Chúc Tết.
Ngày xuân tức cảnh hưng hoài,
Sẵn nghiên sẵn bút chúc vài ba câu.
Chúc cho sông núi dài lâu,
Mặt trời cứ đứng địa cầu cứ đi;
Chim muông cứ tổ tìm về,
Cỏ cây vẫn cứ có huê có cành;
Da trời sắc nước cứ xanh,
Mặt trăng vẫn cứ xoay quanh địa cầu;
Nước nhà muôn tuổi dài lâu,
Anh em máu mủ cùng nhau một lòng.
Bao nhiêu tai ách sạch không,
Đê kia vững tựa tương đồng bôn be.
Nông công thương sĩ mọi nghề,
Cũng đều thịnh vượng chẳng hề khó khăn.
Từ lúc còn để tóc hớt kiểu ca rê, học lớp nhì nhỏ, Thạnh đã học thuộc lòng bài thơ lục bát “ Chúc Tết”. Lạ một điều là ngay từ lúc còn rất bé, những kỷ niệm vớ vẩn không đâu vào đâu cũng được khắc ghi vào trí nhớ rất kỹ, vẫn nhớ rõ mồn một. Như kỷ niệm những buổi trưa đi học sớm lên trường làng sơ cấp, Thạnh hấp tấp chạy vô lớp học quẳng vội tập vở tập sách cũ vào hộc bàn, chạy vội ra ngoài lớp chỉ để bay xuống dưới bàu ao lượm trái keo chín do bầy sáo cưởng nhồng đánh rơi xuống đất. Như kỷ niệm ông thầy giáo trường làng sơ cấp chưa đủ trình độ văn bằng tối thiểu, thầy Trân, dạy học từ lớp Tư đến lớp Ba, sĩ số chưa đủ túc số một lớp tối thiểu, thầy phải cáng đáng dạy hai lớp cùng một lúc, trong khi học trò lớp Ba phải ù ù cạc cạc chia verbe avoir, verbe être, verbe manger, verbe boire, chia verbe như thể vịt nghe sấm, ngơ ngơ ngác ngác, trống tan trường thì lập tức các động từ trả lại cho thầy hết. Như kỷ niệm ngồi nặn óc tìm con số trả lời bài toán đố gọi là hóc búa cho toàn thể lớp Tư trong lúc Thạnh ngồi thì thầm nói chuyện giết thì giờ với Chẻo, với Tâm, với Mậu chờ đáp số, chuyên cóp bi với bạn học giỏi hơn nhưng khổ một điều dốt toán! Như kỷ niệm những ngày Tết đầu xuân, Thạnh hớn hở mặc quần áo mới, giày xan đan mới toanh bay mùi da mùi ca rếp nồng nàn thơm phức, cắn hột dưa, chơi lục cục, đốt pháo, ăn mứt, ăn bánh bánh tét bánh chưng, trò chơi lu bù kể sao cho hết. Như kỷ niệm vào những buổi trưa hè vắng vẻ, nhà nhà ngủ trưa, một mình Thạnh ra sông con xào xạc gió những bụi dừa nước nghe ngóng tiếng cá quẫy đớp mồi trong bè rau muống; những kỷ niệm gần gũi thân thương quen thuộc ấy, Thạnh nhớ tới lúc hơi thở cuối cùng. Bây giờ Thạnh biết Thạnh già rồi, bạn bè ngày trước lân cận làng trên xóm dưới đã lần lượt ra đi gần hết, trí nhớ những lúc gần đây đôi khi phản bội nhớ trước quên sau. Cặp kính lão Thạnh đeo thường xuyên để quên chỗ nào không nhớ. Công thức khúc xạ ánh sáng của Descartes ngày trước học Quang học của soạn giả Bùi Phượng Chì Thạnh cũng trả lại trí nhớ cho soạn giả. Nói đâu xa, số nhà tên đường của ông bạn cao niên Tô Xiêm vừa mới dọn ở Santa Ana, Thạnh cũng bó tay chịu thua.
Nhưng có những kỷ niệm độc đáo khiến Thạnh không thể nào quên nổi, có quan hệ mật thiết với một phụ nữ, nói rõ hơn một người bạn gái kém Thạnh đúng ba tuổi. Vào lúc tuổi vừa mới lớn, Thạnh đã sớm biết tình yêu trai gái nam nữ ở tuổi dậy thì. Đương khi học năm đệ tứ tại một trường trung học tư thục nọ, Thạnh đã thấy yêu thầm nhớ trộm một nữ sinh đang tuổi xuân thì: Minh Tân. Theo công luận trong trường trong lớp mọi học sinh đều âm thầm công nhận là Minh Tân đẹp, thân hình uyển chuyển, khuôn mặt đầy đặn, giọng nói dịu dàng thánh thót nghe vui tựa tiếng chim. Minh Tân được trời phú có giọng hát hay nổi tiếng trong lớp khó có ai có thể sánh kịp. Mỗi khi Minh Tân cất tiếng hát bài Giòng Sông Xanh Le Beau Danube của nhạc sĩ Phạm Duy, Bến Cũ của nhạc sĩ Anh Việt. Những lúc hát những bài hát như thế, Minh Tân luôn luôn cất giọng thật cao, thật lảnh lót, như thể giọng hát của nữ danh ca thái Thanh, khiến mọi người trong lớp( lúc ấy chưa vào học) đều để hết tâm hồn mà nghe, để mà thưởng thức, để mà vỗ tay tán thưởng khi người hát chấm dứt bài hát.
Năm học đệ tứ thấm thoắt trôi qua, thời cuộc chính trị bị xáo trộn, đất nước bị can qua khói lửa tơi bời, nước nhà bị chia cắt, học sinh vượt tuyến vô Nam ngày càng nhiều, sĩ số các lớp trường tư ngày càng đông, đến nỗi sĩ số lớp đệ tứ ngoài bảy chục. Năm học 1953-1954 sắp tàn, mấy trự học trò đua nhau mua sắm một tập vở dày để kỷ niệm một thời hoa niên rất đẹp, ngoài tập vở mới còn đương thơm mùi mực có một đề mục “ Lưu bút kỷ niệm Ngày Xanh” sẽ trao tận tay học trò trai có gái có thân có sơ có không thiếu một ai, muốn viết, làm thơ, chép nhạc, vẽ cảnh vẽ người, tha hồ, không có gì quý hơn độc lập tự do, tha hồ tâm sự buồn vui, tha hồ kể lể nỗi niềm, một năm mới có một lần, một lần mới gặp được một người. Nhưng không phải ai cũng là một kẻ tri âm, một người có thể cùng ta giải bày tâm sự khúc nhôi. Viết để mà viết, chỉ viết lại những câu, những đề mục trở thành sáo ngữ đã có tự nghìn xưa: mùa hè sắp đến, bạn hữu sắp sửa phải chia tay, tiếng cuốc gọi hè, tiếng ve sầu kêu não nuột, màu hoa phương đỏ thắm tả tơi rơi trên mặt sân chơi bẽ bàng. Mùa hè ai vui ở đâu không biết, ai vui thú mê mải tắm sông bắt còng câu tôm bắt cá bắt rạm trốn chui trốn nhủi trong các bè ao rau muống mở mắt dõi theo đám cá lòng tong cá sặc cá sơn tung tăng bơi lội nhởn nhơ, không cần biết, chỉ biết giờ tạm biệt chia tay có lẽ vĩnh biệt sắp tới lúc phân kỳ. Thạnh cũng viết một đoản văn tương đối ngắn về bài “ Lưu bút Ngày Xanh “ do bạn đồng môn Minh Tân trao cho. Cũng nên biết qua, Thạnh vốn là một học sinh khá môn Việt Văn, mỗi khi làm bài, Thạnh cũng được thầy phụ trách môn Văn phê là khá “ lời văn đẹp, ý văn hay, có nhiều triển vọng.” Thạnh chỉ viết ngắn, không viết dài dòng, có ý định muốn viết một bài thơ. Bài thơ? Thơ gì? Thạnh muốn chép lại một bài thơ tự do, “ Mưa Miền Nam” của nhà thơ Vĩnh Lộc. Thạnh cố chép lại bài thơ ấy được đăng trong tạp chí Thời Mới.
Mưa Miền Nam.
Tôi yêu mưa miền Nam,
Gợi nhớ mưa xuân đất Bắc.
Mưa mùa dân tộc.
Sông núi ấm màu xanh;
Tôi yêu mưa về trên mấy nẻo đô thành
Ướt vai người thương nữ.
* *
*
Ai có về sông Cấm xa xôi,
Gởi giùm tôi hương mưa núi đồi
Ướp trong màn sương lạnh,
Thương giùm tôi trời xanh Yên Báy,
Trăng nước sông Thao,
Ai có về xứ Lạng,
Chập chùng xuôi bóng áo nâu,
Long Biên dài mấy nhịp cầu,
Vui về Hà Nội hát câu thanh bình.
* *
*
Mưa miền Nam tương tư trời xứ Bắc,
Giòng Cửu Long xa tắp,
Thương về ruộng rẫy phì nhiêu;
Quê hương từ độ tiêu điều,
Mái tranh xơ xác dân nghèo đất hoang.
* *
*
Sáng hôm nay mưa ướt kinh thành,
Mưa có buồn chăng hai miền đất nước?
Vĩnh Lộc
Chắc như đinh đóng cột là Thạnh khi viết xong đã giao tận tay cho người nữ học sinh kèm thêm một tấm ảnh 4x6 đen trắng khi nộp đơn thi bằng Trung học đệ nhất cấp. Hầu như những học trò nào sau khi viết “Lưu Bút Ngày Xanh “ cũng đều giao đủ nộp đủ tấm hình 4x6 đen trắng cho chủ nhân coi như một thông lệ coi như một giao ước “ mật “ không thể thiếu. Trong lúc đợi giáo sư tới, nữ ca sĩ nghiệp dư Minh Tân viết một mảnh giấy nhỏ thân mật kín đáo trao cho Thạnh:
- Sao Thạnh không chịu đưa cho các bạn viết “ Lưu Bút Ngày Xanh “ vậy?
Người nhận thư vội vã phúc đáp:
- Mình không có thì giờ để viết, không có khả năng...tán hươu tán vượn.
Một phút sau, Thạnh xé thêm một mảnh giấy nhỏ viết chữ li ti:
- Sao Minh Tân không tặng tôi tấm ảnh làm kỷ niệm ? Tôi rất muốn có mà không được đó.
Sự hồi âm có ngay sau đó:
- Tại Thạnh đó chớ. Tại Thạnh không muốn thực hiện “ Lưu Bút Ngày Xanh “ đó thôi. Nhưng mà Tân không còn ảnh nữa của Tân đó à nghen, Tân đã giao cho tất cả các bạn rồi.
Thạnh cụt hứng, không “ Lưu Bút Ngày Xanh “, không có ảnh 4x6.
Ngày hôm sau, trong khi loay hoay giải đáp con toán đại số học, Thạnh nhận được một tấm giấy trắng nhỏ do Minh Tân kín đáo trao cho từ một cạnh bàn học trò. Mở tấm giấy trắng ra xem, Thạnh thấy một tấm ảnh đen trắng 3x4, ảnh một thiếu nữ rất trẻ, mặc áo dài trắng lấm tấm hoa hồng nhạt, mái tóc buông xõa ngang vai rất đỗi yêu kiều, khuôn mặt chính Minh Tân. Lật sau tấm ảnh tí hon, Thạnh chỉ vỏn vẹn đọc được giòng chữ bé tí xíu:
- Mến tặng Hữu Thạnh tấm ảnh tí hon, bằng lòng nhé.
Bạn Thạnh.
Thạnh ra mặt hài lòng do bức ảnh 3x4, chỉ tiếc một nỗi tấm ảnh quá nhỏ, không đủ vừa tầm để mà Thạnh ngắm nghía, để mà chiêm ngưỡng. Khi vô đại học vào dịp nghỉ hè, Thạnh đem tấm ảnh tí hon ra khoe cùng người bạn cùng xóm. Người bạn đem tấm ảnh tí hon( nhưng rất quý) ra ngắm nghía săm soi, đoạn lật vài hàng chữ đàng sau ra đọc thật kỹ, kết luận:
- Hàng chữ này chính ông đã viết, không phải chữ của nàng.
Thạnh yên lặng tiếp tục làm nốt con toán đại số học, không trả lời.
Ngồi trong lớp học, Thạnh lặng yên chăm chú lắng nghe thầy giáo giảng bài. Đôi lúc Thạnh để ý để tâm một chuyện lạ hiếm thấy xảy ra trong một phòng học: họa hoằn thấy giáo sư khảo bài học cũ. Một lớp học toàn con gái, không có một bén học sinh con trai, thầy giáo cô giáo kêu một nữ sinh lên trả bài, việc ấy là điều dĩ nhiên. Nhưng trong một trường trung học tư thục, nam nữ học chung, việc thầy giáo kêu một nữ học sinh lên trả bài hoặc làm bài tập như Toán Lý Hóa, việc ấy khá bất thường, nói cho đúng không được bình thường. Điển hình nhất là thầy Trương văn Như, nguyên hiệu trưởng trường trung học tư thục Kim Yến, giáo sư phụ trách môn Toán và môn Lý Hóa. Thạnh để ý thấy thầy hiệu trưởng không bao giờ dù là một nữ sinh lên bảng trả bài hay lên bảng làm bài tập, thầy chỉ chú ý tới bọn nam sinh lên bảng như Võ đình Tiên, như Đinh khắc Miễn, như Phạm văn Tiến, như Phan hữu Thạnh. Ban đầu, Thạnh thắc mắc không biết tại sao, bởi lý do nào, nhưng về sau Thạnh mới vỡ lẽ: kêu nữ sinh lên bảng trả bài tập làm bài chỉ tổ làm mất thì giờ. Riêng Thạnh thì dường như tên Thạnh được dành riêng cho những kẻ được vinh dự thường xuyên lên bảng trả bài. Trường hợp hai tam giác bằng nhau. Tam giác đồng dạng. Định lý Pythagore. Hàm số nhất biến. Phương trình bậc nhất có hai ẩn số. Phương trình bậc hai có nhiều ẩn số. Các vị giáo sư khác như thầy Phạm ngọc Gia giáo sư Lý Hóa, giáo sư Hoàng ngọc Khấn phụ trách môn Vạn Vật, giáo sư Nguyễn duy Nhường phụ trách môn Công Dân Giáo Dục cũng xử lý hoàn cảnh tương tự: không khi nào đòi học sinh phải trả bài. Riêng môn Vạn Vật học thì khác: thi tốt nghiệp bằng Trung học đệ nhất cấp phải thi môn thi vấn đáp Vạn Vật học sau khi thí sinh đã đậu những môn thi viết. Thầy Nguyễn Ngân hỏi bài học tất cả học sinh không chừa một người nào. Thạnh cũng “ được “ liệt kê vào bài học Sự bài tiết nội và ngoại, thận và các tuyến mồ hôi.
Mùa hè là mùa chia tay, giai đoạn của sự tạm thời nghỉ ngơi nghỉ xả hơi sau một thời kỳ mệt mỏi gian khổ vì thi cử. Thạnh may mắn được trúng tuyển kỳ thi nhưng được đậu vớt( ôi xấu hổ nhục nhã!) vì đã chủ quan lúc làm một con toán đại số Thạnh đã làm bài tập hàng chục lần.
Nghỉ hè, Thạnh được nghỉ xả hơi, bõ những ngày những tháng miệt mài sôi kinh nấu sử. Thạnh biết người đẹp hát hay Minh Tân thi không đỗ sau kỳ thi, Thạnh không biết bằng cách nào để an ủi sĩ tử thiếu may mắn. Hơn nữa Thạnh còn được niềm an ủi được lãnh thưởng lớp đệ tứ vào cuối năm học: một quả địa cầu, một quyển tự điển Pháp - Việt do soạn giả Đào văn Tập biên soạn và một quyển sách dày, tác giả là DeGrange, Histoire de la Littérature Văn học sử. Những buổi trưa hè Thạnh nằm trên ghế vải bố mơ màng nghe tiếng gió lao xao rì rào khua lắc cắc trong khóm tre trong bụi dừa nước, Thạnh nhớ lại những kỷ niệm ngày hè một thời đã qua, nhớ lại buổi lễ phát thưởng tại rạp hí viện Minh Châu, Thạnh nhớ nhất là Minh Tân đã hát một bài hát hay tuyệt vời thánh thót du dương: bài hát Bến Xuân do Phạm Duy chuyển lời và do nhạc sĩ quá cố Văn Cao sáng tác. Độ sau một tháng, người đẹp Minh Tân giã từ học đường lặng lẽ ôm cầm sang thuyền người khác, để lại tiếc rẻ xót xa, như để lại một chút “mùi hương xuân sắc “, bản dịch tiếng Pháp của nhà thơ Bùi Giáng. Thạnh nhớ lại những kỷ niệm rất đẹp, rất nên thơ của mùa hè từ ngày còn nhỏ, khi Thạnh đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu bận tập sách nhỏ Tìm Học bài viết “ MấyTháng Hè Đã Qua,” chuyện tâm tình của Mặc Long Giang, khi tác giả phải buồn rầu giã từ gia đình ra thành phố bắt đầu một năm học mới.
“Xe rầm rộ bon xa. Thạnh ngoảnh lại nhìn mẹ lòng quyến luyến rạt rào, Thạnh thấy lòng lạnh ngắt mặc dù lúc đó trời đương nắng chói chang nóng nực. Con sông dài bây giờ chỉ còn là một vệt đen dài lấp lánh xa tắp. Hai bên đường những hàng cây thẳng hàng chạy lùi dần phía sau và tiễn đưa theo tiếng vi vu.”
Một nhà triết học thấm nhuần quan niệm bi quan vào thế kỷ mười tám Schopenhauer nhận xét khá chí lý khi phát biểu rằng :” Sống là bất mãn vớI hiện tại, là hi vọng ở một tương lai khá hơn, nhưng cái tương lai ấy đã đến rồi và cũng sẽ bất mãn như trăm ngàn hiện tại khác.“
“Sống là luyến tiếc dĩ vãng,” đó là điều hiển nhiên không ai chối cãi, và luyến tiếc tiếc nuối là điều đau khổ. Vụ hè đã thấm thoắt đi qua nhanh như bóng ngựa chạy qua cửa sổ, buồn ơi là buồn. Giờ đây Thạnh đã là một gã trung niên, suýt soát năm mươi, ngũ thập tri thiên mệnh.
Năm mươi tuổi biết mệnh trời,
Đường trần quá nửa muộn rồi cuộc chơi.
Bảy mươi gần đất xa trời,
Vui gì cuộc rượu trận cười mà ganh?
Thạnh tạm thời đi tới một kết luận rất ư thiết tha gắn bó với cuộc đời: tội gì mà không tận hưởng thú vui của cuộc sống, những sắc màu lộng lẫy chói chang khoác cuộc đời toàn những cặp kính màu hồng của tuổi trẻ? Cueillez, cueillez votre jeunesse! Hiển nhiên một ngày mai tuổi già sẽ xồng xộc tới, ta sẵn sàng vui vẻ đón nhận tiễn biệt tuổi thanh xuân, đừng tiếc nuối, có chăng là những kỷ niệm tuyệt vờI, thực thà, không ngụy tín lòng tự dối lòng...ngày ấy có em đi nhẹ vào đời...You told me you loved me when we were young one day. “ Ngày ấy xa em, bên bờ đôi hàng châu rơi thấm ướt khăn em.”
Thời gian là liều thuốc thần hiệu để chữa trị những vết thương lòng. Những tình cảm dành riêng cho người ngọc Minh Tân theo thời gian cũng phôi pha phai nhạt dần dần. Thạnh tiếp tục vô Sài Gòn học tại trường di cư Trung học Chu văn An hay còn gọi trường Bưởi. Đinh Tiến Hưng thường kể lại Thạnh lúc bấy giờ Minh Tân theo chồng(xuất giá tòng phu) hiện đang sống cùng gia đình chồng tại đường Cao Thắng Sài Gòn. Mỗi khi đạp xe ngang qua đường Cao Thắng Thạnh cố ghé mắt xem có bóng dáng người xưa hay không, nhưng “nhân diện bất tri hà xứ khứ”, trước sau nào thấy dáng người, bộ hành qua lại một thời ngày xưa
Ròi Thạnh tiếp tục học lên đại học, bỏ quên người thiếu phụ trẻ tuổi ấy sinh đẻ con cái( nổi tiếng sinh nở khá nhiều thằng cu cái hĩm). Mỗi độ hè về, Thạnh lân la đánh bạn với một bạn đồng môn ngày trước, một nữ học sinh, tên Châu. Năm 1954 Châu thi hỏng phải ở nhà thôi học tìm việc làm tại khu Công Chánh Trung Nguyên Trung Phần gần viện Pasteur Khánh Hòa gần bờ biển sóng vàng cát trắng nên thơ. Thi thoảng đôi lúc rảnh rang Thạnh ghé tới nhà chơi ở đường Nguyễn Trãi. Một hôm Châu cho Thạnh hay một cô nữ sinh gốc người Bắc hiện đang học tại Đà Nẵng( học tại trường gì, công hay tư thục, Thạnh không nhớ không biết) sẽ vào Nha Trang tiếp tục học và tiếp tục chữa bệnh. Châu nói rằng cô nữ học sinh Hướng Dương bị bệnh đau đầu kinh niên, chữa trị lâu ngày nhưng bệnh trầm kha không dứt hẳn.
Ngày Hướng Dương đáp tầu hỏa từ Đà Nẵng vô Nha Trang gặp Châu tại ga Nha Trang. Chuyến xe tới ga Nha Trang vào buổi chiều, Thạnh không đón Hướng Dương, chỉ đạp xe hóng gió biển. Lúc Thạnh phỏng đoán giờ này có lẽ hai bạn Minh Châu Hướng Dương đã tới nhà từ lâu, tới lúc đó Thạnh lững thững rềnh ràng đạp xe đạp tới nhà đường Nguyễn Trãi, như thể tình cờ Thạnh tới nhà chơi không cố ý. Lúc đó Hướng Dương đã ở trong buồng, có ý nghỉ ngơi sau một chuyến đi đường dài. Minh Châu đã có mặt nhà ngoài, thấy Thạnh tới, Minh Châu đi thẳng vô buồng nói cho Hướng Dương biết có người “ lạ “ muốn làm quen.
Hướng Dương im lặng, không chịu ra tiếp khách “lạ.”
Nói chuyện một lúc, Thạnh rút lui, đạp xe ra về, chưa biết dung nhan người lạ, Hướng Dương cũng không biết dung nhan Thạnh mặt mũi ra sao, văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình.
Rồi thì Thạnh cũng hội ngộ được Hướng Dương, lúc bấy giờ Hướng Dương vào lớp đệ tam ban C trung học Võ Tánh Nha Trang. Nhìn chung, Hướng Hương có nhan sắc trung bình, dong dỏng cao, dáng người mảnh khảnh, hình như không được khỏe mạnh bởi chứng đau đầu. Thạnh cũng nói chuyện với người nữ sinh lớp đệ tam một cách bình thường không thân mật mà cũng không lạnh nhạt. Thạnh được biết( do Minh Châu kín đáo thuật lại) ngày trước Đinh Trường Sa vốn là bạn trai của Hướng Dương. Đinh Trường Sa vốn là nhà thơ nghiệp dư của một tạp chí định kỳ Thạnh quên mất tên tạp chí (hình như tên tạp chí ấy là Ngàn Khơi?). Nhân cách nhà thơ ấy khá độc đáo, hơi khác thường: hay càm ràm đánh giá không đúng chỗ những nhân vật nhà thơ thường đánh giá đề cập, sau cùng, đôi bạn bởi không hợp tính tình nhưng nguyên nhân chính là bệnh tình kéo dài dai dẳng không thuyên giảm của Hướng Dương khiến hai người mỏi mệt bỏ cuộc chấm dứt ngao du.
Bệnh trạng nhức đầu của Hướng Dương đã không những không thuyên giảm coi mòi trầm trọnghơn, Hướng(thường gọi tắt cho dễ gọi) thường xuyên ở nhà nghỉ học. Sau độ một tuần, Hướng phải về lại Đà Nẵng tiếp tục chữa bệnh nhức đầu. Vợ chồng ông bà cha mẹ Hướng Dương hiện đang sống ở Đà Nẵng, ông bố cha làm tư chức ở hải quan Đà Nẵng( Messageries Maritimes), bà mẹ buôn hàng vải tơ lụa tại chợ Hàn, đường Trưng Nữ Vương.
Thạnh vẫn lai rai tiếp tục viết thư đều đặn cho Hướng Dương. Thư gửi cho ông Dương xuân Thiệu, địa chỉ Messageries Maritimes(Kính chuyển cho H.D.) Người nhận được thư cũng đáp lễ xã giao, tuy thư đáp lễ có chậm( chậm còn hơn không!). Cách xưng hô thế nào cho phải lẽ, lịch sự, biết phép xã giao? Thạnh viết thư, tự xưng Tôi, người nhận thư, đọc thư, Thạnh gọi Hướng Dương là chị, không dám sơ xuất, sàm sỡ, hỗn hào, lếu láo. Trong thư phúc đáp, Hướng Dương tự xưng là Tôi, gọi Thạnh là ông, nghe rất xa cách lạnh nhạt hững hờ.Hướng Dương kể lại cách chữa trị chứng nhức đầu kinh niên cho Thạnh nghe:
“ Tôi phải vô bệnh viện để các bác sĩ chữa trị, phải cho điện chạy vào đầu( kinh khủng lắm!) Thuốc tôi phải uống hằng ngày không thể thiếu.
Mấy tháng hè trôi qua, Hướng Dương phải xa mẹ tiếp tục việc học, hình như việc chữa trị bệnh đau đầu đã có khá hiệu nghiệm. Hướng Dương vào Sài Gòn, ở con phố 12/9 đường Bùi Viện, cùng ở ăn học với một người anh, tên Hoan, hiện đang học ở trường di cư Chu văn An. Hoan cũng là học sinh người Bắc di cư vô Nam năm 1954.Hướng Dương còn có một em trai nữa, tên là Hoàn, hiện đang học trường đại học cơ khí Phú Thọ và một người em gái tên Trang hiện đang theo học lớp đệ nhị tại một trường trung học tư thục ở Sài Gòn. Năm học mới, niên khóa mới, Hướng Dương theo học tại một trường cũng trung học tư thục, trường Hưng Đạo, hiệu trưởng ông Nguyễn văn Phú, cử nhân Toán, giáo sư Triết học là ông Nguyễn văn Cường, một vị giáo sư luống tuổi. Lúc bấy giờ hai người đã thay đổi cung cách xưng hô, không còn “ ông, tôi, “ không còn “tôi tôi chị chị “ nữa. Hướng Dương tự ý xưng tên Hướng “ cúng cơm cho tiện,” tên Thạnh cũng gọi tên là “ Anh Thạnh”, không còn là “ ông “ nữa,” ông, tôi” nghe gọi dửng dưng, xa lạ thế nào. Những lúc gần đây tình bạn Hướng-Thạnh đã có vẻ thân tình, tuy nhiên Thạnh vẫn giữ kẻ, lúc nào cũng giữ một khoảng cách, không nên đùa giỡn bỡn cợt với ái tình. On ne badine pas avec l’amour. Vào Sài Gòn Thạnh không thể quên những buổi đi dạo thơ thẩn các hiệu sách, mua một vài tác phẩm hiếm hoi trong thư viện Xuân Thu như Que sais-Je? L’Existentialisme, Le Cogito De Husserl, La Sexologie, Qu’Est-ce-que La Métaphysique? Vers La Fin De L’Ontologie, vân vân. Khi rảnh rang, Thạnh lại lò dò đến 12/9 Bùi Viện. Sài Gòn mùa hè thường có những cơn mưa bất chợt, thình lình ào ào đổ xuống như trút nước chỉ trong vài phút giây lâu lại ngưng, ông mặt trời tiếp tục đổ ánh nắng, nước chảy thành rãnh xuống cống ào ào. Trên đường đi tới nhà người bạn gái, Thạnh phải lội nước Trong nhà, tiểu nữ chủ nhân ngồi sẵn trên bàn học, trên bàn bày biện sẵn những cours triết học, ngoài cours Triết, Thạnh không thấy những bộ môn học khác như Anh văn, Pháp văn. Hỏi, sĩ tử tương lai đáp:
- Anh văn Pháp văn Hướng không lo. Hướng chỉ lo môn Triết thôi.
Hướng cho biết ngày nào vào lúc chiều tối vào lúc bốn giờ năm giờ, Hướng đi bộ tới lớp học thêm hoặc Anh hoặc Pháp, hiện giờ, Hướng đã tỏ ra khá hơn về môn Anh, tỏ ra tự tin hơn về môn học này.
Hướng ngồi nghiêm chỉnh trên ghế, Thạnh ngồi đối diện bên cạnh trên ghế đi văn, chuyện vãn, từ viện đại học Đà Lạt tới thủ đô thành phố Sài Gòn, chuyện trời nắng trời mưa, chuyện thiên nhiên thắng cảnh, chuyện thành phố ánh sáng hoa lệ rực rỡ đèn màu xe cộ. Hướng cho biết gia đình cha mẹ đều là người Bắc di cư vô Nam trước năm 1954, riêng Hướng là trưởng nữ sinh tại miền Trung. Hai người tỏ vẻ thương yêu, Hướng đã một lần trêu chọc một cách kín đáo:
- Anh Thạnh không biết chứ hai ông bà “du dương rất mực”. Sinh nhật của ông, bà lúc nào cũng không quên. Sinh nhật của bà, lúc nào ông cũng nhớ.
Thạnh tưởng cũng nên pha một chút dí dỏm bông đùa:
- Vào ngày sinh nhật của hai người, bà và ông đã biếu tặng cho nhau những gì?
- Nào Hướng biết ông bà tặng ngày sinh nhật những gì. Hình như một bút máy, một đồng hồ đeo tay, một xấp vải gì đó, Hướng không nhớ.
Lần lữa tháng này năm khác, Thạnh lẽo đẽo tới nhà Hướng, thường xuyên, chăm chỉ. Mỗi khi Thạnh tới nhà, Hướng luôn có mặt, cũng ghế ngồi đó, không thay đổi, không xê dịch. Một lần, lúc ấy hai người đã thật sự thân mật cởi mở,Hướng Dương nhỏ to tâm sự:
- Hướng thấy kỳ quá. Mỗi lần anh Thạnh tới nhà chơi, không một lần nào Hướng mời anh Thạnh một ly nước uống. Nói chuyện khô cả cổ mà không mời người ta được một ly nước. Kỳ quá. Vả lại cả nhà không người nào uống trà, chỉ toàn uống nước lọc.
- Không sao, Hướng đừng ngại, tôi không khát. Lúc nào khát, Hướng cho tôi xin một ly.
Một cơn mưa bất chợt rơi rào rào trên mái nhà ngói, nhà cho thuê hàng tháng của anh chị em Hướng Dương. Tỏ vẻ sốt ruột vì cơn mưa mùa hè khá dai dẳng, Hướng bâng quơ hỏi Thạnh nửa như đùa nửa như thật:
- Trời mưa thế này, làm sao anh Thạnh về nhà được, trưa rồi?
- Hướng cho tôi mượn dù đi.
- Hướng không có dù, Hướng chỉ có áo mưa thôi, Hướng chỉ ngại anh Thạnh chê không thèm mặc thôi, áo mưa Hướng ngắn lắm, ngắn cũn cỡn.
- Không sao, tôi mặc được. Sau đó, Thạnh nho nhỏ đọc một câu thơ không biết tác giả:
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách,
Đọc xong câu thơ thứ nhất Thạnh ngồi im, đưa mắt nhìn nhân vật đối thoại. Hướng sốt ruột:
- Sao nữa, anh Thạnh đọc tiếp đi.
- Thôi đủ rồi, tôi không đọc nữa. Vả lại Hướng quá biết rõ câu thơ tiếp theo, Hướng chỉ giả vờ.
- Bây giờ Hướng mời anh Thạnh lần đầu tiên ăn cơm trưa với Hướng nghe, anh Thạnh không được từ chối đó.
- Được, tôi sẽ ăn cơm với nữ chủ nhân, bữa cơm đầu tiên và cũng là bữa cơm cuối cùng. Nhưng trời đã trưa mà tôi chẳng thấy người nhà lo chuẩn bị cơm nước gì cả?
- Có Nhàn lo cơm nước áo quần giùm Hướng. Nhàn là người giúp công việc đỡ đần, lo đi chợ nấu ăn giặt gĩũ. Công việc làm không lấy gì nhiều. Xong đâu vô đó, Nhàn có thể xin vào lớp học thêm.
- ( Sau biến cố Mậu Thân 1968, Nhàn bị bắt bởi đã tổ chức Tổng nổi dậy lật đổ chính quyền miền Nam Việt Nam, Hướng kể lại và giật mình nuôi ong tay áo mà không biết. Thật ra Thạnh cũng vô tình vì đã ông anh nuôi một người đàn bà giúp việc tên Vân, hóa ra một tên Cộng sản nằm vùng).
- Anh Thạnh muốn ăn thức ăn gì để Hướng mượn Nhàn mua hộ, Nhàn ở nhà bên cạnh đây.
- Hướng cho tôi ăn gì cũng được. Phở cũng được.
- Thôi, Hướng không ăn phở đâu, Hướng ghét phở lắm. Hướng ăn miến gà nhé.
- Tôi đã nói tôi ăn gì cũng được hết.
Độ mười lăm phút sau, một ngườI con gái vô nhà xách một cà mèn trên tay. Thấy Thạnh, người con gái khẽ gật đầu chào im lặng đặt cà mèn lên bàn rồi quày quả ra khỏi phòng. Thạnh kín đáo quan sát Nhàn, người con gái không đẹp không xấu, ăn mặc nửa quê nửa tỉnh.
Hướng vô gian phòng nhỏ và hẹp, lui cui bước ra ngoài hai cái bát, hai đôi đũa và hai cái muỗng, đoạn ngồi lại vào bàn chia hai bát miến gà, so đủa , muỗng, xong đâu vào đó, Hướng cất tiếng mời:
- Lần đầu tiên Hướng mời anh Thạnh tạm dùng bát miến gà này. Tiệm ăn này cách nấu nướng làm ăn Hướng thấy không đến nỗi tệ.
Hai người cầm đũa yên lặng ăn. Thạnh biết miến gà lâu nay vẫn là món ăn thường nhật hằng ngày các thiếu nữ vẫn thích, nhất là những thiếu nữ Bắc. Trong lúc ăn, Thạnh chợt nghĩ ra một ý nghĩ thân mật nhưng cũng khá táo bạo. Thạnh dùng đôi đũa gắp lấy một miến gà, đưa vào muỗng, đoạn gắp thêm một lòng đỏ trứng, cũng bỏ vào muỗng, sau đó đưa muỗng vào miệng Hướng Dương. Như một phản xạ tự nhiến, Hướng há miệng đưa ngay thức ăn và Hướng nhai và nuốt thức ăn, Hướng thấy ngượng ngùng xấu hổ đỏ cả mặt.Trong khi cùng yên lặng ăn hết bát thức ăn, nữ tiểu chủ nhân thu dọn bát rếch, xong đâu đó cả hai ngồi lại vào bàn uống nước. Thạnh lúc này thong thả đứng dậy, bước lại gần sát bàn học của Hướng, đưa tay nhẹ vuốt mái tóc người con gái, lập tức như một phản ứng dường như chờ đợi đã từ lâu lắm, Hướng đưa tay gạt phắt bàn tay của Thạnh ra khá xa khiến người con trai chưng hửng ngỡ ngàng hụt hẫng cụt hứng.
Như để chuộc lại sự từ chối quyết liệt của người thiếu nữ, Hướng có vẻ hòa hoãn dịu dàng hơn trước, nói một câu gì đó không ăn nhập vào đề tài, khiến Thạnh không thể nào quên được một kỷ niệm: Thạnh đã giữ trong người một tấm ảnh của Hướng. Lúc ấy thị trường nhiếp ảnh chụp hình chưa được phát triển tiến bộ thịnh hành như bấy giờ. Hình chụp vào dịp lễ sinh nhật quan hôn tang tế toàn hình trắng đen, lúc đó không có chưa có phim màu do quân đội Mỹ đưa sang. Phó nhòm Đà Nẵng chụp hình theo kiểu Hướng ngồi, hơi mơ mộng xa xôi, ảnh màu nâu nhạt, nom cũng khá xinh nhưng không thực sự nghiêng nước nghiêng thành.
Xem ảnh xong, Thạnh buột miệng ngỏ lời:
- Hướng cho tôi xin tấm ảnh đó làm kỷ niệm.
Ngay lập tức tựa một phản ứng tự nhiên gần như một phản xạ, người con gái vội vã lắc đầu:
- Không được. Không được. Ảnh của Hướng mà.
Thạnh xịu mặt, im lặng không nói gì, không năn nỉ, không xin xỏ vật nài, lạnh lùng đưa trả lại tấm ảnh 12x24 cho Hướng. Người con gái lật đật vội vàng thay đổi thái độ:
- Thôi được, thôi được, Hướng gởi tặng một tấm cho anh Thạnh. Nhưng Hướng phải giữ lại tấm ảnh để viết và ký tên chứ. Ai lại đưa ảnh không ký chẳng viết gì dù chỉ một vài hàng, kỳ chết.Nghĩ trong bụng là vậyHướng lại phải đi tới hiệu ảnh một lần nữa để bảo thợ phó nhòm sửa lại một vài nét chấm phá gọi nôm na là retouche.Thạnh trở về quê, có ý mong thư người gởi tặng một món quà tinh thần. Ba ngày sau có thư, Thạnh biết chắc có ảnh bên trong: vẫn tấm ảnh mới chụp, màu hạt dẻ dáng ngồi hơi nghiêng một thoáng mơ màng. Lật bên trong, Thạnh đọc mấy dòng chữ tuy đơn sơ vắn tắt nhưng gói ghém thật nhiều ý nghĩa mà bản thân người viết cũng khó lòng diễn tả trọn vẹn, ngôn bất tận ý: Anh Thạnh ơi...
Tết năm Tân Mão đã thật sự qua rồi chỉ còn lưu lại ít nhiều hương vị của ngày Tết. Đầu tháng giêng năm nay, triều đình nhà Nguyễn lại rộn ràng xôn xao rầm rộ chuẩn bị đón tiểu hội lần thứ XIII của triều đình nhà Mãn. Chẳng có gì mới, chỉ toàn bổn cũ sao y chánh bản, vẫn một nước cờ, vẫn một chính danh tôn thờ chủ nghĩa ba phải gật đầu giơ hai tay nhất trí thông qua, triết lý Mao Tôn Cương vẫn đề huề trước sau như một, trước sau vẫn tôn thờ chủ nghĩa bê dĩa Mác- Lênin, thủy chung vẫn bám riết chủ nghĩa xã hội, vẫn một lòng một dạ trung thành mấy ngàn năm thuyết gọi là chính danh của Khổng Tử.
Thế sự tranh nhau nói chính danh
Ăn to nói lớn chẳng thi hành.
Ăn ngang nói ngược ma hù dọa,
Mắt điếc tai ngơ quỷ lộng hành.
Việt Điện U Linh nằm quạt mát,
Truyền Kỳ Mạn Lục ngắm trăng thanh.
Thăng trầm thế sự anh đừng hỏi.
Thế cục đèn cù lửa chạy quanh.
Một người bạn thân của Thạnh, ông Hoàng đức Phi vừa mới lâm chung cách nay độ mười ngày, hưởng dương 69 tuổi. Như thế, Thạnh chỉ còn độc nhất một người bạn chí thiết đã phải ra đi, coi như hết. Thạnh không biết ông Phi mất đi nên gọi là hưởng thọ hay hưởng dương. Chỉ được gọi là hưởng thọ khi người chết mất lúc đúng số tuổi bảy mươi. Dưới bảy mươi, người mệnh chung chỉ được gọi là hưởng dương. Mất hai mươi, mất ba mươi, mất bốn mươi, mất năm mươi, mất sáu mươi, Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh mất ngoài năm mươi cũng chỉ được hưởng dương. Trần Tế Xương mất sớm mới ba mươi bảy không thể nào được gọi là hưởng thọ.
Từ lúc nhỏ, Thạnh đã tỏ ra vẻ xem thường về cái chết, một sự cố xem ra có vẻ rất bình thường nếu không muốn gọi là bất thường. Một bà cô họ mắc bệnh ung thư vú kéo dài không lâu sau đó mất, Bà Trần thị Hương, sui gia của Thạnh, nhân ngày lễ Tạ Ơn Thanksgivings chết vì bị xuất huyết não, Thạnh tuy có nghe nhưng với một thái độ bàng quan dửng dưng. Người chết là bà cô họ nhưng không phải Thạnh, không phải “tôi”. Tất cả mọi người đều phải chết, một qui luật tất yếu. “ Nhân sinh tự cổ thùy vô tử.”câu nói bất hủ của Vương Thiên Tường ngày trước. Thiên hạ già, bệnh tất phải chết. Đành rằng hiển nhiên Thạnh, tôi cũng sẽ già, cũng sẽ bệnh và rồi tất nhiên cũng sẽ chết, cũng sẽ trở về cùng cát bụi, nhưng hiện tại hiện giờ trước mắt chúng tôi chưa chết, ở đây và bây giờ chúng tôi đang sống, đang hít thở khí trời, đang vui chơi đùa nghịch đang ăn ngủ yêu đương đang làm tình bằng thích. Thảng hoặc, chúng tôi cũng có ý nghĩ chợt thoáng phù du mong manh tạm bợ về cái chết, nhưng rồi ý nghĩ “tâm viên ý mã” ấy chợt đi qua trôi đi rồi biến mất.
Cách mạng gọi là “Cách mạng Hoa Lài “ trên nước Tunisie thuộc Bắc Phi khiến nhà độc tài Ben Ali phải đào thoát lánh nạn. Tại Trung quốc, “cách mạng Hoa Lài” cũng lan tràn nở rộ trên khắp tỉnh địa phương thành phố, dân chúng xuống đường hô to dân chủ tự do gọi là kỷ niệm biến cố Thiên An Môn năm 1989, khiến cảnh sát công an tràn ngập khống chế đàn áp. Tại Việt Nam cũng có khởi xướng “ cách mạng Hoa Sen “ hô hào nhân dân xuống đường nổi dậy xóa bỏ bất công áp bức.
Cách mạng Hoa Nhài xứ Bắc Phi,
Bên trời xứ lạ Tu ni zi.
Tham quyền cố vị mê vơ vét,
Mấy chục năm qua béo phát phì.
Thất nghiệp dài dài dân hốc hác,
Tiền rừng bạc biển hóa phương phi.
Hoa Sen cách mạng dân vùng dậy.
Máu đỏ cờ đào rực chiến y.
Trở lại tấm ảnh Hướng Dương đã trao cho Thạnh, Thạnh biết tấm ảnh đó là một lời gắn bó, một lời nhắn gởi trao thân gởi phận một sự thề nguyền.
Ông Huỳnh đức Phi mệnh chung ngày đầu năm tháng giêng năm Tân Mão.Nói nào ngay ông Phi mất còn thiếu một năm nữa ông được thọ bảy chục,nhân sinh thất thập cổ lai hi, nói theo nhận xét của ông Đỗ Phủ. Lúc còn sinh tiền, nhất là sau năm 1975, ông Phi sinh nhiều bệnh, từ bệnh cao huyết áp, bệnh thần kinh tọa, bệnh hở van tim và nhất là bệnh đau mắt. Càng luống tuổi, thị lực của ông Phi mắt càng nhìn càng yếu khiến ngồi vào computer, ông Phi gần như chẳng viết đươc gì thậm chí sai khá nhiều lỗi chính tả. Ông chỉ có thể sử dụng tay trái để viết lách đôi chút, tay phải bị bất lực. Phải chăng bị tai biến mach máu não, bệnh nhân có thể sử dụng cánh tay trái, cánh tay phải bị liệt bại bất lực như thiên hạ thường đồn đại “ nam tả nữ hữu “? Ông Phi còn bị thường xuyên rên rỉ vì cơn đau ở nơi ngực thường bị co thắt; các bác sĩ cũng đành thúc thủ bó tay bất lực đầu hàng. Kể từ giờ phút này Thạnh là một kẻ lữ hành hoàn toàn đơn độc. Ngày trước, vợ ông Phi mất, ra đi nhắm mắt cũng chỉ một mình trong huyệt mộ. Trước giờ hắt hơi tắt thở, các nhà tâm lý học cho rằng người hấp hối ắt phải có một sự cố ký ức quá mẫn, một loại ký ức từ lâu đã chôn vùi trong quá khứ trong sương mù lãng quên nay bỗng nhiên dồn dập xuất hiện trở về. Thằng bé con thấy nó đứng bên cạnh hàng hiên nhìn lơ đãng mưa rơi lấm tấm ngày xuân trên bầu trời trắng đục, lắng tai nghe tiếng chim chào mào mỏ đỏ lông xám đang tíu tít giành mồi côn trùng sâu bọ trên chùm dừa non vừa mới nhú cành, lại cũng thằng bé con đứng tựa cửa gian nhà mái rạ chú mục nhìn đoàn xe chợ huýt còi nhả khói đen chầm chậm nuốt con đường sắt xuôi về Nam, ấy là quê ngoại của nó, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Trong giấc ngủ, thằng bé con chiêm bao thấy mình bay lơ lửng từ ngọn cây này sang đỉnh cây khác đang bị một con quái vật săn đuổi sát nút cũng bay như nó, điều lạ lùng là thằng bé chiêm bao đang thấy nó chiêm bao! Thực tế có bao giờ Thạnh thấy mình đang nằm mộng? Triết gia Henri Bergson nhận định rằng “ngủ, tức là vô tư”, (dormir, c’est se désintéresser). Trong lúc ngủ, ý thức của chủ thể không còn bận tâm lo nghĩ đến một thực tại cần phải giải quyết tức thời nên ý thức mặc sức tha hồ tưởng tượng mặc sức rong chơi, không còn bận bịu lo nghĩ gì nữa. Trang Tử ngày xưa nằm mộng thấy mình hóa bướm. Lư Sinh nằm ngủ thấy mình là giấc mộng Nam Kha. Cặp tình nhân nằm mộng thấy cả hai người cùng nhau ái ân chăn gối, đồng mộng tương ân. Hai người cùng có một căn bệnh thể xác khiến hai người dễ dàng đồng cảm sự đau đớn , cảm thấy gần gũi nhau hơn: đồng bệnh tương lân.
Mùa hè năm ấy, Thạnh tốt nghiệp ra trường về dạy một ngôi trường tại địa phương nơi Thạnh đã từng chung sống, lớn lên. Dun dủi cơ may, Hướng cũng nộp đơn thi Tú Tài nơi thành phố Thạnh đang dạy. Năm đầu tiên mới ra trường làm nghề gõ đầu trẻ, Thạnh phải đi khá xa như Huế, Đà Lạt để làm công tác giám thị và giám khảo hội đồng khảo thí, không hi vọng gì Thạnh làm giám thị và giám khảo nơi thành phố Thạnh đang dạy. Sau độ vài năm Thạnh được làm giám thị và giám khảo tại chính nơi đang làm công tác giáo dục.Hướng lặng lẽ đóng vai sĩ tử tạm trú nơi nhà của Minh Châu ở Nha Trang, tình cờ tới nhà người bạn gái chơi, Thạnh mới vỡ lẽ, Thạnh biết có bổn phận có trách nhiệm phải làm, không làm được thì không xong đâu à nghen.
Rồi thì Hướng cũng đậu kết quả kỳ thi Tú Tài. Thật ra Thạnh cũng lo, rủi có bề gì thì thì xôi hỏng bỏng không, khổ cả hai, khổ cả gia đình, khổ tất cả mọi người, Thạnh trút được gánh nợ. Mỗi buổi chiều, Thạnh thường đưa Hướng ra phố ăn cơm, buổi sáng Thạnh cũng thường đón xe mô bi lét xanh đưa đi ăn sáng tại tiệm phở Hợp Lợi, hoặc Thạnh đưa điểm tâm ở khách sạn Đông Thành nằm trên đường Lê Lợi,hoặc nhà hàng Tàu Dân Thiên ở phố Độc Lập lúc nào cũng nườm nượp tấp nập đông thực khách. Vào ngày chủ nhật, Thạnh, Minh Châu cùng các bạn trai khác như Hùng rủ nhau đi bát phố Nha Trang, sau nữa là gián tiếp giới thiệu với người bạn gái cùng gia đình liên hệ đến Thạnh.
Thạnh vừa mới cầm đũa bắt đầu ăn bát phở trưa nay chợt có tiếng người muốn gọi điện thoại, Thạnh đành phải buông đũa, nghe, thì ra đó là tiếng nói của Tùng, một người bạn áng chừng ít ra cũng ngoài bảy chục. Tùng báo cho Thạnh biết, Phạm ngọc Đảnh, giáo sư Triết khóa I(ít nhất cũng ngoài bảy chục), hiện đang sống tại Đức quốc, đi nghỉ hè ở Úc với con cái anh em, đột nhiên Đảnh ngã gục mê man bất tỉnh rồi đi luôn không thở nữa.
Thạnh bất giác lắc đầu thở dài ngao ngán. Bát phở Thạnh đương ăn dở, giờ này bỗng trở nên nguội lạnh, Thạnh cố nuốt trôi cho qua bữa. Như thế là lần lượt người chết mỗi lúc một nhiều, một ngày Thạnh nghe một người đã chết, hôm sau nữa, một người đã lặng lẽ ra đi. Như Nguyễn văn Nghiện, nhà ở dưới con dốc cầu Bà Vệ làng Ngọc Hội, chết cách nay dễ đã ba năm. Như Tôn Thất Hà, ở tận tiểu bang Texas, chết đột tử trước lúc anh ta chuẩn bị lái xe chơi tennis thường nhật. Như Huỳnh Đức Phi, bệnh lâu ngày phải ra đi vì bệnh tim nan y hết thuốc chữa, và còn nhiều nhiều nữa, không thể kể xiết.Rồi ra Thạnh chắc chắn cũng sẽ chết không ngoại lệ không chừa một ai. Tham sinh úy tử. Tham sống sợ chết, động vật nào cũng sợ chết tham song không chừa một chúng sinh nào. Những hạng nhà giàu, những bậc vua chúa như Hốt Tất Liệt, như Thành Cát Tư Hãn vì sợ chết và mong muốn được song còn mãi mãi nên đã tích lũy chôn giấu vàng bạc tiền của lúc còn sinh tiền. Nói đâu xa, Tào Mạnh Đức tức Tào Tháo đã van xin năn nỉ lạy lục thiếu đường gãy cổ xin tha mạng sống ở Huê Dung lộ cùng với Quan Vân Trường đủ biết Tào Tháo sợ chết như thế nào rồi. Trong một chuyến máy bay Air Vietnam DC3 từ thời 1963-64 Thạnh cùng đi với một bạn đồng hành từ Nha Trang tới Huế làm công tác trong hội đồng giám thị kiêm giám khảo, người bạn đồng hành ấy là ông Nguyễn Bá Tiết. Trong chuyến bay, Thạnh và ông Tiết cùng ngồi bên cạnh, số ghế ngồi cũng tiếp theo. Trong lúc máy bay đang tiếp tục bay ngon trớn, động cơ nổ trên chiếc máy bay bỗng nhiên bị trục trặc, máy nổ tỏa khói đen, hành khách trong máy bay đều tỏ ý kinh ngạc lo sợ hốt hoảng, máy bay tròng trành chao lắc, hành khách xanh mặt nhắm mắt niệm Phật niệm chú, tín hữu công giáo Tin Lành liên tục cầu kinh làm dấu thánh giá liên tục như thể máy bay sắp rớt xuống đất tan thành mảnh vụn. Thời may chiếc phi cơ chỉ tròng trành chao đảo trong vài giây đồng hồ, phi công điều chỉnh lại vị trí quân bình, hành khách thở phào nhẹ nhõm tưởng như toàn thể nhân viên hành khách đi từ cõi chết trở về.
Ngồi trong ghế máy bay an toàn rồi, ông Tiết đưa ra một câu hỏi cho Thạnh đang ngồi trong ghế:
- Khi nãy , cậu có sợ chết không?
Như một phản ứng, Thạnh lắc đầu, trả lời:
- Không, mình không sợ chết.
Lại một lần nữa, ông Tiết đáp:
- Cậu không sợ chết hả, cậu chỉ nói dóc, mình không tin. Tới giờ phút cận tử lâm chung hấp hối, lão Thần Chết được trang bị bằng bộ xương trắng, tay lăm lăm cầm lưỡi hái cong vòng nhọn hoắc sẵn sàng đưa lưỡi hái ngọt xớt vào đầu, như vậy cậu có chút gì sợ chết không?
Thạnh không trả lời trực tiếp câu chất vấn của ông Tiết, liên tưởng
đến bài thơ ngụ ngôn của nhà thơ La Fontaine “ La Mort et Le Bucheron “ Thần Chết và lão Tiều Phu”:
Đành chết là hết nợ,
Vậy mà ai cũng sợ.
Mới hay chuyện thế gian:
Khổ mà sống còn hơn./.
Võ Doãn Nhẫn