm mãi không gặp một loại bạn gần gũi: "bạn đời".

Bạn đời, cả hai tiếng cùng là gốc Việt cả, thông dụng cả, hàng ngày kẻ già người trẻ, có học hay không có học, đều xài đều đều. Vì lẽ gì nó không được phép chen vào từ điển?

Tiếng ấy tầm thường vô vị quá chăng? Bạn với đời, cả hai đều là tiếng Việt, không có gốc Tây gốc Tầu cao sang, nôm na xoàng xỉnh quá?

Còn chú ý vào cái nghĩa: Hai tiếng ấy ghép lại để xác định mức lâu dài thì nghĩa ấy sao bằng cái nghĩa "bạn trăm năm". Nghĩa rõ đến thế, đời dài đến thế, nhất thôi!

Bảo ghép chữ để nhấn mạnh vào tính khắng khít thì liệu "bạn đời" có hơn "bạn sinh tử"? Chú ý vào cái khắng khít thâm tình thì có "bạn tri kỷ", "bạn tâm đầu"; vào cái khắng khít thể xác đã có "bạn chăn gối" v..v..

Nếu bảo "bạn đời" là bạn sống đời lâu dài với nhau thì e không ổn: Vợ chồng kẻ thọ người yểu, kẻ nam người nữ, kẻ trong cánh cửa người ngoài quan san, kẻ sách đèn người canh cửi...đâu có gắn bó với nhau trăm năm, đâu phải lúc nào cũng cận kề trong gang tấc được. Đâu có đồng nghề đồng nghiệp, đồng thân phận? Tiếng "đời" trong bạn đời quả thực mông lung. Không kết hợp họ chặt chẽ nồng nàn bằng bao nhiêu tiếng ghép khác!

Nếu bảo "bạn đời" là bạn sống đời lâu dài với nhau thì e không ổn: Vợ chồng kẻ thọ người yểu, kẻ nam người nữ, kẻ trong cánh cửa người ngoài quan san, kẻ sách đèn người canh cửi...đâu có gắn bó với nhau trăm năm, đâu phải lúc nào cũng cận kề trong gang tấc được. Đâu có đồng nghề đồng nghiệp, đồng thân phận? Tiếng "đời" trong bạn đời quả thực mông lung. Không kết hợp họ chặt chẽ nồng nàn bằng bao nhiêu tiếng ghép khác!

Có phải vì vậy nó rơi ra ngoài từ điển? Vì sao? mặc! Số phận nó nó chịu vậy. Riêng tôi, tôi mết nó. Tôi nghe nó tưởng vu vơ, mơ hồ mà lại man mác mà đằm thắm, mà thấm thía. Cứ thế nó tồn tại, mong nó tồn tại dài lâu hơn tờ sách.

Bạn: đó là người dưng nước lã: Không có quan hệ thân tộc, không cùng dòng máu. Nói về cái gần, gần nhất với bất cứ người nào cũng là cha với mẹ: song thân. Đâu có ai thân hơn? Cùng chăn gối sao bằng cùng máu huyết? Ấy vậy mà đây đó thiên h��=A

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.